eMagazine

"Giờ ngồi trên ghế bọc đệm êm ru như trên máy bay, cứ nghĩ đến ngày trước mà hãi: Vạ vật, chen nhau 4 người 1 giường; đến cái chỗ đứng cầm cọc truyền còn khó" – nữ bệnh nhân ung thư vú giai đoạn 3, quê ở Hà Nam cảm thán trong lúc điều dưỡng viên nhẹ nhàng cắm kim truyền. "Phòng truyền ngồi" mà chị Vân và các bệnh nhân khác đến điều trị được ra đời cuối năm 2016, là điển hình cho sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất của Bệnh viện K, sau chuyến vi hành đáng nhớ của Bộ trưởng Bộ Y tế sáng 8/12/2016.

NHỮNG CUỘC "VI HÀNH" TOÁT MỒ HÔI


10 giờ sáng 8/12/2016, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cùng đoàn công tác của Bộ Y tế có mặt tại Bệnh viện K, cơ sở Tân Triều, sau khi khảo sát Bệnh viện E.

Nữ Bộ trưởng duy nhất của Chính phủ khi đó không vội lên ngay phòng họp, chưa nghe lãnh đạo Bệnh viện K báo cáo, bà đến ngay khu vực Khám bệnh – nơi hàng ngày có khoảng 1.000 người chờ khám.

Bà hỏi chuyện một số bệnh nhân đang ngồi, đứng, vạ vật. Họ không giấu được sự mệt mỏi, sốt ruột. Một vài người nhận ra đó là Bộ trưởng Bộ Y tế. Họ cùng nhau "tố khổ", phàn nàn với vị tư lệnh ngành Y về tình trạng chen ngang khi khám, nằm ghép người, nhiều khoản chi "khó nói" và chờ đợi mệt mỏi để được khám hay lấy mẫu xét nghiệm.

Gương mặt nữ Bộ trưởng cau lại. Bà tỏ vẻ không hài lòng với sự sắp xếp thiếu khoa học của Bệnh viện này, dù đây là cơ sở mới đưa vào hoạt động, khang trang, hiện đại.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 1.

Người bệnh và người nhà vây xung quanh Bộ trưởng cùng đoàn công tác tại Bệnh viện K, tháng 12/2016.

Thấy một nhóm người nhà bệnh nhân ngồi la liệt dưới chân cầu thang, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chủ động đến hỏi chuyện. Họ đều là những người đi chăm nom bệnh nhân tại bệnh viện, nhưng tiếc tiền thuê phòng nên ngủ hành lang bệnh viện. Họ mơ đến một nhà lưu trú trong bệnh viện để tiện bề chăm sóc người nhà.

Tại Khoa Nội 2 (ung thư đầu mặt cổ), Bộ trưởng rất bức xúc khi tận mắt chứng kiến 4 người bệnh chung nhau một giường, gồm bệnh nhân nội và ngoại trú.

Phê bình lãnh đạo Bệnh viện ngay tại trận, Bộ trưởng thẳng thắn: "người khoẻ còn không chịu đựng nổi nữa là bệnh nhân".

GS.TS Trần Văn Thuấn, khi đó vừa nhậm chức Giám đốc Bệnh viện K đúng 2 tháng, nhận ngay khuyết điểm. Nhiều người bất ngờ, thậm chí "toát mồ hôi" khi chứng kiến cảnh Bộ trưởng gay gắt với những hạn chế của Bệnh viện K khi đó.

"Thời điểm năm 2015-2016, tình trạng quá tải trầm trọng xảy ra ở 3 cơ sở, công suất giường bệnh luôn từ 200-300%. Chỉ số chất lượng bệnh viện năm 2016 ở mức 2,56/5, tương đương mức độ hài lòng người bệnh chỉ đạt 51,6%. Rất thấp"- ông Thuấn nhớ lại. 

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 2.

Rời Bệnh viện K, Bộ trưởng Bộ Y tế đến ngay Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Bệnh nhân khu khám bệnh vây quanh người đứng đầu ngành Y tế. Họ thật thà chia sẻ với Bộ trưởng về những điều họ tâm đắc khi ở đây. Bà mỉm cười khi thấy có bệnh nhân cùng quê, cùng tuổi nói: "Muốn bệnh viện nào cũng như chỗ này".

"Nhưng Bộ trưởng vẫn muốn bệnh viện phủ xanh hơn con số 30% lúc đó, tăng số lượng cây xanh; Giám sát chặt hơn nhà vệ sinh bệnh viện, kiểm soát nhiễm khuẩn. Nghĩa là ngày càng phải hoàn thiện môi trường xanh – sạch – đẹp, không được phép dừng lại" – BS Nguyễn Viết Thành, Trưởng phòng Quản lý chất lượng bệnh viện, nhớ lại.

Một tháng sau chuyến thị sát một loạt bệnh viện Trung ương, hệ thống y tế dự phòng, Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục đến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Y tế thăm bệnh nhi tại Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội)

Những người tham gia đoàn công tác nhớ rất rõ Bộ trưởng đi khắp khuôn viên bệnh viện này, từ khu Khám bệnh, đến căng tin..., phát hiện từng chậu cây khô nước lá rụng lả tả, biển báo phản cảm, bố trí khu vực khám bệnh nhếch nhác, bộ phận thu viện phí thiết kế khiến bệnh nhân phải khom lưng, cúi mình xuống mới đóng được tiền…, rất không thân thiện.

Những điều đó, nếu tiếp xúc hàng ngày, nhiều nhân viên y tế, thậm chí lãnh đạo Bệnh viện, sẽ thấy… quen đến mức không nhận ra điều chưa hoàn thiện của mình.

CUỘC "LỘT XÁC" BẮT ĐẦU

 "Chiều cùng ngày, sau buổi thị sát của Bộ trưởng, cuộc họp khẩn giữa Đảng uỷ, Ban Giám đốc, lãnh đạo chủ chốt các khoa, phòng diễn ra. Rõ ràng là Bệnh viện có quá nhiều tồn tại, không có lý do gì để biện bạch, lảng tránh thiếu sót. Cải tiến lúc này là việc buộc phải làm, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương", GS.TS Trần Văn Thuấn, nhìn nhận sau 3 năm bệnh viện "lột xác".

Ông Thuấn thẳng thắn thừa nhận, trước đó, phần nhiều cán bộ y tế ở đây có tâm thế trì trệ hơn so với một số bệnh viện khác, mang nặng tư duy ban phát cho người bệnh. Vì vậy, tư duy đó phải bỏ ngay. "Lấy người bệnh làm trung tâm" không phải là khẩu hiệu nữa mà tư duy quản lý bệnh viện hiện đại phải như thế.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 4.

Nhiều bệnh viện trang bị hàng ghế chờ "như ở sân bay" cho bệnh nhân khám

Khi 7 cán bộ, nhân viên y tế có thái độ ứng xử không tốt với bệnh nhân bị kỷ luật. Bệnh viện yêu cầu các điều dưỡng gặp bệnh nhân phải chào hỏi. "Nhân viên ban đầu nói "ngại vì chưa quen" – ông Phạm Minh Tuấn, Trưởng phòng Điều dưỡng bệnh viện nói – "nhưng Bệnh viện vẫn kiên trì thực hiện".

Các khoa phòng kê thêm giường nội trú, phân chia giờ khám bệnh hợp lý hơn. Mỗi khoa tổ chức thêm một phòng ngoại trú với 20 ghế để người bệnh có thể ngồi, nằm truyền dịch; một ngày luân chuyển được hơn 100 bệnh nhân. Nhờ đó, những bệnh nhân như chị Vân thoát cảnh ngồi vạ vật, đến chỗ đứng cầm cọc truyền cũng không có như trước… Còn người nhà của chị được ở trong nhà lưu trú, ngay trong khuôn viên bệnh viện với giá rất rẻ. Nhà lưu trú đó được khánh thành, gần 3 tháng sau chuyến thị sát của Bộ trưởng.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 5.

Nhà lưu trú cho người nhà bệnh nhân ở Bệnh viện Việt Đức. Tại nhiều bệnh viện như: Bệnh viện K, bệnh viện Nhi trung ương, bệnh viện E... cũng xây dựng nhà lưu trú.

Đặc biệt, nhân viên y tế tại đây được yêu cầu đi làm sớm hơn, từ 6h sáng. Điều đó có nghĩa là một số bộ phận phải đi làm từ hơn 5 giờ sáng. Người đứng đầu Bệnh viện K cũng thừa nhận, ban đầu việc này rất khó khăn, phải làm từng bước một, quan trọng là "đả thông tư tưởng", khuyến khích cán bộ nhân viên trong đó có bồi dưỡng chế độ.

Anh Mạnh, một nhân viên phòng Công tác xã hội, tổ Hướng dẫn người bệnh, mới được điều động từ cơ sở 1 Quán Sứ sang hỗ trợ cơ sở 3 Tân Triều cho biết, 3 năm, nhiều nhóm nhân viên trong phòng cũng quen với việc làm việc từ 5 giờ sáng.

"Giờ anh em trong viện còn xin đi làm sớm" – GS Thuấn chia sẻ.

Ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương, sau cuộc thị sát của Bộ trưởng và nhiều cuộc họp riêng về nhà vệ sinh với câu nói nổi tiếng "Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn tức là giám đốc bệnh viện ở bẩn" của Bộ trưởng, Bệnh viện càng đẩy mạnh việc "chăm lo" công trình không hề phụ này.

100% buồng bệnh ở Bệnh viện này có nhà vệ sinh, được lau dọn, đổ rác 2 ngày/lần. Trung bình mỗi ngày, có 3 nhóm cán bộ phải đi kiểm tra nhà vệ sinh, tổng cộng 6 lần, gồm Phòng Quản lý chất lượng, Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn và điều dưỡng trưởng các khoa. Số lần kiểm tra này, nhiều hơn con số 4 được báo cáo với Bộ trưởng Bộ Y tế trong lần bà thị sát Bệnh viện.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 6.

Nhà vệ sinh được chia rõ nam – nữ riêng biệt, đảm bảo tính riêng tư, có gắn biển, trang bị giấy vệ sinh, thùng rác đầy đủ, xà phòng, đặc biệt, trang bị hệ thống thân thiện với người già như tay vịn, thảm chống trượt. Bệnh viện còn có nhà vệ sinh cho người tàn tật.

"Nếu để nhà vệ sinh có mùi, Giám đốc Bệnh viện sẽ phạt nặng" – BS Nguyễn Viết Thành chia sẻ. Thực tế là đã có lãnh đạo khoa, phòng, tổ, bị phạt thưởng tới gần 1,5 triệu đồng/tháng.

"Chẳng ai muốn mang tiếng "Nhà vệ sinh bẩn tức là giám đốc, trưởng khoa ở bẩn" cả", BS Thành nói. Bệnh viện Nội tiết Trung ương trở thành một trong số ít những cơ sở y tế có nhà vệ sinh cho người khuyết tật và là hình mẫu để nhiều đơn vị khác học tập theo hướng cải thiện điều kiện nhà vệ sinh cho bệnh nhân.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 7.

Nhìn nhận ở góc độ khác, TS Phan Hướng Dương, Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho rằng, một môi trường sạch, không gian xanh không chỉ tốt cho bệnh nhân, mà cho cả chính nhân viên y tế - những người gắn liền với bệnh viện hơn 8 tiếng/ngày – cũng cần được thụ hưởng không gian đó.

Vì thế, tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương, nếu năm 2016, tỷ lệ phủ cây xanh chỉ 30% thì đầu năm 2017 có 279 cây, đạt 69,75% (bao gồm cả cây trồng trong nhà), đến hết năm đã có gần 400 cây, đạt hơn 91% theo quy hoạch cây xanh, đạt số điểm tối đa 15/15 về nội dung xanh. Hàng năm, tổng chi phí để duy trì xanh – sạch – đẹp – thân thiện của bệnh viện này lên tới hàng chục tỷ đồng.

Nói bệnh viện là bộ mặt của ngành Y tế thì khu khám bệnh là bộ mặt của bệnh viện. Đó là lý do, đây là điểm dừng chân không thể thiếu mỗi lần Bộ trưởng đích thân tới thị sát, kiểm tra từ bệnh viện Trung ương tới địa phương. Đây cũng là nơi cần được thay đổi nhiều nhất, từ những điều nhỏ nhặt.

Chúng tôi gọi đó là điều nhỏ nhặt, bởi thực tế không phải ai cũng để ý, nhìn ra. Đó có thể là từng bình hoa, tiểu cảnh, hàng cây xanh mướt trong hành lang khu vực chờ khám; dãy ghế tựa như phòng chờ sân bay; những biển chỉ dẫn hay vạch kẻ hướng dẫn người bệnh dưới sàn nhà; hay nhà vệ sinh sạch sẽ; bệnh viện không còn mùi đặc trưng… đến cái mỉm cười chào hỏi, lời hỏi thăm "chạm vào trái tim" của nhân viên y tế.

"Những điều rất nhỏ, nhưng là diện mạo của bệnh viện" – Bộ trưởng Bộ Y tế nhắc rất nhiều lần. Bà kỳ vọng, việc thay đổi không chỉ ở phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, mà chính từ những điều ít ai để ý.

Để phủ rợp màu xanh trong khuôn viên, nhiều bệnh viện đã mạnh tay chi tiền tỷ đầu tư hệ thống cây xanh trong mỗi khoa phòng, tạo những "tiểu cảnh" bắt mắt cho bệnh nhân nghỉ ngơi...

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 8.

Bệnh viện K trang bị máy sưởi xua tan giá lạnh cho bệnh nhân phòng điều trị ban ngày

Lãnh đạo Bệnh viện Da liễu Trung ương cho hay, chi phí để giữ màu xanh cho bệnh viện lên tới cả trăm triệu đồng/tháng. Số tiền không hề nhỏ, nhưng là điều không thể thiếu để cung cấp không gian xanh cho bệnh nhân và nhân viên y tế cùng thụ hưởng. Nhiệm vụ "phủ xanh" cũng được giao về từng khoa phòng, tạo các góc xanh thân thiện.

Cũng là bệnh viện đầu tư tiền tỷ mỗi năm cho việc mua mới và chăm sóc cây xanh trong khu vực khám, chữa bệnh, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (một bệnh viện thuộc Bộ Y tế đóng trên địa bàn Quảng Ninh) đã níu chân bệnh nhân yên tâm điều trị. Tại đây, một màu xanh được phủ rộng. Các khu vực đón tiếp, sảnh chờ, hành lang chung đều được đặt chậu hoa, cây cảnh xanh tươi.

Tại các bệnh viện như Bạch Mai, Việt Đức, E, Trung ương Huế... nhà vệ sinh cũng sạch sẽ hơn, thậm chí còn có vòi rửa tay cảm ứng, máy sấy khô tay. Nhân viên vệ sinh không chỉ "tua" một vòng các hành lang buồng bệnh mà còn túc trực dọn vệ sinh, đảm bảo nhà vệ sinh bệnh nhân không có mùi. Ngoài dọn dẹp, nhân viên y tế cũng nhắc nhở, hướng dẫn người bệnh và người nhà người bệnh giữ gìn vệ sinh, sau khi đi vệ sinh phải rửa tay sát khuẩn.

ĐBQH Đỗ Văn Sinh, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

"Những năm gần đây, thẳng thắn nhìn nhận, tôi cho rằng ngành Y tế đã có nhiều đổi mới và những cải thiện nhất định. Là một người dân khi vào viện dễ dàng cảm nhận được chất lượng phục vụ của nhiều bệnh viện đã tốt hơn, từ cơ sở vật chất, chỗ ngồi, cảnh quan đã sạch sẽ hơn, cho đến thái độ của các y bác sĩ bước đầu cũng có những thay đổi phải ghi nhận.

Có những tiểu tiết nhỏ thôi nhưng tôi thấy cần phải kể đến, đó là khi vào các bệnh viện bây giờ, sự thay đổi về cảnh quan có thể nhìn thấy từ ngay các khu nhà vệ sinh. Cũng giống như ngôi nhà của chúng ta thôi, từ chỗ nhỏ nhất là nhà vệ sinh mà sạch sẽ thì chắc là các nơi khác trong ngôi nhà đó cũng sẽ sạch sẽ. Nhỏ thôi nhưng đây lại là vấn đề cực kỳ quan trọng để giảm bức xúc của người bệnh, và ngành Y tế đã làm tốt từ những khâu nhỏ nhất này".

Từng chia sẻ rất nhiều lần, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói khi thị sát các bệnh viện, bà luôn có thói quen vào nhà vệ sinh để kiểm tra bởi những chi tiết nhỏ sẽ quyết định chất lượng cơ sở y tế, quyết định việc chăm sóc từ chi tiết nhỏ nhất cho người bệnh ra sao.

"Cái nhỏ nhất, nhưng nó thể hiện diện mạo của bệnh viện, sự chăm sóc cho bệnh nhân từ những sinh hoạt hàng ngày thiết yếu nhất. Nhà vệ sinh bệnh viện sạch, chắc chắn phòng ốc, khoa phòng cũng sẽ sạch", Bộ trưởng cho hay.

Vì thế, người đứng đầu ngành Y tế cũng yêu cầu, tiêu chí nhà vệ sinh sạch là một điểm quan trọng khi chấm chất lượng bệnh viện. Bởi theo bà, không thể vẫn để tình trạng nhà vệ sinh bẩn mà vẫn đạt điểm chất lượng bệnh viện cao.

Ai cũng biết, trong bệnh viện, đảm bảo được vấn đề nhà vệ sinh sạch, giường chiếu sạch, phòng bệnh sạch, bàn tay sạch sẽ góp phần đảm bảo công tác an toàn người bệnh. Đó cũng là nguyên tắc hàng đầu của thực hành y khoa: "Điều đầu tiên không gây tổn hại cho người bệnh".

HÀNG LOẠT DỊCH VỤ MỚI CHĂM SÓC TINH THẦN NGƯỜI BỆNH

Tiến trình lột xác từ những điều nhỏ nhất tại các bệnh viện ở Việt Nam không dừng lại ở những chăm sóc vật chất, đáp ứng điều kiện vệ sinh, nước uống miễn phí, suất ăn đủ dinh dưỡng ngay tại viện. Họ còn "lột xác", chiếm cảm tình của người bệnh từ chính những chăm sóc tinh thần. Để có những ý tưởng chăm sóc đó, những cán bộ, nhân viên y tế không có lựa chọn nào khác là xuất phát từ chính sự thấu hiểu, sẻ chia.

Năm 2016, Thông tư 45 do Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến ký ban hành, quy định về nhiệm vụ và hình thức tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác xã hội của bệnh viện chính thức có hiệu lực. Hàng loạt các bệnh viện triển khai bài bản công tác xã hội. Hàng loạt "dịch vụ miễn phí lạ", "tiện ích lạ" ra đời từ đó…

Tháng 7/2018, bệnh nhân ở Khoa Ghép tế bào gốc và Khoa Điều trị hóa chất của Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương có thêm một niềm tự hào để chia sẻ với bệnh nhân khoa khác: Đó là lớp học yoga miễn phí họ được tham gia hàng tuần.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 10.

Bà Vui phấn khởi mỗi lần được tham gia lớp yoga tại bệnh viện

Những động tác hít thở, uốn nhẹ nhàng hay kéo căng giãn cơ nhưng rất dễ chịu là động lực để bà Nguyễn Thị Vui (SN 1961) – một bệnh nhân Khoa Điều trị hóa chất "mong mỏi" hàng ngày, hàng tuần. Chúng khiến người phụ nữ gốc Hà Nội này cảm thấy thoải mái và thư giãn, quên đi nỗi đau bệnh tật.

Nghe bà Vui chia sẻ, bà Dương Thị Năng cũng hăng hái theo. Nữ bệnh nhân khoa Bệnh máu tổng hợp này từng mòn mỏi chờ qua ngày, cảm giác "thời gian như chết đi" sau mỗi liệu trình điều trị. Từ ngày có lớp yoga, có thêm bạn, bà Năng vui vẻ hẳn. Quấn vội chiếc khăn trên đầu để che đi mấy vạt tóc lơ thơ, hậu quả nhiều lần vào thuốc, bà nói phải tới lớp nhanh để tận hưởng "thú vui" trong những ngày ở viện.

Với những bệnh nhân ấy, để yêu đời, đỡ buồn phiền, đơn giản chỉ là những động tác yoga nhẹ nhàng – điều đã được nhân viên Phòng Công tác xã hội Bệnh viện lắng nghe, thấu hiểu.

Ông Lê Doãn Chành đến giờ vẫn kể với bà con hàng xóm về những tháng ngày điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Hôm 27/7, kỷ niệm ngày Thương binh - Liệt sĩ, cựu chiến binh 65 tuổi quê Thái Bình này được mời đến hội trường lớn Bệnh viện Bạch Mai cùng hàng chục bệnh nhân khác, tham dự chương trình cắt tóc gội đầu miễn phí, cũng là để cán bộ y tế tỏ lòng tri ân những gia đình có công với cách mạng.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 11.

Cắt tóc, gội đầu miễn phí cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai

Ở Bệnh viện Bạch Mai, nhiều bệnh nhân quen và háo hức chờ "Ngày thứ Bảy yêu thương" mỗi quý. Đó là ngày họ được cắt tóc, gội đầu miễn phí, được sinh hoạt văn nghệ, lại còn được nhận quà động viên. Còn tại Bệnh viện 108, đều đặn mỗi ngày 2 buổi, sáng từ 10-12h, chiều từ 15-17h, các nghệ sĩ của Học viện Âm nhạc Quốc gia, Trung tâm Âm nhạc tại Hà Nội sẽ đến biểu diễn.

Bệnh nhân, người nhà sẽ đắm mình trong các bản nhạc - những bài ca đi cùng năm tháng, nhạc dân ca, nhạc giao hưởng nước ngoài nhẹ nhàng. Họ còn được đề nghị nhạc công đệm đàn piano để cùng hoà giọng. Họ hát cho nhau nghe để xua đi những mệt mỏi vì bệnh tật.

Bệnh viện sở hữu toà nhà 22 tầng khang trang nhất cả nước này cũng thiết kế hệ thống âm thanh dọc hành lang, phát nhạc lời với mong muốn mang âm nhạc đến tận giường cho bệnh nhân, giúp những người không thể tận mắt nhìn ngắm nhạc công biểu diễn. Việc mang âm nhạc đến bệnh viện không chỉ tạo ra môi trường văn hóa, không gian âm nhạc mà còn giúp chính nhân viên y tế bớt căng thẳng…

NỤ CƯỜI NGƯỜI BỆNH LÀ ĐÍCH ĐẾN CHO MỌI SỰ ĐỔI THAY

 Trên cả nước hiện có khoảng 14.000 cơ sở y tế, trong đó có hơn 1.400 bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh công lập, với hàng trăm nghìn lượt bệnh nhân nội trú, ngoại trú mỗi ngày. Người đứng đầu ngành Y tế từng nhiều lần nhấn mạnh, sự hài lòng người bệnh là đích đến cho mọi nỗ lực của ngành Y.

Điều này có nghĩa là "Hài lòng người bệnh" không phải chỉ là cuộc vận động để thay đổi thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hay bệnh viện nâng cao chất lượng, cải thiện môi trường xanh – sạch – đẹp. Đó là đích đến của nền y tế hiện đại, văn minh.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 12.

Ông Nguyễn Đức Khảm, một người có thâm niên gần 7 năm điều trị ung thư đại tràng ở Bệnh viện K rất yên tâm mỗi lần đi từ Quảng Ninh lên Hà Nội vào thuốc. "Thầy thuốc giỏi, thuốc tốt, cơ sở vật chất tốt" là những gì ông cảm nhận được sau chừng ấy năm kiên trì, nhất là từ gần 3 năm nay.

"Tôi 2 lần phải đại phẫu, cắt gan, cắt một phần đại tràng. Vào thuốc hơn 6 năm nay rồi, 2 tháng trước, tôi chụp PET CT toàn thân, tình trạng bệnh ổn định" – ông khoe. Thuốc đích bác sĩ kê cho ông giúp bệnh nhân không phải ra nước ngoài điều trị, lại không làm ông rụng tóc, không mệt mỏi, thậm chí người đàn ông 70 tuổi, từng có 26 năm làm quản lý giáo dục này còn có thể tự lái xe về nhà sau 2 tiếng truyền thuốc.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 13.

Người thầy giáo nguyên là Hiệu trưởng Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh này nói "kể không hết" những ấn tượng với sự nhiệt tình với bệnh nhân từ điều dưỡng, bác sĩ, trưởng khoa ở Bệnh viện K.

Ông không nhớ đầy đủ tên vị bác sĩ tên Bình - Trưởng khoa nơi ông điều trị, chỉ nhớ sáng nào đi thăm bệnh nhân cũng động viên: "A, bác khoẻ chứ, trông bác hôm nay khá hơn nhiều đấy! Da dẻ đẹp, bác ngủ được không?" 


"Một câu thôi nhưng tác động "ghê gớm" đến người bệnh, nhất là những người bị ung thư như chúng tôi" – ông Khảm cảm động nói.

Khi Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến thị sát Bệnh viện Nội tiết Trung ương cũng là thời điểm bà Nguyễn Thị Bay, 65 tuổi đang điều trị bệnh tiểu đường, tuyến giáp tại tầng 9, nhà B.

Người phụ nữ từng đi 14 bệnh viện chỉ trong 8 năm này nói điều bà ngưỡng mộ nhất là chưa từng thấy bệnh viện nào đảm bảo vệ sinh sạch sẽ như ở đây – nơi bà đã gắn bó hơn 3 năm. Bệnh khiến người phụ nữ ngoại thành Hà Nội này tháng nào cũng phải đến viện. Ngày trước, bà sợ hãi đi viện vì nhiều lý do, trong đó có lý do: Nhà vệ sinh bẩn. Giờ, mỗi lần đến lịch đi bệnh viện Nội tiết Trung ương, bà đều bảo bạn bè "đi nghỉ dưỡng".

"Mưa rét không biết, nắng nóng không hay vì điều hoà nhiệt độ ổn định. Vào khoa này (Y học cổ truyền) lại thường xuyên có mùi thơm thảo dược. Không nghỉ dưỡng thì là gì!" – bà cười lớn. Vừa quay sang nói chuyện với ông Phạm Trung Tắc, bạn đồng niên, bà Bay bảo, vào viện còn vui hơn ở nhà, mấy tuần về nhà, bà còn thấy nhớ viện.

Ông Tắc, quê ở Nam Định, cũng bị biến chứng tiểu đường, liệt chân 9 năm trước. Ông cho biết vài năm trước, mỗi lần ông vào viện là cả nhà lo lắng. Mọi người đôn đáo sắp xếp công việc vào chăm ông. Vợ ông đi chăm chồng cũng cực khổ khi phải cơm hàng cháo chợ, lại phải cân đo từng món ăn cho chồng tiểu đường. Bà sợ mùi bệnh viện đến nỗi nước cũng không dám uống khi ở trong buồng bệnh.

Khoảng 3 năm nay, ông Tắc là bệnh nhân "chuyên nghiệp" ở Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Người chiến binh già ấn tượng với phòng bệnh sạch sẽ ngăn nắp, cây xanh phủ 90% bệnh viện. "Đặc biệt nhà vệ sinh không có mùi hôi" – ông Tắc nhấn mạnh.

Cuộc lột xác từ những điều “ít ai để ý” của ngành Y - Ảnh 14.

Một ngày, nhân viên bệnh viện sẽ "tua" một vòng ghi yêu cầu suất cơm của bệnh nhân và người nhà để đúng giờ chuyển tận nơi. Vợ ông, vì thế cũng không cần thiết phải có mặt 24/24 cạnh chồng. Bà còn có thể ăn uống thoải mái – điều không thể làm ở các viện trước đó.

Biết sắp được ra viện, ông Tắc gọi điện cho vợ, khoe lớn: "Bệnh viện gì mà sạch như công viên. Nhà vệ sinh sạch lắm! Còn có cây hoa ngọc lan bà vẫn thích đấy! Bà với các con không phải lên chăm tôi đâu, đúng ngày lên đón tôi về là được". Mọi người trong buồng bệnh với ông cười hể hả. Rất nhiều bệnh nhân tại đây có thể "tự thân vận động" với sự hỗ trợ đầy đủ của nhân viên y tế, hạn chế được số người nhà ở viện.

Thấy bác sĩ, nhân viên y tế, bệnh viện chuyên nghiệp, những bệnh nhân như bà Bay, ông Tắc tự bảo nhau sẽ chuyên nghiệp hơn, không xả rác bừa bãi, cùng nhau giữ gìn bệnh viện…

Những người không may mắc bệnh, gắn liền cuộc đời còn lại với bệnh viện như ông Khảm, ông Tắc, bà Bay hay chị Vân có lẽ không biết hết những phương pháp tân tiến các bác sĩ chữa trị bệnh cho họ. Nhiều người cũng không biết chuyện bác sĩ phải đi làm từ 5-6 giờ sáng. Nhưng chính họ - những người "đi viện chuyên nghiệp", là người thấu rõ nhất sự đổi thay của ngành Y bằng trải nghiệm thực tế. Họ tin, với thuốc tốt, sự đồng hành của y bác sĩ, với đà cải tiến chất lượng, tự mình lột xác của cơ sở y tế trong những năm gần đây, họ có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật. Nụ cười của họ, cũng là động lực để ngành Y tế cải tiến nhiều hơn…

Võ Thu
Chí Cường
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện

Y tế - 1 ngày trước

Sau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'

Y tế - 1 ngày trước

Nam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn

Y tế - 1 ngày trước

Trong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này

Y tế - 1 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm

Y tế - 2 ngày trước

Nam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2

Y tế - 2 ngày trước

GĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết

Y tế - 3 ngày trước

GĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore

Y tế - 4 ngày trước

Sốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.

Top