eMagazine

40 tuổi, 70cm, 14 kg


Đó là lời giới thiệu quen thuộc, ngắn gọn và đầy đủ mà chị Nguyễn Thị Hòa dành để giới thiệu về mình. Nhưng, ít ai biết rằng sau những lời giới thiệu đó là cả một chuỗi những bất hạnh mà chị đã phải trải qua.

Chị Hòa sinh năm 1980, bị loãng xương bẩm sinh từ nhỏ nên cơ thể không thể phát triển bình thường như mọi người. Dù đã 40 tuổi nhưng nhìn chị chỉ như một đứa trẻ hai tuổi. Căn bệnh đó khiến chị không thể đứng cũng không thể ngồi mà chỉ có thể nằm một chỗ. Cuộc sống của chị lệ thuộc hoàn toàn vào những người xung quanh.

Chị Nguyễn Thị Hòa đã có những tháng ngày tuổi thơ hạnh phúc. Nhưng điều đáng buồn nhất với cô bé Hòa ngày đó không phải là căn bệnh của chính mình mà là sự kỳ thị của nhiều người. Ở làng chị, nhiều người cho rằng, chị là người đem đến vận hạn cho gia đình, làng xóm. Bố mẹ chị đã không ít lần nuốt nước mắt vào trong khi nghĩ đến gièm pha của mọi người.

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 1.

Thế là cũng từ đó, cô bé Hòa tội nghiệp bị "cấm túc" trong nhà với chiếc giường vỏn vẹn 2 mét vuông. Cả thế giới của chị thu nhỏ lại bằng cái ô cửa sổ bên cạnh giường. Thương con cơ cực, bố chị trồng thêm một cây xoan bên cạnh để tiện che nắng, che mưa cho con.

May mắn nhất với chị Hòa có lẽ là được cạnh bên bà nội. Với chị, bà nội là mọi lẽ sống. Bà nội đã dũng cảm cùng chị để vượt qua những kỳ thị mà mọi người dành cho đứa cháu nhỏ của mình. Trong ký ức của chị, bà nội to lớn và vĩ đại lắm: "Bà là chân, là tay của mình. Bà dạy mình mọi điều trong cuộc đời, là cánh cửa để mình bước ra thế giới".

Hai bà cháu chị cứ thế rau cháo, tảo tần nuôi nhau trong căn nhà đơn sơ và giản dị. Bà gọi chị là công chúa. Bởi, chị được bà chiều, mọi thứ có bà lo. Thế đấy, chẳng có thứ gì cao thượng và quý giá hơn trên đời này bằng tình thương thực sự.

Nhưng, quãng bình yên đó cũng chỉ kéo dài đến năm chị 32 tuổi. Bà nội chị đã ra đi mãi mãi. Nhớ lại khoảnh khắc đau buồn nhất trong cuộc đời mình, giọng chị nghẹn đi, nước mắt như tan vào trong sẻ chia: "Bà mất tôi cũng muốn chết theo. Tôi không còn dám nghĩ đến những ngày tiếp. Nhiều lúc muốn kết liễu đời mình cho xong nhưng nghĩ đến bố mẹ lại đành thôi".

32 tuổi mới bắt đầu tự học chữ

Phải mất cả năm trời thì chị Hòa mới có thể quen với cái cảm giác cô đơn khi không có bà bên cạnh. Đúng lúc khủng hoảng nhất, một người chú tốt bụng đã tìm đến tặng chị một cuốn sách kèm lời khuyên: "Cháu thử một lần bước ra cái giường này xem. Đau khổ cũng không thể làm được gì. Bố mẹ, anh em có thương cháu mấy cũng không thể sống cùng cháu mãi được".

Như cảm được lời khuyên, Hòa đã quyết định bắt đầu lại mọi thứ của chính mình. Chị nghĩ rằng cầu nối lớn nhất để chị có thể hòa nhập với mọi người chính là việc học chữ. Nhà nghèo, không có tiền để mua sách học, chị gom góp hết tất cả số tiền được hỗ trợ hàng tháng từ xã để nhờ người mua sách cũ.

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 2.

Khi biết con gái có ý định học hành, bố chị sợ ảnh hưởng đến sức khỏe của chị nên đã từng gay gắt: "Con như thế này thì đi đâu được mà phải học cho cực, không học hành gì cả". Điều đó khiến chị Hòa càng thêm áp lực và trăn trở việc làm thế nào để khiến bố có thể yên tâm hơn về lựa chọn của chính mình. Với một người bình thường ở cái tuổi như chị thì việc học cũng nhiều gian nan còn với chị việc học là cả một sự đánh đổi.

32 tuổi, chị Nguyễn Thị Hòa bắt đầu học những dòng chữ đầu tiên trong cuốn sách Tiếng Việt 1. Trong cái thế giới tĩnh mịch của căn nhà nhỏ bình yên nơi chị ở lại có thêm âm thanh mới lạ. Âm thanh đánh vần học chữ của một người phụ nữ trung niên đang nỗ lực trong hành trình bắt đầu một cuộc sống mới.

Bị gia đình phản đối nên chị phải học trong sự lén lút, sợ hãi. Trong những hoài niệm về quãng ký ức đặc biệt đó, chị tâm sự: "Bố mẹ không cho tôi học nên nhiều đêm tôi phải giở trộm sách để đọc. Khi thì trốn trong chăn dọi đèn pin, khi lại hứng ánh trăng để nhìn cho rõ. Điều kỳ lạ là càng trong hoàn cảnh đấy tôi lại càng thấy mình đầy quyết tâm. Quyết tâm làm bằng được để thay đổi cuộc đời".

Chị Hòa đã làm được. Có khiếu về chữ nghĩa nên mấy tháng sau chị đã có thể đọc thông, viết thạo. Điều đặc biệt nhất là chị Hòa có niềm đam mê rất lớn với những tác phẩm văn học. Chị thích nhất cuốn "Nhật ký trong tù" do Bác Hồ viết. Chị đã dành 3 ngày, 3 đêm để đọc cho kỳ hết tập thơ đó. Đọc hết những cuốn sách được tặng chị lại dành dụm tiền trợ cấp để có thể nhờ những học sinh trong xóm mua tiếp những cuốn sách cũ.

"Việc đọc rất quan trọng. Nếu bạn biết cách đọc, cả thế giới sẽ mở ra", câu nói nổi tiếng về đọc sách của cựu Tổng thống Mỹ Brack Obama đúng một cách tuyệt đối với chị Hòa. Chị say sưa trong những điều mà chị chưa từng biết. Những cuốn sách mở ra trong chị phần còn lại của thế giới mà một người phụ nữ 32 năm nằm liệt trong nhà không thể cách nào mường tượng được.

Khát vọng "Tôi không tật nguyền!"


Học được chữ, đọc được nhiều tấm gương trong sách, Nguyễn Thị Hòa lại muốn làm chủ cuộc đời của chính mình. Chị muốn được mọi người công nhận mình là một người không tật nguyền và có ích cho xã hội.

Vốn sáng dạ lại được các trẻ em trong xóm hướng dẫn, chị cũng mày mò sử dụng được điện thoại và lập được cả trang Facebook cá nhân. Từ đó, nhiều người biết đến chị hơn. Vượt qua những mặc cảm, chị mở lòng hơn với chính mình. Nhiều người vốn không quen biết nhưng trò chuyện, tiếp xúc với chị qua mạng xã hội rồi trở thành tri kỷ với chị lúc nào không hay. 

Có nhiều người đã 10 năm có lẻ đồng hành cùng chị. Người ở gần thì dăm bữa nửa tháng, người phương xa thì có khi vài năm mới gặp. Họ gặp chị, dăm ba câu chuyện phiếm nhưng chừng đấy cũng đủ để cứu rỗi một người như chị. Bởi với chị sự cô đơn còn đáng sợ hơn cả bệnh tật.

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 3.

Được sự gợi ý của nhiều người, chị mày mò tập làm hoa giấy với mong muốn có thể tự nuôi được bản thân. Sau nhiều mày mò, nỗ lực những bông hoa đầu tiên cũng thành hình. Khoảnh khắc đó, chị như muốn hét lên với cả thế giới: "Tôi đã sống rồi!". Đó là cảm xúc dễ hiểu trong sự hồi sinh của một người vốn sống mòn, sống bám trong chính cuộc đời của mình.

Nhưng để có thể có những sản phẩm hoàn thiện hơn, chị cần sự chung tay của nhiều người. Những người bạn cùng cảnh ngộ trong xóm, trong xã của chị khi nghe được mong mỏi của chị đã sẵn sàng tham gia. Học nghề và làm ra sản phẩm đã khó nhưng để bán được những sản phẩm đầu tiên ấy lại càng khó hơn.

Chị và những người bạn cùng mang những sản phẩm của mình ra chợ trong làng để bán với tâm trạng đầy sự phấn khởi và tự hào. Có lẽ, trong tất cả dự tính chị cũng chẳng bao giờ mường tượng được tình huống đang xảy ra với mình.

"Con dị hình nó đi chợ kìa. Tao thà lên huyện mua có đắt hơn chứ cũng không mua hoa khuyết tật", "Mua hoa khuyết tật thì khó ba đời", "Bọn mày ở nhà đi chứ ra đây làm gì", đó là những lời nói cay nghiệt của một số người khi thấy chị bán hoa giấy. Cuộc trò chuyện của chúng tôi chùng xuống, đứt đoạn vì chị không thể kìm lòng khi nhắc lại chuyện cũ.

"Hóa ra, họ nghĩ rằng chúng tôi là những người mang đến bất hạnh nên những sản phẩm của chúng tôi cũng vậy. Cả thế giới như sụp đổ trước mắt tôi. Tôi thương mình và thương cả những người bạn đã cùng tôi vất vả nhiều tuần liền", chị cay đắng tâm sự.

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 4.

Nhưng những trở ngại ban đầu đó không thể làm chị gục ngã. Chị mày mò học chụp ảnh, đăng những thông tin về sản phẩm và câu chuyện của cả nhóm lên mạng xã hội. Và thật bất ngờ một bác sĩ tận miền Nam đã đặt chị 30 lẵng hoa giấy.

Chị Hòa vui và tự hào lắm, một phần vì đó là đồng tiền đầu tiên mà chị có được nhưng phần nhiều hơn có lẽ bởi chính cái câu nhắn nhủ của khách hàng: "Tôi mua tặng cho nhân viên của tôi và kể cho họ nghe về câu chuyện đầy nghị lực của bạn". Giản dị vậy thôi nhưng với Hòa và những người bạn của mình thấy ý nghĩa vô cùng bởi thế giới từ đây sẽ rộng mở hơn.

Được tiếp thêm động lực, chị và những người đồng hành lại cùng nhau làm tiếp những sản phẩm mới, lượng hàng bán ra ổn định. Chị tự trang trải được cuộc sống của chính mình. Mơ ước "Tôi không tật nguyền" đã được thành hình như cái lý lẽ giản đơn mà sâu sắc của chị "muốn không tật nguyền đầu tiên là phải tự nuôi được mình".

Mơ ước nhỏ nhoi và nàng cô dâu bước ra từ cổ tích


Trong một lần đi xe khách, chị nhìn thấy cảnh một đám cưới với hình ảnh cô dâu rất đẹp. Khoảnh khắc đó đã đánh thức ước muốn bấy lâu trong con người chị. Chị khát khao một lần được hiểu cái cảm giác mặc áo cưới.

Nghĩ thế thôi nhưng một người như chị, việc đó còn lắm những trăn trở. Không thể tìm được lời giải đáp, chị lại hỏi thăm ý kiến của một người bạn thân. Người mà với chị hẳn phải đặc biệt lắm: "anh ấy là tri kỷ của chị", "anh chị thân nhau 10 năm rồi", "có gì cũng bên nhau", "anh ấy làm báo đấy".

Khi nhận được câu hỏi của chị, chính anh bạn thân cũng bất ngờ: "Ai mà dám lấy bà?". Chị chỉ tâm sự những ước muốn của mình: "Tôi mong muốn được một lần mặc áo cô dâu thôi. Không chú rể cũng được, mình là phụ nữ mà. Mình tự cho mình đặc quyền ấy thôi".

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 5.

Đáp lại mong muốn của chị, anh chỉ đáp: "Nhưng nghĩ kỹ chưa, cẩn thận mình sẽ đau khổ hơn đấy. Nếu thực sự mong muốn thì hẵng làm, phải kìm nén cảm xúc của mình nhé". Đến đây thì tôi đã hiểu tại sao chị Hòa lại dành nhiều lời giới thiệu về người bạn ấy như thế.

Cuối cùng thì ngày mong đợi nhất của chị cũng đã đến. Chị đi hẳn 26km xuống hẳn tiệm chụp ảnh to nhất thành phố để "làm cô dâu" chứ "chụp ở làng thì ngại lắm". Lần đầu tiên trong đời, chị Hòa được đánh mặt, làm tóc. Như ông trời sắp đặt, cả tiệm váy cưới có đúng một bộ vừa với chị.

Lúc đó, chị hạnh phúc lắm. Cuộc nói chuyện của chúng tôi như có thêm nhiều gam màu rạng rỡ: "Mình đã từng mặc áo dài nhưng không phải cảm giác như thế. Cảm giác lần này nó cứ rung rinh, khó tả lắm. Làm cô dâu mà".

Buổi chụp hình cô dâu được diễn ra ở phim trường lớn nhất Hải Phòng. Nhưng đến đây, chị mới thấm thía lời khuyên của anh bạn trước đó. Chị cảm giác hối hận, sự đau khổ và nước mắt lăn dài: "Xung quanh ai cũng có đôi lứa, chỉ mình mình lẻ loi, cảm giác tủi thân dâng trào". Nhưng, chị Hòa đã định thần lại để hiểu rằng: "Cuộc sống này vô thường lắm, hãy cố gắng vượt qua những điều đau khổ và hướng tới khát khao mình theo đuổi".

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 6.

Buổi chụp hình đã diễn ra thành công hơn dự định, một bộ ảnh đã được ra đời. Chị đăng tải bức ảnh lên nhóm "Người khuyết tật" của mình. Bộ ảnh của chị được nhiều người chia sẻ và khen ngợi. Nhiều người xem ảnh mà không biết đến chị còn tưởng trong ảnh là búp bê.

Những đứa em khuyết tật thì trầm trồ: "Không biết bao giờ em mới có thể mạnh mẽ như chị, dám công khai chính bản thân mình, dám mặc áo cô dâu".

Hoa đá đã trổ bông


Nếu chị Hòa coi năm 32 tuổi cuộc đời của mình mới bắt đầu hồi sinh thì hẳn rằng năm 2016 là nhiều kỷ niệm nhất.

Tháng 8/2016, lần đầu tiên trong đời, chị được đi xa đến vậy. Chị đi Sài Gòn bằng máy bay mà như chị nói "mình như đi trên mây, trên xứ sở cổ tích mà mình thường đọc". Điều đặc biệt nhất chuyến bay đó do chính vị bác sĩ, khách hàng đầu tiên mua hàng của chị hỗ trợ toàn bộ kinh phí với mong muốn chị được một lần nữa khám bệnh đến nơi đến chốn.

Chuyến đi đấy đặc biệt hơn nữa vì tại Sài Gòn, cũng lần đầu tiên, chị được tổ chức sinh nhật. Một sinh nhật đúng nghĩa mà chị hằng ao ước. Sinh nhật ấy được tổ chức bởi một người anh kết nghĩa. Miền ký ức đẹp đẽ đó vẫn vẹn nguyên: "Tôi đã được mặc đồ công chúa. Bữa tiệc hoành tráng lắm, còn có một phụ rể được thuê để dắt tôi lên sân khấu, mọi người cùng hát tặng tôi, chúc mừng sự có mặt của tôi, đãi đến 10 mâm tiệc cơ mà".

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 7.

Năm 2016, cũng là lần đầu tiên trong đời chị được mời làm diễn giả. Chị đi nói chuyện ở quán cà phê, ở trường báo chí rồi trại trẻ dành cho con em nhiễm HIV. Vốn liếng làm diễn giả của chị chính là cuộc đời của mình và tâm niệm: "Hãy sống như một ngày nữa được yêu thương".

Còn chuyện buồn nhất có lẽ lần thập tử nhất sinh của chị. Chị hẹp van phổi, teo tim phải đi cấp cứu 1 tuần ở BV Bạch Mai. Cái chết cận kề nhưng bằng chính sự nỗ lực của bản thân và sự giúp đỡ của mọi người chị đã một lần nữa vượt qua thử thách mà số phận giao phó.

Đầu năm 2019, một triển lãm trưng bày những sản phẩm của chị và những người đồng hành được diễn ra. Triển lãm được đặt tên "Hoa đá". Không có một tên gọi nào có thể phù hợp hơn. Chị là một bông hoa, trổ bông và nở rộ trên chính những bất hạnh của cuộc đời. Những tác phẩm của chị chưa hẳn đã đạt đến những chuẩn mực của nghệ thuật nhưng lại rạng rỡ năng lượng của lòng quyết tâm, niềm tin yêu cuộc đời.

Người phụ nữ tý hon bất hạnh và hành trình 40 năm để hóa đá trổ bông - Ảnh 8.

Nhiều năm qua, từ phần thu nhập của mình và sự chung tay của mọi người, chị Hòa vẫn đi làm từ thiện. Chị dạy nghề và tiếp thêm động lực cho hàng trăm người khuyết tật như chị. Đó là điều giá trị nhất.

Chúng tôi khép lại cuộc trò chuyện của mình, chị Hòa vẫn đang tiếp tục hành trình. Những bông hoa giấy, những bức tranh đá vẫn đang được chị và những người cùng cảnh ngộ hoàn thiện bằng thứ chất liệu của niềm tin và hy vọng.

Chị mong mỏi một ngày nào đó sẽ có thể kiếm đủ tiền để thành lập một trung tâm riêng cho những người khuyết tật ở quê hương, trở thành một diễn giả nổi tiếng để có thể giúp đỡ được nhiều người hơn.

Sự sống và mầm thiện cứ thế tiếp diễn, luân chuyển. Chị tỏa sáng giữa đời, vượt qua định kiến để cái đủ đầy trong tâm hồn lấp lánh, xóa nhòa đi những khiếm khuyết của cơ thể.

Huy Hoàng - Tạ Hiền
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng

Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng

Thời sự - 7 giờ trước

GĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.

Tin tối 21/11: 3 người trong 1 gia đình rơi xuống vùng nước sâu may mắn được cứu sống; bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm ăn lẩu nhiều người yêu thích

Tin tối 21/11: 3 người trong 1 gia đình rơi xuống vùng nước sâu may mắn được cứu sống; bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm ăn lẩu nhiều người yêu thích

Xã hội - 7 giờ trước

GĐXH - Cơ quan chức năng huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa kịp thời cứu một gia đình bị rơi xuống vùng nước ngập sâu; Tổng khối lượng thực phẩm bị bắt giữ là 982kg, tất cả số hàng hóa này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Vụ kè sông ở Bắc Kạn bị thiệt hại do xả lũ: Nhà máy thủy  điện Thác Giềng 1 báo cáo gì?

Vụ kè sông ở Bắc Kạn bị thiệt hại do xả lũ: Nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 báo cáo gì?

Đời sống - 8 giờ trước

GĐXH - Ngày 06/11/2024, nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1 có báo cáo liên quan đến việc xả lũ gây ảnh hưởng dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.

Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án

Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961, trú phường Tây Lộc, TP Huế) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) về "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Hà Nội: Phát hiện gần 150 bộ hài cốt khi thi công cống thoát nước trên phố Tây Sơn

Hà Nội: Phát hiện gần 150 bộ hài cốt khi thi công cống thoát nước trên phố Tây Sơn

Đời sống - 9 giờ trước

GĐXH - Trong quá trình thi công, cải tạo đường và hệ thống thoát nước tại ngõ 167 Phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, (TP Hà Nội), nhóm công nhân tại đây đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt.

Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang

Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang

Pháp luật - 9 giờ trước

GĐXH - Một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, trong đó có những giấy tờ của lực lượng vũ trang nhằm mục đích lừa đảo vừa bị Công an quận Đống Đa triệt phá.

Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản

Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Lợi dụng tâm lý e ngại thủ tục hành chính và các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, các đối tượng tự nhận bản thân có các mối quan hệ nên làm được nhanh khiến nhiều nạn nhân "nhẹ dạ, cả tin" sập bẫy.

Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An

Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An

Pháp luật - 10 giờ trước

GĐXH - Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra vụ việc một doanh nghiệp vàng bạc ở huyện Yên Thành mở sổ tiết kiệm như ngân hàng, huy động vốn của người dân.

Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội

Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội

Thời sự - 10 giờ trước

GĐXH - Sau phản ánh của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức Khỏe và Đời sống), UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an Quận, Đội thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu phát sinh việc dừng đỗ, thu tiền trông giữ phương tiện trái phép tại ngõ 8 đường Tôn Thất Thuyết, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.

Tuyển sinh đại học 2025: Cân não lựa chọn môn trong tổ hợp xét tuyển

Tuyển sinh đại học 2025: Cân não lựa chọn môn trong tổ hợp xét tuyển

Giáo dục - 10 giờ trước

Nhiều trường đại học có sự tính toán tổ hợp xét tuyển đại học trong năm 2025 phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018.

Top