Hà Nội
23°C / 22-25°C

Cái thú khi đọc lục bát Nguyễn Phúc Lộc Thành

Thứ hai, 10:23 17/12/2018 | Giải trí

GiadinhNet - Thích thú khi đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành còn là cái cảm giác về một dòng Thương tựa như một sinh thể sống, nó cứ thao thiết trôi đi với muôn hình dáng vẻ...

"... Sông Thương

ai giận để cho

Câu quan họ khép cửa tò vò đêm

Then trời

đã đóng chưa em

Cho ta mở yếm

lụa mềm buộc nhau..."

(Giấc mơ sông Thương 1)

Thực sự là tôi đã rất thích thú khi đọc những câu lục bát này. Nó ngọt ngào, lả lơi, tình tứ và rất duyên. Vô tình biết trang Facebook của nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, cũng là lúc anh bắt đầu viết Giấc mơ sông Thương, ChiềuChân quê.

Thế là từ đó tôi đọc thơ anh và cứ bị cuốn đi trong cái tứ, trong những ngôn từ, hình ảnh, nhạc điệu của các bài thơ. Lần nào đọc cũng thấy ăm ắp một tình yêu khi nồng nàn, say đắm, khi quặn thắt, tái tê với người, với cảnh của tác giả. Đọc xong rồi trộm nghĩ có lẽ cần phải đi tìm và gọi tên đích thị những cái mà mình thích thú ở thơ anh.

Có thể nói, yếu tố đầu tiên tác động đến người đọc của thơ chính là ở ngôn từ. Thơ xâm chiếm tâm hồn người đọc trước hết bằng âm điệu, hình ảnh, cấu tứ, cảm xúc rồi mới đến tư tưởng. Sức hấp dẫn của lời thơ chính là khả năng khơi gợi, liên tưởng để người đọc cảm nhận được sự vật trong toàn thể tính sống động của nó thay vì chỉ biết sự vật đó như là một ý niệm.


Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành trong lễ ra mắt tập thơ Giấc mơ Sông Thương

Nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành trong lễ ra mắt tập thơ Giấc mơ Sông Thương

Đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành sẽ thấy nhà thơ sáng tạo một loạt các hình ảnh lạ hóa, đa thanh đa nghĩa như “bầu trăng”, “vú đàn” (Bầu trăng/ngủ dưới vạt dài/ Vú đàn/ ai thả trên đài áo nâu), “đêm ứa ngọt”, “mầm tóc em” (Đêm như/ ứa ngọt trong mầm tóc em), “đêm xanh” (Đêm xanh rớt tiếng gọi đò), “mắt làng” (Tháng ba ngày tám/ xác xơ mắt làng), “mầm đau” (Mầm đau gieo xuống phù vân), “mầm yêu” (Mầm yêu chết/ giữa môi cười nhân gian), “bầu ngực chay” (Con lay gọi/ bầu ngực chay), “ngón của đêm” (Lịm đi/ những ngón của đêm), “nắng lụi”, “mưa lầy” (Em đi/ nắng lụi/ mưa lầy), “cặn lòng” (Em ngồi/ lau cặn đáy lòng), “phím người” (Ta thăng mười ngón/ dạo trên phím người), “đàn tóc mỏi”, “mắt hoang” (Một đàn tóc mỏi/ buông chờm mắt hoang)…

Những ngôn từ, hình ảnh này đã khước từ cách đọc thông thường, nó đòi hỏi ta vừa phải đặt trong thế giới nghệ thuật của bài vừa phải suy ngẫm để mở ra các trường liên tưởng có thể. Nhưng cái hay của nó là ở chỗ dẫu hiểu hay chưa hiểu thì người đọc cũng bị hấp dẫn vì nó “lạ” và vì song hành với nó là sự ngắt nhịp, vần điệu khiến các câu thơ đầy nhạc tính. Nhiều câu đọc lên chỉ muốn hát.

Thích thú khi đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành còn là cái cảm giác về một dòng Thương tựa như một sinh thể sống, nó cứ thao thiết trôi đi với muôn hình dáng vẻ. Đó là dáng vẻ trinh nguyên của "em" cho thấy một dòng sông cứ bời bời sức sống: “Em tôi/ trút áo thiên thần/ Dòng Thương/ sóng sánh/ trinh ngần/ thịt da…” (Giấc mơ sông Thương 6); là màu mắt mẹ chảy rơi đôi hàng tựa như sắc nước chảy trôi của dòng sông: “Sông Thương/ nước mặn hai hàng/ Đục trong/ như mắt ngày đàng mẹ rơi” (Chiều thứ 30); hay: “Sông Thương/ mắt mẹ nông sâu/ Khua chèo Kinh Bắc/ đò câu dùng dằng” (Giấc mơ sông Thương 2); là cảm xúc của “tôi” khi nhìn ngắm hai dòng đục - trong mà tưởng như “sông mòn chia hai”.

Rộng hơn cả, cái dáng của dòng sông không chỉ là của riêng sông Thương mà nó còn là hình dáng của quê hương đất nước trên mọi miền qua những dòng sông: “Sông Thương/ ngủ một dáng quê/ Trăm năm/ chảy lẫn tóc thề, cỏ may” (Giấc mơ sông Thương 2). Và đẹp hơn cả, dáng vẻ của dòng sông ấy còn gợi ra cả một không gian tâm linh mà đến với nó con người sẽ tìm thấy sự an lạc tự tâm mình trước những nỗi đời nhân thế: “Dòng Thương/ ngủ dáng phật nằm/ Gối giấc nhân thế/ ngàn năm thăng trầm” (Giấc mơ sông Thương 3). Rồi, dòng sông sinh thể này còn hiện lên với những tâm trạng và cảm xúc khác nhau. Nó cũng biết quặn thắt buồn đau với ngày em đi “sông khóc ời ời”, ngày mẹ mất “sông ngân ngấn nước”, ngày tôi trở về “Bến Thương/ xăm xắp trời mưa/ Những sợi nước mắt/ thêu thùa đời con”.


3 tập Giấc mơ Sông Thương của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành

3 tập Giấc mơ Sông Thương của nhà văn Nguyễn Phúc Lộc Thành

Bên cạnh đó, đọc thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành là người đọc sẽ thấy sự xuất hiện ăm ắp của các kí hiệu thân thể xuyên suốt 108 bài lục bát. Các kí hiệu này được nhà thơ dùng rất hiệu quả, không chỉ khắc họa hình ảnh của "mẹ", của "em", mà còn bật tung cả những xúc cảm dồn nén trong "tôi". Đầu tiên là kí hiệu thân thể của "mẹ" với tấm lưng cong (Dấu lưng/mẹ hỏi hằn trời), bầu ngực chay (Mẹ vắt sữa/xuống vô thường/ đến chay bầu ngực còn thương cõi trần), bàn tay nứt nẻ sần chai (Con về/ nghe những chai sờn/ nơi bàn tay mẹ,/ khóc hờn giữa đông), đôi bàn chân với những “ngón gầy bấm xuống nước non”, dáng ngồi (Mẹ ngồi/ bán tuổi mù lòa) đôi mắt nặng trĩu cả chiều quê… Tất cả đã làm hiện lên hình ảnh mẹ với dáng vẻ lam lũ, tảo tần, giàu đức hi sinh. Mẹ không phải là một bà mẹ cụ thể nào mà hình ảnh thơ có tính khái quát cho tất cả những người mẹ Việt Nam đã trải qua những năm tháng cơ cực với đói nghèo, đau đớn với chia li trong cảnh đạn bom, và hóa đá trong sự mỏi mòn chờ con trở về sau cuộc chiến.

Kí hiệu thân thể của “em” hiện lên với "tóc", "ngực", "môi", "mắt", da thịt nõn nà, mùi hương rạo rực đầy luyến ái: “Mắt em/ triệu đóa sao cài/ Phù sa thiêm thiếp/ giấc ngoài non đê” (Chân quê 5), “Lưng ong/ đã trễ dải điều/ Yếm sâu, em cởi nốt chiều lưa thưa” (Chiều thứ 21), “Mùi da/ dậy ngát thinh câm/ Đêm như/ ứa ngọt trong mầm tóc em” (Chân quê 5). Tất cả đã làm sống dậy trong “tôi” những khát khao nhục thể trước “em”: “Đốt cuồng/ lần mở yếm đêm/ Ngón say hờ buộc/ dải mềm nhung nầu” (Chân quê 14); “Môi ơi,/xin mọng/ đừng tan/ vào cùng kiệt/ tận hoang đàng của da” (Chân quê 17).

Khát khao cháy bỏng được hòa nhập, tan chảy là thế nhưng dường như “tôi” luôn để lại một cự li nhất định trong cuộc ái ân này để ngưỡng vọng về “em”, để chắt chiu, nâng niu từng giây phút với “em”. Tức là dẫu cảm xúc có được đẩy lên đến sự thăng hoa nhưng không bao bao giờ “vét” đến tận cùng. Có tận hiến đấy nhưng không bao giờ tận hưởng đến hết.

Có thể Nguyễn Phúc Lộc Thành đã mường tượng trước được rằng tận cùng của hoan lạc dễ rơi vào trống rỗng, tận hưởng tuyệt đối dễ gần với hư vô. Vì thế mà dẫu “Da em/ thơm nước giếng làng/ môi tôi sa mạc/ gặp ang mưa rào” (Chân quê 5) thì “tôi” vẫn chấp nhận “Bàn tay/ đêm ấy chắt chiu/ Những ngón no đủ/ còn thiu thiu buồn” (Chân quê 14) để cho “Tình em/ khẽ chạm người tôi/ Dậy thơm/ như tẩm một trời ngất ngây” (Chân quê 20).

Ngoài những tạo tác kí hiệu thân thể của mẹ, của em, cảm xúc của tôi, Nguyễn Phúc Lộc Thành còn khắc họa cả kí hiệu thân thể của các tạo vật. Từ dòng sông, bầu trời, trăng, sao, màn đêm đến đồng bãi, cỏ cây, chim chóc… trong thơ anh đều hiện lên có thân thể, có cảm xúc như con người. Và điều đặc biệt là tất cả luôn mang tính nhục cảm, khát khao tình ái: “Dòng Thương/ cuồng giấc ngàn phiêu/ Thịt da đồng bãi/ xuống nhiều sữa non”, “Con sông Cái/ động tình thâu” (Chiều thứ 12), “Ngực đêm/ nở đóa hoa mây/ trong vựa mắt mật/ giữa bầy sao rơi” (Chiều thứ 18), “Vú trăng/ nhỏ một giọt mời/ Tình say/ chim hát ngàn lời cốm non” (Chân quê 16).

Như vậy, trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành không chỉ con người tình tự mà thiên nhiên, vạn vật, vũ trụ cũng say đắm, giao hòa vào nhau, tạo ra một không gian mang màu sắc huyền bí và đầy hoan lạc. Không gian ấy đẫm mùi thân thể, sực nồng men tình ái nhưng lại vẫn rất thanh thoát như bay lên cõi thiền, không mảy may nhuốm bụi tục trần. Những câu thơ sau cho thấy rõ điều đó:

“Mùi da non/ va vào đêm

Nghe từng múi vải/ dậy lên hương thiền”

( Chiều thứ 05)

“Môi thơm/ lần cởi khuy Kiều

Ngón điên/ một thoảng/ đã liều thịt da”

(Chiều thứ 07)

“Này nhau/ Đã lửng dạ rồi

Mật da/ ngầy ngậy/ cuộc mời trăm năm

Em ngây ngây/ dáng bụt nằm

Trên vùng mìn mịn/ tôi rằm nguyên tiêu”

(Chiều thứ 08)

Hệ quả của việc sử dụng nhiều kí hiệu thân thể kết hợp với những không gian huyền diệu trong Giấc mơ sông Thương, ChiềuChân quê đã tạo ra sức mê dụ lớn trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành, đó là những ngân nga về cảm giác da thịt, về cõi thiền, khiến người đọc cơ hồ đi giữa hai bờ hư - thực tựa như hai dòng trong - đục của sông Thương. Hai trạng thái tưởng như đối lập này (sex - thiền) lại thống nhất, quyện hòa và tạo ra một mĩ cảm rất "mịn", rất “đẹp” trong tiếp nhận. Ấy là cảm xúc nhục thể mà vẫn trinh nguyên, khao khát mà vẫn đầy an lạc, nồng nàn mà vẫn buông trôi…

Cách tân lục bát có lẽ là đóng góp không thể không nhắc tới của bộ ba thi phẩm. Không chạy theo xu hướng thơ hậu hiện đại, Nguyễn Phúc Lộc Thành tìm về với thể thơ của dân tộc và đóng góp bằng cách làm mới, làm đầy thêm di sản của cha ông để lại. Nếu như lục bát truyền thống hấp dẫn người đọc bởi phép gieo vần chân- lưng cùng cách ngắt nhịp (thường là nhịp chẵn) tạo ra sự nhịp nhàng dễ đi vào lòng người; thì Nguyễn Phúc Lộc Thành đã đa dạng trong cách ngắt nhịp (chẵn - lẻ thay nhau đắp đổi), ngắt câu, tách dòng một cách có chủ ý để lạ hóa về mặt hình thức và làm rõ ý về mặt nội dung.

Mặt khác, với sự kết hợp nhiều hình ảnh lạ cùng cách sắp xếp từ ngữ, người đọc sẽ thấy mối quan hệ giữa câu lục và câu bát của tác giả luôn tạo ra nhiều bất ngờ. Nói như nhà thơ Trần Đăng Khoa, nếu trong lục bát truyền thống, dựa vào câu lục người ta có thể phỏng đoán về câu bát nhưng trong thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành thì thật khó mà tiên lượng. Bất ngờ, thảng thốt luôn là tâm thế mà anh mang đến cho độc giả của mình. Tất cả những điều này dường như đã “đóng đinh” một phong cách thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành đồng thời cho thấy khả năng uyển chuyển kì diệu của lục bát trong việc biểu đạt cảm xúc của con người, vấn đề của đời sống.

J.P. Sartre trong Văn học là gì? đã viết: “Mỗi tác phẩm văn học là một tiếng gọi”. Tiếng gọi ấy phải chăng là điều thú vị mà tác phẩm vẫy gọi người đọc tìm đến? Sự đọc sẽ khiến mỗi cá nhân tìm được niềm thích thú riêng. Và khi đọc Giấc mơ sông Thương, ChiềuChân quê, tôi đã tìm được những điều thú vị ấy.

Vĩnh Yên, ngày đông 2018

Thanh Hương Nguyễn

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tuổi xế chiều của nữ NSND ly hôn chồng sau 32 năm gắn bó: Vẫn có người theo đuổi, sống vui vẻ, yêu đời

Tuổi xế chiều của nữ NSND ly hôn chồng sau 32 năm gắn bó: Vẫn có người theo đuổi, sống vui vẻ, yêu đời

Giải trí - 9 giờ trước

Sau những sóng gió đã qua, NSND Ngọc Huyền đang có cuộc sống bình yên, vui vẻ bên mẹ già và con cháu. U65 vẫn có người để ý...

Cuộc sống hôn nhân ít biết của diễn viên Hương Tươi trong 'Trạm cứu hộ trái tim' và lần hiếm hoi chia sẻ về chồng kém 9 tuổi

Cuộc sống hôn nhân ít biết của diễn viên Hương Tươi trong 'Trạm cứu hộ trái tim' và lần hiếm hoi chia sẻ về chồng kém 9 tuổi

Giải trí - 10 giờ trước

GĐXH - Diễn viên Thu Hương (Hương Tươi) mới trở lại đóng phim truyền hình với vai diễn trong "Trạm cứu hộ trái tim". Cô ít xuất hiện trên truyền hình vì bận vun vén gia đình, chăm sóc hai con đang tuổi đi học.

Sao nam xứ Hàn bỏ nghề vì bị đồng nghiệp tẩy chay, đổi đời thành đại gia nhờ sang Việt Nam lập nghiệp

Sao nam xứ Hàn bỏ nghề vì bị đồng nghiệp tẩy chay, đổi đời thành đại gia nhờ sang Việt Nam lập nghiệp

Giải trí - 11 giờ trước

Trước khi trở thành một doanh nhân tại Việt Nam, nam diễn viên này cũng ít nhiều có thành tựu ở quê nhà.

2 nữ NSND lỡ dở 1 lần đò vẫn được chồng kém 6-7 tuổi yêu say đắm, cưng chiều suốt vài thập kỷ

2 nữ NSND lỡ dở 1 lần đò vẫn được chồng kém 6-7 tuổi yêu say đắm, cưng chiều suốt vài thập kỷ

Giải trí - 12 giờ trước

Từng lận đận trong chuyện tình cảm, nhưng cuối cùng NSND Thanh Ngoan và NSND Thanh Hoa đều tìm được bến đỗ hạnh phúc của đời mình.

Bất ngờ nam diễn viên 'Về nhà đi con' làm giám khảo Miss Grand Vietnam

Bất ngờ nam diễn viên 'Về nhà đi con' làm giám khảo Miss Grand Vietnam

Giải trí - 13 giờ trước

GĐXH - Diễn viên Quốc Trường và người mẫu Minh Tú là 2 thành viên giám khảo tiếp theo của Miss Grand Vietnam - Hoa hậu Hòa bình Việt Nam 2024.

Sao Việt nghỉ lễ 5 ngày: Đàm Thu Trang, Phương Oanh khoe địa điểm nghỉ dưỡng 'không ai ngờ'

Sao Việt nghỉ lễ 5 ngày: Đàm Thu Trang, Phương Oanh khoe địa điểm nghỉ dưỡng 'không ai ngờ'

Giải trí - 15 giờ trước

GĐXH - Đón kỳ nghỉ 30/4-1/5 dài 5 ngày, Hà Kiều Anh, Phạm Quỳnh Anh vui vầy bên gia đình; Phương Oanh, Đàm Thu Trang tiết lộ địa điểm nghỉ lễ đặc biệt.

Nam diễn viên Việt bị trầm cảm ở Mỹ: Ngồi ở quán cà phê, tôi bật khóc, bao nhiêu người Mỹ hốt hoảng nhìn

Nam diễn viên Việt bị trầm cảm ở Mỹ: Ngồi ở quán cà phê, tôi bật khóc, bao nhiêu người Mỹ hốt hoảng nhìn

Giải trí - 15 giờ trước

"Tôi đang muốn về Việt Nam làm việc" – Trương Minh Cường chia sẻ.

Harry Lu có cuộc sống thế nào giữa lúc Midu sắp về làm dâu hào môn?

Harry Lu có cuộc sống thế nào giữa lúc Midu sắp về làm dâu hào môn?

Giải trí - 19 giờ trước

Harry Lu hiện hoạt động song song ở Việt Nam và nước ngoài, anh thường xuyên chia sẻ cuộc sống với người hâm mộ.

Tuổi xế chiều của nam ca sĩ nhạc đỏ nổi tiếng gốc Thái Bình: Sống độc thân giản dị dù có tiền

Tuổi xế chiều của nam ca sĩ nhạc đỏ nổi tiếng gốc Thái Bình: Sống độc thân giản dị dù có tiền

Giải trí - 20 giờ trước

GĐXH - Việt Hoàn là một trong những ca sĩ nhạc đỏ lừng danh đất Bắc, anh đắt show kiếm được nhiều tiền nhưng lại sống giản dị ở tuổi xế chiều.

Trang Trần: "Tôi sang Mỹ nhiều người bảo không có tiền, chỉ ăn cá khô nên mới gầy"

Trang Trần: "Tôi sang Mỹ nhiều người bảo không có tiền, chỉ ăn cá khô nên mới gầy"

Giải trí - 23 giờ trước

"Để kiếm được tiền không phải dễ, không phải tự nhiên mà kiếm được tiền đâu" – Trang Trần chia sẻ.

Top