Hôm 15/3, chuỗi nhà hàng sushi băng chuyền Sushiro nổi tiếng của Nhật Bản, có 20 chi nhánh ở Đài Loan, thông báo trên trang Facebook rằng sẽ giảm giá và miễn phí cho những người có nhóm chữ "gui yu" - nghĩa là "cá hồi" trong tiếng Trung Quốc - trong tên của họ.
Theo quy định của chương trình khuyến mại, nếu một phần tên tiếng Trung của khách hàng là cá hồi, cả bàn sẽ nhận được sushi miễn phí, mỗi bàn chỉ dành cho sáu người.
Tuy thông báo này chỉ có hiệu lực trong hai ngày 17 và 18/3, hơn 100 người đã đi đổi tên họ về mặt luật pháp sang "cá hồi" và in thẻ nhận dạng với tên mới.
Háo hức được đi ăn sushi miễn phí, một sinh viên họ Chang thuộc Khoa Y học Cổ truyền tại Đại học Y khoa Trung Quốc cũng đổi tên mình thành "giấc mơ cá hồi". Tuy nhiên, lúc nhận thẻ ID mới, anh được văn phòng đăng ký hộ khẩu thông báo rằng đây là lần đổi tên thứ ba, nghĩa là theo quy định, anh sẽ không thể đổi lại được nữa. Lúc nhận ra điều này, Chang sợ hãi, do anh đã tự ý đi đổi tên mà không thông báo trước với bố mẹ.
Ngày 18/3, luật sư Lin Chih-chun nói trên Facebook cá nhân rằng anh thường phải đưa ra các giải pháp sáng tạo cho những khách hàng bị mắc kẹt trong những tình huống hóc búa như vậy. Lin chỉ ra rằng điều số 9, khoản 2 Luật Tên Tuổi đã chỉ rõ rằng một người có thể đổi tên nếu như "có tên giống hệt một người họ hàng cao tuổi trong phạm vi quan hệ họ hàng ba đời".
Do đó, nếu như bố của Chang hay một người họ hàng thân thiết nào đổi tên thành "giấc mơ cá hồi", Chang sẽ có cơ hội đổi lại.
Lin cho biết việc Chang không thông báo cho gia đình về việc đổi tên sẽ làm trì hoãn mọi nỗ lực để xử lý tình hình. Lin cảnh báo rằng mặc dù chi phí hành chính cho việc thay đổi tên của một người là tương đối thấp, việc thay đổi như thế này cần được thực hiện với sự thận trọng hết sức.
Ngày 17/3, Cục Nội vụ thành phố Đài Trung kêu gọi người dân "hãy suy nghĩ thật kỹ trước khi đổi tên mình, không nên thay đổi một cách bốc đồng vì sẽ bị ghi vào sổ hộ khẩu vĩnh viễn và những hồ sơ này sẽ theo bạn suốt cuộc đời".
Theo Ngôi sao