|
Công viên Tao Đàn điểm đến ưa thích của người dân. Ảnh T.G |
Đi tìm nguồn gốc ngôi mộ từ những lời đồn liêu trai
Công viên Tao Đàn là một quần thể sinh thái và kiến trúc phức hợp hết sức độc đáo. Theo những cứ liệu lịch sử thì người Pháp chính thức xây dựng công viên này vào năm 1869. Trải qua rất nhiều biến thiên thay đổi của lịch sử, công viên luôn giữ được nét cổ kính, huyễn hoặc từ thời xa xưa. Chính vẻ trầm mặc, hoang lạnh của cảnh quan và các công trình kiến trúc khiến người ta gắn nơi đây với những câu chuyện nhuốm màu liêu trai, kì bí. Nổi bật nhất và bị gắn chặt bởi màu sắc tâm linh chính là ngôi mồ hoang lạnh tọa lạc ngay góc phải đường Trương Định, cạnh Ban quản lý công viên. Theo người dân địa phương, đây là khu mồ vô chủ nhưng hết sức linh thiêng, mỗi ngày có rất nhiều lượt người tới thắp hương cúng bái. Gốc gác lịch sử của khu mộ này, ngay cả những bậc cao niên trong vùng cũng không hề hay biết. Người quản lý ở đây cho hay, trước khi xây dựng công viên người ta đã thấy nó.
Cho đến bây giờ, ngay cả với những học giả có uy tín cũng có những kiến giải khác nhau về gốc tích khu mộ này. Theo một khảo sát của Ban quản lý di tích thuộc Sở Văn hóa – thông tin TP.HCM, đây là phần mộ của ông bà Lâm Tam Lang, được xây dựng vào thời Đại Nam, năm 1820 về sau. Nhưng theo cố nhà khảo cổ lão thành Đỗ Đình Truật thì đó có thể là nơi yên nghỉ của một vị tướng chết trận của Trương Minh Giảng. Lý do để ông đưa giả thuyết này là một nấm mồ lớn, được chôn cất ngay trong đất thành Gia Định xưa, hẳn phải là thi hài một người có công chứ không thể là “ngụy quân, tạo phản” với triều đình được. Còn nấm mồ thứ hai nhỏ hơn có thể là của bà vợ vị tướng nọ. Bề ngoài mộ dù không còn như buổi ban đầu nhưng vẫn là một bằng chứng về kiểu mộ độc đáo của người Gia Định xưa.
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi tình cờ biết về một bà lão kỳ lạ “có duyên” với ngôi mộ này. Đó là một cụ già ngoài 80 tuổi, tóc bạc phơ, lưng đã còng, ngày nào cũng bắt xe ôm chống gậy đến thắp hương cho ngôi mộ. Bà cụ giới thiệu, tên là Tòng, quê gốc huyện Bình Chánh (TP.HCM). Cơ duyên khiến bà ngày ngày chu toàn hương khói cho ngôi mộ là vì trước đây nhà bà sống gần cạnh công viên. “Nhờ “lộc” từ khu mộ mà làm ăn phát đạt, con cháu ai cũng khỏe mạnh, thành đạt đường công danh, nên bây giờ tôi nguyện trọn đời hương khói để người dưới mồ khuây khỏa, còn tôi tôi chẳng có họ hàng gì”, bà Tòng nói. Có lẽ sự có mặt rồi thoắt ẩn thoắt hiện của cụ già tóc bạc khiến một góc công viên Tao Đàn càng thêm phần bí ẩn.
|
Khu “mồ ma” tại công viên. Ảnh T.G |
Bên cạnh ngôi mồ mả, ở Tao Đàn còn có những cảnh quan khác khiến người vào thăm quan phải rùng mình run sợ. Đó là những cây cổ thụ hàng trăm năm tuổi hằn lên mình chằng chịt vết tích của thời gian. Xen kẽ là các cây tán thấp, dây leo chi chít khiến công viên như chốn thâm sơn cùng cốc. Trong công viên có mô hình thu nhỏ của tòa tháp Chăm cổ kính, với những chạm trổ tinh vi làm nổi bật nét huyền hoặc của đạo Balamon. Thêm vào đó nơi này còn được gắn liền với những câu chuyện ma mị liêu trai, để rồi người ta cố nhiên mặc định đây là công viên “ma ám”.
Chuyện công viên Tao Đàn càng được thêu dệt đến tột cùng khi người ta đồ rằng ở đây vào mỗi đêm có vong hồn của một chàng trai đoản mệnh lang thang đi tìm người yêu. Chàng trai ấy xuất hiện trong bộ trang phục trắng toát, mái tóc xõa ngang tai, vừa đi lang thang trong công viên vừa ngân nga những lời ca ai oán, mong nhớ người thương.
Sự thật về oan hồn của chàng trai chết trẻ
Qua xác minh thông tin, chúng tôi biết được “oan hồn” mà người dân “bắt gặp” là nạn nhân của một vụ cướp của, giết người hơn 24 năm trước. Theo hồ sơ từ công an TP.HCM, ngày 6/7/1989 họ nhận được tin báo về việc phát hiện xác chết của một nam thanh niên ở công viên Tao Đàn. Sau những nỗ lực điều tra, cộng với sự phối hợp của gia đình nạn nhân, cuối tháng 8 năm đó toàn bộ chân tướng sự việc được làm sáng tỏ, nhóm hung thủ phải cúi đầu nhận tội. Nạn nhân xấu số là anh Nguyễn Điệt Hoàng Tuấn (là nhân viên Đội Điện kế thuộc Sở Điện lực TP.HCM) đã bị giết khi tuổi đời gần tròn 30. Nhóm hung thủ sa lưới pháp luật gồm: Phạm Tấn Hùng (ngụ Đ. 3/2, P.12, Q.10), Trần Thanh Thiện và Nguyễn Huy Vinh.
Trong vụ án này có một tình tiết khiến nhiều người bắt đầu liên tưởng chuyện ma mị, đó là việc chị Nguyễn Hoàng Mỹ Hạnh (chị ruột nạn nhân), đã 2 lần chạm mặt hung thủ trong quá trình tẩu tán tang vật và kịp thời cung cấp thông tin để công an phá án. Chính sự trùng hợp hiếm có này mà người ta cho rằng “vong hồn” anh Hoàng Tuấn đã hiện về chỉ lối cho chị mình vạch trần kẻ thủ ác. Một đồn mười, mười đồn trăm… câu chuyện của “hồn ma” chết trẻ Nguyễn Điệt Hoàng Tuấn càng được thêu dệt thêm nhuốm màu kì bí.
|
Bà Hồng người sống gần công viên hơn 20 năm. Ảnh T.G |
Sự linh thiêng của “hồn ma” này được người dân nơi đây lý giải rằng, cái chết của Tuấn vô cùng oan ức. Nạn nhân bị hại bởi người bạn thân, trong lúc tuổi đời con rất trẻ, đang có tình yêu cháy bỏng, nên linh hồn không thể siêu thoát mà cứ ẩn hiện nơi mình đã chết”. Sự ra đi oan uổng của chàng trai trẻ ấy là khởi nguồn cho hàng trăm câu chuyện ma quái phủ lên công viên Tao Đàn. Để rồi, hơn 24 năm sau người ta vẫn còn run sợ. Như một hệ lụy được báo trước, công viên văn hóa Tao Đàn giờ đây bị gắn mác công viên “ma ám” hay nơi “ám ảnh nhất thế giới”.
Có mặt tại Công viên Tao Đàn vào buổi “chính ngọ” 12h trưa (vốn được xem là giờ hiển linh của ma quỷ), nhưng theo ghi nhận của chúng tôi, công viên vẫn rất đông khách tham quan, không hề có sự lo sợ như dư luận đồn đoán. Anh Trường - nhân viên phục vụ trong công viên khẳng định: “Tôi ngủ tại công viên này hơn mười năm rồi đêm có, ngày có cũng mong một lần được gặp “ma” cho biết nhưng đâu thấy, chẳng hiểu vì sao người dân lại đồn thổi như vậy nữa”.
Không chỉ anh Trường, các vị quản lý mà còn nhiều người dân ở đây quả quyết không hề có chuyện ma quỷ ở công viên này, tất cả chỉ là sự thêu dệt nhảm nhí. Trao đổi với PV GĐ&XH Cuối tuần, một vị quản lý (xin được giấu tên) ở đây cho biết: “Chuyện đồn đại của người dân không thể tránh khỏi. Bản thân công tác ở đây lâu năm nhưng chưa từng thấy chuyện ma ở đây bao giờ. Việc có người tự tử là chuyện của ngày xưa, còn bây giờ công viên được quản lý chặt chẽ hơn nên không còn các vụ chết chóc nữa. Người ta đưa công viên này vào danh sách nơi ám ảnh nhất thế giới là hoàn toàn vô căn cứ”.
Còn bà Lê Thị Hồng (56 tuổi) chủ hàng nước ở công viên cũng cho biết: “Trước đây khu này vô cùng hoang sơ, cây cối mọc um tùm. Ban đêm không có ai dám đến”. Cũng chính vì sự tịch liêu ão não đó mà Tao Đàn có thời gian trở thành điểm đến cho những ai muốn lìa cõi thế, quyên sinh vì phận đời hẩm hiu. “Công viên rậm rạp khiến người chán đời tìm đến tự tử có gì lạ. Người ta bảo ở đây có hồn người chết bắt người sống thì tôi chẳng tin. Tôi sống ở đây mấy chục năm rồi có bao giờ thấy ma quỷ hiện hình đâu. Thiệt hết biết”, bà chủ quán lắc đầu ngao ngán”.
Hùng Hóa – Công Thông