Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giảm thiểu tỉ số giới tính khi sinh vào năm 2020: Phải rất kiên trì, bền bỉ

Thứ hai, 08:13 25/04/2011 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - "Cũng như trên bình diện chung của cả nước, công tác DS-KHHGĐ tại các tỉnh miền Trung vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức".

"Trong đó, đặc biệt là tỉ số giới tính khi sinh có xu hướng tăng cao". TS Dương Quốc Trọng, Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ cho biết như vậy, khi trao đổi với phóng viên báo GĐ&XH về công tác DS-KHHGĐ sau chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung vừa qua. 
 
Khó khăn "kép"

TS Dương Quốc Trọng.

Được biết ông vừa có chuyến công tác tại các tỉnh miền Trung. Xin ông cho biết đôi nét về kết quả của công tác DS-KHHGĐ tại các tỉnh này?

- Nói đúng ra là tôi vừa có 2 chuyến đi công tác tại 7 tỉnh miền Trung  (Bình Định, Quảng  Ngãi, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Bình). Qua 2 chuyến đi này, tôi có thêm nhiều thông tin về công tác DS-KHHGĐ ở đây.

Công tác dân số các tỉnh miền Trung nói chung và của 7 tỉnh nói riêng đều đã nhận được sự quan tâm rất lớn của cấp ủy và chính quyền địa phương. Hầu hết các tỉnh đều đã ban hành các nghị quyết chuyên đề của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh để lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ; tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ dần dần được kiện toàn; tất cả các tỉnh đều đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ từ tuyến tỉnh đến huyện và xã.

Hầu hết các tỉnh đều bổ sung thêm nguồn kinh phí của địa phương để thực hiện chương trình DS-KHHGĐ; chỉ tính riêng kinh phí từ tuyến tỉnh, đã tới trên 5.000 đồng/ người dân cho công tác DS-KHHGĐ như Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Quảng Ngãi... Đây là sự ưu tiên trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các tỉnh đối với công tác dân số.

Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng nhận được sự quan tâm giống nhau: Có tỉnh (như Quảng Bình) vẫn chưa ban hành được Nghị quyết chuyên đề theo tinh thần chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân; vẫn có tỉnh sự đầu tư nguồn lực cho công tác này còn hạn chế,... Theo thông tin tôi biết, Đà Nẵng đầu tư đã rất khiêm tốn lại còn cắt giảm tiền thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) DS-KHHGĐ mà Trung ương đã phân bổ. Tôi chưa nhận được văn bản chính thức nhưng nếu thực sự như vậy thì Đà Nẵng là địa phương duy nhất từ trước đến nay cắt giảm kinh phí CTMTQG cho công tác dân số. Điều này sẽ gây khó khăn cho công tác dân số ở địa phương. Đà Nẵng chắc chắn không phải là nơi nghèo nhất nước, cũng không phải là nghèo nhất trong số 7 tỉnh miền Trung và cũng không phải là tỉnh đã đạt thành tích cao về dân số tới mức không cần phải đầu tư nữa. Nếu thực sự Đà Nẵng cắt giảm kinh phí chương trình mục tiêu về lĩnh vực nào, thì chúng tôi hiểu rằng địa phương không có nhu cầu để thực hiện những hoạt động đó và năm tới, chúng tôi sẽ kiến nghị cắt giảm tiền để thực hiện những hoạt động đó để dành cho những tỉnh có nhu cầu cấp thiết hơn.

Về kết quả công tác dân số, trong năm 2010 hầu hết các tỉnh đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức chỉ tiêu giảm sinh do TƯ và HĐND tỉnh giao cho. Số trẻ sinh ra và trẻ là con thứ 3 trở lên trong năm 2010 đều thấp hơn 2009; tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai năm 2010 cao hơn năm 2009. Đặc biệt, 2 biện pháp tránh thai lâm sàng là triệt sản và đặt dụng cụ tử cung đều hoàn thành chỉ tiêu được giao. Đây là tín hiệu rất đáng mừng, giúp chúng ta có thể hoàn thành được chỉ tiêu giảm sinh Quốc hội giao cho năm 2011.

Một nỗ lực đáng ghi nhận của các địa phương này là trong bối cảnh kinh phí CTMT năm 2011 về rất muộn (đến hết quý I vẫn chưa có tiền của CTMT chuyển về), nhưng các tỉnh đã vay mượn từ các nguồn khác nhau để triển khai Chiến dịch truyền thông gắn với dịch vụ DS-SKSS đến các vùng khó khăn, vùng có mức sinh cao. Qua các báo cáo cho thấy, trong quý I/2011, hầu hết các tỉnh số trẻ mới sinh cũng như số trẻ sinh ra là con thứ 3 trở lên đều giảm so với cùng kỳ năm 2010; số lượng người sử dụng các BPTT vẫn được duy trì, đó là những tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức cần ứng phó và vượt qua.

Những khó khăn đó là gì, có sự khác biệt nào trên bình diện chung cả nước không thưa ông?

- Khó khăn, thách thức về công tác DS-KHHGĐ của các tỉnh miền Trung rất lớn - có thể gọi đó là những khó khăn, thách thức "kép". Trong khi cả nước đã chuyển từ cơ cấu "dân số trẻ" sang giai đoạn "già hóa dân số", thì ở các tỉnh này, cơ cấu dân số vừa "trẻ" lại vừa "già".

Vì sao lại có nghịch lý như vậy? Đó là do tại các tỉnh này, tỷ suất sinh thô còn cao nên tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi còn khá cao (khoảng trên dưới 30%, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 25%). Mặt khác, tỷ lệ người cao tuổi (NCT) từ 65 tuổi trở lên ở các tỉnh này cũng cao hơn bình quân trong cả nước (khoảng 8 - 9%, trong khi tỷ lệ này của cả nước là 6,4%). Tại các tỉnh này, số người trong độ tuổi lao động di cư sang các tỉnh có điều kiện làm ăn kinh tế khá hơn, những người ở lại đều là trẻ em và NCT. Do đó, các tỉnh này có khó khăn thách thức "kép": Vừa phải đáp ứng nhu cầu bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, vừa phải đáp ứng nhu cầu chăm sóc và phát huy NCT. Bên cạnh đó, tỷ lệ những người trong độ tuổi lao động lại thấp hơn các tỉnh khác nên dẫn đến việc khó khăn về nguồn nhân lực cả về số lượng cũng như chất lượng.

Một khó khăn nữa tại các tỉnh này là tỷ số giới tính khi sinh (TSGTKS) đã bước vào mức cao so với bình quân chung cả nước. Có những tỉnh báo cáo, có huyện TSGTKS lên tới 130 - 140.
 
Muốn làm giảm thiểu mất cân bằng GTKS cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
Ảnh: Dương Ngọc

Gia tăng TSGTKS bất thường - có sự "can thiệp" của con người

Ông đánh giá như thế nào trước thực trạng TSGTKS quá cao?

- Trên bình diện chung trong cả nước chúng ta thấy TSGTKS trong những năm qua có tăng nhanh và tăng cao. Từ năm 2006, mỗi một năm tỉ số này tăng lên 1 điểm phần trăm (%): Năm 2006, TSGTKS là 110/100, 2007 là 111, 2008 là 112 và năm 2009 theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở là 110,5, năm 2010, TSGTKS đã lên tới trên 111.

Khi làm việc với các địa phương, tôi thấy nhiều tỉnh báo cáo về tình hình TSGTKS tăng quá cao, nhất là ở cấp huyện, cấp xã. Tuy nhiên, việc đánh giá TSGTKS như thế nào phải rất thận trọng. Vì TSGTKS phụ thuộc rất lớn vào mẫu số được điều tra, mẫu số càng lớn thì độ tin cậy càng cao. Và chỉ khi nào mẫu số được thống kê trên 10.000 trẻ thì con số đó mới có giá trị thống kê. Nếu ta thống kê với mẫu số quá nhỏ nhất là cấp huyện, xã, phải rất thận trọng vì tôi tin rằng không có huyện nào đạt được số trẻ sinh ra là 10.000 trẻ/ năm; kể cả một số tỉnh ít dân cũng không đạt được 10.000 trẻ sơ sinh trong một năm. Nếu ta thấy một địa phương trong nhiều năm có TSGTKS liên tục tăng, có thể thấy được xu hướng TSGTKS của địa phương đó.

Thưa ông, tại sao lại có tình trạng tăng nhanh TSGTKS này?

- Tỷ số giới tính (TSGT) là số nam giới trên 100 nữ giới; TSGTKS là số bé trai trên 100 bé gái khi mới sinh ra. Nếu theo quy luật sinh sản tự nhiên, khi thống kê trên một cộng đồng dân cư lớn (với mẫu số hàng triệu người) thì bao giờ TSGTKS cũng dao động từ 103 - 106. Do tỉ suất chết trẻ em trai bao giờ cũng lớn hơn tỉ suất chết của trẻ em gái nên đến khi trưởng thành, TSGT sẽ trở lại ở mức 100 - quy luật sinh tồn của loài người. Khi TSGTKS tăng lên trên giới hạn đó là bất thường, đặc biệt là nếu trên 110 thì rất đáng báo động.

Nguyên nhân của việc tăng này chắc chắn có sự can thiệp của con người. Các nước phương Tây không có tình trạng mất cân bằng TSGTKS mà tình trạng này chỉ xảy ra ở một số nước và vùng lãnh thổ châu Á có nền văn hóa, có phong tục tập quán gần tương đồng với Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan... Ở những nước và vùng lãnh thổ này, người dân thường có tâm lý mong muốn có và thậm chí phải bằng mọi giá để có con trai. Khi phân tích, chúng tôi cho rằng, có 2 nguyên nhân lớn dẫn tới việc tăng nhanh TSGTKS, đó là:

Thứ nhất, có thể coi là nguyên nhân cốt lõi chính là lòng mong muốn có con trai để nối dõi tông đường, để mong về già có người chăm sóc, để làm kinh tế tốt hơn (ví dụ ở vùng biển, mong có con trai để đánh bắt được xa bờ, làm kinh tế)...

Thứ hai, đó là việc áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để thực hiện "ý đồ" mong muốn có con trai.

Thực ra, lòng mong muốn có con trai đã có từ ngàn xưa, thậm chí các cụ còn mong muốn con trai hơn chúng ta ngày nay nên có câu "nhất nam viết hữu, thập nữ viết vô". Các cụ ta ngày trước mong muốn nhưng không làm cách nào để có con trai được, chỉ có mỗi cách đẻ thật nhiều, "ăn may" thì có con trai. Nhưng hiện nay, con người có thể áp dụng những tiến bộ khoa học công nghệ để sinh con theo ý muốn: Áp dụng từ lúc bắt đầu chuẩn bị có thai (chế độ ăn uống, chọn ngày phóng noãn); trong lúc thụ thai (chọn thời điểm phóng noãn, chọn phương pháp thụ tinh, lọc rửa tinh trùng để chọn tinh trùng mang nhiễm sắc thể Y); khi đã có thai rồi - sử dụng siêu âm để chẩn đoán giới tính, nếu là thai trai thì họ để lại, nếu là thai gái thì bỏ đi... Vì vậy, qua các kết quả nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi thấy TSGTKS thường cao ở những tỉnh có điều kiện để thực hiện các 2 yếu tố nói trên. Những tỉnh xung quanh Hà Nội như Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hà Nam... là những tỉnh có TSGTKS rất cao vì tâm lý, tập quán người dân ở vùng này rất mong muốn có con trai lại cộng thêm với khoa học công nghệ tương đối phát triển nên họ thực hiện được "ý đồ" của họ.

Bền bỉ, kiên trì giảm TSGTKS

Vậy Tổng cục DS-KHHGĐ làm gì để giảm thiểu tình trạng mất cân bằng GTKS?

- Ngay từ năm 2009, đứng trước tình trạng gia tăng sự mất cân bằng GTKS, chúng tôi đã triển khai thử nghiệm tại 7 tỉnh, thành phố Mô hình can thiệp giảm thiểu mất cân bằng GTKS. Năm 2011 này, Tổng cục DS-KHHGĐ mở rộng mô hình ra 40 tỉnh, thành phố có TSGTKS cao. Trên cơ sở phân tích 2 nguyên nhân cơ bản nêu trên, chúng tôi thấy rằng cần phải tiến hành song song 2 giải pháp: (1) tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để người dân thay đổi nhận thức, tư tưởng, chuyển đổi hành vi chấp nhận sinh con gái cũng như con trai; (2) thực hiện các quy định của pháp luật (Pháp lệnh Dân số, Nghị định 114, Nghị định 104 của Chính phủ) nghiêm cấm việc lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức.

Muốn làm giảm thiểu mất cân bằng GTKS cần sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy và chính quyền các cấp, sự chung tay, góp sức của cả hệ thống chính trị và tiến hành đồng bộ rất nhiều giải pháp để không ngừng nâng cao vị thế của người phụ nữ; người phụ nữ không những có tiếng nói mà còn có vai trò tham gia quyết định những công việc của xã hội, của gia đình, của dòng tộc, của dòng họ,...; tạo công ăn việc làm phù hợp để người phụ nữ có thể thay thế nam giới trong kinh tế gia đình, nhất là những vùng đòi hỏi lao động nặng nhọc như biển, khai thác...

Năm nay chúng ta kỷ niệm 50 năm công tác DS-KHHGĐ ở Việt Nam. Để đạt được mức sinh thay thế - bình quân trong toàn xã hội, mỗi cặp vợ chồng có 2 con, Đảng và Nhà nước ta đã kiên trì tiến hành cuộc vận động này trong suốt 50 năm qua. Tất cả chúng ta đều mong muốn giảm ngay được TSGTKS, nhưng lòng mong muốn sinh bằng được con trai là vấn đề đã thấm sâu vào tư tưởng của nhiều người dân Việt Nam. Cho nên chắc rằng, dù rất cố gắng, chúng ta cũng không thể giải quyết vấn đề này ngày một ngày hai được mà cần phải xác định đó là một công việc rất khó khăn, phức tạp, phải hết sức nỗ lực, kiên trì, bền bỉ, lâu dài.

Trân trọng cảm ơn ông!        

Bộ Y tế trình Chính phủ dự thảo Chiến lược DS-SKSS giai đoạn 2011 - 2020, trong đó có đề xuất làm sao đến năm 2015, TSGTKS không vượt quá 113 và đến năm 2020 không vượt quá 115. Xin ông cho biết vì sao lại không đề xuất ở mức thấp hơn?

- Khi xây dựng dự thảo Chiến lược, xung quanh vấn đề TSGTKS chúng tôi đã lấy ý kiến chuyên gia trong nước và quốc tế để đưa ra chỉ tiêu như thế nào cho phù hợp. Chúng tôi cũng đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế như : Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan đều đã trải qua giai đoạn mất cân bằng GTKS. Có những nước đã thành công như Hàn Quốc nhưng có những nước chưa thành công như Trung Quốc,…

TSGTKS của Việt Nam hiện nay tương đương với ở Trung Quốc cách đây 20 năm và hiện nay, TSGTKS ở Trung Quốc đã lên tới 122,8/100. Ta hình dung một đất nước với hơn 1 tỉ dân mà TSGTKS cao như trên thì sẽ phức tạp như thế nào. Việt Nam kiên quyết không bước vào vết xe đổ như vậy. Chúng ta phải rút kinh nghiệm những bài học không thành công của bạn để mà áp dụng, xử lý tại Việt Nam cho hiệu quả.

Trong mấy năm vừa qua, tốc độ gia tăng TSGTKS của chúng ta tăng rất nhanh - khoảng 1 điểm phần trăm mỗi năm. Giai đoạn tới, chúng ta phấn đấu hạ tốc độ gia tăng xuống. Thay vì TSGTKS những năm qua tăng 1 điểm phần trăm thì chúng ta phấn đấu mỗi năm giảm 0,5 điểm phần trăm rồi 0,2 điểm phần trăm,… Để làm sao đến năm 2015, TSGTKS không vượt quá 113 và đến năm 2020 không vượt quá 115. Sau năm 2020, chúng ta sẽ kéo TSGTKS trở về mức bình thường chứ ngay từ bây giờ, chưa thể đưa ngay TSGTKS trở lại mức bình thường được, điều đó sẽ không khả thi.

Hà Thư (thực hiện)

thuhuyen
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Bị thủy đậu khi mang thai nguy hiểm thế nào?

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Tỷ lệ phụ nữ mang thai mắc thủy đậu không cao hơn so với mặt bằng chung tỷ lệ mắc bệnh thủy đậu ở người lớn, tuy nhiên mức độ nghiêm trọng của bệnh thường nặng nề hơn.

Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Nghệ An tổ chức Hội thi 'Người cao tuổi sống vui, sống khoẻ'

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

GĐXH - Hội thi là hoạt động thiết thực nhằm nâng cao vai trò trách nhiệm cho cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về người cao tuổi. Đồng thời, khẳng định vai trò, sự cống hiến của người cao tuổi đối với mọi mặt của đời sống...

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Ung thư buồng trứng có chữa được không?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Ung thư buồng trứng là căn bệnh thường tiến triển âm thầm và triệu chứng không rõ ràng khiến nhiều người chủ quan, khi đi khám đã ở giai đoạn muộn. Vậy ung thư buồng trứng có chữa được không, làm thế nào để phát hiện sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Có phải trẻ béo phì dễ dậy thì sớm?

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Trẻ béo phì có nguy cơ cao dậy thì sớm hơn so với trẻ có cân nặng bình thường. Vậy nguyên nhân tại sao trẻ béo phì lại dễ bị dậy thì sớm và có thể phòng ngừa được không?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Phụ nữ mang thai bị đa ối nên điều chỉnh chế độ ăn như thế nào?

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Đa ối là khi lượng nước ối vượt quá mức bình thường ảnh hưởng đến sức khỏe cả mẹ và bé. Mặc dù chế độ ăn không phải là yếu tố quyết định duy nhất nhưng việc điều chỉnh chế độ ăn uống hợp lý có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng này.

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Giảm nguy cơ sinh non khi bà mẹ được quản lý thai nghén đầy đủ

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nguy cơ sinh non sẽ được giảm thiểu tối đa nếu thai phụ được khám thai và thực hiện sinh tại cơ sở y tế có đầy đủ phương tiện kỹ thuật cùng đội ngũ y bác sỹ trợ giúp.

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

GĐXH - Với phương châm "đưa chính sách đến gần dân," xã Hùng Tiến, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng triển khai đồng bộ nhiều hoạt động giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế chất lượng (chăm sức khỏe sinh sản, hỗ trợ người cao tuổi) và phát huy vai trò của đội ngũ cộng tác viên dân số.

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Bổ ích hội thi rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức về dân số và chăm sóc sức khoẻ sinh sản

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

GĐXH - Hội thi giúp cho học sinh nâng cao những kỹ năng hoạt động, kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Đồng thời, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích để học sinh thể hiện tài năng, trí tuệ, sự sáng tạo.

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Gần 150.000 em bé chào đời nhờ kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Sau 25 năm, Việt Nam có gần 300.000 chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện, 147.000 em bé ra đời khoẻ mạnh. Trong đó, có gần 3.000 trẻ được chào đời tại Bệnh viện Hùng Vương nhờ kỹ thuật IVF.

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

5 biểu hiện cho thấy bạn đã mắc hội chứng ống cổ tay

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Hội chứng ống cổ tay là tình trạng phổ biến trong cộng đồng. Hiện số người mắc hội chứng này ngày càng tăng do liên quan đến công việc có sử dụng nhiều tới độ linh hoạt, tỉ mỉ và lặp đi lặp lại của cổ tay.

Top