Hà Nội: Dịch sốt xuất huyết rục rịch tăng
GiadinhNet - Tại Hà Nội, đến nay đã ghi nhận khoảng 500 bệnh nhân mắc sốt xuất huyết. So với cùng kỳ năm 2017, con số này giảm mạnh nhưng đã ghi nhận không ít bệnh nhân nặng, xuất hiện nhiều ổ dịch mới, cao điểm có chùm ca bệnh 5 người ở Mễ Trì (Nam Từ Liêm) cùng dính bệnh.

Bác sĩ K hoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) kiểm tra tình trạng phát ban sốt xuất huyết của bệnh nhân Hoàng Thị Dung. Ảnh: T.Nguyên
Ba bố con cùng vào viện
Nằm trên giường bệnh ở Khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa, Hà Nội), chị H.T.T (19 tuổi, sinh viên năm thứ 2 một trường đại học tại quận Đống Đa) vẫn chưa hết được mệt mỏi. 9 ngày trước, sau bữa cơm tối, chị T thấy người nóng sốt, đau nhức cơ người, mệt mỏi tăng dần khiến chị còn thấy lịm người. Sang ngày hôm sau, các trận sốt tăng dần, đau đốt sống lưng. Chị T đi khám tại một cơ sở y tế, được chẩn đoán sốt xuất huyết và cho điều trị ngoại trú. Nhưng đến ngày thứ năm, chị bỗng cảm giác sốt - rét, kèm theo chảy máu chân răng, xuất huyết “vùng kín” bất thường, trước gần nửa tháng so với chu kỳ kinh nguyệt bình thường của chị. Thấy chị bắt đầu lả dần, các bạn cùng phòng trọ (tại đường Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy) vội vàng đưa chị lên BVĐK Đống Đa cấp cứu. Lấy máu xét nghiệm, các bác sĩ cho biết tiểu cầu của chị T lúc này chỉ còn khoảng 70.000/150.000 (giảm hơn một nửa so với mức bình thường). Chị được tiêm cầm máu gấp.
Nằm cùng phòng điều trị với chị T là chị Hoàng Thị Dung (36 tuổi, ở Thanh Đa, Phúc Thọ). Khởi đầu sốt cao 39 - 40 độ C từ cách đây 11 ngày, chị Dung tự ra hiệu thuốc gần nhà mua thuốc hạ sốt, kháng sinh về uống nhưng mãi không đỡ nên 2 ngày sau đã lên BVĐK Đan Phượng khám, truyền nước với chẩn đoán sốt xuất huyết. Với các kết quả xét nghiệm tiểu cầu giảm rất thấp chỉ còn 16.000, kèm xuất huyết âm đạo bất thường, sốt cao, chị được chuyển tuyến cấp cứu lên BVĐK Đống Đa và truyền tiểu cầu gấp. Đến ngày thứ 9 sau sốt, các ban đỏ bắt đầu xuất hiện trên người, mặt, lan dần xuống chân. Đến nay, ngày thứ 11 từ khi khởi sốt, bệnh nhân có nền da xung huyết đỏ, có vết bầm tím, một số lấm chấm trắng rất đặc trưng của sốt xuất huyết. Do được truyền tiểu cầu kịp thời, tiểu cầu đã nâng dần lên từng ngày, qua mức cảnh báo nguy hiểm.
Ngày 5/9, tại Khoa Truyền nhiễm (BVĐK Đống Đa) có 5 bệnh nhân điều trị nội trú vì sốt xuất huyết. Tính từ đầu năm đến nay, khoa Truyền nhiễm đã có gần 70 ca nhập viện vì bệnh này. Cao điểm là tháng 8 vừa qua, 17 ca nằm viện. Đặc biệt, có chùm ca bệnh 3 bố con ở quận Thanh Xuân cùng bị sốt một ngày, cùng được chẩn đoán sốt xuất huyết, cùng nhập viện, ra viện. Được biết, ổ bệnh này đã được các cán bộ y tế dự phòng khoanh vùng, dập dịch.
Tương tự, tại Bệnh viện Thanh Nhàn, vợ chồng chị C.T.H (Hoàng Mai, Hà Nội) và hai cậu con trai đều phải nhập viện điều trị sốt xuất huyết. Trong đó, chị H bị nặng hơn cả. Ban đầu, chị nghĩ bị sốt virus nên tự uống thuốc ở nhà. Sau vài ngày không đỡ, sốt cao kéo dài kèm đau đầu, nhức mắt, mỏi cơ khớp… chị mới tới bệnh viện khám và được chẩn đoán sốt xuất huyết. Sau đó lần lượt 3 người còn lại trong gia đình chị cũng vào viện. Chị H cho biết, gia đình chị sống gần chợ nên vệ sinh không đảm bảo, nước tù đọng nhiều. Đặc biệt khoảng 1 tháng trở lại đây, trời mưa nhiều nên muỗi sinh sôi, phát triển mạnh.
Đỉnh điểm dịch sốt xuất huyết sẽ vào tháng 9-11
Theo lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội, nếu trong tháng 7/2018, Hà Nội chỉ ghi nhận 15 - 20 ca sốt xuất huyết mỗi tuần thì cuối tháng 8, số lượng ca mắc tăng lên từ 50 - 60 ca một tuần.
Riêng trong tuần vừa qua, theo thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội, địa phương này có 64 ca mắc sốt xuất huyết, phân bố tại 17 quận huyện, 41 xã phường. 11 ổ dịch mới được phát hiện tại Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Nam Từ Liêm, Đan Phượng, Hà Đông, Mê Linh… Trong đó, ổ dịch nhiều bệnh nhân nhất gồm 5 bệnh nhân tại Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm).
Dù tổng số người mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội từ đầu năm tới nay mới chỉ có gần 500 người, thấp hơn nhiều lần so với con số cùng kỳ, tuy nhiên PGS.TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho rằng, điều kiện thời tiết phức tạp như những ngày qua là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ gia tăng bệnh sốt xuất huyết.
Theo kinh nghiệm của các bác sĩ, cứ sau mỗi đợt mưa kéo dài, lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết nhập viện lại gia tăng. Theo BS Phạm Thị Ngọc Mai (Bệnh viện Thanh Nhàn), trong số những ca mắc bệnh nhập viện năm nay ghi nhận nhiều ca bệnh nặng như: Giảm tiểu cầu, xuất huyết… Một phần lớn do người dân chủ quan, chỉ khi bệnh chuyển nặng mới nhập viện. Đặc biệt, theo quy luật hàng năm, thời điểm từ tháng 9 - 11 là “đỉnh” dịch sốt xuất huyết. Do đó, các chuyên gia khuyến cáo, không thể chủ quan, lơ là, tránh “kịch bản” sốt xuất huyết lặp lại như năm 2017 làm đảo lộn cuộc sống của người dân.
Để phòng tránh dịch bệnh bùng phát, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, ông Nguyễn Nhật Cảm cho rằng, mỗi gia đình cũng cần phải nâng cao ý thức tự phòng tránh bệnh bằng cách đảm bảo môi trường sạch sẽ, hạn chế việc sinh sôi, phát triển của muỗi truyền bệnh.
Trong điều kiện diễn biến thời tiết phức tạp, ngày mới đây nhất, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đã có công văn gửi Sở Y tế các tỉnh thành để phòng chống dịch bệnh, trong đó có sốt xuất huyết. Theo đó, các đơn vị cần tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, kịp thời xử lý triệt để các ổ dịch để không bùng phát trong cộng đồng. Các đội chống dịch cơ động, đội cấp cứu lưu động sẵn sàng điều tra, đánh giá và hỗ trợ tuyến dưới trong việc khống chế ổ dịch, cấp cứu điều trị khi cần thiết… Ngoài ra các đơn vị cũng cần tăng cường tuyên truyền cho người dân, chủ động kinh phí để đảm bảo cho các hoạt động phòng chống dịch bệnh, hạn chế tối đa số người mắc và tử vong do bệnh gây ra…
Đến nay, biện pháp phòng bệnh sốt xuất huyết chủ yếu và hiệu quả nhất vẫn là diệt muỗi, diệt loăng quăng/bọ gậy và phòng chống muỗi đốt. Để chủ động phòng bệnh cho bản thân, gia đình và mọi người xung quanh, Bộ Y tế khuyến cáo người dân:
- Đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng.
- Hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa; bỏ muối hoặc dầu hoặc hóa chất diệt ấu trùng vào bát nước kê chân chạn.
- Hàng tuần, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
- Ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày.
-Tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
- Khi bị sốt, đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
(Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)
Thu Nguyên

Tự mua thuốc cảm, giảm đau về uống, người phụ nữ phải nhập viện cấp cứu
Y tế - 12 giờ trướcGĐXH - Bệnh nhân được đưa đến viện trong tình trạng dị ứng nặng với các triệu chứng phù nề, ngứa ngáy, đau rát nghiêm trọng toàn thân, ảnh hưởng lớn đến ăn uống và sinh hoạt.

Không còn phải ra Hà Nội, bệnh nhi tan máu bẩm sinh ở Nghệ An được điều trị ngay tại quê nhà
Y tế - 1 ngày trướcPhương pháp truyền thải sắt hiện đang được triển khai tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An, bước đầu ghi nhận hiệu quả tích cực, giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe nhanh chóng, giảm thiểu tác dụng phụ so với các phương pháp điều trị thông thường.

Sở Y tế Hoà Bình thông tin về ca bệnh dại tử vong
Y tế - 1 ngày trướcTin từ Sở Y tế Hòa Bình, sau khi nhận được báo cáo về tình hình bệnh dại trên địa bàn xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy và trường hợp tử vong do mắc bệnh dại tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy. Ngành Y tế Hòa Bình có khuyến cáo.

BV Nhân dân Gia Định lần đầu ghép thận thành công từ người hiến tạng chết não
Y tế - 5 ngày trướcHai bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối được hồi sinh nhờ tạng từ người chết não.

Đau đầu, sốt không đỡ, nam thanh niên 22 tuổi rơi vào hôn mê
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân được bạn cùng phòng phát hiện trong tình trạng lơ mơ, gọi hỏi không đáp nên nhanh chóng đưa đi cấp cứu.

Bộ Y tế thông tin nhanh về những trường hợp mắc bệnh chưa rõ nguyên nhân tại Nga
Y tế - 5 ngày trướcGĐXH - Đến thời điểm hiện tại, thông tin ban đầu từ Cơ quan Đầu mối thực hiện Điều lệ Y tế quốc tế (IHR) của WHO tại khu vực châu Âu, một số trường hợp bệnh đã xác định nguyên nhân gây bệnh là do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma.

Lần đầu tiên tại Việt Nam, bệnh nhân u phì đại tiền liệt tuyến được phẫu thuật bằng liệu pháp không đau
Y tế - 6 ngày trướcGĐXH - Lần đầu tiên tại Việt Nam các bác sĩ khoa Phẫu thuật tiết niệu và nam học, Bệnh viện E phẫu thuật thành công cho người bệnh mắc u phì đại tiền liệt tuyến (khoảng 40g) bằng liệu pháp vi nhiệt tạo hơi nước (Rezum).

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis
Sống khỏe - 1 tuần trướcNgày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.

Ra mắt mô hình điểm 'An toàn trên không gian mạng, vững vàng trong chuyển đổi số' tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An
Sống khỏe - 1 tuần trướcMô hình ra đời nhằm xây dựng Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trở thành điểm sáng trong công cuộc chuyển đổi số, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam
Y tế - 1 tuần trướcGĐXH - Vừa qua, Viện Đông y Việt Nam phối hợp với các chuyên gia vừa tổ chức Hội thảo khoa học: Nghiên cứu triển khai thử lâm sàng Dược chất Coenzyme NAD+ từ cây nấm tuyết Nhật Bản tại Việt Nam.

Người đàn ông đột tử sau trận đấu tennis
Sống khỏeNgày 1/4, Bệnh viện E đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 41 tuổi do xe cấp cứu 115 đưa đến trong tình trạng nguy kịch, ngừng tuần hoàn sau khi chơi tennis.