Hạnh phúc khi được viết những bài “rất thật”
GiadinhNet - Nguyễn Thu Hằng, 25 tuổi, làm nghề viết báo “chuyên nghiệp” tròn 2 năm nhưng đã kịp có mặt ở rất nhiều điểm nóng và để lại dấu ấn mạnh mẽ trên thị trường tin tức. Nhân Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6), chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn với nữ phóng viên trẻ tuổi của tạp chí trực tuyến Zingnews.
Xung phong vào điểm nóng là… may mắn
Bạn là nữ phóng viên thường xuyên có mặt ở các điểm nóng như dịch COVID-19, hay thiên tai như bão, lụt, sạt lở… Những chuyến đi dài hàng tháng trời đó, bạn xung phong hay do Toà soạn chỉ định, đề cử?
- Hầu hết là xung phong! Nhưng lần xung phong nào tôi cũng thấy mình là người may mắn vì được có mặt tại các điểm nóng đó, để được chứng kiến, được ghi lại chuyện đang xảy ra một cách gần với sự thật nhất.
Ví dụ, hồi đi Đà Nẵng. Sáng 27/7/2020, số ca mắc COVID-19 ở thành phố này có dấu hiệu tăng nhanh, chưa một Toà soạn nào cử phóng viên vào tâm dịch, tôi cùng 2 đồng nghiệp (ảnh và video) ở TPHCM và một phóng viên viết khác ở Hà Nội đã xung phong tới đó.
Thật may mắn vì Toà soạn đã quyết định kịp thời. Chúng tôi chỉ có vài giờ đồng hồ để sắp xếp hành lý, có mặt tại Đà Nẵng trước khi thành phố cách ly xã hội, nếu chậm vài giờ đồng hồ, có thể chúng tôi không vào được Đà Nẵng nữa.
Nhiệm vụ của nhóm khi đó là làm sao ghi nhận thật nhanh không khí cuộc sống người dân trước phong toả. Cùng đó, lệnh giãn cách khiến việc tìm kiếm nơi ăn chốn ở rất khó khăn. Tôi phải gọi đến 7 cuộc điện thoại tới 7 khách sạn khác nhau, may mắn tìm được nơi ở cho cả nhóm.
Còn trong đợt thiên tai ở miền Trung tháng 11/2020, Toà soạn gửi thông tin "cần người đi miền Trung. Thu Hằng có muốn đi không?". Tôi chưa bao giờ có kinh nghiệm tác nghiệp trong điều kiện thiên tai cả. Nhưng tôi vẫn nghĩ việc Toà soạn để mình đi là may mắn bởi không phải ai cũng có cơ hội được tiếp cận chất liệu cuộc sống đáng quý như vậy.
Hai chuyến đi đáng nhớ ấy, tôi cố gắng tận dụng tối đa niềm may mắn được Toà soạn "dành" cho.
Bạn có 45 ngày ở Đà Nẵng chiến đấu dịch COVID-19, 30 ngày rong ruổi 5 tỉnh miền Trung tác nghiệp thiên tai. Cả hai đều nguy hiểm, vất vả. Nhưng mỗi nơi chắc hẳn lại có những áp lực và khó khăn khác nhau?
- Với chuyến đi Đà Nẵng, tôi và các đồng nghiệp đến từ Hà Nội và TPHCM đều không quen địa bàn, không có nhiều đầu mối thông tin… Đó là áp lực nghề nghiệp nhìn thấy ngay nhưng có thể dùng kỹ năng nghề nghiệp để "giải toả", nên nó không phải là vấn đề lớn của nhóm. Một phần vì trong nhóm có phóng viên thường trú, họ nắm rõ địa bàn và đảm nhiệm tin tức thời sự.
Còn với chuyến đi miền Trung, cũng là địa bàn mới mẻ nhưng khó khăn hơn so với chuyến Đà Nẵng vì đòi hỏi nhiều kỹ năng nghề nghiệp hơn. Chuyến miền Trung cũng nguy hiểm nhiều hơn vì với Đà Nẵng, dịch bệnh là nguồn nguy hiểm vô hình, còn với bão lũ, sạt lở thì nguy hiểm ngay trước mặt.
Nhưng điểm giống nhau về áp lực lớn nhất trong khi tác nghiệp ở Đà Nẵng hay miền Trung bão lũ là nỗi sợ rằng mình không có một bài viết nào để kể hết, kể đủ, kể thật và kể hay câu chuyện mình thấy và cảm. Liệu mình có bỏ lỡ chuyện gì đang xảy ra ngoài kia không? Đó là nỗi áp lực lớn nhất của tôi và tôi nghĩ cũng là áp lực của nhóm khi tác nghiệp ở đó. Mình là một trong số ít người được ở điểm nóng, được chứng kiến sự thật, vậy thì phải kể lại câu chuyện gì đó "cho ra hồn".
Như ở Đà Nẵng, mỗi buổi sáng thức dậy, tôi đều như "mắc nợ": Phải viết một cái gì đó để kể hết nỗi vất vả, những gì mà nhân viên y tế, các lực lượng đang cống hiến, hi sinh.
Tới bất kỳ điểm nóng nào, Toà soạn tất nhiên đặt nhiều kỳ vọng vào phóng viên. 45 ngày ở Đà Nẵng, Toà soạn muốn thời gian đầu nhóm tôi sẽ có những "cú đấm" bằng những bài viết đậm dấu ấn, đậm chất Zingnews. Chị biết không khi bật Zalo lên, liên tục tên tôi và tên mọi người trong nhóm bị tag (gắn thẻ) dày đặc đến chóng mặt.
Nhưng sau đó, những người quản lý trực tiếp nhìn nhận lại. Nhóm đã bật chế độ viết nhật ký hàng ngày, tức là vạch ra những việc mình thấy, ghi nhận được trong ngày để những người quản lý ở nơi khác biết chuyện gì đang xảy ra ở Đà Nẵng. Đấy cũng chính là cách giúp chính chúng tôi tự nhìn lại, tự tổng hợp để có bức tranh toàn cảnh, giúp nhóm có "độ lùi" nhất định.
Thực tế thì những người ở hiện trường hay bị cuốn theo thông tin, họ chỉ nhìn thấy những việc trước mắt, lúc nào cũng gấp gáp. Còn những người quản lý, họ có sự bình tĩnh, có thông tin tổng hợp, có đủ độ trầm để nhìn ra một góc nhìn khác giúp mình tiếp cận. Đó là cách chúng tôi phối hợp với Toà soạn để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ.
Còn ở miền Trung, đó là lần đầu tiên tôi đi tác nghiệp một lúc nhiều tình huống thiên tai khác nhau: Bão, lũ, ngập úng và sạt lở diễn ra liên tiếp. Đưa tin trong tình huống đó đòi hỏi nhiều kỹ năng nghề nghiệp. Cũng từ đó, tôi và các bạn học được nhiều điều từ chuyến đi đặc biệt. Sau đó về, tôi còn viết thành một cuốn "cẩm nang" dành cho tác nghiệp thiên tai, đặc biệt là với phóng viên nữ.
Hạnh phúc khi được nhìn nhận: "Bài đó viết rất thật"
Rất nhiều áp lực từ Toà soạn, từ chính bản thân. Sau khi rời Đà Nẵng được gần 1 năm, bạn tự hào và tiếc nuối nhất là gì?
- Tôi đã kể được câu chuyện đã xảy ra một cách thật nhất có thể. Tôi nhớ khoảnh khắc vui nhất trong suốt quá trình ở đấy khi tôi viết xong bài "Giải cứu Đà Nẵng" - bài tâm đắc nhất (đây cũng là bài viết trong loạt 5 bài Thu Hằng và nhóm phóng viên gửi tham dự Giải Báo chí Quốc gia 2020 và lọt vào vòng Chung khảo - PV).
Đó là bài báo mà tôi đã rất khổ sở khi viết: Phỏng vấn 13 người, bóc băng ra là 60.000 chữ, 124 trang A4. Ý định ban đầu của tôi là viết thành 3 kỳ 6.000 chữ đã là sự chắt chiu sau bao cân đo đong đếm. Ấy vậy mà sau 11 lần viết đi viết lại, bài còn 3.200 chữ.
Lúc bị yêu cầu biên tập "cắt" một nửa, tôi rơi nước mắt. Bỏ chữ nào cũng tiếc, cắt chi tiết nào cũng xót. Khó khăn và "đau" cực kỳ. Nhưng khi bài viết thành hình rồi, ngắm lại "đứa con" của mình rồi thấy sao mà sướng thế.
Tôi gửi bài cho tất cả các nhân vật trong bài. Một bác sĩ là nhân vật đinh trong câu chuyện nhắn tin với tôi, nói mọi người đánh giá "bài đó rất thật". Đó là điều hạnh phúc. Mình viết một câu chuyện, nhân vật trong bài đọc và họ như được sống lại thời khắc xảy ra đó. Với người viết có lẽ không gì hạnh phúc hơn.
Còn tiếc nuối ư? Tôi vẫn mong muốn mình sẽ viết lại được một tác phẩm thật hạnh phúc như thế… Nhưng nhiều lúc cũng phải xác định, phải có câu chuyện đủ hay, chất liệu đủ sống động và mình phải đủ thời gian, đủ độ trầm thì mới kể được. Dù sao, tôi vẫn muốn sống lại cảm giác đang viết những bài viết khi ở Đà Nẵng, miền Trung.
"Giải cứu Đà Nẵng" và những bài viết ở Đà Nẵng, miền Trung của bạn gây ám ảnh với tôi. Nó không đến từ hiệu ứng hiển thị vốn là đặc sản của Zing mà do chính nội dung bài viết…
- Cảm ơn chị nhưng bài viết đó, tôi nghĩ là tôi may mắn. Những người cũng ở hiện trường Đà Nẵng hay miền Trung từ đầu đến cuối có thể họ cũng sẽ viết được những câu chuyện như thế, thậm chí hay hơn nhiều. Tôi chỉ là người may mắn chứ không phải có năng lực hơn ai cả.
Sự trưởng thành trui rèn qua khó khăn
Những chuyến đi giúp bạn trưởng thành ra sao?
- Khả năng ra quyết định nhanh hơn, tốt hơn là điều tôi thấy đầu tiên. Tôi liên tục phải ra quyết định trong các hoàn cảnh không biết có nguy hiểm không. Ví dụ hồi ở Đà Nẵng, đi vào khu điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, Toà soạn chỉ cử 1 phóng viên video vào ghi lại hình ảnh. Đó lại là "chiến trường" tôi chưa có điều kiện thâm nhập. Tôi rất muốn vào đó để gặp bác sĩ và bệnh nhân. Vậy là, tôi mạnh dạn nhờ kết nối với các anh chị ở Bộ Y tế xin vào cùng dù ai cũng biết là nguy hiểm. Cuối cùng, nhóm tôi có sản phẩm ưng ý.
Còn khi ở miền Trung, có nhiều người trong Toà soạn cùng tác nghiệp. Trong 1 tháng đó tôi đi hết một dải miền Trung 5 tỉnh gồm: Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Mỗi nơi lại cho tôi một cảm xúc khó tả. Quan trọng nhất là cho tôi những kỹ năng sống và tác nghiệp trong điều kiện thiên tai, kỹ năng xử lý tình huống bất ngờ, không ai hỗ trợ.
Tôi nhớ hôm 28/10/2020 ở xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam. Vụ sạt lở chôn vùi cả một ngôi làng với 11 nóc nhà bị vùi lấp, nhiều người tử vong. Dù sạt lở tiếp tục xảy ra ở cung đường độc đạo lên Trà Leng, nhưng nhóm tôi vẫn quyết định tiếp cận hiện trường cứu hộ nạn nhân sạt lở, cứ cố gắng nhích lên được chút nào hay lúc đó. Tôi chọn một điểm để đứng dẫn trực tiếp từ hiện trường ở một đoạn đường lên Trà Leng. Ngày hôm sau, đúng điểm tôi đứng dẫn xảy ra sạt lở, cuốn phăng luôn cả dấu chân, sạt mất đường. Chúng tôi vẫn là người may mắn, nếu chỉ chậm một ngày là…
Cũng ở Trà Leng, có những lúc mình phải đấu tranh tâm lý đi hay ở. Vẫn có những người sống sót sau vụ sạt lở kinh hoàng. Họ dựng lều lán bên cạnh hiện trường để tìm xác người thân. Tôi và một bạn phóng viên ảnh rất muốn ở lại đó qua đêm với người dân vì chắc chắn sẽ có tư liệu hay, câu chuyện chân thật nhất. "Họ ở được, mình ở được" - tôi đã nghĩ thế. Nhưng trước đó, tôi cũng có phỏng vấn một số chuyên gia địa chất, cảnh báo điểm đó có thể sạt lở tiếp chứ không phải dừng lại. Cân nhắc mãi, hai chúng tôi bàn nhau đi về.
Bạn có phải là người liều lĩnh?
- Tôi chỉ ham thôi, chỉ sợ bỏ lỡ sự thật nào đó ở ngoài kia. Còn bản thân tôi cũng chưa liều "cú" nào ghê quá. Quan điểm của tôi là không làm một mình, mọi quyết định đưa ra sau khi xin ý kiến tập thể để giảm nguy cơ xuống. Toà soạn cũng luôn cảnh báo thấy tình huống nguy hiểm là không được đi vào.
Luôn có tâm lý "mắc nợ"
Các diễn viên khi đóng xong một bộ phim hay và có tâm lý nặng nề, họ thường bị khó thoát vai. Bạn có nhanh thoát khỏi nỗi "ám ảnh" sau những chuyến đi dài hoặc các bài viết "nặng ký"?
- Tôi luôn có tâm lý "nợ" nhân vật. Tôi nghĩ mình kể một câu chuyện về cuộc đời hoặc những lát cắt trong cuộc đời một con người sống 30 năm, 70 năm thậm chí 100 năm, người ta nén lại chỉ trong 2 - 3 tiếng phỏng vấn với mình. Mình viết bài, nhận nhuận bút. Chuyện nhân vật được "hưởng lợi" từ bài viết của mình cũng "hên xui" lắm. Vì thế tôi luôn thấy "mắc nợ" nhân vật.
Khi viết về ai, viết cái gì, tôi luôn cố gắng làm tốt nhất có thể, cố hết sức rồi thì mình không bị chết chìm trong cảm xúc cũ, thành tựu cũ. Nhưng nó cũng có áp lực, tôi luôn muốn sống lại cảm giác được viết những bài "đã" như thế.
Như bài "Giải cứu Đà Nẵng", tôi cũng nghĩ mình không ám ảnh bài viết đó hoặc với chuyến đi Đà Nẵng dài 45 ngày ấy. Khi mình viết ra một câu chuyện mà mình đã làm hết sức, mình không còn tiếc nuối lớn lao nào. Tôi rời Đà Nẵng vào giữa tháng 8/2020, trở về TPHCM và tiếp tục làm công việc của mình. Tôi chỉ ám ảnh cảm giác được viết một tác phẩm ưng ý. Mình thích nó và muốn sống lại cảm giác đó.
TPHCM nơi bạn đang làm việc lại là điểm nóng của COVID-19. Lần này, áp lực của bạn là gì?
- Tác nghiệp ở TPHCM, nhân sự Tòa soạn đông hơn, vai trò của tôi cũng khác: Cập nhật, theo dõi thông tin từ chính quyền. Tôi rất muốn về "chiến trường" như Gò Vấp để được tiếp xúc những tư liệu hay. Nhưng lần này cũng phải đấu tranh, lại phải ra quyết định dù tôi đã xin giấy giới thiệu về đó. Chẳng hạn tôi đưa tin các cuộc họp ở thành phố liên tục, rồi còn phỏng vấn lãnh đạo thành phố nhiều nữa… Nếu mình đi vào tâm dịch thì phải cân nhắc nhiều, virus vô hình mà.
Tôi xác định, ở vai nào thì tôi cũng luôn cố gắng nhất có thể để đưa thông tin một cách sớm nhất, chính xác nhất và hỗ trợ đồng nghiệp đi "hiện trường" có những tác phẩm tốt nhất.
Trân trọng cảm ơn Nguyễn Thu Hằng và chúc bạn có thêm nhiều "bài viết hạnh phúc"!
Bây giờ mọi người hay nói câu “báo chí vị view sinh” để ám chỉ về sự chi phối áp lực bài viết có người đọc hay không. Làm báo điện tử thì ở đâu cũng vậy, nhưng theo tôi không nên đặt view lên trên hết. Tôi nghĩ bất kỳ ai muốn viết báo, hoặc theo đuổi nghiệp viết cần đặt vấn đề và nhân vật của mình lên đầu tiên. Chúng ta kể một câu chuyện thật mà mình cảm thấy không hổ thẹn, khi nhân vật trong câu chuyện đó đọc lại, họ tự hào là sống lại cảm giác câu chuyện ấy. Tôi nghĩ đó là cách tốt nhất để trở thành một người viết hay.
Phóng viên Nguyễn Thu Hằng
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng
Thời sự - 9 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.
Tin tối 21/11: 3 người trong 1 gia đình rơi xuống vùng nước sâu may mắn được cứu sống; bắt giữ gần 1 tấn thực phẩm ăn lẩu nhiều người yêu thích
Xã hội - 9 giờ trướcGĐXH - Cơ quan chức năng huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết vừa kịp thời cứu một gia đình bị rơi xuống vùng nước ngập sâu; Tổng khối lượng thực phẩm bị bắt giữ là 982kg, tất cả số hàng hóa này đều không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Vụ kè sông ở Bắc Kạn bị thiệt hại do xả lũ: Nhà máy thủy điện Thác Giềng 1 báo cáo gì?
Đời sống - 11 giờ trướcGĐXH - Ngày 06/11/2024, nhà máy thuỷ điện Thác Giềng 1 có báo cáo liên quan đến việc xả lũ gây ảnh hưởng dự án kè khắc phục sạt lở bờ sông Chu, sông Cầu đoạn qua thị trấn Đồng Tâm, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn.
Tham ô tài sản, hai cán bộ lĩnh án
Pháp luật - 11 giờ trướcGĐXH - Ngày 21/11, TAND tỉnh Thừa Thiên Huế tuyên án đối với Nguyễn Vĩnh Linh (SN 1961, trú phường Tây Lộc, TP Huế) và Nguyễn Như Quỳnh (SN 1975, trú phường Vĩnh Ninh, TP Huế) về "Tham ô tài sản" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
Hà Nội: Phát hiện gần 150 bộ hài cốt khi thi công cống thoát nước trên phố Tây Sơn
Đời sống - 12 giờ trướcGĐXH - Trong quá trình thi công, cải tạo đường và hệ thống thoát nước tại ngõ 167 Phố Tây Sơn, phường Quang Trung, quận Đống Đa, (TP Hà Nội), nhóm công nhân tại đây đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt.
Phá đường dây làm giả giấy tờ của lực lượng vũ trang
Pháp luật - 12 giờ trướcGĐXH - Một đường dây chuyên làm giả giấy tờ, trong đó có những giấy tờ của lực lượng vũ trang nhằm mục đích lừa đảo vừa bị Công an quận Đống Đa triệt phá.
Thủ đoạn lừa chạy thủ tục làm 'sổ đỏ' để chiếm đoạt tài sản
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Lợi dụng tâm lý e ngại thủ tục hành chính và các thủ tục liên quan đến Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) của người dân, các đối tượng tự nhận bản thân có các mối quan hệ nên làm được nhanh khiến nhiều nạn nhân "nhẹ dạ, cả tin" sập bẫy.
Công an tìm người gửi tiền vào một doanh nghiệp vàng bạc ở Nghệ An
Pháp luật - 13 giờ trướcGĐXH - Công an tỉnh Nghệ An đang điều tra vụ việc một doanh nghiệp vàng bạc ở huyện Yên Thành mở sổ tiết kiệm như ngân hàng, huy động vốn của người dân.
Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội
Thời sự - 13 giờ trướcGĐXH - Sau phản ánh của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức Khỏe và Đời sống), UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an Quận, Đội thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu phát sinh việc dừng đỗ, thu tiền trông giữ phương tiện trái phép tại ngõ 8 đường Tôn Thất Thuyết, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Tuyển sinh đại học 2025: Cân não lựa chọn môn trong tổ hợp xét tuyển
Giáo dục - 13 giờ trướcNhiều trường đại học có sự tính toán tổ hợp xét tuyển đại học trong năm 2025 phù hợp với lứa thí sinh đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo CTGDPT 2018.
Tin sáng 21/11:Từ năm 2025, người mắc các bệnh này sẽ không được lái xe máy; Thay đổi lương hưu người lao động cần biết
Xã hộiGĐXH - Theo quy định của Thông tư 36/2024, Bộ Y tế quy định những người mắc một trong những bệnh được liệt kê không đủ điều kiện để lái xe máy. Chính sách lương hưu từ năm 2025 có nhiều thay đổi so với Luật BHXH hiện hành, người lao động cần nắm rõ.