Hà Nội
23°C / 22-25°C

Ngôi đền cổ và 9 cây muỗm hơn 900 tuổi

Chủ nhật, 08:06 10/04/2011 | Xã hội

GiadinhNet - Dự án hơn 17 tỉ đồng để tu bổ, tôn tạo di tích đền Voi Phục (Hà Nội) - Nơi có 9 cây muỗm gần 1.000 năm tuổi (là những cây đầu tiên được xếp hạng Cây di sản) - đã chính thức được triển khai.

Nhưng số phận những cây đại thụ quý bậc nhất dường như vẫn chưa thực sự nhận được sự quan tâm thích đáng, khi mà có tới 2 cây vẫn nằm  phía ngoài nhà dân, trong đó cây số 9 đang sống leo lắt giữa những bức tường bê tông.
 

Phải 3 người ôm mới vòng hết được thân cây.

 
Bút tích đền thiêng từ năm 1621
 
Đền Voi Phục trên phố Thụy Khuê được cho là ngôi đền đầu tiên thờ Đức Thánh Linh Lang ở miền Bắc (chứ không phải đền Voi Phục ở công viên Thủ Lệ), với đôi voi đá cổ trong tư thế phủ phục được tìm thấy dưới lòng di tích giếng ngọc.
 
Ngôi đền cổ được các nhà sử học nhận định là có từ khoảng 1.000 năm trước, là mảnh đất thiêng thờ Đức Thánh Linh Lang, con vua Lý Thái Tông. Sau nhiều năm có ý kiến đề nghị từ Ban Quản lý di tích, cuối cùng UBND quận Tây Hồ đã chính thức khởi công quy hoạch tổng mặt bằng, tu bổ, tôn tạo các hạng mục di tích đền Voi Phục. Phương án tu bổ đền Voi Phục gồm các hạng mục chính: quy hoạch lại tổng thể toàn bộ di tích rộng 2.209m²; tu bổ đền Chính, Hậu Cung và Nghi Môn; xây mới các hạng mục nhà Tạo Soạn (hai bên Tả - Hữu), nhà Thủ từ - vệ sinh, lầu hóa vàng, hàng rào bao quanh di tích. Đồng thời cải tạo sân vườn, hệ thống thoát nước.
 
Chủ tịch UBND quận Tây Hồ - Ông Nguyễn Phúc Quang - cho biết, UBND quận đã phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư hơn 17,2 tỷ đồng được thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách và các nguồn vốn xã hội hoá. Dự án đầu tư sẽ phân kỳ thành nhiều giai đoạn, trước tiên UBND quận sẽ phân bổ 2,9 tỉ đồng để thi công phá dỡ dãy nhà cấp 4, tu bổ Nghi Môn, xây dựng lầu hoá vàng và nhà Thủ từ - vệ sinh. Công ty Mỹ thuật Trung ương là đơn vị được giao thi công dự án, thời gian yêu cầu hoàn thành là 240 ngày.
 
Gần 1.000 năm trước, ngay trên quê hương hoàng tử Linh Lang, nơi ngài cất tiếng khóc chào đời, người dân làng Thụy Chương (Thụy Khuê ngày nay) tỏ lòng thành kính ngài đã xây đền thờ. Đây là ngôi đền đầu tiên xây dựng thờ Đức thánh Linh Lang tại miền Bắc. Ban đầu ngôi đền hướng về Tây Nam thành Thăng Long (đường Hoàng Hoa Thám bây giờ).
 
Ông Nguyễn Văn Tùng - Trưởng ban quản lý di tích - cho hay: Theo truyền thuyết, ngày đó ngôi đền được tiếng là thiêng nhất vùng, các quan trong triều đến đền mà không xuống ngựa từ xa thì như có ai quất roi làm ngựa bị ngã. Tấm bia đá trong hậu cung từ thời Vĩnh Tộ 3 (năm 1621) vẫn còn lưu giữ những dấu tích thiêng của ngôi đền liên quan đến hai sự kiện thiên tai khủng khiếp. Đó là đợt hạn hán kinh hoàng năm 1608 làm thất bát mùa màng, đời sống nhân dân khốn khổ, các quan trong triều liền ra đền làm lễ cầu mưa, buổi lễ cầu xong thì trời bỗng đổ mưa chan hoà. Sự kiện thứ hai được ghi rõ trong tấm bia cổ là trận lụt năm 1618, nước ngập thành mãi không rút, chỉ đến khi các quan trong triều ra đền cầu thì nước mới bắt đầu rút, kinh thành hết lụt.
9 cây đại thụ tuổi hơn 900 năm.
 

Ông Tùng bên tấm bia tôn vinh Cây di sản.

 
Tương truyền những cây muỗm đại thụ được trồng từ khi có ngôi đền thiêng. Kết quả điều tra xác định của Hội Bảo vệ Thiên nhiên & Môi trường Việt Nam cho thấy, tuổi đời của 9 cây muỗm ít nhất khoảng hơn 700 năm, nhiều nhất có thể lên tới gần 1.000 năm. Cây to nhất chu vi thân là 5,20m và cao 29m, cây nhỏ nhất có chu vi thân 2,92m, cao 17m.
 
Theo ông Nguyễn Văn Tùng: Dựa vào các yếu tố lịch sử về năm mất của hoàng tử Linh Lang thì ngôi đền ngót nghét 1.000 năm tuổi, còn 9 cây muỗm cũng vào khoảng hơn 900 năm. "Người xưa trồng 9 cây muỗm không chỉ vì đó là cây sống lâu năm mà còn có ý nghĩa thu hoạch trái. Có đoàn nước ngoài hỏi tại sao lại là 9 mà không phải 10 cây thì tôi có giải thích đó là do quan niệm của người Á đông về số 9 là số trường cửu, có ý nghĩa trường tồn với thời gian"- Trưởng Ban quản lý di tích đền nói.
 
Tuy nhiên, hiện chỉ có 7 cây đại thụ quý nằm hoàn toàn trong khuôn viên của đền. Cây di sản số 8, một nửa thân nằm ở ngõ phía bên trái ngoài khuôn viên đền, một nửa nằm trong nhà dân. Cây này có kích thước lớn và tán vươn rộng như những cây phía trong đền và được gìn giữ nguyên vẹn.Tang thương nhất là cây đại thụ thứ 9, nằm phía bên kia đường đối diện cổng chính của đền, bị kẹp chặt giữa những bức tường bê tông cốt thép của các ngôi nhà. Thân cây đại thụ này gầy guộc, không phát triển nổi. Có lẽ ít ai ngờ nơi đây cạnh gốc cây này, xưa kia còn có giếng ngọc, nước trong vắt quanh năm.
 
Vào thời nhà Lê, theo thầy phong thuỷ thì đền nằm trên mình con Phượng Hoàng và trên đó còn có một giếng ngọc. Khi đào giếng ngọc, người ta tìm thấy một đôi voi đang ở thế phủ phục bèn đưa đôi voi về thờ ở ngay trước cửa đền. Từ đó đến nay đền có tên là đền Voi Phục.
 

Tán cây trĩu hoa báo hiệu một mùa sai quả.

 
Tích thiêng lặp lại trong lễ tôn vinh?!
 
Ông Nguyễn Văn Tùng cho hay, giếng ngọc là phong thủy của đền, xưa kia ánh nắng mặt trời rọi xuống mặt giếng tỏa hào quang chiếu thẳng vào cổng chính của đền. "Nhưng sau nhiều biến cố lịch sử, giếng ngọc nay không còn nữa, cây muỗm đại thụ ở cạnh giếng ngọc do không có đất mọc, bị ép chặt giữa các tường bê tông nên giờ còi cọc hơn hẳn những cây bên này" - Ông Tùng xót xa.
 
Đợt tu bổ, tôn tạo lần này, việc khôi phục giếng ngọc thiêng xưa và khôi phục một phần nhỏ diện tích đất để xây bệ tròn bảo vệ cây di sản đều không có hạng mục trong dự án. Hiện ngoài tấm bia từ năm Vĩnh Tộ, ngôi đền thiêng hiện còn lưu giữ được những di vật xưa còn nguyên vẹn đến ngày nay, như bộ ngai ỷ gồm 6 chiếc. Đó là bộ ngai ỷ thiêng liêng mà người xưa thường dùng để thờ cúng ở những nơi trang trọng. Dựa vào những nét chạm trổ hoa văn trên ngai, các nhà nghiên cứu lịch sử đã khẳng định tuổi đời của bộ ngai ỷ vào khoảng hơn 900 năm. Các cụ từ trong đền cho hay, điều đặc biệt là trên bát hương thờ lâu nay trong đền còn có hai chữ Thụy Chương, tên cổ xưa của làng tồn tại từ thời đại nhà Lý cho đến tận nhà Lê mới đổi thành Thụy Khuê.
 
Cụ Hà Văn May, năm nay đã gần 100 tuổi, thuộc một trong bốn dòng họ cổ lớn nhất làng Thụy Khuê cho biết: "Không biết chính xác bát hương cổ có từ triều đại nào, ngay cả các cụ nhà tôi cũng không biết chính xác".
 
Sự kiện xảy ra vào dịp lễ vinh danh 9 cây đại thụ đầu tiên được xếp hạng là Cây di sản, đã khiến ngôi đền như thêm nhuốm màu linh thiêng. "Đó là ngày 5/10/2010 buổi lễ tôn vinh, đón nhận xếp hạng Cây di sản tại đền, người ta chuẩn bị 10 quả bóng bay để khi khai mạc lễ sẽ gắn vào tấm vải đỏ phủ trên tấm bia công nhận Cây di sản. Ban tổ chức tính toán: Với sức kéo của 10 quả bóng thì mới nâng được tấm khăn phủ trên tấm bia lên. Khi mua về, 10 quả bóng để ở sân ngoài thì không thấy vấn đề gì nhưng khi buộc vào tấm bia để bắt đầu lễ thì đột nhiên 1 quả bị nổ, thế là chỉ còn 9 quả bóng"- Ông Nguyễn Văn Tùng kể lại.
 
Không biết đó là sự linh thiêng của ngôi đền được nghiệm ứng hay chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng dù có là điều gì đi chăng nữa thì ngôi đền cổ xưa với 9 cây đại thụ quý bậc nhất vẫn mãi là di sản quý báu, cần được tu bổ, bảo vệ, gìn giữ cho thế hệ mai sau.
 
Hoàng tử Linh Lang là ai?

Ngôi đền thiêng thờ Đức Thánh Linh Lang, một vị hoàng tử thời Lý, nhưng cái tên Đền Voi Phục thì mãi tới thời Lê mới xuất hiện. Tương truyền, ngày 13/12/1030 năm Kỷ Tỵ, thứ phi của vua Lý Thái Tông là Hạo Nương đã sinh hoàng tử trong ngôi làng nhỏ Thụy Chương ở ven hồ Dâm Đàm (nay thuộc phường Thụy Khuê, quận Tây Hồ, Hà Nội; hồ Dâm Đàm nay là Hồ Tây). Vua Lý Thái Tông liền đặt tên cho hoàng tử là Linh Lang (hay còn gọi là Hoàng Chân).
 
Tương truyền, Linh Lang là người khôi ngô, tuấn tú và tinh thông võ nghệ từ nhỏ. Năm 14 tuổi, hoàng tử đã theo vua cha đi đánh giặc Chiêm Thành. Đến năm 1076 - 1077, khi nhà Tống đem quân sang xâm chiếm nước ta, hoàng tử Linh Lang cầm đầu thủy quân đánh ngược lên phía Bắc, tiêu diệt căn cứ của Chánh tướng Quách Quỳ rồi phối hợp với đạo quân của Lý Thường Kiệt tấn công Triệu Khiết khiến quân Tống thất trận trên phòng tuyến sông Như Nguyệt (nay là sông Cầu, Bắc Ninh).
 
Trong trận chiến đó, hoàng tử Linh Lang đã hy sinh. Vua Lý hay tin đã vô cùng đau xót, liền sắc phong cho con trai là Linh Lang Đại Vương Thượng đẳng tối linh thần (là một sắc phong cao nhất thời Lý) và ban lệnh người dân những nơi Linh Lang đi qua phải xây đền thờ.

Lã Xưa

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Chat sex với gái quen qua mạng, người đàn ông bị tống tiền 200 triệu đồng

Chat sex với gái quen qua mạng, người đàn ông bị tống tiền 200 triệu đồng

Pháp luật - 36 phút trước

GĐXH - Sau khi chat sex với cô gái quen qua mạng, anh X. (ở Hà Nội) đã bị đe doạ, tống tiền 200 triệu đồng.

Đại diện The Coffee House nói gì về sự cố tấm kính lớn đổ sập vào người khách hàng

Đại diện The Coffee House nói gì về sự cố tấm kính lớn đổ sập vào người khách hàng

Đời sống - 40 phút trước

GĐXH - The Coffee House cho biết đã lên phương án, đề xuất một khoản hỗ trợ cho gia đình nạn nhân, tuy nhiên phía người nhà đã từ chối nhận khoản hỗ trợ vì đang "bối rối", mong muốn sau khi hoàn thành các ca mổ sẽ phản hồi sau.

Chàng quân nhân điển trai trong lễ diễu binh tại Điện Biên Phủ đốn tim dân mạng

Chàng quân nhân điển trai trong lễ diễu binh tại Điện Biên Phủ đốn tim dân mạng

Đời sống - 1 giờ trước

Phạm Văn Đồng gây sốt cộng đồng mạng bởi vẻ ngoài được ví như cực phẩm trong lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ.

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 9/5/2024

Kết quả xổ số (KQXS) hôm nay thứ Năm ngày 9/5/2024

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Kết quả xổ số hôm nay - KQXS thứ Năm ngày 9/5/2024: Xổ số miền Nam - XSMN, xổ số miền Trung - XSMT, xổ số miền Bắc - XSMB, xổ số Vietlott - XS Vietlott.

Bị từ chối khi xin 10.000 đồng, thanh niên chém chết bố dượng

Bị từ chối khi xin 10.000 đồng, thanh niên chém chết bố dượng

Pháp luật - 2 giờ trước

Đi nhậu về, giữa A Tri và cha dượng xảy ra mâu thuẫn, cãi nhau. Sau đó, A Tri xin cha dượng 10.000 đồng để mua thuốc lá không được nên lấy dao rựa chém 5 nhát khiến nạn nhân tử vong.

Vì sao khoảng 23.000 học sinh Hà Nội không thi vào lớp 10 công lập?

Vì sao khoảng 23.000 học sinh Hà Nội không thi vào lớp 10 công lập?

Giáo dục - 3 giờ trước

Năm nay, có khoảng 23.000 học sinh tốt nghiệp THCS tại Hà Nội không dự kỳ thi lớp 10 công lập.

11 tuyến đường đầu tiên ở TPHCM áp dụng thu phí vỉa hè

11 tuyến đường đầu tiên ở TPHCM áp dụng thu phí vỉa hè

Đời sống - 3 giờ trước

Ngày 9/5, UBND quận 1 (TPHCM) bắt đầu áp dụng thí điểm 11 tuyến đường có vỉa hè đủ điều kiện sử dụng một phần để tổ chức làm điểm kinh doanh, mua, bán hàng hóa. Đây là địa phương đầu tiên tại TPHCM áp dụng việc thí điểm thu phí sử dụng một phần vỉa hè cho hoạt động kinh doanh, mua bán.

Trung Quốc miễn visa (thị thực) cho 12 quốc gia tới 2025, Việt Nam có nằm trong danh sách đó?

Trung Quốc miễn visa (thị thực) cho 12 quốc gia tới 2025, Việt Nam có nằm trong danh sách đó?

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH – Trung Quốc miễn visa (thị thực) cho nhiều nước tới năm 2025, trong đó có 1 quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á.

Hà Nội: Thêm xe ô tô bị 'sập bẫy' khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy

Hà Nội: Thêm xe ô tô bị 'sập bẫy' khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy

Thời sự - 5 giờ trước

GĐXH - Những ngày qua, khi di chuyển qua Dự án D20 Cầu Giấy, một xe taxi thương hiệu Xanh SM đã bất ngờ bị rơi một bánh xe xuống hố ga lộ thiên.

6 khoản phí bắt buộc phải nộp nếu muốn làm sổ đỏ 2024, hàng triệu người cần nắm được

6 khoản phí bắt buộc phải nộp nếu muốn làm sổ đỏ 2024, hàng triệu người cần nắm được

Đời sống - 6 giờ trước

GĐXH - Người sử dụng đất nếu muốn làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất bắt buộc phải nộp 6 khoản phí.

Top