Từ những câu chuyện sống sót mang tính huyền thoại cho đến những hội chứng bệnh học bí ẩn, thế giới y học luôn làm cho người ta sửng sốt bằng những câu chuyện gây sững sờ. Dưới đây là những câu chuyện y học hết sức ly kỳ, có thể bạn thấy khó tin, nhưng nó là những câu chuyện có thật 100%.
Người không có tuổi
Brooke Greenberg từ Reisterstown, bang Maryland (Mỹ) đang chiến đấu với một chứng bệnh khá bí ẩn. Tháng 1/2010, Brooke đã bước sang tuổi 17, tuy nhiên diện mạo bề ngoài của cô lại trông như một đứa bé mới biết đi. Cô cao 76cm và cân nặng khoảng 7,3kg, vì những lý do như thế mà người ngoài nếu không biết sẽ phỏng đoán rằng có lẽ cô là đứa bé mới 9 hay 12 tháng tuổi mà thôi. Cô nói năng cũng không tốt lắm. Các nhà khoa học phỏng đoán rằng sự không bình thường của cô có thể do khiếm khuyết về gen chi phối tuổi tác của cô.
Tiến sĩ Richard Walker từ trường Y khoa thuộc Đại học Nam Florida, người chịu trách nhiệm nghiên cứu về tuổi tác của Brooke, phát biểu: "Có rất ít dấu hiệu cho thấy có sự thay đổi trong não của Brooke. Nhiều phần trên cơ thể cô có sự thiếu liên kết". Tuy nhiên, các nhà khoa học nói rằng trường hợp của Brooke là cơ hội hiếm giúp cho họ có thể nghiên cứu về bí ẩn của tuổi tác.
Tiến sĩ Walker, người đã công bố một bài viết về hội chứng bệnh của Brooke, nói: "Giả thuyết của chúng tôi là cô đã bị ảnh hưởng từ việc tổn thương gen hoặc gen có sự trục trặc liên quan đến việc phát triển cơ thể và tuổi tác. Nếu chúng ta có thể sử dụng ADN của cô để tìm kiếm các gen bị đột biến rồi thì chúng tôi có thể xét nghiệm trong việc thí nghiệm các loài động vật để tìm hiểu xem tiến trình chậm lão hoá sẽ được tiến hành như thế nào. Chỉ từ đó mới đem đến một cơ hội giúp chúng ta trả lời câu hỏi: Tại sao chúng ta lại chết?".
Mất đầu - Lắp đầu mới - Sống lại
Vào ngày 12/7/2002, anh Marcos Parra khi đó mới 18 tuổi, đã bị một tai nạn xe hơi thảm khốc khiến đầu của anh gần như... rời ra khỏi cột sống cổ. Tuy nhiên, một nhóm chuyên gia y tế dẫn đầu bởi Tiến sĩ Curtis Dickman (ảnh), một chuyên gia giải phẫu thần kinh tại Bệnh viện St. Joseph ở Phoenix, bang Arizona (Mỹ) đã thực hiện một cuộc phẫu thuật mang tính đột phá trong việc cứu mạng sống cho bệnh nhân Marcos Parra. Cùng với sự trợ giúp của hai đồng nghiệp, đầu của Parra đã được đặt lại đúng vị trí giải phẫu.
Đáng kinh ngạc là cuộc phẫu thuật tưởng chừng rất không tưởng và chứa đầy rủi ro thế nhưng đã thành công vượt mong đợi. Kể từ đó nhóm giải phẫu của Dickman đã thành công liên tiếp trong hai ca phẫu thuật cho các bệnh nhân khác. Có một câu chuyện cũng tương tự như vậy. Ricky Barker cũng bị gần đứt cổ sau một vụ tai nạn vào năm 2004 khi chiếc xe đạp của ông va chạm với một chiếc xe hơi. Tuy nhiên 3 tháng sau đó, Barker rời khỏi bệnh viện chỉ bị liệt một cánh tay trái, một chân đi khập khiễng và có một hố sâu trong họng (nhưng ông có thể thở dễ dàng).
Ba bé sơ sinh từ tử cung kép của một người mẹ
Bà mẹ trẻ Hannah Kersey ở Northam, Devon (Anh), đã mang thai trong tình trạng tử cung kép - một dạng dị tật do các cơ phận hình thành ra trong thời gian sinh sản, kết quả là bà mẹ trẻ này có đến hai tử cung. Vào tháng 12/2006, chị Kersey nằm trong số 1/25 triệu người mang thai sinh ba con gái cùng lúc từ hai tử cung trên cơ thể.
Cặp bé gái sinh đôi Ruby và Tilly được sinh ra từ một tử cung, trong khi đó bé gái Grace lại sinh ra từ một tử cung khác. Trên thế giới từng có hiện tượng người hai tử cung, nhưng tỷ lệ sinh ba như của chị Kersey thì là trường hợp đầu tiên được y văn ghi nhận. Những sản phụ như thế này thường sinh con sớm là chuyện khá bình thường. Trường hợp chị Kersey, ba bé gái được sinh ra sớm cách ngày sinh dự kiến khoảng 7 tuần.
Chìa khoá trong não
Vào tháng 9/2008, cậu bé Nicholas Holderman, 17 tháng tuổi, từ Kentucky (Mỹ), đã làm một cú đột phá ngoạn mục sau khi các bác sĩ đã tiến hành gắp những chiếc chìa khoá ra khỏi... não của cậu bé. Có lẽ trong lúc chơi đùa với 2 người anh trai, cậu bé đã vô tình ngã đập đầu vào trong những chiếc chìa khoá này. Một trong hai chiếc chìa khoá đã xiên qua mí mắt và chạm đến não. Cha mẹ của cậu bé, ông bà Staci và Chris, đã bị đánh động bởi tiếng kêu thất thanh của con trai, họ nhanh chóng hiểu chuyện gì đã xảy ra và nó cũng gây sốc cho bất kỳ ai nhìn thấy. Mẹ cậu bé lập tức đem Nicholas đến cơ sở y tế gần nhất.
Nhóm bác sĩ đã tiến hành lấy các chìa khoá ra một cách thành công mà không gây ra bất kỳ tổn hại cho não, mặc dù một mắt của cậu bé đã bị tổn thương, nhưng thị lực của Nicholas không hề thay đổi. Một câu chuyện khác cũng ly kỳ không kém đã diễn ra tại một nhà hàng ở bang Minnesota (Mỹ) vào tháng 7/2007, khi một bé trai bị cây nĩa ăn chọc thẳng vào đầu trong lúc đang ăn. Rất may mắn là cây nĩa chỉ cắm ngoài hốc mũi, và các bác sĩ đã nhanh chóng phẫu thuật lấy cây nĩa ra mà không làm hư hại khuôn mặt của bệnh nhân.
Em bé hình thành ngoài tử cung của mẹ
Bà mẹ trẻ Ncise Cwayita, từ Nam Phi, đã sinh hạ thành công một bé gái khoẻ mạnh, nặng 2,8 kg, nhưng chuyện kỳ lạ đã được phát hiện khi em bé sơ sinh này không phát triển trong tử cung của mẹ mà là bên ngoài tử cung! Hiện tượng sinh nở kỳ lạ này có lẽ là nguyên nhân khi phôi thai rớt ra khỏi ống dẫn trứng của mẹ và dính chặt lên cơ thể của mẹ. Vì bám chặt lên cơ thể mẹ, nơi tồn tại nhiều nguồn dưỡng chất mà cái phôi hấp thụ chất dinh dưỡng và lớn dần theo ngày tháng, khiến thoạt tiên người ta vẫn nghĩ là sản phụ đang mang bầu bình thường.
Mặc dù những em bé phát triển ngoài tử cung thường chết chỉ trong vòng vài tuần sau khi sinh ra, thế nhưng em bé mang tên Nhlahla (theo tiếng của người Zulu nghĩa là "may mắn") này lại có sức khoẻ hoàn hảo tuyệt đối. Hiện trên thế giới người ta mới chỉ ghi nhận có 14 trường hợp trẻ em sinh ra bên ngoài tử cung của mẹ, nhưng chỉ có 4 trường hợp sống sót trong đó có em bé Nhlahla.
Bé trai đeo "mặt nạ"
Một bé trai 14 tháng tuổi, người tỉnh Hồ Nam (Trung Quốc), khi mới sinh ra đã có khuôn mặt bị nứt đôi theo chiều ngang, kéo dài từ mặt đến tai, chia khuôn mặt của bé thành hai phần, khiến người ngoài nhìn vào có cảm giác như bé đang đeo "mặt nạ". Nguyên nhân khiến cho khuôn mặt của bé trai Kangkang bị dị dạng như vậy hiện vẫn đang được nghiên cứu, nhưng thủ phạm có thể là do bị nhiễm trùng. Mặc dù chi phí điều trị cho chứng bệnh này xem ra khá đắt tiền, nhưng may mắn là gia đình bé Kangkang vẫn đủ khả năng để chi trả cho ca phẫu thuật.
Theo Sức khỏe và đời sống