Thượng giới rong chơi, Tết cũng về!
GiadinhNet - Ngày Tết là dịp đoàn tụ của mỗi gia đình sau một năm tất bật lo toan. Đó cũng là lúc ngay cả những người đàn ông vốn “thượng giới rong chơi” cũng muốn giũ sạch bụi đường để chung vai gánh vác cùng vợ con việc nhà việc cửa đúng như lời người xưa “Giận đến mấy, thấy Tết cũng thôi”. Và rồi chân lý cuộc sống như được khai mở từ những điều nhỏ nhặt thường ngày của gia đình người Việt: Người phụ nữ mới thực là “nội tướng” trong nhà.
Đàn ông và thú rong chơi
Từ cổ chí kim, nói đến thú ăn chơi, người đời thường nhắc đến đàn ông nhiều hơn phụ nữ. Triết gia, tiểu thuyết gia Jean Paul Sartre – người từng đoạt giải Nobel – nhận định rằng: Đối với đàn ông, trên đời có ba thứ nguy hiểm nhất: Rượu ngon, tiền bạc và đàn bà. Nhà thơ Trần Tế Xương cũng trào lộng: “Một trà, một rượu, một đàn bà/ Ba thứ lăng nhăng nó quấy ta”. Như vậy, thử hỏi trên đời, phàm là đàn ông, mấy ai đủ bản lĩnh để nhắm mắt bước qua cám dỗ ấy?
Thói thường, nếu tiền túi rủng rỉnh, phụ nữ sẽ nghĩ ngay đến miếng cơm, manh áo, cửa nhà… thì đàn ông ít nhiều dành cho những trò vui thú chốn nhân gian. Trong số đó, có khoảnh khắc bộc phát, thoáng qua kiểu “mua vui cũng được một vài trống canh” nhưng cũng có sự trác táng đã trở thành truyền kỳ, đi vào điển tích như nhị vị công tử Bạc Liêu chẳng hạn.
Học giả Vương Hồng Sển trong cuốn “Sài Gòn tạp pín lù” có mô tả rất cụ thể: “Tư Phước ngọt với em út bao nhiêu thì cậu Ba cũng ngọt với bồ bịch bấy nhiêu, duy “chiến lược” mỗi chàng một khác. Phước chuộng người phải cho đẹp, cậu Ba chọn người phải cho “ngon” (…). Cậu Tư cho tiền không bao giờ lấy lại. Cậu Ba lúc gặp buổi đầu gái lựa mua gì cậu cũng không từ chối”. Thậm chí, cũng có không ít người đàn ông sẵn sàng dùng tiền của vợ “bao” người tình trong mộng như kiểu Thúc Sinh “Trăm nghìn đổ một trận cười như không” để rồi khi bị vợ phát hiện loay hoay không biết đường xoay xở suýt tha hóa trở thành người nát rượu: “Sinh càng như dại, như ngây/ Giọt dài, giọt ngắn, chén đầy, chén vơi” (Nguyễn Du).
Ngay trong giới văn sĩ xưa nay cũng có không ít đấng nam nhi mê hát cô đầu, đào rượu, bàn đèn thuốc phiện… Thuở còn niên thiếu, cụ Nguyễn Công Trứ mê cô đầu đến nỗi quanh năm suốt tháng nối gót theo chân các nàng bất kể nắng mưa. Còn thi sĩ Tản Đà kẻ bất phùng thời với tuyên ngôn “Tài cao phận thấp chí khí uất/ Giang hồ rong chơi quên quê hương” từng khiến hậu thế ngỡ ngàng dưới ngòi bút phác họa của nhà văn Ngô Tất Tố, bạn thân ông: “Không có tiền thì rầu rĩ, oán trách, rũ người ra như con cú, thế mà một khi có tiền thì lại không muốn làm việc gì hết, chỉ uống và ăn, hết ăn lại uống. Chưa uống thì bảo không có rượu như cái máy không xăng nhớt không chạy được, uống vào say rồi thì nằm khoèo ra ngủ và lý luận một mình rằng say mà làm việc thì hỏi đời còn có cái gì thú nữa?”.
Trong tác phẩm “Chiếc lư đồng mắt cua”, văn sĩ tài hoa Nguyễn Tuân đã chỉ ra hai tội giả của đấng mày râu thời trước: nghiện ngập và mê hát cô đầu. Ở đó, những người hay hát, nghe hát, những kẻ tiêm, kẻ nghiện… tất cả đều chung một “nòi tình”, dễ bị quyến rũ, dễ rung cảm, dễ gắn bó, dễ hệ lụy và cũng dễ… quên! Họ có cùng bệnh “nặng bồng, nhẹ tếch”.
Bàn về thú “ăn chơi” ngoài luồng của cánh mày râu, có nhà thơ từng ví von: “Vợ là cửa cái, bạn gái là cửa sổ/ Càng nhiều cửa sổ càng sang/ Cửa cái anh vẫn đàng hoàng vào ra”. Trong thời đại văn minh công nghiệp, hệ lụy của thói hưởng thụ ấy càng nặng hơn bởi con người đã dần thoát khỏi túng thiếu, nghèo nàn và “no cơm” thì “ấm cật”. Khi ấy, nỗi cô đơn trong sung túc hay đơn độc cạnh bạn đời càng bồi thêm cái cớ khiến người đàn ông tự bứt mình ra khỏi đời sống gia đình cho đến “Lúc xơ xác bờm xơm từng sợi tóc/ Đói lả mò về/ Cơm đâu, Vợ ơi!” (Nguyễn Duy).
Trên thực tế, đằng sau sự ra đi và trở về của người đàn ông bao giờ cũng thấp thoáng bóng dáng người phụ nữ. Sử sách minh chứng, có những cuộc mua vui đủ làm tan nát cơ đồ nhưng phần nhiều vẫn không nằm ngoài vấn đề thỏa mãn bản năng, sĩ diện hay mục đích nhất thời của đàn ông. Minh quân Trần Nhân Tông - hóa thân của Biến Chiếu Tôn Phật - đã dạy rằng: “Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch” (Của báu lạ vốn sẵn trong nhà, đừng phí công đi tìm đâu khác). Thế nên, dù người đàn ông có đi đâu, làm gì chăng nữa, sự lặp lại của một cái kết có hậu luôn được chờ đợi, mở lòng từ những người phụ nữ bởi cha ông ta đã có câu “nam ngoại nữ nội”, “vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp”.
Dấu ấn ăn năn trong cuộc trở về của người đàn ông chia làm nhiều cung bậc, đôi khi nó thể hiện bằng sự hối lỗi đầy bất lực: “Cha mẹ thói đời ăn ở bạc/ Có chồng hờ hững cũng như không” hoặc cái nghiêng mình trân trọng, kính trọng bạn đời qua cử chỉ nhỏ “Mời em ly rượu tay nâng ngang mày” (Nguyễn Duy). Có một sự thật, với đàn ông, phần nhiều những cuộc vui thường thoáng qua còn niềm hối cải, “biết ơn ngầm” với vợ thì luôn hiện hữu.
Ai làm nên cuộc trở về?
Sinh thời, nhà văn Nguyễn Tuân kể, vợ ông không ngăn được cơn nghiện hút thuốc phiện, hát ả đào của chồng đành “sống chung với lũ” bằng cách sắm bàn đèn mời ông hút tại nhà. Cụ Nguyễn Tuân cũng chẳng vừa, liền rủ bạn bè về nhà phá phách rồi lẳng lặng chuồn đi. Lại có lần, bà đứng sẵn ở rạp chiếu phim đưa con trai về nhà vì biết thế nào chồng mình cũng ham bạn mà bỏ quên con. Cuối đời, khi nhà văn hỏi vợ: Giữa tôi với bà thì ai nên “đi” trước? Bà bảo ngay: Chỉ có tôi mới chăm sóc được ông nên nếu tôi đi trước thì tôi thương ông lắm!
Về nỗi chạnh lòng của đấng mày râu, nhà thơ Vương Trọng từng viết những câu thơ vừa tinh nghịch, vừa cảm động về hình ảnh “Hoa hậu của nhà” lặng lẽ chăm lo cho chồng con cái Tết được đủ đầy, tươm tất khiến người đàn ông quen bôn ba không khỏi chạnh lòng: “Mâm cơm dọn ra, chồng và con như khách/ Chỗ em ngồi mấy phía nồi niêu/ Vừa xong bữa, cả nhà đi sạch/ Hoa hậu cùng mâm bát nhìn theo/ Tất bật chưa xong đà hết Tết/ Suốt mấy hôm chưa ra ngõ một lần/ Vẫn vui vẻ nói cười bên bể nước/ Mấy chậu đầy quần áo giặt khai xuân”.
Thời nay, khi cơ chế thị trường len lỏi vào mọi mối quan hệ xã hội thì việc người phụ nữ giữ lửa trong gia đình hay làm một nửa bình yên, tình nghĩa để người đàn ông trở về đang được đặt trước những thách thức mới. Xung quanh vấn đề này, PV Báo GĐ&XH đã có cuộc trao đổi với GS.TS Lê Thị Quý, Viện trưởng Viện Nghiên cứu giới và phát triển. Bà cho biết: “So với phụ nữ thời xưa thì phụ nữ ngày nay có nhiều trách nhiệm quá, vừa lao động vừa tham gia các quan hệ xã hội, chăm sóc gia đình, do vậy giữ lửa yêu thương phải từ hai phía. Cuộc sống thực tế gia đình khác với tình yêu đôi lứa nên đòi hỏi sự chia sẻ, trách nhiệm cao hơn. Về những cuộc ra đi của đàn ông, tôi cho rằng, người phụ nữ cũng có một phần trách nhiệm. Ôm đồm, lặng lẽ gánh vác tất cả không hẳn đã hay mà quan trọng là phải biết chia sẻ với gia đình, chị em nào khuyến khích chồng, con tham gia công việc được với mình thì người đó sẽ thành công”.
Nhân bàn về nỗi niềm của “phe nước mắt” lại nhớ người Nùng ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta đến nay vẫn còn duy trì được tập tục đáng quý, đó là “trọng vợ” dù không thuộc chế độ mẫu hệ. Theo đó, người phụ nữ Nùng được quyền định đoạt nhiều thứ như hôn nhân, tài sản. Hễ người chồng nào đó “chán” vợ, muốn bỏ vợ thì phải “nộp vạ” – một hình thức được hiểu là xử phạt vì “làm mất danh dự” của người phụ nữ. Người đàn ông Nùng phải thực hiện sự phạt vạ này một cách nghiệt ngã bởi mọi lễ vật đều do người vợ tự quyết. Ai còn muốn “níu áo” chồng thì sẽ đòi phạt cao ngất ngưởng để chồng không có khả năng trả được đành phải quay về “ăn đời ở kiếp”. Ai muốn chấm dứt hôn nhân thì phẩy tay xem như phạt vạ cho có để sớm giải thoát cho nhau.
Vào dịp lễ Tết, nếu việc “tề gia nội trợ” với người phụ nữ như nghĩa vụ thì sự có mặt của người đàn ông trong gia đình là chỗ dựa trong quan hệ gia đình họ tộc, văn hóa tinh thần và quan niệm xã hội. Ngoại trừ những trường hợp “nhà không có nóc”, theo truyền thống, người đàn ông chính là người thành kính thắp hương lên bàn thờ báo cáo tổ tiên, người thường được chọn xông đất đầu năm. Xưa kia, “vía” người đàn ông đại diện cho gia đình dựng cây nêu, treo tràng pháo; ngày nay thì giúp vợ con đặt nồi bánh chưng, sửa sang nhà cửa. Trên thực tế, cũng có những người đàn ông “khệnh khạng” trở về nhà vào phút chót và gần như chẳng gánh vác công việc gì giúp vợ con, nhưng ước vọng thẳm sâu trong lòng những người vợ, người mẹ, người con dịp Tết đến xuân về vẫn mong trong mâm cỗ Tết có thêm chén rượu của người đàn ông. Đó là biểu tượng cho một trụ cột, một sự hài hòa âm dương, một chỗ dựa tinh thần, một chút niềm hãnh diện từ trong tâm thức.
Chúng tôi xin khép lại bài viết này bằng một câu chuyện đầy cảm động của Thượng úy Nguyễn Xuân Linh, một sĩ quan Phòng không – không quân (Gia Lâm, Hà Nội) chia sẻ cùng PV Báo GĐ&XH: “Khi bốn chị em tôi còn nhỏ, bố tôi là lái xe. Ông đi quanh năm suốt tháng, nhiều cái Tết chỉ gửi tiền cho vợ con mà không về nhà. Người ta rỉ tai nhau rằng bố đã có niềm vui khác. Chúng tôi còn quá nhỏ, chưa cảm nhận được nhiều, thậm chí còn vui vì mình được đón Tết sung túc hơn bạn bè cùng trang lứa mặc cho mẹ len lén lau nước mắt bên bếp than hồng. Thế rồi, vài năm sau đó, bố tôi vĩnh viễn phải ăn Tết ở nhà sau tai nạn giao thông thảm khốc, ông bị liệt nửa người, không còn di chuyển được. Chị em tôi không có áo mới, không thể đi chơi, đến nồi bánh chưng cũng chỉ vẻn vẹn vài cặp dâng lên bàn thờ tổ tiên. Nhà tôi dọn mâm cỗ Tết giản đơn ngay sát mé giường của bố, bố cố nhấp chén rượu, cầm đôi đũa và nằm nhìn vợ con. Khoảnh khắc ấy, mọi cảm xúc chợt vỡ òa từ sự trở về đầy đắng cay mà xem ra cũng còn may mắn của bố. Sau này, chúng tôi trưởng thành, lập nghiệp xa nhà, bố cũng qua đời, Tết đến, mẹ tôi vẫn dọn một mâm cơm đúng chỗ giường xưa và bà không bao giờ quên một chén rượu, một đôi đũa phía đối diện”.
Nhà văn Nguyễn Thế Hùng: Đàn ông như những người đi gieo hạt
“Tôi thường nghĩ đàn ông như những người đi gieo hạt. Dù muốn dù không thì giống đực cũng là giống hay chủ động tấn công, chinh phục và tham lam sở hữu. Đó là sự khác biệt căn bản giữa giống đực và giống cái. Xã hội càng văn minh phát triển, đặc biệt sau các cuộc đấu tranh cho bình đẳng giới về cơ bản đã kiềm chế bớt đi cái sự “tham lam” của đàn ông nhưng... bản tính gốc của giống thì không thể một sớm một chiều thay đổi được. Vậy nên đàn ông vẫn là cứ thường hay la cà, nhiều khi cũng không hẳn là để đi tìm những thú ăn chơi. Nhưng dù la cà gì đi chăng nữa thì anh ta vẫn còn lý trí để mà nhớ rằng mình còn sở hữu cả một vương quốc “gia đình nhỏ” ở phía sau lưng. Ở đó như một cái hang, cái tổ để cho anh ta ẩn nấp, hay là ủ ấm anh ta sau những chuyến hải hành phiêu lưu mạo hiểm đi tìm những vùng đất lạ và cố gắng để sở hữu nó”.
Nhà văn Y Ban: Ai cũng khao khát trở về
“Tết đến xuân về là thời khắc mà con người và vạn vật đều khao khát trở về với cuộc mã hóa về đoàn tụ, giao hòa chung của trời đất. Tôi nhớ những chuyến đi công tác xa nhà, buồn nhất là lúc chạng vạng tối khi thấy đàn trâu đeo mõ thủng thẳng đi về chuồng thì chợt ngẫm đến mình vẫn còn lang thang trong bao niềm lo toan vô định. Với những người đàn ông cũng thế, tôi nghĩ, dù phóng túng mức nào thì găm vào nội tâm họ vẫn là hình bóng một ngôi nhà, vẫn là trách nhiệm với gia đình, họ hàng, tiên tổ... Thực tế, không riêng gì đàn ông, mà tâm lý chung của người Việt là suy nghĩ rất nhiều, ôm ấp rất nhiều mộng tưởng nhưng không biết xác định đâu là mục tiêu để rồi đôi khi muốn ôm cả đất cả trời mà không ôm nổi một trái tim. Cũng phải nói thêm, nhiều người chán ngôi nhà của mình vì thực ra nó có phải tổ ấm theo đúng nghĩa. Dù khang trang đấy nhưng người với người lại chẳng hiểu nhau!”.
Nhà văn Đỗ Tiến Thụy: Đàn ông Việt chỉ là... giang hồ vặt!
“Đàn ông Việt khác hẳn đàn ông ở các nước có văn hóa du mục, từ đời này qua đời khác, họ đi và đi. Bởi với họ, đi không chỉ đơn thuần là “kiếm thức ăn”, mà cao hơn còn là “kiếm tri thức” về nuôi sống gia đình và dạy dỗ con cái. Và lịch sử đã chứng minh, xã hội có “những người đàn ông đi” đã tiến bộ vượt bậc so với xã hội có “những người đàn ông ngồi bếp”. Cả thời xưa và thời chưa xa nay là mấy, ở Việt Nam thi thoảng cũng có người muốn nổi hứng “xê dịch”, nhưng theo kiểu nghệ sĩ tiêu dao đây đó dăm bữa nửa tháng, để rồi lại ngậm ngùi thú nhận “Giang hồ ta chỉ giang hồ vặt”. Thời nay, cánh cửa hội nhập đã mở ra, đàn ông Việt Nam có rất nhiều cơ hội để “động lòng bốn phương” nên cái sự đi ấy đang có cơ hội trở thành những chuyến đi dài để giao lưu, học hỏi mang những gì học được về làm giàu cho gia đình và xã hội. Đàn ông ra đi là để trở về, với tâm tính đàn ông Việt thì dù có ở thời hiện đại, dẫu ở góc biển chân trời nào họ vẫn như câu thơ của thi sĩ Phạm Hữu Quang “Nghe tiếng cơm sôi cũng nhớ nhà”.
Thụy Phương
Top 3 cung hoàng đạo có ý chí làm giàu từ sớm nên cuộc đời về sau sống ung dung sung túc
Gia đình - 2 giờ trướcGĐXH - Những cung hoàng đạo này không chỉ được trời phú cho tài năng mà còn có sự quyết tâm và nghị lực đáng ngưỡng mộ trên con đường làm giàu.
Cô giáo cho vay 17 triệu, hẹn 10 năm sau mới cần trả lại: Lời của con trai cô và luật sư khiến tôi bàng hoàng
Gia đình - 5 giờ trướcKhông ngờ, cô đã có sự chuẩn bị kỹ càng dành cho tôi.
Xúc động lá đơn xin nhập ngũ của chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Nghệ An
Nuôi dạy con - 6 giờ trướcMặc dù thuộc diện được tạm hoãn nhập ngũ nhưng chàng trai mồ côi cả cha lẫn mẹ ở Nghệ An đã viết đơn xin tham gia nghĩa vụ quân sự.
5 'nguyên tắc sống còn' nơi làm việc mà người EQ cao âm thầm nắm rõ, bảo sao họ hay được yêu mến, dễ thăng tiến
Gia đình - 6 giờ trướcGĐXH - Người EQ cao có thể nhận được sự yêu thương, tôn trọng từ cấp trên, đồng nghiệp vì cách xử sự khéo léo của mình.
Cụ ông 70 tuổi cho cháu họ thừa kế toàn bộ tài sản 5 tỷ đồng, con gái duy nhất phản đối kịch liệt: Khi biết lý do ai cũng tán đồng
Gia đình - 17 giờ trướcQuyết định trao quyền thừa kế tài sản của cha già khiến cô con gái tức tối bất mãn, nhưng ý ông đã quyết.
Sự thật gây vỡ mộng về những chiếc kiềng vàng cô dâu đeo ngày cưới
Gia đình - 19 giờ trướcĐoạn clip hiện tại đang thu hút gần 5 triệu lượt xem bởi ai cũng ngỡ ngàng khi biết sự thật.
4 cung hoàng đạo nữ là 'mẹ hổ'
Gia đình - 19 giờ trướcGĐXH - Trái ngược với những phụ huynh hay yêu chiều con cái, những bà mẹ thuộc các cung hoàng đạo dưới đây nuôi dạy con rất nghiêm khắc.
Độc đáo lớp học làm chồng ở Trung Quốc
Gia đình - 21 giờ trướcNăm ngoái, một lớp học ở Bắc Kinh (Trung Quốc) đã thu hút 9 người đăng ký tham gia. Người trẻ tuổi nhất là một sinh viên đại học 23 tuổi, người lớn tuổi nhất 59 tuổi, là một giáo viên. Tất cả đều là nam giới với xuất thân, nghề nghiệp và hoàn cảnh hôn nhân khác nhau.
Mẹ già U60 chu cấp 14 triệu đồng/tháng cho con trai suốt 10 năm, òa khóc khi nghe con nói 1 câu: Tưởng yêu chiều mà hại cả đời con
Nuôi dạy con - 23 giờ trướcĐôi khi sự nuông chiều, bao bọc con quá mức của cha mẹ đã tạo nên những đứa trẻ vô ơn, không biết thế nào là đủ.
Gặp 7 ngày đã cưới rồi ly dị sau 3 tháng, chàng trai đến show hẹn hò tìm bạn đời
Gia đình - 1 ngày trướcTổn thương vì cưới vợ sau 7 ngày gặp gỡ nhưng 3 tháng đã ly hôn, anh Tuấn Liệt đến show hẹn hò mong tìm người yêu chung thủy và đã gặp được cô gái chưa yêu lần nào.
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng: Có 9 thời điểm cha mẹ nói 'không' với con sẽ cực tốt cho sự phát triển của trẻ
Nuôi dạy conGĐXH - Với một đứa trẻ, nghe thấy từ "không" quá thường xuyên có thể gây ra tác động lâu dài với chúng. Nhưng có 9 thời điểm các bậc cha mẹ nhất định phải nói "không" với con mình.