Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tình trạng chăm sóc sức khỏe trẻ sơ sinh trên thế giới: Việt Nam

Thứ ba, 16:08 22/11/2011 | Dân số và phát triển

Tháng 1/2004 Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ phối hợp với Vụ Sức khoẻ sinh sản Bộ Y tế đã phát hành báo cáo “Tình trạng chăm sóc sức khoẻ trẻ sở sinh trên thế giới: Việt Nam”.

Tổng quan tóm tắt về chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam

Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là một quốc gia với gần 80 triệu dân[1], trong đó dân tộc Kinh chiếm hơn 82% dân số và 54 dân tộc ít người khác chiếm phần còn lại của dân số. Năm 2000, Việt Nam xếp thứ 109 về chỉ số Phát triển Con người trên tổng số 176 nước. Mặc dù là nước có mức thu nhập bình quân đầu người vào loại thấp nhất ở Châu Á, nhưng tình trạng chung về sức khoẻ của Việt Nam tốt hơn rất nhiều so với các nước có cùng mức thu nhập. Kết quả này có được một phần nhờ vào các chính sách xã hội ưu việt với một mạng lưới chăm sóc sức khoẻ ban đầu đến tận tuyến cơ sở trong cả nước và một số chương trình y tế quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề y tế ưu tiên như sốt rét, tiêu chảy và các bệnh ngăn ngừa được bằng vắc xin. Tỷ lệ biết chữ cao của cả phụ nữ và nam giới cùng với sự phân phối thu nhập tương đối đồng đều trong xã hội cũng là những yếu tố góp phần vào kết quả này.

Năm 1986, Việt Nam khởi xướng một chương trình cải cách kinh tế được gọi là Đổi mới. Chương trình này đã chuyển đổi Việt Nam từ một nền kinh tế kế hoạch tập trung sang một nền kinh tế thị trường. Trong lĩnh vực y tế các cải cách bao gồm việc thu phí các dịch vụ chữa bệnh tại các bệnh viện và cho phép y tế tư nhân hoạt động. Tổng số tiền chi tiêu cho y tế trong năm 1998 từ nguồn của Chính phủ vào khoảng 6 đô la Mỹ một đầu người và từ nguồn của cá nhân vào khoảng 21 đô la Mỹ trên đầu người một năm. Tổng chi cho chăm sóc sức khoẻ tương đương 8% GDP.

Trong suốt thập kỷ 90, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng kinh tế cao cũng như thu hút được sự giúp đỡ của nhiều nhà tài trợ. Mặc dù vậy, vẫn còn có những bằng chứng cho thấy có sự bất bình đẳng về kinh tế xã hội trong việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khoẻ trẻ em, trong khi sự bất bình đẳng này không thể hiện rõ vào năm 1990. Những khác biệt trong các chỉ số sức khoẻ bà mẹ và trẻ em; giữa nông thôn và thành thị; giữa các vùng trong cả nước ngày một lớn hơn. Sự kết hợp của một xã hội phát triển nhanh, của nền kinh tế tăng trưởng, của sự phân hoá trong xã hội, và của sự thay đổi trong các ưu tiên quốc gia đã và đang tạo nên một thách thức cũng như cơ hội cho việc cải thiện chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em nhằm bảo đảm rằng tất cả các bà mẹ và trẻ sơ sinh ở khắp mọi nơi tại Việt Nam nhận được sự chăm sóc và hỗ trợ tốt nhất.

Tại sao tập trung vào chăm sóc sức khoẻ trẻ sơ sinh

Tỷ lệ tử vong trẻ em ở những nước có mức thu mhập thấp và trung bình trên thế giới đã giảm đi một cách đáng kể trong vòng 30-40 năm qua. Tuy vậy, người ta ước tính có tới 10,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi đã chết vào năm 2000. Một nửa số trường hợp tử vong trên xảy ra chỉ trong số 6 nước trên thế giới. 42 nước, trong đó có Việt Nam, đóng góp vào 90% tổng số trẻ tử vong trên toàn cầu.

Gần 40% số tử vong của trẻ em dưới 5 tuổi xảy ra trong vòng 28 ngày đầu sau khi sinh, giai đoạn có nguy cơ tử vong cao nhất trong cuộc đời của trẻ. Trong khi tỷ lệ tử vong trẻ em nói cung có xu hướng giảm dần - phần lớn do giảm các bệnh nhiễm trùng cấp đường hô hấp, tiêu chảy và các bệnh có thể phòng được bằng vắc xin - thì tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh[2] tăng một cách đều đặn chiếm tới 50% tỷ lệ chết của trẻ em dưới 5 tuổi và tới hơn 70% tỷ lệ tử vong của trẻ dưới 1 tuổi. Điều này cho thấy những nguy cơ rất lớn đe dọa tử vong của trẻ sơ sinh đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc ưu tiên cho chăm sóc sức khoẻ sơ sinh. Trẻ càng nhỏ tuổi, nguy cơ tử vong càng cao. Gần hai phần ba số tử vong sơ sinh xảy ra trong tuần lễ đầu sau khi sinh. Trong số những cháu chết trong tuần lễ đầu tiên, hai phần ba chết trong vòng 24 giờ đầu. Ngoài ra cứ 4 triệu trẻ sơ sinh chết hàng năm thì còn có 4 triệu trẻ khác chết lưu.

Thường rất khó có thể xác định được nguyên nhân chết của trẻ sơ sinh, đặc biệt ở những nước đang phát triển do hầu hết các trường hợp sinh và chết đều xảy ra tại nhà. Tuy nhiên những số liệu có sẵn trên thế giới cho thấy có 4 nguyên nhân trực tiếp chính dẫn đến tử vong sơ sinh, đó là: các tai biến trong khi sinh thường dẫn đến ngạt và sang chấn; các biến chứng của đẻ non; các dị dạng bẩm sinh và nhiễm trùng như uốn ván hoặc nhiễm trùng do các vi khuẩn khác gây nên. Một yếu tố quan trọng nữa góp phần vào tử vong và bệnh tật của trẻ sơ sinh là trẻ sơ sinh thiếu cân. Có đến 40% đến 80% số chết sơ sinh xảy ra trong số trẻ sơ sinh thiếu cân này.

Rất may mắn là việc cải thiện sức khoẻ trẻ sơ sinh không đòi hỏi phải có những đột phát về khoa học, y học, hay phải phát triển cơ sở hạ tầng về chăm sóc sức khoẻ, hoặc phải mua những trang thiết bị đắt tiền. Kinh nghiệm từ các nước trên thế giới cho thấy rằng, các can thiệp ít tốn kém và tương đối đơn giản trong phạm vi các chương trình chăm sóc sức khoẻ bà mẹ, trẻ em sẵn có có thể cứu sống sinh mạng của hầu hết trẻ sơ sinh. Ví dụ sinh mạng của nhiều trẻ sơ sinh có thể được cứu sống bằng việc thực hiện đẻ sạch trong quá trình đỡ đẻ; lau khô và ủ ấm cho trẻ; nhận biết và xử trí có hiệu quả trẻ sơ sinh bị ngạt; cho bú mẹ ngay và bú mẹ hoàn toàn sau khi sinh. Những biện pháp chắm sóc thiết yếu này cho trẻ sơ sinh chỉ tốn chưa tới 3 đô la Mỹ/đầu người một năm. Một chi phí rất thấp nhằm giúp cho việc đảm bảo sự sống còn và sức khoẻ của mỗi trẻ em.

Mặc dù đơn giản và sẵn có như vậy nhưng không phải những can thiệp này được thực hiện thường xuyên và rộng khắp ở nhiều nước trên toàn thế giới. Các hộ gia đình, cán bộ y tế và những nhà hoạch định chính sách thường tập trung vào việc chăm sóc bà mẹ và chăm sóc trẻ em nói chung hơn là tập trung vào chăm sóc trẻ sơ sinh. Có thể vì các lý do về phong tục tập quán mà các vấn đề về sức khoẻ trẻ sơ sinh thường bị dấu diếm, coi nhẹ, hoặc cho rằng những vấn đề này đang được giải quyết thông qua các chương trình làm mẹ an toàn và các chương trình chăm sóc sức khoẻ trẻ em nói chung. Hậu quả của việc thiếu và không sử dụng các dịch vụ chăm sóc sơ sinh đã làm cho trẻ sơ sinh không được chăm sóc một cách đầy đủ. Các thách thức này trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam, cần nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ và phân bổ các nguồn lực, để cứu sống sinh mạng trẻ sơ sinh và các bà mẹ.

Tiến sĩ Tomris Turmen, Đại diện của Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới gần đây đã phát biểu rằng:

Chúng ta có kiến thức, chúng ta có sự cam kết. Thách thức quan trọng nhất mà hiện nay tất cả những ai đang làm việc trong lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ sơ sinh là làm thế nào để sử dụng chúng một cách tốt nhất... Chúng ta phải biến sự hiểu biết và những ý định tốt thành những hành động thực tiễn, chấm dứt sự chết chóc và đau khổ của hàng triệu bà mẹ và những đứa con của họ.

Sức khỏe trẻ sơ sinh

Tử vong sơ sinh có xu hướng ngày càng tăng

Tình trạng thực sự về tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh, trẻ dưới 1 tuổi và trẻ dưới 5 tuổi ở Việt Nam phần nào chưa được rõ ràng lắm. Tuy nhiên, các số liệu sẵn có cho thấy rằng tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ dưới 1 tuổi đã giảm một cách đều đặn và đáng kể trong những năm gần đây và hiện đang ở mức thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương (Bảng số liệu). Một báo cáo xuất bản năm 2001 do một nhóm các nhà tài trợ đứng đầu là Ngân hàng Thế giới đã nêu bật thành tựu này:

Không ai còn nghi ngờ gì về những thành tựu của Việt Nam đã đạt được trong việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi. Những thành tựu này là rất ấn tượng và chỉ có một vài nước khác trên thế giới đạt được. Việt Nam được xếp trong nhóm các nước có tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi thấp nhất trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và gần với các nước có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn nhiều lần. Thực ra, với mức thu nhập bình quân theo đầu người thấp như ở Việt Nam thì tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi của Việt Nam lẽ ra phải cao gấp 2 lần mức hiện nay.

Tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và dưới 5 tuổi đang giảm dần ở Việt Nam
 

Một phân tích mở rộng gần đây về các xu hướng tử vong trẻ em ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới tiến hành trong năm 2003 kết luận rằng tỷ lệ tử vong trẻ dưới 1 tuổi dường như đã giảm xuống dưới con số 30 trong tổng số 1000 trẻ đẻ sống vào giữa những năm 1990, “và con số này giờ đây có thể chỉ trong khoảng 25 hay thậm chí thấp hơn nữa”. Theo điều tra quốc gia gần đây nhất về Dân số và Sức khoẻ năm 2002, phỏng vấn hơn 5600 phụ nữ đã có gia đình thì ước tính tỷ lệ tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi là 18 phần nghìn.

Hiện nay, có rất ít các số liệu để có thể chứng minh được các xu hướng diễn biến của tử vong sơ sinh ở Việt Nam. Điều tra Dân số và sức khoẻ ước tính rằng tỷ lệ tử vong sơ sinh năm 2002 là 12 trên 1000 trẻ đẻ sống, giảm 29% so với kết quả Điều tra Dân số và sức khoẻ 5 năm trước đó, trong khi tỷ lệ tử vong sau sơ sinh còn giảm nhiều hơn nữa, tới 45% cũng trong thời gian này. Đáng kinh ngạc nhất là tỷ lệ tử vong sơ sinh ở Việt Nam hiện nay dường như chiếm trọn một nửa số chết của tất cả trẻ em dưới 5 tuổi và chiếm ba phần tư tổng số chết trẻ em dưới 1 tuổi. Những tỷ lệ này cũng nhất quán với các xu hướng toàn cầu ở những nước có tỷ lệ tử vong tương đối thấp ở trẻ em dưới 5 tuổi, xung quanh 35 phần nghìn hoặc ít hơn. Rõ ràng là nếu muốn đạt được những tiến bộ đáng kể hơn nữa trong việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi và dưới 1 tuổi thì phải dành ưu tiên lớn nhất cho việc cứu sống sinh mạng trẻ trong giai đoạn sơ sinh.

Sự khác biệt giữa các vùng và các nhóm dân tộc

Vấn đề thứ hai nổi cộm lên từ các số liệu là có sự khác biệt đáng kể về tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh giữa các vùng khác nhau cũng như giữa các nhóm dân tộc khác nhau. Tỷ lệ tử vong sơ sinh, tử vong ở trẻ dưới 1 tuổi và tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi tại các vùng nông thôn cao hơn hai lần so với các vùng thành thị. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cũng tương tự như vậy khi so sánh giữa các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hơn nữa, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 1 tuổi trong các nhóm dân tộc thiểu số cao gấp 2 đến 3 lần so với dân tộc Kinh, khi mà dân số của tất cả các nhóm dân tộc thiểu số chỉ chiếm vào khoảng 15% dân số Việt Nam. Sự khác biệt này nói lên sự cần thiết phải tăng thêm những nỗ lực và nguồn lực nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong sơ sinh ở những vùng khó khăn và có nhu cầu lớn nhất.
 
Chăm sóc trẻ sơ sinh khoẻ mạnh

Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến sự sống còn và sức khoẻ trẻ sơ sinh. Đối với trẻ sơ sinh khoẻ mạnh, chăm sóc thiết yếu cho trẻ bao gồm: chăm sóc trước sinh, chăm sóc trong khi sinh và chăm sóc sau sinh. Ngoài ra còn có những can thiệp đặc biệt cần thiết đối với những trẻ ốm và trẻ thiếu cân. Dưới đây là một số nét chính về thực trạng chăm sóc thiết yếu trẻ sơ sinh ở Việt Nam.

Sức khỏe bà mẹ

Tỷ lệ tử vong và bệnh tật của bà mẹ

Các số liệu ước tính về tỷ suất tử vong mẹ tại Việt Nam dường như không nhất quán, không đầy đủ, và không đánh giá được một cách chính xác xu hướng diễn biến qua các thời kỳ. Một báo cáo do nhiều nhà tài trợ xuất bản năm 2001 nêu rằng “tỷ suất tử vong ở Việt Nam đã giảm từ 400 (hoặc cao hơn) trên 100.000 ca đẻ sống trong những năm 1950 xuống 200 trong thập kỷ 1980... , mặc dù cơ sở của những ước tính này còn chưa rõ.

Những báo cáo toàn cầu được Tổ chức cứu trợ trẻ em Mỹ xuất bản năm 2001 và UNICEF xuất bản năm 2003 đều báo cáo về tỷ suất tử vong mẹ của Việt Nam năm 1995 là vào khoảng 95. Con số ước tính về tỷ suất tử vong mẹ khá thấp của Việt Nam trong thập kỷ 1990 phản ánh các số liệu chính thức của ngành y tế căn cứ vào những trường hợp chết được báo cáo tại các cơ sở y tế. Bộ Y tế cũng đã lưu ý là những con số này không phản ánh đúng thực trạng vì “... những phụ nữ bị chết tại nhà hoặc trên đường tới bệnh viện không được báo cáo”.

Một nghiên cứu định tính được Tổ chức cứu trợ trẻ em Mỹ tiến hành năm 1999 đã tìm hiểu về mức độ và những nguyên nhân dẫn đến sự thiếu chính xác của các số liệu chính thức về tử vong mẹ, cả về con số lẫn các nguyên nhân tử vong được báo cáo tại các cơ sở y tế. Nghiên cứu này đã chỉ ra rằng những báo cáo về tử vong mẹ của các trạm y tế xã là không chính xác do nhiều nguyên nhân khác nhau ví dụ như: xếp loại bệnh không chính xác, không ghi chép đầy đủ thông tin về bà mẹ, báo cáo miệng. Thêm vào nữa, ở những vùng xa xôi hẻo lánh, xa trạm y tế, và phụ nữ phần lớn đẻ tại nhà thì con số báo cáo về tử vong mẹ lại càng thiếu chính xác và bị bỏ xót nhiều.

Ước tính tỷ suất tử vong mẹ hiện tại ở Việt Nam là 165-170 trên 100.000 trẻ đẻ sống theo nguồn của Bộ Y tế và các tổ chức quốc tế. Trong Kế hoạch tổng thể Quốc gia về Làm mẹ an toàn 2003-2010, Bộ Y tế lấy tỷ suất tử vong mẹ là 165; và tại một cuộc hội thảo quốc tế về tử vong mẹ và trẻ em tổ chức tại Bắc Kinh tháng 12/2002, Bộ Y tế đã đưa ra một con số ước tính là 171.

Tỷ lệ bệnh tật của bà mẹ: Thế giới đã công nhận rằng cứ một bà mẹ chết đẻ thì có tới 30-50 các bà mẹ khác bị tổn thương mãn tính vì các nguyên nhân liên quan đến chửa, trong đó có những bệnh rất nghiêm trọng để lại những di chứng suốt đời. Hầu như không có số liệu về bệnh tật của bà mẹ do hậu quả của những tai biến trong quá trình thai nghén sinh đẻ ở Việt Nam và sự hiểu biết của công chúng về những vấn đề này cũng rất hạn chế. Kế hoạch Quốc gia về Làm mẹ An toàn của Việt Nam đã nêu rằng “... mức độ hiểu biết trong phụ nữ Việt Nam, các gia đình và cộng đồng về bệnh tật và những nhu cầu đối với chăm sóc sức khoẻ phụ nữ vẫn còn rất thấp”.

Sự khác biệt giữa các vùng

Con số ước tính về tử vong mẹ được chấp nhận rộng rãi ở Việt Nam dựa trên các nghiên cứu do UNICEF thực hiện năm 1990 và Bộ Y tế tiến hành năm 2000 tại 7 tỉnh đại diện cho 7 vùng địa lý khác nhau của đất nước (hình 3). Trong nghiên cứu năm 2000, qua các cuộc phỏng vấn gia đình và cộng đồng, nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra gần 80% số chết mẹ trong điều tra không nằm trong số được báo cáo chính thức thông qua hệ thống y tế.

Mặc dù các số liệu báo cáo cho thấy có sự giảm đáng kể trong tỷ suất tử vong mẹ từ 233 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 171 trên 100.000 ca đẻ sống năm 2000, nhưng UNICEF đã lưu ý rằng “... sự khác biệt giữa các vùng vẫn không thay đổi vì không có biện pháp đặc biệt nào được thực hiện nhằm làm giảm những sự khác biệt đó”. Trên thực tế, với tỷ lệ tử vong mẹ tương đối thấp tại một số vùng bao gồm cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, thì tử vong mẹ cao hơn từ ba đến chín lần các vùng khác trong nước, gần đây mới được thể hiện rõ ràng.
 
Các yếu tố góp phần vào tử vong mẹ
 
Kết quả nghiên cứu về tử vong mẹ năm 2000 của Vụ Sức khoẻ sinh sản, Bộ Y tế đã cho thấy một số các yếu tố góp phần vào tử vong mẹ, bao gồm cả những trường hợp chết ngoài các cơ sở y tế, được biểu diễn trên hình 4. Báo cáo này nêu rõ 41% các trường hợp tử vong ở các phụ nữ gặp tai biến trong quá trình thai nghén sinh nở là do đến các cơ sở y tế quá muộn, thường là do chậm trễ trong việc quyết định đi đến cơ sở y tế hoặc là do đường xá quá xa xôi, khó đi, hoặc không có phương tiện vận chuyển.
 
Theo Tạp chí Dân số & Phát triển (số 5/2004), website Tổng cục Dân số & KHHGĐ
kimngan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Một số phương pháp tập luyện hỗ trợ điều trị rối loạn xuất tinh

Dân số và phát triển - 2 giờ trước

Chứng rối loạn xuất tinh xuất hiện ngày càng nhiều ở nam giới với các nguyên nhân khác nhau. Một số phương pháp tập luyện có thể hỗ trợ điều trị chứng bệnh này hiệu quả.

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Bố chồng lên kế hoạch tỉ mỉ để dụ dỗ con trai có quan hệ bất chính với con gái đại gia

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Tôi được một phen sáng con mắt khi biết âm mưu của bố chồng mình.

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Rong kinh là tình trạng chảy máu kinh nhiều hơn bình thường về lượng hoặc thời gian. Để chẩn đoán chính xác do nguyên nhân nào cần đi khám để được điều trị phù hợp.

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Một trong những nguyên nhân làm chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, không đều, kéo dài, chậm rụng trứng là do căng thẳng (stress). Vậy chúng ta hãy xem điều này xảy ra như thế nào?

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Sa sút trí tuệ là khi bạn dần mất đi các chức năng thần kinh do các bệnh ảnh hưởng tới não bộ. Chứng bệnh này sẽ phát triển theo 3 giai đoạn tệ dần.

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 5 ngày trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Top