Báo cáo thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010 của Bệnh viện Việt Đức
GiadinhNet - Ngày 30/5/2011, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008-2010. Dưới đây là toàn văn báo cáo của Bệnh viện Việt Đức.
Bệnh viện Việt Đức
ĐẶT VẤN ĐỀ
Ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1816/QĐ - BYT về việc phê duyệt Đề án "Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh". Mục tiêu của Đề án được xác định là:
- Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.
- Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt các bệnh viện tuyến trung ương.
- Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới.
Xác định rõ 3 mục tiêu của đề án, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - Bệnh viện chuyên khoa Ngoại tuyến trung ương, trực thuộc Bộ Y tế đã tiến hành triển khai thực hiện Đề án 1816. Ngày 21/7/2008, Giám đốc bệnh viện HN Việt Đức đã ký Quyết định số 545/QĐ - VĐ thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức. Ban chỉ đạo Đề án 1816 chịu trách nhiệm trước Giám đốc bệnh viện, có nhiệm vụ thực hiện công tác cử cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên, về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.
Bài viết này nhằm mục đích: đánh giá kết quả thực hiện Đề án 1816 tại bệnh viện Việt Đức trong 2 năm từ 01/9/2008 đến 31/12/2010 và mô hình chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Việt Đức trong quá trình triển khai thực hiện Đề án.
ĐỐI TƯỢNG VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
1. Đối tượng nghiên cứu:
- Các yếu tố trong thực hiện triển khai Đề án 1816 như: Cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên, các bệnh viện tỉnh được nhận cán bộ đến luân phiên, cách thức triển khai Đề án 1816 của bệnh viện Việt Đức, mô hình chuyển giao kỹ thuật, … trong thời gian 2 năm 2008 - 2010.
2. Phương pháp nghiên cứu: Hồi cứu, mô tả.
3. Tư liệu nghiên cứu:
- Các văn bản pháp quy của Bộ Y tế quy định liên quan đến Đề án 1816.
- Các văn bản của Bệnh viện Việt Đức quy định và thực hiện Đề án 1816.
- Các văn bản đề nghị hỗ trợ của Sở Y tế tỉnh và các bệnh viện tuyến tỉnh.
- Biên bản họp, hợp đồng giữa Bệnh viện Việt Đức với bệnh viện tỉnh nơi cán bộ được cử đến luân phiên.
- Các bản báo cáo (theo mẫu của Bộ Y tế, của Bệnh viện Việt Đức) của các cán bộ được cử luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh.
- Phiếu đánh giá của lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh đối với cán bộ được cử đi luân phiên.
- Các tài liệu về chuyển giao kỹ thuật như bài giảng, lịch giảng, danh sách học viên của cán bộ được cử đi luân phiên.
4. Các dữ liệu nghiên cứu:
. Thông tin chung về bệnh viện.
. Thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1816 của bệnh viện HN Việt Đức.
. Công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án 181 ra sao.
. Nội dung quán triệt cụ thể.
. Công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu của bệnh viện tuyến tỉnh: hình thức tiến hành khảo sát, nội dung khảo sát, ...
. Lập kế hoạch thực hiện Đề án 1816 như thế nào.
. Triển khai thực hiện Đề án 1816 của bệnh viện Việt Đức ra sao.
. Công tác giám sát kiểm tra việc thực hiện Đề án 1816.
. Số bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên.
. Số cán bộ cử đi luân phiên: số lượng cán bộ đủ hay không đủ, thời gian cán bộ đi luân phiên có đảm bảo theo quy định của Bộ Y tế, chất lượng cán bộ cử đi, ...
. Số lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ.
. Số lớp tập huấn, số cán bộ y tế tuyến dưới được tập huấn chuyên môn.
. Số kỹ thuật chuyển giao, kết quả chuyển giao kỹ thuật.
. Số bệnh nhân được khám (nội trú, ngoại trú), số bệnh nhân được điều trị, số ca phẫu thuật được thực hiện.
. Mô hình chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Việt Đức cho một số bệnh viện tuyến tỉnh theo Đề án.
. Đánh giá kết quả đạt được: mặt mạnh, mặt tồn tại.
. Khó khăn, thuận lợi trong thực hiện Đề án 1816.
. Đề xuất, kiến nghị.
KẾT QUẢ VÀ BÀN LUẬN
Ngay từ những ngày đầu thực hiện, Đảng Uỷ, Ban Giám đốc bệnh viện Việt Đức đã xác định Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế là một đề án lớn, hiểu được mục tiêu của việc cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh có ý nghĩa quan trọng trong công tác bảo vệ chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân tại cộng đồng, tiến tới sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân tại các vùng miền trong cả nước, đồng thời có tác dụng đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ có trình độ chuyên môn để từng bước đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của nhân dân tại địa phương.
1. Thông tin chung về bệnh viện:
* Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là bệnh viện hạng I chuyên khoa Ngoại, là bệnh viện có giường trực thuộc Bộ Y tế.
* Cơ cấu tổ chức của bệnh viện:
Ban lãnh đạo: 01 Giám đốc và 05 Phó Giám đốc
Các khoa, phòng: . 09 phòng chức năng
. 08 khoa cận lâm sàng
. 18 khoa lâm sàng
. 06 Trung tâm
. 01 Viện trực thuộc Bệnh viện
* Tổng số giường bệnh theo kế hoạch:
Từ 2004 đến 27/2/2009: 430 giường (Quyết định số 4749/QĐ - BYT ngày 28/12/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Từ 27/2/2009 đến 24/2/2010: 700 giường (Quyết định số 706/QĐ - BYT ngày 27/2/2009 của Bộ trưởng Bộ Y tế).
Từ 24/2/2010: 850 giường (Quyết định số 641/QĐ - BYT ngày 24/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tổng số giường bệnh thực kê hiện nay: 906 giường.
* Tổng số nhân lực của bệnh viện:
Năm 2009, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có 1267 cán bộ, nhân viên, trong đó tổng số cán bộ, nhân viên Y có trình độ đại học trở lên là 218 người.
Năm 2010, tổng số cán bộ, nhân viên của bệnh viện là 1371 người, trong đó tổng số cán bộ, nhân viên Y có trình độ đại học trở lên là 256 người.
2. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1816
Ngày 16/6/2008, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận được Quyết định số 1816/QĐ - BYT của Bộ trưởng Bộ Y tế. Giám đốc bệnh viện đã giao cho Phòng Kế hoạch Tổng hợp triển khai, làm đầu mối để thực hiện.
Ngày 16/7/2008, phòng Kế hoạch Tổng hợp đã soạn thảo Kế hoạch triển khai Đề án và trình Giám đốc bệnh viện [1].
Quán triệt tinh thần chỉ đạo thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế, ngày 21/7/2008, Giám đốc bệnh viện Việt Đức đã ký Quyết định số 545/QĐ - VĐ thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1816 của Bệnh viện Việt Đức [2].
Ban chỉ đạo thực hiện Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức đã xây dựng chương trình triển khai thực hiện Đề án " Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh"[3]
3. Công tác tuyên truyền, phổ biến Đề án 1816
Để triển khai Đề án đạt kết quả tốt, Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện, Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức đã thực hiện công tác quán triệt, phổ biến, tuyên truyền đến từng cán bộ công chức trong bệnh viện bằng các hình thức như: phổ biến trong giao ban bệnh viện, phổ biến đến từng trưởng, phó khoa - phòng để từ đó phổ biến cụ thể cho các cán bộ công chức trong khoa - phòng thông qua buổi giao ban khoa, phòng. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn tổ chức họp trực tiếp các cán bộ công chức được cử đi luân phiên để quán triệt tinh thần và phổ biến cụ thể, chi tiết kế hoạch, nội quy của cán bộ được cử đi tuyến.
4. Công tác khảo sát, đánh giá nhu cầu của bệnh viện tuyến tỉnh
Nhằm đạt hiệu quả cao trong việc cử cán bộ chuyên môn của bệnh viện đi luân phiên, đảm bảo sát với nhu cầu, khả năng thực tế của bệnh viện tuyến dưới Ban chỉ đạo Đề án 1816 tiến hành khảo sát nhu cầu, thực trạng của các bệnh viện tỉnh thuộc miền Bắc (từ Nghệ An trở ra). Cụ thể:
- Xây dựng phiếu điều tra thực trạng chuyên ngành Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức [4] để đánh giá sơ bộ khả năng thực tế của bệnh viện tuyến tỉnh.
- Trao đổi trực tiếp với đại diện ban lãnh đạo bệnh viện tuyến tỉnh về thực trạng, nhu cầu hỗ trợ, hình thức hỗ trợ [5].
- Khảo sát thực tế tại một số bệnh viện đa khoa tỉnh như BVĐK tỉnh Lai Châu, BVĐK tỉnh Lạng Sơn, BVĐK tỉnh Sơn La, BVĐK tỉnh Cao Bằng ....
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nhận được rất nhiều đề xuất hỗ trợ của các bệnh viện tuyến dưới, bao gồm các chuyên khoa thuộc chuyên ngành Ngoại khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê hồi sức, Điều dưỡng.
Tuy nhiên, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức xác định một trong ba mục tiêu của Đề án 1816 là tập trung hỗ trợ nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho các bệnh viện tỉnh miền Bắc, trước mắt là 7 bệnh viện tỉnh biên giới Việt - Trung bao gồm Quảng Ninh, Điện Biên, Lào Cai, Lạng Sơn, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng và các tỉnh miền núi phía Bắc.
5. Lập kế hoạch thực hiện Đề án 1816
Ban chỉ đạo Đề án 1816 tiến hành các cuộc họp với trưởng, phó khoa phòng của bệnh viện Việt Đức về nhân lực, thời gian, phương thức hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh [6]. Từ đó, Ban chỉ đạo Đề án xây dựng quy định đối với cán bộ công chức được cử đi tuyến [7], mẫu báo cáo tổng kết sau đợt công tác của cán bộ [8], mẫu phiếu đánh giá của bệnh viện tỉnh được hỗ trợ đối với cán bộ được cử đi tuyến [9]. Ngoài ra, Ban chỉ đạo còn cho lập danh sách các bác sỹ trực lãnh đạo, trực tham vấn chuyên khoa, trực chuyên khoa Thần kinh và Chấn thương chỉnh hình, trực cột 1 cấp cứu ngoại, trực cột 1 Gây mê hồi sức của bệnh viện Việt Đức nhằm mục đích cán bộ được cử đi tuyến có thể liên lạc bất cứ lúc nào khi cần tư vấn hoặc hỗ trợ về chuyên môn.
6. Triển khai thực hiện Đề án 1816
Ban chỉ đạo Đề án 1816 tiến hành triển khai thực hiện Đề án 1816 theo một quy trình cụ thể. Đó là:
Hàng năm, Ban chỉ đạo tiến hành điều tra, khảo sát nhu cầu cũng như khả năng cụ thể của các bệnh viện tỉnh miền Bắc Việt Nam (từ Nghệ An trở ra). Đồng thời có kế hoạch xác định số cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên trong năm.
Trước mỗi quý cử cán bộ đi luân phiên 15 ngày, Ban chỉ đạo Đề án 1816 của bệnh viện Việt Đức họp thống nhất cử cán bộ chuyên môn luân phiên đi hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới trên cơ sở kết hợp hài hòa giữa đề xuất của bệnh viện tỉnh và khả năng cử cán bộ chuyên môn của bệnh viện.
Sau đó, Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức mời đại diện lãnh đạo bệnh viện dự kiến nhận cán bộ đến luân phiên và các cán bộ được cử đi luân phiên họp, trao đổi, thống nhất nội dung cần hỗ trợ, kỹ thuật chuyển giao, thời gian chuyển giao. Sau khi thống nhất, đại diện lãnh đạo bệnh viện Việt Đức (kiêm Trưởng ban Chỉ đạo Đề án 1816), cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên và đại diện lãnh đạo bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên ký kết Hợp đồng chuyển giao công nghệ. Trong cuộc họp, cán bộ của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên một lần nữa được phổ biến Đề án 1816, ký bản cam kết và nhận được một số giấy tờ cần thiết cùng 3 triệu đồng tiền tạm ứng để phục vụ cho công tác đi luân phiên của cán bộ.
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức gửi Báo cáo về việc xây dựng kế hoạch cử cán bộ chuyên môn đi luân phiên của quý và Danh sách cán bộ đề nghị Bộ Y tế ra quyết định cử đi luân phiên lên Cục Quản lý Khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.
Trong thời gian cán bộ đi luân phiên, dưới sự chỉ đạo của Trưởng ban, Ban thư ký Đề án 1816 của bệnh viện luôn gọi điện thăm hỏi, động viên và lắng nghe các ý kiến của cán bộ đi luân phiên. Luôn phối hợp với bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên để tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ đi luân phiên cũng như để việc thực hiện Đề án 1816 đạt hiệu quả cao nhất.
Kết thúc đợt công tác, cán bộ đi luân phiên sẽ gửi lại cho Ban chỉ đạo Đề án 1816 của bệnh viện các giấy tờ như báo cáo tổng kết theo mẫu của Bộ Y tế, báo cáo tổng kết theo mẫu của bệnh viện, phiếu đánh giá của bệnh viện tuyến dưới đối với cán bộ đi luân phiên, quy trình chuyển giao kỹ thuật, lịch giảng, bài giảng, danh sách học viên, giấy đi đường, bài viết quy trình chuyển giao dưới dạng báo cáo khoa học. Cán bộ đi luân phiên sẽ được thanh toán các chế độ về tài chính theo quy định như tiền bồi dưỡng 100.000đ/ngày (trích từ quỹ phúc lợi của bệnh viện), tiền công tác phí, tiền chuyển giao kỹ thuật.
Cuối cùng, Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức viết báo cáo tổng kết gửi Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế.
7. Giám sát kiểm tra việc thực hiện Đề án 1816
Cán bộ đi luân phiên của bệnh viện HN Việt Đức thực hiện nhiệm vụ trong Đề án 1816 chủ yếu trên tinh thần tự nguyện và tự giác. Tuy nhiên, Ban chỉ đạo cũng đã tiến hành nhiều hình thức giám sát kiểm tra khác nhau như: Cử lãnh đạo chuyên khoa đi kiểm tra giám sát tại bệnh viện tỉnh nơi có cán bộ chuyên khoa của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên trong thời gian 01 tuần; kết hợp với Ban lãnh đạo bệnh viện nhận cán bộ đến luân phiên thực hiện quản lý, theo dõi và đánh giá cán bộ của bệnh viện Việt Đức đến luân phiên thông qua Phiếu đánh giá theo mẫu của bệnh viện và mẫu báo cáo của Bộ Y tế dành cho cán bộ đi luân phiên; họp giữa Ban chỉ đạo 1816 bệnh viện HN Việt Đức với Ban lãnh đạo bệnh viện tỉnh nơi cán bộ đến luân phiên.
8. Kết quả thực hiện Đề án 1816 giai đoạn 2008 - 2010
8.1. Số cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức cử đi luân phiên
Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức căn cứ vào yêu cầu của Bộ Y tế, kết hợp với khả năng thực tế của bệnh viện Việt Đức, nhu cầu hỗ trợ của bệnh viện tuyến tỉnh, từ 01/9/2008 đến 31/12/2010, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử 168 cán bộ trong đó có 31 cán bộ được chi viện cho Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. 137 cán bộ gồm 03 Phó Giáo sư, 12 Tiến sỹ, BSCK II, 87 Thạc sỹ, 17 Bác sỹ và 28 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên đi luân phiên hỗ trợ 26 bệnh viện tỉnh. Những ngày đầu thực hiện mặc dù có nhiều khó khăn nhưng đều được Sở Y tế, Ban lãnh đạo bệnh viện tỉnh nơi cán bộ đến luân phiên đánh giá rất cao đoàn cán bộ của bệnh viện Việt Đức đến thực hiện công tác luân phiên theo Đề án 1816, đặc biệt là tỉnh Lai Châu.
Nhìn chung, bệnh viện Việt Đức đã đảm bảo số lượng, thời gian luân phiên do Bộ Y tế yêu cầu theo Quyết định số 4149/QĐ - BYT ngày 22/10/2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Tuy nhiên thời gian đi luân phiên 3 tháng là khá dài, rất khó cho Ban Giám đốc, Ban chỉ đạo Đề án 1816 lựa chọn cán bộ cử đi luân phiên cho phù hợp, cụ thể: cán bộ lãnh đạo của bệnh viện không thể vắng mặt trong thời gian dài, sẽ ảnh hưởng đến công tác quản lý của bệnh viện Việt Đức, còn công chức trẻ mới tuyển dụng, trình độ còn hạn chế cần phải trau dồi kinh nghiệm mới có thể chuyển giao công nghệ cho tuyến dưới. Cán bộ có tay nghề, kinh nghiệm thì bệnh viện Việt Đức chỉ có thể cử ở một lượng nhất định để vẫn đảm bảo công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, bởi vì bệnh viện Việt Đức là bệnh viện chuyên ngành Ngoại khoa tuyến cuối cùng nên luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân. Ngoài việc cử cán bộ luân phiên thực hiện Đề án 1816, bệnh viện Việt Đức là tuyến trung ương nên còn phải cử cán bộ đi tuyến theo chương trình chỉ đạo tuyến và Dự án các bệnh viện vệ tinh, là một bệnh viện mang đặc thù của một viện trường đại học nên bệnh viện Việt Đức còn phải đảm bảo số cán bộ giảng dạy cho các lớp học được tổ chức tại bệnh viện. Đặc biệt, trong thời gian 6 tháng cuối năm 2009 và đầu năm 2010, bệnh viện Việt Đức còn chi viện cho Trung tâm Phẫu thuật Tim Quốc gia 31 cán bộ nhân viên của bệnh viện.
8.2. Số bệnh viện tuyến dưới nhận cán bộ đến luân phiên
Số bệnh viện nhận cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đến luân phiên đều là các bệnh viện tỉnh biên giới miền núi phía Bắc như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu nhận 20 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh 19 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang 12 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, Cao Bằng 11 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn 9 cán bộ; các bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, mỗi bệnh viện nhận 07 cán bộ đến luân phiên. Ngoài ra, bệnh viện Việt Đức cũng cử một vài cán bộ chuyên môn đến luân phiên tại các bệnh viện tỉnh như Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang tùy theo yêu cầu đột xuất trong một số hoàn cảnh đặc biệt.
8.3. Số lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ
Cán bộ chuyên môn của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đi luân phiên đã chuyển giao cho hàng trăm kỹ thuật thuộc 14 lĩnh vực chuyên khoa, trong đó có 7 lĩnh vực thuộc chuyên khoa Ngoại: PT Thần kinh Sọ não, PT Tim mạch và Lồng ngực, PT Nhi, PT Tiêu hoá, PT Chấn thương Chỉnh hình, PT Cột sống, PT Tiết niệu, và 07 chuyên khoa khác như: Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê Hồi sức, Điều dưỡng, Giải phẫu bệnh, Nội soi, Thận Lọc máu, Xét nghiệm Vi sinh. Các cán bộ đi luân phiên vừa làm nhiệm vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, vừa chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ của bệnh viện địa phương bằng các hình thức như giảng dạy lý thuyết (mở lớp tập huấn) và thực hành tại chỗ (cầm tay chỉ việc).
8.4. Số kỹ thuật chuyển giao
Trong 2 năm thực hiện Đề án 1816, 137 cán bộ của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên đã chuyển giao hàng trăm kỹ thuật cho cán bộ của bệnh viện đến luân phiên. Cụ thể là năm 2008 có 98 kỹ thuật được chuyển giao; năm 2009, số kỹ thuật chuyển giao là 134 và năm 2010 số kỹ thuật chuyển giao là 116 kỹ thuật. Chuyển giao kỹ thuật được thực hiện bằng 02 phương thức là giảng lý thuyết và thực hành (cầm tay chỉ việc). Điều này rất có ý nghĩa trong việc đào tạo cán bộ tại chỗ, tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao trong điều kiện và khả năng thực tế của bệnh viện, tránh hiện tượng học lý thuyết suông mà không có thực hành.
8.5. Số lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn
Mỗi cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên đều mở một lớp tập huấn thuộc chuyên khoa của mình nhằm nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ bệnh viện đến luân phiên với nhiều giờ giảng trong quá trình công tác. Đây là một trong hai hình thức chuyển giao công nghệ của cán bộ đi luân phiên theo Đề án 1816, lãnh đạo bệnh viện tuyến dưới luôn tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức hoàn thành nhiệm vụ.
Trong 2 năm thực hiện Đề án 1816 (2008 - 2010), cán bộ của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên đã mở 137 lớp tập huấn cho 26 đơn vị với hàng nghìn học viên tham gia. Cụ thể là năm 2008 đã tổ chức 35 lớp cho 6 đơn vị với tổng số học viên là 1037; năm 2009 tổ chức 49 lớp cho 12 đơn vị với tổng số học viên là 2112; năm 2010 tổ chức 53 lớp cho 24 đơn vị với tổng số 2817 học viên.
8.6. Kết quả khám, chữa bệnh của cán bộ đi luân phiên thực hiện tại bệnh viện tuyến dưới.
Với phương châm cán bộ của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đi luân phiên theo Đề án 1816 không chỉ thực hiện công tác giảng dạy, chuyển giao kỹ thuật mà còn thực hiện các công tác chuyên môn như một cán bộ của bệnh viện đến luân phiên: đi buồng, khám bệnh, thực hiện các phẫu thuật, thủ thuật, chăm sóc bệnh nhân, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm ... theo chuyên môn của cán bộ được cử đi luân phiên và chịu trách nhiệm quản lý, giám sát của lãnh đạo bệnh viện đến luân phiên.
Trong thời gian 2 năm (2008 - 2010) thực hiện Đề án 1816, cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đã thực hiện khám bệnh cho gần 20.000 lượt bệnh nhân, thực hiện thủ thuật, phẫu thuật cấp cứu, phẫu thuật phiên gần 4600 ca. Ngoài ra còn có nhiều cán bộ chuyên khoa cận lâm sàng như Điều dưỡng, Chẩn đoán hình ảnh, Vi sinh, Giải phẫu bệnh, Thận - Lọc máu, Nội soi chẩn đoán đã tham gia thực hiện các công tác chuyên môn hàng ngày cùng các cán bộ của bệnh viện đến luân phiên nên không có các thống kê cụ thể.
9. Đánh giá kết quả đạt được
Qua 2 năm (từ 01/9/2008 đến 31/12/2010) thực hiện Đề án 1816, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành cử cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến tỉnh theo Đề án 1816 đã đạt được một số kết quả như sau:
- Đã thành lập Ban chỉ đạo Đề án 1816 theo đúng yêu cầu của Bộ Y tế
- Đã thực hiện công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng cho cán bộ viên chức của bệnh viện về thực hiện nhiệm vụ luân phiên theo Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế bằng nhiều hình thức khác nhau.
- Đã tiến hành khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyến dưới.
- Lập kế hoạch cụ thể và có giám sát, kiểm tra thực hiện.
- Cử 137 cán bộ chuyên môn luân phiên về hỗ trợ 26 bệnh viện tỉnh chủ yếu là các bệnh viện tỉnh biên giới miền núi phía Bắc. Đó là các bệnh viện còn thiếu về nhân lực và trang thiết bị, trình độ chuyên môn của các cán bộ chuyên ngành Ngoại khoa còn yếu. Lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ chủ yếu của bệnh viện Việt Đức là Ngoại khoa: 07 chuyên khoa phẫu thuật (Thần kinh sọ não, Tim mạch và Lồng Ngực, Nhi, Tiêu hoá, Tiết niệu, Cột sống, Chấn thương chỉnh hình), ngoài ra bệnh viện cũng cử cán bộ chuyên ngành Gây mê Hồi sức, Chẩn đoán hình ảnh, Điều dưỡng, Giải phẫu bệnh, Xét nghiệm Vi sinh, Nội soi chẩn đoán, Kỹ thuật chạy thận nhân tạo về hỗ trợ các bệnh viện tuyến tỉnh với mục đích có thể tạo được một êkíp cho phẫu thuật làm việc có hiệu quả tại bệnh viện tỉnh cũng như theo đề xuất cần hỗ trợ của bệnh viện tuyến dưới.
Hơn nữa, cán bộ của bệnh viện Việt Đức đã thực hiện giảng cho hàng nghìn học viên với 137 lớp tập huấn, đã thực hiện khám bệnh cho gần 20.000 lượt bệnh nhân (chưa kể một số cán bộ tham gia khám, chữa bệnh, thực hiện các công tác chuyên môn hàng ngày không thống kê số lượng bệnh nhân cụ thể); thực hiện 4594 ca thủ thuật, phẫu thuật tại các bệnh viện đến luân phiên.
Nhìn chung, mỗi cán bộ của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên theo Đề án 1816 đều phát huy thế mạnh của mình trên tinh thần tự nguyện, tự giác nên đã tạo được lòng tin của Ban lãnh đạo và đồng nghiệp tại cơ sở đến luân phiên.
10. Khó khăn, thuận lợi trong thực hiện Đề án 1816
Trong hai năm thực hiện Đề án 1816, cán bộ bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã đi luân phiên hỗ trợ 26 bệnh viện Đa khoa tuyến tỉnh trong đó chủ yếu tập trung hỗ trợ các bệnh viện tỉnh thuộc biên giới và miền núi phía Bắc nên cũng có những khó khăn và thuận lợi riêng. Nhiều ý kiến của các cán bộ đi luân phiên đều cho rằng lãnh đạo bệnh viện tỉnh quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ bệnh viện Việt Đức đến công tác, các cán bộ của bệnh viện tuyến dưới rất ham học hỏi và cầu thị, cán bộ chuyên môn đi luân phiên được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt, .... Bên cạnh đó cũng còn có nhiều khó khăn nhất định như dụng cụ, trang thiết bị của bệnh viện đến luân phiên còn thiếu, không đồng bộ, thiếu nhân sự và trình độ cán bộ không đồng đều, .... Tuy nhiên, Đảng ủy, Ban Giám đốc, Ban chỉ đạo Đề án 1816 cũng đã nắm rõ các thuận lợi và khó khăn riêng của các đơn vị được hỗ trợ chủ yếu là các bệnh viện tỉnh biên giới miền núi nên thường phổ biến và động viên trước khi cử cán bộ đi luân phiên để cán bộ của bệnh viện xác định tư tưởng, hoàn thành nhiệm vụ.
11. Mô hình chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Việt Đức cho một số bệnh viện tuyến tỉnh theo Đề án 1816 từ 01/9/2008 đến 31/12/2010.
* Dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Ban chỉ đạo Đề án 1816 xác định rõ nhiệm vụ trong thực hiện Đề án 1816 - cử cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh. Cán bộ được cử đi luân phiên ngoài nhiệm vụ thực hiện các công tác chuyên môn để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là các bệnh viện tỉnh biên giới miền núi phía Bắc và để giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là giảm tình trạng quá tải về Ngoại khoa cho bệnh viện Việt Đức thì một nhiệm vụ hết sức quan trọng là phải chuyển giao kỹ thuật, đào tạo cán bộ tại chỗ để nâng cao tay nghề cho cán bộ của bệnh viện đến luân phiên.
* Nguyên tắc trong chuyển giao kỹ thuật của cán bộ đi luân phiên thực hiện Đề án 1816 là:
- Tuân thủ pháp luật và quy định của Bộ Y tế
- Đảm bảo tính hiệu quả
- Tính kinh tế: thực hiện chuyển giao kỹ thuật không tốn kém, chưa phải đầu tư trang thiết bị, chuyển giao kỹ thuật bằng các phương tiện hiện có của bệnh viện đến luân phiên.
- Chuyển giao kỹ thuật phải dựa vào hoàn cảnh cụ thể: cân nhắc chuyển giao kỹ thuật nào trước, kỹ thuật nào sau, bệnh viện nào trước, bệnh viện nào sau.
- Kiểm tra, giám sát: nguồn nhân lực và trang thiết bị.
* Các yếu tố được xác định trong chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện Việt Đức theo Đề án 1816 gồm có 3 yếu tố:
- Nhân sự để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật (trình độ, số lượng)
- Tình trạng trang thiết bị hiện có của bệnh viện tuyến dưới (trang thiết bị hiện có của bệnh viện nhận chuyển giao có thể thực hiện được kỹ thuật chuyển giao hay không)
- Số lượng bệnh nhân cần điều trị bằng kỹ thuật chuyển giao nhiều hay ít (nếu đơn vị nào có số lượng bệnh nhân nhiều thì ưu tiên cử cán bộ chuyên môn về chuyển giao trước).
* Phương thức chuyển giao kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1816 được tiến hành bằng 2 hình thức: giảng lý thuyết (mở các lớp tập huấn) kết hợp với giảng thực hành (cầm tay chỉ việc), trong đó chú trọng giảng thực hành. Với phương thức này đã tránh hiện tượng học lý thuyết suông mà ngược lại nâng cao tay nghề và năng lực chuyên môn cho cán bộ tiếp nhận kỹ thuật chuyển giao.
* Chuyển giao kỹ thuật của cán bộ bệnh viện Việt Đức được thực hiện theo các bước sau:
- Bước 1: Khảo sát, đánh giá thực trạng, nhu cầu hỗ trợ của bệnh viện tuyến dưới, kỹ thuật cần chuyển giao và khả năng đáp ứng của bệnh viện HN Việt Đức. Ban chỉ đạo Đề án 1816 đã tiến hành khảo sát bằng các hình thức khác nhau như: đi thực tế, nghiên cứu bằng bộ câu hỏi hay trao đổi qua điện thoại, họp bàn trực tiếp và thăm dò ý kiến của các phẫu thuật viên.
- Bước 2: Tiến hành họp công khai giữa đại diện lãnh đạo bệnh viện Việt Đức với đại diện lãnh đạo bệnh viện tuyến dưới và cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên để thống nhất kỹ thuật chuyển giao.
- Bước 3: Ký kết hợp đồng chuyển giao kỹ thuật giữa bệnh viện Việt Đức với bệnh viện tỉnh và cán bộ thực hiện chuyển giao kỹ thuật. Mỗi cán bộ đi luân phiên có thể thực hiện nhiều kỹ thuật về khám, chữa bệnh, phẫu thuật, đào tạo tại bệnh viện đến luân phiên nhưng chuyển giao kỹ thuật chỉ tập trung vào một hoặc hai kỹ thuật để chất lượng của kỹ thuật chuyển giao được đảm bảo. Mỗi cán bộ thực hiện kỹ thuật chuyển giao phải xây dựng đề cương quy trình chuyển giao kỹ thuật và thông qua Hội đồng xét duyệt của bệnh viện Việt Đức.
- Bước 4: Thực hiện chuyển giao kỹ thuật. Cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đi luân phiên tại bệnh viện tuyến dưới theo sự phân công và thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo Hợp đồng đã ký kết, đảm bảo kỹ thuật chuyển giao đạt hiệu quả.
- Bước 5: Giám sát, kiểm tra và đánh giá kết quả chuyển giao kỹ thuật. Việc chuyển giao kỹ thuật của cán bộ chuyên môn đi luân phiên theo Đề án 1816 được đặt dưới sự giám sát, kiểm tra của lãnh đạo bệnh viện nhận chuyển giao và Ban chỉ đạo Đề án 1816 bệnh viện Việt Đức. Kết thúc thời gian chuyển giao kỹ thuật, cán bộ thực hiện chuyển giao viết báo cáo và quy trình kỹ thuật chuyển giao, đại diện lãnh đạo bệnh viện Việt Đức và đại diện lãnh đạo bệnh viện nhận chuyển giao họp trao đổi, rút kinh nghiệm và thanh lý hợp đồng chuyển giao kỹ thuật đã ký kết.
Ngoài ra, đối với một số chuyên khoa chuyên sâu như Phẫu thuật Thần kinh, Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực nếu bệnh viện tuyến tỉnh có rất ít hoặc không có bệnh nhân trong thời gian đi luân phiên thì cán bộ được cử đi luân phiên lựa chọn 01 cán bộ có khả năng của bệnh viện tỉnh về bệnh viện Việt Đức học thực hành (nơi đang có nhiều bệnh nhân chờ được phẫu thuật) và vẫn đảm bảo khám, chữa bệnh chuyên khoa đó tại bệnh viện tuyến tỉnh (kết hợp công tác ở cả bệnh viện Việt Đức và bệnh viện tỉnh nơi đến luân phiên).
Chuyển giao kỹ thuật đạt hiệu quả cao nhất khi bệnh viện tuyến trên có thể cử một êkíp phẫu thuật bao gồm phẫu thuật viên, dụng cụ viên, điều dưỡng chăm sóc, cán bộ chẩn đoán hình ảnh, cán bộ gây mê về đào tạo một êkíp phẫu thuật cho bệnh viện tuyến dưới. Tuy nhiên điều này rất khó thực hiện vì tính đồng bộ trong thực hiện kỹ thuật đòi hỏi cán bộ chuyển giao phải có một trình độ nhất định và theo quy định của Đề án 1816 yêu cầu về số lượng người được phân chia theo giường bệnh, thời gian mỗi cán bộ đi luân phiên phải đảm bảo 3 tháng.
Qua thực hiện Đề án 1816 một lần nữa khẳng định chuyển giao kỹ thuật tốt nhất cho bệnh viện tuyến dưới là bằng hình thức cầm tay chỉ việc. Tuy nhiên, để đạt kết quả tốt nhất đòi hỏi phải có kế hoạch (cần tập trung hỗ trợ kỹ thuật gì: trang thiết bị có thể đảm bảo được, số lượng bệnh nhân ...) cũng như con người (trẻ, ham học hỏi, tâm huyết với nghề, với bệnh viện), ngoài ra cán bộ được cử đi luân phiên cũng phải đảm bảo về chất lượng, trình độ.
12. Kiến nghị, đề xuất
Đề án 1816 của Bộ Y tế có ý nghĩa hết sức to lớn trong cải cách hệ thống Y tế Việt Nam cũng như hướng tới mục tiêu công bằng trong khám chữa bệnh. Tuy nhiên cách thức triển khai yêu cầu quá nguyên tắc. Quy định cán bộ cử đi luân phiên theo giường bệnh và thời gian đi luân phiên 3 tháng/đợt/01 cán bộ là khá cứng nhắc đối với một bệnh viện có nhiều nét đặc thù như bệnh viện Hữu nghị Việt Đức - bệnh viện chuyên ngành Ngoại khoa tuyến trung ương, tuyến cuối cùng trong hệ thống Y tế Việt Nam, vì vậy bệnh viện luôn trong tình trạng quá tải bệnh nhân.
Để đảm bảo không ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kính đề nghị Bộ Y tế xem xét cho phép bệnh viện được chủ động trong việc cử số lượng cán bộ luân phiên và thời gian đi luân phiên của cán bộ. Nên chăng, vẫn là thực hiện Đề án 1816, nhưng Bộ Y tế giao khoán cho bệnh viện Việt Đức số lượng và chất lượng kỹ thuật chuyển giao cho những bệnh viện tỉnh nào và trong thời gian bao lâu. Như vậy, vừa đảm bảo chất lượng cán bộ đi luân phiên cũng như kỹ thuật được chuyển giao sẽ thành công hơn, khi đó chính là nâng cao chất lượng trong khám chữa bệnh cho nhân dân. Khi bệnh viện tỉnh thực hiện thành công một số kỹ thuật do bệnh viện tuyến trung ương chuyển giao sẽ tạo niềm tin cho người bệnh, từ đó sẽ giải quyết được một phần tình trạng quá tải tại bệnh viện tuyến trung ương, cụ thể là bệnh viện Việt Đức.
Qua đánh giá kết quả đạt được trong thời gian thực hiện Đề án 1816 và mô hình chuyển giao kỹ thuật mà bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tiến hành hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới cho thấy nên cử 01 ê kíp gồm bác sỹ phẫu thuật, bác sỹ gây mê, chẩn đoán hình ảnh và điều dưỡng để đào tạo đồng thời, đồng bộ cho bệnh viện tuyến tỉnh. .
Về thực hiện chế độ cho cán bộ đi luân phiên, Bộ Y tế đã chỉ đạo cụ thể và bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện rất tốt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai vẫn còn gặp một vài vướng mắc nhỏ trong thanh toán tiền đi lại cho các cán bộ đi luân phiên. Theo quy định tại điểm 4, mục 3 của Công văn số 8595/BYT-KH-TC ngày 19/12/2008 của Bộ Y tế: "Hỗ trợ thanh toán tiền đi lại tối đa 04 kỳ/tháng theo chế độ công tác phí hiện hành, trường hợp đi bằng xe cơ quan đưa đón thì không thanh toán" nên quy định thanh toán khoán cụ thể theo km giữa Hà nội với tỉnh đến luân phiên và không trừ vào tiền bồi dưỡng hay tiền công tác phí của cán bộ đi luân phiên nhằm mục đích động viên, khuyến khích cán bộ đi tuyến.
Kết hợp chặt chẽ các đề tài nghiên cứu khoa học với thực hiện 1816. Nếu có đề tài cấp bộ và cấp nhà nước liên quan với các quy trình kỹ thuật chuyển giao giúp cho việc thực hiện cũng như đánh giá tổng kết rất hiệu quả.
Đổi mới hình thức và thời gian đi luân phiên. Ví dụ: cán bộ đi luân phiên kèm cặp các bác sĩ tại bệnh viện Tỉnh tại bệnh viện Việt Đức, lúc cần thiết lại về tỉnh vừa hiệu quả về mặt chất lượng đào tạo chuyển giao kỹ thuật, vừa chống quá tải, tránh lãng phí chất xám....
KẾT LUẬN
Tóm lại, qua 2 năm thực hiện Đề án 1816 của Bộ trưởng Bộ Y tế (từ 01/9/2008 đến 31/12/2010), Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Trên cơ sở xác định mục tiêu trước mắt là giúp đỡ 07 tỉnh biên giới miền núi phía Bắc, khảo sát thực trạng về ngoại khoa, chẩn đoán hình ảnh và gây mê hồi sức (về nhân lực và trang thiết bị, máy móc), nhu cầu cần hỗ trợ của bệnh viện tỉnh, từ 01/9/2008 đến 31/12/2010, bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cử 168 cán bộ trong đó có 31 cán bộ được chi viện cho Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện E. 137 cán bộ gồm 03 Phó Giáo sư, 12 Tiến sỹ, BSCK II, 87 Thạc sỹ, 17 Bác sỹ và 28 Điều dưỡng, Kỹ thuật viên đi luân phiên hỗ trợ 26 bệnh viện tỉnh.
Số bệnh viện nhận cán bộ chuyên môn của bệnh viện Việt Đức đến luân phiên đều là các bệnh viện tỉnh biên giới miền núi phía Bắc như: Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu nhận 20 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh 19 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Tuyên Quang 12 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Giang, Cao Bằng 11 cán bộ, bệnh viện đa khoa tỉnh Lạng Sơn 9 cán bộ; các bệnh viện đa khoa tỉnh Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai, mỗi bệnh viện nhận 07 cán bộ đến luân phiên. Ngoài ra, bệnh viện Việt Đức cũng cử một vài cán bộ chuyên môn đến luân phiên tại các bệnh viện tỉnh như Nam Định, Phú Thọ, Bắc Ninh, Bắc Kạn, Sơn La, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Hải Dương, Ninh Bình, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Bắc Giang tùy theo yêu cầu đột xuất trong một số hoàn cảnh đặc biệt.
Cán bộ chuyên môn của bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đi luân phiên đã chuyển giao cho hàng trăm kỹ thuật thuộc 07 lĩnh vực chuyên khoa Ngoại (PT Thần kinh Sọ não, PT Tim mạch và Lồng ngực, PT Nhi, PT Tiêu hoá, PT Chấn thương Chỉnh hình, PT Cột sống, PT Tiết niệu), chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh, Gây mê Hồi sức, Điều dưỡng, Giải phẫu bệnh, Nội soi, Thận Lọc máu, Xét nghiệm Vi sinh vừa làm nhiệm vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện tuyến tỉnh, vừa chuyển giao kỹ thuật cho các cán bộ của bệnh viện địa phương bằng các hình thức như giảng dạy lý thuyết (mở lớp tập huấn) và thực hành tại chỗ (cầm tay chỉ việc).
Ngôi nhà thứ hai của ngư dân
Y tế - 9 năm trướcGiadinhNet - Từ mô hình "Quỹ y tế" cùng với tập thể y, bác sỹ đầy tâm huyết đã đưa một xã nghèo ven biển trở thành điểm sáng về chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân- Đó là trạm y tế xã Diễn Vạn, huyện Diễn Châu – Nghệ An- đơn vị đầu tiên tại địa phương đạt chuẩn quốc gia về y tế, được vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động năm 2009.
Hồ Chí Minh với quan điểm về sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc
Y tế - 9 năm trướcGiadinhNet - Hướng tới Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2) báo Gia đình & Xã hội xin trân trọng trích giới thiệu tài liệu viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh với quan điểm sức khỏe, y tế và đạo đức của người thầy thuốc trong cuốn sách “Một số vấn đề xây dựng ngành y tế phát triển ở Việt Nam” của Cố Giáo sư - TS Đỗ Nguyên Phương, Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương khẳng định mũi nhọn khi có Đề án 1816
Y tế - 10 năm trướcNăm 2011, thực hiện chương trình hợp tác với Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương đã có nhiều khởi sắc, đặc biệt trong lĩnh vực ngoại khoa.
Lợi ích kép với người bệnh và bệnh viện
Y tế - 10 năm trướcNgày 6/6/2014 là ngày ghi dấu đặc biệt khi lần đầu tiên Bệnh viện Nhi đồng - Đồng Nai thực hiện thành công phẫu thuật chấn thương sọ não với sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật của Bệnh viện Nhi đồng 2 (thành phố Hồ Chí Minh).
Người dân hưởng lợi khi bệnh viện nâng cao chuyên môn
Y tế - 10 năm trướcTừ khi tái thành lập vào năm 2007 đến nay, bằng việc tập trung đầu tư về con người, trang thiết bị và không ngừng áp dụng các kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa thành phố Cần Thơ ngày càng khẳng định vị thế của bệnh viện hạng I cấp thành phố trực thuộc Trung ương. Nhiều trường hợp bệnh thay vì phải chuyển viện lên thành phố Hồ Chí Minh, nay đã được điều trị ngay tại địa phương.
Cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Người bệnh đã giảm thời gian chờ đợi
Y tế - 10 năm trướcCải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.
Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh tích cực hỗ trợ chuyên môn cho các đơn vị
Y tế - 10 năm trướcThực hiện Đề án 1816 của Bộ Y tế, từ nhiều năm qua Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí Quảng Ninh đã luôn duy trì hoạt động tổ chức các đợt tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến huyện trong tỉnh và nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện các tỉnh lân cận.
Đắc Nông: Ban hành chính sách đãi ngộ bác sỹ
Y tế - 10 năm trướcVừa qua, Hội đồng Nhân dân tỉnh Đắc Nông đã thông qua Nghị quyết quy định chính sách thu hút, đãi ngộ đối với bác sỹ, dược sỹ đại học và sau đại học về công tác tại các cơ quan, đơn vị y tế công lập trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2015-2020.
Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn triển khai hoạt động Phòng khám vệ tinh Chấn thương chỉnh hình
Y tế - 10 năm trướcNgày 6/10, Bệnh viện Đa khoa sài Gòn phối hợp với bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình chính thức triển khai hoạt động Phòng khám vệ tinh chuyên khoa cột sống, chỉnh hình, cơ xương khớp. Hoạt động Phòng khám vệ tinh do bác sĩ của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình trực tiếp khám, tư vấn và điều trị bệnh nhân.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong khám chữa bệnh: Giảm vượt tuyến, nâng nội lực
Y tế - 10 năm trướcNhững năm qua, với việc đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KHCN vào công tác khám chữa bệnh đã góp phần nâng tỷ lệ những ca điều trị thành công, giảm chi phí và thời gian khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân.
Cải tiến quy trình khám chữa bệnh: Người bệnh đã giảm thời gian chờ đợi
Y tếCải tiến quy trình khám, chữa bệnh, cải cách thủ tục hành chính trong khám, chữa bệnh là một trong những mục tiêu quan trọng của ngành Y tế nhằm giảm thời gian chờ đợi, nâng cao sự hài lòng của người dân khi đến khám và điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh.