Hà Nội
23°C / 22-25°C

Bí ẩn hài vàng đền Dạ Trạch

Chủ nhật, 08:00 25/03/2012 | Xã hội

GiadinhNet - Theo truyền thuyết dân gian, đền Dạ Trạch nằm ở thôn Yên Vĩnh (Dạ Trạch - Khoái Châu - Hưng Yên) chính là nơi Chử Đồng Tử cùng nhị vị phu nhân "hóa thánh" bay về trời.

Đây cũng chính là ngôi đền duy nhất trong số 62 ngôi đền thờ Chử Đồng Tử ở khu vực hạ lưu sông Hồng còn giữ được nhiều bảo vật quý...
 

Toàn cảnh đền Dạ Trạch nhìn từ hồ nước trước đền. Ảnh: H.L

 
Bắt Pháp đền bạc xây đền

Đền Dạ Trạch khi xưa nằm trên gò đất cao nổi tiếng thâm nghiêm và linh thiêng, xung quanh là ao đầm, người dân muốn vào đền phải đi bằng thuyền. Những năm đền mở hội, phải bắc một cầu tre cho mọi người qua lại. Bước lên gò, còn phải leo 19 bậc mới tới sân đền. Trên gò đất phía sau đền ngày nay vẫn còn giữ được rất nhiều cây nhãn cổ thụ, dấu tích của vẻ đẹp thâm u, huyền bí, thoát tục của đền cũ một thời...

Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết: "...Một ngày nọ, dân ở một số làng bỗng mắc phải bệnh dịch tả, Chử Đồng Tử cùng Tiên Dung và Tây Sa phải vượt đường xa đi khắp nơi chữa bệnh cho nhiều người. Một hôm, vì mải chữa bệnh nên trời tối không kịp về nhà, nhớ lại câu thần chú của Tiên Ông dạy, Chử Đồng Tử liền chống cây gậy và úp nón để tạm nghỉ. Nửa đêm thức giấc thì thấy mình ở trong một tòa lâu đài nguy nga, tráng lệ, xung quanh có binh lính hầu cận.

Vua Hùng Duệ Vương nghe tin báo tưởng con gái và con rể có ý làm phản liền cho quân ra bắt về trị tội. Tuy nhiên, khi quân nhà vua vừa đến nơi thì cả ba người cùng tòa lâu đài bỗng chốc bay thẳng lên trời, để lại nơi đấy một cái chằm (đầm), sau này gọi là Nhất Dạ Trạch (Đầm một đêm - để ghi nhớ chuyện chỉ sau một đêm mà có đầm). Đêm đó là đêm 17/11 âm lịch. Để tỏ lòng biết ơn và thương tiếc, nhân dân quanh vùng đã lập đền thờ ngay tại nơi ba người hóa thánh. Về sau, vua biết được sự thật đã truy phong ba người là những "Thượng đẳng thần", cho tu sửa lại đền  và cho phép người dân nơi đây tổ chức nghi lễ cúng tế hàng năm vào những dịp xuân, thu nhị kỳ...". Như vậy, nếu theo sách "Lĩnh Nam chích quái" thì đền Dạ Trạch có từ thời Hùng Vương, cách đây gần 4.000 năm.

Còn theo thần phả của đền thì vào năm 550, Triệu Quang Phục sau khi được Lý Bí trao quyền tổ chức quân sự để chống lại sự xâm lược của quân nhà Lương, đã về đền Dạ Trạch lập đàn cầu mộng, gọi là "long chảo chi ứng". Triệu Quang Phục đã được Chử Đồng Tử báo mộng trao cho chiếc móng rồng. Ông bèn sai quân lính đánh chiếc móng rồng gắn vào mũ "đầu mâu" rồi trực tiếp điều quân xông trận. Quân sĩ cứ nghĩ đánh giặc có thần linh giúp đỡ nên hăng hái chiến đấu, nhờ đó mà đẩy lùi được quân xâm lược nhà Lương ra khỏi bờ cõi Vạn Xuân. Năm 570, Triệu Quang Phục trở lại đền Dạ Trạch và đã xuống chiếu cho nhân dân Yên Vĩnh tu bổ lại ngôi đền. Ngay từ thời đó, đền Dạ Trạch đã là một ngôi đền nổi tiếng linh thiêng nên có rất nhiều người từ khắp nới về đây "cầu đảo".

Ngay cả khi quân Minh xâm lược nước ta, nhà Hồ thất thế, Nguyễn Trãi cũng đã cùng ông ngoại là Trần Nguyên Hãn đến đền Dạ Trạch lập đàn tế Chử Đồng Tử - Tiên Dung và được thần báo mộng vào Lam Sơn, phò Lê Lợi chống giặc Minh xâm lược. Cho đến năm 1883, đền Dạ Trạch bị thực dân Pháp phóng hỏa đốt cháy vì đây là nơi tập trung nhiều phong trào khởi nghĩa. Nhân dân địa phương sau đó đã làm đơn kiện và mãi đến năm 1890 thì thực dân Pháp mới chịu đền một thước khối bạc để xây dựng lại đền như hiện nay. Người trực tiếp nhận bạc đền từ tay thực dân Pháp và cũng chính là người trực tiếp chỉ huy xây dựng lại đền là tiến sỹ Chu Mạnh Trinh - quan án sát đầu tỉnh Hải Dương thời bấy giờ.

Đền Dạ Trạch được trùng tu cách đây đã khoảng 100 năm. Ao, đầm chung quanh được lấp kín, trước đền chỉ còn lại cái hồ bán nguyệt nhỏ. Bước lên đền hôm nay chỉ phải leo 4 bậc. Đền nhìn thẳng hướng chính Đông, xây theo kiểu chữ I (Đinh) có 3 tòa lộng lẫy. Đẹp nhất là hậu cung với mái vòm cuốn tam cấp, gợi cảm giác như đứng trong khoang thuyền. Gian chính điện ở giữa là ba pho tượng đồng lớn, tượng Chử Đồng Tử ngồi giữa mặc hoàng bào, bên trái là Tiên Dung, bên phải là Tây Sa. Cũng ở gian chính điện, bên phải là bàn thờ cha và mẹ Chử Đồng Tử, bên trái thờ Triệu Quang Phục (trước đây Triệu Quang Phục được thờ ở một đền riêng nhưng do đền này đổ nát nên dân làng phối tự về đây).
 

Ban thờ Chử Đồng Tử - Tiên Dung - Tây Sa ở gian hậu cung của đền.


Bảo vật độc đáo

Ngoài sự nổi tiếng về linh thiêng, đền Dạ Trạch hiện còn giữ được rất nhiều cổ vật quý giá như hệ thống cột lim, tượng gỗ "bế ngư thần quan" (thần cá chép) từ thời Triệu Quang Phục, sắc phong, hoành phi, câu đối, đại tự, kho mộc bản 25 tấm, bia đá, đại hồng chung... Đặc biệt là chiếc nón và cây gậy phép biến hoá của Chử Đồng Tử dùng để cứu nhân độ thế và những chiếc long mão, hài rồng bằng vàng thật.
 

Ông Nguyễn Khắc Lộng đang cầm trên tay một chiếc hài rồng vừa lấy ra từ tủ trưng bày.

Cận cảnh những lá vàng thật được trang trí trên hai chiếc long mão còn lại của đền.


Ông Nguyễn Khắc Lộng (74 tuổi) - thành viên ban quản lý đền Dạ Trạch cho biết, hai chiếc mũ rồng và cặp hài rồng hiện đang được trưng bày trong tủ kính ở bên phải gian hậu cung là của Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Không ai biết chính xác chúng xuất hiện từ thời điểm nào và do ai làm nên. Chỉ biết rằng, trong một vài bài thơ bằng chữ Hán mà cụ nội ông Lộng để lại đã có đề cập đến những vật quý này.

"Theo cha ông truyền lại thì đây là hai cái mũ rồng và hai đôi hài của đức thánh Chử Đồng Tử và Tiên Dung công chúa. Một thời gian dài những bảo vật này được các cụ bô lão đặt thờ trên ngai án ở gian hậu cung. Tuy nhiên, khi đền này bị giặc Pháp đốt thì những vật quý này cũng bị cháy theo và sau đó thì hỏng nặng, không còn nguyên vẹn như trước nữa. Có một thời gian, nhà đền chúng tôi đã cử người mang những vật quý này vào Huế để nhờ các nghệ nhân đúc đồng ở Huế khôi phục lại nhưng họ không thể làm được nên đành để vào tủ trưng bày làm kỷ vật cho con cháu mai sau biết", ông Lộng cho biết. Cũng có thuyết cho rằng, từ thời Hùng Vương mọi người đều đóng khố, đeo mũ vải nên hai chiếc mũ rồng và cặp đôi hài rồng kia là của Triệu Việt Vương và phu nhân.

Quan sát kỹ thì thấy hai chiếc mũ rồng mang hình dáng của loại "mũ đầu mâu" (mũ chiến), trên đỉnh có chóp tròn gắn hình nhật nguyệt bằng vàng, có thêm miếng ngọc tròn. Thân mũ được đan bằng những sợi đồng thanh mỏng rất cầu kỳ và tinh tế. Chóp mũ và thân mũ được nối với nhau bằng một sợi vàng lá mỏng, có chạm trổ hình rồng phượng. Mặt trước của mũ cũng được trang trí hình rồng phượng cắt rời bằng vàng lá mỏng. Cả hai chiếc mũ đều mang hình dáng và cách thức trang trí giống nhau nhưng do bị cháy nên cả hai không còn nguyên vẹn hình hài. Những tiểu tiết trang trí trên hai chiếc mũ được ban quản lý đền giữ lại khá đầy đủ nhưng để ngổn ngang chứ không sắp đặt thành hệ thống. Thân mũ cũng đã xỉn đen vì bảo quản trong môi trường ẩm ướt, bụi bám.

Riêng hai đôi hài rồng do vẫn còn giữ được khá nguyên vẹn hình dáng bên ngoài nên có thể dựa vào kích thước mà nhận biết, trong hai đôi hài thì có một đôi là của nam giới và một đôi của nữ giới. Điểm độc đáo của cặp đôi hài này là đế rất dày, mũi cong hất lên trên, cổ hài khá cao và rộng, được đan bằng những sợi đồng với mật độ dày. Đầu cổ hài được nẹp chặt bằng một lá vàng cách điệu, thân lá vàng này vừa cắt dạng ka - rô vừa chạm hình rồng. Mỗi chiếc hài nặng khoảng 0,5kg. Ước tính số vàng dùng để trang trí quanh mũ và hài có thể lên tới 2kg.

Ban quản lý đền đã nhiều lần mang những vật quý này đến nhờ các nghệ nhân ở làng đúc đồng Đại Bái (Bắc Ninh), Tống Xá (Nam Định), Dương Xuân (Huế), Hàng Bạc (Hà Nội)... nhờ phục hồi nhưng không ai có thể làm được vì nghệ thuật trang trí của những vật này quá cầu kỳ, tinh tế. Nhà đền đã buộc phải đặt các nghệ nhân làng đúc đồng Đại Bái lằm một đôi hài mới bằng đồng để thờ trước ngai án của đức thánh Chử Đồng Tử.
 

Tượng "Bế ngư thần quan" được thờ ở gian ngoài của đền.

Gậy và nón thần - tương truyền từ thời Chử Đồng Tử để lại.


"Bế ngư thần quan" là tượng thần cá chép được thờ duy nhất ở đền Dạ Trạch. Tương truyền, đầm Dạ Trạch xưa kia rất rộng lớn và sâu, trong đầm có một con cá chép rất lớn, đến nỗi trẻ chăn trâu bơi lội có thể cưỡi lên được mình cá. Chính chú cá chép này đã từng cứu giúp trẻ em trong làng nhiều phen thoát chết khi làng xảy ra lụt lội, vỡ đê. Tuy nhiên, sau khi vỡ đê Văn Giang thì không ai còn thấy được những con cá lớn ấy nữa. Cùng bàn thờ với tượng "bế ngư thần quan" là hai con ngựa, một đỏ, một trắng. Tương truyền Chử Đồng Tử - Tiên Dung thường cưỡi ngựa đi các nơi chữa bệnh cho nhân dân. Cả tượng cá, tượng ngựa đều có bánh xe, ngày hội dân làng đưa ra rước, người đi hai bên cầm lọng che. Đối diện với ngai thờ thần cá chép là ngai thờ, một chiếc gậy, đầu gậy úp cái nón. Nón và gậy thần là biểu hiện phép tiên Chử Đồng Tử chữa bệnh cải tử hoàn sinh cho nhân dân.
 
Hà Tùng Long
thuctap
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Truy tìm người phun dòng chữ 'bắn tốc độ' gây chú ý trên đường ở TPHCM

Truy tìm người phun dòng chữ 'bắn tốc độ' gây chú ý trên đường ở TPHCM

Thời sự - 10 phút trước

GĐXH - Lực lượng công an TPHCM đang xác minh, truy tìm người vẽ chữ “bắn tốc độ” gây chú ý trên đường Lê Quang Đạo (xã Xuân Thới Sơn).

Thông tin quan trọng: Từ nay người dân làm gì cũng thuận lợi khi 6 nhóm giấy tờ này được tích hợp trên VNeID

Thông tin quan trọng: Từ nay người dân làm gì cũng thuận lợi khi 6 nhóm giấy tờ này được tích hợp trên VNeID

Đời sống - 55 phút trước

GĐXH - Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) cho biết, hiện nay, Bộ Công an đã đưa 6 nhóm giấy tờ lên VNeID.

Thí sinh Nghệ An đạt 29,75 điểm, trở thành thủ khoa khối C00 toàn quốc

Thí sinh Nghệ An đạt 29,75 điểm, trở thành thủ khoa khối C00 toàn quốc

Giáo dục - 1 giờ trước

GĐXH - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 ghi dấu cho ngành Giáo dục Nghệ An khi có thí sinh đạt 29,75 điểm, trở thành thủ khoa khối C00 toàn quốc. Cùng với đó, hàng loạt học sinh của tỉnh vươn lên nhóm dẫn đầu cả nước ở nhiều tổ hợp xét tuyển.

Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đặt mục tiêu khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

Dự án đường ven biển Nghi Sơn - Cửa Lò đặt mục tiêu khánh thành vào dịp Quốc khánh 2/9/2025

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Đây là một trong hai công trình trọng điểm mà Nghệ An cam kết hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 80 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Hà Nội: Cháy xưởng gỗ ở xã Phù Đổng, khói lửa bốc lên ngùn ngụt

Hà Nội: Cháy xưởng gỗ ở xã Phù Đổng, khói lửa bốc lên ngùn ngụt

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Sáng 16/7, đám cháy lớn bất ngờ bùng phát tại một xưởng gỗ ở xã Phù Đổng (TP Hà Nội), Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ (PCCC & CNCH) Công an TP Hà Nội đã nhanh chóng tiếp cận xử lý.

Bắt 2 'ông trùm' điều hành gần 400 website 'phim đen', phát tán 22.000 clip đồi trụy

Bắt 2 'ông trùm' điều hành gần 400 website 'phim đen', phát tán 22.000 clip đồi trụy

Pháp luật - 3 giờ trước

Điều hành gần 400 website "phim đen", phát tán hơn 22.000 clip đồi trụy, 2 người đàn ông bị bắt.

Tin vui: Người trẻ mua nhà ở xã hội sắp được 'bung lụa' với mức ưu đãi chưa từng có

Tin vui: Người trẻ mua nhà ở xã hội sắp được 'bung lụa' với mức ưu đãi chưa từng có

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Người trẻ mua nhà ở xã hội sắp được hỗ trợ vay đến 80% giá trị căn hộ, thời gian vay dài, lãi suất thấp chỉ từ 4,5%/năm.

4 tháng Âm lịch 'định mệnh' giúp người sinh ra hưởng phúc, tiền bạc không bao giờ cạn

4 tháng Âm lịch 'định mệnh' giúp người sinh ra hưởng phúc, tiền bạc không bao giờ cạn

Đời sống - 4 giờ trước

GĐXH - Ai sinh vào 4 tháng Âm lịch này thường có vận trình tài lộc vượng phát, càng già càng sống an nhàn, chẳng phải lo chuyện miếng cơm manh áo.

Nam sinh Hà Nội là thủ khoa khối A năm 2025 với 3 điểm 10 tuyệt đối

Nam sinh Hà Nội là thủ khoa khối A năm 2025 với 3 điểm 10 tuyệt đối

Giáo dục - 5 giờ trước

Nguyễn Duy Phong (học sinh lớp 12A5 Trường THPT Chương Mỹ A, Hà Nội) vừa trở thành thủ khoa khối A năm 2025 với tổng điểm 30.

9 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30

9 thủ khoa đạt điểm tuyệt đối 30/30

Giáo dục - 5 giờ trước

Theo dữ liệu công bố của Bộ GD&ĐT, 8 thí sinh đạt điểm tuyệt đối tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) và một thí sinh tổ hợp B00 (Toán, Hóa, Sinh).

Top