Có nên sớm lạc quan về vắcxin HIV?
Trong 30 năm qua, kể từ ca AIDS đầu tiên được phát hiện, các nhà khoa học đã tiêu nhiều tiền và thời gian để tìm một vắcxin hy vọng phòng chống HIV, một virút được cho là thủ phạm gây ra bệnh AIDS.
Thế nhưng hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác, kết quả đều âm tính, thất bại. Mới đây, ngày 24/9, bản tin truyền đi từ Thái Lan cho biết lần đầu tiên sau 30 năm, một vắcxin thử nghiệm đã cho kết quả giảm 1/3 nguy cơ AIDS (khoảng 31%). Báo chí quốc tế rầm rộ đưa tin về kết quả này. Tuy nhiên đọc kỹ kết quả nghiên cứu đó, tôi lại hiểu khác. Tôi cho rằng còn quá sớm để tuyên bố vắcxin có hiệu quả. Kết quả giảm 1/3 nguy cơ nhiễm HIV mà nhóm nghiên cứu đưa ra có thể do yếu tố ngẫu nhiên chứ chưa chắc vắcxin có hiệu quả sinh học thật sự.
Vắcxin HIV mà Thái Lan công bố mang ký danh “RV 144”, là kết hợp hai loại vắcxin được sản xuất bằng kỹ thuật di truyền: vắcxin ALVAC và vắcxin AIDSVAX. Nghiên cứu trước đây cho thấy cả hai vắcxin này đều không có hiệu quả ở con người. Công trình nghiên cứu RV 144 do quân y Mỹ tài trợ và thực hiện qua sự hợp tác của các chuyên gia Thái Lan. Năm 2006, nhóm nghiên cứu tuyển 16.395 đối tượng từ cộng đồng (không phải nhóm có nguy cơ cao), tuổi từ 18 đến 30, theo các tiêu chuẩn định sẵn từ hai tỉnh của Thái Lan. Tất cả những người này đều không bị nhiễm HIV lúc tham gia. Họ được chia thành hai nhóm một cách ngẫu nhiên: 8.197 người được tiêm sáu liều vắcxin RV144, 8.198 người dùng giả dược (tức Placebo, là một loại chất không có tác dụng chữa bệnh nhưng được mang hình dáng dược phẩm). Sau ba năm theo dõi, đã cho kết quả: trong nhóm tiêm vắcxin có 51 người nhiễm HIV (tỷ lệ 0,62% hay 6/1.000 người) và nhóm dùng giả dược có 74 người nhiễm HIV (tỷ lệ 0,90% hay 9/1.000 người).
Trước khi có công bố của Thái Lan, ngày 28/7, Nam Phi cũng đã tiến hành tiêm thử nghiệm vắcxin điều trị HIV lên cơ thể người. Vắcxin đầu tiên do Nam Phi sản xuất. Việc tiêm này diễn ra trong bối cảnh các nhà khoa học đang tìm những cách tiếp cận mới trong cuộc chiến chống AIDS tại quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất thế giới bởi căn bệnh thế kỷ AIDS. Trong ảnh: TS Camilla Samways (phải) chuẩn bị tiêm vắcxin điều trị HIV cho một người tình nguyện tại Cape Town. Ảnh: AFP. |
Như vậy con số 31% trong thông tin Thái Lan đưa ra đến từ đâu? Tôi nghĩ các nhà nghiên cứu đã tính theo nguy cơ tương đối (relative risk), tức là lấy 0,62 chia cho 0,90 và kết quả là 0,69. Nói cách khác, xác suất nhiễm HIV trong nhóm vắcxin thấp hơn nhóm giả dược 31%. Đây chính là con số mà báo chí được các nhà nghiên cứu cung cấp và chuyển tải đến công chúng trên thế giới. Nhưng cách tính và cách phát biểu đó có thể gây hiểu lầm. Con số giảm 31% không có nghĩa giảm 31% ca nhiễm HIV mà là giảm 31% nguy cơ nhiễm HIV. Cần nhớ rằng, ca nhiễm HIV khác với nguy cơ nhiễm HIV. Một cá nhân hoặc nhiễm hoặc không nhiễm HIV, do đó con số ca nhiễm phải là những ca cụ thể. Còn nguy cơ là xác suất phản ảnh tính bất định của tình trạng nhiễm HIV, dao động từ 0 đến 1. Một cá nhân có thể có nguy cơ nhiễm cao hay thấp nhưng điều đó không có nghĩa cá nhân bị nhiễm HIV.
Vậy thì phải diễn giải kết quả trên như thế nào? Theo tôi cần phải quay lại với số liệu trên. Nếu tính bằng nguy cơ tuyệt đối (absolute risk), vắcxin chỉ giảm 0,28% mà thôi (lấy 0,90% trừ cho 0,62%). Nói cách khác, trong ba năm, cứ 1.000 người được tiêm chủng thì vắcxin giảm khoảng ba người so với nhóm không tiêm vắcxin. Đây chính là kết quả thật của công trình nghiên cứu.
Hiệu quả vắcxin chưa thuyết phục
“Kết quả giảm 1/3 nguy cơ nhiễm HIV mà nhóm nghiên cứu đưa ra có thể do yếu tố ngẫu nhiên chứ chưa chắc là vắcxin có hiệu quả sinh học thật sự”
Với một hiệu quả quá khiêm tốn như thế, người hoạch định chiến lược y tế cộng đồng phải đặt câu hỏi: “có đáng đồng tiền bỏ ra không?” Giả dụ sáu liều vắcxin tốn 300 USD, kết quả trên có nghĩa xã hội phải chi ra 300.000 USD chỉ để giảm ba ca nhiễm HIV. Nên nhớ rằng người được tiêm chủng vắcxin cũng bị nhiễm HIV chứ không phải hoàn toàn miễn nhiễm. Câu hỏi kế tiếp là kết quả trên có phải do ngẫu nhiên hay ảnh hưởng sinh học? Sẽ khó có câu trả lời vì ngay cả nhóm làm nghiên cứu cũng không tiên lượng được. Công trình nghiên cứu là một chủ đề tranh cãi ngay từ lúc bắt đầu. Các nhà khoa học Mỹ, kể cả Robert Gallo (người có công khám phá HIV), cũng đã từng ký tên trong một tuyên bố trên tập san Science cáo buộc rằng Chính phủ Mỹ đã phung phí 119 triệu USD cho một thử nghiệm, vì họ cho rằng vắcxin sẽ không có hiệu quả. Như tôi đề cập ở trên, vắcxin sử dụng trong thử nghiệm này được sản xuất từ hai vắcxin ALVAC của công ty Sanofi-Aventis và vắcxin AIDSVAX của công ty VaxGen. Cả hai vắcxin thành tố này trước đây đều không có hiệu quả ở người, vậy thì tại sao khi kết hợp với nhau lại có hiệu quả? Hiện không có, hay nói chính xác hơn là chưa có, câu trả lời cho câu hỏi nhạy cảm này.
Trong khi chưa có câu trả lời mang tính sinh học, chúng ta buộc phải đặt tiếp câu hỏi “có phải kết quả do yếu tố ngẫu nhiên?” Dưới góc độ khoa học, có nhiều cách để trả lời. Tuy nhiên đến thời điểm này có thể nói chúng ta vẫn chưa có bằng chứng thuyết phục để tuyên bố vắcxin HIV thật sự có hiệu quả, bởi vì kết quả có thể chỉ là tình cờ. Nếu các nhà nghiên cứu lặp lại thử nghiệm, chưa chắc họ đã có kết quả trên. Nhưng trong thực tế chẳng ai lại chi ra 119 triệu USD chỉ để lặp lại nghiên cứu. Vì bằng chứng về hiệu quả của vắcxin phòng chống HIV chưa thuyết phục nên chúng ta có quyền nghĩ rằng rất có thể kết quả mà các nhà nghiên cứu công bố chỉ là tình cờ, ngẫu nhiên. Con đường đi đến một vắcxin phòng chống HIV vẫn còn xa.
Qua ứng dụng S-Health, bất ngờ trước những căn bệnh người già gặp phải (kỳ 2): Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi nói riêng trong thời đại công nghệ số 4.0
Dân số và phát triển - 3 năm trướcGiadinhNet - Thoái hóa đốt sống lưng tình trạng nặng có thể gây liệt nửa người, nhiều người bệnh rồi mà không biết rèn luyện thể lực, cũng không biết "Ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi (S-Health)" để được nhắc nhở, hướng dẫn, hay cấp cứu kịp thời.
Dùng thuốc trị động kinh khi mang thai, tăng nguy cơ trẻ mắc bệnh tự kỷ
Dân số và phát triển - 4 năm trướcPhụ nữ dùng thuốc trị động kinh acid valproic trong thời kỳ mang thai có nguy cơ sinh con mắc bệnh tự kỷ cao hơn gấp đôi, một nghiên cứu mới đây cho thấy.
Lộ sự thật về chứng "lên đỉnh" dồn dập ở chị em
Dân số và phát triển - 4 năm trướcCác nhà khoa học Harvard cuối cùng đã tìm ra nguyên nhân và chữa khỏi cho một số phụ nữ khổ sở bấy lâu nay vì cả trăm cơn "lên đỉnh" dồn dập mỗi ngày.
Tạo phôi thai chuột không cần trứng và tinh trùng
Dân số và phát triển - 5 năm trướcCác tế bào gốc này có khả năng tạo ra cả ba loại tế bào được tìm thấy trong phôi sớm.
Bao cao su đầu tiên được thiết kế để tiêu diệt virus HIV
Nghiên cứu - Trao đổi - 10 năm trướcKết quả kiểm tra đã cho thấy bao cao su VivaGel có hiệu quả trong việc khử 99,9% virus HIV, herpes và các virus u nhú ở người.
Cho tương lai phát triển bền vững
Nghiên cứu - Trao đổi - 10 năm trướcGiadinhNet - Báo cáo số liệu Thanh niên Thế giới năm 2013 của Văn phòng Tham chiếu Dân số Hoa Kỳ (PRB) cho thấy, trên thế giới hiện nay, thanh niên (nhóm dân số từ 10-24 tuổi) là hơn 1,8 tỷ người, chiếm 25% tổng dân số thế giới.
Thử nghiệm mới giúp tăng tỉ lệ thụ tinh trong ống nghiệm thành công
Nghiên cứu - Trao đổi - 10 năm trướcTheo các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford (Anh), các tế bào sản xuất năng lượng sản sinh ra nhiều DNA trong phôi thai là một tín hiệu có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi khiến người phụ nữ được thụ tinh trong ống nghiệm nhưng không thành công.
Thêm một nguyên nhân khó thụ thai bị nhiều người bỏ qua
Nghiên cứu - Trao đổi - 10 năm trướcPhụ nữ có lượng cholesterol cao sẽ mất nhiều thời gian để thụ thai hơn những người có lượng cholesterol bình thường.
Thuốc ngừa thai không giết chết khoái cảm tình dục
Nghiên cứu - Trao đổi - 10 năm trướcNghiên cứu mới của các nhà khoa học Anh, Scotland và Cộng hòa Czech cho thấy thuốc ngừa thai không giết chết ham muốn tình dục nhưng chính việc ngưng sử dụng thuốc có thể ảnh hưởng lên khoái cảm của người phụ nữ.
Những bí mật liên quan đến hệ thống sinh sản của phụ nữ
Chất lượng cuộc sống - 10 năm trướcMàng trinh là phần vô ích, tử cung có khả năng siêu đàn hồi, trong âm đạo có tính axit, không thể xác định chính xác lúc thụ thai... là những điều có thể bạn chưa biết về bộ máy sinh sản nữ giới.
Những phụ nữ không nên uống thuốc tránh thai
KHHGĐThuốc tránh thai có estrogen và progesteron làm cho quá trình thụ thai không diễn ra như sinh lý bình thường: Trứng không rụng, không thụ tinh hoặc đã thụ tinh nhưng không làm tổ được đúng vào giai đoạn thích hợp nên không có thai.