Bà Dezliangz lau nước mắt cho mẹ trong ngày đoàn tụ hồi tháng 10. Ảnh: SCMP.
Từ khi còn bé, Li Yantao đã thắc mắc tại sao mẹ mình, người có vầng trán cao, gò má nhô và phần tóc mai dài, lại trông khác hẳn so với những người sống trong ngôi làng nơi cô sinh sống ở tỉnh Hà Nam. Mẹ Li thường bị coi là "người câm điếc" và hay tạo ra những âm thanh kỳ lạ, bởi bà nói một thứ ngôn ngữ mà không ai có thể hiểu được.
Năm 11 tuổi, Li phát hiện sự thật là mẹ bị bắt cóc và bán làm cô dâu cho bố cô, nhiều năm trước khi Li chào đời. Không ai biết tên hay tuổi của bà. Mẹ Li thường ngồi trước cửa nhà, nhìn chăm chăm vào con đường ở phía đông.
Mẹ Li luôn để một con dao dưới gối. Đôi khi bà khóc và tự nói đây không phải là nhà của bà. Li nhớ có lần mẹ đã cố dắt cô và em gái bỏ trốn. Thương mẹ, Li quyết định giúp bà đoàn tụ gia đình và mất 19 năm mới thành công.
Hiện tại ở tuổi 30, Li đã nhận ra ước mơ thời thơ ấu của mình. Cô biết mẹ năm nay 59 tuổi, là người dân tộc Bố Y và ngày bé tên là Dezliangz. Dezliangz từng bị bán vài lần trong khoảng 4 hoặc 5 năm từ sau khi bị bắt cóc và cuối cùng là bị ép cưới bố Li.
"Bà chưa bao giờ ngừng nhớ nhà. Tôi thấy may mắn khi mẹ đã được gặp lại cha mẹ mình", Li nói.
Những năm 1990, số lượng phụ nữ và trẻ em bị bắt cóc, buôn người ở Trung Quốc tăng đột biến. Hai kế hoạch hành động chống nạn buôn bán người, sẽ kết thúc vào năm nay, đã được khởi xướng, từ đó dẫn đến việc số tội phạm đã giảm đáng kể.
Năm 2014, cảnh sát giải cứu hơn 30.000 phụ nữ bị buôn bán. Hai năm trước, số lượng này giảm xuống chỉ còn 434. Không có con số cụ thể bao nhiêu người thuộc nhóm dân tộc thiểu số trở thành đối tượng bị buôn bán, bởi các yếu tố như rào cản ngôn ngữ và học vấn kém đã khiến cho việc giải cứu họ trở nên khó khăn hơn.
Li có thể hiểu được một số từ cơ bản mẹ nói nhưng cô biết mình rất có thể sẽ chẳng bao giờ có được một cuộc đối thoại, tâm tình với bà. Các thành viên trong nhà thường phải vỗ lên vai Dezliangz để thu hút sự chú ý của bà, và dùng các ngôn ngữ bằng tay nếu muốn bảo bà "đi ra đồng làm việc" hay "đến giờ đi ngủ rồi".
Li từng tìm kiếm sự trợ giúp qua đài truyền hình địa phương, nhưng họ nói rằng những thông tin mà cô cung cấp chưa đủ để tìm được quê quán hay gia đình mẹ.
Năm học cấp 2, Li thường dành một đêm mỗi tuần tại các quán cafe Internet để nói chuyện với những người lạ đến từ tỉnh Tứ Xuyên vì muốn giúp mẹ. Bố cô, người qua đời từ ba năm trước, có lần nói Dezliangz có thể là người dân tộc thiểu số ở tỉnh Tứ Xuyên.
"Tôi vẫn còn khoảng 50 nhóm chat trên điện thoại nhưng không thu được thông tin gì hữu ích", Li nói.
Năm 17 tuổi, Li bắt đầu sử dụng điện thoại để thu âm lại những lần mẹ tự nói chuyện với chính mình với hy vọng có ai đó sẽ hiểu bà đang nói gì. Lên cấp 3, Li ăn thức ăn thừa của mọi người trong vòng hai tháng thay vì mua đồ ăn mới. Cô dành số tiền đó để trả cho một chuyên gia ngôn ngữ ở Tứ Xuyên, nhưng nhận được kết quả là mẹ cô không hề nói tiếng của người dân ở đây.
Nỗ lực tìm kiếm qua các trang web trẻ mất tích của Li cũng trở nên vô ích, bởi cô không thể cung cấp thêm được thông tin chi tiết nào khác, chẳng hạn như quê quán người mất tích ở đâu.
Bố bà Dezliangz vừa nắm tay con gái vừa nói chuyện. Ảnh: SCMP. |
Hồi tháng 9, Li vô tình gặp Huang Defeng, một công chức ở Miêu Kiềm Tây Nam, đang quảng bá ngôn ngữ Bố Y trên mạng xã hội, và gửi cho ông đoạn thu âm của mẹ.
"Tôi mở đoạn băng thu âm và nghe thấy tiếng một phụ nữ khóc trong tuyệt vọng, rằng bà ấy không thể tìm được đường về nhà và rất muốn về với cha mẹ. Tôi liền bảo Li gửi ảnh mẹ cô ấy cho mình và nhận ra ngay lập tức đó là phụ nữ Bố Y", Huang chia sẻ.
Huang sau đó đến gặp Wang Zhengzhi, một phiên dịch tiếng Bố Y ở Đài Phát thanh Kiều Tây Nam, để nhờ giúp đỡ. Cách đây hai năm, Wang trước đó đã giúp một người đàn ông, cũng bị bán đến tỉnh Hà Bắc từ nhỏ, tìm về quê nhà ở huyện Huệ Thủy, tỉnh Quý Châu.
Wang lại đến tìm chuyên gia và bạn bè trong lĩnh vực ngôn ngữ có cùng giọng với bà Dezliangz. Dựa trên cách bà phát âm một số từ, họ xác nhận bà nhiều khả năng đến từ một trong bốn huyện gần nhau ở phía nam tỉnh Quý Châu.
Wang tiếp tục lập một nhóm trên WeChat và mời những người Bố Y cô biết từ 4 huyện này gửi ảnh đất đai. trang phục và các phong tục để Li cho mẹ xem. Lúc nhìn thấy một thác nước, bà Dezliangz bắt đầu nói chuyện với thái độ hồ hởi.
Những người tình nguyện viên tin rằng bà Dezliangz sống khá gần với một con đường nổi tiếng ở huyện Tình Long, bởi bà lập tức nhận ra con đường này khi được xem ảnh. Luo Qili, một nữ thương gia quen biết rộng, đã nhờ một người bạn sống ở khu vực này hỏi dân làng xem họ có nhớ một phụ nữ mất tích từ nhiều năm trước hay không. Chỉ trong một ngày, Luo quay lại với hai cái tên.
Khi Li gọi cái tên thứ hai "Dezliangz" mẹ cô nhìn lên với một nụ cười bẽn lẽn.
"Đúng, mẹ là Dezliangz đây. Bây giờ con đã biết tên ngày nhỏ của mẹ rồi", bà nói.
Đoạn video sau đó được chia sẻ lên nhóm WeChat và nhận được rất nhiều tin nhắn chúc mừng.
"Chỉ mất hai ngày rưỡi để tìm ra quê quán mẹ tôi ở đâu. Họ đã rất mừng cho mẹ", Li chia sẻ.
Hôm 18/10, sau 40 năm bị bắt cóc, bà Dezliangz được đoàn tụ với cha mẹ đẻ ở Châu tự trị dân tộc Bố Y và dân tộc Miêu Kiềm Tây Nam, tỉnh Quý Châu, cách nhà Li ở Hà Nam 1.800 km. Phải mất hai chuyến xe buýt, hai chuyến taxi, một chuyến bay dài 3 tiếng và đi xe khách thêm 1 tiếng trước khi Li, chồng cô và bà Dezliangz về được quê hương mẹ ở Quý Châu.
"Mẹ tôi hoàn toàn thay đổi khi được gặp lại gia đình. Tôi chưa từng thấy bà cười như thế từ lúc sinh ra đến giờ. Họ vừa nói chuyện vừa nắm chặt tay nhau. Mẹ tôi trông chẳng khác gì đứa con gái nhỏ giữa cha mẹ mình", Li nói. "Bà đã trải qua một cuộc sống cay đắng, bị bắt cóc đến một nơi xa lạ, xa gia đình, thường xuyên cố gắng bỏ trốn và bị đánh đập trước khi bán làm vợ bố tôi".
Mẹ bà Dezliangz, cũng là bà ngoại Li, lúc đó đang chờ bên ngoài nhà. Bà cho con gái ăn một thìa cháo, tục lệ của người Bố Y khi đứa con mất tích trở về.
"Mẹ bà Dezliangz không rời mắt khỏi con. Hai mắt bà ấy giàn giụa khi nắm tay bà Dezliangz", Wang, người đã lái xe chở cả gia đình Li từ sân bay, kể.
Sau khi gặp lại bố mẹ, Dezliangz kể bà đã bị một người hàng xóm lừa và bắt cóc đem bán. Không biết chữ và không nói được tiếng địa phương do bị mất thính lực (có thể do bị đánh), bà đã không thể nói cho ai biết mình quê ở đâu. Do bố mẹ sống cùng con trai, cũng là anh trai của bà Dezliangz, bà chỉ có thể ở lại 12 ngày trước khi quay về Hà Nam để tránh trở thành gánh nặng cho gia đình vốn đã khó khăn về tài chính.
"Sau khi về lại Hà Nam, mẹ không nói chuyện với tôi, không ăn uống gì suốt hai ngày. Tôi phải ở cùng với mẹ chồng một tuần để tránh gặp bà", Li kể. "Nhưng tôi không thể trách bà được. Mẹ tôi đã phải chịu đựng quá nhiều. Tôi sẽ đưa mẹ quay lại Quý Châu vào Tết Nguyên đán".
Theo Ngôi sao