Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con

GiadinhNet - Các chuyên gia đã tư vấn những kiến thức cơ bản về cách phòng tránh lây nhiễm HIV ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ...

Và tư vấn về:
- Các vai trò, trách nhiệm và nhận thức của người chồng trong việc phòng tránh lây nhiễm HIV;
- Cách tiếp cận, cung cấp các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị người nhiễm HIV/AIDS;
- Các câu hỏi mở rộng khác của bạn đọc liên quan đến chủ đề HIV/AIDS.
 
Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  1

Phó Tổng biên tập Nguyễn Ngọc Nam (ngoài cùng bên phải) tặng hoa cho các chuyên gia: PGS. TS. Bùi Đức Dương (giữa), Ths. Bs. Nguyễn Văn Lâm (thứ 2 từ phải qua) và Ths. Bs Mai Xuân Phương; Ths. Bs Cao Kim Thoa (thứ nhất và thứ 2 từ trái qua).

 
Các khách mời tham gia chương trình
 
- PGS. TS. Bùi Đức Dương - Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế
- Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - Phó trưởng Khoa Truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương
- Ths.Bs Mai Xuân PhươngThs.Bs Cao Kim Thoa - Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế - Cố vấn chương trình giao lưu
Đúng 9h30 chương trình giao lưu bắt đầu. Thay mặt Ban tổ chức, Phó Tổng Biên tập Báo Gia đình và Xã hội Nguyễn Ngọc Nam tuyên bố lý do và cảm ơn các khách mời đã nhiệt tình đến tham gia giao lưu cùng bạn đọc.
 
C.V.V. - cv@yahoo.com - Nam 28 tuổi: Tôi thấy mục tiêu “Không còn người nhiễm mới HIV” là một câu chuyện cổ tích. Đặt ra mong muốn như vậy liệu có thực hiện nổi không?
 
PGS. TS. Bùi Đức Dương: Chào bạn, cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi. Mục tiêu này thật khó nhưng không phải là không làm được. Nhiều câu chuyện cổ tích hiện nay đã thành sự thực.
 
Về mặt khoa học, khi được chẩn đoán sớm và điều trị sớm thì khả năng lây nhiễm rất thấp.
 
Theo nghiên cứu HPTN052 của nhiều quốc gia cho thấy, nếu điều trị sớm thì giảm khả năng lây nhiễm tới 96%, những bà mẹ mang thai nhiễm HIV được phát hiện sớm và điều trị trong giai đoạn đầu của thai nghén thì khả năng lây truyền trực tiếp từ mẹ sang con có thể bằng 0. Đồng thời người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc kháng virus chỉ sau 6-8 tuần, số lượng virus trong máu người bệnh giảm tới mức không đo được bằng xét nghiệm tải lượngvirus, tức là không còn khả năng lây nhiễm.
 
Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  2

PGS. TS Bùi Đức Dương đang trả lời câu hỏi của bạn đọc.

 
Chính vì vậy, Chương trình phòng chống AIDS của Liên hợp quốc và Tổ chức Y tế Thế giới đã đề xuất chiến lược điều trị sớm là biện pháp dự phòng cho người nhiễm HIV, để giảm tỷ lệ lây nhiễm cho cộng đồng. Hiện nay tại Mỹ đang triển khai chương trình The end of AIDS và hy vọng rằng việc không còn người nhiễm mới HIV trong tương lai là có tính khả thi.
 
 Khái niệm HIV và AIDS:
 
HIV là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Human Immunodeficiency Virus" là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, làm cho cơ thể suy giảm khả năng chống lại các tác nhân gây bệnh.

AIDS là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Acquired Immune Deficiency Syndrome" là hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải do HIV gây ra, thường được biểu hiện thông qua các nhiễm trùng cơ hội, các ung thư và có thể dẫn đến tử vong.
T.H- 30 tuổi
: Tôi bị nhiễm HIV từ chồng nhưng vẫn khao khát sinh một đứa con. Hiện tôi đang mang bầu ở tháng thứ 8. Tôi rất muốn hy vọng con tôi sinh ra sẽ không bị lây nhiễm căn bệnh quái ác này. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi phải làm thế nào để không truyền HIV sang cháu và cách chăm sóc cháu sau sinh?
 
Ths. Bs. Nguyễn Văn Lâm: Chị bị HIV và đang mang bầu vào tháng thứ 8 nhưng không biết chị có đang được điều trị HIV bằng thuốc Kháng virus HIV (ARV) hay không? Và nếu chị đang được điều trị ARV thì phác đồ điều trị là như thế nào, liệu có ảnh hưởng đến thai hay không? Vì vậy cách tốt nhất là chị nên đến ngay Trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc Bệnh viện sản để được chăm sóc và quản lý thai sản, được tư vấn về cách chăm sóc, điều trị, dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Hiện nay Cục phòng chống HIV/AIDS - BYT đã có hướng dẫn rất cụ thể về Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con cũng như việc chăm sóc, theo dõi, điều trị dự phòng, điều trị nhiễm trùng cơ hội cho trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV. 
 
M.L - 51 tuổi: Cháu tôi năm nay 3 tuổi, hiện cháu bị nhiễm HIV từ cha mẹ cháu đã mất do căn bệnh AIDS. Là ông bà nội, chúng tôi rất thương và muốn bù đắp cho cháu nhưng không biết sẽ chăm sóc cháu bằng cách nào? Xin bác sĩ tư vấn giúp chúng tôi cách chăm sóc và điều trị lâu dài cho cháu tôi.
 
Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Cháu của ông/bà năm nay 3 tuổi và đã bị nhiễm HIV. Ông bà nên đưa cháu đến Phòng khám ngoại trú HIV Nhi ở huyện hoặc tỉnh mà ông bà đang sinh sống để được khám lâm sàng, xét nghiệm HIV và các xét nghiệm cần thiết khác, tư vấn về HIV, tư vấn về tuân thủ điều trị, điều trị dự phòng và điều trị các nhiễm trùng cơ hội, sàng lọc lao, điều trị HIV bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) và nhiều hỗ trợ khác....
 
Lưu ý: Các dịch vụ khám, XN, tư vấn và điều trị cho trẻ HIV là hoàn toàn miễn phí.
 
Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  3

Các dịch vụ khám, xét nghiệm, tư vấn và điều trị cho trẻ HIV là hoàn toàn miễn phí. - Bs Lâm cho biết.

 
T. T. T. - @yahoo.com - Nữ 31 tuổi: Trung bình một người nhiễm HIV sống được bao nhiêu năm nếu được chăm sóc tốt? Nếu không được chăm sóc và điều trị tốt thì họ sống được bao lâu?
 
PGS. TS. Bùi Đức Dương: Ở Việt Nam, người phụ nữ nhiễm HIV được phát hiện đầu tiên vào tháng 12/1990. 22 năm nay, người phụ nữ này hiện vẫn đang sống và khỏe mạnh sau khi dùng thuốc kháng virus. Như vậy, nếu được chăm sóc và điều trị kịp thời thì tuổi thọ của người nhiễm HIV được kéo dài hơn nữa. Trên thế giới nhiều người nhiễm được phát hiện trong thập niên 80 hiện vẫn đang sống.
 
Trong trường hợp người nhiễm HIV không được chẩn đoán kịp thời và không được chăm sóc tốt thì khả năng sống kéo dài từ 8-12 năm.

VA. - Nữ 32 tuổi: Phải thường xuyên tiếp xúc với những người nhiễm HIV, bác sĩ có lo mình bị nhiễm bệnh? Đã có tai nạn nghề nghiệp nào xảy ra đối với các y bác sĩ?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Lo bị nhiễm thì ai cũng lo, nhưng với người đã có kinh nghiệm và kiến thức về HIV/AIDS, đã có các biện pháp dự phòng thì sẽ hoàn toàn yên tâm để phục vụ khám chữa bệnh cho người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS.
 
Đã có nhiều cán bộ y tế đã gặp phải những tai nạn rủi ro, ví dụ như kim tiêm đâm vào phần mềm, nước ối bắn vào mắt, mũi... từ những người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS, tuy bị phơi nhiễm HIV nhưng chưa có trường hợp nào bị nhiễm HIV.
 
Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  4

Bs. Mai Xuân Phương và Bs. Cao Kim Thoa đang chăm chú trả lời bạn đọc.

VAM - 85@yahoo.com - Nam 39 tuổi: Ngoại tình hoặc có nhiều bạn tình, hay quan hệ tình dục đồng giới có phải là nguyên nhân lây truyền HIV không? Có thống kê cụ thể nào về những đối tượng này không?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Ngoại tình hay có nhiều bạn tình trong quan hệ đồng giới nam là một trong những nguyên nhân dẫn đến lây nhiễm HIV, song chưa cho một thống kê cụ thể nào về nhóm đối tượng này.

N. - Nữ 19 tuổi: Cháu năm nay 19 tuổi và đã từng quan hệ. Bạn trai cháu là một hot boy nên cháu cũng lo lắng, theo bác sĩ cháu có nên đi kiểm tra không ạ? Cháu sợ lắm. Cháu nghe nói nếu bị thì sẽ chết rất nhanh có phải không ạ?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa
: Rất nên đi đến cơ sở tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện để được tư vấn và xét nghiệm HIV. Nếu không may bị nhiễm, cháu hoàn toàn yên tâm vì sẽ được các bác sĩ tư vấn và đưa ra các biện pháp can thiệp kịp thời. Trên thực tế, người nhiễm HIV đầu tiên được phát hiện vào 12/1990 đến nay vẫn đang sống khỏe mạnh và có công việc ổn định vì chị đã được tiếp cận với các dịch vụ xã hội và dịch vụ y tế. Không nên tiếp tục quan hệ tình dục không an toàn với bạn trai như vậy nữa.

PH - 32@yahoo.com - Nam 33 tuổi: Nhà nước ta đã tốn kém như thế nào trong việc chi tiền cho phòng chống HIV? Quốc tế đã giúp đỡ chúng ta những gì trong công tác đẩy lùi tệ nạn này? Sắp tới chúng ta có được giúp đỡ nữa không? Chi phí cho một người điều trị HIV/AIDS tốn bao nhiêu tiền 1 tháng?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Chào bạn, ngay từ những năm 80, Nhà nước đã xác định đại dịch HIV/AIDS tác động xấu đến kinh tế xã hội và ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển giống nòi, bởi thế ngay tại thời điểm này chính phủ đã thành lập các Uỷ ban Phòng chống HIV/AIDS, từ trung ương tới các địa phương nhằm tìm các biện pháp đối phó và đẩy lùi nạn dịch này. Hàng năm Nhà nước đã đầu tư hàng trăm tỉ đồng cho các hoạt động này liên tục từ những năm 1983 đến nay.
 
Về phía các tổ chức quốc tế, trong những năm vừa qua, thông qua các hợp tác song phương và đa phương, đã hỗ trợ cho công tác phòng chống HIV/AIDS tại Việt Nam một lượng kinh phí đáng kể. Đặc biệt là sự giúp đỡ từ chính phủ Hoa Kỳ, Anh, Ngân hàng thế giới, Quỹ toàn cầu...
 
Hiện nay, do khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới nên các tổ chức quốc tế đang thay đổi cơ chế hỗ trợ, trong đó giảm các kinh phí hỗ trợ cho các dịch vụ cụ thể và duy trì hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và chuyên gia.

PNQ - ...@yahoo.com - Nữ 26 tuổi: Thế giới hay Việt Nam đã có nghiên cứu về vaccine phòng chống HIV/AIDS chưa? Liệu bao giờ thì có loại vaccine này?

Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  5

Ths. Bs. Nguyễn Văn Lâm

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào bạn, trên thế giới, cho đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về vaccine phòng chống HIV, nhưng vẫn đang ở trong giai đoạn nghiên cứu và chưa được áp dụng trên người. Hi vọng là trong tương lai gần, chúng ta sẽ có thể có loại vaccine phòng chống căn bệnh này.

NTH - l@gmail.com - Nữ 30 tuổi: Em 30 tuổi, đã bị nhiễm HIV được 1 năm nhưng chưa uống thuốc điều trị ARV. Trước khi muốn có con thì có cần uống thuốc gì không để phòng tránh sinh con được an toàn?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Tốt nhất em hãy đến cơ sở điều trị HIV/AIDS để được khám và đánh giá tình trạng lâm sàng của nhiễm HIV/AIDS để có biện pháp can thiệp phù hợp trước khi có kế hoạch sinh con. Hiện nay, tại 63 tỉnh thành đã có các cơ sở cung cấp dịch vụ dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Nếu được can thiệp dự phòng tốt, em hoàn toàn có thể sinh con không nhiễm HIV. Trên thực tế, một số tỉnh đã có tỷ lệ lây truyền dưới 5%. Có nghĩa là 100 bà mẹ nhiễm HIV sinh con thì chỉ có 5 bà mẹ sinh con bị nhiễm HIV.
 
NHS - ...@yahoo.com - Nam 32 tuổi: Các bệnh nhân AIDS vẫn đang được giấu danh tính, bản thân người bệnh cũng giấu bệnh của mình. Vậy đâu là nguyên nhân lây truyền HIV cho người khác. Chúng ta có nên công khai việc nhiễm HIV không? Có nên bắt các đối tượng hoạt động mại dâm xét nghiệm bắt buộc HIV cũng như bệnh truyền nhiễm khác không? Vì đây cũng là trách nhiệm của cá nhân đối với xã hội?
 
Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Những người nhiễm HIV và bệnh nhân AIDS nên tự nguyện công khai danh tính của mình để được tiếp cận các dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội. Với các đối tượng hoạt động mại dâm cũng nên tự nguyện xét nghiệm HIV để phòng cho mình và dự phòng cho xã hội.
 
Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  6

Nếu muốn có con không bị nhiễm HIV từ chồng thì nên khuyên chồng đến cơ sở điều trị HIV/AIDS tại địa phương để được khám và điều trị HIV. Bạn có thể đưa ra những mong muốn của mình về việc sinh con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV từ chồng. Theo tổ chức Y tế thế giới, nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV thì giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác tới 96%. Nên hoàn toàn có thể hy vọng sinh được con không bị nhiễm HIV" - Bs Phương và Bs Thoa cho biết.

TVH - Nam 28 tuổi: Trẻ bú sữa của mẹ hoặc của người bị nhiễm HIV/AIDS thì có nhiễm không?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào bạn, virus HIV có thể lây truyền qua đường sữa mẹ, vì vậy, trẻ có thể bị nhiễm virus HIV từ người mẹ nhiễm HIV hoặc người nhiễm HIV đang cho trẻ đó bú. Tuy nhiên, nếu người mẹ đang được điều trị thuốc kháng virus HIV (ARV) hiệu quả cao thì nguy cơ lây nhiễm sang bé là rất thấp.

TL - .85@ - Nữ 28 tuổi: Xin hỏi một đứa trẻ sinh ra từ bố mẹ bị nhiễm HIV, sau thời gian bao lâu thì xác định được em bé đó có bị nhiễm bệnh từ bố mẹ hay không? Có dấu hiệu nào nhận biết không?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào bạn, trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV nếu không có can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thì tỉ lệ con bị nhiễm HIV là từ 25-40%.
 
Ngay sau trẻ sinh ra được 4-6 tuần tuổi đã có thể làm các xét nghiệm khẳng định trẻ có bị nhiễm HIV hay không. Bạn nên đưa trẻ đến các phòng khám ngoại trú HIV để được tư vấn, xét nghiệm chẩn đoán sớm HIV.

T - Nam 40 tuổi: Xin ông/ bà cho biết cách chăm sóc và phòng tránh nếu không may có người thân nhiễm H.

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào anh, trước hết, tôi xin chia sẻ với anh những thông tin cơ bản về đường lây truyền HIV. Có 3 đường lây truyền HIV là:

 
- Qua đường máu (Ví dụ: Dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu bị nhiễm HIV, ....)
- Qua đường quan hệ tình dục
- Lây truyền từ mẹ sang con.
 
Nếu anh có người thân bị nhiễm HIV thì gia đình vẫn chung sống như bình thường mà không sợ lây nhiễm HIV qua các sinh hoạt thông thường.
 
Hiện nay, ở Việt Nam đã có thuốc kháng virus HIV vì vậy nếu người nhà anh đến các phòng khám ngoại trú HIV thì sẽ được tư vấn, chăm sóc, điều trị một cách đầy đủ nhất.
 
Nếu anh ở Hà Nội thì anh có thể đến phòng khám ngoại trú HIV tại Viện các bệnh truyền nhiễm và Nhiệt đới Quốc gia hoặc đến các phòng khám ngoại trú HIV tại huyện hoặc tỉnh nơi anh đang sinh sống.

ThL. - Nữ 29 tuổi: Xin cho biết nếu mẹ bị nhiễm HIV thì phải dùng các biện pháp gì để đảm bảo sinh con khỏe mạnh?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Nếu người phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV thì nên đến các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản hoặc các bệnh viện phụ sản càng sớm càng tốt để được quản lý thai nghén, tư vấn về HIV và dự phòng lây truyền từ mẹ sang con bằng thuốc kháng virus HIV (ARV).
 
Để đảm bảo sức khỏe cho cả mẹ và con trong suốt thai kỳ, bạn nên chú ý ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tập luyện đều đặn và sinh hoạt điều độ.

T. T.M - Nữ 35 tuổi: Xin ông/bà cho biết, khi đi kiểm tra sức khỏe sinh sản có nhất thiết phải test HIV? Tôi sống lành mạnh nhưng cũng có cảm giác lo lắng nếu phải làm xét nghiệm. Vì thế tôi rất chần chừ khi làm khâu này.

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Khi đi khám sức khỏe định kỳ hoặc khám sản phụ khoa rất nên làm xét nghiệm HIV và cũng chính là để tháo gỡ cảm giác lo lắng của bạn. Mặc dù bạn đang sống lành mạnh nhưng vẫn có thể bị nhiễm HIV từ chồng, hoặc tiếp xúc trực tiếp với các dịch sinh học, ví dụ như máu và các chế phẩm của máu từ người nhiễm HIV.
 
NM - @gmail.com - Nữ 34 tuổi: Bố mẹ bị nhiễm HIV mà muốn sinh con nếu được điều trị ngay từ thời kỳ đầu mang thai thì tỷ lệ nhiễm HIV sang con là rất thấp. Tại sao đã có thuốc ngăn ngừa HIV từ mẹ sang con mà lại không chữa được cho người bị nhiễm HIV?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn. Thuốc kháng virus HIV (ARV) chỉ có tác dụng ức chế sự nhân lên của virus HIV chứ không thể tiêu diệt được loại virus này. Vì vậy, người nhiễm HIV khi được điều trị bằng thuốc này phải được điều trị suốt đời và phải tuân thủ chặt chẽ phác đồ điều trị, như uống thuốc đúng giờ, đúng liều, đúng cách và phải khám lại định kỳ đầy đủ để đảm bảo chắc chắn là virus được ức chế, tránh được sự kháng thuốc của virus HIV.

HT - Nữ 29 tuổi: Xin hỏi bác sĩ lây truyền HIV/AIDS từ mẹ sang con như thế nào và phải làm gì để phòng ngừa ạ?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào bạn, người mẹ mang thai nhiễm HIV có thể truyền bệnh cho con trong giai đoạn mang thai, lúc chuyển dạ (đẻ) và trong giai đoạn cho con bú, vì vậy, để ngăn ngừa lây truyền HIV từ mẹ sang con thì người mẹ phải được khám thai định kỳ và được dự phòng bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) từ lúc thai được 14 tuần tuổi.

HTA - @yahoo.com - Nữ 37 tuổi: Những việc quan trọng nhất mà ngành y tế cần tập trung cho công tác đẩy lùi HIV là gì?

Giao lưu trực tuyến: Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con  7

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Ngành y tế không thể "một mình" đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, mà cần sự phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể và từng cá nhân.

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Ngành y tế không thể "một mình" đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS, mà cần sự phối hợp nhiều ban ngành đoàn thể và từng cá nhân. Về khía cạnh y tế, Bộ Y tế đã và đang triển khai thực hiện và áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới và thuốc mới nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời cho những người nhiễm HIV, đồng thời mở rộng các diện bao phủ các dịch vụ tới cộng đồng để người dân có thể tiếp cận các dịch vụ dự phòng chăm sóc và điều trị dễ dàng hơn. Việc triển khai các dịch vụ này ưu tiên dựa trên tình hình dịch theo từng khu vực, theo từng vùng miền.

TLH - @yahoo.com - Nữ 29 tuổi: Cho em hỏi chồng em bị nhiễm HIV, còn em là không bị nhiễm. Chúng em muốn có con vậy thì làm cách nào để có thể có con không bị nhiễm HIV?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Nếu muốn có con không bị nhiễm HIV từ chồng thì nên khuyên chồng đến cơ sở điều trị HIV/AIDS ở tại địa phương để được khám và điều trị HIV. Bạn có thể đưa ra những mong muốn của mình về việc sinh con khỏe mạnh, không bị nhiễm HIV từ chồng. Theo tổ chức Y tế thế giới, nếu người nhiễm HIV được điều trị ARV thì giảm nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác tới 96%. Nên em hoàn toàn có thể hy vọng sinh được con không bị nhiễm HIV.

QA - Nam 49 tuổi: Mục tiêu hướng tới không còn người nhiễm HIV liệu có trở thành hiện thực được? Để đạt được mục tiêu đấy, nhà nước đã có những kế hoạch gì cụ thể? Những hình thức tuyên truyền về phòng tránh HIV/AIDS đến nay đã thực sự có hiệu quả?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Tôi đã trả lời một phần câu hỏi này của bạn đọc phía trên. Bạn vui lòng theo dõi cụ thể. Tuy nhiên tôi xin trả lời thêm rằng: Để đạt được mục tiêu này Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng chống HIV/AIDS đến 2020 và tầm nhìn 2030 với các mục tiêu và giải pháp cụ thể.
 
Thông báo kết luận số 27, tháng 5/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng nêu rõ tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng chống HIV/AIDS trong giai đoạn mới và chỉ thị số 16 của Chính phủ về tăng cường công tác phòng chống HIV tháng 5/2012.
 
Năm 2012, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt chương trình Phòng chống HIV/AIDS thành một chương trình quốc gia độc lập. Đây là cơ hội để Nhà nước tăng nguồn đầu tư cho hoạt động này.
 
Ngoài ra, trong chiến lược cũng đã đề cập đến các giải pháp phối hợp liên ngành, trong đó đề cao vai trò của các ban ngành đoàn thể, các tổ chức dân sự xã hội và các cá nhân. Về chuyên môn kỹ thuật, nhấn mạnh tới việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới. Đồng thời, tranh thủ huy động nguồn lực và hợp tác quốc tế....
 
Trong đó công tác tuyên truyền được coi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chiến lược. Các hoạt động tuyên truyền đã và đang góp phần tích cực vào việc thay đổi nhận thức của người dân và góp phần từng bước giảm sự kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người nhiễm HIV. Tuy nhiên để đạt hiệu quả cao hơn nữa thì công tác này còn đòi hỏi nhiều thời gian.

NHK - Nữ 40 tuổi: Bạn tôi có 1 cô con gái 7 tuổi và vừa ly hôn với chồng cách đây vài tháng. Sau một thời gian thì phát hiện chồng bị nhiễm HIV. Xin hỏi liệu bạn tôi và cháu bé có bị lây nhiễm hay không? Cần đến đâu để được tư vấn, xét nghiệm?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Để khẳng định bạn và con gái có bị nhiễm HIV hay không, thì nên khuyên bạn của bạn đến ngay cơ sở xét nghiệp HIV tự nguyện tại địa phương (có tại 63 tỉnh thành), hoặc có thể gọi cho Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tại địa phương để được hướng dẫn.

NHK - Nữ 40 tuổi: Theo tôi được biết, hiện nay việc dự phòng HIV từ mẹ sang con mới chỉ tập trung ở những phụ nữ đã mang thai và giai đoạn cho con bú. Xin hỏi với những nhóm phụ nữ khác như: phụ nữ chưa lập gia đình, phụ nữ bán dâm, phụ nữ tiêm chích ma túy mà chưa sinh con thì cần có các biện pháp gì?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Cảm ơn bạn vì đây là một câu hỏi hay. Tôi xin được trả lời như sau: Mục đích của việc dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS từ mẹ sang con tập trung vào việc trẻ ra đời không bị nhiễm HIV từ người mẹ, do vậy việc tuyên truyền cho phụ nữ trước hôn nhân (bao gồm trẻ gái, những đối tượng có con ngoài ý muốn...) và những đối tượng có hành vi nguy cơ cao (như phụ nữ bán dâm, phụ nữ tiêm chích ma túy, những người quan hệ tình dục không an toàn...) là hết sức cần thiết. Nhóm đối tượng này được khuyến khích đi xét nghiệm thường xuyên để biết được tình trạng HIV của mình.

NTV - @yahoo.com - Nữ 26 tuổi: Xin hỏi có phải tất cả phụ nữ đã mang thai mà nhiễm HIV thì con của họ đều bị nhiễm HIV?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Tôi xin khẳng định ngay là KHÔNG! Chỉ có 5-10% trẻ bị nhiễm HIV từ mẹ trong giai đoạn mang thai. Trong các quá trình tiếp theo như chuyển dạ, đẻ, cho con bú... tỉ lệ này sẽ tăng lên do những va chạm, tiếp xúc, xây xát... Do vậy, để giảm tỷ lệ này thì lời khuyên dành cho các bà mẹ là cần thiết phải phát hiện sớm trong giai đoạn đầu của thai kỳ để biết tình trạng nhiễm HIV của mình và để được điều trị sớm, để bảo vệ cho trẻ ra đời không nhiễm HIV.

BKD - Nữ 38 tuổi: Xin hỏi các bác sĩ, những phụ nữ nào cần được dự phòng sớm lây nhiễm HIV? Các biện pháp để dự phòng?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Phụ nữ nào cũng cần phải được bảo vệ và dự phòng sớm lây nhiễm HIV và cần có kiến thức về dự phòng HIV để tự bảo vệ sức khỏe bản thân, đặc biệt đối với hành vi tình dục không an toàn.

LTT - Nữ 30 tuổi: Tôi 30 tuổi, tôi muốn sinh con nhưng hiện tại cả hai vợ chồng đều bị nhiễm HIV. Tôi xin hỏi phải đến đâu ở Hà Nội và cần làm gì để hạn chế cao nhất khả năng lây truyền HIV sang con? Tôi xin cảm ơn.

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Nếu cả hai bạn đều bị nhiễm HIV, tốt nhất các bạn nên đến phòng khám ngoại trú HIV tại Bệnh viện các bệnh truyền nhiễm và nhiệt đới quốc gia để được tư vấn, thăm khám và xét nghiệm để xác định tình trạng bệnh và được chỉ định điều trị bằng thuốc kháng virus HIV (ARV).
 
Nếu bạn muốn có con, thì các bác sỹ cũng sẽ có những lời khuyên tốt nhất cho bạn và hướng dẫn bạn cách dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con để hạn chế tối đa khả năng lây nhiễm.
 
Chúc gia đình bạn sớm có tin vui!

TTT - @yahoo.com - Nữ 30 tuổi: Em họ tôi không may bị lây nhiễm HIV từ người chồng nghiện hút. Giờ em họ tôi đang mang thai tuần thứ 12. Xin hỏi liệu con của em họ tôi có khả năng bị lây nhiễm HIV từ mẹ không? Nếu thai nhi chưa bị nhiễm thì em họ tôi cần làm gì ở thời điểm này để phòng ngừa việc lây nhiễm?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Vì em họ bạn đang mang thai ở tuần thứ 12 nên bạn cần khuyên em bạn đến ngay các trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, khoa sản hoặc bệnh viện phụ sản để được tư vấn và điều trị dự phòng bằng thuốc kháng virus HIV (ARV). Việc thăm khám nên được thực hiện tốt nhất sớm trước khi thai kỳ được 14 tuần.

 
Chúc em họ bạn sẽ có một thai kỳ khỏe mạnh và em bé sẽ không bị nhiễm HIV.

LTT - Nữ 30 tuổi: Cháu xin hỏi, chồng cháu bị nhiễm HIV nhưng cháu không biết và vẫn mang thai bình thường. Trong quá trình mang thai và sinh nở các xét nghiệm đều cho kết quả âm tính. Khi con cháu được 2 tháng tuổi, cháu có biểu hiện sốt, phát ban, khi vào viện xét nghiệm thì chẩn đoán là sốt virus nên cháu vẫn chưa biết mình bị nhiễm HIV và vẫn cho con bú. 8 tháng sau sinh, chồng cháu có biểu hiện sốt liên tục, đi khám thì phát hiện đã nhiễm HIV. Cháu cũng đi xét nghiệm và kết quả là cũng bị nhiễm HIV. Ngay lập tức cháu đã dừng nuôi con bằng sữa mẹ. Hiện nay, con cháu được 28 tháng, phát triển bình thường, cháu không dám cho con đi xét nghiệm vì con là niềm hy vọng duy nhất của vợ chồng cháu. Cháu xin hỏi con cháu có bị nhiễm HIV không, cháu phải làm gì bây giờ. Cháu xin cảm ơn.

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Tôi rất chia sẻ với trường hợp của vợ chồng bạn.
 
Theo tôi, xét nghiệm bạn làm khi đang mang thai cho kết quả âm tính có thể là vì bạn đã bị lây từ chồng nhưng đang ở giai đoạn "cửa sổ" (dùng để chỉ một khoảng thời gian mà một người đã bị nhiễm HIV nhưng cơ thể chưa sản xuất đủ kháng thể chống lại HIV. Các xét nghiệm được thực hiện trong thời kỳ này sẽ cho kết quả âm tính. Thời gian này chỉ kéo dài trung bình từ 6 đến 16 tuần).
 
Do bạn đã không được điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con nên chưa thể chắc chắn được con bạn có nhiễm HIV hay không. Vì thế, theo tôi, cách tốt nhất bây giờ là bạn nên đưa cháu đi xét nghiệm HIV để cháu được chăm sóc y tế tốt nhất.
 
Chúc cả gia đình bạn mạnh khỏe, lạc quan và hi vọng là cháu sẽ không bị nhiễm HIV. 

NHK - Nữ 40 tuổi: Tôi có đọc được 1 tài liệu nói rằng có trường hợp người mẹ lây truyền HIV sang con từ khi mới mang thai được 8 tuần tuổi. Xin hỏi bác sĩ Lâm: nếu người mẹ được dự phòng bằng thuốc kháng virus HIV (ARV) từ lúc thai được 14 tuần tuổi như bác sĩ nói ở trên thì liệu có bị chậm trễ quá không?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào bạn, theo phác đồ của Bộ Y tế thì việc điều trị dự phòng bằng thuốc ARV để ngăn ngừa lây truyền từ mẹ sang con bắt đầu từ khi thai được 14 tuần tuổi. Bạn có thể tham khảo thêm thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để có được thông tin chính xác nhất.

NPL - @yahoo.com - Nữ 30 tuổi: Khi mang thai được 37 tuần tôi biết mình dương tính với HIV, tôi đã uống thuốc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con được 3 tuần thì sinh cháu. Ngay sau khi sinh, cháu được uống thuốc dự phòng trong vòng 21 ngày và tôi có đưa cháu đi khám đều tại phòng khám ngoại trú ở BV Nhi TW. Khi được 3 tháng, cháu được làm xét nghiệm và kết quả là âm tính. Vậy xin hỏi bác sĩ có chắc chắn là cháu âm tính không? Đến bao giờ thì làm lại xét nghiệm? Tôi xin cám ơn!

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Chào chị, điều quan trọng là mẹ con chị đều đã được uống thuốc kháng virus HIV (ARV) dự phòng lây truyền mẹ con và lúc 3 tháng tuổi con chị đã có kết quả xét nghiệm âm tính. Theo chị chia sẻ, tôi chưa biết rõ đó là xét nghiệm gì vì vậy để khẳng định được chắc chắn cháu bé không bị nhiễm HIV thì khi cháu được 18 tháng tuổi chị nên cho cháu đến phòng khám ngoại trú Bệnh viện Nhi TƯ để làm xét nghiệm lại.

Chúc hai mẹ con mạnh khỏe!

NHK - Nữ 40 tuổi: Xin chuyên gia giải thích rõ khái niệm dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ? Ý nghĩa của việc dự phòng sớm lây nhiễm HIV cho phụ nữ?

PGS. TS. Bùi Đức Dương: Khái niệm dự phòng sớm lây nhiễm HIV được chia làm hai giai đoạn. Khi phụ nữ chưa nhiễm HIV, thì cần cung cấp các kiến thức để tự bảo vệ bản thân. Khi thực hiện các hành vi không an toàn có khả năng nhiễm HIV như quan hệ tình dục không an toàn, thì cần được xét nghiệm HIV sớm để tình trạng HIV và có biện pháp bảo vệ mình, bảo vệ bạn tình và được điều trị sớm tránh lây nhiễm cho bạn tình và cho con.

HĐT - Nữ 40 tuổi: Xin hỏi những địa chỉ nào có thể đến để nhờ tư vấn cụ thể về các biện pháp cũng như kiến thức về HIV/AIDS? Cảm ơn bác sĩ.

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Bạn hãy đến Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, hoặc phòng tư vấn xét nghiệm HIV tự nguyện của địa phương để được giúp đỡ.

DTN - Nữ 27 tuổi: Trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV, khi cháu được 3 tháng tuổi thì kết quả xét nghiệm HIV là âm tính, xin hỏi chuyên gia tỉ lệ nhiễm HIV khi cháu được sau 18 tháng tuổi là bao nhiêu phần trăm?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Tôi xin trả lời bạn như sau: Nếu trẻ không bú mẹ từ khi sinh ra, và xét nghiệm bạn đã làm là xét nghiệm tìm kháng thể HIV (xét nghiệm ELISA) thì khả năng cháu sẽ không bị nhiễm HIV. Còn nếu trước khi xét nghiệm 6 tuần, cháu bé có bú mẹ mà mẹ không đang dùng thuốc kháng virus HIV (ARV) thì cháu nên làm xét nghiệm ELISA lại sau khi dừng bú ít nhất là 6 tuần.

Chúc cháu và mẹ cháu khỏe mạnh.

NTH - @yahoo.com - Nữ 25 tuổi: Cháu chào bác sỹ! cháu đang được điều trị ARV phác đồ 1c được 2,5 năm rồi, hiện nay cháu đang mang thai được 6 tháng, em bé phát triển tốt. Bác sỹ cho cháu hỏi là khi cháu sinh, muốn giữ bí mật cháu bị H không cho chồng biết có được ko ạ? Và khi em bé sinh ra sẽ được dự phòng như thế nào? Cháu cám ơn.

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Nên cho chồng biết về tình trạng nhiễm HIV của mình để được sự chia sẻ và chăm sóc của chồng trong thời gian sinh đẻ và phối hợp nuôi dưỡng con.
 
Cháu đã được điều trị ARV trong thời gian 2,5 năm là điều kiện tốt để phục hồi sức khỏe. Khi con của cháu được sinh ra sẽ được điều trị dự phòng trong thời gian 4 tuần bằng thuốc kháng HIV theo quy định.
 
Trên thực tế những trường hợp mẹ và con được điều trị bằng thuốc kháng HIV, khả năng lây truyền HIV từ mẹ là rất thấp, tỷ lệ này có thể dưới từ 2-5%.

TL - Nữ 30 tuổi: Tôi được biết, phụ nữ mang thai bị nhiễm HIV đa phần là lây nhiễm từ chồng. Vậy các tổ chức xã hội, các ban, ngành có kế hoạch tuyên truyền như thế nào để những người đàn ông ý thức được trách nhiệm của mình trong cách phòng tránh chưa?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Vấn đề này đã được quy định trong luật phòng chống HIV/AIDS nói riêng và cộng đồng nói chung về trách nhiệm của mình trong công tác phòng, chống HIV/AIDS. Vì vậy các tổ chức xã hội, các ban, ngành đoàn thể có trách nhiệm truyền thông để thay đổi hành vi của những người đàn ông nói riêng và cộng đồng nói chung về dự phòng lây nhiễm HIV.

NTH - Nữ 58 tuổi: Con trai tôi nghiện hút đã từ lâu, hiện nay trên người cháu mọc lên những nốt mụn liti. Xin bác sĩ cho biết đó có phải là dấu hiệu của căn bệnh HIV/AIDS. Gia đình tôi ở Hoà Bình, mong bác sĩ mách giúp tôi địa chỉ xét nghiệm gần nhất?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương: Trước hết mong bạn hãy bình tĩnh vì đó không phải là cơ sở để khẳng định con của bạn đã bị nhiễm HIV, vì vậy bạn hãy cho con đến cơ sở xét nghiệm HIV tự nguyện (hoặcTrung tâm Phòng, chống HIV/AIDS) tại địa phương để được giúp đỡ.

 
Để khẳng định bệnh nhân nhiễm HIV chỉ có một phương pháp duy nhất là xét nghiệm máu.
Nếu như bạn chưa thể cho con đi xét nghiệm HIV được. Để khẳng định là bệnh nhân AIDS thì phải có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng chính và 1 trong 5 triệu chứng phụ sau đây:
 
3 triệu chứng chính:
- Sút cân trên 10% trọng lượng cơ thể chưa rõ nguyên nhân;
- Sốt cao kéo dài trên 1 tháng chưa rõ nguyên nhân;
- Tiêu chảy kéo dài trên 1 tháng chưa rõ nguyên nhân.
 
5 triệu chứng phụ:
- Ho kéo dài trên 1 tháng chưa rõ nguyên nhân;
- Ban sẩn ngứa, nổi mẩn toàn thân;
- Nấm Candida Anbican ở vùng hầu họng;
- Mụn rộp, giời leo tái phát nhiều lần;
- Hạch to rải rác toàn thân.

MT - Nam 30 tuổi: Vợ tôi bị nhiễm HIV do tôi, hiện cô ấy đang mang thai, chúng tôi muốn giữ cái thai ấy và hy vọng đứa con của chúng tôi sinh ra sẽ không bị nhiễm HIV như tôi. Là người chồng, tôi rất muốn chia sẻ, chăm sóc vợ tôi trong lúc bụng mang dạ chửa, nhưng tôi chưa biết phải làm những gì để chia sẽ gánh nặng cùng cô ây. Xin bác sĩ tư vấn giúp tôi?

Ths. Bs. Mai Xuân Phương và Ths. Bs Cao Kim Thoa: Trước hết tôi rất trân trọng những suy nghĩ của bạn. Điều quan trọng là bạn hãy mạnh dạn nhận lỗi với vợ và chuộc lỗi bằng sự thể hiện quan tâm, động viên, chia sẻ giúp đỡ để được sự thông cảm và lượng thứ từ vợ.

Cả 2 vợ chồng nên cùng đến cơ sở điều trị HIV/AIDS để được tư vấn, giúp đỡ và được điều trị kịp thời nhằm giảm nguy cơ lây truyền HIV sang con
Hiện nay tại 63 tỉnh thành trên cả nước đều có các cơ sở cung cấp dịch vụ lây truyền HIV từ mẹ sang con miễn phí và rất hiệu quả. Nếu vợ bạn được can thiệp kịp thời thì hy vọng đứa con của bạn khi sinh ra sẽ không bị lây nhiễm HIV.

TH - @gmail.com - Nữ 25 tuổi: Nghề bác sĩ là niềm ao ước của biết bao người, nhưng thực chất công việc này rất vất vả và nhiều áp lực. Bác sĩ khi đến bệnh viện sẽ phải tiếp xúc với mùi thuốc men, bệnh tật phải đi nhẹ, nói khẽ... khác hẳn với một số lĩnh vực nhộn nhịp khác. Vậy nếu như được phép lựa chọn lại từ đầu, bác sĩ thay đổi ngành nghề của mình?

Ths. Bs Nguyễn Văn Lâm: Cảm ơn câu hỏi rất thú vị của bạn.

 
Nếu phải lựa chọn lại từ đầu thì tôi sẽ vẫn lựa chọn nghề bác sỹ vì tuy vất vả và nhiều áp lực nhưng mỗi khi mang đến niềm hạnh phúc cho mỗi gia đình thì chúng tôi lại quên đi mọi mệt mỏi, khó khăn đó để thêm yêu công việc của mình. Cảm ơn sự chia sẻ của bạn một lần nữa!

Theo báo cáo của Liên Hiệp Quốc, xu hướng mới nhiễm HIV trên toàn cầu có giảm trong những năm gần đây, tuy nhiên ở một số vùng trên thế giới HIV vẫn có xu hướng gia tăng. Hiểu biết của người dân về HIV còn hạn chế.
 
Theo các điều tra gần đây nhất ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, chỉ có 24% phụ nữ trẻ và nam giới trẻ trả lời chính xác 5 câu hỏi về các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV và phản đối những quan niệm sai lầm về lây nhiễm HIV. Nhận thức và kiến thức về HIV thấp sẽ tiếp tục là những thách thức toàn cầu trong những năm tới trong việc kiểm soát sự lây nhiễm HIV.
 
Phụ nữ mang thai vốn được coi là nhóm ít có nguy cơ bị lây nhiễm HIV, trong những năm gần đây vẫn luôn giữ ở tỷ lệ nhiễm HIV 0,2%. Do vậy kiểm soát sự lây nhiễm HIV trong cộng đồng tiếp tục là một trong những mục tiêu ưu tiên của Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2020 và tầm nhìn 2030.

Trong đó, loại trừ lây truyền HIV từ mẹ sang con là một trong những mục tiêu được đặc biệt chú trọng. Chiến lược quốc gia phòng, chống HIV/AIDS đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ nhiễm HIV từ mẹ sang con xuống 5% vào năm 2015 và 2% vào năm 2020.

Để góp phần đạt được những mục tiêu đó, báo điện tử Giadinh.net.vn, báo Gia đình và Xã hội tổ chức chương trình giao lưu trực tuyến "Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con".

Chương trình giao lưu trực tuyến: "Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con" dự kiến diễn ra trong một giờ ba mươi phút nhưng trên thực tế đã kéo dài sang 2 tiếng đồng hồ. Trong quá trình giao lưu chúng tôi đã nhận được rất nhiều câu hỏi và các khách mời đã cố gắng trả lời hết các câu hỏi của bạn đọc. Tuy nhiên, do thời lượng có hạn, những câu hỏi còn lại của bạn đọc chúng tôi xin hẹn trả lời trong lần giao lưu sau.
 
Xin chân thành cảm ơn các Quý bạn đọc!
 
Trân trọng!
 
BBT Báo điện tử Giadinh.net.vn

 

baoin
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Suýt liệt vĩnh viễn do sử dụng phương pháp dân gian trị đau cột sống

Y tế - 2 ngày trước

Bệnh nhân nữ 53 tuổi, thường trú tại Ba Đồn, Quảng Bình vào viện trong tình trạng yếu nặng 2 chân, nằm liệt giường, tiểu không tự chủ, loét bỏng 2 gan bàn chân.

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

2 bệnh viện phối hợp cứu người phụ nữ ngừng tuần hoàn do chửa ngoài tử cung vỡ

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH - Do lượng máu mất quá nhiều nên trong quá trình phẫu thuật, bệnh nhân xuất hiện 2 lần ngừng tuần hoàn.

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Bé 3 tuổi ngộ độc chì nặng, tiên lượng xấu do dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Y tế - 4 ngày trước

GĐXH – Theo các bác sĩ, chì là 1 loại kim loại nặng, rất độc gây ảnh hưởng đến tất cả cơ quan của con người, đặc biệt là đối với trẻ em.

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Bỗng dưng mờ mắt, phát hiện khối phình động mạch não "khổng lồ"

Y tế - 5 ngày trước

Sau khi lần lượt mờ 2 mắt, với thị lực gần như bằng 0, đi qua rất nhiều bệnh viện khám, nữ bệnh nhân ở Quảng Bình được xác định có khối phình động mạch não rất lớn.

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Bé 3 tuổi bị que xiên thịt đâm xuyên lưỡi

Y tế - 5 ngày trước

GĐXH - Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng chiếc que xiên thịt sắc nhọn đâm xuyên lưỡi.

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Nam sinh lớp 8 bị đánh chấn thương sọ não hiện ra sao trong thời gian điều trị tại BVĐK Phú Thọ

Y tế - 6 ngày trước

GĐXH - Về tình hình sức khỏe của nam sinh bị đánh chấn thương sọ não khi chơi bóng rổ, đại diện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ cho biết hiện tại, bệnh nhân vẫn hôn mê, thở hoàn toàn theo máy...

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Sau bữa cơm cá, người phụ nữ ho, khó thở suốt 1 năm

Y tế - 1 tuần trước

Xương cá rơi vào phế quản nhưng bà K.A không hề hay biết. Bị ho, khó thở kéo dài, bệnh nhân điều trị suốt 1 năm không đỡ.

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4 tại Hà Nội đã diễn ra Hội thảo báo cáo về kết quả khảo sát tính khả thi việc triển khai chương trình đào tạo nhân lực phục hồi chức năng tại Việt Nam do JICA phối hợp với Hội Vật lý Trị liệu Việt Nam tổ chức.

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Bộ Y tế: Hàng trăm cán bộ ngành Y hiến máu cứu người hưởng ứng ‘Lễ hội Xuân hồng’ năm 2024

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH – Hàng trăm đơn vị máu đã được tiếp nhận trong Chương trình hiến máu tình nguyện hưởng ứng “Lễ hội Xuân hội’ năm 2024 tại Bộ Y tế.

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Hà Nội phát động tháng An toàn vệ sinh lao động, gần 200 công nhân được khám sức khỏe miễn phí

Y tế - 1 tuần trước

GĐXH - Ngày 19/4, UBND TP Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động và Tháng Công nhân năm 2024.

Top