Tại sao hành tinh này lại lớn như vậy và làm thế nào hành tinh khổng lồ đó có mặt ở vị trí xa ngôi sao của nó là một bí ẩn. Các nhà nghiên cứu dự kiến công bố phát hiện về hành tinh này trên tạp chí Astronomy & Astrophysics, theo Phys.org.
Hành tinh được đề cập là YSES 2b, cách trái đất 360 năm ánh sáng theo hướng phía nam của chòm sao Thương Dăng (Musca). Hành tinh thể khí này nặng gấp 6 lần sao Mộc - hành tinh lớn nhất trong hệ mặt trời.
Hành tinh YSES 2b quay quanh quỹ đạo xa ngôi sao của nó hơn 110 lần so với khoảng cách giữa trái đất so với mặt trời (hoặc 20 lần khoảng cách giữa mặt trời và sao Mộc).
Ngôi sao đi cùng hành tinh khí khổng lồ vừa mới phát hiện chỉ 14 triệu năm tuổi và giống như thời trẻ của mặt trời trong dải ngân hà.
Khoảng cách xa xôi từ hành tinh YSES 2b đến ngôi sao của nó là vấn đề khiến các nhà thiên văn học đau đầu tìm lời giải bởi dường như sự tồn tại này không phù hợp với 2 mô hình nổi tiếng nhất về sự hình thành các hành tinh khí lớn.
Nếu hành tinh khổng lồ vừa phát hiện phát triển ở vị trí hiện tại xa ngôi sao bằng phương pháp bồi tụ lõi, nó sẽ quá nặng vì không có đủ vật liệu để tạo nên một hành tinh khổng lồ ở khoảng cách lớn như vậy so với ngôi sao.
Nếu hành tinh YSES 2b được tạo ra từ tính chất không ổn định hấp dẫn trong đĩa hành tinh, thì hành tinh này dường như không đủ nặng.
Khả năng thứ ba là hành tinh được hình thành gần với ngôi sao do bồi tụ lõi và sau đó di chuyển ra bên ngoài. Tuy nhiên, một cuộc di cư như vậy đòi hỏi ảnh hưởng hấp dẫn của một hành tinh thứ hai nhưng các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm thấy hành tinh như vậy.
Các nhà thiên văn học sẽ tiếp tục điều tra môi trường xung quanh của hành tinh bất thường này cùng ngôi sao của nó trong tương lai gần và hy vọng sẽ tìm hiểu thêm về hệ thống. Các nhà nghiên cứu cũng đồng thời tiếp tục tìm kiếm thêm các hành tinh khí khác xung quanh những ngôi sao trẻ, giống mặt trời.
Những kính thiên văn hiện nay trên trái đất vẫn chưa đủ lớn để có được hình ảnh trực tiếp về các hành tinh giống trái đất quay xung quanh những ngôi sao giống mặt trời.
"Bằng cách điều tra thêm những ngoại hành tinh giống sao Mộc trong tương lai gần, chúng ta sẽ tìm hiểu thêm về quá trình hình thành của các khối khí khổng lồ xung quanh những ngôi sao giống như mặt trời" - Trưởng nhóm nghiên cứu Alexander Bohn, Đại học Leiden (Hà Lan) cho biết.
Hành tinh YSES 2b được phát hiện qua Khảo sát ngoại hành tinh những mặt trời trẻ (YSES). Cuộc khảo sát cung cấp hình ảnh trực tiếp đầu tiên về một hệ thống đa hành tinh xung quanh một ngôi sao giống mặt trời trong năm 2020. Các nhà nghiên cứu đã quan sát trong năm 2018 và 2020 qua Kính thiên văn rất lớn (VLT) của Tổ chức Nghiên cứu thiên văn Châu Âu tại Nam Bán cầu (ESO) ở Chile. Các nhà nghiên cứu đã sử dụng công cụ SPHERE của kính thiên văn cho hoạt động này. Công cụ này do Hà Lan đồng phát triển và có thể thu ánh sáng trực tiếp và gián tiếp từ các hành tinh ngoài hệ mặt trời.
Theo Ngôi sao