Cứ vào độ đầu thu đến cuối đông là lúc những loài chim di cư bay về trên những cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ kiếm ăn. Nào cò, nào diệc, mỏ giác... Và đó là lúc người dân kéo nhau đi "hóa kiếp" những loại chim trời này bằng "công nghệ" mồi thuốc độc.
Nghề "chim trời cá nước"
"Bẫy cò, bẫy diệc,... cũng là một cái nghề lắm công phu đó chú ạ", nói đến đây, ông Nguyễn Phước Bảo Lập, một lão nông vùng đầm phá Tam Giang, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, người được mệnh danh là "vua cò" rít một hơi thuốc dài, chậm rãi tiếp chuyện.
Ngày xưa, cứ khi ông nhìn về phía biển mây đen dồn lên nghìn nghịt và lúc người vợ già chuẩn bị giặt giũ áo ấm mùa đông, ông chuẩn bị mồi, xua mấy con cò nhử - loại chim được nuôi, huấn luyện kỹ lưỡng dùng để bẫy cò, cho vào lồng vỗ béo, sửa soạn chu tất vài chục cái bẫy sắt để bắt đầu một mùa làm việc mới.
Mỗi sáng tinh mơ, trên những cánh đồng "cò bay thẳng cánh", ông thiết kế những ụ đất nổi trên mặt nước, đặt chú cò nhử đứng bắt ruồi, gắp cá,... xung quanh đặt bẫy rồi cắt cỏ xanh non đặt trên mặt bẫy để ngụy trang, việc còn lại của ông trong ngày là ngồi đợi... cò về.
|
Đàn cò kiếm ăn đậu trắng cánh đồng. |
Đàn cò bay về thấy có bạn đang "kiếm ăn" trên đồng, sà xuống thì dính bẫy. Dần dà, việc bắt cò bằng bẫy trở nên khó khăn hơn khi cò hằng năm ít đến đây cư trú, lão khăn gói ra phố mua nhựa dẻo, tấm dính để bắt cò.
Cò sà xuống đồng dính nhựa không vỗ được cánh bay, việc còn lại của ông chỉ là đi gỡ nhựa lấy cò cho vào lồng, sửa sang nhựa dính và tiếp tục chờ "mẻ" mới. "Thời đó, mỗi ngày tui bẫy đến vài chục con là chuyện thường, khi mô hèn lắm cũng kiếm hơn chục con" - ông kể.
Rồi, thấy nghề bắt cò dễ, nhiều người "vô công rỗi nghề" như ông cũng bắt chước làm theo, không nuôi được cò mồi, họ đẽo cò gỗ, bôi sơn trắng toát một màu để ra đồng giăng bẫy. "Kinh nghiệm đầy mình như tui mà cũng chịu bó tay với nghề, người ta đua nhau đi bắt, cò sợ nên cũng ít về đi".
Cách đây hơn 20 năm, ông Lập giải nghệ để nhường cho "những sát thủ" trẻ. Rồi lớp trẻ kế bước ông cũng không sống được với nghề bẫy cò, bẫy diệc,... khi cái nghề mùa vụ này càng lúc càng hèn mọn!
Tại những vùng quê ở huyện Quảng Điền, Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế, đâu đó vẫn còn những "làng nghề" chuyên bẫy cò, họ vẫn còn gắn bó với cách bẫy cò "truyền thống". Ở vùng đồng của làng Dạ Lê, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy, có nghề bẫy chim truyền thống bằng chim giả, chim mô hình được đẽo bằng gỗ và dùng với cái bẫy kẹp nhựa.
Trong số đó, có gia đình ông Nguyễn Văn Xiển đã 4 đời chuyên bẫy chim như vậy. Cứ thế, vào mùa, ông gánh cả gánh chim gỗ ra đặt trên các khoảng đồng khác nhau. Ngày nhiều nhất, ông cũng được 4-5 con. Hiện nay, một con chim chỉ bán được với giá "bèo bọt" từ 7.000 - 10.000 đồng, ngày bắt được 2 - 3 con nhưng lúc có, lúc không.
"Công nghệ" diệt cò
Kiểu bẫy chim "truyền thống" như gia đình ông Xiển hiện nay là hiếm thấy, bởi, người bẫy cò đã chuyển sang bẫy cò bằng "công nghệ" - họ dùng thức ăn tẩm thuốc độc để diệt cò.
Ông Lê Văn Ba, sống ở làng Chánh Đông, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy kể: "Bẫy chim bằng thuốc vừa nhanh, vừa khỏe mà còn bẫy được nhiều. Tui chuyển sang bẫy chim bằng thuốc tới mùa lụt ni là đã mùa thứ 3 rồi. Khỏe hơn ngày trước gánh chim gỗ nhiều".
Thuốc như ông Lê Văn Ba nói là một loại bột màu trăng trắng, trộn với ít thuốc diệt chuột Trung Quốc mà những người bán dạo ở các tỉnh phía Bắc hay mang vào Huế bán. Bột trăng trắng ấy cũng mua từ những người bán dạo đó.
Không rõ đó là thuốc gì mà chỉ thấy có mùi như mùi bột sắn cháy. Từ hai loại đó, người ta tẩm vào các loại cá đồng nhỏ. Để thuốc ngấm qua một đêm, mang mồi đặt trên các cọc được đóng trên đồng. Chim cò, diệc, mỏ giác, vịt nước... thấy thức ăn liền ăn và "dính chưởng".
"Không chỉ có vùng Hương Thủy và các xã ở Phú Vang không thôi đâu. Người ở mấy xã dưới Phú Lộc cũng mua thuốc ni để bẫy đó. Hiện nay, người ta dùng phổ biến lắm" - ông Lê Văn Ba, cho biết thêm.
Tùy chim to nhỏ, tùy sức vóc mà thuốc tác dụng nhanh lâu. Có con vừa xơi mồi xong liền ngã lăn quay tại chỗ. Có chú ăn xong dáng vẻ lừ đừ, gật gật, năm phút sau cất cánh bay lên khoảng 2 mét thì cụp cánh bổ nhào "chết lâm sàng", nổi lềnh bềnh trên mặt nước.
Những "tay săn" chim bằng thuốc, cứ buổi sáng đi đặt mồi thì buổi trưa hoặc đầu buổi chiều đi thu "chiến lợi phẩm". Một ngày bẫy chim bằng mồi tẩm thuốc độc như vậy cũng có thể thu được từ 50 - 100 con đủ loại. Những chú chim chết, họ nhanh tay vặt lông chim ngay tại chỗ.
Còn những chú bị ngấm thuốc thì đem làm cảnh ở chỗ bán thịt chim. Anh Nguyễn Văn Lương, ở thôn Lợi Nông, xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy kể về bí quyết để cò thuốc độc qua mắt "thượng đế"của mình: "Những con chết phải mau chóng nhổ, mổ, rửa cho thịt khỏi bị thâm đen, bầm dập. Còn những con phải mang ra chợ để hắn "nhảy múa" thì người mua mới tin. Hơn nữa, nhiều người muốn tự tay làm nên họ mua chim còn sống thôi".
Và "cò thuốc" đi chợ…
|
"Sản phẩm" chim, cò bẫy thuốc. |
Trên dọc tuyến quốc lộ 1A, có rất nhiều điểm người dân mang thịt chim, cò che dù đợi khách. Qua đồng Thanh Lam, xã Thủy Phương, huyện Hương Thủy; Cò, chim "dính thuốc" chết đầy lồng, được người bán trưng ra vệ đường nhổ lông làm thịt, những con còn sống thì để "nhảy múa" để chứng minh là "chim sạch".
Đang đi trên quốc lộ, 2 thanh niên tạt vào kiếm mồi cò về nhà tìm bạn nhâm nhi, họ lật lên lật xuống mớ cò đã nhổ lông đặt nằm trên chiếc rổ có vẻ không ưng ý lắm. Lập tức, người bán nhanh tay túm lấy những con cò còn sống để thuyết trình.
"Chim này á, nấu măng ngon khỏi phải nói. Chà, mà thanh niên thế ăn chim xáo măng chi cho phí, nướng lên kéo mấy chai bia thì phải biết". Ngẫm một lúc, hai thanh niên xiêu ý, xách đi chú diệc đã vặt sạch lông, mình mẩy bầm tím với giá 75.000 đồng. Những thực khách đâu biết rằng, họ đã mua phải chim đã bị ngấm thuốc. Không chỉ bán ở dọc đường, chim, cò còn được đem về các chợ mai, chợ hôm để bán.
Chợ Thủy Dương, chợ Thần Phù, chợ Hôm, chợ Mai... ở huyện Hương Thủy, mùa này, không buổi chợ nào là không có chim được bày bán. Đến chợ Thần Phù ở xã Thủy Châu, huyện Hương Thủy, lùng mua một con mỏ giác về làm mồi nhậu.
Bà Hà, một người bán thịt chim mỏ giác và vịt nước ở chợ Thần Phù sống ở thôn Trung Chánh, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, lấy từ chiếc giỏ nhựa ra một con chim làm sẵn. Tôi hỏi có chim sống thì mua, làm thịt xong rồi ăn sợ độc.
Nghe đến đây, bà Hà giải thích: "Chim ni chỉ được bẫy bằng thuốc mê thôi. Ăn không có chi phải sợ. Mà chú thấy đó, có ai có chuyện chi mô?". Người bán cố sức thuyết phục còn khi mua chim dính độc về ăn vào xảy ra chuyện gì thì có trời mới biết!
Cò, triết, diệc... được bắt bằng thuốc không chỉ được đem ra chợ, mà còn trở thành món mồi khoái khẩu. Tại các nhà hàng, quán bia vùng ven phá Tam Giang, mồi cò, mồi chim không có trong menu mồi nhắm, nhưng chỉ cần đánh tiếng là có ngay một đĩa thịt cò rán giòn béo ngậy, hay một nồi thịt triết nấu măng thơm phức, khách uống rượu bia quên cả đường về...
Hiện nay, trên những cánh đồng, vùng đầm ngập nước trong tỉnh là nơi lý tưởng cho các loại chim trời di cư về trú ẩn, kiếm mồi. Mỗi chiều thấy cò líu ríu gọi bầy trên những ngọn tre là người dân đêm đó chuẩn bị thuốc, mồi đi "hoá kiếp". Chẳng bao lâu nữa những bóng chim cò, diệc, mỏ giác, đâm đấm... trên các cánh đồng ngập nước tại Thừa Thiên Huế vào mùa nước ngập trắng đồng sẽ chỉ còn trong ký ức.
Đăng Khoa