Bóng dáng mẹ và làn khói lam chiều
GiadinhNet - Chiều muộn, tôi đi thật chậm trên đường làng. Những con ngõ nhỏ quanh co và rợp bóng tre xanh. Mùi cơm mới thơm quá. Làn khói lam chiều ôm những mái bếp, vờn quanh những ngọn tre. Một cậu bé đứng đầu ngõ ngóng mẹ. Mái bếp nhà cậu giờ này vẫn chưa thấy khói lam chiều. Có lẽ mẹ cậu đang cấy nốt nắm mạ cuối cùng nên về muộn...
Minh họa: Vi Anh
Ngày xưa ở tầm tuổi cậu bé, chiều chiều tôi cũng ra đầu ngõ ngóng mẹ. Mẹ về, đưa cho tôi một xâu cua đồng. Tôi rửa sạch cua, bóc mai cua rồi bỏ thịt cua vào cối đá giã nhỏ để mẹ nấu canh cua giã bông. Canh cua giã bông tuyệt vời lắm, dậy mùi thơm đặc trưng, chỉ ngửi thôi đã thèm ăn lắm rồi. Nồi canh cua sẽ trở thành món đặc sản nếu nấu với giá bông.
Những chiều cuối hạ đồng bông quê tôi đẹp lắm, trắng bát ngát. "Trên trời mây trắng như bông/ Ở dưới cánh đồng bông trắng như mây/ Mấy cô má đỏ hây hây/ Đội bông như thể đội mây về làng". Ngày xưa mẹ thường hát ru tôi bằng bài thơ đó. Nghề trồng bông chiều nào cũng phải hái và phải hái hết bông trong buổi chiều. Nếu để qua đêm sương xuống làm ướt bông không thể kéo sợi để dệt vải. Tôi đeo một túi vải to đi hái bông. Khi tôi về đến nhà đã thấy mái bếp nhà tôi xanh khói lam và bóng mẹ ngồi bên bếp lửa. Bông tôi hái về mẹ nhặt lấy bông để dệt vải, còn hạt bông thì mẹ phơi thật khố, cho vào hũ để thỉnh thoảng ủ giá. Canh cua phải có giá bông, cũng như thịt cò phải có lá mại, các món lươn phải có hành tăm. Đó là phát minh của những người mẹ trong chuyện bếp núc.
Bữa cơm chiều là linh hồn của mọi gia đình và người mẹ là linh hồn của bữa cơm ấy. Không có bóng dáng người mẹ sẽ không có bữa cơm chiều của gia đình. Ta có thể ngồi ở các nhà hàng, các quán cơm, nhưng đó không phải là bữa cơm chiều của gia đình, vì không có bóng dáng người mẹ. Những đứa con quây quần bên mâm cơm chiều đó là hình ảnh hạnh phúc. Thiếu các con quây quần bên mâm cơm cũng không thành bữa cơm chiều. Bữa cơm chiều của mẹ Nguyễn Thị Thứ ở Quảng Nam không có các con. Trên mâm cơm có 9 cái bát không có người bưng và 9 đôi đũa không có ai cầm. 9 người con của mẹ đã hi sinh hết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Nhưng chiều nào mái bếp nhà mẹ Thứ cũng có khói lam chiều. Và bữa cơm chiều vẫn được dọn ra vẫn có bóng dáng người mẹ già và đàn con hiện về trong tâm tưởng.
Trong văn hóa nhân loại đã có một tượng đài người mẹ đầy xúc động. Chim đại bàng bắt mất đứa con trai của một người mẹ Hy Lạp. Mẹ cứ ngửa mặt lên trời chạy theo con chim để đòi con. Chân mẹ đạp qua gai góc, suối sâu, vực thẳm. Rồi mẹ kiệt sức gục xuống chết. Ít lâu sau ở chỗ người mẹ chết bỗng mọc lên một cái cây. Hoàng đế Hy Lạp ra lệnh xây dựng một tượng đài người mẹ bên cái cây đó. Những người xây dựng tượng đài hỏi Hoàng đế: "Tâu Hoàng đế! Tượng đài người mẹ cao bao nhiêu?". "Cái cây kia cao bao nhiêu thì tượng đài người mẹ cao bấy nhiêu". Và tượng đài được xây dựng nhưng không bao giờ hoàn thành, vì cái cây không ngừng cao lên và tượng đài phải đập đi để xây lại. Các tác phẩm văn học nghệ thuật có viết bao nhiêu thì cũng không xứng với tầm vóc người mẹ. Ở Việt Nam cũng có một tượng đài người mẹ rất hoành tráng, lấy mẹ Nguyễn Thị Thứ làm nguyên mẫu. Phía sau lưng mẹ là lớp lớp những đoàn quân. Tượng đài đã được hoàn thành, nhưng mọi người chiêm ngưỡng vẫn thấy chưa xứng tầm người mẹ Việt Nam.
*
Chiều về, khi mặt trời tắt những tia nắng cuối cùng, khi đàn gà về chuồng, khi trên trời những cánh chim mải mốt bay về tổ là tôi ra đầu ngõ ngóng mẹ về. Hình ảnh mẹ, lưng áo trắng xác mồ hôi chưa kịp ráo và bàn chân màu nâu đỏ những vết máu đỉa cắn đã ngấm vào tim óc tôi từ ngày còn thơ bé: "Bàn chân mẹ màu nâu/ Bùn ruộng cấy cắn vào da thịt/ Những con đỉa bắt suốt đời không hết/ Mẹ xuống đồng chân đỏ máu tươi/ Mùa cày đi tới, mùa cấy đi lui/ Mùa nhổ cỏ bước đi bước cúi/ Đồng quê ta bùn sâu tới gối/ Chân lội đồng dáng mẹ nghiêng nghiêng/ Cả đời con là một cuộc hành quân/ Khẩu súng trên vai không nghỉ/ Ba lô trên vai không nghỉ/ Hạt gạo chiêm mùa cũng ở trên vai/ Mẹ nuôi lớn con gái, con trai/ Giờ trên luống cày vẫn bàn chân mẹ/ Con đi khắp đầu trời cuối bể/ Mẹ một đời chưa hết lội đồng sâu".
Tôi hay viết về mẹ. Các nhà thơ, các nhạc sĩ cũng hay viết về mẹ và đó là những tác phẩm hay nhất. Mẹ là giá trị vĩ đại nhất trong những giá trị vĩ đại. Có mẹ là có tất cả. Không có mẹ là không có gì hết, vĩ nhân, anh hùng nghệ sĩ. Tiêu đề bài báo này có thể khiến nhiều bạn đọc thắc mắc: Bây giờ còn khói lam chiều nữa đâu mà viết? Thưa vâng. Nhưng đó là ở phố. Còn ở làng thì vẫn ấm khói lam chiều và vẫn còn bao đứa trẻ ra ngõ ngóng mẹ khi mặt trời tắt nắng. Làng tôi cũng có cửa hàng bán ga và cũng có cửa hàng bán nồi cơm điện. Và những người mẹ nâu sồng cũng đã học cách sử dụng những phương tiện hiện đại đó. Nhưng rồi họ nhận ra cơm nấu nồi điện không ngon bằng nấu lửa rơm, kho cá bằng bếp ga không ngon bằng kho trong nồi đất và đun bằng củi. Cả làng Đại Hoàng kho cá bán cho thiên hạ. Nồi cá kho Đại Hoàng trở thành đặc sản. Nhưng họ không kho cá bằng bếp ga mà kho bằng củi nhãn. Nhận ra bếp ga và nồi điện không cho món ăn ngon bằng lửa rơm và than củi, những người mẹ làng tôi lại trở về với củi và rơm. Đường làng tôi đã bê tông hóa. Nhà cửa bê tông hóa. Mồ mả ông bà cũng bê tông hóa. Nhưng vẫn còn tiếng cá quẫy dưới ao làng, những cánh cò trắng chao nghiêng trên thảm lúa và những đứa trẻ chiều chiều ra ngõ ngóng mẹ về. Và làn khói lam chiều vẫn ủ ấm mái bếp. Đó là những giá trị vĩnh hằng.
*
Chúng ta có nhiều lối để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi chốn để về, ấy là gia đình. Năm hết Tết đến, các con cháu tôi lại lục tục kéo về. Vợ tôi nấu cơm cho chúng ăn bằng lửa rơm. Con dâu tôi quạt chả bằng than củi. Bếp ga không quạt được chả. Các cháu tôi ăn bữa cơm chiều của bà nội thấy ngon quá. Chúng hỏi tôi: "Sao cơm ở Hà Nội không ngon bằng cơm ở làng mình?". Tôi trả lời chúng rằng, vì ở Hà Nội không có khói lam chiều. Từ làn khói lam chiều biêng biếc đã ra đi lớp lớp những chàng trai, chiến đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc và làm nên những chiến công đẹp như huyền thoại. Thuở nhỏ tôi hay ra ngõ ngóng mẹ về. Rồi sau khi tôi ra trận, mẹ lại từng ngày mong ngóng tôi. Sau chiến thắng tôi về phép. Gần 3h sáng tôi mới về đến nhà. Và người đứng ở sân đón tôi là mẹ. "Sao mẹ không ngủ?". "Mẹ ngủ rồi chứ. Nhưng nghe tiếng bước chân con, mẹ lại vùng dậy". Hóa ra mẹ ngóng tiếng bước chân tôi cả trong giấc ngủ. Tôi có những cái để nhớ nhất thời, một dự án đang chờ duyệt, một chức tước đang chờ ký, một người đẹp đang hẹn hò, nhưng tôi chỉ có một hình ảnh để nhớ mãi mãi, ấy là mẹ. Mẹ là nguồn cội, là người suốt đời ta biết ơn.
Chúng ta đang đứng trước những xô đẩy khắc nghiệt của cuộc sống hiện đại. Từ lâu chúng ta đã phải làm quen với GDP, tốc độ tăng trưởng và chỉ số giá cả. Những áp lực nhiều phía đang thử thách sức sống văn hóa của dân tộc mình, bản sắc văn hóa Việt Nam. Và như một thói quen lịch sử, chúng ta lại nghĩ đến mẹ, nghĩ đến làng quê ta. Đó là gốc gác, là cội nguồn của mỗi người Việt Nam. Và về làng, ta lại ngửi thấy mùi thơm cơm mới, thấy ngọn khói lam chiều trên mái bếp. Đó là ngọn lửa do tổ tiên ta truyền lại, được vùi trong tro, trong trấu nhà ta, giữ qua đời này đời khác. Trong ngôi nhà người Mường, bếp lửa nhà sàn không bao giờ tắt. Bếp lửa cháy không nghỉ là hình ảnh của ấm no hạnh phúc. Vào nhà sàn của người Mường, hình ảnh ta trông thấy đầu tiên là bếp lửa đang cháy và hình bóng người mẹ. Nhìn kĩ và nghĩ kĩ, ta nhận ra hồn cốt của cha ông và sức mạnh của dân tộc qua làn khói lam chiều. Nước Việt Nam có tuổi thọ là mấy ngàn năm thì làn khói lam chiều cũng có tuổi thọ là ngần ấy ngàn năm. Mẹ ta, làn khói bếp nhà ta có sức sống của lịch sử dân tộc.
*
Ở một nơi không có làn khói lam chiều, cháu nội tôi chiều chiều vẫn ngóng mẹ về. Đang ngồi học đàn piano, nó bỗng đứng bật dậy và reo lên: "A! Mẹ về!". Phải vài phút nữa mẹ nó mới xuất hiện, nhưng nó nhận ra tiếng xe máy của mẹ nó. Tôi hỏi nó: "Bố cháu cũng đi làm và chiều mới về, sao cháu chỉ ngóng mẹ?". "Cháu không biết. Nhưng buổi chiều cháu chỉ ngóng mỗi mẹ thôi". Con dâu tôi về thay quần áo xong là vào bếp ngay. Cháu gái tôi đứng quẩn quanh bên bếp xem mẹ làm món rau muống xào tỏi, món thịt ba chỉ rang cháy cạnh, món canh cá đồng nấu khế chua. Chiều nay cả nhà ăn món gì, chồng uống rượu với món gì? Con dâu tôi đã lập trình sẵn từ khi bước chân vào siêu thị. Bữa cơm chiều được dọn ra. Con dâu tôi ngồi đầu nồi, xới cơm cho cả nhà. Cháu gái tôi nhận xét: "Cơm mẹ nấu cũng ngon nhưng không bằng cơm bà nội nấu ở làng".
Mỗi người dù sinh ra ở đâu thì cũng có một làng quê để về. Đó là nơi có ông bà, tổ tiên, có làn khói lam chiều ôm ấp những mái bếp. Người mẹ ngồi đầu nồi cơm là hình ảnh văn hóa lịch sử. Từ ngày xửa ngày xưa, người mẹ đã ngồi như thế và bây giờ vẫn ngồi vị trí ấy. Một số nước có thể không có văn hóa cơm chiều nhưng Việt Nam thì có. Đó là văn hóa của cư dân trồng lúa nước. Văn hóa này làm nên gia đình Việt. Văn hóa là vẻ đẹp, là sự tỏa sáng của con người. Nhưng văn hóa vẫn phải có sức đề kháng, sức tự vệ cái mà giờ đây chúng ta hay nói là phải giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Như mọi thực thể sống, văn hóa gia đình luôn mang một thứ gien di truyền không dễ bị phá vỡ. Nhưng cuộc sống hiện đại đang thách thức các bữa cơm chiều, con bận đi học thêm, bố bận tiếp khách ở công ty, thế là bữa cơm chiều trở nên xộc xệch. Có một nhà xã hội học nói rằng: "Muốn giữ gia đình thì phải giữ cho được bữa cơm chiều. Mất bữa cơm chiều là mất gia đình". Gia đình là tế bào cơ bản của xã hội, tế bào tan vỡ là xã hội bị ung thư. Cứu cánh của gia đình là văn hóa gia đình, nó là cái phao tuyệt vời để giữ biết bao bể dâu dân tộc ta đã không bị dìm ngập. Nó là hồn cốt Việt Nam. Mất nó là mất hết và dân tộc sẽ lâm vào cảnh bị diệt chủng về tinh thần.
*
Bữa cơm chiều ngày áp Tết Canh Tý, gia đình tôi hội đủ 11 người, 3 anh con trai, 2 cô con dâu, 4 đứa cháu nội và vợ chồng tôi. Nhà tôi lên một thực đơn cho các cư dân đô thị vốn đã ngán các loại thịt. Thực đơn gồm cà pháo muối nén chấm mắm tôm, rau lang luộc chấm nước mắm cáy, cá quả kho nồi đất với vài lát riềng tươi và một ít lá chè xanh lót dưới đáy nồi. Ba thế hệ quây quần bên mâm cơm, ăn háo hức và nức nở khen ngon. Không hình ảnh nào hạnh phúc hơn thế. Bữa cơm chiều của nhà tôi nếu ông bà tổ tiên trên trời có nhìn thấy hẳn cũng phải mỉm cười. Chỉ riêng Việt Nam ta có tục thờ Mẫu và tục thờ này đã được UNESCO công nhận là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Lớn lao và vĩ đại ấy là người mẹ.
Chiều buông xuống, tôi nghe tiếng chân trâu đủng đỉnh về chuồng, tiếng con cào cào đánh càng tanh tách bên vệ cỏ, tiếng đôi vợ chồng chim rúc rích trên ngọn tre. Và khói lam chiều ấm áp trên những mái nhà. Không hình ảnh nào yên bình hơn thế. Và thật may mắn là các thế hệ những người mẹ Việt Nam vẫn giữ được bữa cơm chiều.
Chúng ta có nhiều lối để đi, nhiều nơi để đến, nhưng chỉ có một nơi chốn để về, ấy là gia đình.
Hoàng Hữu Các
Chồng qua đời để lại sổ tiết kiệm 6 tỷ đồng, vợ đi rút tiền thì ngân hàng thông báo: Chị không có quyền nhận tiền!
Chuyện vợ chồng - 11 giờ trướcThông báo của ngân hàng khiến người phụ nữ vô cùng bất ngờ. Trước đó, chị đã cung cấp đủ giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.
Phụ nữ thuộc 4 cung hoàng đạo này sở hữu khí chất, thần thái khó ai bì kịp
Gia đình - 16 giờ trướcGĐXH - Thần thái quyết định phần lớn vẻ đẹp và sức hút của một người. Những cung hoàng đạo có sở hữu thần thái đặc biệt dưới đây có thể khiến cánh mày râu đổ rạp dưới chân mình.
Cưới 15 ngày, vợ nhất quyết không thay quần áo khi ngủ, bắt tắt đèn lúc lại gần: Chồng bí mật tìm hiểu, run lên với điều nhìn thấy
Chuyện vợ chồng - 16 giờ trướcNgày thứ 15 về chung nhà, chồng chuộc say vợ để tìm hiểu sự thất.
Nhìn cách trả lời khi được khen là biết người đó EQ thấp hay cao
Gia đình - 19 giờ trướcGĐXH - Khi đáp lại một lời khen ngợi, người EQ thấp thường tự cao, kiêu ngạo, còn người EQ cao sẽ thể hiện sự khôn khéo.
Mẹ vợ đột tử khi bắt gặp con rể ngoại tình, chuyện chia tài sản gây phẫn nộ
Gia đình - 21 giờ trướcBắt gặp con rể ngoại tình, mẹ vợ bị đột quỵ và qua đời tại chỗ, điều khiến dân mạng Trung Quốc phẫn nộ sau đó anh ta vẫn được tòa cho thừa kế tài sản của bà.
8 điều hối tiếc nhất đời người, biết sớm để sau này không phải nói 'giá như'
Gia đình - 23 giờ trướcGĐXH - Chúng ta chỉ có khoảng 4.000 ngày thứ Hai để sống. Dù số ngày thứ Hai nhiều hay ít, bạn nên sống một cuộc sống "không phung phí".
Bức ảnh 'con rể giống bố vợ' khiến dân mạng xôn xao, người trong cuộc bối rối
Gia đình - 1 ngày trướcCâu chuyện con rể có ngoại hình giống bố vợ khiến người trong cuộc vừa vui, vừa có chút bối rối.
4 con giáp yêu là cưới
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Có những con giáp ngay từ đầu đã yêu một cách rất nghiêm túc, yêu là để kết hôn chứ không phải yêu chơi rồi để đấy.
Đường về nhà chỉ 20km, người đàn ông mất 70 năm tìm
Gia đình - 1 ngày trướcĐến ngày đoàn tụ, người đàn ông mới nhận ra nhà của bố mẹ đẻ chỉ cách nơi ông đang sống 20km.
Người EQ đặc biệt thấp rất dễ nhận diện vì họ thường dùng 8 cụm từ này khi giao tiếp
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Chuyên gia tâm lý nổi tiếng chỉ ra một số cách nói mà người EQ thấp thường sử dụng khi giao tiếp.
Người EQ đặc biệt thấp rất dễ nhận diện vì họ thường dùng 8 cụm từ này khi giao tiếp
Gia đìnhGĐXH - Chuyên gia tâm lý nổi tiếng chỉ ra một số cách nói mà người EQ thấp thường sử dụng khi giao tiếp.