Vào mùa
8h tối chúng tôi có mặt tại bãi biển Hòn Cau. Ngay cả anh bạn tôi cũng phải ồ lên bởi sự “phình ra” nhanh chóng của những dịch vụ “tươi mát”. Mới mấy tháng trước đây thôi, khi thời tiết còn chưa vào hè, dịch vụ ở đây còn khá thưa thớt. Giờ đã vào chính mùa gió Lào, nhà mái lá, phòng ốc với vách ngăn tạm bợ thi nhau mọc lên với tốc độ đáng sợ. Bãi Hòn Cau trở nên ồn ào và công khai dịch vụ “bóc bánh trả tiền”.
|
Khách đi tìm "các em út". |
Ánh điện trong dãy quán xá dọc bờ và ánh sáng đèn dập dềnh theo những chiếc thuyền mủng câu mực cách bờ chừng 500m tạo thành một vòng ánh sáng mờ ảo khép kín. Bãi Hòn Cau lẩn khuất sau những rặng phi lao phòng hộ dày đặc. Khác với những gì tôi tưởng tượng ban đầu, nơi đây vẫn hoang vu bởi bãi cát ghồ ghề, vỏ sò vỏ ốc lởm chởm, chỉ có quán xá, nhà trọ, nhà nghỉ và vô số dịch vụ tạm bợ là mọc lên san sát nhau. Anh bạn tôi kể rằng, dân Diễn Hải vốn nghèo lắm, quanh năm lênh đênh với nghề sông nước. Mấy năm trở lại đây, miền quê vốn xưa nay bình yên lại trở nên náo động bởi sự hoạt động rộ lên của gái mại dâm.
Bước chân vào dãy “phố biển dê” chỉ cách mép nước khoảng vài chục mét, gặp ngay lời chào mời đon đả của các tú bà. Hàng loạt cô gái trẻ vận đồ thiếu vải nằm ngả ngớn trên những chiếc giường xếp được kê thành hàng lối hẳn hoi, cùng hùa vào mời mọc. Chúng tôi đánh bạo bước vào quán Biển Đ.. gọi bia uống. Anh bạn tôi thả giọng từng trải:
- Em út ở đây thế nào bà chị?
Bà chủ quán chỉ tay ra phía ngoài giọng đặc sệt tiếng bản địa, hồ hởi:
- Đấy, hai em ngồi ngoài cổng trẻ, xinh, gái quê chính hạng tuyển từ Quế Phong (một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An- PV) hẳn hoi.
- Nghe bảo ở vùng này có cả học sinh cấp 3 mà - Tôi gạ gẫm.
- Có chứ, nhưng mà một lát nữa chúng nó mới đến. Không ở đâu xa xôi ngay bên Quỳnh Lưu đây thôi. Hè về các em học sinh cấp 3 lại đông hơn, tha hồ thỏa mãn yêu cầu các chú. Nghỉ học các em đi làm thêm kiếm tiền ấy mà - tú bà đưa đẩy. Nghe đến đây, tôi giật mình định bụng sẽ tìm hiểu thực hư chuyện này nên nằng nặc đòi mụ tú bà này “điều” cho được học sinh cấp 3. Sau khi chèo kéo mãi “dùng hàng tại chỗ” không được, mụ giải thích: “Các em học sinh làm sao mà ăn ở tại đây được, trốn bố mẹ đi buổi tối thôi. Nếu các chú có nhu cầu thì chị gọi điện chúng nó mới xuống. Phải đợi thôi”.
Tú bà này kể rằng, sở dĩ cơ sở của bà ta có được các em học sinh là từ một đứa làm liều sau đó dẫn mối cho nhau đi. Ban đầu cũng chỉ vì muốn kiếm chiếc điện thoại khỏi thua bầy thua bạn, xin bố mẹ không cho, tốt nhất tự đi kiếm tiền, vậy là các em tìm đến đây. Có điện thoại rồi, các em vẫn giữ liên lạc với “chủ” để lúc rảnh kiếm vài ba cái thẻ. Lâu dần thành quen rồi thành “nghề” lúc nào không hay.
|
Đội nắng bắt khách giữa ban ngày. |
“Nhà hàng” của tú bà cũng như hàng trăm nhà ở đây được xây dựng nên bằng sò và gia trát qua loa. Mỗi địa điểm như thế có ít nhất hai cô gái nằm chờ sẵn sàng phục vụ khách bất cứ lúc nào. Phía ngoài sân chỉ kê mỗi chiếc bàn uống nước, bên trong các “phòng làm việc” được xây ngăn lại từng ô một. “Cơ sở” này có 5 phòng, mỗi phòng khoảng chừng 4-5m2, chỉ kê một cái giường nhỏ và vách ngăn để tắm. Rút điện thoại gọi đi gọi lại vài lần, giấu đi vẻ mặt thất vọng tú bà này đon đả: “Các chú việc gì cứ phải chờ, hai em chỗ chị đây cũng trẻ đẹp, thuộc hàng xuất sắc. Giá cả phải chăng. Có 70 nghìn. Trước thì 60 giờ đến mùa vụ, khách đông nên phải tăng giá”. Nói đoạn, như sực nhớ ra điều gì bà ta chạy ra cổng quát hai cô từ nãy giờ vẫn nằm trên ghế xếp: “Vào rót bia mời các anh đi nhanh lên còn nằm đấy à!?”.
Nửa đêm đi “câu... mực”
Trời về khuya. Nhìn ra phía ngoài biển, Hòn Cau như một mô đất khổng lồ lù lù giữa biển nước. Ở giữa nơi mấp mé sóng biển chạm bờ cát, một dãy thuyền mủng xếp hàng đang chờ khách ra biển câu mực. Chúng tôi lững thững theo dọc bờ biển hóng gió thì một thanh niên dặt dẹo tới hỏi: “Bắt gái câu mực cùng không? Ra ngoài đó câu mực có gái tẩm quất thú vị hơn những trò trên bờ nhiều”.
Trò chuyện một lát tôi đã nhận ra ngay thanh niên này là dân mồi chài của những chủ nhà hàng “biệt phái” xuống đây trực mủng để giới thiệu cái trò tiêu khiển mới mẻ này. Chúng tôi tỏ vẻ bất ngờ khi biết cái trò mới này, thanh niên nọ liền cười khẩy: “ Ối giời, hai ông anh quê vãi lúa, cái trò hay ho này có từ năm ngoái, học hỏi kinh nghiệm của dân Cửa Lò đấy. Ra biển câu mực vừa lãng mạn vừa an toàn, bố ai mà biết chuyện gì ngoài đó”.
|
Hai cô này đang nằm chờ khách đến. |
Thấy chúng tôi có vẻ xuôi xuôi, tay cò này liền chạy ngược về phía quán “nháy” chủ mủng xuống làm giá, còn hắn mất hút trong màn đêm tìm “thợ”. Chủ mủng chạy ra nói: “Yên tâm là có em trẻ đẹp phục vụ các anh. Cánh “cò mồi” này rất biết nên gọi người để vừa lòng khách. Chắc chắn nó sẽ tìm được gái xuất sắc để kiếm vài chục ngàn, không bao giờ nó chịu về suông. Cỡ nào giá ấy, trung bình 70.000 đồng, da trắng, eo ót chút thì 100.000đồng. Tiền mủng 50.000đồng/giờ”.
Chúng tôi hai người leo lên hai mủng rồi từ từ vượt sóng ra biển. Trên mủng có tôi, ông chèo mủng và một cô gái trẻ tự giới thiệu tên Lam. Đó là cái mủng bề ngang rộng chừng 2m, sâu 0,7m, có hai chiếc giường tre nho nhỏ đặt liền kề nhau.
Trên mủng cũng có trang bị chiếc cần câu để ngụy trang. Phải mất gần 15 phút chiếc mủng mới vượt qua được những đợt thủy triều liên tiếp cuộn sóng vào bờ. Mỗi lần vượt sóng chiếc mủng lại chồm lên mạo hiểm lấn ra biển trong sự tỉnh bơ của cô gái. Chủ mủng đứng thẳng người, hai chân dạng hình chữ V, bàn chân bám chặt vào thành mủng, hai tay cầm chắc tay chèo điều khiển chiếc mủng hướng ra khơi giữa tung tóe nước biển bắn lên như mưa rào. Ông giải thích: “Hôm nay trời nồm (gió đông nam) nên sóng to, khó chèo”. Có lúc chiếc mủng tưởng như úp sấp sau đó lại trồi lên đè lấy những con sóng. Chủ mủng trấn an: “Yên tâm đi, hết đoạn sóng gần bờ này, mặt nước sẽ lặng như tờ luôn”.
Ra đến điểm sóng lặng, quả thật mặt biển êm ru tựa mặt hồ, chủ mủng hạ neo rồi nhanh chóng biến sang mủng “hoa tiêu” đã neo sẵn cạnh đó để mặc cho khách câu mực, tẩm quất, hẹn một giờ sau lại chèo vào bờ. Xung quanh không đếm hết được những ngọn đèn lúc tỏ lúc mờ ẩn hiện trong màn đêm và sóng nước mênh mông. Lam đưa tay vặn nhỏ ngọn đèn, quảng cáo: “Không phải ai cũng đủ “trình” để ra biển tẩm quất cho khách thế này đâu. Phải tập giữ thăng bằng và cũng phải có nhan sắc tý mới được tuyển vào đội hình “đi biển” chứ không phải đùa. Mấy đứa học sinh “đú’ đòi ra biển, đứa thì say sóng đứa thì ngã xuống nước, may có mấy ông hoa tiêu không thì bỏ mạng ở đây rồi”. Lam kể rằng chuyện “hoạt động” trên biển tuy còn mới mẻ ở vùng này nhưng với cô thì không còn lạ lẫm gì. Bởi cô có mấy năm kinh nghiệm “hành nghề” ở biển Cửa Lò, nhưng do ở đấy chi phí thuê mủng và bảo kê “chặt chém” mạnh nên năm nay Lam tìm về với vùng biển này.
- Mỗi đêm có khoảng bao nhiêu mủng đi “câu mực” ngoài này? - Tôi hỏi.
Lam bảo:
- Tất cả những ngọn đèn ở trên mặt nước. Trừ một số đèn của thuyền hoa tiêu.
- Em chắc quê không phải ở đây?
- Cái nghề này làm gì dân bản địa hành nghề được mà anh cứ hỏi. Em ở Quế Phong, năm học lớp 11 trường huyện, bố mẹ bỏ nhau, chán quá em theo bạn bỏ xuống Cửa Lò đi làm. Anh yên tâm, phải có “đẳng cấp” mới sống được ở vùng “lõi” đó 3 năm. Em bỏ đó về đây chẳng qua thấy “sức lao động” mình bỏ ra bị chặt chém ghê quá thôi, chứ không phải hàng “bạc nhạc” hết thời đâu nhé.
Tôi tỏ vẻ ngần ngại thì Lam trấn an: “Vô tư đi, trên cạn nhà cửa phòng ốc mọc ngang nhiên ra đấy mà người ta còn chưa sợ huống hồ chi ở ngoài biển”.
|
“Phố biển dê” ban ngày trông thật tồi tàn. |
Về khuya trời tĩnh mịch, trăng tuy khuyết những cũng đủ sáng để tôi nhận ra những con mủng hối hả vào rồi ra như con thoi. Bước ra khỏi mủng của Lam, trong khi chờ anh bạn đang ở ngoài kia, tôi rảo bước men theo bờ biển về khuya càng đông khách hơn. Thậm chí có đám thanh niên đánh cả tắc-xi ra tận bãi, giọng đã nhễ vì rượu chè cò kè ngã giá với chủ mủng.
Cò mồi giờ cũng không cần phải chạy đôn đáo đi đâu bắt khách nữa, chỉ cần ngồi một chỗ cũng không thiếu khách có nhu cầu. Đằng sau những rặng phi lao kia, tất cả đã chìm sâu trong giấc ngủ, chỉ có quanh Hòn Cau, hoạt động mại dâm có cả ngang nhiên và cả trá hình làm đảo lộn cuộc sống nơi đây. Không hiểu sao, hoạt động mại dâm ở đây lại có thể hoạt động ngang nhiên đến như vậy?
Thúy Quang