Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đổi cái chết lấy sự sống

Thứ sáu, 09:20 12/02/2010 | Xã hội

GiadinhNet - Buổi sáng định mệnh ngày 30/9 trên dòng sông Thạch Hãn, khi cơn bão số 9 đang hoành hành, một người con xứ Nghệ - một sĩ quan của Quân đội nhân dân Việt Nam đã quên sự hiểm nguy của bản thân, lao vào dòng lũ dữ, cứu sống được nhiều người dân.

“Anh đã mãi mãi ra đi để nhiều người được sống”, trên đường về quê anh ở  xóm Liên Hòa, xã Thanh Liên, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, tôi đã nghe nhiều người dân thành kính nói như vậy. Người sĩ quan ấy là Thiếu tá Lê Văn Phượng,  44 tuổi...
 
 
Lao vào dòng lũ dữ
 
Đêm 29 rạng ngày 30/9/2009, TP Đông Hà (Quảng Trị) mưa xối xả, mực nước trên các sông Thạch Hãn, Ô Lâu, Bến Hải... lên rất nhanh. Nước chảy xiết, lũ sông về dồn dập khiến nhiều khu dân cư trên địa bàn tỉnh Quảng Trị bị cô lập, giao thông bị chia cắt, thông tin liên lạc gián đoạn. Hàng ngàn người dân, trong đó có người già và trẻ em đã bị kẹt cứng giữa bốn bề nước. Tính mạng họ đang bị đe dọa.

2 giờ sáng, các tin cấp cứu, cần di dời dân khẩn cấp dồn dập gửi về Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) thị xã Quảng Trị. Những chiếc ca nô cứu nạn liên tục xuất phát, rẽ đêm tối lao đến với bà con. Đến 7 giờ sáng cùng ngày, Ban CHQS Thị xã nhận được tin bà con ở khu phố 3, phường 1 và xã Hải Lệ đang bị nước bao vây, phải khẩn trương đưa đến nơi an toàn. Ngay lập tức đội ứng cứu gồm 5 người, trong đó có Thiếu tá Lê Văn Phượng (Trợ lý chính trị Ban CHQS Thị xã), lên ca nô đến khu vực bà con gặp nạn.

Đây không biết là lần thứ bao nhiêu trong mấy ngày cơn bão số 9 hoành hành, các anh lao vào mưa gió. Trước đó, tối 29, nhận được tin cấp báo, tại khu vực xã Triệu Thành, trong đêm tối mịt mùng, anh Phượng và đồng đội đã cứu được 7 người dân. Khi đưa được họ lên ca nô, định chở tất cả về thị xã thì bánh lái ca nô bị hỏng. Các anh đã phải nhảy xuống nước, đẩy ca nô lên tầng 2 trụ sở UBND xã Triệu Thành, rồi điện cho Ban CHQS đến tiếp ứng. Lúc người và phương tiện về trụ sở thì đã 6 giờ sáng, anh em đều đói và mệt. Chưa kịp nghỉ ngơi thì có lệnh từ Ban chỉ huy, các anh lại cấp tốc lên đường.
 
Những người đồng đội của Liệt sĩ Lê Văn Phượng.
 
Lúc này lũ dâng đến đỉnh điểm, tiếng nước cứ rít ào ào bên tai. Tại khu phố 3, sau khi sơ tán được 2 người dân bị kẹt trên nóc nhà lên đường an toàn, đội ứng cứu tiếp tục hành trình lên Hải Lệ. Khi gần vượt qua gầm cầu Thạch Hãn, bất chợt chiếc canô bị rơi vào vòng nước xoáy, sau đó bị đẩy ép sát vào trụ cầu. Phía trên thành cầu, nhiều người dân thấy vậy đã tìm cách hỗ trợ đội ứng cứu. Một đồng chí trong đội nhanh trí tung dây lên, nhưng nước quá mạnh nên người dân không thể kéo được chiếc ca nô ra khỏi vùng xoáy. Đúng lúc đó, một con sóng lớn ào tới, chiếc ca nô bị nhấn chìm. 3 đồng chí bám được vào mố cầu, một đồng chí khác vội bung mình thoát khỏi chiếc ca nô, bơi chừng 1km thì bám được cây cột đèn nên thoát nạn. Riêng Thiếu tá Phượng bị kẹt trong ca nô, sóng dữ đã kéo anh cùng chiếc ca nô đi mất. Phải 5 tiếng sau, vật lộn với sóng to, gió lớn tại địa phận xã Triệu Thành (huyện Triệu Phong, Quảng Trị) đồng đội mới đưa được anh vào bờ...
 
Gạt nước mắt vượt qua nỗi đau
 
Chúng tôi về quê Liệt sĩ Lê Văn Phượng một ngày gần Tết. Dòng Lam thôi không còn ngầu đỏ, trời xứ Nghệ cũng không mưa sụt sùi như ngày quê hương đón anh về. Trong căn nhà mái ngói đơn sơ tại xóm Liên Hoà, chị Phan Thị Hương, vợ anh Phượng không có nhà. Bà Nguyễn Thị Sáu, mẹ vợ anh Phượng, năm nay đã 87 tuổi, gạt nước mắt, thẫn thờ nhìn ra ngõ khi tôi hỏi về anh. Kể từ ngày anh ra đi, bà đến ở với con gái và các cháu, cho nhà đỡ cô quạnh. Cháu Lê Xuân Toàn, con trai anh Phượng, tuy lần đầu gặp mặt mà không tỏ ra e dè, sà ngay vào lòng tôi và ngắm nghía chiếc máy ảnh. “Cu Tèo” (tên gọi ở nhà của Toàn) hồn nhiên chạy vào trong buồng lấy ra khoe đôi giày của bố. Cháu xỏ giày vào chân mình, đi kiểu duyệt binh, giơ tay chào rồi đứng sát bàn thờ bố, mắt nhìn lên di ảnh rồi dõng dạc: “Bố ơi! Con mời bố về ăn cơm”. Nghe cháu nói, tất cả chúng tôi đều im lặng, tôi thấy lòng mình nghẹn lại...

Bác Hoàng Văn Khuyên, Bí thư chi bộ xóm, người đưa tôi đến nhà anh Phượng nói: “Thương anh Phượng lắm. Bao năm nay, anh chị chỉ có nguyện vọng nâng cấp được căn nhà cũ, có từ thời ông bà để lại, vậy mà... Gia đình anh chị nghèo nhưng sống tốt. Vợ anh quanh năm chăm lo mấy sào ruộng, cũng chỉ đủ lo được lương thực trong nhà. Việc học hành của các cháu trông cả vào đồng lương của anh Phượng. Mấy cháu con anh Phượng, đứa nào cũng học giỏi. Bây giờ  bố mất đi, không biết sẽ ra sao...”.

Ông Khuyên bảo, sau khi nghe tin anh Phượng mất, bà Nguyễn Thị Kha, mẹ ruột anh như cây chuối đổ gục. Huyết áp bà tụt đột ngột, tràn dịch màng phổi, mắt không nhìn thấy rõ. Tiếp đến cháu Lê Xuân Thắng, con trai thứ 2 của anh liên tục lên cơn co giật. Bệnh viện kết luận cháu bị hở van tim độ 2. Sau một thời gian điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Chương, hiện cả hai bà cháu được chuyển về Bệnh viện Quân y IV...
 

Mẹ con chị Hương nghẹn ngào khi nhắc đến anh.

 
Lời hứa chưa thành...
 
Vậy là nước mắt chưa kịp khô trên đôi gò má gầy sạm, chị  Hương lại phải gượng dậy, làm chỗ dựa cho mẹ chồng và con trai. Sau khi điện thoại liên hệ, tôi gặp mẹ con chị Hương tại Bệnh viện Quân y IV (tại TP Vinh). Ngồi trò chuyện với tôi ở hành lang, bờ vai chị lại rung lên. Nhắc đến anh, kỷ niệm bỗng chốc ùa về, những giọt nước mắt chị chảy dài trên má.
 
Anh Phượng và chị lớn lên cùng một làng, nhà chỉ cách nhau vài con ngõ. Tình yêu đến, nhẹ nhàng và bền chặt. 5 năm yêu anh và chờ đợi, năm 1990, lễ cưới của hai người được tổ chức trong niềm vui của bè bạn bè, người thân. Nhà anh Phượng nghèo nhưng mọi người rất yêu thương nhau. Điều day dứt của chị và trước đây là cả của anh Phượng, đó là vợ chồng vẫn chưa có một căn nhà riêng, để con cái, bà cháu đỡ phải lo khi mưa gió (Ngày đưa linh cữu anh về với quê hương, nhiều đồng đội của anh đã bật khóc trước “cơ ngơi” của người đồng đội mình).

Chị Hương kể, thường mỗi năm được 20 ngày phép, anh Phượng chia ra 2 lần về thăm gia đình. Năm nay, 10 ngày đợt phép đầu tiên anh về là để làm giỗ cho ông cụ. Anh còn dự định, 10 ngày phép sau anh sẽ sửa lại nhà đỡ dột, cho vợ con ăn Tết vui hơn. “Trước khi anh mất một ngày, tôi còn gọi điện vào cho anh. Anh động viên vợ cố gắng trông con và đưa hết lợn gà đến nơi an toàn, kẻo bị nước lũ cuốn trôi hết. Vậy mà...”. Chị Hương nói anh Phượng hiền lắm, khi nào cũng chu đáo. Năm ngoái về khi biết xã mới thành lập Quỹ khuyến học, trước lúc đi anh ấy còn đến để xin đóng góp 100.000 đồng.

Lẫn trong nước mắt, chị Hương bảo không thể quên lời cuối cùng anh hẹn qua điện thoại: “Em đợi anh khoảng mươi ngày nữa thôi, hết lũ anh xin về ngay”. Nhưng lời hứa ấy anh đã không thực hiện được.

Chia tay chị Hương, bất giác tôi nhớ lời thơ mà một đồng đội đã đọc trong ngày tiễn anh Phượng về cõi vĩnh hằng: “Thanh Chương ta, một mảnh đất lành. Đón Phượng về với ngọn nguồn sông nước. Với nhút mặn chua cà, đậm đà, thân thuộc. Với câu ví quê nhà, sâu nặng tình thương...”.

Vâng, anh Phượng ơi, anh hy sinh là để nhiều người được sống, chúng tôi tin rằng hành động của anh sẽ là tấm gương để nhiều người soi chung. Mong anh hãy yên lòng nơi cõi vĩnh hằng...
 
Xét công lao đóng góp trong quá trình công tác và hành động anh dũng hy sinh vì nhiệm vụ, Bộ tư lệnh Quân khu 4 đã truy phong quân hàm từ thiếu tá lên Trung tá; UBND tỉnh Quảng Trị quyết định truy tặng Bằng khen, Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị truy tặng giấy khen, đồng thời đề nghị cấp trên xem xét khen thưởng với hình thức cao nhất đối với Liệt sĩ Lê Văn Phượng.
 
Từ ngày anh ra đi, đã có hàng trăm lá thư từ khắp nơi gửi về động viên, chia sẻ với gia đình Liệt sĩ Lê Văn Phượng:
 
“Anh ra đi để lại đằng sau biết bao ước mơ hoài bão, để lại mẹ già và những đứa con thơ . Đơn vị mất đi người đồng chí, một người bạn chân tình. Nhưng sự hy sinh của đồng chí đã góp phần tô thắm truyền thống vì nhân dân quên mình”.
 
“Tôi đã khóc, khóc vì sự hy sinh lớn lao của anh, khóc vì sự mất mát của vợ con anh. Nhưng mong anh hãy yên lòng, hãy mỉm cười, hãy tự hào về chính mình, đất nước sẽ không bao giờ quên anh - Người anh hùng đã quên mình vì dân, vì đồng đội. Anh mãi là người cha đáng tự hào, là tấm gương cho thế hệ trẻ noi theo học tập. Cầu chúc cho gia đình anh sớm vượt qua nỗi đau mất mát to lớn này...”.
 
 
Hồ Hà
Gia đình và Xã hội Xuân Canh Dần
kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Tin vui về thời tiết cho hàng chục triệu người dân miền Bắc trước khi có thay đổi vào dịp cuối tuần

Tin vui về thời tiết cho hàng chục triệu người dân miền Bắc trước khi có thay đổi vào dịp cuối tuần

Thời sự - 2 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết, vùng nắng nóng tiếp tục thu hẹp tập trung ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam. Trong khi miền Bắc tiếp tục có mưa mát về chiều tối và đêm.

Hôm nay (2/5), hàng triệu thí sinh chính thức đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Hôm nay (2/5), hàng triệu thí sinh chính thức đăng ký thi tốt nghiệp THPT 2024

Giáo dục - 2 giờ trước

GĐXH - Từ ngày 2/5 đến 17h ngày 10/5, các thí sinh đang học lớp 12 sẽ bắt đầu đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2024 theo hình thức trực tuyến.

Tin sáng 2/5: Ninh Dương Lan Ngọc nói gì sau thông tin rời showbiz?; nắng nóng kỷ lục, rừng cháy đỏ rực một vùng trong đêm

Tin sáng 2/5: Ninh Dương Lan Ngọc nói gì sau thông tin rời showbiz?; nắng nóng kỷ lục, rừng cháy đỏ rực một vùng trong đêm

Xã hội - 2 giờ trước

GĐXH - Để khống chế tình trạng cháy rừng tại xã Nam Thái và thị trấn Nam Đàn, lực lượng chức năng đã phát đường băng cản lửa, không để đám cháy lan rộng, ảnh hưởng tới khu vực dân cư; Ninh Dương Lan Ngọc cho biết, cô chỉ đi học ngắn hạn, chứ không phải từ bỏ sự nghiệp.

Cô bé 3 tuổi có IQ bằng Stephen Hawking gây chấn động nước Anh

Cô bé 3 tuổi có IQ bằng Stephen Hawking gây chấn động nước Anh

Giáo dục - 2 giờ trước

Cách đây gần 15 năm, Karina Oakley gây chấn động truyền thông nước Anh khi sở hữu IQ vượt trội lên đến 160, ngang bằng Stephen Hawking dù mới 3 tuổi.

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo điều tra rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại Đồng Nai

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo điều tra rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động tại Đồng Nai

Thời sự - 2 giờ trước

Bộ trưởng Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại gỗ Bình Minh (Công ty TNHH gỗ Bình Minh), làm 6 công nhân tử vong và 5 người bị thương.

138 người chết do tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ

138 người chết do tai nạn giao thông trong 5 ngày nghỉ lễ

Xã hội - 11 giờ trước

Trong 5 ngày nghỉ lễ 30/4 -1/5, toàn quốc xảy ra 347 vụ tai nạn giao thông, làm 138 người chết, 285 người bị thương.

Mưa đá sau nắng nóng gay gắt ở Nghệ An, ảnh hưởng hơn 200 mái nhà

Mưa đá sau nắng nóng gay gắt ở Nghệ An, ảnh hưởng hơn 200 mái nhà

Xã hội - 11 giờ trước

Trận mưa đá kéo dài hơn 10 phút xảy ra ở huyện miền núi Tương Dương (Nghệ An) đã gây hư hỏng nhiều mái nhà của người dân.

Nhiều tài xế bất ngờ trong ngày trở lại Hà Nội sau nghỉ lễ 30/4-1/5

Nhiều tài xế bất ngờ trong ngày trở lại Hà Nội sau nghỉ lễ 30/4-1/5

Xã hội - 13 giờ trước

Trở lại Hà Nội sau 5 ngày nghỉ lễ 30/4-1/5, nhiều tài xế khá bất ngờ khi các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô như cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, quốc lộ 1A, Giải Phóng, Phạm Văn Đồng không xảy ra ùn tắc.

Ngày cuối của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Dòng phương tiện ùn ùn trở về Hà Nội

Ngày cuối của kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5: Dòng phương tiện ùn ùn trở về Hà Nội

Thời sự - 13 giờ trước

GĐXH - Nhiều người dân trở về Hà Nội trong ngày nghỉ cuối cùng của dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 khiến một số tuyến đường cửa ngõ Thủ đô, bến xe lâm cảnh đông đúc, ùn ứ.

Xe khách 26 chỗ "nhồi" 57 người, tài xế vi phạm nồng độ cồn

Xe khách 26 chỗ "nhồi" 57 người, tài xế vi phạm nồng độ cồn

Xã hội - 14 giờ trước

Quá trình kiểm tra, Đội 3 Cục CSGT phát hiện tài xế ô tô khách 26 chỗ T.V.V. vi phạm nồng độ cồn, trên xe này "nhồi" tận 57 hành khách.

Top