Hà Nội
23°C / 22-25°C

Sập cầu Cần Thơ: Nguyên nhân có thể do lún trụ phụ

Thứ sáu, 07:59 28/09/2007 | Xã hội

Giadinh.net - Tại hiện trường, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng đã trả lời PV báo chí về một số vấn đề dư luận đang hết sức quan tâm xung quanh sự cố sập cầu Cần Thơ.

>> Thảm họa sập cầu Cần Thơ

Thưa Bộ trưởng, hiện nay con số thương vong đưa ra rất khác nhau, vì sao như vậy?

Công điện khẩn của Thủ tướng Chính phủ: Khẩn trương xác định rõ nguyên nhân

Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 1402/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Giao thông Vận tải, Quốc phòng, Công an, Y tế, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long; Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Cần Thơ; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn. Với nội dung: Tiếp theo Công điện số 1384/CĐ-TTg ngày 26/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ, để tiếp tục khắc phục hậu quả sự cố trong quá trình xây dựng cầu Cần Thơ sáng ngày 26/9/2007, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

1. Bộ Quốc phòng chỉ đạo Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn bố trí lực lượng hỗ trợ kịp thời công tác cứu nạn, cứu hộ nhằm tìm kiếm tất cả những người hiện còn bị kẹt lại;

2. Bộ Y tế bố trí đủ lực lượng y bác sĩ, trang thiết bị, cơ số thuốc cần thiết để cấp cứu kịp thời người bị thương, hạn chế đến mức thấp nhất số người bị di chứng sau tai nạn;

3. Bộ Công an tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ tiếp tục bảo vệ tốt hiện trường, bảo đảm tốt an ninh, trật tự trên công trường;

4. Bộ Giao thông Vận tải khẩn trương xác định rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục nhằm đảm bảo cho quá trình thi công tiếp theo đúng tiến độ và chất lượng của công trình, tuyệt đối không để sự cố tương tự xảy ra;

5. Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long và Thành phố Cần Thơ tổ chức tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời, thăm hỏi động viên người bị thương và gia đình người bị nạn.

- Thông tin ban đầu là chưa chính xác, có thể các báo tiếp cận từ các nguồn thông tin khác nhau. Nhưng con số chính thức đến giờ này Bộ GTVT đã công bố. Có thể còn khoảng 5-6 người nữa còn mắc kẹt chưa tìm thấy. Nhưng con số này cũng chưa khẳng định là chính xác. Từ hôm 26/9 đến nay, chúng tôi vẫn chưa nắm được con số chính xác, vì nhà thầu phụ quản lý số công nhân. Danh sách các nhà thầu phụ có đưa ra, nhưng do phải đối chiếu kiểm tra với số người đang cấp cứu tại các bệnh viện, xác định lại tên tuổi, quê quán. Tuy nhiên, trong danh sách do có một số công nhân làm việc thời vụ, nên đôi khi có tên nhưng không có mặt.

Bộ trưởng có thể đưa ra nhận định ban đầu về nguyên nhân gây ra sự cố này?

- Có thể do hiện tượng trụ phụ lún, mưa mấy ngày trước khá nhiều, đất yếu; có thể do dịch chuyển đà giáo kéo theo dịch chuyển khối bê tông. Tuy nhiên những thông tin này chưa thể xác định chính xác. Trước đây, chưa có báo cáo nào về trụ bị lún và trụ phụ đã được thử tải đúng qui trình.

Thưa Bộ trưởng, liệu có tình trạng các đơn vị “bán” thầu và khi nhà thầu chính giao cho nhà thầu phụ, kiểu dạng như B giao cho B “phẩy”, rồi lại giao cho B “hai phẩy” nên ảnh hưởng đến chất lượng công trình?

- Vấn đề này chắc phải để bộ phận chức năng kiểm tra kỹ và nên để cho ngành Công an xem xét điều tra làm rõ. Theo nguyên tắc xây dựng, nhà thầu chính có quyền chọn nhà thầu phụ. Theo tôi được biết nhà thầu chính (Liên danh TNK – Nhật) có thuê 2 nhà thầu phụ là Cty Vĩnh Thịnh và Cty Thăng Long 2. Tuy nhiên, đối với nhà thầu chính (TNK Nhật Bản), theo tôi nghĩ đây là một nhà thầu chuyên nghiệp, uy tín. Quá trình theo dõi nhà thầu này thi công, công trình được điều hành qui cũ, tạo sự an tâm nhất định. Nhưng sự cố này quá bất ngờ, không lường được.

Và khi xảy ra sự số thì đơn vị nào sẽ phải chịu trách nhiệm?

- Chủ đầu tư dự án Bộ GTVT, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, Ban kỹ thuật và nhà thầu chính - Liên doanh các nhà thầu (TNK) Nhật Bản. Nhưng trách nhiệm tới đâu, mức độ như thế nào có lẽ còn phải chờ thời gian xem xét.

Theo Bộ trưởng, liệu có sức ép nào buộc phải chạy đua tiến độ để sớm hoàn thành công trình không?

- Thời gian qua, công trình cầu Cần Thơ đảm bảo tiến độ thi công và không hề có sức ép nào buộc phải chạy hoàn thành trước thời gian. Vấn đề chúng tôi quan tâm vừa qua là các đường dẫn hình thành đúng tiến độ công trình.

Xin cám ơn Bộ trưởng.   

KS Trần Đình Đỗ – Bộ môn Kết cấu, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội: 
“Tôi nghiêng về khả năng sụt lún”

Từng là giáo viên của khoa Xây dựng và nay là cán bộ thỉnh giảng của bộ môn Kết cấu - trường Đại học Xây dựng, cũng là người đã tham gia thi công rất nhiều cây cầu lớn ở Việt Nam như Phú Lương (Hải Dương), Đà Rằng (Phú Yên), sông Cái (Nha Trang), KS Trần Đình Đỗ đã cùng phóng viên Báo GĐ&XH thử phân tích những nguyên nhân có thể xảy ra, xét về mặt nguyên tắc trong xây dựng cầu, về thảm hoạ sập 2 nhịp cầu dẫn Cần Thơ.

Thưa ông, bằng con mắt của người trong nghề, ông có nhận định ban đầu nào về sự cố sập cầu Cần Thơ?

- Cầu Cần Thơ là một cây cầu lớn, có độ tĩnh không rất cao (độ tĩnh không là khoảng cách tính từ mặt nước trung bình lên đến đáy dầm, đảm bảo được độ thông thuyền và thoát lũ), do đó ngoài việc xây dựng thân cầu chính, người ta phải làm một đường nối cầu với hai bên bờ. Tại đây có các đoạn nối, các nhịp dẫn, nhịp chính. Sự cố lần này xảy ra ở một nhịp như vậy. Với tôi, đây là một trường hợp quá hy hữu, trong đời chưa gặp bao giờ.

Ông nghĩ thế nào khi có người giải thích, đó là do mấy hôm trời mưa nên bê tông chưa kịp khô, dẫn đến việc đổ sập như vậy?

- Không bao giờ có chuyện như thế. Bởi bê tông trong xây dựng cầu không giống như bê tông dùng trong các công trình xây dựng dân dụng khác. Do những đặc điểm riêng biệt nên về nguyên tắc, bêtông làm cầu khi đã đổ được 3 ngày thì cường độ đã đạt đến 75-85% so với thiết kế rồi. Lúc này mưa chẳng có giá trị gì nữa. Nếu nói sự cố xảy ra trong thời gian bêtông đang liên kết (24 giờ) thì tôi còn tin, chứ đã đổ được 2-3 ngày thì không thể nào có chuyện đó.

Nhưng nếu nhà thầu đã trộn bêtông không đúng như thiết kế?

Bộ Công an bắt đầu khám nghiệm hiện trường, điều tra vụ việc

Liên quan đến vụ tai nạn thảm khốc sập cầu dẫn Cần Thơ làm nhiều người chết và bị thương, song song với khẩn trương cứu nạn, cứu hộ, ngày 27/9, Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ bắt đầu triển khai việc khám nghiệm hiện trường nhằm tìm kiếm nguyên nhân vụ việc.

Cơ quan điều tra Tổng cục Cảnh sát sẽ khẩn trương lập hồ sơ điều tra vụ tai nạn một cách toàn diện, xem xét những sai sót trong quá trình thi công, trách nhiệm liên đới của các đơn vị, cá nhân như thi công, tư vấn giám sát, phụ trách kỹ thuật...

Hiện có trên 200 cán bộ, chiến sĩ của Tổng cục Cảnh sát, chưa kể lực lượng công an địa phương tại Vĩnh Long, Cần Thơ đã được huy động đến hiện trường để tìm kiếm nạn nhân, bảo vệ hiện trường và giữ vững an ninh trật tự tại khu vực xảy ra tai nạn và những địa điểm có liên quan ở địa bàn Vĩnh Long, Cần Thơ. 

- Tôi đã đi làm cầu nhiều, tôi biết. Có 2 thứ tối kỵ mà chẳng nhà thầu nào dám vi phạm, bớt xén dù họ có vì lợi nhuận đến đâu chăng nữa, đó là đúc dầm và đóng cọc. Bởi nếu làm thế, chính họ sẽ là người hứng chịu đầu tiên: sự cố không đợi đến lúc hoàn thành công trình mới xảy ra, mà xảy ra ngay lập tức, người chịu hậu quả chính là nhà thầu. Vì thế, hầu như lúc nào bê tông làm dầm cũng được phối trộn chắc chắn, thậm chí cao hơn cả yêu cầu trong thiết kế. Giả sử thiết kế mác bêtông là 450 thì thông thường người ta sẽ phối trộn lên tới 470 – gọi là độ lệch tiêu chuẩn – để đảm bảo an toàn. Tôi không tin có chuyện phối trộn bê tông không đạt tiêu chuẩn ở đây.

Vậy ý kiến là do sụt lún?

- Cho dù là hy hữu, khó có thể xảy ra, nhưng tôi nghiêng về giả thuyết này hơn. Thông thường, về chuyên môn, để làm một nhịp cầu dài 40m, ngoài 2 trụ chính hai bên, trong quá trình thi công, người ta phải làm thêm từ 1 đến 2 trụ tạm thì mới đỡ được một khối dầm cao 2m, dài 40m (tương đương trọng lượng tĩnh tại là 300 tấn). Tôi nghe một kỹ sư nói rằng, có thể là do sụt lún cái trụ tạm này. Và nếu đúng như vậy thì đây là một điều không thể chấp nhận được trong xây dựng cầu.

Ông có thể nói kỹ hơn về cái điều “không thể chấp nhận được” này?

- Về nguyên tắc, trước khi thi công, bao giờ người ta cũng phải tiến hành khử lún. Thi công cầu là dạng thi công đơn chiếc, nghĩa là chẳng cái nào giống cái nào, bởi mỗi nơi có một địa tầng, một thổ nhưỡng... khác nhau. Vì thế, tính toán về độ sụt lún khi thiết kế chỉ mang tính tương đối, nên khi thiết kế biện pháp tổ chức thi công, không có phương pháp tính toán độ sụt lún nào bằng phương pháp thực nghiệm tại chỗ. Với những cây cầu lớn, để tính độ lún có thể của trụ tạm (thường là làm bằng dàn vạn năng) đảm bảo nâng đỡ được khối dầm 300 tấn, chúng tôi phải làm phao phía trên đà giáo và các ván khuôn (được làm tạm trước khi đổ bê tông), sau đó đổ nước đầy phao với trọng lượng 330 tấn (vượt 10% trọng lượng của dầm). Công đoạn này gọi là chất tải. Thông thường, chúng tôi sẽ dành ra ít nhất 3 tháng để theo dõi độ lún của trụ tạm. Chỉ đến khi trong vòng 15 ngày liên tiếp độ lún bằng 0, đã có ma sát giữa đất và trụ, thì chúng tôi mới bắt đầu đổ bê tông. Có những công trình, thời gian khử lún này kéo dài đến 5-6 tháng.

Như vậy, có thể hiểu, tính toán độ lún bằng thực nghiệm tại chỗ là một kỹ thuật quy chuẩn. Liệu người ta có thể bỏ qua công đoạn quan trọng và cần thiết đó khi xây dựng một công trình lớn như cầu Cần Thơ?

- Điều khó hiểu là ở chỗ đó. Tôi chưa bao giờ chứng kiến một nhịp cầu lớn như thế bị sập ngay khi đang thi công nên sự giải thích về mặt nguyên tắc chỉ là như vậy thôi. Đương nhiên là chẳng chuyện gì lại không thể xảy ra. Có thể công tác khử lún có làm nhưng làm không đến nơi đến chốn nên khi đổ một khối bê tông lớn như thế, trụ tạm tiếp tục lún, khiến khối bê tông bị võng. Đến một mức độ nào đó không chịu nổi nữa, nó sẽ bị sập. Trong một số trường hợp, thời gian khử lún có thể bị rút ngắn do sức ép về mặt tiến độ chẳng hạn.

Còn giả thiết nào có thể xảy ra để giải thích nguyên nhân vụ sập cầu Cần Thơ nữa không, thưa ông?

- Còn một giả thiết nữa có thể xảy ra, đó là các thanh làm đà giáo có thể bị mất ổn định cục bộ. Khi tải trọng quá nặng thì các thanh này có thể bị oằn, biến dạng quá giới hạn đàn hồi và không trở về như cũ được nữa. Sức đỡ vì thế không còn nên sẽ bị sụt cả khối bê tông trên đó. Tất nhiên, tất cả đều chỉ là phỏng đoán.

Dù lúc này chúng tôi chưa đặt vấn đề quy trách nhiệm cho ai, nhưng dù sao cũng nên có những nhận định ban đầu về cái gọi là lỗ hổng dẫn đến sự cố đau lòng này. Theo ông, liệu lỗ hổng đó có thể xảy ra ở khâu nào?

- Để tìm ra nguyên nhân của vụ sập cầu lần này cần phải có đánh giá nghiêm túc chứ không thể nói một cách võ đoán được. Tôi tin chỉ trong vòng 1 tuần tới, nguyên nhân sẽ được tìm ra. Khi xây dựng một công trình lớn, có rất nhiều chủ thể tham gia, và ai cũng có thể can thiệp vào công việc chuyên môn cả, từ chủ đầu tư, nhà tư vấn lập dự án đầu tư, lập dự án thiết kế, đơn vị giám sát... thậm chí cả các nhà tài trợ. Việc quy trách nhiệm chỉ nên tính đến khi đã tìm ra được nguyên nhân cụ thể.

Xin chân thành cảm ơn ông.                  

Gs Phạm Gia Khải – Chủ tịch Hội Tim mạch Việt Nam:
Cơ hội sống sót của nạn nhân đang mắc kẹt là rất mong manh

Cơ thể con người có sức chịu đựng kỳ diệu trước những thảm họa. Với những người còn kẹt lại tại hiện trường, về nguyên tắc thì vẫn còn cơ hội sống.

Nguy hiểm nhất đối với họ bây giờ là nguy cơ bị đè. Nếu bị đè thì chỉ trong một vài giờ, họ sẽ bị “hội chứng vùi lấp”. Cơ thể người bị đè khiến các cơ bị nát. Khi các cơ bị nát thì sẽ tiết ra một số chất protein của cơ, gây độc cho thận, dẫn đến suy thận và tử vong. Nếu đã gặp hội chứng vùi lấp thì tiên lượng rất khó khăn.

Thứ hai là vấn đề oxy. Nếu thiếu oxy trầm trọng thì sức người chỉ có thể chịu đựng được khoảng 15-30 phút mà thôi.

Nguy cơ thứ 3 đối với những người đang kẹt lại dưới đống đổ nát là bị chấn thương đa nội tạng như vỡ sọ, dập gan, dập phổi, chảy máu nội tạng...

Nếu không bị đè, không bị chấn thương nội tạng quá nặng và đủ oxy để thở, con người ta có thể sống thêm được vài ngày. Bởi đói không thể làm người ta chết ngay được. Tuy nhiên, trong lần sập cầu này, dù không muốn nhưng tôi vẫn phải nói là cơ hội sống sót của những người kẹt lại là rất mong manh. Bởi cả một khối bê tông nặng như thế rơi xuống, khó có thể tránh khỏi hội chứng vùi lấp. Và khi rơi vào tình trạng đó, nếu có được cấp cứu thì cũng khó giữ được tính mạng.      

Ông Hoàng Mộng Lân - nguyên Phó Tổng GĐ Tổng Cty Cầu Thăng Long:
Làm ẩu nên mới xẩy ra thảm kịch

Tôi đã xem rất kĩ các bức ảnh trên Internet thì thấy mố cầu còn nguyên. Nếu như vậy chỉ có thể cầu sập do đà giáo kém. Theo quy định, đà giáo được làm bằng thép, phải khoẻ và phải chịu được lực của giầm cầu. Những thanh đà giáo này cũng phải đủ lún kết cấu. Tuy nhiên, mỗi một bộ đà giáo lại có thể sử dụng được nhiều lần. Cũng có thể trong quá trình mở ra lắp vào nhiều lần này, đà giáo ở cầu Cần Thơ đã không được bảo dưỡng tốt, khiến long bu lông, ốc vít... nên một trong số những đà giáo đó đã bị sập, kéo sập theo cả khu vực lân cận.

Thường trong thi công cầu, ngoài các trụ chính, người ta phải dựng thêm các trụ tạm để đỡ đà giáo. Các trụ này phải được thử lún. Mỗi trụ tạm như thế phải được tính toán xem sẽ chịu được lực bao nhiêu và phải đều nhau. Nếu một trong những trụ tạm đó lún không đều, chắc chắn sẽ gây võng và kéo sập cả khu vực đang thi công lân cận. Các trụ tạm này phải được thử lún rất công phu. Chúng ta chỉ có thể nhận định rằng do họ đã làm ẩu nên mới xảy ra thảm kịch. 

Trong một số ngành, người ta đã thành lập các đội cứu hộ để đề phòng khi xảy ra sự cố. Tuy nhiên, theo tôi được biết về xây dựng cầu đường trước đây vẫn chưa có đội cứu hộ.

          Phúc Huy, Tú Anh, Mỹ Hà, TV (thực hiện)

kieudiep
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Hà Tĩnh: Lật xe khách trên QL1, 9 người tử vong

Hà Tĩnh: Lật xe khách trên QL1, 9 người tử vong

Thời sự - 40 phút trước

GĐXH - Vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên quốc lộ 1 ở địa phận phường Sông Trí (Hà Tĩnh) làm 9 người tử vong, 15 người bị thương.

Điểm sàn xét tuyển đại học 2025 các trường Y, Dược

Điểm sàn xét tuyển đại học 2025 các trường Y, Dược

Giáo dục - 1 giờ trước

GĐXH - Hàng loạt trường đại học Y, Dược công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) tuyển sinh năm 2025 đối với phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Top hộ chiếu (passport) quyền lực nhất thế giới 2025 – Việt Nam thăng hạng thứ bao nhiêu?

Top hộ chiếu (passport) quyền lực nhất thế giới 2025 – Việt Nam thăng hạng thứ bao nhiêu?

Đời sống - 1 giờ trước

GĐXH - Trong danh sách các cuốn hộ chiếu quyền lực nhất thế giới do Henley Passport Index công bố, Singapore là quốc gia đứng thứ nhất. Trong khi đó hộ chiếu Việt Nam từ vị trí 91 lên đứng thứ 84 thế giới.

Mưa lớn dồn dập trút xuống miền Bắc khi nào kết thúc?

Mưa lớn dồn dập trút xuống miền Bắc khi nào kết thúc?

Thời sự - 1 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết hôm nay, mưa dông tiếp tục xảy ra ở nhiều khu vực trên cả nước. Trong đó Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ mưa lớn nốt trong ngày hôm nay.

Nước lũ cô lập, người dân xúc động bật khóc khi trực thăng thả lương thực

Nước lũ cô lập, người dân xúc động bật khóc khi trực thăng thả lương thực

Thời sự - 2 giờ trước

Mưa lũ khiến hàng nghìn người dân ở xã miền Tây, tỉnh Nghệ An bị cô lập, thiếu lương thực. Khi thấy trực thăng của quân đội thả lương thực xuống tiếp tế, nhiều người dân xúc động, bật khóc.

Tin sáng 25/7: Bão số 4 di chuyển chậm và suy yếu dần thành áp thấp; Hàng loạt trường ngành Công an công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025

Tin sáng 25/7: Bão số 4 di chuyển chậm và suy yếu dần thành áp thấp; Hàng loạt trường ngành Công an công bố điểm sàn xét tuyển năm 2025

Đời sống - 2 giờ trước

GĐXH - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, từ 4h sáng ngày 26/7 bão số 4 suy yếu dần thành một vùng áp thấp.

Nghi phạm sát hại cô gái sa lưới sau 12 giờ bị cảnh sát truy lùng gắt gao

Nghi phạm sát hại cô gái sa lưới sau 12 giờ bị cảnh sát truy lùng gắt gao

Pháp luật - 10 giờ trước

Sau 12 giờ truy lùng ráo riết, lực lượng cảnh sát ở Đồng Nai đã bắt giữ được nghi phạm đâm chết cô gái trẻ giữa đêm; hiện đang làm rõ động cơ gây án và lấy lời khai đối tượng.

Ngổn ngang cảnh bùn non dày đặc quện nhà cửa, tài sản ở vùng lũ Nghệ An

Ngổn ngang cảnh bùn non dày đặc quện nhà cửa, tài sản ở vùng lũ Nghệ An

Đời sống - 11 giờ trước

Nước lũ ở xã Tương Dương (Nghệ An) vừa rút đi, để lại một khung cảnh ngổn ngang, bùn non dày đặc quện lấy nhà cửa, tài sản.

Hà Nội: Mưa như trút nước, trạm bơm nghìn tỷ hoạt động ra sao?

Hà Nội: Mưa như trút nước, trạm bơm nghìn tỷ hoạt động ra sao?

Đời sống - 13 giờ trước

GĐXH - Ngày 24/7, trận mưa lớn trút xuống nhiều khu vực tại Hà Nội khiến mực nước sông Nhuệ dâng cao, gây áp lực lớn lên hệ thống tiêu thoát nước. Giữa bối cảnh đó, trạm bơm Yên Nghĩa được kỳ vọng giải quyết bài toán úng ngập cho khu vưc phía Tây Thủ đô lại chỉ có thể vận hành cầm chừng vì kênh dẫn nước chưa hoàn thiện.

Phân luồng xe đi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ ngày 26/7

Phân luồng xe đi cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình từ ngày 26/7

Đời sống - 13 giờ trước

Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vừa thông báo thời gian phân luồng, tổ chức giao thông tạm thời tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình (đoạn Km225+900-Km227+500) từ ngày 26/7.

Top