Trận đánh cầu Rạch Chiếc: Người trông xe và phát B40 mở màn
GiadinhNet - "Những ngày này, cầu Rạch Chiếc vang ầm tiếng máy công cụ để gấp rút hoàn thành chiếc cầu mới to đẹp hơn.Những ngày này 35 năm về trước, cầu Rạch Chiếc cũng vang ầm tiếng động, nhưng là tiếng nổ của những phát B40, thủ pháo, lựu đạn"
![]() |
Ông Nguyễn Đức Thọ sinh năm 1955 tại Thanh Hóa, tình nguyện nhập ngũ bằng huyết thư năm 17 tuổi, tham gia trận đánh cầu Rạch Chiếc năm 20 tuổi. Năm 1982 ra quân với hàm trung uý. Hiện trú tại phường 4 (Quận 8, TPHCM), là người trông xe của UBND phường 4 với mức thù lao 600.000đ/tháng. |
Nhấp một ly nước lọc cho giảm nhiệt vì nắng nóng lại cúp điện, người trinh sát kiêm liên lạc C1-Z23 Lữ đoàn đặc công- biệt động 316 hắng giọng: "Lẽ ra đơn vị chúng tôi được huấn luyện (đặc công Hải quân) để đánh chiếm Bộ tư lệnh hải quân ngụy. Nhưng đến giờ chót, ngày 25/4/1975 lại được lệnh huỷ bỏ, tập trung toàn bộ lực lượng cùng với Z22, D81 (đều thuộc Lữ đoàn 316) đánh chiếm giữ cầu Rạch Chiếc đón đại quân vào. Lập tức đồng chí Đỗ Hồng Quang và đồng chí Tư Thinh (Z phó, tham mưu trưởng đơn vị) lên đường trinh sát cầu Rạch Chiếc".
![]() |
Cầu Rạch Chiếc đang được khẩn trương xây dựng để dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2010. |
"Ngay tối 26/4, đơn vị bàn bạc thống nhất chọn phương án đánh cường tập dùng B40-B41 tiêu diệt các hỏa điểm chủ yếu của địch. Toàn bộ lực lượng áp sát mục tiêu đồng loạt dùng thủ pháo, lựu đạn ném vào lô cốt, công sự địch. Tôi còn nhớ rõ sáng 27/4, mỗi người sau khi được trang bị vũ khí tự gói cho mình 16 quả thủ pháo (mỗi quả khoảng 3 lạng thuốc nổ dẻo C4 được kích nổ bằng kíp trong thời gian 3 giây) kèm theo 2 trái lựu đạn. Lúc đó tôi được trang bị một khẩu B40 và 10 trái đạn, một số đồng chí khác được trang bị AK. Mỗi người được mang theo 2 nắm cơm vắt. Đúng 17h ngày 27/4, đồng chí Tư Thinh hạ mệnh lệnh chiến đấu. D81 được phân đánh chiếm giữ đầu cầu phía Nam (hướng Sài Gòn ra), Z22-Z23 thì đánh đầu cầu phía Bắc (hướng Thủ Đức vào). Thiếu uý Nguyễn Đình Trương-Đại đội trưởng chỉ huy tổ 1 được phân chốt giữa ngã 3 đường đất đỏ đánh địch phản kích chi viện".
Nói đến đây, ông Thọ dừng lại như không muốn quên sót một chi tiết nào: "Riêng tôi được phân công bắn phát đạn đầu tiên tiêu diệt tháp canh cao. Tháp bằng khung sắt, tầng trên cùng đắp bao cát, có trang bị đại liên, đèn pha, điện thoại, trên nóc cắm lá cờ 3 sọc, phía dưới là lô cốt nửa chìm nửa nổi. Giờ G là 3h15 sáng 28/4/1975, nhưng đến 23h ngày 27/4 chúng tôi đã tiếp cận hết các mục tiêu. Đến giờ G, tôi nổ quả B40 đầu tiên nhưng lại hụt mục tiêu bởi đứng dưới sình lầy, phía trước là hàng rào kẽm gai, tôi sợ vướng đạn nên nâng cao nòng súng. Địch liền nhả đạn liên hồi. Vừa lúc đó, thượng sĩ Trần Đình Lạc (quê Nghệ An) đứng bên cạnh hô lên "Bắn tiếp Thọ ơi". Tôi liền đứng thẳng dậy nổ phát thứ 2. Lần này trúng ngay góc làm tháp canh sạt đổ. Cột cờ ngã nghiêng. Khẩu đại liên nhả đạn khi nãy im bặt. Tiếng thủ pháo nổ dồn dập".
Chỗ nào nhá lửa thì táp một trái Thọ ơi!
Câu chuyện đang đến hồi gay cấn thì ông Thọ im lặng, ực một ngụm nước lọc. Chợt ông la lớn: "Chỗ nào nhá lửa thì táp cho tao một trái Thọ ơi!” Đó là chiến sĩ Lê Xuân Nguyệt (quê Thanh Hóa) hét lên với tôi. Chỗ nhá lửa tức là công sự địch còn bắn, trong đêm mình chỉ thấy nó nhá lửa liên hồi. Vừa đạp rào xông vào trong, tôi phát hiện một lô cốt chìm. Lúc này có anh Quang (quê Hải Hưng) đi bên cạnh tống một quả thủ pháo vào trong lô cốt. Bị bất ngờ, địch bỏ công sự nhảy cả ra ngoài, riêng công sự này ta bắt sống được 7 tên, nhưng trên đường giải về tuyến sau, chúng lợi dùng địa hình phức tạp tẩu thoát mất 3 tên".
"Trận đánh diễn ra nhanh và thuận lợi nên chúng tôi làm chủ trận địa mà không bị thương vong. Nhưng ngay sau đó, địch dùng đại pháo từ căn cứ Thủ Đức, Cát Lái và từ tàu chiến bắn liên tục đến sáng. Đến khoảng 8h sáng 28/4, địch dùng trực thăng đổ quân kết hợp với bộ binh, xe tăng, tàu chiến phản kích quyết liệt. Nhờ công sự lô cốt, chúng tôi đánh trả dữ dội. Mỗi lần công không thành, địch lại lùi ra dùng pháo bắn phá các chốt giữ của chúng tôi nhưng không thành công vì đây là vùng sình lầy, đạn pháo không phát huy tác dụng. Địch cũng phát hiện điều này nên chuyển sang đạn pháo chụp. Đây là loại đạn nổ trên không, mảnh đạn chụp xuống".
Bản hùng ca cầu Rạch Chiếc
Giọng ông Thọ như lạc hẳn: "Tình hình lúc này hết sức khốc liệt, anh Chiến-quyền C phó, anh Hiểu, anh Thảo đều hy sinh. Anh Thành quyền đại đội trưởng Z22 gãy một chân. Đúng lúc đó địch dùng ca nô lao thẳng vào trận địa. Tôi và các anh em dùng thủ pháo, lụu đạn ném xuống hất tung đám lính và cướp được 2 chiếc ca nô. Chúng tôi đề nghị dùng ca nô đưa anh Thành ra ngoài theo đường sông nhưng anh kiên quyết ở lại chiến đấu cùng anh em. Địch dùng pháo chụp, anh Thành lại gãy luôn chân còn lại. Chúng tôi nhờ Nguyễn Bá Lương cõng anh Thành ra chỗ y tá Mừng và anh Quang. Anh Quang thấy anh Thành oằn người vì đau đớn, không nhịn được bật thành tiếng "anh Thành yên tâm, còn chúng tôi đây", nói rồi dùng B41 bắn thẳng vào đội hình địch. Không ngờ nỗi xúc động của anh Quang khiến địch phát hiện và tập trung hỏa lực bắn vào vị trí khiến cả 3 anh đều hy sinh".
![]() |
Ông Nguyễn Đức Thọ (ngoài cùng bên trái) và các đồng đội lữ đoàn 316. |
Người trông xe nhắm nghiền mắt, nén xúc động: "Lúc này nhiều anh em đã hy sinh, vũ khí lại cạn kiệt, đúng lúc đó chúng tôi nhận được lệnh rút lui ra rừng dừa nước. Trên đường rút, địch cắt đội hình nên nhóm anh Trương, Liễu, Nên, Sơn, Lương, Hạnh, Minh (cùng quê Quảng Xương, Thanh Hóa) bị địch vây đã chiến đấu ngoan cường đến viên đạn cuối cùng. Các anh đều bị địch bắt.
Trước khi bắn, địch còn dùng báng súng đập nát 2 hàm răng các anh. Anh Thất quả cảm chốt chặn để anh em rút lui chiến đấu đến hết đạn bị chúng bắt và chặt làm 2 khúc. Anh Tầm, anh Việt cũng ngoan cường chiến đấu và hy sinh trong đợt này".
"Đến sáng 29/4, chúng tôi mới tập trung lại được. Cả hai đơn vị Z22 và Z23 chỉ còn lại 29 người, kể cả những người bị thương nhẹ nhưng chúng tôi lại nhận lệnh tiếp tục nổ súng để địch không phá cầu Rạch Chiếc. Đúng 5h sáng 30/4/1975, chúng tôi lại nổ súng. Lúc này địch tập trung rất đông tại cầu nhưng chủ yếu là số quân vừa thất trận ở Xuân Lộc, Long Thành nên tinh thần rất hoang mang. Vừa nghe tiếng súng chúng đã hoảng sợ, chống trả yếu ớt. Đến 7h sáng 30/4, lực lượng đi đầu quân đoàn 2 tới cầu Rạch Chiếc. Chúng tôi phấn khởi, mừng không bút nào tả xiết".
Dứt lời kể, ông Thọ ngồi thừ người. Để chiếm giữ cầu Rạch Chiếc, đồng đội của ông ở đơn vị Z22, Z23 đã hy sinh 14 người nhưng chỉ có 9 người được tìm thấy xác và chôn tại trận địa (hiện chỉ có các liệt sĩ Nguyễn Văn Thất, Lê Trọng Việt được quy tập về nghĩa trang liệt sĩ Thủ Đức). Sáng 28/4 này, cựu trung uý Nguyễn Đức Thọ lại nhờ vợ trông xe, còn ông chuẩn bị nhang đèn đến cầu Rạch Chiếc tưởng nhớ đồng đội. Ở đó ông lại đọc cho đồng đội thân yêu những câu thơ mà ông dành tặng họ hàng năm:
" …Với cây cầu, anh vẹn toàn sau trước
Không, anh không thể là chiến sĩ vô danh
Vẫn những cái tên anh Chiến, anh Thành;
Nào là Thất, là Minh, là Nho, là Quang, là Mừng, là Tầm, là Việt…
Những cái tên với bao điều muốn biết
Những cái tên biết mấy yêu thương
Ba mươi lăm năm hoa lửa chiến trường
Giữa cửa ngõ thành đô trước ngày giải phóng…".
Khi Chiến dịch Hồ Chí Minh (tháng 4/1975) đánh tan tuyến phòng thủ Xuân Lộc (Đồng Nai) để quân ta tiến về cửa ngõ Sài Gòn vào Dinh Độc Lập, Bộ chỉ huy của ta xác định có 3 cây cầu quan trọng nằm trên Quốc lộ 1 cần phải được bảo vệ tuyệt đối: Đó là cầu Đồng Nai (bắc từ TP Biên Hòa qua sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (bắc qua vàm Rạch Chiếc nối Thủ Đức với Sài Gòn) và cầu Sài Gòn - cửa ngõ vào nội đô.
Rạch Chiếc là trận đánh mở đường, tạo bàn đạp cho cánh Đông của chiến dịch hoàn thành nhiệm vụ giải phóng Sài Gòn. Hơn 200 chiến sĩ đặc công của ta phải đương đầu với hơn 2.000 lính ngụy. Nhưng trước lòng quả cảm của quân ta, địch đã phải tháo chạy..., cầu Rạch Chiếc được bảo vệ an toàn. Hiện nay, cầu Rạch Chiếc nằm trên Xa lộ Hà Nội nối liền quận 2 và quận 9, công trình giao thông trọng điểm có ý nghĩa quan trọng về giao thông, kinh tế của TPHCM này được khởi công xây dựng mới vào 19/9/2009 với chiều dài gần 550m, chiều rộng 46m. Thái Phương |

Điểm danh những nơi có mưa rất to hôm nay ở khu vực miền Bắc
Thời sự - 38 phút trướcGĐXH - Theo dự báo thời tiết, rãnh thấp kết hợp vùng hội tụ gió trên mực 3000m gây mưa dông mạnh cho vùng núi Bắc Bộ vào sáng nay, có nơi mưa to trên 70mm. Cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm đi kèm.

Tin sáng 15/5: Tin vui cho người lao động bán thời gian từ 1/7; 3 đối tượng sẽ phải chi nhiều tiền khi làm sổ đỏ từ 2026
Xã hội - 38 phút trướcGĐXH - Theo Luật BHXH năm 2024, người lao động bán thời gian sẽ được hưởng trợ cấp ốm đau khi nghỉ việc để điều trị; từ 1/6/2026, bảng giá đất tại các tỉnh thành sẽ được cập nhật hằng năm thay vì 5 năm/lần như trước đây, do đó chi phí làm sổ đỏ sẽ tăng đáng kể.

Học phí các trường kinh tế, cao nhất 230 triệu đồng/năm
Giáo dục - 50 phút trướcCác trường đào tạo ngành Kinh tế công bố mức học phí dự kiến năm học 2025 - 2026, từ 16 - 230 triệu đồng/năm học.

Ghen tuông bộc phát, xuống tay sát hại dã man người tình
Pháp luật - 55 phút trướcDo ghen tuông bộc phát, Nam đã dùng dao sát hại dã man người tình rồi tới cơ quan công an đầu thú.

Cận cảnh cầu vượt 'đắp chiếu' nhiều năm chuẩn bị được giải cứu ở Hà Nội
Đời sống - 13 giờ trướcGĐXH - Sau 5 năm "đắp chiếu" vì vướng giải phóng mặt bằng, dự án cầu vượt nút giao Phạm Tu – tỉnh lộ 70 – Phúc La tại huyện Thanh Trì (TP Hà Nội) sắp được “giải cứu” khi Hà Nội lên kế hoạch thu hồi đất của gần 200 hộ dân trong quý II/2025.

Chế độ trợ cấp một lần đối với sĩ quan quân đội phục viên 2025 được quy định thế nào?
Đời sống - 15 giờ trướcGĐXH - Sĩ quan khi thôi phục vụ tại ngũ được cấp có thẩm quyền quyết định phục viên thì được hưởng chế độ, chính sách gì? Dưới đây là thông tin cụ thể.

Top 10 trường THPT dễ trúng tuyển lớp 10 nhất TP.HCM năm 2025
Giáo dục - 15 giờ trướcDưới đây là top 10 trường THPT dễ trúng tuyển lớp 10 nhất TP.HCM năm 2025, mời phụ huynh học sinh cùng tham khảo.

Con giáp chia tay vận xui đón cơn mưa tài lộc cuối tháng 4 Âm lịch
Đời sống - 16 giờ trướcGĐXH - Hãy xem bạn có nằm trong số những con giáp dưới đây không nhé.

Quảng Bình siết chặt xử lý ‘quái xế’ tại các điểm du lịch
Xã hội - 16 giờ trướcGĐXH - Tình trạng thanh thiếu niên vi phạm giao thông tại các điểm du lịch ở Quảng Bình diễn ra phổ biến, gây mất an toàn và mỹ quan du lịch. Lực lượng chức năng đang tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, góp phần xây dựng hình ảnh một Quảng Bình an toàn, văn minh trong mắt du khách.

Người phụ nữ sinh liền 5 con và tái phạm đặc biệt nguy hiểm ở Phú Quốc
Pháp luật - 17 giờ trướcLợi dụng chính sách nhân đạo, người phụ nữ ở Phú Quốc sinh liền 5 người con, mỗi lần cách nhau dưới 3 năm, nhằm tránh thi hành án.

Miền Bắc chuẩn bị hứng chịu những trận mưa như trút nước, nơi nào là tâm điểm mưa lớn?
Thời sựGĐXH - Theo dự báo thời tiết, từ chiều tối nay trên cả nước nhiều nơi có mưa dông. Trong đó Bắc Bộ mưa dông gia tăng, khu vực vùng núi là tâm điểm mưa lớn. Cần đề phòng hiện tượng lốc sét và gió giật mạnh đi kèm.