Vợ chồng tôi lấy nhau khi mới quen và yêu đương vẻn vẹn có 4 tháng. Thời gian tìm hiểu rất ít, số lần đi chơi chung cũng không nhiều nên cả hai chưa hiểu lắm về tính cách của nhau đã vội vàng bước vào hôn nhân.
Gia đình chồng tôi quê gốc miền Trung nhưng chuyển ra Hà Nội khi anh còn bé và làm nên tất cả từ hai bàn tay trắng. Đến khi tôi về làm dâu, gia đình chồng đã rất khá giả và có mọi thứ nhưng vẫn giữ thói quen tiết kiệm từng li từng tí.
Cả nhà chồng không vứt đi bất cứ thứ gì, đồ ăn thừa hôm nay cất sang hôm sau, kể cả rau. Rau muống luộc còn dư cũng cất trong tủ lạnh để bữa sau xào. Chẳng bao giờ họ biết đi du lịch là gì, trừ khi phải về quê thăm họ hàng khi có dịp giỗ, tết.
Anh luôn quay quắt với việc tiêu pha sao cho tiết kiệm. Ảnh minh họa.
Cũng có lẽ vì lớn lên trong điều kiện như thế mà chồng tôi cũng rất tiết kiệm. Anh không bao giờ muốn mua quần áo mới, mặc đến khi cũ sờn hỏng mới vứt đi, không thích đi ăn nhà hàng, chỉ quanh quẩn ăn uống ở nhà, chi tiêu cũng rất chặt chẽ. Bình thường cuối tuần anh cũng không thích đưa vợ con đi chơi đâu cả, bảo chỉ ở nhà sinh hoạt với nhau là được rồi.
Còn tôi thì vốn sinh ra trong một gia đình khá giả, mẹ lại kinh doanh, kiếm được nhiều tiền và tiêu xài rất hoang phí nên cũng bị nhiễm thói quen của mẹ từ sớm. Mẹ tôi luôn quan niệm phải hưởng thụ trong khả năng của mình, nghĩa là bao nhiêu món ngon bà đều mua, rồi đi chơi du lịch suốt ngày.
Chính vì vậy, vợ chồng tôi khi về chung sống rất lệch pha trong cách sống và tiêu tiền. Chồng tôi suốt ngày phàn nàn, cho rằng tôi không biết cách kiểm soát tiền bạc, lúc nào cũng ngăn tôi mua thứ này, thứ kia hoặc đi chơi ở đâu đó. Dù chồng tôi nói có lý nhưng tôi lại luôn gân cổ lên cãi, tôi cho rằng chồng tôi tiết kiệm, ki bo, kẹt xỉn với cả vợ con.
"Chiến tranh" của chúng tôi cứ liên miên xảy ra chỉ vì cách chi tiêu. Ảnh minh họa.
Có lúc tôi cũng muốn sống theo kiểu tằn tiện, nhưng dù đã cố gắng tiết kiệm hơn tôi vẫn không kiềm chế được sở thích của mình. Tôi thấy bạn bè khoe hình đi du lịch là tôi cũng nóng lòng đòi đi, anh đành chiều tôi trong bực bội. Thấy áo quần sale giảm giá là tôi lại tấp xe vào tha về. Tôi cũng sợ thực phẩm bẩn nên cứ mua thực phẩm sạch trên mạng dù giá cao đến nỗi bỏ cả thói quen đi chợ... Tôi nghĩ, mình làm ra tiền thì không tội gì lại không tận hưởng một chút để sống vui vẻ, hạnh phúc hơn cả.
Rồi cứ thế, tiền bạc hao hụt, vợ chồng hục hặc, việc nọ chồng việc kia, mâu thuẫn dày lên và vợ chồng tôi dần trở nên xa cách, dẫn đến có khe hở cho người thứ ba chen vào. Chồng tôi có người khác và đề nghị ly hôn với tôi.
Tôi cũng chấp nhận vì biết rõ sự khác biệt quá lớn. Tình yêu vốn không nhiều lại ngày càng mai một đi, đến mức không còn tình cảm gì nữa.
Lúc ấy tôi không nghĩ gì nhiều, nhưng ly hôn xong rồi, một mình tôi xoay xở với hai con tôi mới tiết kiệm cần thiết thế nào. Chỉ cần mỗi thứ một chút là mình đã dư ra khá nhiều. Và cũng có những cách để tiết kiệm thông minh để cuộc sống của mình vẫn dễ chịu.... Tôi thấy tiếc nuối, hối hận vì mình đã không biết cách lắng nghe, vun vén và điều chỉnh để cả hai xích lại gần nhau hơn. Nếu khéo léo hơn có lẽ tôi đã không để mọi chuyện tồi tệ đến thế này.
Bây giờ thì tôi đã thay đổi khá nhiều, đa phần theo hướng chồng đã từng mong muốn và tôi vẫn thấy dễ chịu. Tôi tin, 3 mẹ con tôi rồi sẽ ổn. Tôi chỉ mong khi chia sẻ câu chuyện của mình sẽ tiếp thêm động lực để các chị em khác biết vun vén, trân trọng tổ ấm của mình hơn. Bỏ đi một chút cái tôi không có gì là quá ghê gớm đâu, đừng để hối hận muộn màng như tôi.
Theo Hoài Giang/PNO