Huyện Quan Sơn, Thanh Hóa: Cuộc sống biệt lập “3 không” của bản người Mông
GiadinhNet - Đã đi nhiều nơi, chứng kiến nhiều bản làng đặc biệt khó khăn nhưng khi đến bản Mùa Xuân (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn, Thanh Hóa), chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi khó khăn của người dân nơi đây. Cuộc sống của họ đang bị níu kéo bởi không điện, không đường, không trạm…
Bản Mùa Xuân với cuộc sống biệt lập không đường, không điện, không trạm… Ảnh: Gia Hân
Gian nan con đường ngược bản
Ở vùng sâu của tỉnh Thanh Hoá, đường đi khó khăn, hiểm trở… bản Mùa Xuân (xã Sơn Thuỷ, huyện Quan Sơn) là nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Mông. Một cán bộ xã Sơn Thủy chia sẻ: "Trời mưa rả rích thế này, đường rất trơn. Chúng tôi vào còn khó, các anh có vào được không?".
Trong mưa gió và cái lạnh của miền sơn cước, chúng tôi vội lên đường với những đồ nghề nhẹ nhàng nhất. Con đường lên bản nhỏ như sợi chỉ vắt lưng chừng núi, cứ gập ghềnh, khúc khuỷu, trơn tuột… khiến chiếc xe gắn máy mới chạy được mươi cây số đã phải dừng, không thể cựa, lết. Đất núi quánh lại, bám chặt vào hai hốc bánh xe, anh em phải thay nhau bẻ cây rừng khều đất. Cũng may, những lúc như thế này, chúng tôi mới có phút tranh thủ hít thật sâu rồi thở dài mà lấy lại sức đi tiếp.
Chỉ khoảng 16km từ trung tâm xã lên bản, nhưng chúng tôi cũng mất hơn nửa ngày trời. Từ trên đỉnh núi cao phóng tầm mắt về trước là những mái nhà lợp gỗ thấp lè tè, cũ kỹ, hiện rõ sự nghèo khó. Bản Mùa Xuân gần như nằm lọt thỏm trong thung lũng, xung quanh là những đỉnh núi cao ngút.
Một người đàn ông chừng 40 tuổi dáng nhỏ thó (sau này chúng tôi mới được biết là Trưởng bản Thao Văn Dia) tiến lại gần hỏi: "Các anh đi "phượt" hay nhà báo?". Thắc mắc của vị Trưởng bản này đã thành thói quen. Những người đến với bà con nơi đây, ngoài cán bộ đã quen thuộc thì chỉ có hai trường hợp, đó là: Những người trẻ đi "phượt", hoặc những phóng viên lên viết bài.
Trưởng bản Thao Văn Dia tấm tắc: "Các anh đi hôm mưa gió mà giờ này có mặt ở đây là đôi chân cứng như dân bản rồi đấy. Con đường vào bản khó lắm, đi xe máy phải có người đẩy sau mới lên được. Trời mưa, đường lầy lội, trơn trượt không cẩn thận sẽ trượt xuống dưới vách núi, bỏ mạng chẳng chơi…".
Con đường lên các bản Mông chỉ là những lối đi nhỏ ngược biên.
Trước giờ cơm, trong nếp nhà cũ thấp đầu gần như chạm mái hiên của gia đình Trưởng bản Thao Văn Dia, chúng tôi được biết, cả bản Mùa Xuân có 113 hộ dân thì 100% đều là hộ nghèo. Do giao thông cách trở nên giao thương với bên ngoài bị hạn chế. Học sinh không mặn mà với việc đến trường do đi lại khó khăn. Việc không đường, không điện lưới… khiến cho cuộc sống của người dân gần như biệt lập với thế giới hiện đại bên ngoài.
Khi biết chúng tôi là PV Báo Gia đình & Xã hội (cơ quan ngôn luận của Tổng cục Dân số, Bộ Y tế), Trưởng bản Thao Văn Dia khoe anh từng có nhiều năm là cộng tác viên dân số. Trước kia, mỗi gia đình ở đây đẻ 5-6 con là chuyện thường tình. Thậm chí có gia đình sinh đến 11 con nên chỉ vài năm lại có thêm một bản mới. Từ khi cán bộ dân số ở huyện, xã về tổ chức những buổi tuyên truyền kế hoạch hóa gia đình, đồng thời phát tờ rơi, tổ chức các buổi sinh hoạt văn nghệ với chủ đề dân số… thì đến nay, dân bản đã nhận thức được tác hại của việc đông con nên người dân bây giờ sinh ít lắm.
Trưởng bản Dia trầm ngâm: "Cái khó của người làm công tác dân số miền núi không chỉ là giảm mức sinh đâu. Cán bộ dân số ở trên về nói nhiều nên bọn mình cũng hiểu: Đó là chất lượng cuộc sống của người dân thế nào? Trẻ em sinh ra có được ăn no mặc ấm, học hành đầy đủ không?... Bên cạnh đó, nếu có đường, việc giao thương sẽ thuận lợi, nông sản, vật nuôi có thể đem bán và người dân sẽ mua được những sản phẩm mình cần".
Mong mỏi một con đường
Những đứa trẻ bản Mùa Xuân lớn lên trong nghèo khó.
Xế chiều, trời nhập nhoạng cũng là lúc nhiệt độ ở bản Mông này lạnh hơn. Những ánh đèn dầu leo lét chập chờn từ các gia đình trong bản. Bữa cơm dọn ra, lướt mắt nhìn qua cũng biết đây là mâm cơm đãi khách: Một đĩa nhái chiên, bát canh cá nòng nọc nấu chuối và thịt lợn gác bếp. Trưởng bản Dia tâm sự, cuộc sống của người dân bản Mông còn nhiều khó khăn. Ngày trước, người dân trong bản ở không cố định do tập du canh, du cư. Mãi về sau này, những chính sách, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước thì bà con dần bỏ đi những tập tục trên. Tuy nhiên, sự lựa chọn định cư ở những vùng đồi núi cao đang khiến cho việc phát triển kinh tế, xã hội trở nên khó khăn hơn.
Ngoài giao thông chưa được thông suốt thì những nhu cầu thiết yếu như trạm y tế, điện lưới, truyền hình… ở bản cũng là những mong mỏi của bà con chưa biết bao giờ mới được khỏa lấp. Về mặt sinh kế, những năm qua, người dân thường xuyên được cấp giống ngô, lúa… nhờ vậy mà nhiều gia đình đã không còn trông chờ gạo cứu đói. Tuy nhiên, canh tác lạc hậu nên năng suất thấp, chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp. Người dân cũng trồng số loại nông sản như ngô, sắn… hay cây lấy gỗ (xoan, tràm…) nhưng giao thông khó khăn nên việc bán buôn là điều không thể.
Vất vả nhất theo Trưởng bản Dia, đó là những khi người dân đau ốm, sinh đẻ… phải cáng võng đi bộ xuống trung tâm xã. Chưa tới Trạm Y tế xã đã đẻ là chuyện thường tình. Rồi những cô giáo cắm bản, từng ngày đi vận động học sinh tới trường học con chữ, lên được với bản cả tháng chẳng dám xuôi vì đường khó. Nỗ lực là vậy, nhưng rồi thực tiễn cuộc sống khiến cho nhiều học sinh chưa học hết cấp đã bỏ đi làm, chưa đủ tuổi kết hôn đã có con bồng con bế…
Và nhiều nữa những khó khăn, bất cập được Trưởng bản Dia bày tỏ sau bữa cơm chiều. Xoay đi xoay lại cũng vẫn chỉ là những mong mỏi về một con đường, trạm điện… Chúng tôi trò chuyện với Trưởng bản Dia bên bếp lửa bập bùng gần như cả đêm để nghe những sẻ chia của ông về nỗi khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.
Chia tay bản Mùa Xuân, chia tay những tình cảm mến yêu của người dân nơi đây, chúng tôi không khỏi bồi hồi. Tiễn chúng tôi ra tận đầu bản, Trưởng bản Dia nhắn nhủ: "Nhà báo giúp dân, nói lên những nguyện vọng chính đáng của chúng tôi nhé".
Trao đổi với PV về những khó khăn mà người dân bản Mùa Xuân đang phải đối diện, ông Vũ Văn Đạt - Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn cho biết, huyện đã có kế hoạch xây dựng tuyến đường lên bản Mùa Xuân. Theo đó, UBND huyện đã trình và xin chủ trương xây tuyến đường từ bản Ché Lầu (xã Na Mèo) đi bản Xía Nọi, Mùa Xuân (xã Sơn Thủy). Ngoài ra, từ bản Xía Nọi xuống bản Khà, trung tâm xã Sơn Thủy cũng đang được UBND huyện trình xin chấp thuận chủ trương từ nguồn vốn trung hạn 2021-2025. "Nếu sớm được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì về cơ bản, hệ thống giao thông sẽ được giải quyết", ông Đạt chia sẻ.
Về điện lưới, ông Đạt cho biết, hai bản Mùa Xuân và Xía Nọi đã được đưa vào danh sách đầu tư của Chính phủ. Tuy nhiên, nguồn vốn này cũng đang chậm, UBND huyện Quan Sơn tiếp tục đề nghị giải ngân nguồn vốn này.
"Còn vấn đề sinh kế cho bà con phát triển, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt đề án định canh, định cư cho đồng bào Mông do Ban Dân tộc tỉnh làm chủ đầu tư. Hiện đang triển khai một số hoạt động hỗ trợ như: Hỗ trợ nông cụ, giống má… Riêng huyện Quan Sơn còn nhiều khó khăn nên chủ yếu đầu tư theo chính sách khai hoang phục hóa ruộng đất cho bà con. Huyện cũng đang cân đối làm hệ thống thủy lợi, đường nước cho bà con có nước tưới tiêu và một chuyên đề, tiến hành rà soát lại toàn bộ quỹ đất đai của 3 bản người Mông để có định hướng hợp lý cho bà con nâng cao thu nhập, tạo việc làm", ông Đạt thông tin.
Gia Hân
Điểm mới trong kì thi đánh giá năng lực của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội
Giáo dục - 2 phút trướcThêm địa điểm, tăng thời gian tổ chức... là những điểm mới tại kì thi đánh giá độc lập do Trường Đại học Sư phạm Hà Nội tổ chức năm 2025.
Khẩn trương tìm kiếm Chủ tịch Hội nông dân xã mất liên lạc
Xã hội - 25 phút trướcGĐXH - Hơn 30 người gồm lực lượng của xã cùng sự hỗ trợ của lực lượng chức năng huyện đang tìm kiếm ông P. tại khu vực bờ sông nhưng đến sáng 22/11 vẫn chưa có kết quả.
Tiếp tay cho người nước ngoài cư trú bất hợp pháp, nữ idol livestream lãnh 2 năm 6 tháng tù
Pháp luật - 1 giờ trướcThông qua việc là idol trên mạng xã hội Douyin, Nguyễn Thùy Dương quen Zheng Ren Gui rồi tiếp tay cho người này phạm pháp.
Công an bắt quả tang nhóm khách cùng nữ tiếp viên quán karaoke bay lắc
Pháp luật - 1 giờ trướcVào quán karaoke để hát nhưng chưa đủ độ "phê" nên các đối tượng mua ma túy về bay lắc cùng các nữ tiếp viên của quán.
Sinh viên trộm xe ôtô của nữ giảng viên trong ngày 20-11
Pháp luật - 2 giờ trướcNgày 20-11, để ôtô trong khuôn viên trường đại học, một cô giáo bị sinh viên lấy trộm xe
Quy định mới nhất về khám sức khỏe với lái xe từ 1/1/2025, nhiều điểm mới người dân lưu ý gì?
Đời sống - 2 giờ trướcGĐXH - Theo dự thảo Thông tư về tiêu chuẩn sức khỏe và việc khám sức khỏe cho người lái xe đang được Bộ Y tế xây dựng, từ ngày 1/1/2025 sẽ có nhiều điểm mới.
Năm 2024, ngành Y học chính thức có 3 giáo sư và 68 phó giáo sư được công nhận
Giáo dục - 3 giờ trướcHội đồng Giáo sư Nhà nước vừa chính thức công nhận đạt chuẩn chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2024 cho 614 nhà giáo.
Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường
Thời sự - 3 giờ trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.
Tin sáng 22/11: Thông tin mới nhất vụ 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích ở Huế; 3 nữ sinh đánh gãy đốt sống cổ bạn cùng trường bị đình chỉ học
Xã hội - 3 giờ trướcGĐXH - Xe chở rác rơi xuống sông được trục vớt thành công. Tuy nhiên, công tác tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích vẫn chưa có kết quả; hội đồng kỷ luật đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với một số học sinh liên quan tới vụ nữ sinh lớp 11 bị đánh hội đồng, gãy đốt sống cổ.
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 4 giờ trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắt giữ đối tượng trộm cắp cà phê ở Lâm Đồng
Pháp luậtGĐXH - Công an huyện Đức Trọng (Lâm Đồng) đã bắt đối tượng Lưu Xuân Kiên (1997, quê huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) để điều tra về hành vi trộm cắp tài sản.