Những thi phẩm hay về tháng Tư lịch sử
GiadinhNet -
Nếu không có Ngày Ba mươi tháng Tư
Đinh Thị Thu Vân
Đừng trách gì nhé anh, hãy nghe em kể hết
Những nghĩ suy nông nổi của một thời
Những trống trải không cách gì xua đuổi
Nếu không có ngày Ba mươi tháng tư
Nếu không có ngày Ba mươi tháng tư
Em giờ vẫn như thuở nào, sợ tay mình lấm đất
Sẽ không biết tự khuyên mình những lời nghiêm khắc nhất
Không một lần dám sống hy sinh
Và giữa dòng người cuộc sống gấp bon chen
Em đâu biết tin ai một điều gì tuyệt đối
Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối
Còn nửa tim kia đành giữ lại… để nghi ngờ
Em sẽ không hề nghĩ đến mầm cây khi nhìn những giọt mưa
Có thể rồi sẽ quên cả màu của lúa
Quên bài địa lý quê hương, những miền nào đất đen, đất đỏ
Sẽ nhọc nhằn khi định nghĩa chữ “dòng kênh”
Sẽ… rất nhiều, anh hiểu phải không anh
Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ
Con ốc đa nghi cuộn mình trong lớp vỏ
Sống vô tình mà ngỡ sống thông minh
Anh có lạ lùng khi em nói em ghen
Với quá khứ anh, những tháng ngày đánh Mỹ
Em ghen với mắt nhìn tự tin, với nói cười thoải mái
Ghen với những say mê em chưa có một lần
Em ghen với bạn bè anh, ghen với những tâm hồn
Từ dạo ấy tháng tư giải phóng
Để rồi anh đi, cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng
Những khát vọng, tin yêu em đã gặp chính mình
Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm
Lòng vẫn nghĩ: tháng tư làm nhân chứng
Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn
Làm thế nào em có thể đền ơn!
Tháng tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn
Long An, 30/4/1981
Lời bình của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
Nhà thơ Đinh Thị Thu Vân quê ở Long An và với “Nếu không có ngày Ba mươi tháng tư”, chị chọn cho mình lối tự sự chân thành nhưng cũng rất dịu dàng cá tính. Với giọng “kể” thơ này, nếu tình cảm không thật, không nồng hậu sẽ dễ bị “trượt” ra khỏi đường ray tâm hồn. Đầu tàu của trái tim đa cảm, nhiều thổn thức, tự bộc bạch khao khát được chia sẻ của nữ thi sĩ đã đi về tới đích của bến đỗ yêu thương, của niềm tin day dứt, của: “Tháng tư ơi xin đẹp mãi tâm hồn”.
Nếu như nhiều người viết về Ba mươi tháng tư bằng những nhịp thơ hào hùng với khí thế người chiến thắng, đan cài bao hình ảnh, sự kiện của cuộc chiến đầy khói bom súng đạn, thì Đinh Thị Thu Vân để lắng lại một khoảng thời gian với nhiều trải nghiệm đến ngày 30/4/1981, chị mới viết về những chấn động của tâm hồn mình. Sự kiện 30/4 như một cái cớ để con tim “nông nổi” nhưng không “nông cạn” một thời của chị cuộn lên bao ký ức và bao dự cảm tương lai với những câu thơ trải lòng da diết. Có không ít quặn thắt và khát khao để hướng tới những gì tốt đẹp, để xứng đáng với ngày 30/4 lịch sử. Chị viết: “Nếu không có ngày Ba mươi tháng tư” thì em: “Không một lần dám sống hy sinh” rồi: “Em sẽ đến với tình yêu bằng nửa trái tim yếu đuối – Còn nửa kia đành giữ lại… để nghi ngờ” và: “Có thể rồi quên cả màu của lúa – Quên bài địa lý quê hương những miền nào đất đen, đất đỏ”… Tất thảy với những tự vấn thảng thốt và đầy trực cảm: “Ngày tháng trước em là con ốc nhỏ - Con ốc đa nghi cuộn mình trong vỏ” đã hiện lên chân dung của một nữ thi sĩ mảnh mai có chút gì yếu đuối nhưng rất thật lòng. Thơ chính là sự chắt lọc của tâm hồn, và sự kiện ngày 30/4 đã thanh lọc lại tâm hồn, lối nghĩ, cách sống.
Bài thơ tựa như có hai đoạn, hai cung bậc tâm trạng từ tự vấn đến tự tình, từ day dứt đến giải thoát. Tôi thích những câu thơ đầy nữ tính và cũng đầy cảm thông chia sẻ của một tâm hồn thật đa cảm khi chỉ viết về “ghen”: “Anh có lạ lùng khi em nói em ghen/ Với quá khứ anh những tháng ngày đánh Mỹ”. “Ghen” là thuộc tính tình cảm thường trực của người phụ nữ: có yêu mới ghen. Ở đây chị ghen: “Em ghen với ánh mắt nhìn tự tin với nụ cười thoải mái/ Ghen với những say mê em chưa có một lần/ Em ghen với bạn bè anh, ghen với những tâm hồn” thì cung bậc của ghen thật đẹp và cao cả biết bao. Đây cũng là trường hợp rất hiếm, đột biến “ghen” trong thơ tình từ trước tới nay. Chính cái chất thăng hoa giàu chất nhân văn ấy đã chắp cánh cho thơ chị bay lên từ cuộc sống đời thường dung dị đến gần lại với vẻ đẹp lý tưởng, khao khát hướng thiện của con người. Để: “Từ dạo ấy tháng tư giải phóng” chị như: “Cái vỏ ốc bỗng vỡ tan dễ dàng như bong bóng/ Những khát vọng tin yêu em đã gặp chính mình”. Từ hướng ngoại đến hướng nội, con đường của thi ca đã góp phần lay thức, hoàn thiện nhân cách của một con người.
Tuy không viết trực diện về Ngày đại thắng 30/4, không có khói bom và súng đạn, nhưng những diễn biến của một hành trình sống và trải nghiệm, Đinh Thị Thu Vân đã làm được một công việc đầy khó khăn đó là những va chấn của sự kiện lịch sử, âm hưởng của nó vẫn còn vang vọng mãi đến mai sau. Không chỉ thay đổi cả một đời sống dân tộc từ chiến tranh sang hòa bình mà còn “lột xác” được cả cá thể của một con người.
Kết thúc bài thơ là một lời chia sẻ tâm tình, bởi chị đã: “Em đổi những bé mọn của tâm hồn lấy lắm ngọt êm/ Lòng vẫn nghĩ tháng tư làm nhân chứng/ Ôi nhân chứng bao dung, nhân chứng vô cùng người lớn/ Làm thế nào em có thể đền ơn!”. Vâng, tháng tư như một con người, cá thể không chỉ là một nhân chứng lịch sử mà còn là nhân chứng cuộc đời. Và tôi cứ nghĩ bài thơ này chị có thể viết ra khi gặp một biến cố nào đó trong cuộc đời chăng? Và ngày 30/4 là cứu cánh, là điểm tựa, là hy vọng, và chúng ta làm thế nào có thể đền ơn được với những mất mát hy sinh của biết bao đồng đội để có một ngày 30/4 trọn vẹn trong đời…

Hoa loa kèn
Mai Nam Thắng
Người nép bên hoa đã thành vĩnh cửu
Người chia tay hoa đã hóa vô danh
Hoa cánh rừng sốt rét tái xanh…
Hoa vầng trăng hạ tuần ối đỏ!
Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ
Trắng kiêu sa lộng lẫy Hà Thành
Trắng tinh khôi lời hẹn hò thứ nhất
Trắng dịu dàng năm cánh mỏng xinh…
Và tháng Tư hồi âm
Mùa hoa nâng những bước chân thần tốc
Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức
Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa…
Sớm mai này tháng Tư
Chị lặng lẽ thắp hoa
Sau hương khói nụ cười nhói trắng!
Lời bình của nhà thơ Phạm Đình Ân
Từ nhiều năm qua, sự kiện Đại thắng mùa xuân năm 1975 đưa đến kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành lại toàn vẹn non sông Tổ quốc-trong đó có một ngày cuối cùng là ngày 30 tháng Tư rực rỡ nắng, cờ đỏ sao vàng và hoa-đã trở thành một đề tài lớn, với nội dung rất phong phú, lôi cuốn giới sáng tác văn học, nghệ thuật. Đã có nhiều bài thơ viết về ngày toàn thắng 30 tháng Tư, trong đó có không ít những tác phẩm xuất sắc. Độc giả hẳn chưa quên bài thơ “Nếu không có Ngày Ba mươi tháng Tư” của nhà thơ Đinh Thị Thu Vân, từng được coi là bài thơ hay và thuộc số những bài thơ đầu tiên về sự kiện trọng đại trên đây; hoặc như bài thơ “Bữa cơm chiều trong Dinh Độc Lập” của nhà thơ Hữu Thỉnh, một người lính đã tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh mùa Xuân năm 1975…
Cũng viết về ngày 30 tháng Tư, nhưng nhà thơ áo lính Mai Nam Thắng có cách nói riêng. Bài thơ Hoa loa kèn nói đến hoa và người con gái. Cả hoa và người đã có mặt trước, trong và sau tháng Tư cho đến hiện nay. Không chỉ là ngày 30, mà đây là tháng Tư ngày đã chuyển thành tháng, tháng đã chuyển thành biểu tượng, kẹp đôi với biểu tượng hoa.
Một bên là thời gian - thời điểm và hoa thuộc phạm trù thiên nhiên, ngoại cảnh. Một bên là con người. “Người nép bên hoa đã thành vĩnh cửu/ Người chia tay đã hóa vô danh… Hoa của ngày xưa, người của hôm qua. Cả hai đã hóa thân vào thiên nhiên đất nước trong chiến tranh: Hóa cánh rừng sốt rét tái xanh/ Hóa vầng trăng hạ tuần ối đỏ…”.
Ở khổ thơ đầu tiên, hai câu thơ trên nêu ra một sự việc đã trở thành quá khứ. Đột ngột hai câu sau, cái quá khứ của hoa, của người trở về trong hiện tại. Họ trở về một cách khốc liệt, hào hùng…
Bài thơ tiếp tục được triển khai, độc giả được tiếp cận một không gian và thời gian cụ thể về hiển ngôn mà không cụ thể về hàm ngôn. Cái còn lại, tức là cái đang hiện hữu, lại vẫn chính là cái hôm qua, cái có trước ngày 30 tháng tư: “Chỉ còn lại tháng Tư thiếu nữ/ Trắng kiêu sa lộng lẫy Hà Thành/ Trắng tinh khôi lời hẹn hò thứ nhất/Trắng dịu dàng năm cánh mỏng manh…”. Hôm qua là hôm nay và ngược lại. Thời gian làm nên cái vĩnh cửu. Tất cả mọi tháng đều là tháng Tư. Tất cả những người con gái đã mất người yêu, người chồng do chiến tranh, vẫn đang là những người con gái ngày ấy. Giá trị thuộc về vĩnh cửu!
Như lời nhận xét của nhà phê bình Đoàn Minh Tâm về bài thơ này: “Hoa loa kèn chỉ nở vào tháng tư, tháng của cuộc hành quân thần tốc lịch sử, tháng của bản hùng ca bất tử và cũng là tháng của những mất mát, hy sinh”… Vì vậy, dẫu có thế nào đi nữa, nhà thơ Mai Nam Thắng vẫn không thể không viết: “Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức/ Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa”… Sự mất mát, hy sinh to lớn là có thật. Cái bi hùng càng là hiển nhiên. Nhưng vượt lên trên tất cả là hoa, là cái đẹp của người thiếu nữ như hoa buổi đầu hẹn ước: dịu dàng, trong trắng, tinh khôi.
Thiếu nữ ngày ấy khi kết thúc bài thơ, đã hiện ra không còn là thiếu nữ nữa mà là “chị” - một người phụ nữ trong hiện tại: “Sớm mai này tháng Tư/ Chị lặng lẽ thắp hoa/ Sau hương khói nụ cười nhói trắng”... Thắp hoa? Đúng vậy! Hoa cùng hương. Hương hoa và hương khói. Mấy chữ ở đầu bài thơ là “nép bên hoa”, mấy chữ kết thúc bài thơ là “nụ cười nhói trắng”. Phải chăng, đến hôm nay, niềm xót đau đã tiêu tan, chỉ còn lại niềm vui? Không phải thế! Chỉ hai câu thôi: “Mùa hoa dâng bản hùng ca náo nức/ Riêng những nốt trầm tê tái rụng về hoa”… đã cho thấy sự việc diễn ra nghịch lý biết nhường nào, buốt xót đến bao nhiêu! Ngay cả “thắp hoa” cũng là nghịch lý khi khép lại bài thơ.
Tuy nhiên, nỗi đau xót của những số phận riêng lẻ nếu được đẩy đến tận cùng chăng nữa, thì vẫn có thể sẽ giảm đi rất nhiều trước chiến thắng lẫy lừng đã cứu được cả một đất nước, cứu được cả một dân tộc. Sau hương khói nụ cười nhói trắng là như vậy. Xin lưu ý ở đây là “nụ-cười-nhói-trắng”. Nhói đi ngược lại nụ cười và màu trắng, tức là trái ngược với niềm vui.
Trên cơ sở một tứ thơ ảo diệu, bài thơ “Hoa loa kèn” đã vẽ lên một bức tranh đời sống, bức tranh tâm hồn bằng một xúc cảm tinh tế, với một nét bút tài hoa...

105 tác phẩm kể chuyện sau ngày thống nhất tại TP.HCM
Giải trí - 10 giờ trướcTriển lãm giới thiệu 105 tác phẩm, bao gồm: Tranh, tượng, ký họa được tuyển chọn từ kho lưu trữ của Bảo tàng và sáng tác của các nghệ sĩ thuộc Câu lạc bộ Truyền thống Mỹ thuật Giải phóng.

Món quà đặc biệt của nhạc sĩ Sa Huỳnh nhân ngày sinh nhật Bác
Giải trí - 10 giờ trướcNhân kỷ niệm 135 năm ngày sinh nhật Bác, nhạc sĩ Sa Huỳnh đã gửi tặng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh bản độc tấu piano mang tên “Khúc tre thương nhớ Bác Hồ”.

Con gái 4 tuổi của Bảo Thanh gây chú ý với bộ đồ đơn giản trong lần đầu tổ chức sinh nhật
Giải trí - 10 giờ trướcGĐXH - Con gái 4 tuổi của diễn viên Bảo Thanh gây chú ý khi lần đầu tiên được bố mẹ tổ chức sinh nhật.

Hoa hậu Việt Nam quê Đà Nẵng vượt mặt dàn mỹ nhân thế giới nhận tin vui
Giải trí - 11 giờ trướcGĐXH - Miss International Huỳnh Thị Thanh Thủy "vượt mặt" nhiều mỹ nhân thế giới vào top 6 Timeless Beauty 2024 (Nhan sắc vượt thời gian).

Hoa hậu quê Nam Định sở hữu 2 vương miện giờ tận hưởng cuộc sống ra sao ở tuổi 29?
Giải trí - 12 giờ trướcGĐXH - Kỳ Duyên quê Nam Định, là người đẹp sở hữu vương miện danh giá của 2 cuộc thi nhan sắc lớn nhất ở Việt Nam. Hiện tại, ở tuổi 29, người đẹp Thành Nam có cuộc sống vạn người mơ.

Doanh nhân Đỗ Quang Vinh có cuộc sống như thế nào trước khi có thêm con?
Giải trí - 14 giờ trướcGĐXH - Doanh nhân Đỗ Quang Vinh - anh chồng Đỗ Mỹ Linh mới đây đã có thêm con ở Mỹ. Trước khi có tin vui, cuộc sống của anh ra sao?

Điều bất ngờ về diễn viên đẹp trai như 'nam thần Hàn Quốc' trong phim 'Cha tôi, người ở lại'
Giải trí - 14 giờ trướcGĐXH - Diễn viên Thái Vũ đã đảm nhận tốt vai diễn của mình trong phim "Cha tôi, người ở lại" phát sóng trên kênh VTV3.

Vai phụ của NSND Công Lý
Giải trí - 14 giờ trướcSau bạo bệnh, NSND Công Lý chưa thể đảm nhận những vai có nhiều lời thoại. Anh chủ yếu diễn xuất bằng ánh mắt, biểu cảm trên khuôn mặt. Trong "Cha tôi, người ở lại", vai phụ của NSND Công Lý dù ít thời lượng lên hình nhưng vẫn nhận nhiều lời khen.

Biểu cảm hài hước của bé Thị Tằm nhà Thu Quỳnh khi chính thức 'có tuổi'
Giải trí - 15 giờ trướcGĐXH - Thu Quỳnh chia sẻ khoảnh khắc con gái Thị Tằm tròn 1 tuổi, nét biểu cảm hài hước đáng yêu khiến fan thích thú.

Sau Cha tôi người ở lại, Lương Thu Trang tiếp tục 'chiếm sóng' giờ vàng VTV trong Dịu dàng màu nắng
Xem - nghe - đọc - 17 giờ trướcGĐXH - Ngay sau khi "Cha tôi người ở lại" kết thúc, Lương Thu Trang tiếp tục vào vai chính phim "Dịu dàng màu nắng" phát sóng trên VTV1.

Chủ tịch ACB và doanh nhân Cường 'Đô la' vào chúc mừng doanh nhân Đỗ Quang Vinh lần nữa lên chức bố
Giải tríGĐXH - Doanh nhân Đỗ Quang Vinh mới đây chia sẻ niềm vui được lên chức bố lần thứ 2. Sau dòng thông báo, anh nhận được lời chúc từ nhiều doanh nhân nổi tiếng như Chủ tịch ACB Trần Hùng Huy hay đại gia phố núi Cường "Đô la".