Thước phim xúc động của “phóng viên đặc biệt” ở điểm dịch Bệnh viện K
GiadinhNet - Theo kế hoạch, chiều 7/5, BS Nguyễn Bá Tĩnh sẽ làm người dẫn chương trình cho buổi livestream “Đồng hành với bệnh nhân ung thư an toàn vượt qua mùa dịch”. Nhưng kế hoạch đó buộc phải dừng lại. Sáng 7/5, Bệnh viện K phải phong tỏa do có 10 ca nghi mắc COVID-19…
"Kịch bản truyền thông khi có ca bệnh được kích hoạt", BS Nguyễn Bá Tĩnh - Trưởng phòng Công tác xã hội của Bệnh viện K nhớ lại ngày "lịch sử". Chúng tôi gọi anh là "phóng viên chiến trường bất đắc dĩ" hay "phóng viên đặc biệt", bởi ngay cả khi phỏng vấn anh và đồng nghiệp cho bài viết này, cơ sở 3 Bệnh viện K - nơi vị bác sĩ chưa từng một ngày qua trường lớp báo chí này công tác vẫn chưa dỡ lệnh phong toả.
Trong suốt hơn 1 tháng phong toả, hầu hết hình ảnh, video trong bệnh viện xuất hiện trên truyền thông do chính các "phóng viên đặc biệt" tại Bệnh viện cung cấp. "Chúng tôi muốn các bạn được an toàn tuyệt đối" – đó là lý do.
BS Nguyễn Bá Tĩnh trong phòng phát thanh của Bệnh viện, phát đi những bản tin cập nhật tình hình dịch bệnh tại cơ sở y tế này. Ảnh: NVCC
"Phải nói điều người dân cần biết"
5h sáng 7/5, chỉ vài tiếng sau khi trở về từ ca trực đêm trước, BS Nguyễn Bá Tĩnh nhận thông tin về chùm ca bệnh dương tính SARS-CoV-2 ở nơi anh công tác. "Lần này là thật sự rồi, không phải là báo động giả nữa", anh tự nhủ. Nhiều bác sĩ Bệnh viện K nói với chúng tôi, vì dịch phức tạp, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào nên trên xe luôn sẵn vali đồ đạc, sẵn sàng chiến đấu.
5h30 sáng, BS Nguyễn Bá Tĩnh đến cổng viện. Trần Thái Hà - cô nhân viên trẻ tuổi có con gái vừa mới lên 2 cũng đã kịp có mặt. Nhận tin từ Trưởng phòng, chị Hà choàng tỉnh, chỉ kịp nói với chồng: "Em đi đây". Hôn con gái, chị kéo vali đi. "Đây không phải lần đầu nhưng chuyến đi này cả hai vợ chồng đều nghĩ sẽ dài hơn, chưa hẹn ngày về, dù Bệnh viện cách nhà chỉ… vài kilometre", chị Hà kể.
Không một ai trong hàng nghìn cán bộ Bệnh viện chuyên ngành Ung bướu lớn nhất Việt Nam với lịch sử gần 100 năm có thể quên ngày hôm đó: Ngày Bệnh viện phải phong tỏa. Thống kê cho thấy, thời điểm Bệnh viện K bắt đầu phong toả, có hơn 3.500 người gồm nhân viên y tế, người lao động, bệnh nhân và người nhà bệnh nhân đang ở trong viện. Đây trở thành cơ sở y tế phải cách ly lượng người đông nhất cả nước từ khi dịch xuất hiện. Trước đó (tháng 3/2020), Bệnh viện Bạch Mai có khoảng 2.000 người khi bắt đầu phong toả.
Các kịch bản ứng phó đã có sẵn, nhưng thực tế kinh nghiệm để "chiến đấu" là chưa. "Lo lắng thì ai cũng có", BS Tĩnh nhớ lại khoảnh khắc đó. Nỗi lo ấy giành cho tất cả, từ cán bộ nhân viên Bệnh viện đến 1.000 bệnh nhân nội trú, người nhà bệnh nhân đang ở trong viện. Nỗi lo ấy còn hướng về hơn 13.000 bệnh nhân ngoại trú và người nhà của họ. Họ sẽ tái khám ra sao, lịch mổ đã đặt rồi, ngày truyền hoá chất sắp đến, thanh toán BHYT như thế nào khi hồ sơ đang để ở viện, người thân của mình trong viện liệu có an toàn hay không… Hàng loạt câu hỏi đặt ra. "Truyền thông cần đi trước một bước" - bài giảng truyền thông y tế chưa bao giờ hiệu quả như thế. Lường trước việc nếu không cập nhật, công khai… sẽ có tâm lý suy diễn, nên các kịch bản chi tiết truyền thông nhanh chóng được kích hoạt.
Từ kịch bản đến hành động
Hơn 9h sáng 7/5, những bản tin đầu tiên được phát đi trên các kênh của viện: Website, fanpage và thông cáo gửi tới các cơ quan báo chí. Thông báo hoãn chương trình livestream tư vấn đã có lịch trước đó; rồi tạm dừng tiếp nhận người đến khám, điều trị tại 3 cơ sở và 1 tiếng sau là bản tin chính thức về 10 trường hợp nghi nhiễm COVID-19 phát hiện do chủ động sàng lọc tại viện…
Ngày đầu tiên phong toả, BS Tĩnh và các nhân viên truyền thông của Bệnh viện liên tục phát đi các thông báo cập nhật diễn biến tình hình dịch tại viện từ số ca mắc, kết quả xét nghiệm, truy vết các trường hợp tiếp xúc gần, khoanh vùng, dập dịch.
Các cán bộ y tế trắng đêm lấy mẫu, xét nghiệm cho người phải cách ly trong viện, đồng nghĩa với việc những "phóng viên đặc biệt" như BS Tĩnh hay chị Hà cũng phải "vác" máy ảnh đi theo đưa tin. Đây cũng chính là nguồn tin chính thống gửi tới các cơ quan báo chí, đồng thời tới hàng trăm nghìn người dân có người thân là bệnh nhân ở Bệnh viện K.
Đúng như dự liệu, trong 2 ngày 7-8/5, điện thoại đường dây nóng của Bệnh viện, cũng như của các bác sĩ Bệnh viện K cả trong và ngoài viện không lúc nào ngơi nghỉ. Hàng loạt câu hỏi được người bệnh, người dân gọi đến nhằm được giải đáp những băn khoăn, lo lắng liên quan thăm khám, điều trị.
HÌnh ảnh BS Phùng Thị Huyền qua đoạn clip “quay trộm” của BS Nguyễn Bá Tĩnh. Ảnh: NVCC
"Phải làm một buổi tư vấn trực tuyến qua hình thức livestream", BS Tĩnh đưa ra ý tưởng. Anh bàn bạc với những người liên quan. Kịch bản được vạch ra. Mời lãnh đạo Bệnh viện tới. 15h chiều 9/5, buổi livestream "cây nhà lá vườn" đơn giản chưa từng có ở Bệnh viện bắt đầu. Không pano, bảng hiệu, không kỹ thuật cầu kỳ…
"Từ cuối tháng 4, chúng tôi đã có những buổi livestream về các loại bệnh do chính các bác sĩ ở Bệnh viện K trả lời, với sự hỗ trợ của các kip kỹ thuật ở ngoài vào giúp với nhiều camera, máy trộn hình cho hình ảnh sắc nét... Nhưng trong điểm dịch, không có kíp nào tới hỗ trợ được. Chúng tôi chỉ có duy nhất cái máy ảnh cho hình ảnh khá mờ. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phải cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho những người quan tâm", BS Tĩnh chia sẻ.
Quyết định đó của nhóm "phóng viên đặc biệt" là hướng đi đúng. "Buổi livestream thu hút 1,6 triệu người theo dõi. Hàng trăm nghìn lượt thích và chia sẻ. Đó là kỷ lục", chị Trần Thái Hà nhớ lại. Ngay ngày hôm sau, một buổi tư vấn trực tuyến khác tiếp tục được thực hiện. Suốt thời gian Bệnh viện phong tỏa, có 5 chương trình như thế được phát sóng. Người dẫn chương trình Nguyễn Bá Tĩnh nhớ lại, song song với việc phát trực tiếp trên Fanpage của Bệnh viện, Bệnh viện còn phát trực tiếp các chương trình trên hệ thống loa phát thanh tới tận từng phòng bệnh.
"Nếu bạn theo dõi chương trình sẽ thấy, tôi vừa dẫn chương trình, vừa cầm cùng lúc 2 điện thoại: Để tổng hợp câu hỏi của người dùng Facebook gửi tới; lại vừa trả lời bình luận nếu có thể; cùng đó, ấn nút để phát thanh toàn bộ nội dung buổi tư vấn trực tiếp đến tất cả cán bộ y tế và người bệnh, người nhà người bệnh trong Bệnh viện cùng nghe", Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện K chia sẻ.
Những bản tin mộc mạc truyền tới từng ngóc ngách Bệnh viện
Hình ảnh hoạt động lấy mẫu, xét nghiệm cho người phải cách ly trong Bệnh viện K, cấp cứu cho bệnh nhân bệnh viện do nhóm truyền thông Bệnh viện ghi nhận. Ảnh: BV
Kể thêm về sáng kiến truyền thông qua hệ thống loa phát thanh, BS Nguyễn Bá Tĩnh cho hay, trong thời gian phong tỏa, Bệnh viện có nguyên tắc mọi cá nhân chỉ được đến nơi mình được phép. Khi không thể đến từng buồng bệnh, những người làm truyền thông như anh sẽ cố gắng tận dụng triệt để hệ thống loa phát thanh này. Vậy là đều đặn từ ngày đầu tiên thực hiện phong toả đến nay, hàng trăm bản tin qua loa phát thanh ra đời, phát trực tiếp, mỗi lần một cách truyền đạt khác nhau, nhưng đều mở đầu bằng câu quen thuộc: "Xin chào bà con! Hôm nay là ngày thứ… Bệnh viện K thực hiện phong tỏa để phòng dịch COVID-19".
Quan trọng nhất là phải cung cấp những thông tin cần thiết nhất cho bệnh nhân và những người quan tâm.
BS Nguyễn Bá Tĩnh .
Trên hết, bản tin truyền đi những thông tin người bệnh và cán bộ y tế quan tâm nhất: Cập nhật tình hình dịch tại Bệnh viện, các chế độ chính sách như có phải trả phí cách ly không… Lại có lúc, bản tin phát những bản nhạc nhẹ nhàng, những bài hát cổ động phòng chống COVID-19, những bài thơ do chính bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, cán bộ, con em cán bộ gửi đến động viên Bệnh viện... Đặc biệt, trong đợt cao điểm tuyên truyền chuẩn bị ngày Bầu cử Quốc gia, hệ thống loa phát thanh càng khẳng định giá trị. BS Tĩnh không thể nhớ nổi bao nhiêu lần anh vạch đầu dòng thông tin để dẫn bản tin trực tiếp phát thanh tới mọi người trong viện. "Chúng tôi cũng không có kịch bản nào đầy đủ để dẫn trơn tru, cứ gạch ý đầu dòng rồi nói luôn. Dù mấy lần đầu "đường cày chưa thẳng", tôi tin mọi người thông cảm", nam bác sĩ chia sẻ.
Điều quan trọng, các bản tin luôn ngắn gọn, dễ nghe, dễ hiểu, dễ thực hiện. Lời nhắc nhở người bệnh tuân thủ quy định phòng dịch được BS Tĩnh thuộc làu làu luôn "đính kèm" trong mỗi bản tin. Anh nói, anh thuộc lòng vì không ghi âm sẵn rồi bật mà phát trực tiếp.
Thước phim xúc động nhất là ghi lại đồng đội của mình
Bộ trang phục quen thuộc chị Trần Thái Hà luôn mặc mỗi khi tác nghiệp ghi hình, chụp ảnh trong tâm dịch. Ảnh: NVCC
Bất đắc dĩ làm phóng viên có khó không? Cả BS Nguyễn Bá Tĩnh và chị Thái Hà đều đồng cảm: "Rất khó!". Đầu tiên là quay phim bằng gì? Bệnh viện chỉ có một máy ảnh, vừa quay, vừa chụp và dẫn luôn trong quá trình ghi hình. BS Tĩnh kể về kỷ niệm đợt truyền thông chuẩn bị cho ngày Bầu cử Quốc gia. Nhóm truyền thông chỉ vỏn vẹn mấy thành viên. Quần áo kín mít, găng tay thít chặt. Đấy là lần đầu tiên các anh chị phải mặc đồ bảo hộ từ 5h sáng tới 1h chiều, không dám uống nước, không dám đi vệ sinh, phải liên tục cung cấp thông tin cho báo chí, truyền hình... Bởi trong những ngày đó, để đảm bảo an toàn, không một nhà báo nào được vào Bệnh viện ghi hình, phỏng vấn. Mọi hình ảnh, thông tin đều từ Bệnh viện phát đi. Vậy là, từng cán bộ truyền thông phải vào tận khoa phòng để phỏng vấn các cử tri là người bệnh, người nhà người bệnh, phỏng vấn các lãnh đạo Bệnh viện để ghi lại không khí "bầu cử trong điểm dịch"…
"Tại Bệnh viện, tất cả các khoa phòng đều phong tỏa. Nhưng nhiệm vụ truyền thông vẫn phải làm, rất nhiều người đang cần thông tin. Cầm máy đi chụp ảnh, tôi lại phải mang đồ bảo hộ cấp 4 kín mít giảm thiểu nguy cơ. Bởi không biết nhân vật mình phỏng vấn liệu ngày mai, ngày kia có thành F0 hay không", chị Trần Thái Hà nhớ lại.
Để có vài chục giây phát sóng trên truyền hình, hoặc những hình ảnh đẹp được gửi tới các báo, nhóm truyền thông của Bệnh viện với quân số ít ỏi phải giành từ 1-3 giờ đồng hồ ghi hình trong thời tiết nóng bức và bộ đồ bảo hộ không kẽ hở. Xong tuần đầu cao điểm tin tức và các buổi tư vấn trực tuyến, tới tuần thứ 2, hướng truyền thông của Bệnh viện tập trung vào những câu chuyện trong điểm dịch. "Có những cặp vợ chồng là cán bộ y tế của viện cách ly, điều trị bệnh nhân ở hai khoa khác nhau. Suốt hai tuần họ không hề được gặp mặt. Có hôm, chị vợ chuyển bệnh nhân đến Khoa Hồi sức cấp cứu, bỗng thấy bóng dáng quen thuộc, chị nhận ra chồng. Anh chồng khi ngẩng mặt lên cũng bỡ ngỡ. Mắt họ chạm nhau, chỉ hỏi được vài điều…", BS Nguyễn Tiến Đức, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu trầm ngâm.
BS Nguyễn Bá Tĩnh chia sẻ, thước phim cảm động nhất anh và nhóm truyền thông ghi nhận được trong quãng thời gian làm "phóng viên" chính là hình ảnh những đồng đội của mình. "Đó là một buổi trưa ngày thứ 8 cách ly, tôi cầm máy quay, hé cửa phòng BS Phùng Thị Huyền, Trưởng khoa Nội 6. Vô tình tôi thấy chị đang cầm điện thoại nói chuyện với con trai nhỏ, hỏi han, căn dặn bao điều. Người mẹ đeo khẩu trang, dù cố gắng giữ giọng bình thường nhưng ánh mắt rưng rưng. Chồng chị cũng là cán bộ y tế đang cách ly ở Bệnh viện, hai con nhỏ tự ở nhà chăm sóc, bảo ban nhau. Tôi xúc động, vội ghi lại khoảnh khắc đó. Tôi quay trộm đấy. Nếu lên kế hoạch, có lẽ sẽ không bắt được cái cảm xúc chân thật đó rồi…", BS Tĩnh xúc động nhớ lại.
Dịch bệnh bất ngờ ập đến với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng là cơ hội để BS Nguyễn Bá Tĩnh và chị Trần Thái Hà trải nghiệm những ngày làm "phóng viên đặc biệt". Trưởng thành hơn rất nhiều trong công việc làm truyền thông bệnh viện là điều họ chia sẻ với chúng tôi. Đó là khả năng viết nhanh hơn, tìm ra các vấn đề người dân quan tâm nhiều hơn. Cùng đó, nhiều ý tưởng, cảm xúc khi viết và làm trực tiếp, đặc biệt là truyền thông vận động tài trợ cũng được nhắc đến.
Vị bác sĩ gần 50 tuổi tâm sự, có thực nghiệm mới "ngấm", thông cảm và chia sẻ với những áp lực của những "phóng viên thật". "Trải nghiệm làm "phóng viên đặc biệt" là kỷ niệm không bao giờ quên. Khi dịch bùng phát, thấy hình ảnh của các phóng viên lao vào các điểm nóng để đưa tin, chúng tôi rất nể phục. Đến khi trải nghiệm, chúng tôi mới hiểu việc lấy được thông tin và truyền đạt tới xã hội thật không dễ. Cường độ làm việc của phóng viên cũng rất lớn, tốc độ rất nhanh, thật sự chuyên nghiệp…", BS Nguyễn Bá Tĩnh chia sẻ.
Thu Nguyên
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 19 giờ trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 20 giờ trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 1 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 1 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 1 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết
Y tế - 3 ngày trướcGĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.
Sốt cao không dứt, người đàn ông đi khám phát hiện mắc bệnh Whitmore
Y tế - 3 ngày trướcSốt cao, mua thuốc uống không đỡ, anh T. nhập viện tại Bệnh viện Trung ương Huế cơ sở 2, xác định dương tính với Whitmore.
Người phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm do thói quen nhiều người hay mắc phải
Y tếGĐXH - Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch.