Tổng biên tập Báo GĐ&XH Lê Cảnh Nhạc: Phân thân nghề báo, nghiệp thơ
"Tôi vốn là giáo viên trường phổ thông cơ sở, được đi du học 5 năm ở Nga về tâm lý giáo dục học, nhưng khi về nước lại rẽ ngang sang làm báo. Vậy là thấm thoắt đã gắn với nghiệp báo gần 30 năm trong đó có 21 năm ở cương vị là Tổng Biên tập. " - Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc chia sẻ.
PV: Trong giới văn nghệ sĩ, nhà thơ Lê Cảnh Nhạc nổi tiếng là người có nhiều tác phẩm thơ nhận được sự cộng cảm của các nhạc sĩ (nhà thơ đã cùng 18 nhạc sĩ cho ra đời gần 70 ca khúc, hợp xướng)... Vậy những vần thơ đó thường gắn với những ký ức cuộc đời của chính tác giả hay bắt nguồn từ những nguồn cảm hứng khác, thưa anh?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Mỗi bài thơ có một số phận và hoàn cảnh ra đời của riêng nó. Trong thơ có hơi thở cuộc sống hiện tại, có dấu ấn thời gian, ký ức cuộc đời và cả những chiêm nghiệm về tương lai. Tuy nhiên, khi cùng các nhạc sĩ chủ đích viết về đề tài nào đó để làm ca từ cho một bài hát thì tứ thơ, nội dung... đều xoáy vào một chủ đề nhất định. Ví dụ như tôi và nhạc sĩ Đức Trịnh vừa viết bài “Về miền di sản” cho Lễ khai mạc Festival di sản Quảng Nam 2017 (truyền hình trực tiếp VTV1 ngày 9/6/2017), thì mảnh đất, con người Quảng Nam, di sản văn hóa Quảng Nam là hồn cốt của thơ và nhạc. Như vậy, “ký ức cuộc đời” chỉ là một trong những mảnh ghép tâm hồn của thơ mà thôi.
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc - Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội.
PV: Được biết, nhạc sĩ Đức Trịnh, Phó Chủ tịch thường trực hội Nhạc sĩ Việt Nam, là người đã gắn bó thân thiết nhất với anh với trên 20 ca khúc đồng sáng tác, trong đó có 4 ca khúc được trao Huy chương Vàng trong các Hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc và toàn quân, riêng đầu năm 2017 đến nay hai anh đã cho ra đời 4 ca khúc- hợp xướng rất thành công. Vậy hai anh đã có những trao đổi, chia sẻ, phối hợp như thế nào để có được những ca khúc- hợp xướng đầy cảm hứng nghệ thuật?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Nhạc sĩ Đức Trịnh giống như người chỉ huy dàn nhạc và tôi chỉ là một “nhạc công” trong dàn nhạc đó. Ông chỉ định đề tài nhằm đáp ứng một yêu cầu nội dung nghệ thuật nào đó, ví dụ như viết về đồng chí Lê Duẩn nhân dịp kỷ niệm 110 năm ngày sinh của cố Tổng Bí thư; Viết “Âm vang Điện Biên” cho Lễ kỷ niệm 65 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ; Viết “Tỏa sáng đại dương” cho Lễ khai mạc Đại hội Thể thao bãi biển Châu Á lần thứ VI; Viết về hình tượng Bác Hồ trong lòng người dân Sơn La; “Lời thề lính biển” trong bối cảnh giàn khoan 981 của nước ngoài đang xâm phạm lãnh hải Tổ quốc... Ông nhắn tin cho tôi, trao đổi qua email, điện thoại, có khi là kịch bản của cả một chương trình nghệ thuật... Vậy là tôi chủ động sáng tác để có bài thơ vừa đủ dung lượng ca từ cho một ca khúc hay hợp xướng mà nhạc sĩ yêu cầu. Thường là một thời gian rất ngắn sau đó, nhạc sĩ đã “chắp đôi cánh âm nhạc” cho thơ, rồi chỉ đạo phối khí, thu thanh, ca sĩ thể hiện... Vậy là một ca khúc mới ra đời. Cũng có khi âm nhạc vút lên theo mạch cảm hứng nào đó của nhạc sĩ và tôi có trách nhiệm phải lắp ca từ thích hợp vào theo giai điệu mà nhạc sĩ dẫn dắt. Chúng tôi phối hợp với nhau thật tuyệt vời. Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh thực sự là một bậc thầy âm nhạc đầy tài năng (nguyên Hiệu trưởng trường đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội). Ông sáng tác rất nhanh, các ca khúc- hợp xướng không bài nào bị lẫn mô típ giai điệu với bài nào. Âm nhạc thực sự nâng cánh cho thơ bay lên chứ không dìm thơ xuống. Phổ thơ nhưng không “hát thơ” mà là dẫn thơ đi, tạo dư vang cho thơ ngân rung, lay động lòng người...
Nhà thơ Lê Cảnh Nhạc và nhạc sĩ Đức Trịnh
PV: Là một nhà thơ nổi tiếng được nhiều độc giả yêu mến, lại còn là Tiến sĩ Giáo dục học, vậy cơ duyên nào đưa anh đến với nghề báo?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Tôi vốn là giáo viên trường phổ thông cơ sở, được đi du học 5 năm ở Nga về tâm lý giáo dục học, nhưng khi về nước lại rẽ ngang sang làm báo. Vậy là thấm thoắt đã gắn với nghiệp báo gần 30 năm trong đó có 21 năm ở cương vị là Tổng Biên tập. Năm 1988, khi mới từ Liên Xô về nước, tôi đang định đầu quân làm giảng viên trường đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh thì gặp nhà thơ Định Hải. Ông bảo: “Chú có đọc một vài truyện ngắn và các bài thơ cháu viết ở Liên Xô. Cháu có thiên hướng viết văn đấy, thôi đừng đi dạy học nữa, ra Hà Nội làm biên tập cho tờ Văn nghệ Thiếu nhi của Trung ương Đoàn” (ông là Tổng Biên tập của tờ này). Vậy là tôi đáp tàu ra Hà Nội.
Về Trung ương Đoàn, tôi nằm bàn cùng họa sĩ Thọ Tường và anh Tô Phán (nay là Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Hà Nội). Ngày làm báo, tối đến ngồi một mình nghe đài, viết truyện, làm thơ. Viết xong đưa Đài Hà Nội đọc, rồi Đài Tiếng nói Việt Nam đọc, sau đó mới đăng báo. Vậy là một truyện ngắn được “ăn” nhuận bút “hợp lệ” ba lần. Năm 1994 phóng sự “Mầm ác và hướng thiện” 5 kỳ của tôi đăng báo Tiền Phong được trao Giải báo chí toàn quốc (hồi đó chưa gọi là “Giải báo chí quốc gia”); Rồi tôi được nhận Giải thưởng “Phóng viên xuất sắc trong hệ thống báo chí của Trung ương Đoàn”.
Năm 1996 tôi được kết nạp vào hội Nhà văn Việt Nam sau khi xuất bản ba tập truyện và được trao vài ba giải thưởng văn học... Thế đó, văn- thơ- báo cứ vấn vít lấy nhau, thoắt cái đã bạc đầu, mỗi tháng phải vài lần “đảo ngói”...
PV: Thưa anh, công việc của một nhà thơ và một nhà báo có sự khác biệt và giúp ích, hỗ trợ nhau như thế nào?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Thơ và báo đều cần đến các tố chất nhạy cảm, tinh tế, nhân văn; đòi hỏi người viết phải có “đạo”, tâm hồn phải trong sáng và cả hai đều cần đến sự miệt mài tu dưỡng, rèn luyện, tiếp cận với đời sống thực tiễn của xã hội.
Trong công việc thì rất khác nhau. Báo là thực, thơ trừu tượng. Báo là sự kiện, thơ hình tượng khái quát. Báo bình luận, định hướng dư luận, thơ “ý tại ngôn ngoại” (mạch kị lộ, ý kị nông, thi vị kị đoản). Báo “có sao nói vậy”, thơ “nói vậy mà không phải vậy”, vân vân và vân vân... Khi làm thơ và viết báo, người viết phải thực sự phân thân. Nếu làm thơ như viết báo thì thơ “không ngửi được”, còn nếu viết báo như làm thơ thì bị loại ra khỏi sân chơi ngay từ “vòng gửi xe”...
Tố chất nhà thơ và nhà báo có sự tương hỗ cho nhau rất lớn. “Nhà thơ” giúp cho “nhà báo” nhìn nhận sự kiện mẫn cảm hơn, nhân văn hơn, sức khái quát lớn hơn. Ngược lại “nhà báo” giúp cho “nhà thơ” có vốn sống phong phú hơn, khơi gợi nhiều cảm hứng sáng tác, va đập cuộc sống nhiều hơn, tích lũy được nhiều nguồn năng lượng sáng tạo hơn từ thực tiễn.
PV: Với trọng trách là Tổng Biên tập báo Gia đình và Xã hội, trong điều kiện báo chí đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, phải lo cho sự phát triển chung của tòa soạn, vậy anh còn có thời gian và tâm trí để bay bổng theo những vần thơ?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Tôi chưa bao giờ “lạm dụng” thời gian của Tổng Biên tập để làm thơ. Thơ không cần “thời gian vật chất” đơn thuần. Nhiều khi đi đường tứ thơ vụt hiện. Ngồi trên máy bay, tôi viết “Tỏa sáng đại dương”, “Về miền di sản”... Đừng nghĩ làm thơ là chỉ “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” nhé. Nhiều khi thơ và báo cùng có chung dòng chảy tự sự đầy lý thú...
PV: Với cương vị là một Tổng Biên tập, nhân ngày 21/6, anh có những trăn trở mong mỏi gì đối với những lớp thế hệ phóng viên, nhà báo trẻ?
Nhà thơ, nhà báo Lê Cảnh Nhạc: Thay cho trả lời câu hỏi này, tôi xin gửi tặng các bạn đồng nghiệp bài thơ “Nghề báo”.
NGHỀ BÁO
Dù chưa đi trọn cung đường
Trái tim đã trót tơ vương với nghề
Trắng đen cuộc sống ùa về
Lật từng trang viết lắng nghe tiếng đời
Những số phận, những kiếp người
Chảy theo con chữ đầy vơi vui buồn
Kể chi chớp bể mưa nguồn
Lòng trong bút sắc vẫn luôn vẹn tình
Lê Cảnh Nhạc
PV: Xin cảm ơn ông về những chia sẻ thú vị!
Theo Người đưa tin
Khai mạc Festival Ninh Bình 2024: Đẹp như bộ phim dã sử cổ trang
Giải trí - 43 phút trướcGĐXH - Chương trình nghệ thuật khai mạc Festival Ninh Bình lần thứ III năm 2024 diễn ra tối 24/11/2024 tại Quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình có nhiều màn trình diễn đẹp như bộ phim dã sử cổ trang.
Mỹ nữ gốc Hoa phim 'Sex and the City' ở tuổi U60 làm mẹ đơn thân kín tiếng
Giải trí - 57 phút trướcGĐXH - Lucy Liu - sao phim "Sex and the City" ở tuổi U60 có cuộc sống làm mẹ đơn thân kín tiếng, dù trải qua vài cuộc tình nhưng cô chưa khoác áo cô dâu.
Khánh Huyền đóng cặp với Quốc Tuấn ở 'Người thổi tù và hàng tổng' giờ ra sao?
Giải trí - 1 giờ trướcKhánh Huyền - diễn viên đóng vai vợ trưởng thôn Kiên (Quốc Tuấn) trong bộ phim nổi tiếng "Người thổi tù và hàng tổng" ở tuổi 53 vẫn khiến nhiều người trầm trồ vì vẻ đẹp mặn mà.
Nữ tiến sĩ là NSND nổi danh từ lúc 16 tuổi giờ ra sao?
Giải trí - 3 giờ trước"Khán giả xem xong bảo rằng "con nhỏ này kiểu gì sau này cũng nổi danh". Tôi nghe xong run lắm" – NSND Bạch Tuyết chia sẻ.
Bất ngờ cát-sê của NSƯT Chí Trung
Giải trí - 15 giờ trướcGĐXH - Tương tác với fan, NSƯT Chí Trung hé lộ cát-sê đóng phim "Độc đạo" khiến nhiều người bất ngờ.
Đỗ Mỹ Linh khoe ảnh con gái giữa tin đồn mang bầu lần 2
Giải trí - 17 giờ trướcGĐXH - Con gái của Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh tạo dáng đáng yêu khi xuống phố cafe với mẹ. Cô bé ngày càng lém lỉnh và được mẹ khoe nhiều hơn với công chúng.
NSND Thu Hà mặc áo dài thêu phượng hoàng, diễn thời trang cùng dàn nghệ sĩ trẻ
Xem - nghe - đọc - 18 giờ trướcNSND Thu Hà cùng vợ chồng Tuấn Hưng, H'Hen Niê, Hồng Diễm... trình diễn áo dài trong show ''Bước chân di sản 2" của đạo diễn Hoàng Công Cường và siêu mẫu Hạ Vy.
Tùng Dương giữ vững phong độ đỉnh cao trong live concert 'Người đàn ông hát'
Xem - nghe - đọc - 22 giờ trướcGĐXH - Tùng Dương cùng các nghệ sĩ trẻ như: Trung Quân, Soobin Hoàng Sơn, Tăng Duy Tân, Double 2T ... đã có một đêm diễn bùng nổ với những ca khúc hay và ấn tượng.
Ngỡ ngàng với vẻ xinh đẹp, cao lớn của con gái ca sĩ Thu Phương và chồng cũ Huy MC
Thế giới showbiz - 23 giờ trướcThanh Thảo (Shirley) nhận được nhiều khen ngợi vì xinh đẹp, cá tính giống mẹ - ca sĩ Thu Phương.
Cặp đôi Vbiz 1 năm hậu chia tay: Hồng Thanh bị nghi tạo chiêu trò "bạn gái sexy", DJ Mie thế nào?
Giải trí - 23 giờ trướcSau 3 năm yêu đương, DJ Mie và Hồng Thanh đã chính thức đường ai nấy đi vào năm 2023.
Nổi tiếng giàu có, người đẹp phim 'Sex and the city' vẫn dạy con dùng đồ cũ vì lý do này
Giải tríGĐXH - Sarah Jessica Parker - sao phim "Sex and the City" có tài sản khổng lồ nhưng cô vẫn dạy con dùng lại đồ cũ vì một lý do đặc biệt.