Hà Nội
23°C / 22-25°C

Giáo dục tình dục: Nhốt hươu, đuổi hươu hay vẽ đường?

Thứ ba, 19:26 14/08/2012 | Tin tức - Sự kiện

GiadinhNet - Trong hai ngày 10 - 11/8, Hội nghị Quốc gia về Tình dục và Sức khỏe đã diễn ra tại Hà Nội.

Quang cảnh tại Hội nghị. Ảnh: Quang Đảng


Đây là lần thứ hai Hội nghị được tổ chức với sáng kiến của Trung tâm Sáng kiến Sức khỏe và Dân số (CCIHP), Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội (ISDS) dưới sự tài trợ của Ford Foundation và Oxfam.
 
Chủ đề của Hội nghị năm nay nêu lên một vấn đề đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm: “Giáo dục tình dục ở Việt Nam: Nhốt hươu, đuổi hươu hay vẽ đường cho hươu chạy?”.
 
Hội nghị đã quy tụ gần 200 đại biểu với hàng chục các tham luận khác nhau đến từ các cơ quan của Liên hợp quốc, cơ quan của Chính phủ, các học viện, các trường đại học, các viện nghiên cứu, các nhà nghiên cứu… như UNFPA, UNAIDS, UNESCO, Bộ Y tế, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Đại học Y Hà Nội, Đại học Y tế Công cộng, Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Tây Bắc, Đại học Thăng Long, Đại học An Giang, Đại học Bình Dương… Và đặc biệt còn có sự tham dự của hàng chục người khuyết tật, đông đảo thành viên của mạng lưới thanh niên, nhóm đồng tính…

Hội nghị với 4 phiên toàn thể để bàn thảo về các vấn đề giáo dục tình dục với Mục tiêu thiên niên kỷ và Chương trình hành động Dân số và Phát triển; Giáo dục tình dục trong nhà trường; Vai trò của xã hội dân sự trong thúc đẩy các sáng kiến giáo dục tình dục; Giáo dục tình dục: Hướng tới tương lai. Ngoài ra là 12 phiên vệ tinh để thảo luận sâu hơn về các vấn đề như quan niệm và thực hành tình dục, quyền tình dục của cộng đồng người đồng tính, vai trò của truyền thông trong giáo dục tình dục, bạo lực tình dục, giáo dục tình dục tại khu vực miền núi, giáo dục tình dục đối với các nhóm đặc biệt, quyền sinh sản và tình dục của người khuyết tật… Song song bên lề Hội nghị là triển lãm tranh, giới thiệu sách về đề tài này.

Giáo dục tình dục: Nhốt hươu, đuổi hươu hay vẽ đường?
 
Tình dục là một trong những khía cạnh quan trọng trong đời sống của mỗi cá nhân và có ý nghĩa đặc biệt đối với sự tồn tại và phát triển của toàn xã hội. Trong những năm gần đây, giáo dục tình dục là một trong những chủ đề thường trực của các diễn đàn xã hội ở Việt Nam và mặc nhiên chỉ có thanh thiếu niên mới được coi là đối tượng của giáo dục tình dục. Câu hỏi được trăn trở trong vô số các cuộc thảo luận là có nên “vẽ đường cho hươu chạy?” Không ít các giải pháp được nêu lên nhưng cho đến nay, chưa có câu trả lời nào nhận được sự đồng thuận của toàn xã hội, mặc dù đã có sự thừa nhận rằng chưa có đường nhưng hươu đã chạy rồi và đã chạy từ lâu!
 
Bên cạnh những quan điểm đề xuất các giải pháp “cởi mở” - cung cấp thông tin toàn diện và trực tiếp cho vị thành niên thanh niên thì nhóm “thận trọng” lại quan ngại những hệ luỵ của sự “biết quá nhiều” đối với giới trẻ.
 
Trong khi các bên vẫn mải mê tranh luận thì ngày càng nhiều hiện tượng tiêu cực, thương tâm xảy ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn và không chỉ còn là vấn đề của giới trẻ. Sự gia tăng các vụ xâm hại tình dục trẻ em, hiếp dâm (nam và nữ) mà ngay cả người xâm hại lẫn người bị xâm hại đều là vị thành niên, tình trạng mang thai ngoài ý muốn, nạo phá thai của vị thành niên, ngoại tình của người lớn, “chăn rau”, sự lan tràn của mại dâm, các sản phẩm khiêu dâm, kích dục… trong vài năm gần đây đã trở thành nỗi đau nhức nhối của toàn xã hội, gióng lên những hồi chuông cảnh báo thống thiết làm hoang mang không ít những bậc làm cha làm mẹ. Thêm vào đó, sự ngần ngại khi thảo luận những khía cạnh tích cực và tốt đẹp của tình dục càng khiến cho bức tranh trở nên xám bạc và càng khiến tình dục trở thành một chủ đề nhạy cảm hơn bao giờ hết.
 
Phát biểu tại phiên khai mạc, với lời dẫn dung dị, TS Khuất Thu Hồng - Phó Viện trưởng ISDS - đã trích dẫn bức thư của một cô giáo THPT từ Nghệ An chia sẻ về việc cô thường xuyên nhận được các câu hỏi của các cô cậu học trò của mình về việc đã trót mang thai cần xử lý thế nào.
 
Hội trường dường như tĩnh lại bởi sự đồng cảm về một vấn đề rất đáng lưu tâm của xã hội. TS. Hồng nói: Tôi đã nghe những lời tâm sự của các cô gái vì không thể thuyết phục bạn trai dùng biện pháp ngừa thai để rồi phải trải qua biết bao đau đớn dằn vặt khi phải bỏ đi kết quả tình yêu của họ. Có những người phụ nữ lại bị chồng hắt hủi vì bị nghi ngờ không còn trong trắng… Đau lòng hơn cả là chuyện những đứa trẻ non nớt bị xâm hại tình dục".

Tham luận tại Hội nghị, bạn trẻ Nguyễn Thị Hằng Phương (Đại học Thăng Long) kể lại, cô đã rất hoang mang lo sợ và không biết chia sẻ với ai khi nghĩ mình sẽ có thai chỉ vì ôm người yêu của mình. Khi đó cô đã là sinh viên đại học.

Hơn 50% quan hệ tình dục để sinh con
 
Cũng tại Hội nghị nhóm nghiên cứu của ISDS đã công bố kết quả được khảo sát từ 5.123 người trong độ tuổi từ 18-65 tại 8 tỉnh và 3 thành phố. Kết quả cho thấy, có đến hơn 53% người trả lời rằng họ quan hệ tình dục vì để sinh con. Có 30% nữ và 22% nam coi tình dục là để duy trì tình cảm vợ chồng, 10% nữ và 6% nam coi quan hệ tình dục là trách nhiệm vợ chồng và chỉ có 11% nam và 4% nữ cho rằng quan hệ tình dục để có khoái cảm.
 
Nghiên cứu cũng cho thấy người nông thôn đề cao mục đích sinh đẻ của tình dục hơn nhiều so với cư dân đô thị. Vì thế, chỉ có 55,1% hài lòng với cuộc sống tình dục hiện nay của mình. Tỷ lệ nam hài lòng cao hơn nữ; 37,4% tương đối hài lòng và đặc biệt là có 7,4% không/chưa bao giờ hài lòng, trong đó tỷ lệ nữ cao hơn.

Về thái độ đối với tình dục trước hôn nhân, có 74,8% người cho rằng tình dục trước hôn nhân của nam giới là sai và tương ứng là 85,5% đối với nữ. Cũng chính vì quan niệm về tình dục trong hôn nhân và mục đích sinh đẻ nên hầu hết trong xã hội chỉ chấp nhận quan hệ tình dục dị tính mà không chấp nhận đồng tính. Tuy nhiên, ở nhóm người trẻ tuổi hơn, có học vấn cao hơn và ở khu vực đô thị thì quan điểm này cởi mở hơn.

Nghiên cứu cũng cho thấy gần 90% cho rằng nam giới phải chủ động dẫn dắt trong quan hệ tình dục và trên 80% cho rằng nam giới có nhu cầu tình dục cao hơn nữ giới và (trên 60% cho rằng) họ (nam giới) không thể kiềm chế được nhu cầu tình dục của bản thân.
 
Mặc dù có đến 91% cho rằng phụ nữ cũng có quyền được hưởng khoái cảm tình dục như nam giới nhưng có tới 77,6% lại cho rằng tốt nhất là phụ nữ nên có ít kinh nghiệm tình dục hơn nam giới. Chính vì thế 84,1% cho rằng trinh tiết của người vợ khi kết hôn là rất quan trọng và ngược lại chỉ có 69,9% cho rằng trinh tiết của người chồng khi kết hôn là rất quan trọng. Nhóm nghiên cứu của ISDS đã bình luận rằng “trinh tiết vẫn được ca ngợi như một lá bùa hộ mệnh cho phụ nữ nhưng thực tế thì họ đang ngày càng thoả hiệp hơn với các trào lưu sống thử hay quan hệ tình dục trước hôn nhân”.

Nam “kín đáo” hơn nữ

Kết quả Tổng điều tra Dân số năm 2009 của Tổng cục Thống kê cho thấy vị thành niên, thanh niên (nhóm tuổi 14-15) ở nước ta chiếm 23,15% tổng dân số. Đây là nhóm tuổi có sự biến đổi mạnh mẽ về mặt tâm, sinh lý và các hình vi giới tính, tình dục. 

Điều tra quốc gia về Vị thành niên và Thanh niên Việt Nam năm 2009 (SAVY 2) cho thấy, tuổi nữ có "nguyệt san" trung bình lần đầu là 14.21 và mộng tinh/xuất tinh lần đầu là 15.61, giảm so với SAVY 1 (năm 2003, tuổi tương ứng là 14.46 và 15.61).
 
Điều tra cũng cho thấy tuổi trung bình của quan hệ tình dục lần đầu là 18.1 (18.2 với nam và 18 với nữ), thấp hơn so với SAVY 1. Điều này cho thấy xu thế chấp nhận quan hệ tình dục trước hôn nhân đang nổi lên ở giới trẻ. Tỷ lệ có bạn tình là 35,7% (nam) và 31,3% (nữ), tăng lên so với SAVY 1. Ở SAVY 2 có 34% số người được hỏi đã trả lời có bạn tình, số người sống chung là 16%. Sống chung, sống thử ở thanh niên đang nổi lên như là một hiện tượng  trong các trường đại học, các khu công nghiệp, kèm theo nó là những hệ luỵ làm nhức nhối dư luận xã hội.

Tình dục đồng giới phát triển mạnh mẽ ở các nước phương Tây và ngày nay đã lan tràn đến Việt Nam. Những hiện tượng đám cưới đồng giới, ngày diễu hành của những người đồng giới trong thời gian gần đây nhất đã cho thấy xu hướng phát triển của  xu hướng này ở Việt Nam; tuy nhiên ở SAVY 2 và SAVY 1 đã phát hiện tỷ lệ thanh thiếu niên không biết về tình dục đồng giới là 36,6% và 40% tính trên toàn quốc, chỉ thay đổi nhỏ sau 5 năm. 

Điều này chứng tỏ nhận thức của cộng đồng về xu hướng tình dục này không được cải thiện bao nhiêu. Nhiều thanh thiếu niên chưa biết đến hiện tượng tình dục đồng giới và nhận định của các em về tình dục đồng giới nói chung không chính xác, nặng về thành kiến. Cần phải có những nghiên cứu và khảo sát nghiêm túc, khoa học về vấn đề này để định hướng dư luận xã hội.

Về tình dục an toàn, điều tra cũng cho thấy hầu như những người được khảo sát đều biết từ 1 đến vài phương pháp tránh thai (hơn 97%). Bao cao su vẫn là hỗ trợ hàng đầu cho nam (72,7%) nhưng viên tránh thai khẩn cấp cho nữ lại có tỷ lệ sử dụng không cao (chỉ 4,5%). Cũng có tới 38% (nam) và 54% (nữ) không muốn sử dụng bao cao su.

Hiểu biết về thời điểm dễ có thai trong chu kỳ "nguyệt san" khá thấp. Ở SAVY1, chỉ có 13% (7% nam và 18% nữ). Ở SAVY2 là  17% (11% nam và 22% nữ) trả lời đúng. Tỷ lệ đã từng nạo phá thai tăng theo tuổi: Nhóm tuổi 18-21, 7% đã từng nạo phá thai trong khi ở nhóm tuổi 22-25 thì cứ 10 người có 1 người nạo phá thai.

Tuy nhiên, nguồn thông tin liên quan đến tuổi dậy thì thì truyền hình chiếm tỷ lệ cao nhất (58,5%). Tiếp theo truyền hình là thầy cô giáo, sách báo là những nguồn thông tin quan trọng đối với các em.
 
Với các em gái, mẹ là nguồn thông tin quan trọng nhất (60,8). Không ai có thể làm tốt hơn người mẹ trong việc giúp con gái hiểu biết về sự phát triển thể chất, cơ chế kinh nguyệt và cả những vấn đề về văn hoá ứng xử, giao tiếp. Và người bố cũng có thuận lợi hơn người mẹ khi con trai đến tuổi dậy thì gặp những vấn đề về giới tính. Mối quan hệ bố-con như “2 người đàn ông” được vun trồng từ nhỏ đặt nền móng thuận lợi để đến tuổi vị thành niên, trẻ dễ dàng chấp nhận chia sẻ với bố những vấn đề về tình bạn, tình yêu hay lựa chọn nghề nghiệp. 

Tuy nhiên, tỷ lệ các em vị thành niên không chia sẻ với ai tính trên cả nước là 1/3 (29,4%), điều này đáng được các nhà giáo dục và các bậc cha mẹ lưu tâm. Tỷ lệ nam không chia sẻ với ai cao vượt trội so với nữ (tương ứng là 54,5% và 3,4%) cho thấy điều khác thường, chính vị thành niên nam lại “kín đáo” hơn nữ khi đối diện với vấn đề của lứa tuổi.

Giáo dục sức khoẻ tình dục hướng tới Mục tiêu Thiên niên kỷ

Mỗi một giai đoạn, mỗi một thời kỳ, nhà nước ta lại ban hành những chính sách định hướng quan trọng về công tác dân số-sức khoẻ sinh sản, phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
 
Bước sang giai đoạn mới, giai đoạn 2011-2020, ngày 14/11/2011, Thủ tướng đã ban hành quyết định phê duyệt Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam với mục tiêu nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khoẻ sinh sản, góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Một trong những giải pháp quan trọng không thể thiếu mà Nhà nước và cả xã hội ta đều kiên trì thực hiện trong hàng chục năm qua là tuyên truyền, vận động, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức và chuyển đổi hành vi của mỗi cá nhân, mỗi gia đình và cả cộng đồng xã hội.
 
Phát biểu tại Hội nghị, bà Trần Thị Thanh Mai - Vụ trưởng Vụ Truyền thông Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ, Bộ Y tế) - cho biết: Chiến lược Dân số - Sức khỏe sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 đã xác định: “Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về dân số, sức khoẻ sinh sản, bao gồm cả giáo dục về phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khoẻ tình dục trong và ngoài nhà trường”. Như vậy, truyền thông, giáo dục chuyển đổi hành vi về Dân số - Sức khỏe sinh sản trong đó bao gồm cả sức khỏe tình dục, giới tính sẽ cần và được triển khai, mở rộng, nâng cao trong và ngoài nhà trường.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Chính phủ Việt Nam xác định nhằm thực hiện thành công Chiến lược Phát triển thanh niên Việt Nam giai đoạn 2011-2020 là: Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh cho thanh niên, nâng cao thể chất và tinh thần, kỹ năng sống, kiến thức về giới và sức khỏe sinh sản cho thanh niên, cụ thể: “Nâng cao sức khỏe thể chất và tinh thần, giáo dục sức khỏe sinh sản và giáo dục tiền hôn nhân cho thanh niên. Tiếp tục thực hiện các chiến lược, chương trình mục tiêu quốc gia về dân số, chăm sóc sức khỏe, phòng chống HIV/AIDS, ma túy, mại dâm trong thanh niên”.

Quan điểm đó của Việt Nam là hoàn toàn phù hợp với các mục tiêu của Chương trình Hành động về Dân số và Phát triển cũng như các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của Liên hợp quốc (MDGs) như các mục tiêu: Nâng cao sức khỏe bà mẹ (MDG5), Giảm tỉ lệ tử vong ở trẻ em (MDG4), Ngăn chặn HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh dịch khác (MDG6), Tăng cường bình đẳng giới và nâng cao vị thế cho phụ nữ (MDG3)…
 
Lời kết
 
Giáo dục tình dục không còn là nên hay không nên bởi tính cấp thiết của nó đã trở nên quá rõ ràng. Giáo dục tình dục phải được mở rộng đến tất cả các nhóm tuổi, các nhóm xã hội và có sự tham gia của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, những người làm công tác xã hội, truyền thông, các nhà hoạch định chính sách, quản lý và cả cộng đồng nói chung.
 
Giáo dục tình dục cho giới trẻ sẽ trang bị cho giới trẻ sự hiểu biết về sự phát triển của cơ thể, về sự phát triển giới tính, an toàn tình dục, hiểu được bản chất con người trong mối quan hệ tình dục, phân biệt được ranh giới giữa bản năng phần “con” và ý thức phần “Người”. Giáo dục tình dục cần được xem là một việc bình thường, cần thiết với tư cách là một kỹ năng sống, là một phần của giáo dục con người, xây dựng nếp sống đạo đức, văn hoá của xã hội. 

“Sức khỏe tình dục là trạng thái khỏe mạnh về thể chất, tình cảm, tinh thần và quan hệ xã hội liên quan đến tình dục. Điều đó không chỉ có nghĩa là không có bệnh tật, không bất thường và không yếu ớt. Sức khoẻ tình dục đòi hỏi cách tiếp cận tích cực và tôn trọng đối với tình dục và trong các mối quan hệ tình dục cũng như khả năng hưởng thụ tình dục an toàn và khoái cảm mà không bị ép buộc, không bị phân biệt đối xử và không bị bạo hành”- Tổ chức Y tế thế giới-WHO

Chiến lược Dân số-Sức khoẻ sinh sản Việt Nam giai đoạn 2011-2020: “Mở rộng và nâng cao chất lượng giáo dục về dân số, sức khoẻ sinh sản, bao gồm cả giáo dục về phòng ngừa nhiễm HIV, bình đẳng giới, mất cân bằng giới tính khi sinh và sức khoẻ tình dục trong và ngoài nhà trường”.

Lương Quang Đảng

kimvan
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
85 thai phụ mang gene tan máu bẩm sinh nhưng chỉ 18 người đi xét nghiệm chuyên sâu

85 thai phụ mang gene tan máu bẩm sinh nhưng chỉ 18 người đi xét nghiệm chuyên sâu

Tin tức - Sự kiện - 3 năm trước

GiadinhNet - Tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang, xét nghiệm sàng lọc, các thầy thuốc phát hiện ra 85 người mang thai dưới 20 tuần thai có mang gene tan máu bẩm sinh. Tuy nhiên, chỉ có 18 gia đình đồng ý đi xét nghiệm chuyên sâu.

Quảng Ninh đi đầu thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2019

Quảng Ninh đi đầu thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2019

Dân số và phát triển - 5 năm trước

GiadinhNet – Nhận thấy một số phương pháp truyền thông truyền thống đã không còn thích hợp, tỉnh Quảng Ninh quyết định thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) qua hệ thống mang xã hội (MXH) để phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0

Công đoàn viên ngành Dân số nô nức thi tài nấu ăn

Công đoàn viên ngành Dân số nô nức thi tài nấu ăn

Tin tức - Sự kiện - 6 năm trước

GiadinhNet - Sáng nay (22/3), gần 100 công đoàn viên ngành Dân số náo nức trổ tài bếp núc trong hội thi "Liên hoan ẩm thực năm 2018" được tổ chức tại trụ sở cơ quan Tổng cục DS-KHHGĐ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: "Đưa công tác dân số lên tầm cao mới"

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: "Đưa công tác dân số lên tầm cao mới"

Dân số và phát triển - 6 năm trước

GiadinhNet- Sáng nay (9/12), Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày 21/6

Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày 21/6

Dân số và phát triển - 7 năm trước

GiadinhNet - Sáng nay 19/6, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cùng các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Tổng cục đã tới thăm, chúc mừng cán bộ, phóng viên Báo GĐ&XH nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và chúc mừng Báo Gia đình & Xã hội nhân ngày 21/6

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và chúc mừng Báo Gia đình & Xã hội nhân ngày 21/6

Dân số và phát triển - 7 năm trước

GiadinhNet - Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), ngày 15/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ đã tới thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội.

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác dân số gắn liền với sự phát triển thành phố

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác dân số gắn liền với sự phát triển thành phố

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Sáng 16/9, đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ đã đến và làm việc với Ban chỉ đạo Dân số Hải Phòng về công tác hoạt động dân số thành phố trong 8 tháng vừa qua và những kế hoạch triển khai sắp tới.

Vấn nạn sinh con ở tuổi vị thành niên (2)

Vấn nạn sinh con ở tuổi vị thành niên (2)

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (2015) cho thấy, mỗi năm có 16 triệu nữ vị thành niên sinh con, trong đó có khoảng 2 triệu vị thành niên mang thai khi vẫn còn dưới 15 tuổi.

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Chiếm 16,3% dân số thế giới và đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, tuy nhiên một bộ phận vị thành niên trên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn nạn, thách thức như tảo hôn, mang thai và sinh đẻ, nuôi con ở tuổi vị thành niên, HIV/AIDS, thất học, lao động kiếm sống, ám ảnh bởi bạo lực, xâm hại tình dục…

Đà Nẵng sơ kết chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ đợt I

Đà Nẵng sơ kết chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ đợt I

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet – Sự nhiệt tình, năng nổ, làm tốt vai trò tham mưu hoạt động về DS-KHHGĐ của đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, cùng với sự hưởng ứng của đối tượng tham gia thực hiện KHHGĐ/CSSKSS đã góp phần vào việc thực hiện kế hoạch ổn định mức sinh hợp lý trên toàn thành phố.

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Dân số và phát triển

GiadinhNet - Chiếm 16,3% dân số thế giới và đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, tuy nhiên một bộ phận vị thành niên trên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn nạn, thách thức như tảo hôn, mang thai và sinh đẻ, nuôi con ở tuổi vị thành niên, HIV/AIDS, thất học, lao động kiếm sống, ám ảnh bởi bạo lực, xâm hại tình dục…

Top