Ký ức tuổi thơ của “thần đồng” một thuở
GiadinhNet - Những câu thơ trong sáng, hồn nhiên được viết ra từ “góc sân” nhỏ hẹp nhưng lại mở ra cả một “khoảng trời” mơ ước, không chỉ cho tuổi thơ của nhà thơ Trần Đăng Khoa mà có lẽ, với cả thế hệ cùng thời. Báo Gia đình &Xã hội xin giới thiệu bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa về những ký ức tuổi thơ thời chiến và một thời gian khó ở vùng quê Hải Dương của ông để nghĩ về giá trị hôm nay.
Nguồn: 360svkt.forumvi.com
Từng có lúc nghĩ bị mất tuổi thơ vì trở thành "thần đồng"
Tuổi thơ của tôi lớn lên trong sự ngưỡng mộ của bạn bè, hàng xóm và có lẽ là cả nước. Được gọi với danh xưng "thần đồng" nhưng từng có lúc, tôi cảm giác mình không có tuổi thơ vì trở thành người phát ngôn của thời đại. Nhà tôi lúc nào cũng có người tới, khi thì thăm quan, khi thì thăm dò, muốn chứng kiến cảnh tôi làm thơ bằng cách ở lại ăn cùng ngủ cùng…
Trước khi trở thành "thần đồng" do mọi người phong tặng, tôi có tuổi thơ yên bình và thường thấy như bao đứa trẻ nông thôn Bắc bộ khác. Tôi biết làm thơ có lẽ do những lần đọc trộm báo Văn nghệ của anh trai Trần Nhuận Minh(sau này cũng là nhà thơ)đặt cho chị gái. Tôi đọc và tập tành làm thơ từ những lần đọc trộm như thế.
Nhưng sâu sa hơn có lẽ từ mẹ tôi. Mẹ tôi là người không biết chữ nhưng bà đọc Kiều vanh vách. Ðể thể hiện cảm xúc buồn khổ hay vui sướng, bà lại đọc Truyện Kiều. Bà đọc Kiều, ngâm Kiều nhiều đến mức tôi cũng thuộc trước khi nhìn thấy tác phẩm đó ngoài đời. Rồi mỗi khi có việc gì đó mẹ lại dùng ca dao, thành ngữ, tục ngữ dẫn dụ. Cứ thế, bà gieo mầm vào tâm khảm tôi một cách tự nhiên và gần gũi nhất.
Mẹ tôi không có ý thức dạy con trở thành nhà thơ, cái đó xa lạ với bà. Bà chỉ dạy con thành người tử tế. Tôi nhớ có lần bà ngoại đến chơi nhà vào buổi tối, mẹ bảo tôi ra hái trầu cho bà, dặn rằng "Con nhớ vặn to đèn lên cho trầu nhận ra con, để nó biết con không phải là thằng ăn trộm. Rồi đọc câu này: Trẩu trẩu trầu trầu/Mày làm Chúa tao/Tao làm Chúa mày/Tao không hái ngày/Thì tao hái đêm/Dậy cho tao hái".
Sau đó, tôi có ngay bài thơ "Đánh thức trầu": "Đã ngủ rồi hả trầu/Tao đã đi ngủ đâu/Mà trầu mày đã ngủ/Bà tao vừa đến đó/Muốn xin mấy lá trầu/Tao không phải ai đâu/Đánh thức mày để hái/Trầu ơi, hãy tỉnh lại/Mở mắt xanh ra nào/Lá nào muốn cho tao/Thì mày chìa ra nhé/Tay tao hái rất nhẹ/Không làm mày đau đâu.../Đã dậy chưa hả trầu?/Tao hái vài lá nhé/Cho bà và cho mẹ/Đừng lụi đi trầu ơi!".
Ngày bà mất, mẹ bảo tôi: "Bà mất rồi, con xem cây cối có buồn không?". Rồi mẹ đưa cho tôi tấm vải trắng, xé ra làm khăn tang cho tôi đeo vào cây trầu, cây cau, cây na… Cả khu vườn trắng xóa một màu tang.
Gần đến ngày Tết, mẹ bảo: "Con ra vườn khoác áo mới cho cây cối đi! Mình có mà cây không được là nó buồn đấy!". Tôi lấy vôi quét lên thân cây, cả khu vườn sáng rực lên, nhìn đã thấy đầy không khí Tết. Cách dạy của mẹ tôi cứ mộc mạc như vậy mà hun đắp nơi tôi tình yêu thiên nhiên, cây cỏ và các con vật xung quanh một cách gần gũi và hồn hậu. Khi mình có tình yêu với thiên nhiên thì sẽ cảm nhận được cảm xúc, linh hồn như với con người vậy. Phép nhân hoá trong thơ của tôi dạo ấy là học được từ những lời dạy hàng ngày của mẹ.
Nhưng rồi từ khi được gọi là "thần đồng", tôi không còn làm thơ kiểu "hữu xạ tự nhiên hương" nữa mà luôn được đặt hàng, hay thử thách tài làm thơ của tôi bằng cách ra đề trực tiếp. Lúc đầu cũng có hơi khó chịu vì không phải cảm xúc của mình nhưng sau đó thành thói quen, tôi coi điều đó cũng tốt, vì không phải nghĩ đề tài nữa.
Đọc lại những câu thơ thời đó, tôi thấy mình như người phát ngôn của thời đại chứ không phải trẻ con nữa. Những câu thơ như: "Chúng tôi đến lớp ngày ngày/Mũ rơm tôi đội, túi đầy thuốc men/Ao trường vẫn nở hoa sen/Bờ tre vẫn chú dế mèn vuốt râu/Chúng tôi chẳng sợ Mỹ đâu/Vẫn vui vẫn hát những câu rộn ràng"; hay "Tiếng diều vàng nắng/Trời xanh cao hơn/Dây diều em cắm/Bên bờ hố bom". Sự hồn nhiên, ngây thơ của thiếu nhi thời ấy vì phải sớm trải nghiệm qua chiến tranh mà trở nên trưởng thành, già dặn hơn so với tuổi. Những suy nghĩ của tôi hồi đó được ví như ông cụ non. Đó không phải em bé làm thơnữa mà là một nhà thơ ở lứa tuổi trẻ con rồi.
Tiền nhuận bút một bài thơ bằng bán bèo 2 tháng của mẹ
Có nhiều thơ ở lứa tuổi lên 8, lên 10, lại còn được đăng báo nhiều nữa, ai cũng nghĩ tôi có nhiều tiền nhuận bút lắm. Nhưng kỳ thực, chỉ duy nhất một cơ quan báo chí không theo lệ, đó là Văn nghệ quân đội. Một bài thơ của tôi có mấy câu thôi mà được tạp chí này trả 15 đồng nhuận bút, 6 tháng báo biếu, một cuốn sổ và chiếc bút máy. Mà bút máy hồi đó hiếm lắm. Nói như thế này để hình dung được số tiền 15 đồng đó kinh khủng thế nào: Mẹ tôi đi gánh cả gánh bèo 5 cây số mới đến chợ, bán được 5 hào. Như vậy, tiền nhuận bút một bài thơ của tôi bằng 30 gánh bèo, tức là 2 tháng làm việc cật lực của mẹ tôi. Thế nên, khi thấy số tiền đó, bà kinh hoàng lắm và cứ tra khảo con trai là có ăn cắp ở đâu không, chứ mấy câu thơ mánh khóe thế thì làm sao mà được trả nhuận bút?
Nhưng cũng có khi, thay bằng tiền nhuận bút thì tôi được trả bằng hiện vật. Có bận được trả bằng chiếc chăn Mông Cổ rất đẹp, hay khi in tập "Bông hồng đỏ", tôi sở hữu nhiều bài nhất trong đó nên phần thưởng là chiếc radio của Nhật Bản. Hồi đó, radio phát theo giờ, ngày 3 lần. Mỗi khi phát là cả xóm kéo đến nhà nghe "ké", đặc biệt là tối thứ Bảy vì có chương trình Sân khấu truyền thanh và mục Câu chuyện cảnh giác…
Không phải ngẫu nhiên mà bếp được gọi là "vua bếp"
Mà nói đến Tết mới thấy, Tết nay không vui bằng ngày xưa. Tết hay nhất là ở sự chuẩn bị, ở không khí rậm rịch sắm Tết. Có lẽ vì ngày xưa đói quá nên Tết người ta lo chuẩn bị nhiều thứ, kèm theo đó là tâm trạng háo hức, chờ đợi. Ví dụ, cái áo mới nhất, món ngon nhất đều để dành Tết mới dùng. Nuôi được con lợn cũng hướng đến Tết. Còn bây giờ, vèo một cái ra cửa hàng là đủ hết, các bà nội trợ nếu muốn chả cần phải mó tay vào cái gì cũng tươm tất cả. Vì thế mà nó mất vui và ăn cũng không thấy ngon nữa. Khi cái Tết trở nên công nghiệp thì ý nghĩa cũng mất đi.
Có lần tôi đã bàn chuyện bằng bài viết "Tết đừng quên người già" khi thấy xu hướng Tết ngày càng xa rời truyền thống. Người trẻ thích đi chơi hơn là ở nhà xum vầy. Người già không còn thiết tha cái ăn, cái mặc nữa nên được gặp cháu con với họ mới là ngày Tết. Cái sự ăn ngày Tết hay ngày thường không còn quan trọng nữa, chỉ có không khí xum vầy là cứ thèm mãi…
Cho nên người Việt ở nước ngoài mỗi khi đến Tết cổ truyền là họ buồn vô cùng tận. Mặc dù ngày Tết ở nước ngoài bây giờ chả thiếu cái gì. Ở Việt Nam có gì thì họ cũng mua được như thế ở các siêu thị. Nhưng rồi vẫn không ra cái Tết, vì nó thiếu cái không khí. Tôi đã từng có nhiều năm sống ở nước ngoài nên thấm thía sự khác nhau đó lắm. Một chút hiu hiu lạnh, những giọt mưa bay bay như làn khói mỏng, phả vào mặt mình những giọt nước li ti; là tiết thời âm u, mùi hương của trời đất phảng phất đâu đó trong không gian và đặc biệt là lòng người chộn rộn. Những thứ khác tiền có thể thay thế được hết nhưng không khí chuẩn bị Tết thì không thể.
Càng đến Tết, không gian bếp càng trở nên quan trọng và là trung tâm của ngôi nhà. Không phải ngẫu nhiên mà chúng ta có một ngày tôn vinh ông bếp. Ba ông đầu rau đen nhẻm làm nên một "triều đình gio trấu" và nắm giữ linh hồn của ngôi nhà. Nhìn vào bếp là hiểu đời sống của gia đình đó ra sao, hạnh phúc hay đau khổ, sung túc hay thiếu thốn… Có những câu chuyện được kể ở bên bếp và từ đó cứ theo người ta đi mãi không bao giờ quên được, rồi những bữa cơm mùa đông trở nên ấm cúng hơn nhờ bếp. Mẹ tôi luôn dặn các con rằng không bao giờ được dùng cây cời bếp để gõ vào các "ngài". Với bà, mọi sự vật tồn tại trên trái đất này đều có linh hồn, không phải vật vô tri, giống như lời ca mà mẹ dặn tôi khi hái trầu lúc nhỏ: "Mày làm Chúa tao/Tao làm Chúa mày". Tức mọi thứ trên đời đều bình đẳng và cần phải được tôn trọng như nhau. Mẹ tôi bảo, khi biết trân trọng thiên nhiên, sự vật thì sẽ không ai đối xử ác với nhau được cả. Đó cũng là điều mà một cách ngẫu nhiên, trong thơ tôi luôn hàm chứa những thông điệp về tình yêu quê hương, tình yêu thiên nhiên được đề cập giản dị nhưng gần gũi. Dù thời cuộc có khác nhau nhưng ý nghĩa của nó thì đến nay vẫn vậy.
Trần Đăng Khoa
Công việc chăm sóc không lương tạo gánh nặng với phụ nữ
Gia đình - 2 giờ trướcGĐXH – Công việc chăm sóc không lương đã và đang cản trở phụ nữ kinh doanh phát huy hết tiềm năng của mình. Với việc đẩy mạnh nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ giúp cân bằng giữa phát triển kinh doanh và công việc chăm sóc.
Phát hiện chồng đi lang chạ, tôi tố cáo cho cả nhà biết thì nhận được lời khuyên choáng váng từ gia đình chồng
Chuyện vợ chồng - 2 giờ trướcSau khi thấy thái độ dửng dưng từ cả gia đình chồng thì tôi nhận ra ly hôn cũng không có gì tiếc nuối.
3 con giáp 'cả thèm chóng chán', phút trước còn si mê, phút sau đã âm thầm kết thúc mà đối phương không hay biết
Gia đình - 4 giờ trướcGĐXH - Trong chuyện tình cảm, có những con giáp có mới nới cũ điển hình. Khi mới yêu thì say mê, cuồng si, lúc phai nhạt thì kết thúc trong sự ngỡ ngàng của nửa kia.
U50 đi họp lớp, chỉ thanh toán hóa đơn rồi xin về trước, tối điếng người khi đọc tin nhắn trong nhóm chat
Gia đình - 8 giờ trướcBuổi họp lớp bỗng mất đi hoàn toàn ý nghĩa sau những dòng tin nhắn tranh cãi của đôi bên.
5 cung hoàng đạo nhạy cảm hơn người, trực giác siêu nhạy bén, dễ dàng đoán trước nhiều việc
Gia đình - 11 giờ trướcGĐXH - Sở hữu trực giác mạnh mẽ, 5 cung hoàng đạo này có thể "đọc vị" bất kỳ ai, đoán đúng nhiều chuyện sắp xảy ra.
7 bí mật của con thường bị cha mẹ EQ thấp tiết lộ với người ngoài khiến chúng tổn thương
Nuôi dạy con - 12 giờ trướcGĐXH - Việc nói chuyện không kiểm soát, tiết lộ thông tin riêng tư của con cái đôi khi sẽ gây ra rắc rối lớn cho cả bạn và con cái bạn.
"Bừng tỉnh" sau cuộc xung đột với chồng, vợ biết chăm chút cho bản thân nhiều hơn
Chuyện vợ chồng - 13 giờ trướcỞ tuổi 50, chị Bùi Thị Minh Hiền (Quảng Nam) được nhiều người khen “còn đẹp hơn hồi 40”. Trước những lời “có cánh” của bạn bè, chị Hiền thấy lâng lâng.
5 kiểu trẻ em khiến cha mẹ 'phát điên' nhưng lớn lên lại dễ thành công hơn bạn bè cùng trang lứa
Nuôi dạy con - 15 giờ trướcGĐXH - Thực tế, có những khuyết điểm ở trẻ không thực sự là khuyết điểm mà lại là dấu hiệu cho thấy trẻ rất có triển vọng trong tương lai.
Chồng qua đời để lại sổ tiết kiệm 6 tỷ đồng, vợ đi rút tiền thì ngân hàng thông báo: Chị không có quyền nhận tiền!
Chuyện vợ chồng - 1 ngày trướcThông báo của ngân hàng khiến người phụ nữ vô cùng bất ngờ. Trước đó, chị đã cung cấp đủ giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.
Phụ nữ thuộc 4 cung hoàng đạo này sở hữu khí chất, thần thái khó ai bì kịp
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Thần thái quyết định phần lớn vẻ đẹp và sức hút của một người. Những cung hoàng đạo có sở hữu thần thái đặc biệt dưới đây có thể khiến cánh mày râu đổ rạp dưới chân mình.
Chuyên gia tâm lý nổi tiếng: Có 9 thời điểm cha mẹ nói 'không' với con sẽ cực tốt cho sự phát triển của trẻ
Nuôi dạy conGĐXH - Với một đứa trẻ, nghe thấy từ "không" quá thường xuyên có thể gây ra tác động lâu dài với chúng. Nhưng có 9 thời điểm các bậc cha mẹ nhất định phải nói "không" với con mình.