Hà Nội
23°C / 22-25°C

Thói quen tai hại của người lớn và nỗi đau con trẻ

Thứ bảy, 09:34 28/06/2008 | Gia đình

Giadinh.net - Nhiều bà mẹ thường tự mua thuốc về cho con uống mà không cần có sự thăm khám bệnh hay chỉ định dùng thuốc của bác sĩ. Nhưng nếu được tận mắt chứng kiến cảnh những em bé phải cấp cứu trong bệnh viện vì phản ứng thuốc, thì không ít bà mẹ sẽ giật mình...

Chống viêm, hạ sốt cũng gây dị ứng

Nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải ga trắng, bé Minh mới được 5 tháng tuổi nhắm nghiền mắt, da xanh xao, thóp phập phồng theo từng hơi thở nặng nhọc. Tính cả ngày hôm ấy, bé Minh đã nằm viện được 3 ngày. Trước đó, bé bị ho, sốt cao tới 39,50C, mẹ bé chạy ra ngoài hiệu thuốc gần nhà kể về các triệu chứng của bé và được tư vấn mua thuốc hạ sốt và kháng sinh chữa ho, viêm họng.

Sau khi uống thuốc xong chừng 30 phút, hơi thở bé bắt đầu nặng nhọc, mắt có biểu hiện lơ mơ. Bà nội bé hoảng hốt vội ôm cháu chạy sang bệnh viện cấp cứu. “Sau khi chụp ống thở và cấp cứu cho cháu xong, bác sĩ mới bảo chỉ cần chậm tí nữa thì cháu sẽ bị nguy kịch, khó cứu. Nghĩ lại thấy cũng may vì đã kịp đưa cháu đi cấp cứu, may mà nhà tôi ở gần bệnh viện, nếu không thì tôi cũng không biết là có kịp cứu cháu không”, bà nội bé Minh đang ngồi bên giường bệnh quạt cho cháu kể.

Làm test thử trước khi dùng thuốc

Theo lời khuyên của các chuyên gia dị ứng, bệnh nhân trước khi uống thuốc cần phải làm test thử để xem phản ứng cơ thể với loại thuốc đó như thế nào bằng cách đặt vào lưỡi, hốc mũi với thuốc uống. Với thuốc tiêm thì thử ngoài da.

Theo các bác sĩ, thống kê từ các ca dị ứng thuốc cho thấy kháng sinh là nhóm thuốc đứng đầu bảng nguyên nhân gây dị ứng, chiếm tới hơn 50%, thuốc chống viêm giảm sốt chiếm khoảng 10%.

Khi bị dị ứng thuốc sẽ xuất hiện các triệu chứng lâm sàng như nổi ban đỏ, mề đay, ngứa, sốt, tâm thần choáng váng khó chịu. Các bác sĩ cho biết, các biểu hiện dị ứng thuốc chủ yếu xuất hiện trên da và niêm mạc, chiếm tới hơn 90%. Các dị ứng thuốc từ đường uống chiếm tỉ lệ lớn hơn nhiều (khoảng hơn 70%) so với đường tiếp xúc qua việc bôi hoặc tiêm (chỉ khoảng 20%).

Tiến sĩ Lê Minh Hương (Bệnh viện Nhi TƯ) cho hay, nguyên nhân gây dị ứng là do trong cơ thể đã có sẵn chất Histamine (trong máu, các mô) dưới dạng liên kết tĩnh điện histamine - héparine không có hoạt tính. Khi có chất lạ vào cơ thể, với những người dễ bị dị ứng, có cơ địa bị dị ứng thì sẽ dẫn đến tình trạng nối tĩnh điện bị cắt đứt làm histamine được phóng thích tạo nên tác dụng dược lực tác động lên hệ tuần hoàn, làm giãn mạch.

Mạch bị giãn dẫn đến tụt huyết áp, nhịp tim tăng nhanh, áp lực nội sọ tăng gây nhức đầu, choáng váng. Nếu tác động đến hệ hô hấp thì sẽ dẫn đến co thắt khí phế quản gây nghẹt thở hoặc tác động đến hệ tiêu hoá thì sẽ làm co thắt cơ trơn.

Tự chữa cảm cúm, “rước” con vào viện!

Trong quá trình đăng tải loạt bài này, GĐ&XH Cuối tuần đã nhận được không ít những thông tin chia sẻ và đề nghị từ bạn đọc được cung cấp thêm những thông tin về những dị ứng mà trẻ hay gặp phải khi dùng thuốc chữa bệnh.

Xin trích đăng lá thư của chị Nguyễn Thị Hằng giáo viên tiếng Anh ở thị xã Tuyên Quang: “Con gái tôi đang học lớp 2, hôm đó giữa trưa nắng cháu đi học về và đến chiều thì bị cảm cúm, hắt hơi, sổ mũi. Tôi đã tự ra ngoài mua kháng sinh cho cháu uống. Nhưng nửa giờ sau, cháu bắt đầu sốt cao, khắp người nổi ban đỏ, một số vùng trên da còn xuất hiện bọng nước. Cháu kêu là chóng mặt chóng mặt, mệt và buồn nôn... Ngay sau đó, tôi lập tức đưa cháu đến bệnh viện. Làm xét nghiệm xong, tôi mới ngã ngửa vì không ngờ cháu lại bị dị ứng với thuốc nhưng tôi lại không biết điều đó nên vẫn cho cháu uống”. 

Trẻ dùng nhiều kháng sinh dễ bị mắc bệnh hen

Các nghiên cứu y khoa cho thấy, trẻ sử dụng nhiều kháng sinh dễ mắc bệnh hen hơn so với những trẻ ít dùng kháng sinh. Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn tới 16% so với những đứa trẻ khác. 

Thực tế có những trường hợp dị ứng thuốc nặng đến mức hoại tử da, toàn thân bị phù nề rất đau đớn. Như trường hợp bệnh nhân Mai Thị Sèng ở huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn cũng bị cảm cúm đến gần một tuần không khỏi nên mẹ cháu tự đi mua kháng sinh cho con uống.

Sau khi uống một tiếng, cháu bắt đầu bị sốt, người nổi mẩn đỏ, người lớn lại nghĩ cháu chỉ bị ốm bình thường nên vẫn để cháu ở nhà và tiếp tục cho uống thuốc đã mua. Đến ngày hôm sau thì toàn thân cháu bắt đầu xuất hiện mụn nước, ăn vào là nôn.

Sang đến ngày thứ 3, các mụn nước bắt đầu vỡ ra, vết loét lan khắp người thì cả nhà mới đưa con đến trung tâm y tế để khám và được chuyển ngay xuống bệnh viện điều trị. Lúc ấy, da toàn thân cháu Sèng đã bị hoại tử, phù nề. Sau khi khám và làm các xét nghiệm, các bác sĩ kết luận nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh nặng như trên là do bị dị ứng thuốc.

Trong thư, mẹ cháu Sèng viết: “Nếu ngay trong ngày đầu tiên uống thuốc, khi cháu bị nổi mẩn đỏ mà tôi dừng không cho cháu uống thuốc nữa và đi khám thì đâu đến nỗi bị loét khắp người như thế này. Cả họ nhà tôi có mỗi mình cháu là con gái, nên bây giờ lo lắm, chỉ sợ các vết loét, những chỗ da bị hoại tử sau khi lành sẽ để lại sẹo”. 

Theo lời khuyên của bác sĩ, khi trẻ bị sốt, cảm cúm không nhất thiết phải dùng đến kháng sinh vì có thể trẻ không bị viêm nhiễm. Một số bệnh nhiễm khuẩn thường có triệu chứng sốt, nhưng không phải tất cả các trường hợp sốt đều do nhiễm khuẩn. Có thể trẻ bị sốt do mọc răng hoặc cảm nắng.

Khi trẻ sốt thì không nên cho uống kháng sinh ngay, trước tiên phải hạ nhiệt cho bé bằng cách lau nước ấm, đắp trán hoặc dùng Paracetamol. Những trường hợp bé bị cảm cúm, viêm mũi, viêm họng do virus thì kháng sinh hoàn toàn không có tác dụng, nếu dùng bừa bãi có thể dẫn đến tình trạng kháng thuốc.

Khi trẻ bị cảm cúm, sốt, viêm họng... hãy cho trẻ đến khám bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân do viêm nhiễm hay virút để có cách điều trị thích hợp. 

Thuốc bổ thành thuốc... hại!

Nghiên cứu y khoa cho thấy, không chỉ có các loại kháng sinh nằm trong danh sách đỏ về gây dị ứng mà thậm chí các loại thuốc bổ và lành như vitamin, thuốc đông y cũng có thể gây dị ứng, chiếm khoảng hơn 7%.

Thời điểm này nên đặc biệt chú ý đến vệ sinh cho trẻ

Theo lời khuyên của các bác sĩ, thời điểm này, thời tiết khắc nghiệt lại thường xuyên thay đổi nên đặc biệt chú ý đến giữ vệ sinh răng miệng cho trẻ, bảo vệ đường hô hấp của trẻ, hạn chế sự xâm nhập của các vi khuẩn gây bệnh. Đồng thời, giữ môi trường sống được thoáng mát, sạch sẽ.

Theo các bác sĩ, thuốc đông y đứng thứ ba trong số các nhóm thuốc dễ gây dị ứng. Nguy cơ bị dị ứng bởi thuốc đông y càng tăng cao vì phần lớn người dân đều có quan niệm thuốc đông y lành, không độc, mát, bổ. Chính vì quan niệm này mà không ít người chẳng có bệnh tật, ốm đau gì nhưng “hứng” lên một cái là lại đi bốc thuốc đông y về uống. Có người xuất hiện triệu chứng dị ứng thuốc ngay sau khi uống một vài giờ, nhưng cũng có khi sau một vài ngày. Thậm chí có những trường hợp xuất hiện muộn thì có khi nhiều tuần sau mới có biểu hiện.

Có những trường hợp xuất hiện triệu chứng sốt, mẩn ngứa nhưng ở thời điểm sau khi uống thuốc đông y hàng tuần nên thường lầm tưởng bị bệnh chứ không phải do dị ứng nên đã uống thuốc chữa khiến dị ứng càng nặng hơn. Bác sĩ Nguyễn Văn Lộc (Bệnh viện Nhi TƯ) cho biết, ngay cả với vitamin B1, loại thuốc bổ được xem là “lành” nhất cũng có thể gây dị ứng, nhất là với người có cơ địa dị ứng thuốc. 

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng dị ứng thuốc ngày càng phổ biến, theo GS Nguyễn Năng An (nguyên Trưởng khoa Dị ứng, miễn dịch lâm sàng, bệnh viện Bạch Mai) là do tình trạng tự dùng thuốc bừa bãi của người dân. Nặng nhất là sốc phản vệ dẫn đến khó thở, hạ huyết áp, trụy tim mạch.

Thậm chí có thể tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Một số phản ứng thuốc còn có thể gây điếc, gây suy tuỷ, ngộ độc. Ở trẻ sơ sinh dễ dẫn đến hội chứng xanh tái. Một số trường hợp dị ứng thuốc còn gây giảm hồng cầu, bạch cầu, xuất huyết giảm tiểu cầu, tế bào gan bị tổn thương.

TS Lê Minh Hương khuyên, để tránh cho trẻ bị dị ứng thuốc, không nên dùng nhiều loại thuốc một lúc và không nên dùng thuốc kéo dài. Đặc biệt, phải thông báo rõ về tiền sử dị ứng thuốc hoặc dị ứng thức ăn trước khi bác sĩ kê đơn thuốc.

Lã Xưa

hoaianh
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Họp lớp ai cũng háo hức nhưng có 3 kiểu người thường không tham gia

Họp lớp ai cũng háo hức nhưng có 3 kiểu người thường không tham gia

Gia đình - 2 giờ trước

Nhiều người háo hức được gặp các bạn cũ trong buổi họp lớp, nhưng cũng có những người không muốn xuất hiện vì những lý do khác nhau.

5 định luật cha mẹ áp dụng từ sớm sẽ giúp con mạnh mẽ và thành công ở tương lai

5 định luật cha mẹ áp dụng từ sớm sẽ giúp con mạnh mẽ và thành công ở tương lai

Nuôi dạy con - 3 giờ trước

GĐXH - Những định luật này chứa đựng các kinh nghiệm dạy con cái rất đáng để cha mẹ học hỏi.

Người ta dễ ngoại tình vào mùa nào nhất?

Người ta dễ ngoại tình vào mùa nào nhất?

Chuyện vợ chồng - 4 giờ trước

GĐXH - Tỷ lệ lừa dối nửa kia tăng vọt khi chúng ta bước vào mùa này. Đây theo nghiên cứu của một trang web hẹn hò ngoài hôn nhân.

Đại học Harvard: Một kiểu sống của cha mẹ cứ nghĩ là không sao nhưng khó nuôi ra đứa trẻ có triển vọng

Đại học Harvard: Một kiểu sống của cha mẹ cứ nghĩ là không sao nhưng khó nuôi ra đứa trẻ có triển vọng

Nuôi dạy con - 9 giờ trước

GĐXH - Các bậc cha mẹ không biết rằng, môi trường sống của trẻ từ nhỏ ảnh hưởng trực tiếp đến sự trưởng thành sau này.

Cô gái dành 18 tháng đi du lịch để 'chữa lành' nhưng vẫn không hạnh phúc

Cô gái dành 18 tháng đi du lịch để 'chữa lành' nhưng vẫn không hạnh phúc

Gia đình - 9 giờ trước

MỸ - Cô gái đã từ bỏ công việc áp lực, đi du lịch khắp thế giới để chữa lành. Sau chuyến đi kéo dài 18 tháng và rất nhiều trải nghiệm, cô vẫn cảm thấy không hạnh phúc và quyết tâm phải thay đổi.

Top 4 cung hoàng đạo đáng tin cậy nhất

Top 4 cung hoàng đạo đáng tin cậy nhất

Gia đình - 10 giờ trước

GĐXH - Các cung hoàng đạo này luôn đối xử với người khác bằng một trái tim yêu thương thật lòng, đáng tin cậy.

Nhà của mẹ là bến yêu thương, nơi chữa lành tốt nhất

Nhà của mẹ là bến yêu thương, nơi chữa lành tốt nhất

Gia đình - 14 giờ trước

Gia đình với tôi là thuốc chữa lành tốt nhất. Vì vậy, đường về quê có thể khá vất vả, đôi khi tốn kém, nhưng “du lịch về nhà” mang một ý nghĩa thiêng liêng, sâu thẳm nên tôi luôn để ở dạng ưu tiên số một.

Người cha mở tiệc mừng con gái ly hôn: 'Chúng tôi đón con như cách đã đưa cháu về nhà chồng'

Người cha mở tiệc mừng con gái ly hôn: 'Chúng tôi đón con như cách đã đưa cháu về nhà chồng'

Gia đình - 14 giờ trước

GĐXH - Ông ủng hộ quyết định của con gái và muốn thay đổi nhận thức xã hội về ly hôn.

Vợ chồng 70 tuổi, lương hưu 35 triệu/tháng vẫn than thở cuộc sống chật vật: Tiền không mua được tất cả!

Vợ chồng 70 tuổi, lương hưu 35 triệu/tháng vẫn than thở cuộc sống chật vật: Tiền không mua được tất cả!

Chuyện vợ chồng - 1 ngày trước

Nhiều người mơ ước có được cuộc sống như hai ông bà nhưng thực tế thì "ở trong chăn mới biết chăn có rận".

Cô đơn tuổi 70, ông bố một con tìm bạn gái để kết hôn

Cô đơn tuổi 70, ông bố một con tìm bạn gái để kết hôn

Gia đình - 1 ngày trước

GĐXH - Ông từng kết hôn và có một con và sống độc thân từ năm 2015. Cuộc sống lẻ loi tuổi già khiến ông muốn đi thêm bước nữa...

Top