Tin sáng 15/10: Người dân ở Hà Nội đổ xô đi đổi giấy phép lái xe; nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở miền Trung, mưa khi nào chấm dứt?
GĐXH - Không riêng TP.HCM, tại Hà Nội cũng xuất hiện cảnh đổ xô đi đổi giấy phép lái xe từ bản giấy sang thẻ nhựa. Đáng nói, có người dù biết chưa bắt buộc nhưng vẫn đi đổi cho yên tâm; miền Trung tiếp tục đối mặt với các đợt mưa lớn liên tiếp ít nhất từ nay đến 20/10 và khả năng còn kéo dài, nhiều diễn biến phức tạp. Một số nơi mưa rất lớn đến 800mm, gây ngập lụt diện rộng.
Người dân ở Hà Nội cũng đổ xô đi đổi giấy phép lái xe
11h sáng 14/10, tại 2 điểm đổi giấy phép lái xe (GPLX) do Sở GTVT TP Hà Nội quản lý ở địa chỉ 258 Võ Chí Công (quận Tây Hồ) và 16 Cao Bá Quát (quận Ba Đình) vẫn đông người chờ làm thủ tục đổi GPLX từ bản giấy sang thẻ nhựa (PET).
Là những người cuối cùng chờ đến lượt đổi GPLX tại 258 Võ Chí Công (quận Tây Hồ) trong sáng nay, chị Trần Thị Ngọc Bình (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, hai vợ chồng đã ra khỏi nhà từ sáng sớm để đi đổi bằng lái.
Theo chị Bình, chồng bị mất GPLX. Còn GPLX của chị được cấp từ những năm 2000, vì thế tranh thủ ngày nghỉ làm hai vợ chồng rủ nhau đi đổi dù biết chưa bắt buộc phải đổi.
7h45 đến nơi, chị Bình nối vào hàng dài người phía trước chờ phát số. Khoảng 8h15, chị Bình lấy được số thứ tự số 1058.
"Tôi cũng không nghĩ lại đông như thế. Hàng dài người xếp hàng từ ngoài sảnh chờ lấy số, bên trong phòng chờ làm thủ tục cũng đông kín. Dù cầm được số trong tay nhưng vợ chồng tôi cũng không dám ra ngoài ăn sáng mà ngồi luôn ở đây chờ. Vẫn may là không phải quay về. Đổi xong cho yên tâm", chị Bình nói.
Tương tự, chị Nguyễn Thu Hà (ở Đại Mỗ, Nam Từ Liêm) cũng kiên nhẫn chờ đến lượt. Chị Hà kể, cơ quan ở quận Hai Bà Trưng, tuần trước đã tranh thủ sang địa điểm ở Cao Bá Quát để đổi GPLX, nhưng 9h sáng đến nơi đã không còn số làm trực tiếp. Nhân viên hướng dẫn lấy phiếu hẹn nhưng chị từ chối.
Sáng nay, chị Hà dậy sớm, đến điểm đổi GPLX ở Võ Chí Công. "8h kém tôi đã xếp hàng, trước tôi ước khoảng trăm người đến sớm hơn. Cũng may, tôi là người gần cuối được lấy số. Nhiều người phía sau đã phải ra về", chị Hà nói.
Dù biết chưa bắt buộc phải đổi GPLX nhưng chị Hà cho biết vẫn quyết định đi làm thủ tục đổi. "Trước sau gì cũng phải đổi thôi. Hơn nữa, tôi cũng thấy thuận tiện khi tích hợp nhiều giấy tờ trên VNeID. Ví dụ, như từ hơn tháng nay tôi đi máy bay, hay đi khám bệnh, chỉ cần đưa điện thoại ra là xong", chị Hà nói.
Trao đổi với PV VietNamNet, một cán bộ bộ phận một cửa, nơi tiếp nhận hồ sơ làm thủ tục cấp, đổi GPLX tại 258 Võ Chí Công (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ở điểm này có 2 cửa tiếp nhận, số lượng người đến đều tăng.
"Từ đầu tháng 10/2023, số lượng người dân có nhu cầu đổi GPLX từ bản giấy sang thẻ nhựa (PET) tăng lên. Mỗi ngày trung bình tiếp nhận khoảng 350 hồ sơ, so với trước đây, số lượng người dân đến đổi GPLX tăng 50%. Dù nhu cầu người dân muốn đổi GPLX rất lớn nhưng chỉ có thể phát số tiếp nhận trong khả năng giải quyết", nữ cán bộ này cho biết.
Tình trạng đông người đến đổi GPLX cũng xảy ra tương tự tại điểm tiếp nhận hồ sơ ở số 16 Cao Bá Quát. Tại đây, trung bình mỗi ngày có thể tiếp nhận 400-500 hồ sơ nhưng hơn một tuần qua số lượng người đến làm thủ tục này tăng khoảng 50%. Điều này khiến người dân phải xếp hàng lấy số, chờ đến lượt gọi tên. Khi đã hết số thứ tự trực tiếp, đơn vị sẽ chuyển qua phát phiếu hẹn những ngày sau đến làm việc.
Sáng 14/10, trao đổi với PV VietNamNet, cán bộ Phòng Quản lý phương tiện giao thông, Sở GTVT Hà Nội cho biết, mới đây, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ của Bộ Công an đề xuất GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012, phải được đổi sang GPLX mới nhằm tích hợp trên ứng dụng VNeID (dữ liệu quốc gia về dân cư).
Dù nội dung này mới chỉ là dự thảo nhưng hơn tuần qua, người dân đã đổ xô đến đổi GPLX giấy sang thẻ nhựa (PET) dẫn đến tình trạng quá tải tại các điểm. Phía Sở phải tăng cường nhân lực phục vụ cho công tác này. Ở cả hai địa điểm Cao Bá Quát và Võ Chí Công đều phải mở thêm một cửa phục phụ cho người dân có nhu cầu.
Làm rõ hơn vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam nhấn mạnh, hiện nay chưa có bất cứ văn bản quy định nào bắt buộc người dân phải đổi giấy phép lái xe từ bìa giấy sang thẻ nhựa (thẻ PET). Do đó, giấy phép lái xe bìa giấy vẫn sử dụng bình thường.
Theo ông Thống, hiện có hơn 22 triệu giấy phép lái xe máy bìa giấy được cấp trước 1/7/2012. Lý do những giấy phép này chưa thể cập nhật lên ứng dụng VNeID là do một số tình huống:
Thứ nhất, giấy phép lái xe không cập nhật số chứng minh nhân dân. Thứ hai, đó là những trường hợp dùng chứng minh nhân dân 9 số. Thứ ba, giấy phép lái xe không có ngày tháng năm sinh hay có năm sinh nhưng không có ngày, tháng sinh.
"Chính phủ muốn hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, giấy phép lái xe bìa giấy đã cấp lâu nên mới có chủ trương đưa vào dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an xây dựng. Nếu được Quốc hội đồng ý, sang năm 2024 mới thông qua và tiếp đó Chính phủ sẽ phải nghiên cứu để quy định lộ trình đổi. Hiện nay chưa có quy định nào bắt buộc người dân phải đổi ngay GPLX giấy sang thẻ nhựa", ông Thống khẳng định.
Trước tình trạng người dân ồ ạt đi đổi GPLX không chỉ ở TP.HCM mà xuất hiện ở cả Hà Nội, ông Thống khuyến cáo, những chủ phương tiện cần phải hiển thị thông tin trên tài khoản VNeID có thể đi đổi ngay. Trong trường hợp chưa cần thiết thì chờ Luật ban hành.
Trong khi đó, đại tá Nguyễn Quang Nhật, Trưởng Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an) cũng khẳng định, tất cả giấy phép lái xe còn thời hạn dù là loại nào đều có giá trị sử dụng.
Do đó, người dân không cần lo ngại việc dùng giấy phép lái xe loại bìa giấy cũ cấp từ 2012 - 2013 sẽ bị phạt. Việc cấp đổi giấy phép lái xe sang loại PET mới đang được nêu trong dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, các cơ quan đang phối hợp xây dựng lộ trình để thông qua.
Nguyên nhân mưa lớn dồn dập ở miền Trung, mưa khi nào chấm dứt?
Ngày 14/10, các tỉnh, thành phố từ Hà Tĩnh đến Quảng Nam vẫn ở trong cao điểm của đợt mưa rất lớn và dự kiến còn kéo dài nhiều ngày tới cùng với những diễn biến rất phức tạp. Đã có ít nhất 2 người tử vong do bị lũ cuốn (ở Thừa Thiên Huế, Hà Tĩnh) và hàng trăm nhà dân bị ngập, chủ yếu ở tâm mưa Đà Nẵng.
Mới đây, lần đầu tiên trong lịch sử, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia phát đi cảnh báo rủi ro thiên tai cấp 4 do mưa lớn ở hai tỉnh, thành Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế trong bối cảnh hai địa phương chịu một đợt mưa đặc biệt lớn và liên tiếp 2 ngày qua. Đồng thời, Quảng Nam cấp 3; Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Ngãi cấp 2; Hà Tĩnh: cấp 1.
Theo lãnh đạo cơ quan khí tượng, nguyên nhân của đợt mưa lớn này là do ảnh hưởng của các đợt không khí lạnh phía Bắc liên tục tràn xuống, tương tác với một dải hội tụ nhiệt đới trên cao đi qua khu vực Trung Bộ, cùng lúc trên các tầng khí quyển trên cao từ 1.500 - 5.000 m, có đới gió Đông hoạt động mạnh.
Đồng thời, theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết tháng 10 là một trong những tháng mưa lớn nhất trong năm ở miền Trung. Do đó, từ 11/10 đến nay, ở Bắc và Trung Trung Bộ liên tiếp xảy ra lượng mưa rất lớn, trong đó khu vực Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là trọng tâm.
Nhận định về lượng mưa lên đến 800mm chỉ trong 2 ngày, các chuyên gia khí tượng cho biết, lượng mưa phổ biến ở miền Trung thời kỳ này thường ở mức 600-800mm. Do đó, lượng mưa đang diễn ra không phải bất thường, nhưng trong 2 ngày qua, ở Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng là tương đối lớn so với trung bình nhiều năm.
Do ảnh hưởng của hình thái thời tiết trên, trong 2 ngày tới (14 đến sáng 16/10), Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam tiếp tục duy trì cường độ mưa rất lớn với lượng 300-500mm, có nơi trên 800mm; khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi lượng mưa giảm hơn, từ 150-250mm, có nơi trên 400mm; ở Hà Tĩnh 70-120mm, có nơi trên 150mm.
Ngoài ra, ở khu vực phía Nam Nghệ An, Kon Tum, Gia Lai có mưa vừa, cục bộ có mưa to với lượng mưa 30-60mm, có nơi trên 80mm; khu vực Nam Trung Bộ, các nơi khác ở Tây Nguyên và Nam Bộ 20-40mm, có nơi trên 70mm (thời gian mưa giông tập trung vào chiều và tối).
Đáng lưu ý, giai đoạn từ 16-17/10, từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi vẫn có mưa lớn 150-300mm, có nơi trên 700mm. Sau 17/10, mưa lớn ở miền Trung còn kéo dài và diễn biến phức tạp.
Người dân cần đề phòng nguy cơ cao lũ quét, sạt lở đất xảy ra tại khu vực vùng núi, ngập lụt cục bộ vùng trũng thấp ven sông và khu đô thị tại các tỉnh trên.
Hàng loạt xe khách bị phạt sau khi dân chụp ảnh 'chạy rùa bò' gửi CSGT
Sáng 14/10, Đội CSGT đường bộ số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) lập chốt xử lý ô tô đón, trả khách sai quy định trên đường Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng và Vành đai 3 thông qua tin báo phản ánh của người dân qua Zalo đến Phòng CSGT.
Cụ thể, khi người dân phản ánh đến trang Phòng CSGT Công an TP Hà Nội, cán bộ trực tiếp nhận thông tin và báo cho các tổ tuần tra, kiểm soát trên đường để xử lý.
Ghi nhận trong sáng 14/10, trang Zalo của Phòng CSGT đã nhận được 5 thông tin, hình ảnh của ô tô đón, trả khách sai quy định tại khu vực trước cổng trường Đại học Ngoại Ngữ (đường Phạm Văn Đồng, Cầu Giấy, Hà Nội).
Nhữnng thông tin, hình ảnh được người dân phản ánh qua Zalo của Phòng CSGT Công an TP Hà Nội sẽ được cán bộ trực ban tiếp nhận và báo cho đội địa bàn xử lý. Với các thông tin đầy đủ, hình ảnh rõ nét, sau khoảng 5 phút tiếp nhận, thông tin đã được báo cho tổ địa bàn.
Tổ công tác của Đội CSGT số 6 đang làm nhiệm vụ tại đường lên cầu Thăng Long nhanh chóng tiếp nhận thông tin và dừng xe, kiểm tra.
Đến khoảng 9h cùng ngày, Tổ công tác đã dừng ô tô mang biển kiểm soát tỉnh Quảng Ninh để kiểm tra.
Ngay khi dừng xe, Tổ CSGT đã cho tài xế xem hình ảnh mà người dân phản ánh qua Zalo. Hình ảnh rõ nét, thông tin đầy đủ khiến tài xế "tâm phục, khẩu phục".
Chỉ trong 1 giờ đồng hồ, lực lượng CSGT đã dừng, kiểm tra 5 ô tô khách vi phạm. Đáng nói, có trường hợp vi phạm nhiều lần, vừa bị CSGT lập biên bản xử lý lỗi tương tự cách đây 2 ngày.
Tài xế T. lý giải, thời gian qua, các xe ghép, xe Limousine hoạt động rất nhiều khiến cho ô tô khách chạy tuyến cố định gặp khó khăn. Nếu các chủ xe khách không dừng đỗ, đón khách dọc đường thì không đủ chi phí vận hành và khách quay lưng lại với nhà xe.
"Mỗi lần bị phạt như thế này chúng tôi phải nộp số tiền gần 3 triệu đồng, tài xế bị tước giấy phép lái xe đến 2 tháng, chủ xe lại phải nộp phạt cho tài xế và thuê lái xe khác chạy", tài xế T. cho biết.
Đại úy Triệu Quang Tú, cán bộ Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, từ khi Công an TP Hà Nội áp dụng tiếp nhận tin báo thông qua Zalo của Phòng CSGT, các đội địa bàn nhận được nhiều tin phản ánh của người dân về vi phạm trật tự an toàn giao thông.
"Tôi đánh giá đây là kênh thông tin hữu ích, giúp cho lực lượng CSGT xử lý có hiệu quả hơn với các vi phạm trật tự an toàn giao thông. Bởi lực lượng chức năng không thể túc trực 24/24h trên đường và còn nhiều tuyến, địa bàn chưa được lắp camera phạt nguội thì mỗi thông tin, hình ảnh của người dân phản ánh là một camera trên đường", Đại úy Triệu Quang Tú nói.
Cũng theo Đại úy Triệu Quang Tú, việc tiếp nhận phản ánh qua tin báo không chỉ để xử lý vi phạm mà còn góp phần răn đe các tài xế chấp hành pháp luật tốt hơn. Hoạt động này như nhắc nhở các tài xế vi phạm rằng mọi hành vi không tuân thủ pháp luật sẽ luôn bị giám sát.
Thanh Hóa lý giải việc thưởng 200 triệu đồng cho quán quân "Đường lên đỉnh Olympia"
Chiều 13-10, tại cuộc họp báo thông tin về tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2023, ông Đầu Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã trả lời các câu hỏi của các cơ quan báo chí về việc tỉnh Thanh Hóa tặng thưởng cho học sinh Lê Xuân Mạnh, quán quân "Đường lên đỉnh Olympia" năm 2023 số tiền 200 triệu đồng, cao gấp đôi những học sinh đoạt huy chương vàng ở các cuộc thi khác.
Theo ông Tùng, Nghị quyết 182, HĐND tỉnh Thanh Hóa quy định mức thưởng tối đa cho một học sinh đoạt giải quốc tế, Olympic là 100 triệu đồng, tùy theo từng giải. Tuy nhiên, đối với những giải có thành tích xuất sắc đặc biệt thì mức thưởng do UBND tỉnh quyết định.
"Cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" không đưa vào danh mục các giải thưởng về lĩnh vực giáo dục, và thực tế là 23 năm Thanh Hóa mới có một học sinh đoạt giải quán quân "Đường lên đỉnh Olympia". Trong khi Thanh Hóa là đất học, hầu hết các giải quốc gia, quốc tế chúng ta đều có, nhưng đoạt giải cao nhất cuộc thi "Đường lên đỉnh Olympia" đến nay chúng ta mới có.
Đây dù là chương trình gameshow, nhưng nó là game trí tuệ cho học sinh toàn quốc, có sự theo dõi rất đông của học sinh các cấp, là nguồn cảm hứng lan tỏa. Nên khi cuộc thi có kết quả, căn cứ theo đề nghị của Ban Thi đua - Khen thưởng và Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND tỉnh Thanh Hóa đã quyết định thưởng 200 triệu đồng cho Lê Xuân Mạnh" - ông Tùng lý giải.
Trước đó, kết thúc cuộc thi chung kết "Đường lên đỉnh Olympia" năm thứ 23 hôm 8-10, em Lê Xuân Mạnh, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Hàm Rồng, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, đã xuất sắc vượt qua 3 thí sinh khác là Nguyễn Trọng Thành, Nguyễn Việt Thành và Nguyễn Minh Triết để giành vòng nguyệt quế vinh quang. Đồng thời, Mạnh còn được nhận thưởng 50.000 USD (tương đương 1,2 tỉ đồng) - số tiền lớn nhất từ trước đến nay của chương trình.
Ngay sau khi trở về địa phương, Lê Xuân Mạnh đã được tỉnh Thanh Hóa tổ chức tuyên dương, trao thưởng. Theo đó, Mạnh đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa trao thưởng 200 triệu đồng. Ngoài ra, Hội Khuyến học tỉnh Thanh Hóa cũng trao thưởng 60 triệu đồng cho Quán quân Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 23 Lê Xuân Mạnh.
Việc tặng thưởng 200 triệu đồng cho Lê Xuân Mạnh gây nên luồng ý kiến tranh cãi. Có ý kiến cho rằng "Đường lên đỉnh Olympia" chỉ là một gameshow truyền hình, điều này bất công với học sinh đạt Huy chương vàng Olympic Quốc tế chỉ được thưởng một nửa với mức 100 triệu đồng.
Theo ông Trần Quốc Huy, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa thì mức thưởng cho học sinh đoạt Huy chương vàng Olympic là 100 triệu đồng, Huy chương bạc là 60 triệu đồng, mức thưởng này tương đối thấp vì Nghị quyết 182 đã ban hành từ năm 2019. "Sắp tới chúng ta sẽ sửa đổi Nghị quyết này, nâng mức thưởng cao hơn, xứng đáng với thành tích học tập của các em"- ông Huy thông tin.
TP HCM: Người dân đổ xô đi đổi giấy phép lái xe, Sở GTVT nói gì?
Những ngày qua, tại TP HCM xảy ra hiện tượng người dân đổ xô đến các điểm cấp, đổi giấy phép lái xe (GPLX) của Sở Giao thông Vận tải (GTTV) TP HCM để đổi GPLX bằng giấy sang thẻ nhựa gây tình trạng quá tải. Nhiều người lo ngại nếu không đổi GPLX thì sẽ bị xử phạt khi tham gia giao thông.
Liên quan đến vấn đề này, ông Ngô Đình Quang, Trưởng Phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe Sở Giao thông Vận tải TP HCM, cho biết có 3 nguyên nhân dẫn đến việc người dân đổ xô đi đổi GPLX.
Thứ nhất là do tin đồn từ 15-10 này, nếu người dân không đổi GPLX giấy sang thẻ PET sẽ bị cơ quan chức năng xử phạt.
Thứ hai, vừa qua, ngành Công an tích hợp dữ liệu GPLX vào dữ liệu định danh mức độ 2 của VNeID.
Thứ 3 là việc Bộ Công an ban hành thông tư 32/2023 (hiệu lực từ 15-9), có quy định kiểm soát giấy tờ liên quan như GPLX thông qua dữ liệu VNeID.
Từ những lý do trên khiến người dân đổ xô đi đổi GPLX gây nên tình trạng quá tải.
Ông Quang khẳng định không có chuyện từ 15-10 xử phạt người dân sử dụng GPLX bằng giấy. "Hiện nay công an, các cơ quan liên quan khuyến khích người dân đổi GPLX bằng giấy được cấp trước ngày 1-7-2012 qua GPLX dạng thẻ PET để tích hợp vào hệ thống dịch vụ công quốc gia. Nếu người dân chưa tích hợp thì vẫn dùng GPLX dạng giấy, không bắt buộc phải đổi ngay" - ông Quang nhấn mạnh.
Sở GTVT khuyến cáo người dân thật sự có nhu cầu đổi GPLX giấy sang PET mới thực hiện. Để giảm thời gian chờ đợi, người dân có thể liên hệ đặt số thứ tự qua tổng đài 1081 trước.
Trường hợp đã có thẻ PET mà GPLX hết hạn thì nên thực hiện đổi GPLX trực tuyến qua cổng dịch vụ công của Sở GTVT nhằm tiết kiệm chi phí, thời gian đi lại.
Hiện nay, Sở GTVT chủ động bố trí thêm quầy tiếp nhận hồ sơ đổi GPLX để phục vụ người dân tại ba địa điểm tiếp nhận hồ sơ gồm: số 252 Lý Chính Thắng (quận 3), số 8 Nguyễn Ảnh Thủ (quận 12) và 111 Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú).
Chiêu trò dùng iPhone 14 Pro Max mô hình để tráo điện thoại iPhone thật
Ngày 14-10, mạng xã hội lan truyền đoạn clip ghi lại cảnh một thanh niên đến cửa hàng điện thoại rồi tráo điện thoại mô hình để lấy điện thoại thật.
Trước đó, khoảng 10 giờ 30 ngày 12-10, một thanh niên bịt mặt, mang túi vải đến cửa hàng điện thoại trên đường 3 tháng 2 (phường 10, quận 10, TP HCM) để hỏi mua điện thoại iPhone 14 Pro Max.
Sau khi nhân viên đưa điện thoại cho xem (còn để nguyên trong hộp) thì người này yêu cầu nhân viên đi lấy phụ kiện rồi nhanh tay mở hộp, đánh tráo bằng chiếc điện thoại mô hình, giả vờ nghe điện thoại để rời khỏi cửa hàng.
Trao đổi với phóng viên, chủ cửa hàng cho biết sau khi người này rời đi, nhân viên vẫn thấy hộp điện thoại nên chẳng may nghi ngờ. Đến lúc kiểm tra thì phát hiện điện thoại đã bị tráo nên đến cơ quan công an trình báo.
Thông tin ban đầu cho biết điện thoại bị tráo có giá khoảng 24 triệu đồng.
Thua kiện 6 giáo viên, huyện xin kinh phí để bồi thường
Hôm 13/10, thông tin từ ông Đinh Xuân Diệu, Chủ tịch UBND huyện Krông Pắk, cho biết địa phương vừa có văn bản gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị cấp kinh phí để bồi thường cho 6 giáo viên mất việc.
Đại diện Sở Tài chính Đắk Lắk cũng xác nhận đơn vị đã nhận được tờ trình của UBND huyện Krông Pắk xin cấp kinh phí để bồi thường cho giáo viên thắng kiện và Sở đang nghiên cứu các quy định pháp luật để tham mưu cho UBND tỉnh Đắk Lắk quyết định.
Như VietNamNet thông tin, vào ngày 9/3/2018, UBND huyện Krông Pắk bất ngờ ra thông báo buộc 550 giáo viên hợp đồng phải thôi việc do việc tuyển dụng trước đó không đúng quy định, vượt chỉ tiêu biên chế.
Sau khi bị thôi việc, 6 giáo viên trên tổng số hơn 500 người đã khởi kiện vì cho rằng việc UBND huyện sa thải trái quy định, gây mất quyền lợi.
Cả 6 giáo viên này khởi kiện thành 2 vụ án tranh chấp hợp đồng lao động, trong đó, 5 người nguyên là giáo viên tại Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai cùng khởi kiện, ủy quyền cho anh Nguyễn Ánh Dương và vụ kiện riêng lẻ của cô giáo Nguyễn Thị Bình – nguyên giáo viên Trường THCS Ea Kly.
Vào tháng 6/2022, Toà án nhân dân tỉnh Đắk Lắk tuyên buộc Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai và UBND huyện Krông Pắk có lỗi trong việc đơn phương chấm dứt hợp đồng đối với 5 giáo viên nên phải cùng nhau bồi thường gần 1,3 tỉ đồng.
Cụ thể, UBND huyện Krông Pắk và Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai liên đới bồi thường cho anh Nguyễn Ánh Dương gần 318 triệu đồng.
Còn các anh, chị Nguyễn Tuấn Anh, Trịnh Thị Bích Hạnh, H'Dim Niê mỗi người gần 239 triệu đồng; bồi thường cho anh Lương Văn Chinh số tiền hơn 214 triệu đồng.
Trước đó, vào tháng 4/2022, Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk cũng có bản án tuyên buộc Trường THCS Ea Kly và UBND huyện Krông Pắk có trách nhiệm liên đới bồi thường cho cô Nguyễn Thị Bình số tiền hơn 175 triệu đồng.
Tuy nhiên, dù đã được tuyên thắng kiện hơn một năm nay nhưng 6 giáo viên hợp đồng trên vẫn chưa nhận được tiền bồi thường. Lý giải việc chậm trễ này, UBND huyện Krông Pắk cho rằng "đang chờ kháng nghị giám đốc thẩm". TAND Cấp cao tại Đà Nẵng cho rằng kháng nghị của địa phương này không có cơ sở.
Lựa chọn giường ngủ nhất định phải lưu tâm những điều này
Hiện trường phát hiện 150 bộ hài cốt ở Hà Nội
Thời sự - 3 giờ trướcNhiều bộ hài cốt được phát hiện khi cải tạo đường và hệ thống thoát nước ngõ 167 Tây Sơn (quận Đống Đa, Hà Nội) được di dời trong đêm.
Điệp khúc thời tiết tái diễn tại Hà Nội và miền Bắc trước khi đón 2 đợt không khí lạnh tăng cường
Thời sự - 8 giờ trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết, trước khi đón đợt không khí lạnh tăng cường vào ngày 25 và 27/11, Hà Nội và miền Bắc tiếp tục tái diễn kiểu thời tiết lạnh về đêm và sáng, trưa chiều nắng hanh.
Gần 100 chiến sĩ công an, người nhái, lực lượng địa phương tìm kiếm nạn nhân mất tích trên sông Hương
Thời sự - 8 giờ trướcHàng trăm cán bộ, chiến sĩ công an, người nhái và các lực lượng phối hợp đã tham gia tìm kiếm 2 nạn nhân mất tích sau khi xe tải chở rác đâm sập lan can cầu treo Bình Thành (xã Bình Thành, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế), rơi xuống sông Hương.
Bắc Kạn: Dự án nhà máy thủy điện Khuổi Nộc 2 bị 'tuýt còi' do tận thu cát sỏi để khai thác vàng
Thời sự - 19 giờ trướcGĐXH - UBND tỉnh Bắc Kạn vừa yêu cầu đình chỉ hoạt động tận thu cát, cuội, sỏi làm vật liệu xây dựng tại dự án thủy điện Khuổi Nộc 2 huyện Na Rì do có dấu hiệu lợi dụng giấy phép tận thu vật liệu xây dựng để khai thác vàng trái phép.
Quận Nam Từ Liêm xử lý triệt để vi phạm tại ngõ 8 phố Tôn Thất Thuyết sau phản ánh của Gia đình và Xã hội
Thời sự - 23 giờ trướcGĐXH - Sau phản ánh của chuyên trang Gia đình và Xã hội (Báo Sức Khỏe và Đời sống), UBND quận Nam Từ Liêm cho biết sẽ chỉ đạo Công an Quận, Đội thanh tra GTVT thường xuyên kiểm tra, xử lý nếu phát sinh việc dừng đỗ, thu tiền trông giữ phương tiện trái phép tại ngõ 8 đường Tôn Thất Thuyết, thuộc phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm.
Xác định danh tính hai nạn nhân mất tích vụ xe chở rác rơi xuống sông
Thời sự - 23 giờ trướcGĐXH - Lực lượng chức năng đã xác định được danh tính 2 nạn nhân mất tích trong vụ xe chở rác húc văng thành rơi xuống sông Hữu Trạch (Thừa Thiên Huế) vào sáng 21/11.
Thời tiết Hà Nội 3 ngày tới: Nhiệt độ Thủ đô hạ thấp nhất bao nhiêu độ khi đón không khí lạnh?
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH – Theo dự báo thời tiết Hà Nội 3 ngày tới, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường lệch Đông nên thời tiết Thủ đô duy trì đêm và sáng trời lạnh, ngày nắng hanh. Mức nhiệt thấp nhất từ 21-23 độ.
Hiện trường lặn tìm 2 người trên xe rác rơi xuống sông mất tích
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Lực lượng chức năng tỉnh Thừa Thiên Huế đang triển khai tìm kiếm 2 người mất tích do xe rác rơi xuống sông.
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ hỏi thăm các gia đình trong vụ đuối nước thương tâm
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Công an tỉnh Phú Thọ và Quỹ Bảo trợ Trẻ em Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH và UBND huyện Tam Nông đã đến thăm hỏi, động viên và hỗ trợ gia đình 5 học sinh bị đuối nước thương tâm xảy ra ở xã Hiền Quan.
Khoảnh khắc xe chở rác húc văng thành cầu rơi xuống sông, 2 người mất tích
Thời sự - 1 ngày trướcGĐXH - Đoạn video ghi lại cho thấy, xe chở rác BKS 75C – 044.83 khi di chuyển đến giữa cầu treo Bình Thành bất ngờ mất lái, va chạm và tông văng thành cầu bên phải rồi rơi xuống sông.
Gió mùa Đông Bắc liên tiếp dồn xuống, miền Bắc sắp rét đậm, rét hại?
Thời sựGĐXH – Theo dự báo thời tiết, vào ngày 25 và 27/11, bộ phận không khí lạnh được tăng cường trở lại ảnh hưởng đến nhiều nơi ở miền Bắc.