Hà Nội
23°C / 22-25°C

Tuổi dậy thì: Cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị

Thứ tư, 09:15 05/01/2022 | Mẹ và bé

Nếu thấy trẻ gái có dấu hiệu phát triển ngực, trẻ trai bắt đầu xuất hiện lông vùng dưới cánh tay là có thể kết luận, trẻ đã dậy thì sớm, tuy nhiên sự thật không phải như vậy. Dậy thì sớm rất khó chẩn đoán đối với ngay cả những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Sự giáo dục của cha mẹ có vai trò vô cùng quan trọng đối với trẻ dậy thì sớm.

Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 1.

ThS.BS Trần Thu Nguyệt

Dưới đây là thông tin về các giai đoạn phát triển của tuổi dậy thì, vấn đề dậy thì sớm và các phương pháp điều trị để các bậc cha mẹ tham khảo.

1. Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì

Mỗi giai đoạn phát triển của tuổi dậy thì lại có những biểu hiện khác nhau ở nam và nữ. Các giai đoạn này được các nhà chuyên môn phát hiện và đánh giá thời gian xác định khác nhau, và hiện nay chúng còn được gọi là giai đoạn Tanner.

Giai đoạn Tanner 1

Giai đoạn 1 của tuổi dậy thì mô tả ngoại hình của trẻ trước khi xuất hiện bất cứ dấu hiệu nào của tuổi dậy thì. Vào cuối của giai đoạn này, não bộ mới bắt đầu gửi những tín hiệu đặc biệt cho cơ thể để chuẩn bị quá trình thay đổi.

Trong giai đoạn này, vùng dưới đồi bắt đầu tiết ra hormone giải phóng gonadotropin (GnRH). GnRH di chuyển đến khu vực tuyến yên – vùng nhỏ dưới não có khả năng tạo ra các hormone kiểm soát các tuyến khác trong cơ thể. Tuyến yên cũng là tuyến tiết ra 2 loại hormone là LH và FSH, giúp điều hòa, kích thích sự phát triển của tuyến sinh dục bao gồm buồng trứng và tinh hoàn một cách đồng bộ.

Các tín hiệu của não bộ có thể bắt đầu gửi các tín hiệu vào giai đoạn 8 tuổi ở trẻ nữ, hay tầm 9-10 tuổi ở trẻ nam. Tuy nhiên, sẽ không có bất cứ thay đổi nào có thể nhận ra trong thời điểm này.

Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 2.

Sự phát triển của các bộ phận cơ thể giai đoạn tuổi dậy thì


Giai đoạn Tanner 2

Giai đoạn 2 đánh dấu quá trình bắt đầu phát triển các thay đổi về mặt thể chất. Hormone bắt đầu gửi các tín hiệu đi khắp cơ thể.

*Trẻ nữ:

  • Dấu hiệu đầu tiên có thể bắt đầu từ khoảng 9-11 tuổi. Những dấu hiệu có thể thấy sớm nhất như phát triển núm vú, gây ngứa hoặc cảm giác mềm. Đây là điều hoàn toàn bình thường. Việc phát triển vú cúng sẽ khác biệt về kích cỡ và tốc độ. Đôi khi bạn có thể thấy núm vú bên này lớn hơn hay nhỏ hơn bên kia. Vùng quanh núm vú (quầng vú) cũng nở ra và sẫm màu hơn.
  • Một trong những dấu hiệu cũng rất dễ nhận ra là lông mu – phần lông trên môi âm đạo cũng bắt đầu mọc lên. Vùng tử cung cũng phát triển lớn hơn.
  • Theo nghiên cứu, trẻ nữ có chỉ số BMI cao sẽ tiến triển giai đoạn này sớm hơn, và trẻ nữ da đen cũng sẽ phát triển sớm hơn trẻ nữ da trắng.

*Trẻ nam:

  • Ở trẻ nam, dậy thì thường bắt đầu vào khoảng tuổi 11. Dấu hiệu đầu tiên có thể nhận ra là tinh hoàn và da quanh tinh hoàn (da bìu) bắt đầu nở to. Đồng thời, lông mu vùng quanh gốc dương vật cũng bắt đầu mọc lên.

Giai đoạn Tanner 3

Đây là giai đoạn các thay đổi thể chất xuất hiện rõ ràng.

*Trẻ nữ:

Các thay đổi thể chất xuất hiện thường sau 12 tuổi, bao gồm:
  • Núm vú tiếp tục nở ra và phát triển hơn
  • Lông mu dày hơn và xoăn hơn
  • Lông nách bắt đầu hình thành
  • Dấu hiệu của mụn bắt đầu xuất hiện ở trên mặt hay ở lưng
  • Giai đoạn tăng chiều cao nhanh nhất (có thể lên đến hơn 8cm mỗi năm)
  • Hông và đùi bắt đầu tích mỡ

*Trẻ nam

Các thay đổi thể chất xuất hiện thường sau 13 tuổi, bao gồm:

  • Dương vật dài ra, tinh hoàn lớn hơn
  • Mô vú có thể bắt đầu hình thành dưới núm vú (điều bình thường với nam trong độ tuổi thiếu niên và thường biến mất trong một vài năm)
  • Giấc mơ "ướt át" vào ban đêm, trạng thái xuất tinh lúc ngủ
  • Giọng bắt đầu thay đổi, cảm giác bị vỡ giọng và từ tông cao hạ xuống tông giọng trầm hơn
  • Cơ bắp bắt đầu nở to ra
  • Tăng chiều cao có thể lên đến hơn 8cm mỗi năm
Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 4.

Giai đoạn Tanner 4

Giai đoạn 4 là giai đoạn diễn ra mạnh mẽ nhất các sự thay đổi.

*Trẻ nữ:

Các thay đổi bắt đầu khoảng tuổi 13, có thể kể đến các dấu hiệu như:
  • Vú có hình dạng đầy đặn hơn
  • Rất nhiều trẻ nữ có kỳ kinh đầu tiên
  • Tốc độ tăng chiều cao có thể giảm xuống, không nhanh như giai đoạn 3
  • Lông mu tiếp tục dày hơn nữa

*Trẻ nam:

  • Tinh hoàn, dương vật và bìu tiếp tục to lên, màu da bìu có thể sẫm hơn
  • Lông nách bắt đầu mọc
  • Giọng trầm trở thành đặc trưng, vĩnh viễn
  • Xuất hiện mụn trứng cá

Giai đoạn Tanner 5

Đây là giai đoạn cuối đánh dấu sự kết thúc của quá trình trưởng thành về mặt cơ thể.

*Trẻ nữ:

  • Vú đạt kích cỡ và hình dạng gần sát như trưởng thành, cho dù vẫn có thể thay đổi đến tuổi 18
  • Chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu đều hơn sau 6 tháng đến 2 năm
  • Đạt được chiều cao người trưởng thành sau từ 1 đến 2 năm tính từ kỳ kinh đầu tiên của cơ thể
  • Phần lông mu có thể dầy hơn và đến tận vùng đùi trong
  • Cơ quan sinh sản và bộ phận sinh dục phát triển đầy đủ
  • Hông, đùi, mông đầy đặn

*Trẻ nam:

  • Dương vật, tinh hoàn và bìu đạt kích cỡ người trưởng thành
  • Lông mu gốc dương vật dài và có thể chạm vùng đùi
  • Râu bắt đầu phát triển và mọc dài hơn
  • Tăng chiều cao có thể chậm hơn, nhưng tăng cơ bắp vẫn tiếp tục phát triển
  • Đa phần đến tuổi 18, các trẻ nam thường đạt đến đỉnh điểm của tăng trưởng
Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 5.

Mụn trứng cá là một trong những biểu hiện thường thấy ở tuổi dậy thì

2. Một số thay đổi thường gặp trong giai đoạn dậy thì

Mụn trứng cá

Mụn có thể là vấn đề gặp phải ở cả trẻ nam và nữ. Sự thay đổi hormone khiến tích tụ dầu trên da và làm tắc nghẽn lỗ chân lông. Mụn có thể lên ở mặt, lưng hay ngực. Một số người có thể gặp tình trạng mụn nặng hơn so với người khác. Mụn cũng có thể liên quan đến tiền sử gia đình.

Nói chung, cha mẹ nên dạy trẻ chăm sóc bản thân bằng cách rửa sạch vùng bị mụn và sử dụng những loại thuốc đặc trị để điều trị. Mụn có thể tự điều trị tại nhà, và trong một số trường hợp nặng thì tốt hơn hết là tìm đến sự giúp đỡ của các chuyên gia về da liễu.

Mùi cơ thể

Các tuyến mùi lớn trên cơ thể phát triển trong suốt quá trình dậy thì. Để tránh mùi cơ thể gây khó chịu, bạn có thể bảo trẻ vệ sinh cơ thể thường xuyên, đặc biệt là sau khi hoạt động thể chất mức độ cao. Hoặc bạn cũng có thể bảo trẻ sử dụng các chất khử mùi chuyên biệt.

Dậy thì là một thử thách cho cả trẻ và cha mẹ. Những sự thay đổi trong quá trình này bao gồm thay đổi thể chất, hormone và kéo theo thay đổi cả cảm xúc. Các bậc cha mẹ nên để ý đến trẻ, không chỉ là cảm xúc và các hành vi khác nhau.

Một điều quan trọng là các bậc cha mẹ cần kiên nhẫn và thấu hiểu trẻ. Đây là giai đoạn trẻ cảm thấy không an toàn về những thay đổi của bản thân, bao gồm cả việc hình thành mụn. Vì vậy, hãy trao đổi với trẻ một cách thẳng thắn, giúp trẻ cảm thấy bình tĩnh để hiểu rằng đây là những hoạt động hết sức bình thường của cơ thể. Nếu có vấn đề nào bất thường, bạn nên tham khảo ý kiến của bác sĩ để được tư vấn kịp thời.

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Nhi khoa quốc gia Washington (Mỹ), rất nhiều bậc phụ huynh đưa trẻ đến khám với tâm trạng thực sự lo lắng mà không có lý do chính đáng nào cả. Và chỉ khoảng 10% trong số các trẻ em được cha mẹ đưa đến khám thực sự có tình trạng dậy thì sớm. Nhiều trẻ nhỏ đưa tới khám xuất hiện các dấu hiệu như phát triển ngực sớm hoặc mọc lông mu. Những trường hợp này không kèm theo các dấu hiệu khác do đó không được chẩn đoán là dậy thì sớm.

Bạn cho rằng chẩn đoán hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ khá đơn giản. Nếu thấy trẻ gái có dấu hiệu phát triển ngực, trẻ trai bắt đầu xuất hiện lông vùng dưới cánh tay là có thể kết luận, như vậy, trẻ đã dậy thì sớm? Sự thật không phải như vậy. Dậy thì sớmrất khó chẩn đoán đối với ngay cả những chuyên gia trong lĩnh vực này.

Trẻ được cho là dậy thì sớm khi bắt đầu ở nữ dưới 8 tuổi và nam dưới 9 tuổi. Thông thường, các bậc phụ huynh sẽ cảm thấy lo ngại khi quan sát thấy một vài dấu hiệu dường như là trẻ dậy thì sớm. Thế nhưng, bác sĩ nội tiết nhi khoa mới là người chẩn đoán chính xác trẻ có dậy thì sớm hay không.

Nếu bạn nghĩ con mình đang có dấu hiệu của dậy thì sớm thì đừng vội kết luận. Hãy đưa trẻ đi khám bác sĩ nội tiết nhi khoa để hiểu rõ hơn và được chẩn đoán xác định.

Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 6.

Sự giáo dục của cha mẹ rất quan trọng đối với trẻ dậy thì sớm

3. Phân loại các dạng dậy thì sớm

Có nhiều cách phân loại hiện tượng dậy thì sớm. Phổ biến nhất là tình trạng dậy thì sớm trung ương, xảy ra khi não bộ khởi động quá trình dậy thì bằng cách kích thích giải phóng sớm nhiều loại hormone khác nhau kéo theo đó là sự hoạt động sớm của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến sinh dục.

Dậy thì sớm ngoại vi ít gặp hơn, trong đó, các hormone steroids sinh dục tăng cao do bệnh lý tuyến sinh dục hay thượng thận, một số trường hợp đặc biệt có thể do bài tiết lạc chỗ các hormone hướng sinh dục. Vậy, các bác sĩ sẽ làm gì để có thể chẩn đoán và lên kế hoạch điều trị cho những trường hợp dậy thì sớm?

Để chẩn đoán dậy thì sớm, bác sĩ sẽ hỏi và thực hiện một số test kiểm tra, bao gồm:

  • Hỏi tiền sử gia đình: nếu trong gia đình đã từng có trường hợp dậy thì sớm.
  • Khám tổng thể để đánh giá những thay đổi về mặt sinh lý và thể hình cơ thể.
  • Xét nghiệm máu: đo mức nồng độ một số hormone và tuyến giáp.
  • Chụp X-quang: thường ở cẳng tay và cổ tay để kiểm tra tuổi xương của trẻ. Đây là cách để kiểm tra xem trẻ phát triển nhanh thế nào.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI) não bộ. Cách này đôi khi được sử dụng để kiểm tra các vấn đề bệnh lý gây dậy thì sớm trung ương như là khối u. Tuy nhiên biện pháp này không nên áp dụng rộng rãi cho mọi trẻ em.
  • Siêu âm: siêu âm buồng trứng có thể có ích trong một số trường hợp.

4. Phương pháp điều trị các dạng dậy thì sớm

Đối với dậy thì sớm trung ương: Hợp chất tương tự như hormone GnRH là liệu pháp điều trị chuẩn hiện nay. Chất này có tác dụng ức chế việc tiết các hormone của tuyến yên làm thúc đẩy quá trình dậy thì. Thuốc này được sử dụng bằng nhiều cách: tiêm bắp mỗi tháng một lần; hoặc tiêm dưới da hàng ngày; hoặc cấy dưới da mặt trong cánh tay dưới dạng tuyp nhỏ sẽ giải phóng dần dần vào cơ thể. Ngoài ra còn có dạng thuốc xịt mũi dùng hàng ngày, nhưng ít phổ biến.

Hợp chất tương tự GnRH có tác dụng khá tốt. Trong tháng đầu điều trị, những dấu hiệu của dậy thì có thể xuất hiện rõ rệt hơn. Tuy nhiên sau đó, chúng sẽ biến mất. Theo Kaplowitz, ở các bạn gái, ngực sẽ thu nhỏ lại sau 6 đến 12 tháng điều trị. Một số trường hợp khác, chúng gần như biến mất hoàn toàn.

Các tác dụng phụ của hợp chất tương tự GnRH thường nhẹ, gồm có: đau đầu, các triệu chứng của mãn kinh (như nóng bừng mặt), và áp-xe tại vị trí tiêm. Không có bằng chứng cho thấy những chất này sẽ gây ra những vấn đề lâu dài.

Các biện pháp điều trị dậy thì sớm trung ương khác bao gồm:

Progestin: tiêm progestin cũng được coi là biện pháp điều trị chuẩn cho dậy thì sớm trung ương. Tuy nhiên thuốc này kém tác dụng hơn so với hợp chất tương tự GnRH.

Các biện pháp khác: Phẫu thuật và xạ trị có thể cần thiết trong trường hợp dậy thì sớm trung ương được kích hoạt do một khối u ở não. Việc cắt bỏ khối u không phải luôn luôn giải quyết được tất cả các triệu chứng.

Vậy các biện pháp này có tác dụng duy trì trong bao lâu? Điều này phụ thuộc vào mỗi cá nhân và tốc độ lớn của trẻ. Một vài nghiên cứu cho rằng các biện pháp này sẽ không có tác dụng khi trẻ trên 11 tuổi.

Tuy việc điều trị dậy thì sớm trung ương có hiệu quả khá tốt nhưng không phải áp dụng cho mọi trẻ em. Dưới đây là một số điều bác sĩ sẽ phải cân nhắc.

  • Thời điểm kể từ lúc chẩn đoán: Sau khi quan sát thấy những dấu hiệu dậy thì sớm ở trẻ, bác sĩ có thể phải đợi tới 6 tháng trước khi quyết định điều trị cho trẻ. Bởi vì ở một số trẻ có dấu hiệu rõ ràng của dậy thì sớm, các triệu chứng lại có dấu hiệu chậm lại hay tự chấm dứt. Khi đó việc điều trị sẽ không cần thiết.
  • Tuổi của trẻ: Trẻ càng nhỏ thì bác sĩ càng khuyến cáo điều trị. Một cô bé 7 tuổi rưỡi với dấu hiệu dậy thì sớm có thể không cần điều trị bởi đây là độ tuổi khá gần với thời điểm bình thường của dậy thì. Việc điều trị có thể mang lại hiệu quả tốt hơn đối với trẻ khoảng 5 – 6 tuổi.
  • Tốc độ phát triển: Tốc độ dậy thì là mấu chốt của vấn đề. Nếu một cô bé có dấu hiệu của phát triển ngực nhưng quá trình này xảy ra chậm thì bác sỹ có thể khuyến cáo không cần điều trị. Tuy nhiên nếu tốc độ phát triển quá nhanh – thậm chí với cả trẻ lớn thì điều trị có thể là điều cần thiết.
  • Chiều cao hiện tại: Kaplowitz nói rằng nếu không được điều trị, phần lớn trẻ bị dậy thì sớm trung ương sẽ đạt tới chiều cao trung bình như người lớn. Tuy nhiên, một số trẻ sẽ có nguy cơ bị lùn khi trưởng thành, nhất là những trẻ dưới 6 tuổi và những trẻ thấp hơn so với tuổi trung bình khi chúng bắt đầu xuất hiện những dấu hiệu này. Đối với những trẻ này thì bác sĩ sẽ khuyên nên điều trị.
  • Sự trưởng thành về mặt cảm xúc: điều này có liên quan tới tuổi, nhưng đó là một vấn đề riêng biệt. Một vài trẻ sẽ có khoảng thời gian khó khăn do những thay đổi về thể chất và cảm xúc ở tuổi dậy thì. Một số bé gái sẽ cảm thấy bối rối hay sợ hãi khi kinh nguyệt xuất hiện.

Đối với trường hợp dậy thì sớm ngoại biên: việc điều trị hoàn toàn khác, phụ thuộc vào nguyên nhân gây nên hiện tượng này. Trong một số trường hợp, cần thiết phải phẫu thuật để loại bỏ khối u hay u nang khỏi buồng trứng hay tinh hoàn. Đôi khi thuốc điều trị cũng có tác dụng tốt.

Các giai đoạn phát triển tuổi dậy thì, cách phát hiện dậy thì sớm và phương pháp điều trị - Ảnh 7.

Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng chứng dậy thì sớm không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng.

5. Cha mẹ cần làm gì khi trẻ dậy thì sớm?

Nếu bạn nghĩ rằng con bạn có những dấu hiệu của dậy thì sớm, cần tìm kiếm sự giúp đỡ ngay. Nếu để quá trễ, mọi chuyện sẽ khó kiểm soát hơn. Không có một công thức chắc chắn để quyết định khi nào trẻ nên được điều trị. Điều quan trọng là phải tìm được bác sĩ hay chuyên gia mà bạn cảm thấy tin cậy. Cha mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh và giúp trẻ cảm thấy an tâm. Nếu trẻ cảm thấy tự ti về những thay đổi cơ thể hay bị trêu chọc ở trường, hãy nhờ đến sự giúp đỡ tư vấn của bác sĩ điều trị có kinh nghiệm.

Tuy nhiên, cha mẹ lưu ý, không nên phó mặc mọi chuyện cho bác sĩ. Sự giáo dục của cha mẹ có vai trò rất quan trọng trọng trong vấn đề dậy thì sớm ở trẻ. Cha mẹ cần nói cho trẻ về những vấn đề gặp phải khi cơ thể thay đổi, giúp trẻ chủ động sẵn sàng đón nhận những thay đổi này.

Một trong số những điều quan trọng nhất mà bạn có thể làm là hãy cố gắng trấn an trẻ rằng trẻ hoàn toàn bình thường. Cha mẹ nên giúp trẻ hiểu rằng chứng dậy thì sớm không phải là một vấn đề quá nghiêm trọng và có thể can thiệp được. Trẻ chỉ đang trải qua quá trình phát triển bình thường mà ai cũng phải trải qua, chỉ khác một điều, trẻ sẽ bắt đầu giai đoạn dậy thì sớm hơn các bạn khác cùng trang lứa một chút thời gian nhưng điều đó là hoàn toàn bình thường.

https://suckhoedoisong.vn/dinh-duong-...
ThS.BS Trần Thu Nguyệt
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bé 5 tuổi ở Hải Dương nhập viện gấp vì sự cố vùng kín, bố mẹ thừa nhận mắc sai lầm này khi chăm con

Bé 5 tuổi ở Hải Dương nhập viện gấp vì sự cố vùng kín, bố mẹ thừa nhận mắc sai lầm này khi chăm con

Mẹ và bé - 6 ngày trước

GĐXH - Nếu thấy trẻ bị hẹp bao quy đầu cần được đến bệnh viện thăm khám. Không tự ý lộn bao quy đầu tại nhà bởi nó làm tăng nguy cơ thắt nghẹt, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của trẻ…

Trẻ nào dễ có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu sắt?

Trẻ nào dễ có nguy cơ bị thiếu máu, thiếu sắt?

Mẹ và bé - 1 tuần trước

Thiếu máu do thiếu sắt là loại thiếu máu dinh dưỡng hay gặp nhất và chiếm tỷ lệ cao ở trẻ nhỏ. Sau khi sinh thì sữa mẹ là nguồn cung cấp sắt duy nhất, sắt trong sữa mẹ tuy ít nhưng tỷ lệ hấp thu cao. Nếu không được bú mẹ đầy đủ, trẻ sẽ bị thiếu sắt dẫn đến thiếu máu.

4 thói quen ảnh hưởng đến bệnh lý răng miệng ở trẻ

4 thói quen ảnh hưởng đến bệnh lý răng miệng ở trẻ

Mẹ và bé - 3 tuần trước

Chăm sóc răng miệng cho trẻ rất quan trọng, tuy nhiên một số thói quen xấu của trẻ có thể ảnh hưởng đến quá trình phát triển răng miệng.

Bé 1 tháng tuổi suýt tử vong sau khi được gia đình cắt móng tay

Bé 1 tháng tuổi suýt tử vong sau khi được gia đình cắt móng tay

Mẹ và bé - 3 tuần trước

Sự việc bệnh nhi gặp nguy hiểm sau khi cắt móng tay đã gióng lên hồi chuông cảnh báo các bậc cha mẹ nên chú ý hơn trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh.

3 bệnh trẻ hay gặp lúc giao mùa và cách phòng tránh

3 bệnh trẻ hay gặp lúc giao mùa và cách phòng tránh

Mẹ và bé - 4 tuần trước

Thời tiết chuyển mùa, virus, vi khuẩn phát triển nên dễ gây bệnh ở trẻ. Ngoài ra do hệ miễn dịch của trẻ còn yếu nên dễ mắc các bệnh lây nhiễm trong đó có ho, sổ mũi, sốt, cảm cúm….

Thấy con có ngấn ở chân, bố mẹ vui mừng tưởng con bụ bẫm, nào ngờ dị tật bẩm sinh

Thấy con có ngấn ở chân, bố mẹ vui mừng tưởng con bụ bẫm, nào ngờ dị tật bẩm sinh

Mẹ và bé - 1 tháng trước

GĐXH - Cha mẹ cần phân biệt rõ tay chân con có ngấn là do bụ bẫm hoặc do vòng thắt gây ra để sớm điều trị, tránh nguy cơ xấu đối với sức khỏe trẻ.

Bị nấm miệng phải làm sao?

Bị nấm miệng phải làm sao?

Mẹ và bé - 1 tháng trước

Nấm miệng là bệnh lý gây ra do loại nấm Candida albicans vốn tồn tại ở miệng đã phát triển quá mức sau đó lây lan sang lưỡi và làm tổn thương bộ phận này.

13 loại thực phẩm giúp tăng chiều cao tự nhiên

13 loại thực phẩm giúp tăng chiều cao tự nhiên

Mẹ và bé - 1 tháng trước

Việc hấp thụ đủ chất dinh dưỡng trong thực phẩm vô cùng cần thiết để đảm bảo chiều cao phát triển tối ưu, ngay cả khi chiều cao được quyết định nhiều bởi yếu tố di truyền. Tham khảo một số loại thực phẩm giúp tăng chiều cao, nhất là trong giai đoạn vàng của trẻ.

Gần 1.000 mẹ bầu ở Hà Nội đồng diễn Yoga gây mãn nhãn

Gần 1.000 mẹ bầu ở Hà Nội đồng diễn Yoga gây mãn nhãn

Mẹ và bé - 1 tháng trước

GĐXH - Ngày 6/10, gần 1.000 mẹ bầu ở Hà Nội đã tham gia cùng tập yoga tại Cung thể thao Quần Ngựa với mong muốn tăng cường sức khoẻ trong thai kỳ và sinh nở tốt hơn.

Phụ nữ mang thai vẫn chạy bộ, chuyên gia nói gì?

Phụ nữ mang thai vẫn chạy bộ, chuyên gia nói gì?

Mẹ và bé - 1 tháng trước

GĐXH - Phụ nữ mang thai chạy bộ với cường độ thích hợp sẽ giúp tăng cường sức khỏe người mẹ, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ, đảm bảo độ giãn của cơ trơn trong tử cung, giúp thai nhi phát triển, giảm khả năng mắc bệnh tim... Tuy nhiên việc chạy bộ trong thai kỳ cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Top