Hà Nội
23°C / 22-25°C

Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa

Thứ tư, 20:54 25/09/2013 | Tin tức - Sự kiện

GiadinhNet - Tình hình bệnh tật của NCT, tại sao Việt Nam vừa đang ở giai đoạn cơ cấu dân số “vàng”, lại vừa già hóa dân số; chăm sóc y tế ra sao cho NCT, tuổi nghỉ hưu cho người lao động sẽ ra sao khi Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn già hóa?...

Rất nhiều câu hỏi “nóng” đã được các nhà báo đặt ra cho các vị chủ tọa trong buổi họp báo được tổ chức sáng nay (25/9) trong Hội thảo Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về già hóa dân số.
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 1

Ban chủ tọa Họp báo, từ trái sang: ông Thái Phúc Thành - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), TS Dương Quốc Trọng- Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế), ông Arthur Erken - Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, GS Phạm Thắng - Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương.

 
Chúng tôi xin trích lại một số nội dung quan trọng:
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 2
Tại buổi họp báo, rất nhiều vấn đề đã được đặt ra cho chủ tọa

? Thưa ông Dương Quốc Trọng, ông có thể cho biết các văn bản, hệ thống tổ chức liên quan đến công tác chăm sóc NCT? Thời gian tới, Tổng cục DS-KHHGĐ có xây dựng đề án nào trình Chính phủ về những đề xuất, định hướng phát triển theo chiều sâu từ Trung ương, địa phương liên quan đến già hóa dân số?
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 3
TS Dương Quốc Trọng tại buổi họp báo
 
TS Dương Quốc Trọng – Tổng cục trưởng Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế):
 
Luật Người cao tuổi được Quốc hội chính thức thông qua từ ngày 23/11/2010. Sau đó, Chính phủ ban hành Nghị định 06 ngày 4/1/2011. Tiếp đó, đã có 6 Thông tư được ban hành chi tiết hoá Nghị định số 06: Thông tư của Bộ Lao động – Thương binh & Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch, Bộ Giao thông vận tải… Chính phủ Việt Nam đã ban hành kế hoạch hành động đối với người cao tuổi, thực hiện chương trình hành động Madrid mà chúng ta đã cam kết cùng với chính phủ các nước khác. 

Tổ chức liên quan đến công tác NCT: Cấp Trung ương có UB Quốc gia người cao tuổi hiện do Phó Thủ tướng chính phủ Nguyễn Thiện Nhân làm Chủ tịch. Ủy ban có sự tham gia cả các bộ, ban, ngành, đoàn thể trung ương, Văn phòng Uỷ ban đặt tại Bộ LĐ – TB &XH. Tương ứng Ủy ban này ở tuyến tỉnh, thường do Phó chủ tịch UBND làm chủ tịch. Hệ thống nữa là Hội NCT do Anh hùng lao động Cù Thị Hậu làm Chủ tịch.

Bộ Y tế với chức năng nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi đã ban hành Thông tư số 35 về chăm sóc sức khỏe NCT. Tổng cục DS-KHHGĐ với tư cách là cơ quan chăm lo về quy mô, cơ cấu, chất lượng dân số…, trong những năm qua đã xây dựng Đề án phát huy chăm sóc NCT dựa vào cộng đồng đang được triển khai tại 23 tỉnh, thành phố. 

? Thưa GS Phạm Thắng, ông có thể cho biết tình hình bệnh tật của người cao tuổi hiện nay và ông có nhận xét gì về việc chăm sóc người cao tuổi, hệ thống y tế? Theo ông thời gian tới cần triển khai chăm sóc trong toàn hệ thống ra sao?
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 4
GS Phạm Thắng: Việt Nam chưa có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa
 
GS Phạm Thắng – Viện trưởng Viện Lão khoa Trung ương: 

Việt Nam đã chính thức ghi tên vào các quốc gia có dân số già hóa, theo báo cáo mới nhất, từ nay đến năm 2050, Việt Nam là một trong những nước có tốc độ già hóa nhanh nhất trên thế giới, chúng ta đứng hàng thứ 7 về tốc độ già hóa.

Già hóa dân số đặt ra những thách thức lớn với ngành Y tế. Trước hết, theo số liệu của các nước, dù tỷ lệ người già chiếm tỷ lệ 10-20% dân số nhưng lại chiếm tới 70% tổng kinh phí y tế quốc gia, tiêu thụ đến 50% lượng thuốc quốc gia đó. Đó là vấn đề lớn.

Tại sao lại như vậy? Tuy già không phải là bệnh nhưng già tạo điều kiện cho bệnh phát sinh và phát triển. Bệnh của người già chủ yếu là các bệnh mãn tính. Trên thực tế tại Viện của chúng tôi, một người già thường mắc nhiều bệnh cùng một lúc và chủ yếu là các bệnh mãn tính. Mỗi người già có ít nhất là 3 bệnh mãn tính cần điều trị. Các bệnh thường gặp là cao huyết áp, sa sút trí tuệ, loãng xương, ung thư, tuyến tiền liệt, tiểu đường,…

Hiện nay trong hệ thống các bệnh viện Việt Nam có Viện Lão khoa Trung ương là bệnh viện chuyên phục vụ, điều trị bệnh cho NCT. Theo Luật NCT và Thông tư 35 Bộ Y tế, mỗi  bệnh viện (trừ BV Nhi), đặc biệt ở tuyến tỉnh, phải có khoa lão hoặc dành một số giường để phục vụ cho NCT. Qua kiểm tra thực tế, có nhiều tỉnh hiện chưa thành lập khoa lão tuyến tỉnh nhưng có dành số giường cho bệnh nhân già và họ phải nằm rải rác khắp các khoa. 

Theo quan điểm của tôi, trong tương lai, để đáp ứng sự tăng trưởng về nhu cầu chăm sóc y tế, hệ thống bệnh viện cần nâng cao năng lực trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe NCT, đặc biệt thực hiện Thông tư 35 như trên đây.
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 5
Phóng viên Báo Lao động đặt câu hỏi tại Họp báo

Về nhà dưỡng lão cho người cao tuổi hiện nay, Việt Nam chưa có nhà dưỡng lão thật sự đúng nghĩa. Chúng ta có hệ thống các trung tâm bảo trợ xã hội là nơi chăm sóc những người già, trẻ em, những người không nơi nương tựa, gặp khó khăn trong đời sống… Nhưng về khía cạnh chăm sóc y tế thì chưa có.

Hiện cũng có những trung tâm tư nhân chăm sóc cho người già nhưng khía cạnh y tế cần đẩy mạnh hơn nữa. Trong tương lai, cần thiết lập những Trung tâm cho người cao tuổi, tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ đầu tư như ở nước ngoài vì sẽ rất tốn kém mà cần đầu tư một mức nhất định với những đối tượng không thể nằm ở các bệnh viện khác (như người già yếu, sa sút trí tuệ, cần có nhu cầu chăm sóc mà gia đình và cộng đồng không chăm sóc được nhưng cũng không đủ nặng để đưa vào bệnh viện).

Cũng trong Thông tư 35 của Bộ Y tế, cần đẩy mạnh khám sức khỏe định kỳ, thiết lập sổ quản lý bệnh cho NCT để phòng chống bệnh không lây nhiễm trong hệ thống y tế công cộng. Trong tương lai cần có những chương trình toàn diện hơn vì những chương trình đơn lẻ không phủ kín hết các bệnh không lây nhiễm và đồng thời cũng tăng cường trách nhiệm cho những hệ thống y tế công cộng này.

? Xin hỏi ông Arthur, khuyến nghị nào chính phủ Việt Nam trong vấn đề già hóa dân số và chăm sóc người cao tuổi, thưa ông?

Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 6
Ông Arthur Erken cho rằng, Việt Nam cần đầu tư chăm sóc y tế cho NCT hơn nữa
 
* Ông Arthur – Trưởng Đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam:

Già hóa dân số diễn ra nhanh chóng là một vấn đề hiện hữu ở Việt Nam. Quan trọng là chúng ta cần nhận biết được đất nước đã bước vào giai đoạn già hóa và cần có đáp ứng chính sách. Chúng ta cũng đã biết đến những khuyến nghị chính sách cho Việt Nam nhưng vấn đề nằm ở chỗ Việt Nam chưa có đủ khả năng thực hiện khuyến nghị chính sách đó. Vì vậy, cần phải lắng nghe xem các nước đã làm gì.

Các nước trên thế giới đã trải qua giai đoạn mà Việt Nam đang và sắp trải qua. Đó chính là ý nghĩa của Hội thảo diễn ra trong 2 ngày (hôm nay và ngày mai). Các nước khác không chỉ có thành công, mà họ đã gặp phải thất bại trong đáp ứng chính sách về già hóa. Đó cũng là bài học quan trọng cho Việt Nam. 

Đầu tiên là Việt Nam cần phải có chính sách giải quyết vấn đề già hóa, nhưng cũng không kém phần quan trọng là cần lồng ghép vấn đề già hóa vào các chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác. Sử dụng số liệu và xu hướng đã phát hiện qua các nghiên cứu và điều tra để xây dựng chính sách là việc rất quan trọng. Ít nhất là trước tiên chúng ta cần nghiên cứu chính sách về an sinh xã hội cơ bản cho người cao tuổi.

Số liệu cho thấy hiện chỉ có 25% người cao tuổi được hưởng lương hưu. Như vậy là 75% người cao tuổi còn lại không có lương hưu. Khi người lao động đến tuổi nghỉ hưu thì trung bình họ sẽ sống tới năm 80 tuổi, như số liệu điều tra cho biết.

Vấn đề chăm sóc y tế cho người cao tuổi ngày càng trở nên quan trọng. Hiện tại Việt Nam đã triển khai chăm sóc y tế cho người cao tuổi nhưng cần phải đầu tư hơn, phải làm nhiều hơn nữa. 

Điều mà Việt Nam cần đặc biệt chú ý là thời gian Việt Nam chuyển từ giai đoạn già hóa sang giai đoạn dân số già (tức là số người từ 65 tuổi trở lên chiếm từ 14% dân số) rất ngắn, chỉ khoảng 20 năm. Đây là việc mà rất ít quốc gia trên thế giới gặp phải. Các nước khác có nhiều thời gian hơn Việt Nam để chuẩn bị cho giai đoạn dân số già.

Tôi hy vọng rằng sau hội thảo này, vấn đề về già hóa sẽ được đưa vào chương trình nghị sự chính trị của các nhà hoạch định chính sách và của xã hội. Cần phải giải quyết vấn đề già hóa dân số ở khía cạnh chăm sóc sức khỏe, ở khía cạnh chính sách an sinh xã hội, lồng ghép vào các chương trình và kế hoạch phát triển. Và quan trọng là cần phải hành động nhanh và quyết tâm trong một vài năm nữa vì vấn đề già hóa đã ở ngay bên cạnh chúng ta rồi.

? Vì sao Việt Nam lại có tốc độ già hóa nhanh như thế? Việt Nam có thể học tập mô hình xử lý vấn đề già hóa như thế nào? Ví dụ cụ thể để tham khảo?
 
Việt Nam chưa thực sự có nhà dưỡng lão theo đúng nghĩa 7
Theo ông Thái Phúc Thành, cần nhìn nhận người cao tuổi là một bộ phận quan trọng không thể tách rời trong cộng đồng.
 
* Ông Thái Phúc Thành – Phó Cục trưởng Cục bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB &XH): 

Già hóa dân số đo bằng tỷ lệ người cao tuổi trong dân số. Già hóa tăng nhanh do Việt Nam đã kiểm soát mức sinh rất tốt và chặt chẽ. Đó còn là thành quả của phát triển, chăm sóc sức khỏe tốt hơn nên kéo dài tuổi thọ người dân. Đây là các yếu tố cơ bản tác động đến tốc độ già hóa tăng nhanh.

Vậy cần học tập mô hình nào? Theo tôi, già hóa là vấn đề đa chiều, đa ngành, vấn đề kinh tế (việc làm, tạo cơ hội việc làm, tạo cơ hội cho NCT tham gia các hoạt động kinh tế), vấn đề phúc lợi xã hội liên quan đến chăm sóc y tế, văn hóa, thể thao, du lịch bảo trợ xã hội, chăm sóc NCT… Mỗi quốc gia có một cách thức triển khai các mô hình chăm sóc NCT và già hóa dân số, tùy thuộc vào những vấn đề ưu tiên của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam, các vấn đề về già hóa đang mới, chúng ta đang nghiên cứu để triển khai giải quyết vấn đề này. Chính phủ đã có chương trình hành động Quốc gia về NCT đến năm 2020, trong đó xác định một vài vấn đề cụ thể, đặc biệt là tăng cường vai trò, phát huy kho tàng kinh nghiệm của NCT. Đây là mô hình “rất Việt Nam”. Các mô hình chăm sóc NCT tại cộng đồng hiện nay cũng đang phát triển trên kinh nghiệm quốc tế nhưng theo đúng đặc điểm của Việt Nam như mô hình liên thế hệ…

Qua những lần trao đổi kinh nghiệm với các nước, tôi thấy có nhiều mô hình tốt. Chúng ta thấy ở Nhật Bản, Bắc Âu, Úc…, họ đã chăm sóc cho NCT hàng ngày, chăm sóc y tế rất tốt. Nhưng chúng ta có học được không vì nó liên quan đến điều kiện kinh tế, thể chế có sẵn để làm sao cho hiệu quả. Tóm lại, chúng ta đang trên con đường nghiên cứu hoàn thiện để tạo môi trường tốt hơn cho NCT.

Chúng tôi cũng muốn chia sẻ quan điểm: Có nhất thiết phải tách NCT ra một môi trường riêng biệt không? Hay NCT là một bộ phận quan trọng trong cùng một xã hội, cộng đồng chung, và tất cả được tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ tốt nhất? Theo tôi, cần nhìn nhận NCT là một phần trong cộng đồng. 
 
* TS Dương Quốc Trọng: Nếu tỷ lệ NCT trở lên chiếm 7% dân số, hay tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên chiếm 10% thì gọi là giai đoạn già hóa dân số; nếu tỷ lệ người 60 chiếm 20% dân số, hoặc 65 tuổi trở lên chiếm 14% dân số, gọi là dân số già. Nếu tỷ lệ người 60 tuổi trở lên chiếm trên 20% thì gọi là siêu già. Già hóa dân số hay dân số già, siêu già hoàn toàn tính trên tỷ lệ phần trăm người cao tuổi trên tổng dân số.

Có những người đã đặt vấn đề với tôi Việt Nam đang trong giai đoạn già hóa, nhưng cơ cấu dân số lại là cơ cấu dân số “vàng”? Dân số “vàng” là giai đoạn cứ 2 người trong độ tuổi lao động nuôi 1 người trong tuổi phụ thuộc. Hiện nay, Việt Nam đang là giai đoạn dân số “vàng”, đồng thời nằm trong giai đoạn già hóa dân số.

Tại sao Việt Nam lại già nhanh như thế? Trước đây do mức sinh cao nên tỷ lệ, số lượng trẻ em rất lớn. Tổng Điều tra dân số trước đây cho thấy, tỷ lệ trẻ em dưới 15 tuổi chiếm tới 30%. Nhưng đến năm 2009, tỷ lệ này khoảng 25% dân số. Tỷ lệ đó đến năm 2012 giảm còn 23%. Số lượng, tỷ lệ trẻ em ngày càng giảm xuống. Số lượng NCT Việt Nam tăng lên một cách nhanh chóng, tuổi thọ tăng cao. Trong 50 năm qua, tuổi thọ người Việt Nam tăng 33 tuổi từ 40 tuổi (1960) lên 73 tuổi (năm 2010). Trong khi thế giới chỉ tăng 21 tuổi (giai đoạn 1906-2010 tương ứng 47 – 68 tuổi). Ngay trong số lượng và tỷ lệ NCT thì tỷ lệ người rất cao tuổi của Việt Nam cao hơn thế giới. Trong thời gian tới, nhóm dân số từ 15-64 tuổi (trong độ tuổi lao động) trong 5-10 năm tới sẽ “đẩy lên” thành NCT, lực lượng này sẽ chiếm một tỷ trọng lớn. Đó là những lý giải cho việc số lượng và tỷ lệ NCT Việt Nam thời gian tới sẽ tăng nhanh.

? Thưa ông Thái Phúc Thành, hiện nay thực trạng trong chăm sóc và bảo trợ người già có quy mô và mức độ như thế nào? Ông có thể nhấn mạnh về yếu tố chăm có y tế chưa đáp ứng được nhu cầu cần thiết? 

* Ông Thái Phúc Thành:

Về vấn đề bảo trợ xã hội: hiện nay pháp luật quy định trợ cấp hàng tháng (liên quan cả đối tượng cộng đồng, nuôi dưỡng tại các trung tâm…); vấn đề cấp bảo hiểm y tế, vấn đề mai táng và các hoạt động khác…

Luật hiện nay quy định mức chuẩn trợ cấp là 180.000đ/người cao tuổi từ 60-80 nếu sống trong gia đình nghèo, không có người phụng dưỡng, hoặc người phụng dưỡng cũng là đối tượng hưởng trợ cấp. Đối tượng thứ 2 là người cao tuổi trên 80 tuổi không có lương hưu, trợ cấp, BHXH… Đối tượng thứ 3 NCT không có người phụng dưỡng, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thì được nuôi dưỡng tại các trung tâm Bảo trợ xã hội. 

Quy mô hiện nay cả nước có 1,5 triệu NCT đang được nhận trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng. Hiện có khoảng 400 trung tâm mang tên bảo trợ xã hội. Hệ thống trung tâm quốc lập có khoảng hơn 200 trung tâm, hiện đang nuôi dưỡng rất nhiều đối tượng…

Về bảo hiểm y tế: 100% các đối tượng nhận trợ cấp xã hội hàng tháng đã đóng bảo hiểm y tế. Đây là cơ sở quan trọng thực hiện chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT. Vì sao việc chăm có y tế còn khó khăn, đó là vấn đề về trang thiết bị, cơ sở vật chất, y bác sĩ, cán bộ chuyên ngành… Có rất nhiều yếu tố tác động đến tình trạng chăm sóc y tế còn khó khăn. Quy mô NCT sẽ rất cao, tăng rất nhanh trong những năm tới, đây sẽ là áp lực lớn đối với chính phủ, đặc biệt là chăm sóc y tế. 

Thu Nguyên
Ảnh: Chí Cường
vothu
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
85 thai phụ mang gene tan máu bẩm sinh nhưng chỉ 18 người đi xét nghiệm chuyên sâu

85 thai phụ mang gene tan máu bẩm sinh nhưng chỉ 18 người đi xét nghiệm chuyên sâu

Tin tức - Sự kiện - 3 năm trước

GiadinhNet - Tại Chiêm Hoá, Tuyên Quang, xét nghiệm sàng lọc, các thầy thuốc phát hiện ra 85 người mang thai dưới 20 tuần thai có mang gene tan máu bẩm sinh. Tuy nhiên, chỉ có 18 gia đình đồng ý đi xét nghiệm chuyên sâu.

Quảng Ninh đi đầu thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2019

Quảng Ninh đi đầu thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh năm 2019

Dân số và phát triển - 5 năm trước

GiadinhNet – Nhận thấy một số phương pháp truyền thông truyền thống đã không còn thích hợp, tỉnh Quảng Ninh quyết định thay đổi cách thức truyền thông về mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) qua hệ thống mang xã hội (MXH) để phù hợp xu thế cách mạng công nghệ 4.0

Công đoàn viên ngành Dân số nô nức thi tài nấu ăn

Công đoàn viên ngành Dân số nô nức thi tài nấu ăn

Tin tức - Sự kiện - 6 năm trước

GiadinhNet - Sáng nay (22/3), gần 100 công đoàn viên ngành Dân số náo nức trổ tài bếp núc trong hội thi "Liên hoan ẩm thực năm 2018" được tổ chức tại trụ sở cơ quan Tổng cục DS-KHHGĐ.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: "Đưa công tác dân số lên tầm cao mới"

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: "Đưa công tác dân số lên tầm cao mới"

Dân số và phát triển - 6 năm trước

GiadinhNet- Sáng nay (9/12), Bộ Y tế đã phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức Lễ Mít tinh phát động Tháng hành động Quốc gia về Dân số và Ngày dân số Việt Nam.

Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày 21/6

Lãnh đạo Tổng cục DS-KHHGĐ chúc mừng Báo GĐ&XH nhân ngày 21/6

Dân số và phát triển - 7 năm trước

GiadinhNet - Sáng nay 19/6, ông Nguyễn Văn Tân, Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cùng các Phó Tổng cục trưởng, lãnh đạo một số vụ, đơn vị thuộc Tổng cục đã tới thăm, chúc mừng cán bộ, phóng viên Báo GĐ&XH nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6.

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và chúc mừng Báo Gia đình & Xã hội nhân ngày 21/6

Lãnh đạo Bộ Y tế thăm và chúc mừng Báo Gia đình & Xã hội nhân ngày 21/6

Dân số và phát triển - 7 năm trước

GiadinhNet - Nhân kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2017), ngày 15/6, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cùng lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị thuộc Bộ đã tới thăm và chúc mừng tập thể cán bộ, phóng viên Báo Gia đình & Xã hội.

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác dân số gắn liền với sự phát triển thành phố

Hải Phòng: Đẩy mạnh công tác dân số gắn liền với sự phát triển thành phố

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Sáng 16/9, đoàn công tác của Tổng cục DS-KHHGĐ đã đến và làm việc với Ban chỉ đạo Dân số Hải Phòng về công tác hoạt động dân số thành phố trong 8 tháng vừa qua và những kế hoạch triển khai sắp tới.

Vấn nạn sinh con ở tuổi vị thành niên (2)

Vấn nạn sinh con ở tuổi vị thành niên (2)

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Số liệu của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (2015) cho thấy, mỗi năm có 16 triệu nữ vị thành niên sinh con, trong đó có khoảng 2 triệu vị thành niên mang thai khi vẫn còn dưới 15 tuổi.

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet - Chiếm 16,3% dân số thế giới và đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, tuy nhiên một bộ phận vị thành niên trên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn nạn, thách thức như tảo hôn, mang thai và sinh đẻ, nuôi con ở tuổi vị thành niên, HIV/AIDS, thất học, lao động kiếm sống, ám ảnh bởi bạo lực, xâm hại tình dục…

Đà Nẵng sơ kết chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ đợt I

Đà Nẵng sơ kết chiến dịch truyền thông DS-KHHGĐ đợt I

Dân số và phát triển - 8 năm trước

GiadinhNet – Sự nhiệt tình, năng nổ, làm tốt vai trò tham mưu hoạt động về DS-KHHGĐ của đội ngũ cán bộ DS-KHHGĐ từ thành phố đến cơ sở, cùng với sự hưởng ứng của đối tượng tham gia thực hiện KHHGĐ/CSSKSS đã góp phần vào việc thực hiện kế hoạch ổn định mức sinh hợp lý trên toàn thành phố.

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Vị thành niên thế giới và những thách thức toàn cầu (1)

Dân số và phát triển

GiadinhNet - Chiếm 16,3% dân số thế giới và đang ở ngưỡng cửa cuộc đời, tuy nhiên một bộ phận vị thành niên trên thế giới đang đối mặt với nhiều vấn nạn, thách thức như tảo hôn, mang thai và sinh đẻ, nuôi con ở tuổi vị thành niên, HIV/AIDS, thất học, lao động kiếm sống, ám ảnh bởi bạo lực, xâm hại tình dục…

Top