7 năm lên kế hoạch đào tẩu của công chúa Dubai
Công chúa Latifa đã dành 7 năm lên kế hoạch trốn chạy khỏi UAE nhưng bị đặc nhiệm nước này bắt giữ trên đường đào tẩu tại vùng biển ngoài khơi Ấn Độ.
Latifa bint Mohammed al-Maktoum là con gái của Mohammed bin Rashid al-Maktoum, thủ tướng Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đồng thời là nhà vua (emir) của Dubai, một trong các tiểu vương quốc. Tháng 3/2018, Latifa mất tích trên vùng biển ngoài khơi Ấn Độ.
Theo lời kể của các nhân chứng, đồng thời cũng là bạn của Latifa, cô bị một nhóm biệt kích bắt đi, sau khi đã dành 7 năm lên kế hoạch trốn thoát khỏi UAE, xứ sở giàu có bậc nhất Trung Đông nhưng bị công chúa 32 tuổi coi như một "nhà giam mạ vàng".
7 năm lên kế hoạch
Bộ phim tài liệu Escape from Dubai (Chạy trốn khỏi Dubai) vừa được đài BBC của Anh công bố miêu tả lại chi tiết kế hoạch bỏ trốn của Latifa, thông qua lời kể của những người đã giúp công chúa lên kế hoạch, gồm một cựu điệp viên Pháp và một võ sư Phần Lan, cùng nhóm thủy thủ Philippines đã giúp Latifa trên đường đào tẩu.
Latifa là con gái thứ hai của nhà vua Sheikh cố gắng trốn chạy cuộc sống xa hoa tột đỉnh nhưng mất tự do tại UAE. Shamsa, chị gái cô, bị bắt trên đường phố tại Cambridge, Anh, sau khi trốn khỏi biệt thự của hoàng gia UAE ở Surrey năm 2000. Shamsa mất tích từ đó tới nay và vụ việc, được miêu tả là vụ bắt cóc rõ ràng, chưa bao giờ được cảnh sát Anh điều tra thỏa đáng.

Trong một đoạn ghi hình trước khi kế hoạch đào tẩu diễn ra, Latifa tâm sự đã từng cố gắng rời khỏi UAE năm 16 tuổi. Tuy nhiên, kế hoạch này thất bại và công chúa bị bắt tại biên giới. Latifa cho biết cô bị giam giữ trong 3 năm, phải chịu đựng những trận đánh đập, tra tấn.
Những gì đã xảy ra trong quá khứ với chị gái Shamsa, cũng như 3 năm trong tù của bản thân, khiến Latifa hết sức thận trọng khi lên kế hoạch cho cuộc đào tẩu diễn ra đầu năm 2018.
Theo BBC, công chúa UAE bắt đầu kế hoạch với việc tiếp cận thương gia đồng thời là cựu sĩ quan hải quân Pháp Herve Jaubert năm 2011. Người đàn ông này nói từng có kinh nghiệm trốn thoát khỏi Dubai bằng cách lặn xuống biển, lên một con tàu đậu ở ngoài khơi và chạy tới Ấn Độ.
Khi Latifa lần đầu gửi email tới ông Jaubert, cựu sĩ quan đã phát hoảng. "Tôi nói với cô ấy rằng cô ấy là con gái của người trị vì Dubai, đó có thể là một cái bẫy, tôi cần kiểm tra để bảo đảm không có gì dối trá", ông Jaubert nói.
Người đàn ông này sau đó bị Latifa thuyết phục và bắt đầu tham gia vào kế hoạch đào tẩu. Ông Jaubert tiết lộ hai người trao đổi thư tín 2-3 ngày một lần trong thời gian dài, dù không hề gặp mặt cho tới năm 2018.
Chủ đề chính của những bức thư là kế hoạch chuẩn bị cuộc đào tẩu. Cựu sĩ quan cho biết Latifa đã tiết kiệm được 400.000 USD cho kế hoạch chạy trốn khỏi UAE. Tuy nhiên, công chúa 32 tuổi cũng thường kể cho người đàn ông chưa từng gặp gỡ về những góc khuất của cuộc sống bị giam cầm trong hoàng cung.
"Tôi đã bị ngược đãi và áp bức trong suốt cuộc đời mình. Phụ nữ bị đối xử như lớp người hạ đẳng. Cha tôi không có quyền làm những gì ông ấy đã làm với tất cả chúng tôi", Latifa viết trong một email gửi tới ông Jaubert.
Năm 2014, công chúa UAE gặp mặt Tiina Jauhiainen khi cô gái người Phần Lan tới dạy một môn võ thuật xuất xứ từ Brazil tại khu nhà ở của hoàng gia. Jauhiainen cho biết sau này cô đã trở thành bạn thân của Latifa. Hai người đã cùng nhau bay ra nước ngoài vài lần, gặp gỡ ông Jaubert và quyết định các chi tiết của kế hoạch đào tẩu.

Cuộc đào tẩu không thành
Cuộc trốn chạy tìm tới tự do của công chúa Latifa bắt đầu vào một ngày tháng 3. Cô và nữ võ sư cùng đi ăn sáng như thường nhật để tránh sự nghi ngờ của các vệ sĩ mà nhà vua cử tới giám sát.
Tại nhà hàng, Latifa thay quần áo và đổi kính râm khác, sau đó cả hai lái xe xuyên qua biên giới tới Oman, từ đó đi ra biển. Hai người phụ nữ lênh đênh khoảng 40 km trên biển bằng ca nô và thuyền bơm hơi trước khi ra tới vùng biển quốc tế, nơi ông Jaubert đang đợi sẵn trên một du thuyền.
"Sóng cao khoảng 1,5 mét, còn gió thì thổi ngược, vì thế chúng tôi mất hàng giờ mới tới được chiếc du thuyền", Jauhiainen kể về chặng đầu cuộc đào tẩu cùng công chúa UAE.
Cựu sĩ quan Pháp cho biết nhóm đào tẩu sử dụng thuyền mang cờ Mỹ, hy vọng sử dụng luật quốc tế để can thiệp trong trường hợp con tàu bị tấn công. Từ đây, chiếc du thuyền lên đường tới bang Goa thuộc Ấn Độ.
Từ trên tàu, Latifa đã đưa ra một lời tuyên bố qua video, chỉ được phát nếu kế hoạch đào tẩu thất bại. "Nếu các bạn đang xem video này thì đó không phải là điều tốt lành gì. Tôi có thể đã chết hoặc đang ở trong tình thế rất, rất, rất tồi tệ", Latifa nói. Công chúa UAE cho biết đã chuẩn bị tinh thần chịu sự trừng phạt nặng nề nếu bị bắt lại.

Năm 2000, chị gái Shamsa của Latifa đã trốn thoát hơn một tháng trước khi bị bắt lại. Theo một lá thư Shamsa gửi tới luật sư tại Anh, cô được bí mật đưa ra khỏi nước Anh sau khi bị bắt ở Cambridge theo lệnh của nhà vua Sheikh.
Cáo buộc bắt cóc được chuyển tới David Beck, người khi đó là điều tra viên chính tại Cambridge. "Bắt cóc là một tội nghiêm trọng, và không phải ngày nào cũng có cáo buộc liên quan tới nguyên thủ quốc gia xuất hiện trên bàn làm việc của tôi", Beck nói.
Tuy nhiên, điều tra viên này đã không thể đào sâu vụ việc. Ông Beck cần nói chuyện trực tiếp với Shamsa, nhưng chính quyền Dubai đã không cho điều tra viên này nhập cảnh. "Tôi chẳng bao giờ được biết lý do (bị cấm nhập cảnh)", ông cho biết.
Trong đoạn video, Latifa nói chị gái mình sống tại một nơi giống như "nhà tù y tế", bị theo đuôi và giám sát bởi các y tá mọi lúc mọi nơi. Số phận của người chị gái Shamsa là lời cảnh báo cho Latifa.
Khi đã ở trên du thuyền tới Ấn Độ, Latifa nhắn tin về cho gia đình, liên hệ với tổ chức Detained in Dubai (tổ chức hoạt động đòi quyền lợi cho những người bị bắt giữ không có lý do chính đáng tại UAE), cầu cứu giới truyền thông, hy vọng công luận có thể bảo vệ cô. Tuy nhiên, chẳng mấy người đáp lại cô, có lẽ bởi kế hoạch đào tẩu ly kì của Latifa khiến các phóng viên lo ngại đó chỉ là một trò lừa đảo.
"Cô ấy gửi email tới các phóng viên nhưng không ai trả lời. Không ai tin cô ấy, điều đó khiến cô ấy buồn bã và tuyệt vọng", Jauhiainen hồi tưởng.
Vài ngày sau khi rời khỏi Vùng Vịnh, chiếc du thuyền chở Latifa bị tấn công bởi một nhóm có vũ trang được cho là đặc nhiệm của UAE. Công chúa bị bắt giữ và không xuất hiện trước công chúng từ đó tới nay. Bạn bè của Latifa cho biết không nghe được tin tức gì từ cô, trang Instagram của Latifa cũng đã bị đóng.
"Cô ấy nói thà bị giết trên tàu còn hơn phải trở lại Dubai. Tôi chẳng biết giờ cô ấy ở đâu", ông Jaubert cho biết.
Nhà vua Sheikh và chính phủ UAE không đáp lại lời buộc tội mà BBC đưa ra trong đoạn phim, cũng như không phản hồi yêu cầu bình luận từ báo giới. Một nguồn tin thân cận với chính quyền Dubai cho hay công chúa Latifa hiện "ở cùng gia đình" và "rất khỏe mạnh".
Theo Duy Anh
Tri Thức Trực Tuyến

Phát hiện mộ pharaoh chưa rõ danh tính trên núi thiêng
Tiêu điểm - 8 giờ trướcVị pharaoh bí ẩn đã được chôn cất khoảng 3.550-3.700 năm trước trên Anubis, ngọn núi thiêng có đỉnh hình kim tự tháp ở tỉnh Sohag, miền Trung Ai Cập.

Người đàn ông chuyển khoản nhầm 130 triệu đồng, người nhận được không trả còn hủy thẻ: Vì sao ngân hàng phải chịu trách nhiệm?
Tiêu điểm - 11 giờ trướcGĐXH - Một người đàn ông đã vô tình chuyển khoản nhầm hơn 130 triệu VND vào tài khoản của một người lạ nhưng không được hoàn trả theo yêu cầu.

Người đàn ông đào được nhẫn vàng 700 năm tuổi với thông điệp đặc biệt
Chuyện đó đây - 13 giờ trướcMột người dò kim loại đã phát hiện một chiếc nhẫn vàng tuyệt đẹp, bị chôn vùi dưới lòng đất suốt 700 năm.

Bức ảnh chó husky đi trên băng đẹp đến kinh ngạc, nhưng đằng sau là một sự thật không ai muốn đối mặt!
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcSự thật đằng sau khiến cả thế giới ngỡ ngàng.

Người đàn ông gửi tiết kiệm 67 tỷ đồng, 5 năm sau đi rút chỉ còn 120 nghìn: Hé lộ sự thật phũ phàng
Tiêu điểm - 1 ngày trướcGĐXH - Người đàn ông ngỡ ngàng sau khi nhận được thông báo từ nhân viên ngân hàng và đã phải báo cảnh sát vào cuộc điều tra.

Bắn laser vào đá Sao Hỏa, tàu NASA tìm ra manh mối sự sống
Tiêu điểm - 1 ngày trướcNhững tảng đá nằm rải rác trên bề mặt Sao Hỏa chứa bằng chứng về một thế giới có thể từng tràn ngập sự sống y hệt như Trái Đất.

Vì sao kim loại hiếm này có thể nhai như kẹo cao su – nhưng không nên thử?
Tiêu điểm - 2 ngày trướcTrong một video thử nghiệm, Youtuber Stevens cho biết rằng "cắn vào indium không khó như tôi tưởng, nó giống như nhai kẹo Milk Duds để trong tủ lạnh."

5 chú mèo thành 'idol mạng', có hàng triệu người hâm mộ khắp thế giới
Chuyện đó đây - 2 ngày trướcNàng mèo Thái sang chảnh, chú mèo "ngầu" Trung Quốc hay chú mèo lướt sóng Hawaii... là những ngôi sao mạng có vô số người hâm mộ trên khắp thế giới.

Thi thể Hoa hậu Du lịch Myanmar 2018 được phát hiện sau động đất thảm khốc
Tiêu điểm - 2 ngày trướcSau vụ sập chung cư Sky Villa tại Mandalay hôm 28/3, thi thể Sili Mee - Miss Tourism World Myanmar 2018 - được tìm thấy dưới đống đổ nát.

Tìm kiếm máy bay MH370: Cập nhật thông tin mới nhất
Tiêu điểm - 2 ngày trướcGĐXH - Hơn 11 năm sau khi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines mất tích, chính phủ Malaysia đã chính thức phê duyệt một cuộc tìm kiếm MH370 mới nhằm lần ra dấu vết của chiếc máy bay xấu số.

Loài chim quý hiếm bậc nhất thế giới, chuyên ăn thịt sư tử con
Chuyện đó đâyVũ khí lợi hại bậc nhất của loài chim này là bộ móng nhọn và sắc như dao. Bộ vuốt sắc nhọn kết hợp với những cú bổ nhào đạt vận tốc lên tới 250 km/h có thể giết chết các con mồi cỡ nhỏ như cáo, thỏ, lợn rừng, thậm chí cả chó sói hay sư tử con.