Hà Nội
23°C / 22-25°C

Đợi xuân trên miền mây trắng

Thứ năm, 08:00 11/02/2021 | Giải trí

GiadinhNet - Sáng Mộc Châu mờ sương, tôi dậy thật sớm, rón rén từng bước chân trên mặt nứa nhà sàn, cố để không phát ra tiếng động làm mọi người tỉnh giấc.

Đợi xuân trên miền mây trắng - Ảnh 1.

Nhưng chủ nhà đã dậy từ lâu. "Ở cái bản này, gà cứ như thể thức suốt đêm mà eo óc gáy, chửa sang canh bên tai đã loi lói tiếng gà", mọi người trong đoàn tham quan cũng đã dậy, phụ họa cho lý do khó ngủ. Bên bếp lửa, Siêng, con gái chủ nhà đang vừa trông nom cám bã, vừa ý tứ vùi ít khoai sắn thêm thắt vào bữa sáng cho khách. Tôi hỏi vui: "Siêng nghĩa là siêng năng, chăm chỉ đấy à?". Cô rủ rỉ đáp: "Không đâu mà, tên em chẳng có nghĩa gì cả, đặt tên khó dễ nuôi. Mấy nhà bên có cả Thiêng, Phiêng, Biêng…". Câu nói của Siêng khuấy động không khí, mọi người trở nên vui vẻ, ấm áp ngay. Tôi ngỏ cùng cô: "Suốt đêm qua mình cứ mê man, nghe thấy những tiếng đàn như rót từ sâu bên trong lòng núi rồi chảy ra róc rách bên cây rừng, vườn tược. Gần đây có con suối nào không?" Siêng vừa cời lửa, vừa đáp: "Có đấy, chị men theo con đường mòn, tới lưng lửng bản, sẽ gặp một bên là cánh đồng, bên kia là vách núi. Vách núi hình mặt người, nhưng cũng là hình cây đàn. Đàn Dọi! Người già kể, bản Thái này được sinh ra từ những tiếng đàn".

Thực ra, chuyến đi cuối năm của chúng tôi là để giải tỏa nhiều nỗi hoang mang, mỏi mệt. Một năm nặng nề vì dịch bệnh, thiên tai, công việc đình trệ… Dăm, bảy con người từ thành phố ồn ào mang theo ba lô, mặt mũi nhàu nhĩ, đôi mắt có quầng nhảy lên xe nhằm hướng Mộc Châu. "Thiên nhiên sẽ khiến ta khuây khỏa", "Ngay cả khi trời có sụp xuống, đất có lún sâu, chẳng ai có thể nghĩ đó là lỗi của núi sông đâu nhỉ?"… Mỗi người góp một câu đẩy chuyến xe chất ngất nỗi niềm nay phải chở thêm bao nhiêu ngẫm ngợi, triết lý.

Theo câu nói của Siêng, chúng tôi đi về phía cánh đồng. Tiếng suối ngày càng rõ, lúc âm vang bổng trầm, khi dặt dìu và dịu lắng. Mùa màng đã xong xuôi, thóc lúa ngủ kĩ trong bồ, nương rẫy trơ gốc rạ. Thỉnh thoảng, từng đàn chim tìm những hạt lúa sót còn ngậm sương bay vù trước mặt. Đàn bướm hoang im lìm như những miếng vải nâu bị loang màu chọn bám lên loài cây hoa đỏ rắc. Tiếng suối đầy mê dụ, đến mức tôi đã ở sát sạt rồi, bước qua cả vạt lau rừng tim tím lúc nào không hay. Kỳ lạ thay, trước mắt chúng tôi chỉ là một dòng chảy nhỏ, mảnh dẻ, se sẽ lách qua rễ cây rừng. Cảm giác dòng chảy ấy không thể đủ sức tạo nên cung bậc thanh âm huyền diệu. Cứ hồ nghi, hay nước nghe hơi người mà trốn đi đâu mất. Mãi tới khi cất bước trở về, tôi chợt nhận ra, rất có thể tiếng suối vọng sâu trong lòng núi, chân càng bước xa, tai càng nghe thấu.

***

Siêng mới ngoài hai mươi tuổi, đôi mắt nâu, gương mặt sáng trong và mái tóc dài không "tằng cẩu" (kiểu búi tóc cao trên đỉnh đầu, phong tục dành cho phụ nữ đồng bào Thái đen đã có chồng). Gần mười năm về trước, khi công trình Thủy điện Sơn La được xây dựng, nhiều làng bản phải di cư. Bản của cô có nguồn gốc từ huyện Mường La. Cả bản làng trù phú, đông vui chia cắt thành chục bản nhỏ rải rắc khắp xứ hoa mận trắng. Như một thực tế, chính những người dân rời quê hương bản xứ, hiến đất cho công trình thủy điện, lại có nguồn sáng sau cùng. Bà con vẫn bảo, ấy cũng là lẽ thường thôi, điều kiện vùng cao khó lắm, không phải cứ muốn là điện "bay" về. Đồng bào ta chưa bao giờ coi sự chuyển dời của mình là nỗi hi sinh, thua thiệt. Nhưng, chạnh lòng thì khó tránh. Cái tâm lý tha phương, cách trở cứ da diết mãi. Siêng chỉ lên những nóc nhà sàn đang tỏa lan vầng khói: "Chị thấy không? Là "khau cút" đấy, người đi xa và người đã khuất cứ theo đó mà về". "Khau cút", gọi nôm na là "sừng trăng", biểu tượng đặt trên nóc nhà của người Thái đen gắn với ý nghĩa tín ngưỡng đặc biệt. Khu tái định cư này được Nhà nước đầu tư xây dựng với hàng trăm ngôi nhà sàn liền kề, nóc nhà "sừng trăng" vẫn ngự.

Suốt thời gian lưu trú ở đây, tôi thường chỉ ngồi trong nhà Siêng xem phụ nữ thêu khăn piêu. Một người phụ nữ Thái đen nếu sinh ra con gái sẽ nghĩ ngay tới những chiếc khăn piêu nối nhau qua hết khoảnh rừng này tới con dốc nọ. Không rõ ở vùng miền khác tục mang khăn piêu về nhà chồng còn giữ được không, riêng ở đây, truyền thống ấy vẫn đậm đà. Cô gái nào chăm chỉ, khéo léo, thêu thùa thật sớm thì lúc lấy chồng mới đủ khăn. Bằng không, bà và mẹ phải ngày đêm phụ giúp, nhiều nhà còn phải "vác miệng" đi "vay" bên hàng xóm, nhưng chẳng phải khi nào cũng sẵn để mà vay. Ai sinh được con trai, đồng nghĩa những chiếc khăn piêu sẽ "bay" về nhà mình, khỏi lo dạy dỗ giục giã con gái thêu thùa nữa. Đương nhiên, phụ nữ những nhà ấy vẫn thêu khăn, lúc trước là trả "nợ" hồi lấy chồng phải "vay", sau dư dả cứ để đấy xem trong bản nhà nào cần thì cho vay lại.

Mẹ của Siêng ngoài sáu mươi tuổi, không hiểu tiếng Kinh, thỉnh thoảng đang thêu khăn lại ngước nhìn khách lạ bằng nụ cười và xoa xoa bàn tay ấm nóng, ram ráp. Hồi ở bản cũ, nhà nghèo, Siêng học hết cấp một, về làm nương rẫy và lấy chồng sớm. Nhà người yêu cũng lại nghèo, không có tiền bạc làm đám cưới nên "chịu" lại nhà gái. Đôi trẻ theo nhau, tảo hôn nên cũng chẳng thủ tục đăng ký với chính quyền. Sinh hai con gái nhỏ, chưa từng có đám cưới nào diễn ra, khăn piêu Siêng thêu đầy nhà cũng chẳng có cớ mang về bên ấy. Về nhà trai, Siêng thành lao động chính, ngày lên nương rẫy, tối về cám bã chăn nuôi, chăm sóc các con. Lúc con gái đầu mới lên ba, con gái thứ hai được chín tháng, chồng Siêng qua đời sau một tai nạn lao động lúc đi làm ăn xa. Đau đớn, tủi phận, xong tang lễ, nàng dâu trẻ gạt nước mắt xin nhà chồng được "hạ tằng cẩu", ôm con về nhà bố mẹ đẻ. Theo phong tục, bố mẹ cô mang lễ vật vượt băng qua rừng đến xin nhà trai nhận lễ. Đứa con gái "theo không" về làm dâu nhà người nay thành góa phụ, nhưng xong lễ này thì chết sẽ không làm "con ma" nhà người ta nữa. Cũng vì hoàn cảnh quá éo le, con gái nhỏ của Siêng giờ đã thành con nuôi gia đình khác. Mỗi lần trò chuyện cùng tôi, Siêng luôn nói, những chiếc khăn cô thêu là dành cho con gái mình, trong đó có cả đứa con nhỏ bé xa xôi. Mẹ Siêng có tới 14 đứa cháu, giờ bà vẫn miệt mài thêu khăn. Bản ngụ cư thì không có đất, trông chờ vào sức người khai vỡ đất hoang hoặc làm thuê cho các bản bên cạnh theo mùa vụ. Trước Tết, Siêng đi hái cam thuê. Cô khoác tay nải bằng vải cũ, trong đựng cơm nếp, muối chẩm chéo để trưa nghỉ tay sẽ ăn. Tôi theo chân Siêng, đi xuyên qua những con đường mận đã nở trắng ngần ngật, che khuất từng mỏm đá nhọn sắc thâm trầm. Cũng con đường ấy, lúc trở về trong ánh chiều nhập nhoạng lại thẫm màu như nền chiếc khăn piêu.

***

Đêm chờ xuân buồn vui gì cũng cứ chộn rộn. Mà đã từ rất lâu, Siêng cũng chẳng tính tháng, tính ngày. Tôi hỏi cô, làm sao qua được những đêm dài, và bên cạnh những mái đầu tằng cẩu của đàn bà trong bản, có khi nào cô thấy chông chênh? Cô cười với một đôi mắt ướt. Siêng nói, có thế nào thì rừng vẫn chở che, và đất thì luôn ấm áp. Cô cảm nhận được điều đó trong chính niềm tủi phận, mất mát của mình. Lúc về nhà chồng năm mười sáu tuổi. Lúc nghe tin chồng qua đời. Lúc ngồi giữa cha mẹ, họ hàng làm lễ hạ tằng cẩu. Lúc tiễn đi đứa con ê a chưa biết nói. Khi ấy, mọi thứ váng vất, chung chiêng lắm. May rằng, đất dưới chân cô vẫn vững, và rừng đủ ngút ngàn ôm trọn mọi nỗi đau. "Rồi em cũng có tình yêu mới chứ?", tôi khẽ hỏi. Má Siêng ửng hồng, mắt vẫn dán vào mũi kim thêu. "Có, mà rồi thành không. Người ta thương mình nhưng không bắt họ thương cả con mình được. Người ta không muốn thì mình chịu thôi", giọng cô nghèn nghẹn.

Hoa mận Mộc Châu năm nay nở sớm, cả bản hơn chục vườn đều đã trắng như mây. Cuộc đời nhiều khi buồn đấy, nhưng vẫn cứ phải sống thôi. Siêng sắp mở một gian hàng. Cô tự tay chặt tre, xẻ ván, đóng đinh, lợp gianh, bày biện ít nông sản để du khách nào muốn thì mang về xuôi. Nào có nhiều nhặn gì, vẫn là những quả bưởi, quả cam hằng ngày đồng bào mang mời khách. Thêm mấy bó ngồng cải, rau dớn, dăm lọ chẩm chéo, vài treo thịt khô. Chủ nhật, con gái và các cháu được nghỉ học, cũng líu ríu sắp đặt, thêm thắt gian hàng. Trời lạnh, nhưng nắng ấm vẫn cuồn cuộn bừng lên. Cảm tưởng cả mây, sương, và nắng đều quánh đặc, cuộn tròn như những khối bông gòn xốp tơi, mềm mại. Từ đó, có thể rút ra những sợi bông xanh đỏ tím vàng mà dệt mà thêu lên khăn piêu. Đẹp hơn cả, trong chính khung cảnh ấy, tôi gặp vạt khăn piêu rực rỡ, bay bay để lộ vùng thắt lưng mềm mại của Siêng. Niềm vui, nỗi buồn bừng như hơi rượu. Buồn đấy, rồi gạt đi mà bước tiếp. Đau đớn đấy, rồi sẽ mãi nhớ về nhau thôi. Đâu phải ngẫu nhiên mà hai đầu khăn piêu là vuông thổ cẩm lấp loáng như núi, như mây, như những mái nhà và nỗi niềm trắc trở. Đâu phải bỗng dưng có một vạt khăn piêu luôn ngự trên đỉnh đầu hướng về phía trước, vạt còn lại như suối đổ qua gáy, qua lưng và bần thần ở lại miền xa sâu dĩ vãng… Lạ thay, buổi sáng đẹp một cách kỳ diệu đó, không chỉ mình tôi thơ thẩn đứng nhìn Siêng.

***

"Thầy giáo Tịnh lên bản dạy trẻ con được nửa năm chưa thấy "đòi" về. Có cái chữ, con gái bản này "lười" lấy chồng hẳn, đua nhau học giỏi để còn xuống thành phố chơi. Thầy giáo bây giờ được quý hơn cả lão thầy mo này rồi". Ông Thưởi, thầy mo có tiếng khắp vùng mời khách uống trà, giọng vẻ như than thở nhưng đôi mắt ánh lên niềm vui rõ rệt. Tịnh ngồi bên ông, từ tốn chuyện trò. Quê anh miền biển, cha anh vĩnh viễn nằm lại khơi xa sau bão biển. Đàn ông làng ai bước lên thuyền đận ấy đều không trở về. Chính Tịnh cũng không ngờ, mình sinh ra ở biển, cố gắng học hành, đỗ đạt rồi lại chọn núi rừng mà gắn bó. Anh kể, khi đang kỳ thực tập năm cuối đại học thì mẹ anh mắc bạo bệnh qua đời. Lúc hấp hối, bà cứ nắm chặt tay đứa con trai duy nhất để đòi được theo cha anh, được đưa về phía biển tìm chồng… Biển khơi êm đềm suốt tuổi thơ anh, cũng là niềm đau đớn đến quặn lòng. Từng đợt sóng ngoài kia phả hơi mặn vào đôi mắt ầng ậng nước. Tịnh đi về phía núi rừng. Bốn bề chìm trong biển mây, cây cối cứ rằng rịt, bám riết, kể cũng hay, niềm chông chênh dần dần dịu lắng.

- Bé Thi rất ngoan và sáng dạ, Siêng đừng bắt con nghỉ học lên nương và thêu khăn…

- Không thêu khăn thì không lấy chồng được đâu. Không làm nương thì cái lưng nó khinh ông trời, chỉ biết được những chuyện đằng sau gáy.

- Sao thế được, tôi nói với Siêng thế này…

Vẫn giọng ấm áp, thầy giáo Tịnh chuyện trò với Siêng dưới sàn nhà. Cô đã mở cho tôi xem "gia tài" khăn piêu thêu suốt thời con gái đến bây giờ. Thật khó mà đếm nổi. Ba chiếc rương gỗ xếp chật góc nhà sàn, toàn khăn piêu. Siêng thêu đẹp nhất vùng, nhiều khăn nhất vùng, nhưng chưa bao giờ được mang về nhà chồng, giờ chồng mất rồi cũng chỉ nghĩ những chiếc khăn sẽ ngủ giấc dài, ngủ thay những con người lam lũ. Trong bản, cũng có người thương Siêng, muốn cưới cô làm vợ, nhưng nhà bên ấy mời thầy mo về "đuổi tà" cho con trai khỏi u mê. Cuối cùng, đêm trăng bên suốt, người ấy một mực vẫn muốn cưới Siêng, nhưng đòi cô cho đứa con gái đầu làm con nhà khác. "Siêng đã cho đi một lần rồi, thêm lần nữa có sao đâu, mình có với nhau những đứa con khác". Giọng người trai bản an ủi, mời mọc và lạnh băng như đá núi. Siêng thấy tai mình ù đi, toàn thân tê dại. Nếu người ta thương mình thật bụng, phải hiểu rằng mình đã rất đau. Đau đến mức lãng quên cuộc đời mà mình đang phải sống. Nếu không vì đôi mắt long lanh của bé Thi mỗi sáng đến trường, không vì những chiếc khăn piêu chờ trao cho con gái, thì Siêng đâu thiết sống.

***

- Thầy giáo Tết này có về quê không?

- Em không chị ạ. Em thường mơ cha, mẹ trở về, nhìn em cười nói. Cha mẹ em bảo, ở đâu cảm thấy sự ấm áp và che chở chính là ở đó có mẹ có cha…

- Rồi đã định "chọc sàn" hỏi cô sơn nữ nào làm vợ chưa?

- Người ta khó lắm anh. Trải qua nhiều đau đớn, có lúc hi vọng mở ra rồi lại đóng sập, trái tim cũng hóa băng rồi…

- Hóa băng nhưng làm tan băng là ở mình chứ, đâu phải ở người ta…

Trước khi trở về thành phố, đoàn chúng tôi quyết định rời nhà Siêng, ngủ lại trong khu tạm trú của trường học, trò chuyện suốt đêm với thầy giáo Tịnh. Mọi người kể toàn chuyện thời thơ ấu. Tôi cũng sinh ra ở núi đồi, nhà ngoảnh nhìn sông Mã. Tính cho tới khi tôi xa quê học hành, cư ngụ ở phố xá, chưa một lần núi sông biến động. Bao mùa giông bão, lũ lụt, đi cũng chưa thấy cây lớn nào gãy đổ, chưa mỏm núi nào sụt đi... Cảm giác ấm áp, lành hiền vỗ về tôi cả khi xa cách. Ấy vậy nên tôi đã hoang mang tột độ khi những miền đất quanh ta biến động. Lẽ đương nhiên, dù ta không sao cả, nhưng trước những bi kịch mắt thấy, tai nghe, ai có thể mặc nhiên mà an vui riêng mình… Thầy Tịnh kể, ngày đầu tiên anh đặt chân tới đây, gặp Siêng đi làm nương dắt theo con gái. Anh đưa cho con bé gói kẹo, nó nhoẻn miệng cười, huơ đôi tay về phía trước muốn theo. Bỏ lại sau lưng thành phố, miền quê, tự xa rời muôn nỗi thân quen, gần gũi, đó là khoảnh khắc đầu tiên khiến Tịnh thấy xao động, ấm lòng. Mình vẫn có ích, ai đó vẫn cần mình…

"Ở đây có phong tục, hễ một chàng trai ưng cô gái nào thì mang khăn piêu đi dạm hỏi đấy. Cô gái không ưng sẽ tìm cách mang trả lại, bằng không, chẳng nói gì là tốt đẹp rồi đấy", ai đó gợi ý cho thầy giáo Tịnh. Bên bếp lửa, nét mặt anh vừa bần thần, vừa xốn xang. Tôi lấy trong hành lý của mình chiếc khăn Siêng tặng. Siêng tặng tôi, nhưng câu nói lửng lơ: "Em tặng chị, chị tặng ai thì tặng". "Tặng cho chàng trai đang cần khăn piêu để ngỏ lời thương nhớ có ưng cái bụng không?", tôi hỏi. Siêng mủm mỉm cười, con gái cô hóng được chuyện, đứng phắt dậy reo to thành tiếng.

Mỗi chúng tôi đều đã tìm cho mình niềm tin, chỗ dựa sau chuyến đi ngược miền mây trắng. Trên chuyến xe đêm, cứ nhớ mãi cái dáng dấp lầm lụi, cần cù của Siêng. Cô nắm tay con gái, đứng bên cạnh thầy giáo Tịnh, tiễn chúng tôi về xuôi. Lại ngang qua vách đá hình mặt người hay cây đàn bốn mùa bổng trầm, róc rách. Lại băng con dốc tràn hoa ngũ sắc là ranh giới chia đôi hai bản người Thái trắng và Thái đen. Buổi trưa trước lúc chia tay, mẹ cô hồ hởi bày ra cả bữa tiệc toàn rau quả rừng xen lẫn chẩm chéo và cá suối. Lạ thay, những ngày ở đây, chúng tôi có chung những giấc mơ về tiếng suối thâm sâu và dòng chảy mỏng mảnh của thực tại tưởng chừng không thể nào vang xa đến thế. Lạ thay, những người đàn ông bỗng nhiên lặng lẽ, phụ nữ trong bản khe khẽ reo lên. Họ đều bảo, chẳng có đâu mà suối, là tiếng đàn đó thôi. Đàn của thần rừng trong chuyện tình yêu cả nghìn năm trước. Ngủ ở bản mà nghe được tiếng đàn là sắp có chuyện vui, chuyện chưa từng xảy ra trên xứ này.

Truyện ngắn của Lữ Mai

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Bỗng dưng Song Hye Kyo lại bị mỉa mai là "cô vợ siêu sao không muốn đẻ"

Bỗng dưng Song Hye Kyo lại bị mỉa mai là "cô vợ siêu sao không muốn đẻ"

Giải trí - 1 giờ trước

Dù đã ly hôn từ lâu nhưng Song Hye Kyo vẫn luôn bị réo tên trong những sự kiện liên quan tới chồng cũ Song Joong Ki.

Mỹ nhân trẻ đẹp nhất phim 'Sex and the City' có hôn nhân ngọt ngào bên nhạc sĩ nổi tiếng

Mỹ nhân trẻ đẹp nhất phim 'Sex and the City' có hôn nhân ngọt ngào bên nhạc sĩ nổi tiếng

Giải trí - 1 giờ trước

GĐXH - Kat Dennings - sao phim "Sex and the City" sinh năm 1986 và nổi tiếng là mỹ nhân trẻ đẹp nhất trong dàn phim này. Ngoài đời, cô đang hạnh phúc bên chồng là nhạc sĩ.

Lộ vòng 2 bất thường, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh vướng tin đồn mang bầu lần 2

Lộ vòng 2 bất thường, Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh vướng tin đồn mang bầu lần 2

Giải trí - 1 giờ trước

GĐXH - Hoa hậu Đỗ Mỹ Linh mới đây xuất hiện trong một sự kiện, tuy nhiên điều khán giả chú ý chính là vòng 2 bất thường của cô.

Như Quỳnh: "Tôi hối hận vì đã làm điều đó với Hiền Thục"

Như Quỳnh: "Tôi hối hận vì đã làm điều đó với Hiền Thục"

Giải trí - 3 giờ trước

"Tôi không nhận ra lúc đó tôi đã đi quá giới hạn của mình" – Như Quỳnh chia sẻ.

Bị chê 'nghệ sĩ nổi tiếng mà ở ký túc xá', chị cả của show 'Chị đẹp' giải thích

Bị chê 'nghệ sĩ nổi tiếng mà ở ký túc xá', chị cả của show 'Chị đẹp' giải thích

Giải trí - 5 giờ trước

"Chị đẹp đạp gió 2024" có sự đổi mới khi 30 chị đẹp tham gia chương trình sẽ cùng sinh hoạt chung trong không gian kí túc xá.

Chồng cũ Thanh Thanh Hiền: Sang Mỹ 3 năm mua nhà, tậu xe mới gần 2 tỷ

Chồng cũ Thanh Thanh Hiền: Sang Mỹ 3 năm mua nhà, tậu xe mới gần 2 tỷ

Giải trí - 7 giờ trước

“Trời ơi, bây giờ tôi mới biết độ giàu của Chế Phong” – Thúy Nga nói.

Phó giám đốc Trường quay Cổ Loa: "Anh Công Lý đã khỏe nhiều, giờ thoại và diễn hay luôn"

Phó giám đốc Trường quay Cổ Loa: "Anh Công Lý đã khỏe nhiều, giờ thoại và diễn hay luôn"

Giải trí - 20 giờ trước

Diễn viên Minh Tiệp, Phó giám đốc Trường quay Cổ Loa chia sẻ về tình hình sức khỏe hiện tại của NSND Công Lý.

NSND Công Lý chuẩn bị tái xuất phim của VTV

NSND Công Lý chuẩn bị tái xuất phim của VTV

Giải trí - 22 giờ trước

GĐXH - Diễn viên Minh Tiệp hé lộ dự án phim mới của VFC có sự tham gia của NSND Công Lý khiến khán giả tò mò.

BTV Thời sự từng lọt top 10 Hoa hậu Việt Nam, là đối thủ của Mai Phương Thuý

BTV Thời sự từng lọt top 10 Hoa hậu Việt Nam, là đối thủ của Mai Phương Thuý

Giải trí - 23 giờ trước

Cô là nữ BTV trẻ nhất dẫn chương trình Thời sự 19h và từng được đánh giá là đối thủ đáng gờm của Mai Phương Thuý trong cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2006.

Nguyên nhân Huỳnh Hiểu Minh và Angelababy ly hôn

Nguyên nhân Huỳnh Hiểu Minh và Angelababy ly hôn

Giải trí - 1 ngày trước

Blogger nổi tiếng tiết lộ Huỳnh Hiểu Minh và Angelababy bất đồng trong vấn đề đầu tư tài chính, đó cũng là lý do họ ly hôn.

Top