Hà Nội
23°C / 22-25°C

Kỷ niệm về một vị Bộ trưởng

Thứ sáu, 08:23 27/05/2016 | Dân số và phát triển

GiadinhNet - GS Mai Kỷ - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ đã từ trần vào ngày 25/5/2016, hưởng thọ 87 tuổi. Với 47 năm công tác, GS Mai Kỷ đã trải qua nhiều cương vị khác nhau. Dù ở cương vị công tác nào, GS Mai Kỷ đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, đóng góp cho sự phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, đặc biệt là đóng góp to lớn, hiệu quả cho sự phát triển của ngành Dân số.

GS Mai Kỷ đã cùng cán bộ Ủy ban Quốc gia DS - KHHGĐ (cũ) và nhiều ban, ngành liên quan xây dựng, trình Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết lần thứ 4 khóa VII về Chính sách DS - KHHGĐ đến năm 2015, xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ Chiến lược Dân số đến năm 2000. Đặc biệt, GS Mai Kỷ đã tổ chức thực hiện xuất sắc các mục tiêu của Nghị quyết và Chiến lược nói trên. Với những cống hiến to lớn của mình, năm 2010, GS Mai Kỷ đã được Đảng và Nhà nước trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất.

Tưởng nhớ đến GS Mai Kỷ, người đã dành trọn gần cả cuộc đời cho sự nghiệp DS- KHHGĐ, Báo GĐ&XH trân trọng đăng tải bài viết của TS Dương Quốc Trọng - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS- KHHGĐ về những kỷ niệm không quên đối với người đã đặt nền móng đầu tiên cho ngành Dân số.


Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các lãnh đạo ngành Dân số tới chúc mừng GS Mai Kỷ nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2010. Ảnh: Chí Cường

Nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu và các lãnh đạo ngành Dân số tới chúc mừng GS Mai Kỷ nhân Ngày Dân số Thế giới 11/7/2010. Ảnh: Chí Cường

Khi nói về những thành công của công tác Dân số, không thể không nhắc tới những công lao, đóng góp của GS Mai Kỷ, nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia DS- KHHGĐ.

Người kiến tạo hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác Dân số

Nếu nói một cách hình tượng, GS Mai Kỷ chính là một Tổng công trình sư, chỉ trong một thời gian ngắn đã kiến tạo nên hệ thống tổ chức bộ máy làm công tác DS-KHHGĐ từ Trung ương đến cơ sở, đặc biệt là đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số tại khắp các thôn, xóm, bản, làng trong cả nước.

Ông cũng là người đề xuất phương pháp Chương trình mục tiêu về DS-KHHGĐ, với cơ chế phân bổ kinh phí công khai, minh bạch, đại bộ phận kinh phí được chuyển về địa phương, sử dụng, quản lý kinh phí theo cây mục tiêu mà đến nay, thời gian đã chứng minh tính đúng đắn, rất hiệu quả của cơ chế này. Chính nhờ sự thành công của Chương trình mục tiêu Quốc gia DS-KHHGĐ mà hiện nay đã được mở rộng thành nhiều chương trình mục tiêu quốc gia khác.

Những người đã làm công tác dân số lâu năm, mỗi khi nói về ông, họ thường dành cho ông một sự tôn kính đặc biệt. Với tôi cũng vậy, dù tôi không có may mắn như nhiều anh em trong Tổng cục DS-KHHGĐ được làm việc trực tiếp dưới quyền ông, nhưng trước đó đã được biết và tiếp xúc với ông nên cũng cảm nhận được tất cả những điều đó.

Tôi nhớ vào năm 1993, khi đó còn đang công tác tại Khoa Phụ sản (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108), tôi được cử đi học các Nghị quyết của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII). GS Mai Kỷ là người được phân công truyền đạt Nghị quyết về “Chính sách DS -KHHGĐ”. Tôi có ấn tượng rất đặc biệt về ông. Là một bác sĩ lâm sàng, chuyên làm về kế hoạch hóa gia đình, tôi cứ tự thắc mắc và tự tìm hiểu rằng, tại sao ông, một Giáo sư về luyện kim - không “dính dáng” gì tới kế hoạch hóa gia đình mà lại nói về kế hoạch hóa gia đình hay như vậy, truyền đạt Nghị quyết về “Chính sách DS-KHHGĐ” lại đầy sức thuyết phục đến như vậy. Thực sự, tôi đã bị cuốn hút vào bài giảng của ông.

Do vậy, không phải về sau này mà ngay từ trước khi được phân công làm công tác Dân số, một trong những Nghị quyết mà tôi nhớ nhất và “thấm” nhất, chính là Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS-KHHGĐ”, cũng bởi vì sự truyền đạt đầy hấp dẫn của ông. Ông có nói rằng: “Viết Nghị quyết là rất khó bởi vì phải viết làm sao thật súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, nhất là Nghị quyết về DS-KHHGĐ càng đòi hỏi cao hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này. Do vậy, lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”. Ông biết rằng, học viên tham dự lớp học Nghị quyết đều là cán bộ khoa học trong quân đội nên ông còn nhấn mạnh: “Tôi là một nhà khoa học nên tôi mong muốn, khi học Nghị quyết chúng ta cùng nhau trao đổi và tôi sẵn sàng tranh luận, chứng minh với các đồng chí về mặt khoa học, về mặt học thuật được nêu ra tại Nghị quyết này. Có thể nói, đằng sau mỗi một câu, mỗi một chữ trong Nghị quyết là cả một tập tài liệu dày với tất cả những căn cứ lý luận khoa học và thực tiễn, với tất cả những số liệu tin cậy để chứng minh”.

Cho đến nay, những nội dung cơ bản của Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS-KHHGĐ”, đặc biệt là 5 quan điểm được nêu ra trong Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị. Tiếp thu và nhớ lại những lời dạy của ông từ khi đó, vào năm 2003 - 2004, khi được giao làm Tổ trưởng Tổ thư ký xây dựng Nghị quyết số 46-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”, tôi đã ý thức rất rõ về trách nhiệm của mình khi biên tập cần phải tiếp thu, chắt lọc những ý kiến, những ý tưởng tinh túy nhất để Nghị quyết vừa đảm bảo tính khoa học nghiêm túc, vừa phải mang tính thực tiễn rất cao.

Cái “tâm” và cái “tầm” của người cán bộ làm công tác Dân số

Năm 1999, tôi có dịp được gặp ông tại Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) về “Chính sách DS - KHHGĐ”. Tôi được chứng kiến nét mặt ông hồ hởi, phấn khởi, ánh mắt ông bừng lên khi gặp lại những người làm công tác DS-KHHGĐ ở cơ sở.

Vào năm đó, Việt Nam được nhận giải thưởng về Dân số của Liên Hợp Quốc, ông có nói rằng, “chính những người này mới là tác giả chính về những thành công của công tác DS-KHHGĐ”. Sau này, khi được học về lý luận công tác truyền thông, muốn thay đổi được hành vi của mỗi con người, truyền thông trực tiếp (hay còn gọi là truyền thông miệng - miệng) có vai trò cực kỳ quan trọng, tôi lại càng khâm phục sự nhìn xa trông rộng của ông. Trong những năm qua, đội ngũ cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số do ông gây dựng nên đã có những đóng góp hết sức quan trọng vào thành công của công tác DS-KHHGĐ. Họ là những người đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng, đưa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, trong đó có chính sách về DS-KHHGĐ tới tận từng hộ gia đình và từng cá nhân, họ là những người đã kiên trì tuyên truyền vận động, thuyết phục từng cặp vợ chồng và cá nhân, phân phát các phương tiện tránh thai phi lâm sàng tới tận người dân. Bên lề Hội nghị đó, ông còn tâm sự về cái “tâm” và cái “tầm” của người cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ.

Năm 2008, thực hiện chủ trương cải cách hành chính, Ủy ban Dân số, Gia đình, Trẻ em giải thể, lĩnh vực DS-KHHGĐ được chuyển giao về ngành Y tế. Không ít các địa phương, đơn vị đã hiểu lầm chủ trương đó mà coi việc “giải thể” này như là Nhà nước đã “giải tán” công tác DS-KHHGĐ. Nhiều người dân cho rằng, từ nay được “đẻ thoải mái”. Là một người luôn theo dõi sát tình hình thời sự và đặc biệt là những diễn biến của ngành, khi gặp ông, tôi đọc được tâm trạng của ông như có “lửa đốt” ở trong lòng. Ông thương anh em ở trong ngành đang gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ông khắc khoải về một hệ thống tổ chức đang đứng trước nguy cơ có thể bị tan vỡ. Ông lo lắng về những hệ lụy có thể xảy ra nếu như các địa phương, cơ sở buông lơi công tác này.

Thế rồi, mọi việc đã trở lại đúng quỹ đạo của nó. Đảng và Nhà nước ta đã rất quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ. Những suy nghĩ không đúng đã được “chấn chỉnh” kịp thời. Những việc làm chưa đúng đã được khắc phục. Con tàu Dân số đã nhanh chóng trở lại đúng đường ray của mình, “tăng ga” tiến về phía trước, bù lại những gì làm chưa tốt trong một vài năm vừa qua.

Mấy năm gần đây, do bị di chứng của tai biến mạch máu não nên GS Mai Kỷ phải đi lại bằng xe lăn. Nhưng bù lại, ông vẫn hết sức minh mẫn, có một trí nhớ tuyệt vời và thần sắc thật là đẹp, thậm chí trông ông còn trẻ hơn so với tuổi. Ông cứ nói vui với chúng tôi rằng: “Người ngoài nhìn tôi không ngồi trên xe lăn thì họ dễ bị nhầm”. Nhân kỷ niệm Ngày Dân số Thế giới (11/7/2009), Tổng cục DS-KHHGĐ mời ông tới dự. Mới đầu, ông đã từ chối bởi ông không muốn xuất hiện trước đông người. Nhưng sau khi được biết nhân dịp này, ngành Dân số có tổ chức Hội nghị biểu dương cán bộ dân số cơ sở tiêu biểu, hầu hết những người tham dự đều là cán bộ dân số ở cơ sở, ông đã vui vẻ nhận lời. Bởi ông muốn được gặp lại họ, những người đã kề vai sát cánh với ông, những người đã cùng chia ngọt, sẻ bùi với ông từ những ngày đầu còn rất nhiều gian khó. Ông quý họ, yêu thương họ và họ cũng vô cùng yêu quý, kính trọng ông, cảm phục ông bởi vì ông thực sự là người Thầy, người Bác, người Chú của họ, là người Anh cả của ngành Dân số.

Một nhân cách lớn

Năm 2010, khi nhận được tin GS Mai Kỷ được Chủ tịch nước ký Quyết định trao tặng Huân chương Độc lập hạng Nhất, tôi mừng vui khôn xiết như chính mình và ngành Dân số được nhận phần thưởng cao quý. Tôi sung sướng gọi điện báo tin để ông biết và xin ý kiến ông về việc chuẩn bị Lễ đón nhận Huân chương. Ông nói rằng: “Đây là phần thưởng cao quý mà Chủ tịch nước ký Quyết định nhưng công lao là của anh em trong ngành Dân số tạo dựng nên, mà tôi là người đứng đầu khi đó nên được trao tặng. Chính toàn thể cán bộ trong ngành Dân số đã trao tặng cho tôi Huân chương này” – ôi, một Nhân cách lớn, trái tim một Con Người - khi công sức của mình được Đảng và Nhà nước ghi nhận vẫn khiêm nhường cho đó là thành quả chung của mọi người, trân trọng những gì mà cấp dưới đã cống hiến, giúp mình hoàn thành nhiệm vụ, một người lúc nào cũng đau đáu với nỗi lo toan cho sự nghiệp dân số còn nhiều bộn bề, lúc nào cũng suy nghĩ tới đồng nghiệp, tới những thế hệ kế tiếp để làm sao viết tiếp những trang sử mới cho ngành Dân số mà ông đã dày công kiến tạo từ thuở ban đầu. Tôi thực sự xúc động khi được nghe ông nói những lời này. Quả thật khi đó, tôi chỉ mong rằng, giá như đang được ở bên ông, tôi sẽ ôm lấy ông và nói những lời cảm ơn tự đáy lòng mình. Tôi như được ông “truyền lửa” cho và tôi mong muốn toàn thể những người làm công tác dân số hãy nhận và tiếp sức “ngọn lửa” mà ông đã trao cho.

GS Mai Kỷ là tấm gương để cho thế hệ chúng tôi được tiếp tục học tập ông không chỉ về kiến thức mà còn về phương pháp tư duy, về bản lĩnh vượt qua mọi thử thách và đặc biệt là những bài học rất thực tiễn, rất “đời” về cái “tâm”, cái “tầm” cần có của người cán bộ làm công tác Dân số.

“GS Mai Kỷ nói rằng “viết Nghị quyết là rất khó, bởi vì phải viết làm sao thật súc tích, ngắn gọn, dễ hiểu, nhất là Nghị quyết về DS-KHHGĐ càng đòi hỏi cao hơn. Đây cũng là lần đầu tiên Đảng ta ban hành một Nghị quyết chuyên đề về lĩnh vực này, do vậy lại càng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng”.

TS Dương Quốc Trọng

* Các tít phụ trong bài viết do Tòa soạn đặt.

TS Dương Quốc Trọng - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục DS - KHHGĐ

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Câu hỏi thường gặp cho người bị rong kinh

Dân số và phát triển - 22 giờ trước

Rong kinh là tình trạng chảy máu kinh nhiều hơn bình thường về lượng hoặc thời gian. Để chẩn đoán chính xác do nguyên nhân nào cần đi khám để được điều trị phù hợp.

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Căng thẳng có ảnh hưởng đến khả năng rụng trứng ở chị em?

Dân số và phát triển - 1 ngày trước

Một trong những nguyên nhân làm chu kỳ kinh nguyệt thay đổi, không đều, kéo dài, chậm rụng trứng là do căng thẳng (stress). Vậy chúng ta hãy xem điều này xảy ra như thế nào?

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

3 giai đoạn của bệnh nhân sa sút trí tuệ người thân cần biết để chăm sóc

Dân số và phát triển - 2 ngày trước

Sa sút trí tuệ là khi bạn dần mất đi các chức năng thần kinh do các bệnh ảnh hưởng tới não bộ. Chứng bệnh này sẽ phát triển theo 3 giai đoạn tệ dần.

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Các thuốc điều trị nhiễm độc thai nghén

Dân số và phát triển - 3 ngày trước

Nhiễm độc thai nghén có thể xuất hiện vào 3 tháng đầu hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ. Nếu không được điều trị, nhiễm độc thai nghén có thể dẫn tới sảy thai, sinh non, sản giật. Những đứa trẻ được sinh ra từ người mẹ bị nhiễm độc thai nghén thường nhẹ cân, chậm phát triển so với tuổi thai và suy thai.

Thuốc điều trị bệnh lậu

Thuốc điều trị bệnh lậu

Dân số và phát triển - 4 ngày trước

Bệnh lậu có thể điều trị được bằng thuốc kháng sinh. Tuy nhiên hiện nay, tình trạng lậu kháng thuốc ngày càng tăng. Do đó cần điều trị theo kháng sinh đồ. Sau khi hết đợt điều trị mà vẫn còn triệu chứng, bệnh nên đến gặp bác sĩ.

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Nắng nóng mùa hè làm tăng những nguy cơ sức khỏe gì với mẹ bầu?

Dân số và phát triển - 6 ngày trước

Thời tiết mùa hè nóng bức ảnh hưởng nhiều đến phụ nữ mang thai. Quá nóng khi mang thai có thể gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe của mẹ bầu và thai nhi.

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

8 mẹo duy trì sức khỏe âm đạo trong mùa nóng

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Duy trì sức khỏe âm đạo là một phần không thể thiếu để có sức khỏe tổng thể và việc thích ứng với những thay đổi theo mùa có thể giúp ngăn ngừa các vấn đề tiềm ẩn.

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Chế độ ăn cho người rối loạn nội tiết tố

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Nếu thường xuyên cảm thấy chướng bụng, nôn nao, mệt mỏi, dễ xúc động hoặc đang quá phụ thuộc vào caffeine hay đường, có thể là do rối loạn nội tiết tố. Tham khảo cách cải thiện bằng chế độ ăn uống.

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Nỗ lực nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

GĐXH - Ngành Y tế Quảng Bình đang tập trung triển khai các hoạt động nhằm cải thiện sức khỏe cho đồng bào, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em...

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Nam giới có cần vệ sinh vùng kín hàng ngày?

Dân số và phát triển - 1 tuần trước

Việc vệ sinh vùng kín của nam giới hàng ngày là điều cần thiết. Nhưng vệ sinh vùng kín cho nam đúng cách thế nào không hẳn ai cũng biết.

Top