Đây cũng là thời kỳ thịnh hành của hàng loạt các cuốn sách về “thuật phòng trung” nổi tiếng được lưu truyền tới ngày nay, trong đó nổi tiếng nhất phải kể đến là “Tố Nữ kinh”. So với “Kama Sutra” - pho kinh điển về nghệ thuật “yêu” của người Ấn Độ thì “Tố Nữ kinh” được cho là vượt trội hơn bởi tính khoa học và cụ thể.
Đề cao vai trò của tình dục
“Tố Nữ kinh” được sáng tác dưới dạng hỏi đáp, dựa trên câu chuyện lưu truyền về một Hoàng Đế nước Trung Quốc sống cách đây khoảng 4.600 năm. Ông có ba nữ cố vấn tình dục là Tố nữ, Huyền nữ và Thái nữ, luôn kề cận bên mình để trả lời mọi “thắc mắc biết hỏi ai” của nhà vua. Ngoài ra, nhà vua còn có một danh y giúp chăm sóc sức khoẻ tên là Bành Tổ; tương truyền, chỉ riêng tuổi thọ 800 năm của danh y này cũng đủ trở thành một đảm bảo tuyệt vời khiến nhà vua yên tâm mà thể hiện “quyền lực” hàng đêm trong cung cấm. Sự hấp dẫn và đi sâu vào điểm yếu ở nam giới của “Tố Nữ kinh” đã khiến cho các vua chúa và giới công hầu trong xã hội Trung Quốc coi đó như “gia bảo” thuộc thành phần giai cấp của họ. Mặt khác, theo quan niệm thời đó, những gì đề cập đến trong tác phẩm này là “tà dâm”, làm bại hoại xã hội, cho nên “Tố Nữ kinh” bị ém nhẹm trong chốn cung đình hay giới quý tộc trong suốt hơn 2.000 năm. Mãi đến năm 225, dưới thời nhà Hán, sách này mới được phổ biến tương đối rộng rãi trong tam cung lục viện và sau đó đi dần vào cuộc sống đời thường. Tác phẩm này chủ yếu ghi lại những câu hỏi của nhà vua và lời giải đáp của nàng Tố Nữ về tất cả những thắc mắc liên quan đến tình dục, gạn lọc đi những yếu tố không phù hợp, nó vẫn còn có giá trị nhất định trong xã hội đương thời.
Trong “Tố Nữ kinh”, tình dục được coi như một môn học có vai trò quan trọng trong việc điều tiết cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống. Theo đó, nếu biết “thuật phòng trung” thì càng quan hệ “chăn gối” nhiều, người ta càng khỏe mạnh, trường thọ. Chẳng hạn như khi Tố Nữ thay mặt Hoàng đế đến tìm Bành Tổ hỏi về đạo giao hợp để giữ được thân thể tinh tráng, Bành Tổ đáp rằng: “Hiện trong cung có nhiều phi thiếp, chỉ cần Hoàng đế thấu hiểu đạo lý giao hợp là đã nắm được phương pháp dưỡng sinh rồi. Nguyên tắc là “đa dữ niên thanh nữ giao hợp, tịnh thả lũ giao bất tiết” nghĩa là “quan hệ” với nhiều cô gái trẻ trung nhưng tiết giảm sự xuất tinh khí. Tiết giảm được xuất tinh khí thì thân thể sẽ được nhẹ nhàng dễ chịu, không bệnh tật nào có thể sinh ra được”. Bành Tổ chú trọng tâm lý trị liệu. Vua nhiều việc nên mệt mỏi, Bành Tổ khuyên vua nên về hậu cung vui cùng cung nữ để quên bớt những chuyện lo âu về quốc sự vốn làm cho con người dễ sút giảm sinh lực. Các chuyên gia tình dục ngày nay cũng khuyên các cặp vợ chồng nên tạo thanh xuân cho nhau trong việc “chăn gối”. Hai bên nên vui vẻ giao tình để cùng nhau thấy như mới, như trẻ. Người chồng vui vẻ trong sự gợi xúc cảm, người vợ chải chuốt trang điểm, tạo thêm vẻ thanh xuân cho chính mình và cho chuyện “yêu”.
Thực tế cho thấy, hiện nay nhiều cặp vợ chồng lâm vào tình trạng “càng xa đêm tân hôn hào hứng thì càng có sút giảm trong niềm thích thú gối chăn”. Sự quen thuộc là một yếu tố tạo nên tình trạng miễn cưỡng. Chúng ta tránh điều tệ hại này bằng cách hợp tác với nhau, làm như mới, đối với nhau như mới gặp lần đầu thì sự vui vẻ mới lâu dài trong cuộc sống vợ chồng được. Nhìn lại câu nói của Bành Tổ bằng con mắt của người hiện đại, ta thấy, ông khuyên nếu muốn hưởng hạnh phúc đời đời thì phải tạo cho có được một tinh thần vui vẻ (bớt lo lắng), một thân thể khỏe khoắn (ít xuất tinh khí). Ngày nay, con người phải sống trong một xã hội bận rộn, tâm lý dễ bị xáo trộn, phiền muộn, bất an từ đó dễ sinh ra nhiều bệnh tật. “Tố Nữ kinh” khuyên chúng ta nên tìm tới tình dục như một liệu pháp để làm tinh thần thoải mái, sức khỏe sung mãn và cuộc sống hạnh phúc. Điều này cho thấy, vấn đề tình dục đã được người xưa nghiên cứu một cách khoa học từ cách đây hàng ngàn năm.
Coi trọng yếu tố tâm lý
Nếu “Kama Sutra” chú trọng đến tư thế ái ân để mang lại sự thoả mãn toàn diện, thì “Tố Nữ kinh” đề cập tới tất cả những yếu tố để làm nên một cuộc “giao ban” hoàn hảo như thời gian, địa điểm, tư thế, kiêng kị, thuốc hỗ trợ… “Tố Nữ kinh” đặt nặng vấn đề tâm lý, trong khi quan hệ “ái ân” nên chú trọng đến sự ổn định thân tâm, tâm cảnh bình hòa. Theo đó, tâm lý chiếm phần lớn trong các điều kiện để có một cuộc “giao ban” hoàn hảo: “Tâm tình an định/ Ý khí hòa hài/ Tình tự ổn định/ Thân tâm nhất chí/ Y thử dưỡng sinh/ Không nóng quá, lạnh quá/ Không no quá, đói quá/ Tâm tư quang minh, hành vi rõ ràng/ Tính tình tự nhiên, thần thái ung dung”. An định, hài hòa, ổn định, tự nhiên, thung dung có nghĩa là không vội vàng, hấp tấp trong chuyện “gối chăn”. Bắt đầu từ “màn khởi động” kỹ càng rồi tiến vào “trận chiến” khi “binh lực” đã sẵn sàng. Trạng thái thong dong, tự tin này giúp nữ giới dễ dàng đạt khoái cảm còn nam giới thì tránh được tình trạng “khóc ngoài biên ải”. Sách vở của người Do Thái cũng có nói về chuyện đưa đến hứng thú “gối chăn” như sau: “Nếu vợ chồng “tương thân, tương ái” thì dẫu cho giường chật, ngủ cũng thoải mái, vui thú. Nếu phu phụ bất hòa, dẫu cho giường rộng bao la vẫn thấy chật hẹp, tù túng”. Điều này chủ yếu nhắc nhở nam nữ trong đời sống vợ chồng cần tạo nên sự thoải mái, hòa thuận, vui vẻ. Khi tinh thần hưng phấn, ắt có cảm hứng “ái ân”.
Ngoài ra, theo “Tố Nữ kinh” thì để cuộc “giao ban” đạt chất lượng cần thêm ba yếu tố: “Phản ứng của trung khu thần kinh/ Kích thích của ngoại giới/ Kỹ thật của tính giao”; tức là sự tập trung tinh thần, những kích thích bên ngoài và các kỹ thuật “ân ái”. Ba yếu tố trên liên quan mật thiết với nhau nhưng hai yếu tố sau được cho là phụ thuộc vào người nam nhiều hơn. Các nhà tâm lý học sau này cũng đã chứng minh rằng, đối với phụ nữ, hoàn cảnh, không khí “giao ban” được coi là quan trọng nhất. Trong khi nam giới chỉ cần tưởng tượng đã có thể có được cảm hứng “ái ân” thì nữ nhân lại không như vậy. Họ cần phải có những yếu tố hiện thực mới có thể “rung cảm”, phải có mắt thấy, tai nghe, vị giác, xúc giác… thì mới sẵn sàng “lâm trận”. Bên cạnh đó, ngoại giới có thể kích thích hưng phấn nhưng cũng có thể làm tiêu hao hứng khởi. Nữ giới rất dễ bị ngoại cảnh làm nguội lạnh chuyện tình ái. Ví dụ như hầu hết nữ nhân không thích “yêu” khi có ánh đèn sáng, trong khi đó nam giới lại muốn mở đèn để ngắm nhìn cơ thể bạn tình, kích thích cảm xúc. Đàn ông cũng khác phụ nữ ở điểm này, sau khi bị “phá đám”, họ vẫn có thể tiếp tục như thường, còn phụ nữ một khi đã tiêu tan cảm xúc thì không còn hứng thú để làm lại nữa. Bởi vậy, trước và trong khi “yêu”, nam giới phải nhớ đến các yếu tố này thì mới mong chinh phục được đối phương.
Vọng Xưa
Kỳ tới: “Thuật bế tinh” dưới góc nhìn của y học hiện đại