Những dáng bếp qua đời ta
GiadinhNet - Phải đến một độ tuổi nào đó, người ta mới nhận ra cái bếp có dáng vóc của nó. Tôi gọi đó là dáng bếp. Khi bếp chưa thành dáng trong ta, thì bếp chỉ là nơi cho ta tìm đồ ăn, cho ta cảm giác ấm cúng, cảm giác sum vầy, thế thôi. Khi nhận ra dáng bếp và suy ngẫm về điều ấy, thì dường như là ta đã trưởng thành, đã là một con người với đầy đủ những phẩm chất trọn vẹn và đã bắt đầu có ý thức về sự tiếp nối…
Tranh: William Gropper
Năm tôi chừng 17 tuổi, bắt đầu biết đến chuyện đi tìm bạn gái. Hồi đó mới ra khỏi rừng chưa lâu, đã thi đỗ đại học, đang chờ nhập trường. Nhớ đến cô bé lon ton ở xóm cũ thời sơ tán, lại rảnh rỗi, tôi rủ một thằng bạn đạp xe hơn chục cây số đường rừng về thăm. Gặp thì thấy em đã lớn vổng lên, nhà vẫn ở nơi cũ. Em vừa đậu cấp 3, nghe đâu sắp tới cũng theo ra ở cùng ông bố ngoài thị xã, để đi học tiếp.
Cô bé đang ngồi chơi với đàn em lít nhít. Thấy tôi đến bất ngờ, mắt em sáng tươi, má hồng dựng dậy. Em vụt đứng lên, rồi lại ngồi thụp xuống, lí nhí thốt lên lời chào. Hai thằng con trai mới lớn cũng đứng đực ra, không biết làm gì. Rồi em gái lại đứng lên, đi nhanh xuống bếp, mãi chả thấy lên... Chờ một lúc, tôi đi tìm. Em đang ngồi chụm củi thổi lửa đun ấm nước, cái dáng con gái tơ non mà tận tụy. Chắc em hay phải đun nước thế này khi nhà có khách. Ánh lửa bếp bập bùng. Mái tóc em xõa nhẹ, mấy đuôi tóc mai dính vào bên má, má em càng hồng dựng lên bởi ánh lửa loang loáng… Từ hình ảnh ấy, tôi bắt đầu nghĩ đến dáng bếp. Đó là không gian của bếp có thêm dáng người phụ nữ làm chủ, hợp lại mà thành…
Dáng bà lui cui trong bếp rơm ngày đông giá
Bà nội tôi người nhỏ nhắn, lưng ong thon thon, quần thâm áo nâu, chít khăn đen mỏ quạ, răng dày hạt na, lại hay nhai trầu, nước trầu tươi lan cả ra khóe môi nhăn nhăn rẻ quạt. Tôi là đích tôn, được bà chăm bẵm bú mớm từ nhỏ, đêm đêm ôm bà, nằm nghe bà kể chuyện cổ tích rồi xoa lưng cho ngủ.
Tôi thấy bà tôi lúc nào cũng luôn tay luôn chân, lúc nào cũng có việc để làm… Nhưng nhớ nhất là dáng bà ngồi ở bếp. Cái thời mọi nhà trong làng tôi ở quê Thái Bình chỉ đun nấu bằng rơm rạ. Bà luôn luôn phải cúi người, tay cầm ổng thổi, lúc thổi lửa, lúc lùa rơm rạ cho bếp giữ lửa đều dưới nồi cơm đặt trên kiềng đang sôi lục bục… Sát trưa mùa đông lạnh lẽo, dễ đói sớm, tôi đi đâu đó về, chạy vào ôm lấy lưng bà làm nũng: "Bà ơi, cháu đói lắm rồi". Bà ngồi thẳng dậy nhìn tôi, gắt yêu: "Cha bố nhà anh, chỉ được tông giống cái nỗi háu đói". Bà mở vung nồi, bảo: "Cơm cạn đây rồi, đợi tí là xơi được thôi". Rồi bà gạt rơm ra bên cạnh, vùi cả nồi cơm dưới đám than rơm hồng đượm, phủ cả lên lấp kín vung nồi. Xong là bà nhanh tay bắc chiếc chảo lên kiềng bếp để thoăn thoắt tráng trứng, xào rau…
Căn bếp của bà nội tôi ở dưới nhà ngang luôn ám đầy khói và bồ hóng. Cái thế giới ấy lộn xộn, chủ đạo là màu đen và xám. Cái kiềng đen, ba ông đồ rau bằng đất cũng đen, cả những nồi xoong cũng đen từ đít nồi cho đến cả cái vung nồi… Nhưng những bữa cơm từ tay bà nội sửa soạn lại vẫn trắng tinh, thơm dẻo cùng bao nhiêu món ăn làng quê, có đủ đầy màu sắc sinh động, đã đi suốt tuổi thơ tôi.
Bếp hồng củi rừng của mẹ nơi chân núi
Lớn lên một chút, tôi theo cha mẹ lên công tác ở Tây Bắc. Lên đấy một thời gian, thì bố mẹ tôi cũng về quê đón ông bà nội lên theo. Lại đúng đận máy bay Mỹ ném bom mở rộng toàn miền Bắc. Cả nhà tôi sơ tán, rời từ thị xã vào tuốt trong bản Thái, dựng nhà ngay chân núi, trước cửa một hang đá to. Làm thế để phòng xa, máy bay Mỹ có ném bom tới thì chạy vào trong hang, tuyệt đối an toàn. Ông bà nội tôi vừa lên ở thị xã mới được mấy hôm, thì đi sơ tán.
Lại buổi chiều mùa đông, lạnh giá từ trong hang núi tỏa ra. Bà nội ngồi với tôi ở cửa hang sưởi nắng. Bà thốt lên: "Cha bố nhà anh, vì cây dây quấn, tôi phải đi theo anh, ai ngờ chạy tít vào rừng xanh núi đỏ như thế này. Biết bao giờ mới được trở về quê cũ?".
Tôi dõi mắt nhìn ra phía cánh đồng trải dài dẫn lên chân núi. Kia rồi. Tôi đã nhận ra bóng mẹ tôi đang về nhà khi mẹ vừa xuất hiện nhỏ tí trên con đường mòn từ xa xa. Đến gần thì thấy mẹ xách một xâu cá suối nhỏ, có cả một cái hoa chuối rừng đỏ khé mới xin được ở đâu đó nữa. Về tới nơi, mẹ hối hả làm cơm chiều. Kê bếp nấu là mấy hòn đá xanh nhỏ. Củi rừng chụm vào, lửa hồng cháy lên, tiếng lách tách của bếp lửa cháy vang lên xua đi những vạt hơi ngùn ngụt tỏa ra từ đá núi lạnh lẽo. Lửa cháy rồi, mẹ ngồi thẳng dậy, thư thái vén mớ tóc dài rối tung vì gió rừng để cặp lại... Chỉ một loáng sau, cơm nóng, canh cá suối nấu hoa chuối rừng được dọn ra trên sàn nhà đúng lúc cơn đói đã ngấu lắm trong gió bấc ào ạt thổi về…
Từ cái bếp dầu trong căn hộ tập thể…
Học xong đại học, tôi xin việc làm, ở lại thành phố. Rồi lấy vợ, sinh con. Sống với nhau từ thời bao cấp gian khó, thiếu thốn, đến giờ đã ba mươi mấy năm. Đời sống dần dần được cải thiện, đủ đầy cũng theo lên. Nhà cũ từ cái chái, rồi mở ra như căn hộ tập thể trên tầng hai, rồi đến nhà riêng xây trên đất mua theo ý mình.
Đời sống đi lên kéo theo căn bếp mà vợ tôi làm chủ cũng thay đổi theo rất nhiều. Ngẫm nghĩ, thì thấy mấy chục năm qua, căn bếp của chúng ta đã thay đổi liên tục và nhanh chóng, chứ không như trước đây.
Cái bếp rơm rạ của bà nội tôi hẳn đã có lịch sử tồn tại hàng ngàn năm. Cái bếp củi lửa rừng của mẹ tôi, là giống như cái bếp của người dân ở miền núi, hẳn cũng đã tồn tại đến từng ấy thời gian.
Tôi nghiên cứu văn hóa của người Thái, thấy khi người ta dựng nhà lên là có ngay khoang bếp ở giữa sàn. Lửa nhóm lên và được duy trì liên tục, lúc là than gộc ủ trong tro, lúc bùng lên reo vui dưới đáy ninh đồng, dưới chảo, dưới xoong nồi. Cứ thế cho đến lúc ngôi nhà trở nên cũ nát, phải bỏ đi để dựng nhà mới, thì lửa bếp mới tắt đi. Ngôi nhà mới dựng lên, lại có bếp mới và nhóm lên lửa mới, lại được giữ mãi như nếp cũ, như thế đã nhiều đời người trôi qua.
Bây giờ thì đã khác. Nhà người Thái, người Mường ở gần cận thành phố như Hòa Bình, Sơn La, vẫn là nhà sàn, bằng gỗ hay đổ xi măng. Và cái bếp giữ lửa cũ không còn nữa, mà thay vào bằng bếp gas, bếp điện như người Kinh ở dưới xuôi rồi. Những bếp giữ lửa cháy lên bằng củi rừng nằm giữa sàn nhà, có lẽ chỉ đi vào tận những bản xa mới thấy.
Nhưng thay đổi ghê gớm nhất, là căn bếp do người phụ nữ ở thành phố làm chủ. Thập kỷ 70 của thế kỷ trước, đấy là bếp củi, bếp than cục, sang những năm 80, là bếp than tổ ong, rồi bếp dầu, bếp điện đốt bằng dây may so. Tiếp đó là chuyển sang bếp điện hiện đại, rồi bếp gas. Bây giờ thì là bếp hồng ngoại, bếp từ… Chả biết sắp tới, có thể là một loại bếp gì bất ngờ hơn nữa. Công cuộc hiện đại hóa, tiện nghi hóa cái bếp của con người ta trong mấy thập kỷ gần đây, cũng chả kém gì cái tốc độ vũ bão phát minh ra điện thoại di động, rồi đến iphon, ipad, note book vậy.
Cái dáng bếp của thời vợ tôi là cái dáng đứng thư nhàn trong nấu nướng với khung cảnh căn bếp sáng choang và sạch sẽ.
Nàng dâu order và căn bếp 4.0
Khi con trai tôi đưa cô bạn gái về giới thiệu, cả nhà thích lắm. Hai đứa đều học thức, đã từng đi học ở nước ngoài về, hình thức đều đẹp đẽ, gia cảnh lại giống nhau, không còn gì lăn tăn cả. Làm bữa cơm đầu tiên ăn cùng hai đứa. Con bé nhiệt tình, xăm xắn cùng làm. Nhưng nó chỉ nhặt được rau, xếp bát đũa ra mâm, ăn xong thì nhanh tay dọn dẹp và đứng vào bồn rửa bát. Vợ tôi thì thào: "Con Xuân Anh hình như không biết nấu bếp, làm món ăn, anh ạ". Tôi ngạc nhiên: "Thôi chết, nó về làm dâu trưởng nhà này, như thế thì sao được nhỉ?". Vợ tôi bảo: "Em chỉ lo nó không chiều anh ăn uống được thôi, anh khó tính lắm chứ có như người ta đâu. Còn em thì chả sao, nấu gì ăn đấy". Tôi cười: "Nó sống với con trai mình, chứ có sống với mình đâu. Không biết nấu ăn ngon thì ăn thường, miễn hạnh phúc là được". Vợ tôi cười, gật gật đầu.
Nàng dâu cả của nhà tôi đúng là loại "nàng dâu order", khoản nội trợ y như cái cô cháu dâu trong bộ phim cùng tên ấy. Hai vợ chồng nó sống cùng chúng tôi một thời gian, sinh thằng con trai. Ăn cơm chung, nó nhiệt tình sắp dọn và kết thúc bằng việc pha trà, dọn đồ tráng miệng và rửa bát đĩa, còn việc nấu nướng thì tuyệt không động tay vào. Khi vợ chồng tôi bận, thì chồng nó nấu, chồng nó lười thì nó gọi điện, order rất nhanh, mọi món đến ngay. Tôi đùa: "Cứ đặt ăn qua điện thoại mãi thế này hả con?". Nó nhỏn nhoẻn: "Ổn lắm bố ạ, kể cả bố thích món thịt chó, con cũng gọi được ngay về cho bố uống rượu". Tôi cười khà khà…
Mới đây, vợ chồng con trai tôi dọn ra ở riêng trong một căn hộ chung cư cao cấp. Một thời gian, nó mời chúng tôi với chú em chồng săng ăn cơm tối cuối tuần. Ngạc nhiên chưa! Căn bếp của nó hiện đại, sáng bóng, ngoài bếp từ giống nhà tôi, còn là bao thứ thiết bị lạ lẫm, tôi nghe giới thiệu mà choáng cả tai. Nào nồi chiên không dầu, xửng hấp tổng hợp, nồi hầm thịt, nồi nấu cháo, lò nướng nhiều chế độ, máy hấp bát đĩa, máy làm sữa chua… Cô con dâu thư thái đứng bếp, vừa điều chỉnh gì đó, vừa lướt mạng bằng Iphone xịn trên tay.
Cơm rượu được dọn ra, lại toàn món tôi thích: Thịt lợn ba chỉ nướng mật ong, thịt thăn bò xào, thịt gà hấp lá chanh… Lại có cả ngô tươi luộc, khoai lang nướng kiểu truyền thống và nhiều nhiều thứ nữa. Nhìn mâm bày đã thích mắt, màu sắc tươi vui, mùi thơm vấn vít, ăn thì vừa tới độ, vừa miệng mọi gia vị tẩm ướp.
Tôi hỏi, ngập ngừng: "Các món này con đều order hay là…". Con dâu trả lời: "Con tự làm cả đấy ạ!". "Ơ, trước đây con không biết nấu ăn cơ mà?". "Giờ con là chủ bếp, thì phải ra tay chứ ạ!". "Thế học ở đâu, lúc nào?". "Ở trên mạng có hết bố ơi. Với cả các loại thiết bị nhà bếp loại mới này, người ta thiết kế chuẩn chỉ và an toàn lắm, nấu ăn nhàn nhã như không mà".
Sau bữa ăn ấy, vợ tôi quyết định mua ngay thêm một số thiết bị nhà bếp kiểu mới, nấu thử một số món ăn theo kiểu mới với sự hướng dẫn của cô con dâu. Cái cô con dâu tưởng chả biết nấu ăn ngày đầu về nhà mình ở chung. Bây giờ, tôi cứ mong nhanh đến cuối tuần để sang chén cơm rượu do cô con dâu sửa soạn.
Có lần, tôi nhắc lại băn khoăn hồi trước, vợ liền bảo: "Từ đầu em đã chả lo gì chuyện con dâu mình chưa biết nấu ăn. Cơ bản là chúng nó thông minh, có học thức, khi cần ra tay việc gì, thì sẽ nghiên cứu và sẽ tìm ra cách thức thực hiện được cả. Nấu ăn cũng thế thôi. Mà càng ngày người ta càng nghiên cứu, sản xuất ra các thiết bị cho căn bếp mới hiện đại hơn về mọi mặt để đảm bảo sức khỏe, để giúp cho người chủ bếp tự do hơn, sáng tạo hơn, lãng mạn hơn".
*
Vợ tôi nói thật chí lý. Ngẫm lại đời mình, thấy bao nhiêu dáng bếp đã đi qua. Dáng cúi của bà, dáng ngồi của mẹ, dáng đứng của vợ, và bây giờ là dáng thư nhàn thanh thản của những phụ nữ thời hiện đại. Sự tiến hóa của những dáng bếp ấy chính là hành trình một câu chuyện lịch sử, văn hóa và khoa học, đầy nhân bản.
Nguyễn Thành Phong
5 cung hoàng đạo nhạy cảm hơn người, trực giác siêu nhạy bén, dễ dàng đoán trước nhiều việc
Gia đình - 32 phút trướcGĐXH - Sở hữu trực giác mạnh mẽ, 5 cung hoàng đạo này có thể "đọc vị" bất kỳ ai, đoán đúng nhiều chuyện sắp xảy ra.
7 bí mật của con thường bị cha mẹ EQ thấp tiết lộ với người ngoài khiến chúng tổn thương
Nuôi dạy con - 1 giờ trướcGĐXH - Việc nói chuyện không kiểm soát, tiết lộ thông tin riêng tư của con cái đôi khi sẽ gây ra rắc rối lớn cho cả bạn và con cái bạn.
"Bừng tỉnh" sau cuộc xung đột với chồng, vợ biết chăm chút cho bản thân nhiều hơn
Chuyện vợ chồng - 3 giờ trướcỞ tuổi 50, chị Bùi Thị Minh Hiền (Quảng Nam) được nhiều người khen “còn đẹp hơn hồi 40”. Trước những lời “có cánh” của bạn bè, chị Hiền thấy lâng lâng.
5 kiểu trẻ em khiến cha mẹ 'phát điên' nhưng lớn lên lại dễ thành công hơn bạn bè cùng trang lứa
Nuôi dạy con - 4 giờ trướcGĐXH - Thực tế, có những khuyết điểm ở trẻ không thực sự là khuyết điểm mà lại là dấu hiệu cho thấy trẻ rất có triển vọng trong tương lai.
Chồng qua đời để lại sổ tiết kiệm 6 tỷ đồng, vợ đi rút tiền thì ngân hàng thông báo: Chị không có quyền nhận tiền!
Chuyện vợ chồng - 16 giờ trướcThông báo của ngân hàng khiến người phụ nữ vô cùng bất ngờ. Trước đó, chị đã cung cấp đủ giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.
Phụ nữ thuộc 4 cung hoàng đạo này sở hữu khí chất, thần thái khó ai bì kịp
Gia đình - 21 giờ trướcGĐXH - Thần thái quyết định phần lớn vẻ đẹp và sức hút của một người. Những cung hoàng đạo có sở hữu thần thái đặc biệt dưới đây có thể khiến cánh mày râu đổ rạp dưới chân mình.
Cưới 15 ngày, vợ nhất quyết không thay quần áo khi ngủ, bắt tắt đèn lúc lại gần: Chồng bí mật tìm hiểu, run lên với điều nhìn thấy
Chuyện vợ chồng - 21 giờ trướcNgày thứ 15 về chung nhà, chồng chuộc say vợ để tìm hiểu sự thất.
Nhìn cách trả lời khi được khen là biết người đó EQ thấp hay cao
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Khi đáp lại một lời khen ngợi, người EQ thấp thường tự cao, kiêu ngạo, còn người EQ cao sẽ thể hiện sự khôn khéo.
Mẹ vợ đột tử khi bắt gặp con rể ngoại tình, chuyện chia tài sản gây phẫn nộ
Gia đình - 1 ngày trướcBắt gặp con rể ngoại tình, mẹ vợ bị đột quỵ và qua đời tại chỗ, điều khiến dân mạng Trung Quốc phẫn nộ sau đó anh ta vẫn được tòa cho thừa kế tài sản của bà.
8 điều hối tiếc nhất đời người, biết sớm để sau này không phải nói 'giá như'
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Chúng ta chỉ có khoảng 4.000 ngày thứ Hai để sống. Dù số ngày thứ Hai nhiều hay ít, bạn nên sống một cuộc sống "không phung phí".
Người EQ đặc biệt thấp rất dễ nhận diện vì họ thường dùng 8 cụm từ này khi giao tiếp
Gia đìnhGĐXH - Chuyên gia tâm lý nổi tiếng chỉ ra một số cách nói mà người EQ thấp thường sử dụng khi giao tiếp.