Sàng lọc trước sinh và sơ sinh tại Hà Nội: Kiểm tra, tư vấn miễn phí ngay tại phường
GiadinhNet - Chiều thứ Ba hàng tuần, Trung tâm DS - KHHGĐ quận Nam Từ Liêm, Hà Nội tấp nập đón tiếp thai phụ tới khám sàng lọc trước sinh. Giờ đây, các thai phụ đã có thể được khám sàng lọc, phát hiện sớm những bất thường hay dị tật thai nhi ngay tại địa bàn quận với các bác sĩ của Trung tâm DS-KHHGĐ.

Mỗi tuần sàng lọc cho 50 thai phụ
Ở tuổi 40, chị Bích Hằng (phường Cầu Diễn) khá lo lắng khi mang thai ở độ tuổi này, bởi theo các bác sĩ chuyên khoa, mẹ trên 35 tuổi thường có nguy cơ thai nhi mắc dị tật bẩm sinh rất lớn. Chính vì vậy, khi thai nhi được 12 tuần tuổi, chị Hằng đã tới Trung tâm DS - KHHGĐ quận Nam Từ Liêm để khám sàng lọc dị tật thai nhi. Trong một lần siêu âm, bác sĩ phát hiện thai nhi có đường kính lưỡng đỉnh (não) nhỏ hơn so với tuổi thai. Chị Hằng và gia đình quyết tâm giữ thai và tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến của thai nhi. Nhờ tư vấn và xử lý kịp thời của các bác sĩ, chị Hằng đã sinh nở thành công với một bé trai kháu khỉnh.
Tại phòng khám của trung tâm chiều thứ Ba tuần trước, chị Nguyễn Thị Quỳnh (SN 1984, phường Xuân Phương) mang thai lần thứ hai đến khám với vẻ mặt căng thẳng. “Hai ngày nay em thấy cháu ít đạp, cơ thể em cũng khá mệt mỏi nên em rất lo, phải đến đây khám ngay”. Chị Quỳnh cho biết đây là con thứ hai, thai nhi đã 8 tháng tuổi. Sau khi thăm khám, BS Nguyễn Thị Thu Thủy – Giám đốc Trung tâm DS - KHHGĐ quận Nam Từ Liêm cho biết, thai phụ có biểu hiện cạn nước ối. Bác sĩ đã tư vấn cho chị Quỳnh cần theo dõi sát cử động của thai nhi, nếu thấy bất thường hoặc thai nhi cử động kém cần đến ngay cơ sở y tế để được cấp cứu kịp thời. Làm việc tại Trung tâm DS-KHHGĐ quận Nam Từ Liêm, đã thăm khám, sàng lọc và tư vấn cho rất nhiều sản phụ, BS Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, có nhiều trường hợp nhờ phát hiện, tư vấn kịp thời đã giúp “mẹ tròn con vuông”, không xảy ra chuyện đáng tiếc.
BS Nguyễn Thị Thu Thủy cũng cho biết, tính từ khi thành lập (tháng 11/2014) đến nay, Trung tâm DS - KHHGĐ quận Nam Từ Liêm đã khám sàng lọc trước sinh miễn phí cho 2.600 lượt phụ nữ có thai, phát hiện hơn 50 trường hợp nghi ngờ dị tật thai nhi như: Độ dày da gáy, nước ối cạn, giãn bể thận hai bên, phổi chưa mở hết, kích thước não nhỏ… để chuyển lên tuyến trên (Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Phụ sản Trung ương…) kiểm tra, theo dõi và điều trị tiếp tục.
Không chỉ ngồi chờ thai phụ đến trung tâm khám vào chiều thứ 3 hàng tuần, các bác sĩ ở trung tâm còn mang trang thiết bị y tế, máy siêu âm đến từng phường trên địa bàn quận, tổ chức khám sàng lọc miễn phí cho các thai phụ. Cộng tác viên dân số, Hội Phụ nữ phường… vận động phụ nữ mang thai tập trung tại Nhà văn hóa phường để khám. Trung bình mỗi buổi khám có khoảng 50 – 70 thai phụ tham gia.
UBND quận hỗ trợ 500 triệu đồng
Ngoài khám sàng lọc trước sinh cho thai phụ, Trung tâm DS - KHHGĐ quận Nam Từ Liêm còn kết hợp với 11 trường mầm non công lập tổ chức sàng lọc khiếm thính cho trẻ dưới 6 tuổi trên địa bàn. Đã có gần 4.000 trẻ dưới 6 tuổi được khám sàng lọc khiếm thính; Phát hiện 39 trẻ có biểu hiện khả năng nghe kém do bệnh viêm tai giữa, do ráy tai nhiều hay do điếc bẩm sinh. Các cháu đã được chuyển lên khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi Trung ương) theo dõi, điều trị tiếp.
BS Nguyễn Xương, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Nhi Trung ương) đánh giá: Việc Trung tâm DS - KHHGĐ các quận, huyện của Hà Nội tổ chức chương trình khám sàng lọc khiếm thính đã giúp phát hiện sớm trẻ có những dị tật hay bệnh tật liên quan đến khả năng nghe của trẻ. “Trẻ mắc bệnh liên quan đến tai mũi họng như bệnh viêm tai giữa chẳng hạn, nếu không điều trị hoặc để quá lâu sẽ ảnh hưởng đến khả năng nghe của trẻ và có thể dẫn đến điếc không phục hồi. Vì vậy, công tác khám sàng lọc khiếm thính rất quan trọng”, BS Nguyễn Xương khuyến cáo.
Thống kê của Tổng cục DS-KHHGĐ (Bộ Y tế) cho biết, mỗi năm, ước tính nước ta có khoảng 1 triệu trẻ em được sinh ra, trong đó khoảng 22.000 - 30.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh. Nếu thai phụ được khám sàng lọc trước sinh kết hợp với sàng lọc sơ sinh sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường để có những đứa trẻ ra đời hoàn toàn khỏe mạnh. Trên thực tế, số thai phụ đến kiểm tra định kỳ thai nhi cao nhưng hầu như bỏ qua thời kỳ sàng lọc, can thiệp và phát hiện sớm đối với các dị tật thai nhi. Để giải quyết vấn đề này, quận Nam Từ Liêm đã triển khai đề án “Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của TP Hà Nội giai đoạn 2013 - 2015”; Tổ chức khám sàng lọc khiếm thính cho trẻ em dưới 6 tuổi trên địa bàn quận hoàn toàn miễn phí.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết thêm, UBND quận Nam Từ Liêm đã hỗ trợ mức kinh phí 500 triệu đồng cho chương trình Sàng lọc trước sinh và sau sinh trong 2 năm (2014 – 2015) cho trung tâm. Để duy trì hoạt động hiệu quả này, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, trong tương lai gần, phòng khám sẽ tổ chức khám 2 buổi/tuần (vào thứ 3 và thứ 7) cho chị em phụ nữ về sàng lọc trước sinh; Tư vấn miễn phí thông tin kiến thức chăm sóc sức khỏe sinh sản cho mọi lứa tuổi, nhất là học sinh, sinh viên, người lao động nghèo; Cung cấp các biện pháp tránh thai miễn phí và dịch vụ sàng lọc khiếm thính cho trẻ dưới 6 tuổi…
Hiện Hà Nội đang triển khai hiệu quả đề án “Tầm soát, phát hiện sớm một số tật, bệnh bẩm sinh thông qua sàng lọc, chẩn đoán trước sinh và sơ sinh của thành phố”. Với đội ngũ bác sĩ được đào tạo, tập huấn bài bản, nhiều quận, huyện đã triển khai có kết quả hoạt động này tại địa bàn của mình.
Một số quận huyện như: Tây Hồ, Mê Linh, Chương Mỹ… tổ chức khám tư vấn, sàng lọc trước sinh và sau sinh ít nhất 2 lần/tháng. Tính đến hết tháng 5/2015, Hà Nội đã sàng lọc Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh) cho 2.456 ca và sàng lọc tim bẩm sinh cho 4.787 trẻ tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội; Thực hiện khám sàng lọc và phát hiện sớm trẻ khiếm thính ở 6/10 đơn vị (Gia Lâm, Phúc Thọ, Thường Tín, Ứng Hòa, Quốc Oai, Tây Hồ) cho 5.324 trẻ, phát hiện nghi ngờ 69 trẻ. Sàng lọc trước sinh cho 34.862 bà mẹ mang thai (đạt 33,3%), sàng lọc sơ sinh cho 23.103 trẻ (đạt 66,45%).
Hà Anh/Báo Gia đình & Xã hội

Mẹ bầu tiếp xúc với phthalate trong mỹ phẩm, con có thể bị ảnh hưởng thần kinh
Dân số và phát triển - 4 giờ trướcMặc dù được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm gia đình nhưng phthalate không tốt cho sức khỏe. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sự phát triển não bộ trẻ sơ sinh.

Cục Dân số giám sát công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp biện pháp tránh thai ở Quảng Ninh
Dân số và phát triển - 17 giờ trướcGĐXH - Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận một số khó khăn, vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai tuyên truyền, tư vấn và cung cấp biện pháp tránh thai của những người làm dân số tỉnh Quảng Ninh.

7 nguyên tắc sống khỏe và trường thọ
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcViệc áp dụng các nguyên tắc dưới đây có thể mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, sống lâu hơn và trọn vẹn hơn…

Nhận biết 5 dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcBệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến đường sinh dục nhưng cũng có thể lây nhiễm vào cổ họng, trực tràng và mắt.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn táo thường xuyên?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcĂn táo bằng nhiều cách, có thể nấu chín, dùng làm nước ép hay ăn trực tiếp... đều có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp ngăn ngừa một số tình trạng bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, đái tháo đường.

Đau vú sau khi kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcNhiều phụ nữ thấy vú đau trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt và cơn đau thường biến mất ngay sau khi kỳ kinh bắt đầu. Tuy nhiên, một số phụ nữ thấy cơn đau vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi kỳ kinh đã kết thúc.

7 điều cần biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcCác bệnh lây truyền qua đường tình dục còn được gọi là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). STI có thể lây truyền trong bất kỳ hình thức sinh hoạt tình dục nào.

Các thuốc trị rụng tóc thời kỳ mãn kinh
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcRụng tóc là một trong những triệu chứng thường thấy ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Việc điều trị sớm, đúng cách có thể giúp làm chậm quá trình rụng tóc, cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc, đồng thời giúp chị em thêm tự tin trong cuộc sống.

Thuốc điều trị hội chứng tiền kinh nguyệt
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcHội chứng tiền kinh nguyệt có thể gây khó chịu về mặt thể chất, tinh thần... ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của nhiều chị em. Nhiều trường hợp bị Hội chứng tiền kinh nguyệt nặng, kéo dài cần phải dùng thuốc để điều trị.

Trẻ sơ sinh được bú mẹ có sức khoẻ tim mạch tốt hơn
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcTrẻ bú mẹ ít nhất sáu tháng có thể thúc đẩy vi khuẩn đường ruột có lợi, giúp cải thiện sức khỏe tim mạch ở trẻ khi trưởng thành.

7 cách đơn giản giúp đánh tan mỡ bụng ở phụ nữ tiền mãn kinh
Dân số và phát triểnMột trong những nỗi phiền muộn của phụ nữ tuổi 40 khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh là dễ tăng cân và nhiều mỡ bụng. Giảm cân, giảm béo bụng dù khó khăn nhưng vẫn có cách nếu chị em kiên trì.