Tính đến nay, TP HCM có 159 CLB Nữ chủ nhà trọ với hơn 4.000 thành viên. Các CLB đã góp phần chăm lo về đời sống vật chất, tinh thần cho nữ công nhân nhà trọ, tăng cường sự đoàn kết, gắn bó giữa chị em thuê trọ với nhau, cùng xây dựng nhà trọ văn minh, nghĩa tình.
Tại buổi họp mặt, các nữ chủ nhà trọ đã được nghe Thành Hội PN đánh giá hoạt động CLB trong năm qua, định hướng những công tác trọng tâm trong thời gian sắp tới. Đồng thời, các đại biểu đã nêu những khó khăn, thuận lợi của hoạt động CLB; tình hình đời sống, tâm tư nguyện vọng của nữ công nhân lao động khu vực nhà trọ; công tác chăm lo, hỗ trợ nữ công nhân nhà trọ nhân dịp Tết Nguyên Đán 2014…
|
Một dãy nhà trọ khang trang tại p. Bình Chiểu, quận Thủ Đức
|
Từ năm 2012, nhiều công nhân (CN) trên địa bàn Q.Thủ Đức, TP HCM đã không còn nỗi lo nhà trọ tăng giá; mỗi khi tăng ca, họ yên tâm hơn vì con được đưa đón, chăm sóc tận tình; lúc bệnh hoạn, họ thấy ấm lòng vì luôn được chủ nhà trọ quan tâm chăm sóc...
Mỗi ngày vào khoảng 16g, chị Nguyễn Thị Thu Tuyết (47 tuổi) - Chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ (NCNT) KP.1, P.Linh Xuân lại tất bật đón con của người thuê trọ đang học ở trường mầm non về nhà. Chị còn tắm rửa, thay quần áo, đút cho từng bé ăn, ru các bé ngủ.
Chị bảo, hôm nào bố mẹ các cháu tăng ca thì chị làm… bảo mẫu. “Tôi có 13 phòng trọ với 45 người thuê. Đa số đều là CN, đời sống rất khó khăn. Thấy các em tăng ca nhiều, con không có ai chăm sóc nên tôi nhận đưa đón các cháu đi học, lo cơm nước để cha mẹ yên tâm đi làm". Bên cạnh đó, chị Tuyết còn chia sẻ khó khăn với người thuê trọ bằng cách không lấy tiền nhà, điện nước khi họ chưa có việc làm; cho trả góp tiền phòng trọ; cho mượn tiền không lấy lãi…
“Mỗi dịp Tết đến, nhiều CN không có điều kiện về quê, vì vậy, tôi thành lập mô hình tiết kiệm tự nguyện, vận động các bạn nữ thanh nhà trọ tham gia.”, chị Trần Thị Mai (51 tuổi)-Chủ nhiệm CLB NCNT KP.1, P.Linh Trung nêu bí quyết. Nhóm hiện có 19 thành viên, với tổng số tiền tiết kiệm gần 36 triệu đồng. Mỗi người có một sổ tiết kiệm riêng, góp tiền hàng tháng. Sau khi thu, chị Mai gửi ở ngân hàng. Chị vui vẻ: “Cuối năm, em nào cũng để dành được mấy triệu đồng, có tiền mua sắm quà Tết cho gia đình và bản thân. Hầu hết các em trọ nhà tôi đều đăng ký tham gia nhóm tiết kiệm chi tiêu.”.
Còn chị Nguyễn Thị Lan Chi (44 tuổi), P.Hiệp Bình Phước lại thành lập tổ bảo trợ KP.5 từ năm 2005. Mỗi tháng, tổ đều dành 46 phần quà tặng trẻ em mồ côi, người nghèo; hỗ trợ viện phí cho người bệnh nan y, lo ma chay cho gia đình nghèo khó…
Cách làm của nhiều chủ nhà trọ không chỉ giúp CN vượt khó mà còn góp phần gắn kết những nữ CN với nhau, cùng tham gia tổ chức Hội. Mô hình nhóm tiết kiệm tự nguyện tại ba phường Linh Trung, Linh Xuân, Bình Chiểu đã thành lập được 27 nhóm tiết kiệm chi tiêu, với 405 nữ CN tham gia, tiết kiệm được 768 triệu đồng.
Chị Nguyễn Thị Tám-Chủ nhiệm CLB NCNT KP.6, P.Bình Chiểu nêu kinh nghiệm: “Chúng tôi thường sinh hoạt và tập hợp CN lao động để tuyên truyền về pháp luật, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về chăm sóc sức khỏe sinh sản, nuôi dạy con khỏe, phòng tránh thai, tránh các bệnh lây truyền qua đường tình dục… Lúc đầu CN chỉ tham gia lấy lệ, về sau, số người tham gia sinh hoạt càng đông. Hầu hết CN ở khu phố đều là những hội viên năng nổ của Hội PN.”.
Hiện, toàn quận có 11 CLB NCNT với 298 thành viên. Các CLB đã vận động người có nhà cho thuê trọ không tăng giá; tính tiền điện, tiền nước theo quy định; vận động 100% các chủ giữ trẻ, mầm non tư thục không tăng giá. Bên cạnh đó, các NCNT còn đồng hành trong tiếp sức mùa thi, tham gia phong trào tố giác tội phạm…
Không chỉ đồng hành giúp đỡ mặt vật chất, Hội PN và thành viên CLB NCNT còn là điểm tựa của CN về mặt tinh thần. Nhằm tạo điều kiện cho CN giải trí sau những giờ làm việc căng thẳng, Hội LHPN TP và Quỹ Hỗ trợ CN đã hỗ trợ chín dàn máy karaoke tặng NCNT phục vụ nhu cầu giải trí của CN; xây dựng 13 tủ sách. Dịp Tết, tại các khu nhà trọ còn tổ chức họp mặt đêm giao thừa, thi làm bánh mứt, thi hát karaoke, tặng quà cho CNkhó khăn…
Trước đó, ngày 26/12, Hội LHPN TP đã tổ chức buổi họp mặt Ban chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ 24 quận/huyện trên địa bàn TP HCM với sự tham dự của hơn 120 nữ chủ nhà trọ.
Chị Võ Thị Thu Hương-Chủ nhiệm CLB Nữ chủ nhà trọ P.Tân Thạnh Đông, Q.7 chia sẻ: CLB P.Tân Thạnh Đông hiện có 26 thành viên. Chia sẻ khó khăn về giá cả thực phẩm và tiêu dùng tăng cao với người ở trọ, CLB đã vận động các thành viên không tăng giá thuê phòng liên tục trong hai năm 2011-2012, đồng thời làm thủ tục đăng ký định mức sử dụng điện nước, làm KT3 để các gia đình nữ công nhân có con nhỏ được làm thẻ bảo hiểm y tế, khám chữa bệnh tại chỗ.
Dì Trần Thị Nhàn, chủ nhà trọ P.Linh Trung, Q.Thủ Đức cho biết, nhà dì có tám phòng; từ hai năm trở lại đây, đồng cảm với những khó khăn của nữ công nhân xa nhà, làm ăn khó khăn, dì đã quyết định giữ nguyên giá thuê phòng 600.000đ-1,2 triệu đồng/tháng, tùy diện tích. Có một cặp vợ chồng khó khăn: vợ bị bệnh nặng, chồng chạy xe ôm… dì không lấy tiền phòng nhiều tháng, thậm chí còn hỗ trợ thuốc thang chữa bệnh.
Ngoài việc không tăng giá nhà trọ, tiền điện nước thu theo định mức nhà nước, các chủ nhà trọ còn thể hiện sự tương thân tương ái thông qua hoạt động chăm lo Tết cho người ở trọ. Chị Lê Thị Thanh, KP.3, P.Bình Thuận, Q.7, cho biết, đã thành thông lệ, cứ đến cuối năm, chị dành ra ít tiền để mua quà Tết và gửi tiền tàu xe cho những người ở thuê. “Mỗi phòng, nếu về quê ăn Tết, tôi biếu họ 200.000đ gọi là hỗ trợ tiền tàu xe. Với công nhân ở lại, tôi mua cho họ phần quà là các nhu yếu phẩm như: đường, dầu ăn, bột ngọt… để họ ấm lòng với Tết xa nhà”.
Năm 2012, TP HCM có 145 CLB Nữ chủ nhà trọ với hơn 4.000 thành viên. Đánh giá về mô hình CLB Nữ chủ nhà trọ do Thành Hội xây dựng và thực hiện trong thời gian qua, bà Trần Kim Yến-Phó ban Dân vận Thành ủy TP nhận định: Đây là mô hình thiết thực, hiệu quả; chung sức, chia sẻ, tương trợ giữa người có phòng cho thuê và người thuê phòng. Việc vận động trên 98% chủ nhà trọ không tăng giá thuê phòng, đăng ký định mức, điện nước… đã góp phần cùng TP tháo gỡ khó khăn, chia sẻ, chăm lo cho người lao động nhập cư. Mức không tăng 50.000-100.000đ/phòng trọ không cao, nhưng nếu tính tổng số hàng ngàn phòng trọ, nếu so sánh với thu nhập của nữ công nhân, thì số tiền này có ý nghĩa lớn.
Dì Hoàng Thị Lan-CLB Nữ chủ nhà trọ KP.6, P.Bình Chiểu, Q.Thủ Đức cho rằng, bản thân các nữ chủ nhà trọ khu phố đều rất đồng lòng, chung sức với chủ trương vận động không tăng giá thuê phòng của Hội. Tuy nhiên, nhiều nữ chủ nhà trọ mong muốn được tăng nhẹ giá thuê phòng trong năm 2013 để họ có điều kiện sửa sang phòng trọ khang trang, sạch sẽ hơn.
“Thành Hội ghi nhận tất cả ý kiến của nữ chủ nhà trọ và sẽ tổng hợp báo cáo TP. Riêng với đề nghị tăng giá thuê phòng trong năm 2013, Thành Hội đồng cảm với những khó khăn của chủ nhà trọ thời gian qua. Tuy nhiên, mong muốn của Hội là các chủ nhà trọ nên xem xét, tùy theo hoàn cảnh của mình để tiếp tục chia sẻ khó khăn với người thuê. Đặc biệt là cân nhắc thời điểm tăng giá, nếu có điều chỉnh cũng nên tăng nhẹ và chờ đến quý II năm tới thực hiện.”, bà Đinh Thị Bạch Mai, Chủ tịch Hội LHPN TP đề nghị.
Nguyên Quốc