Bông hoa đẹp ở thôn bản
GiadinhNet - Nhờ những cô đỡ thôn bản không quản nắng mưa, đường sá cách trở, nhiều bà mẹ và trẻ sơ sinh đã được cứu sống. Họ là những bông hoa đẹp, những điểm sáng tại các vùng đất khó khăn, lạc hậu góp phần cho một thế hệ tương lai được sống khỏe mạnh hơn.

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tặng quà cho các CĐTB tiêu biểu. Ảnh: T.G
Không quản nắng mưa vì bà con thôn bản
Sinh ra ở xã Phố Cáo, vùng cao biên giới của huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, cô gái Thào Thị Se (sinh năm 1988), dân tộc H’Mông đến với duyên làm cô đỡ thôn bản (CĐTB) từ năm 22 tuổi.
Thào Thị Se cho biết, năm 2010 được đi học CĐTB ở Hà Giang, Se phải ẵm theo con nhỏ 3 tháng tuổi để đi học. Được sự đồng ý của chồng và sự hỗ trợ của các thầy cô ở Sở Y tế, Se đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành việc học, trở về chăm sóc bà con. Se cho biết, ở xã Phố Cáo, đường đến các thôn bản rất khó khăn. Nhiều thôn không đi bằng xe máy được mà phải đi bộ cả mấy tiếng mới tới nơi. “Xã em chủ yếu là đồng bào dân tộc H’Mông, rất nhiều người không biết chữ, nhất là phụ nữ. Có nhiều nhà nghèo không đủ ăn, không có áo ấm mặc. Do trình độ dân trí của người dân không đồng đều nên kiến thức về chăm sóc sức khỏe vẫn còn chưa được nhiều người hiểu rõ. “Công việc của em cũng rất vất vả, tiền phụ cấp thấp chỉ 200.000 đồng một tháng, từ năm 2017 cũng không có nữa. Tuy nhiên không vì thế mà em bỏ việc. Em được Trạm Y tế phân công phụ trách 3 thôn bản”, Thào Thị Se chia sẻ về những khó khăn trong công việc của mình. Từ năm 2012 – 2017, Thào Thị Se đã khám thai cho 866 ca, đỡ đẻ tại nhà 55 ca, phát hiện chuyển tuyến kịp thời 13 ca nguy cấp; chăm sóc sau sinh và vận động chị em khám thai định kỳ tại trạm y tế hàng trăm ca.
Cũng chia sẻ về công việc của mình, Y Ngọc – CĐTB người dân tộc Xê Đăng ở xã Đắk Sao, huyện Tu Mơ Rông, tỉnh Kon Tum cho biết: Ở xã của Y Ngọc, 100% bà con là người dân tộc Xê Đăng, xã có 10 thôn thì có tới 7 thôn cần có CĐTB vì đường xá xa xôi, phong tục lạc hậu. Y Ngọc cho biết: “Người dân đi làm rẫy nên khi mang thai thường ít đến cơ sở để khám thai; khi đẻ thì có tập quán đẻ tại nhà, nhờ người thân đỡ đẻ vì xấu hổ. Ngoài ra, bà con còn nhiều phong tục chăm sóc cho trẻ sơ sinh, trẻ em chưa đúng như: Không cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu, cho trẻ ăn bổ sung quá sớm khi mới 2-3 tháng tuổi nên nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, trẻ đau ốm không đưa đến trạm y tế khám và điều trị sớm, không được chữa bệnh kịp thời nên có trẻ đã tử vong”. Được đào tạo CĐTB từ năm 2009, đến nay Y Ngọc đã thực hiện được nhiều cuộc vận động, hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân khi mang thai, tiêm phòng uốn ván đầy đủ. Đối với các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, Ngọc đã tư vấn về sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Những nỗ lực tuyên truyền vận động bà con dân bản trong suốt năm qua đã được đền đáp, tỷ lệ bà mẹ có thai đi khám thai từ 50% năm 2009 tăng lên 93% năm 2017, tỷ lệ đẻ tại cơ sở y tế tăng từ 20% năm 2009 lên đến 60,9% năm 2017. “Mỗi năm, em đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến cơ sở để sinh đẻ. Những năm gần đây, do được tư vấn nên nhiều bà mẹ đã đến đẻ ở trạm y tế xã nhưng vẫn yêu cầu cô đỡ lên trạm y tế tham gia đỡ đẻ nên hàng năm em vẫn tham gia đỡ cho 2-4 bà mẹ đẻ tại trạm. Trong quá trình theo dõi chuyển dạ, em cũng phát hiện các bất thường, xử trí và chuyển tuyến kịp thời nên không có trường hợp tai biến nào xảy ra cho bà mẹ và sơ sinh”, Y Ngọc tự hào nói về công việc của mình.
Gỡ bỏ những rào cản cho phụ nữ dân tộc thiểu số

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến trao Bằng khen Bộ trưởng Bộ Y tế cho các CĐTB tiêu biểu.
Thào Thị Se và Y Ngọc là 2 trong số các CĐTB đang hoạt động ở 8.165 thôn bản khó khăn trên cả nước. Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế), từ khi cô đỡ thôn bản đầu tiên được đào tạo cách đây 25 năm đến nay đã có 2.611 CĐTB là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương.
Theo ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ trẻ em, các CĐTB được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. CĐTB có cùng văn hóa, phong tục tập quán nên dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền, vận động, cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản...
Nhận thức được những thách thức trong công tác chăm sóc SKBMTE ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; trong 25 năm qua, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các CĐTB người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn. Đây là một giải pháp tạm thời nhưng rất hiệu quả trong giai đoạn hiện nay nhằm giúp gỡ bỏ những rào cản về địa lý, văn hóa và tài chính khiến cho phụ nữ người dân tộc thiểu số không thể tiếp cận được tới các dịch vụ khám thai, đỡ đẻ an toàn và chăm sóc sau sinh. Các CĐTB đang ngày đêm vượt mọi khó khăn, gian khổ đến từng hộ gia đình tuyên truyền vận động người dân xóa bỏ các phong tục tập quán lạc hậu. Các CĐTB đã tích cực tham gia quản lý thai, tư vấn giáo dục sức khoẻ, vận động sản phụ đi khám thai và sinh con tại trạm y tế xã, phát hiện thai nghén có nguy cơ để chuyển tuyến kịp thời; tuyên truyền thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em.
Trước những khó khăn trong công tác ở địa phương, thay mặt các CĐTB, Thào Thị Se và Y Ngọc đều có nguyện vọng được hỗ trợ về phương tiện và kiến thức, đồng thời được hưởng chế độ phụ cấp theo quy định của Chính phủ. “Bản thân em đã có chế độ phụ cấp do được kiêm nhiệm làm nhân viên y tế thôn bản, tuy nhiên còn rất nhiều bạn khác, tuy đã được đào tạo và đang làm CĐTB nhưng vẫn chưa được hưởng phụ cấp”, Y Ngọc nói.
Nhằm động viên và ghi nhận công sức của các CĐTB, ngày 28/2, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị biểu dương 66 CĐTB bản tiêu biểu đại diện cho 2.611 cô đỡ từ các vùng miền khác nhau trong công tác chăm sóc sức khoẻ bà mẹ và trẻ em. Nhân dịp này, các CĐTB Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh gặp gỡ, động viên, tặng quà tại Phủ Chủ tịch. Phó Chủ tịch nước đánh giá cao vai trò của ngành Y tế trong công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong thành tích đó có vai trò rất đáng ghi nhận của mạng lưới CĐTB trong việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em. Phó Chủ tịch nước nhấn mạnh vai trò và sự mong đợi tới đội ngũ y tế và các CĐTB. “CĐTB chính là những cánh tay nối dài của ngành Y tế, là cầu nối giữa các cơ sở y tế với đồng bào dân tộc thiểu số, đưa các chính sách của Đảng và Nhà nước đến với đồng bào”, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh nói.
Phát biểu tại Hội nghị biểu dương, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, trong đó có các mục tiêu về chăm sóc sức khỏe bà mẹ- trẻ em. Tỷ số tử vong mẹ tại Việt Nam đã giảm mạnh, từ mức 233/100.000 trẻ đẻ sống năm 1990 xuống còn 69/100.000 trẻ đẻ sống năm 2009 và chỉ còn khoảng 58/100.000 theo con số ước tính của Tổng cục Thống kê năm 2015. Tỷ suất tử vong trẻ dưới 5 tuổi giảm từ 58%0 năm 1990 xuống còn 21,8%0 năm 2016; tỷ suất tử vong trẻ dưới 1 tuổi cũng giảm từ 44,4%0 xuống còn 14,5%0.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Việt Nam vẫn đang gặp nhiều khó khăn, thách thức như: Sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khoẻ, tử vong mẹ, tử vong trẻ em giữa các vùng miền, các nhóm dân tộc; đặc biệt tử vong mẹ, tử vong trẻ em ở khu vực miền núi vẫn cao hơn từ 3 - 4 lần so với khu vực đồng bằng và thành thị.
Tại Hội nghị, 6 tập thể và 93 cá nhân đã được trao Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Hà Anh

Cảnh báo nguy cơ đột quỵ khi lạm dụng thuốc tránh thai hàng ngày
Dân số và phát triển - 4 giờ trướcGĐXH – Theo các chuyên gia, với những trường hợp lạm dụng sử dụng thuốc tránh thai liên tục trong một thời gian quá dài, không có thời gian "nghỉ" là không đúng với hướng dẫn chuyên môn của viên uống tránh thai đường uống, có nguy cơ gây hệ lụy.

Chế độ ăn cho người bị cường kinh
Dân số và phát triển - 5 giờ trướcChế độ ăn uống khoa học, vận động thể chất đều đặn là những yếu tố quan trọng giúp chị em có sức khỏe tốt và chu kỳ kinh nguyệt ổn định.

Mẹ bầu tiếp xúc với phthalate trong mỹ phẩm, con có thể bị ảnh hưởng thần kinh
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcMặc dù được sử dụng rộng rãi trong nhiều sản phẩm gia đình nhưng phthalate không tốt cho sức khỏe. Phụ nữ mang thai tiếp xúc với chất này có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất và sự phát triển não bộ trẻ sơ sinh.

Cục Dân số giám sát công tác tuyên truyền, tư vấn, cung cấp biện pháp tránh thai ở Quảng Ninh
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcGĐXH - Qua kiểm tra thực tế, đoàn kiểm tra ghi nhận một số khó khăn, vấn đề còn vướng mắc trong quá trình triển khai tuyên truyền, tư vấn và cung cấp biện pháp tránh thai của những người làm dân số tỉnh Quảng Ninh.

7 nguyên tắc sống khỏe và trường thọ
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcViệc áp dụng các nguyên tắc dưới đây có thể mang lại một cuộc sống khỏe mạnh, sống lâu hơn và trọn vẹn hơn…

Nhận biết 5 dấu hiệu bệnh lậu ở nam giới
Dân số và phát triển - 3 ngày trướcBệnh lậu là một bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến, chủ yếu ảnh hưởng đến đường sinh dục nhưng cũng có thể lây nhiễm vào cổ họng, trực tràng và mắt.

Điều gì xảy ra với cơ thể khi ăn táo thường xuyên?
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcĂn táo bằng nhiều cách, có thể nấu chín, dùng làm nước ép hay ăn trực tiếp... đều có thể cải thiện sức khỏe tổng thể và giúp ngăn ngừa một số tình trạng bệnh mạn tính, bao gồm bệnh tim, đái tháo đường.

Đau vú sau khi kỳ kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcNhiều phụ nữ thấy vú đau trong những ngày trước kỳ kinh nguyệt và cơn đau thường biến mất ngay sau khi kỳ kinh bắt đầu. Tuy nhiên, một số phụ nữ thấy cơn đau vẫn tiếp diễn ngay cả sau khi kỳ kinh đã kết thúc.

7 điều cần biết về bệnh lây truyền qua đường tình dục
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcCác bệnh lây truyền qua đường tình dục còn được gọi là nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI). STI có thể lây truyền trong bất kỳ hình thức sinh hoạt tình dục nào.

Các thuốc trị rụng tóc thời kỳ mãn kinh
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcRụng tóc là một trong những triệu chứng thường thấy ở phụ nữ thời kỳ mãn kinh. Việc điều trị sớm, đúng cách có thể giúp làm chậm quá trình rụng tóc, cải thiện sức khỏe tổng thể của tóc, đồng thời giúp chị em thêm tự tin trong cuộc sống.

7 cách đơn giản giúp đánh tan mỡ bụng ở phụ nữ tiền mãn kinh
Dân số và phát triểnMột trong những nỗi phiền muộn của phụ nữ tuổi 40 khi bước vào giai đoạn tiền mãn kinh là dễ tăng cân và nhiều mỡ bụng. Giảm cân, giảm béo bụng dù khó khăn nhưng vẫn có cách nếu chị em kiên trì.