Choáng ngợp trước ngôi nhà chứa hơn 500 nhạc cụ dân tộc truyền thống
GĐXH - Nằm tại thôn Đông Lao (huyện Hoài Đức, Hà Nội), có một "bảo tàng nhạc cụ dân tộc" vô cùng độc đáo. Đó là thành quả hơn 30 năm tâm huyết của một người đàn ông xem nhạc cụ truyền thống như báu vật.
Chủ sở hữu của kho tàng nhạc cụ dân tộc này là anh Trần Đức Thành (43 tuổi, thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) hay còn được biết đến cái tên là Tiến Đông Lao. Từ thủa nhỏ, khoảng 12 tuổi, khi được ông ngoại dẫn theo phường bát âm để chơi nhạc, anh đã bắt đầu nhen nhóm có niềm say mê với nhạc cụ dân tộc. Anh chia sẻ, lúc ấy anh đam mê tới nỗi tập làm những nhạc cụ dân tộc tượng trưng bằng bìa carton rồi treo lên tường. Qua 30 năm mày mò sưu tầm, bộ sưu tập nhạc cụ dân gian của anh Tiến Đông Lao cũng đã lên tới con số hơn 500 các thể loại khác nhau.

Anh Tiến Đông Lao giới thiệu với nhóm phóng viên về đàn Rô-Niết-thung của người Khơ-me
Kinh ngạc trước kho tàng nhạc cụ dân tộc truyền thống
Trước khi vào nhà của anh Tiến, nhóm phóng viên đã vô cùng ấn tượng bởi một tấm biển lớn treo cổng nhà: "Không gian lưu giữ nhạc khí truyền thống Việt Nam". Bước vào nhà, cảm xúc ấy đã trở thành sự choáng ngợp, khi thấy bộ sưu tập đồ sộ từ các loại nhạc cụ từ trống, sáo, kèn, phách,...được trưng bày chật kín các vách tường. Chính ngôi nhà của "tỷ phú nhạc cụ dân tộc" Đức Dậu và không gian văn hóa Bá phổ Nhạc Đường đã truyền cảm hứng và tiếp thêm động lực cho niềm đam mê sưu tầm nhạc cụ của anh Tiến Đông Lao.

Cổng vào nhà anh Tiến có tấm biển treo "Không gian lưu giữ nhạc khí truyền thống việt nam"
Các nhạc cụ được anh Tiến sắp xếp vô cùng gọn gàng và tỉ mỉ theo từng loại hình nghệ thuật và vùng miền khác nhau. Tầng một là khu vực của loại hình nghệ thuật Chèo - Cải lương; tầng hai anh trưng bày nhạc cụ của loại hình Ca trù, Xẩm và Tuồng; tầng ba anh dành không gian cho bộ môn Chầu văn và một số nhạc cụ của các dân tộc thiểu số của vùng Tây Bắc, Tây Nguyên rất độc đáo như đàn Rô-Niết-thung, Rô-Niết-ek của người Khơ-me. Có ⅔ nhạc cụ dân tộc trong số này là anh được tặng, còn một phần nhỏ là tự mua và chế tác.
"Rất nhiều khách tham quan ví nhà tôi như một bảo tàng, tôi chỉ coi đây là một không gian trưng bày nhạc khí truyền thống Việt Nam thôi. Nhưng để so về số lượng và sự đa dạng của nhạc cụ thì cũng không kém cạnh các bảo tàng khác", anh Tiến say sưa kể.

Một góc nhà trưng bày chật kín các nhạc cụ dân tộc
Chia sẻ với nhóm phóng viên, đối với mỗi loại nhạc cụ mà anh Tiến đã treo trên tường, anh sẽ không bao giờ bán dù có rất nhiều người hỏi mua. Một phần anh cảm thấy thiếu thốn, trống vắng khi bán đi những nhạc cụ dân tộc này. Tuy nhiên, chủ yếu là do tình cảm của các anh em nghệ sĩ dành tặng được gửi gắm trong đó khiến anh Tiến vô cùng trân trọng. Anh cũng có dán và ghi rõ tên người tặng ở mỗi nhạc cụ dân tộc, thể hiện sự trân quý của anh với chúng.
Cách đây ba năm, khi thầy Lê Thái Sơn - thầy giáo từng dạy anh tại trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội qua đời, gia đình của thầy tặng cho anh những nhạc cụ dân tộc mà thầy rất trân trọng, vì họ tin tưởng rằng anh sẽ gìn giữ chúng một cách cẩn thận. Đối với anh Tiến, mỗi loại nhạc cụ đều mang một câu chuyện riêng biệt, chứa đựng cả hồn vía dân tộc. "Mỗi khi đi làm, thấy không gian thân quen đều treo các loại nhạc cụ xung quanh mình, nhìn đâu cũng thấy đam mê, sự mệt mỏi của ngày dài gần như tan biến", anh Tiến chia sẻ.
Khi bước đến khu vực trưng bày chiếc đàn nhị của ông ngoại để lại, anh Tiến bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa cũ: "Hồi trước, khi nghỉ ở phường bát âm của làng, ông tôi để lại cây đàn này cho bà ngoại. Nhưng bà lại đem bán cái đàn ấy đi, và tình cờ tôi lại biết được điều đó. Cơ duyên thay là tôi đã tìm được người mua chiếc đàn nhị, phải thương lượng, trao đổi với người ta rất nhiều lần mới có thể chuộc lại cây đàn này về. Đối với tôi, đây là một trong những chiếc đàn vô cùng đặc biệt trong số loại nhạc cụ mà tôi đã sưu tầm vì nó cũng được hơn trăm năm tuổi rồi đấy".

Chiếc đàn nhị hơn trăm năm tuổi của ông ngoại được anh Tiến trưng bày một góc cùng các loại nhạc cụ khác
Vượt lên nghịch cảnh để theo đuổi đam mê
Việc sưu tầm và trưng bày một "kho tàng" nhạc cụ đồ sộ như vậy là điều không phải ai cũng làm được, ngay cả với một người nghệ sĩ chứ chưa kể tới một người bình thường, giản dị như anh Tiến Đông Lao. Anh Tiến đã từng tốt nghiệp loại giỏi của trường Cao đẳng Văn hoá Nghệ thuật Quân đội, thế nên anh hoàn toàn có thể theo đuổi con đường nghệ thuật một cách chuyên nghiệp hơn. Nhưng ít ai biết rằng, khi thi vào trường Cao đẳng, anh đã bị mắc bệnh "thoái hoá cột sống", nên việc sinh hoạt hàng ngày và quá trình thực hiện đam mê cũng gặp nhiều khó khăn. Mặc dù tương lai bất định nhưng không làm anh Tiến nản lòng mà ngược lại, anh luôn kiên cường vượt qua nghịch cảnh để theo đuổi đam mê để giữ gìn tinh hoa văn hoá của nước Việt.
Có lẽ bởi vậy nên có rất nhiều các nghệ sĩ có tiếng tăm đã tới thăm bảo tàng nhạc cụ của anh Tiến và không khỏi trầm trồ. Nào là NSND Đoàn Thanh Bình, NSƯT Xuân Theo hay thậm chí là thần tượng bấy lâu của anh Tiến là cố NSƯT Đức Dậu, đều là khách quen của gia đình anh. Trong cái không gian ngập tràn tình yêu thương đối với nghệ thuật như vậy, những nghệ sĩ tới thăm cũng khó để không có những sáng tác. Từ khi bước vào nhà, đập vào mắt tôi là bài thơ lục bát "Về thăm quê bạn" được nghệ sĩ Văn Tá thân tặng anh Tiến sau dịp thăm nhà, rồi sau đó cũng được đoàn khách của NSND Đoàn Thanh Bình chuyển thể thành chèo và biểu diễn nhân dịp giao lưu cùng anh Tiến.

Anh Tiến Đông Lao giao lưu với cố nghệ sĩ Đức Dậu (Ảnh: NVCC)
Thế mới nói, anh Tiến không phải là một người chơi nhạc cụ quá giỏi, cũng không phải là một nghệ sĩ có tên tuổi lớn. Nhưng ở anh có một tình yêu cháy bỏng với nhạc cụ dân tộc truyền thống, một sự quyết tâm không ngừng học hỏi và nghị lực sống để sưu tầm và sở hữu một "kho tàng" nhạc cụ dân tộc đồ sộ như thế, khiến cho các nghệ sĩ gạo cội vô cùng nể phục.
Khi được hỏi về sự kế thừa tình yêu về nhạc cụ dân tộc cho các con của mình, anh Tiến bộc bạch chia sẻ: "Tất nhiên là tôi cũng muốn truyền niềm đam mê với nhạc cụ dân tộc cho con trai của mình, bản thân tôi cũng mong mỏi có người kế thừa, và cũng muốn định hướng cho cháu theo nghề của mình, giàu hay nghèo không quá quan trọng. Quan trọng là khi chơi các nhạc cụ dân tộc, làm cho con mình có thể lương thiện hơn, cái tâm cảm thấy được bình an hơn. Con trai của tôi cũng có chút năng khiếu với nhạc cụ dân tộc, nhưng có vẻ cháu cũng chưa thích lắm. Thỉnh thoảng, khi tôi đi biểu diễn thì cháu vẫn đi theo để trải nghiệm, nhưng cũng không gò bó hay bắt buộc con phải nối nghiệp mình, dù nghề biểu diễn, gìn giữ nhạc cụ dân tộc cũng là nghề đã được truyền từ đời các cụ cho đến anh hiện tại đã được bốn đời rồi. Hiện tại thì trong họ cũng có nhiều người tiếp tục nối nghiệp các cụ, gìn giữ và biểu diễn nhạc cụ dân tộc, và đang tham gia vào các hội biểu diễn ở huyện, ở quận."
Đối với anh Tiến, được sống trọn với niềm đam mê của mình là một niềm hạnh phúc lớn lao. Anh mong muốn rằng sẽ thắp lên trong lòng thế hệ trẻ ngọn lửa đam mê với âm nhạc truyền thống, để họ trân trọng và gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc.
Anh Tiến chia sẻ: "Âm nhạc Việt Nam hiện nay cũng trở nên hay hơn khi được hòa âm phối khí bởi các nhạc sĩ trẻ tài năng, và ngày nay thì cũng có rất nhiều bạn trẻ đam mê, hòa nhập và tìm hiểu kỹ lưỡng về nhạc cụ dân tộc. Một số trường đại học như đại học FPT cũng đưa nhạc cụ dân tộc vào là một môn học ở trường. Nên thực sự là tôi cũng mong muốn các bạn trẻ ngày nay, hãy cố gắng gìn giữ, phát huy và phát triển hơn nữa các nhạc cụ dân tộc cổ truyền mang bản sắc của văn hóa Việt Nam".

Thời tiết dịp Giỗ Tổ Hùng Vương: Bắc Bộ mưa diện rộng, Nam Bộ nắng nóng
Đời sống - 3 giờ trướcGĐXH - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, miền Bắc nhiều mây, có mưa trong các ngày 6 và 7/4.

Cận cảnh cột cờ kỳ đài cổ xưa ở mảnh đất Nam Định
Đời sống - 4 giờ trướcGĐXH - Gần 200 năm trôi qua, cột cờ Nam Định trải qua nhiều sự kiện lịch sử, đến nay công trình vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ, có giá trị lịch sử và văn hóa. Hằng năm, nơi đây đón hàng trăm đoàn khách trong nước và quốc tế đến thăm quan.

Hà Nội đề xuất khởi công 3 cầu lớn vượt sông Hồng trong năm 2025
Đời sống - 8 giờ trướcUBND TP Hà Nội vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề xuất thời gian khởi công 3 cầu bắc qua sông Hồng gồm: Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi.

"Xe điên" gây 4 vụ tai nạn liên hoàn khi bỏ chạy
Đời sống - 8 giờ trướcGây va chạm rồi điên cuồng trốn chạy hàng chục km, tài xế ô tô con tại Nghệ An tiếp tục gây ra 3 vụ tai nạn khác khiến 2 người thương vong.

Người dân lỉnh kỉnh đồ đạc rời TPHCM về quê nghỉ lễ giỗ Tổ
Đời sống - 9 giờ trướcSáng 5/4, nhiều người dân rời TPHCM để về quê nghỉ lễ giỗ Tổ, bến xe miền Tây tấp nập người và phương tiện.

Hà Nội: Rào chắn, hạn chế phương tiện qua khu vực trước tòa nhà 'Hàm cá mập', người dân di chuyển ra sao?
Đời sống - 11 giờ trướcGĐXH - Từ ngày 7/4, nhằm bảo đảm an ninh trật tự, chống ùn tắc giao thông trước tòa nhà “Hàm cá mập”, đoạn đường Lê Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) sẽ được rào chắn, hạn chế phương tiện lưu thông.

Nghi án mẹ sát hại 2 con để trục lợi bảo hiểm: Người cô ruột hé lộ thông tin bất ngờ
Đời sống - 14 giờ trướcCô ruột của 2 trẻ trong nghi án mẹ sát hại 2 con để trục lợi bảo hiểm khẳng định, chị không đi trình báo vụ việc với cơ quan công an như trên mạng thông tin.

Trẻ sinh tháng Âm lịch này đặc biệt may mắn trong chuyện tiền bạc
Đời sống - 14 giờ trướcGĐXH - Những đứa trẻ sinh vào 4 tháng Âm lịch này thường may mắn hơn người, tương lai có nhiều triển vọng.

Tin sáng 5/4: Miền Bắc đón đợt không khí lạnh mới; Thông tin mới vụ bảo mẫu bạo hành bé gái 2 tuổi tại điểm giữ trẻ tự phát
Đời sống - 16 giờ trướcGĐXH - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 5/4, khả năng có không khí lạnh tăng cường về miền Bắc; Nữ bảo mẫu khai nhận do đang nằm xem điện thoại và bực tức nhất thời nên đã ra tay bạo hành bé gái 2 tuổi...

Loạt công viên ở Hà Nội gấp rút hạ rào, sửa chữa, tạo không gian mở cho người dân
Đời sống - 1 ngày trướcGĐXH - Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội đang được chỉnh trang, cải tạo. Đây là nỗ lực của thành phố nhằm "bỏ lớp áo cũ", nâng cấp hệ thống công viên, phục vụ tốt hơn nhu cầu vui chơi, thư giãn của người dân Thủ đô.

3 tháng tới, có 4 con giáp được Thần Tài gọi tên, 1 tuổi dễ bị thâm hụt tiền bạc
Đời sốngGĐXH - Trong khi 4 con giáp được dự đoán là kinh doanh phát tài phát lộc thì lại có một con giáp cần cẩn trọng hết sức về quản lý tài chính trong 3 tháng tới.