Cuộc sống ở những hòn đảo COVID-19 chưa đặt chân tới
Dù Italy bị tàn phá nặng nề bởi Covid-19, một số hòn đảo xa xôi, biệt lập ở quốc gia này vẫn an toàn, vắng bóng virus SARS-CoV-2.
Italy - đang trong tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 30/4 - hiện là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong vì Covid-19 cao nhất ở châu Âu. Tuy nhiên, một số hòn đảo xa xôi ở đất nước này vẫn may mắn không bị ảnh hưởng, theo CNN.
Nỗi sợ hãi về dịch bệnh khiến người dân ở những nơi Covid-19 chưa đặt chân tới luôn nâng cao cảnh giác.
Đảo san hô núi lửa Linosa là một trong số ít hòn đảo xa xôi của Italy vắng bóng virus SARS-CoV-2. Ảnh: Fabio Tucci.
Linosa
Nằm giữa vùng Sicily của Italy và Tunisia - quốc gia Bắc Phi - ở Địa Trung Hải, đảo Linosa nằm ngoài tầm ngắm của hầu hết khách du lịch.
Có 2 cách để đặt chân đến hòn đảo san hô xinh đẹp này. Mọi người cần đáp tại sân bay của đảo Lampedusa kế cạnh Linosa rồi đi phà sang. Họ cũng có thể lên phà tại đô thị Porto Empedocle, nằm trên đất liền của vùng Sicily, và bắt đầu hành trình 12 tiếng lênh đênh trên biển.
Trong khi một số ca mắc Covid-19 được báo cáo ở Lampedusa, không có trường hợp nào xuất hiện tại Linosa.
Hòn đảo này tràn ngập cảnh đẹp hùng vĩ, từ bãi biển La Pozzolana - trông giống một góc của sao Hỏa với cát đen và các lớp lưu huỳnh vàng và đỏ - đến miệng núi lửa đã tắt Monte Vulcano.
Linosa được bao quanh bởi con đường chính, với hàng lê gai và tường gạch thấp đầy nụ bạch hoa. Người dân địa phương bảo vệ sự biệt lập của họ và quen với mùa đông yên tĩnh.
Fabio Tuccio - một trong 200 cư dân sống ở Linosa quanh năm - cho biết mọi thứ gần như không thay đổi kể từ khi đại dịch bùng phát.
"Vào mùa đông, không có nhiều việc phải làm. Mọi địa điểm đều đóng cửa ngoại trừ siêu thị, 2 quán bar, hiệu thuốc, bưu điện. Cửa hàng pizza chỉ mở vào thứ 7. Mọi người ở nhà, chăm sóc vườn tược hoặc đi câu cá", Tuccio nói với CNN.
Cư dân địa phương đều đeo khẩu trang khi gặp gỡ gia đình, bạn bè tại quán bar phía trước bến cảng yên tĩnh hoặc bên ngoài những ngôi nhà màu sắc, phủ đầy hoa giấy. Không có quảng trường cũng ngăn cản việc tụ tập đông đúc trên đảo.
Cư dân Linosa lo sợ người ngoài có thể lây lan virus trên đảo. Ảnh: Regione Sicilia. |
Sự biệt lập của Linosa giúp hòn đảo trở thành nơi trú ẩn an toàn trước Covid-19. Tuy nhiên, cư dân vẫn lo virus SARS-CoV-2 sẽ tìm đến.
"Dân trên đảo rất hoài nghi người ngoài và bảo vệ sự an toàn của họ. Mỗi khi có chuyến phà cập bến, họ lại tập trung tại bến cảng để kiểm tra xem ai xuống tàu và liệu có bất kỳ gương mặt lạ nào có thể mang virus tới hay không", Thị trưởng Totò Martello nói với CNN.
Tất cả du khách đều phải làm xét nghiệm Covid-19 tại bến phà trước khi đặt chân lên đảo.
"Nỗi sợ hãi khiến chúng tôi luôn cảnh giác", Tuccio nói thêm.
Tremiti
Dù đông đúc du khách đến lặn biển và tắm nắng vào mùa hè, quần đảo Tremiti - ngoài khơi bờ biển Puglia - chỉ có 200 người sinh sống suốt mùa đông.
Với làn nước xanh như ngọc lục bảo, đá granite và vách đá lởm chởm, 5 hòn đảo tạo nên Tremiti được gọi là "Ngọc trai của Adriatic". Cư dân địa phương sống rải rác trên 2 hòn đảo chính San Nicola và San Domino.
Muốn đặt chân lên quần đảo Tremiti hay rời đi, du khách phải đo thân nhiệt và xuất trình thẻ căn cước tại bến cảng của thị trấn Termoli - cách đó 1 giờ đi phà.
Các hòn đảo của quần đảo Tremiti phụ thuộc rất nhiều vào du lịch. Cư dân địa phương đang chuẩn bị cho thời kỳ tốt hơn. Ảnh: Enit Photo Archive. |
Vốn phát triển dựa vào du lịch, người dân Tremiti quan tâm đến việc phục hồi nguồn thu nhập đã mất này, đồng thời giữ sức khỏe trong những tháng gần đây.
Ngoài câu cá và trồng rau, cư dân đang tập trung vào việc chào đón khách trong mùa hè sắp tới. Mùa đông là thời điểm lý tưởng để tiến hành công việc bảo dưỡng, từ đường sá cho đến các cửa hàng, khách sạn và nhà hàng.
Samantha Dionisi của trung tâm lặn Blu Tremiti cho biết: "Chúng tôi đang tổ chức các chuyến đi bằng thuyền có hướng dẫn viên vào mùa xuân và mong muốn đón khách du lịch trở lại khi cơn ác mộng này kết thúc".
Trong thời gian rảnh rỗi, Thị trưởng Antonio Fentini của Tremiti thích trồng xà lách, cải bắp và củ cải xanh. "Chúng tôi không may mắn, mà chỉ thận trọng trong việc áp dụng các quy tắc chống dịch Covid-19 đúng đắn. Chúng tôi đang theo dõi tình hình trên thế giới với hy vọng lớn".
Ông nói thêm: "Chúng tôi háo hức trở lại trạng thái ‘bình thường’ trước đại dịch và rất nóng lòng được chào đón khách du lịch".
Vulcano
Với bãi biển hoang sơ, vùng nước trong vắt và cảnh quan tuyệt đẹp, hòn đảo Vulcano - một phần của quần đảo Aeolian thuộc vùng Sicily - dễ dàng thu hút khách du lịch, cho đến khi đại dịch giáng đòn nặng nề lên nơi này.
Trong khi Italy mở cửa trở lại một thời gian ngắn cho khách du lịch vào tháng 6/2020, làn sóng dịch bệnh thứ 2 làm rung chuyển quốc gia châu Âu 4 tháng sau đó.
Kể từ đó, người dân địa phương phàn nàn về việc không có du khách nào ghé thăm hòn đảo được mệnh danh là "Cổng địa ngục" này.
Đảo Vulcano được mệnh danh là "Cổng địa ngục". Ảnh: Silvia Marchetti. |
Vulcano ghi nhận 1 ca mắc Covid-19 vào năm ngoái, nhưng vẫn không bùng phát dịch. Italy đã mở rộng lệnh cấm đi lại giữa các khu vực, nên có khả năng hòn đảo sẽ tiếp tục yên tĩnh trong thời gian tới.
Marco Spisso - người đồng điều hành khu tắm bùn nổi tiếng của Vulcano - cho biết: "Gần đây, không khí thật im lặng và chết chóc. Du lịch là nguồn sống và chúng tôi thường làm việc vào mùa hè. Còn mùa đông vốn đã vắng lặng rồi nên đại dịch gần như không làm thay đổi gì".
Khoảng 300 người sống ở Vulcano quanh năm vẫn dành thời gian câu cá, đi dạo, sửa nhà, gặp gỡ tại quán bar (có đeo khẩu trang) và thư giãn ở nhà.
Spisso cho biết các cửa hàng đóng cửa không phải là điều bất thường vào thời điểm này trong năm. "Chúng tôi có cuộc sống yên bình và cảm thấy an toàn so với nhiều người sống ở nơi khác. Hoạt động xét nghiệm Covid-19 thường xuyên diễn ra tại bến cảng Milazzo - nơi các chuyến phà khởi hành".
Dù rất gần với đất liền Sicily - nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, Vulcano vẫn vắng bóng virus.
Marco Giorgianni - thị trưởng của toàn bộ quần đảo Aeolian, ngoại trừ đảo Salina - thực thi các quy tắc phòng dịch nghiêm ngặt hơn kể từ tháng 10/2020 bằng cách hạn chế việc di chuyển qua lại giữa 7 hòn đảo.
Filicudi
Filicudi - một trong những nơi hoang sơ và xa xôi nhất trong số các đảo ở Aeolian - cũng làm rất tốt trong việc tránh xa Covid-19.
Do điều kiện biển động, phà thường gặp khó khăn khi cập bến ở đây. Trước đại dịch, điều này gây thất vọng cho người dân địa phương, nhưng nay lại được xem là việc tốt.
Cư dân trên đảo cảm thấy may mắn khi được sống tách biệt, tránh xa sự hỗn loạn do SARS-CoV-2 mang lại.
Peppino Taranto - cư dân Filicudi - nói: "Tôi hạnh phúc khi sống tại đây. Giống như đang ở trong thế giới khác vậy. Sự giãn cách xã hội được đảm bảo. Nhờ khí hậu mùa đông ấm áp, vợ chồng tôi thường thích ăn tối bên ngoài, dưới bầu trời đầy sao".
Filicudi chỉ có duy nhất làng chài Pecorini a Mare nối với bến cảng bằng con đường đầy bụi.
Người dân trên đảo Filicudi biết ơn khi được sống trong "thế giới khác" trong đại dịch. Ảnh: Silvia Marchetti. |
Pietro Anastasi (85 tuổi) - người đưa thư về hưu, hiện là chủ sở hữu của nhà hàng và khách sạn La Canna có view toàn cảnh hòn đảo - đã sống ở Filicudi trong nhiều thập kỷ.
"Mỗi ngày, tôi chăm sóc những quả cà chua nhỏ và loại lê gai chỉ mọc ở đây. Khi biển lặng, tôi đi bộ xuống bãi biển, câu cá về nấu bữa trưa. Tôi hạnh phúc khi được ở một mình. Đây là thế giới của tôi", Anastasi nói.
Alicudi
Alicudi là nơi hẻo lánh nhất trong số các hòn đảo của Aeolian. Covid-19 được coi là mối đe dọa rất xa vời.
Không ôtô, xe tay ga và thậm chí cả xe đạp ở Alicudi, chỉ có những con đường bụi bặm ngoằn ngoèo suốt 25 km. Hơn 10.000 bậc thang bằng đá kết nối các khu dân cư của ngôi làng đẹp như tranh vẽ này.
Lừa là phương tiện di chuyển duy nhất trên đảo. Alicudi không có cây ATM, cửa hàng, câu lạc bộ, cửa hàng thuốc lá, cũng không có đèn đường mà chỉ chiếu sáng nhờ những ngôi sao đêm.
Không có đường và đám đông ở Alicudi - một trong những hòn đảo nhỏ nhất của quần đảo Aeolian. Ảnh: Silvia Marchetti. |
Bãi biển đầy sỏi của hòn đảo được điểm xuyết bởi các mái vòm tự nhiên và những ngôi nhà đầy màu sắc kỳ lạ, xây dựng bên trong tảng đá hình nấm.
Những cư dân lớn tuổi của Alicudi thích kể câu chuyện ma quái về phù thủy bay và lừa ma.
Aldo Di Nora - người đã chuyển đến Alicudi nhiều năm trước và hiện điều hành khu nghỉ dưỡng Casa Ibiscus - hiểu rằng mình may mắn như thế nào khi được sống ở nơi vắng vẻ và an toàn như vậy.
"Giãn cách xã hội không phải là vấn đề ở đây. Thời điểm duy nhất đám đông nhỏ có thể hình thành là khi mọi người gặp nhau tại bến cảng của Alicudi để lên phà".
Di Nora nói thêm: "Tôi theo dõi tin tức về sự kiện bi thảm đang xảy ra ở Italy và trên toàn thế giới. Tôi biết ơn khi được sống ở nơi yên bình và không có nguy cơ lây lan virus".
Theo Zingnews
Chồng trúng độc đắc hơn 16,4 tỷ đồng nhờ các con số ý nghĩa về vợ quá cố
Chuyện đó đây - 4 giờ trướcNgười đàn ông có tên thân mật là "Big Money D" đã khiến cả thành phố xôn xao khi trúng giải độc đắc trị giá 650.000 USD (hơn 16,4 tỷ đồng) nhờ các con số ý nghĩa về vợ quá cố.
Phát hiện 2.500 đồng xu vương vãi trong ruộng hoang, người đàn ông gọi 1 cuộc điện thoại, nhận về hơn 100 tỷ đồng
Chuyện đó đây - 5 giờ trướcMột khám phá bất ngờ trong lòng đất đã thay đổi toàn bộ cuộc sống của người đàn ông này.
Tài khoản bỗng dưng nhận được 3,5 tỷ đồng không rõ nguồn gốc, người đàn ông lo bị lừa đảo, hoảng hốt cầu cứu cảnh sát ngay lập tức
Bốn phương - 15 giờ trướcMột số tiền lớn bất ngờ được chuyển đến khiến người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc vô cùng hoang mang.
Bí ẩn loài cá được tìm thấy sống giữa sa mạc Mỹ: Thọ tới hơn 100 tuổi, càng già càng khỏe
Tiêu điểm - 19 giờ trướcNhóm nghiên cứu phát hiện bằng chứng chứng minh chúng là một trong những loài cá nước ngọt sống lâu nhất thế giới.
Chân dung tỷ phú tiền số vừa chi 6 triệu USD mua ‘quả chuối dán tường’, từng là học trò của Jack Ma
Bốn phương - 21 giờ trướcVới ông, quả chuối dán tường là một “hiện tượng văn hóa kết nối thế giới nghệ thuật, meme và cộng đồng tiền số”.
Vì sao người giúp việc không thể thừa kế căn nhà trị giá 10 tỷ đồng được cụ ông di chúc lại dù hợp lệ?
Tiêu điểm - 23 giờ trướcGĐXH - Cảm động trước sự giúp đỡ của người giúp việc trong suốt thời gian đau ốm, cụ ông quyết định tặng lại căn nhà đang ở cho cô nhưng các con của cụ ông này quyết định đòi lại tài sản của gia đình từ người giúp việc.
Người phụ nữ gửi tiết kiệm 168 tỷ đồng, nửa tiếng sau tài khoản còn 0 đồng, tòa án tuyên bố: Ngân hàng không cần bồi thường
Bốn phương - 1 ngày trướcTưởng sẽ thu về khoản tiền lãi lớn, người phụ nữ ở Trung Quốc không ngờ mình lại phải chịu nhìn tài sản mất trắng chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi.
Meghan Markle và Victoria Beckham bước vào "cuộc chiến" mới, tình bạn năm xưa thực sự đã "hết duyên"?
Bốn phương - 1 ngày trướcNhà bình luận hoàng gia cho rằng Meghan Markle khó có thể làm lành với người bạn cũ Victoria Beckham vì một lý do then chốt.
Chi 350 triệu đồng mua 1 con ngựa nhưng tốn đến 700 triệu đồng chữa trị: Hành trình cứu 'bạn thân' của người phụ nữ khiến MXH xúc động
Chuyện đó đây - 1 ngày trướcSau khi chú ngựa cưng của mình bị gãy chân, một người mẹ trẻ ở Trung Quốc đã nỗ lực tìm mọi cách có thể để giúp nó có thể đứng dậy như bình thường.
Con trai lớp 7 nhảy lầu từ tầng 17, ông bố giở cặp sách của con ra xem thì ngã quỵ trước 1 xấp giấy
Chuyện đó đây - 1 ngày trước“Tôi sẽ không bao giờ tha thứ cho bản thân mình”, người cha đau đớn nhớ lại.
Vì sao Isaac Newton và Albert Einstein đều cho rằng thời gian chỉ là 'ảo ảnh'?
Chuyện đó đâyThời gian từ lâu đã là một khái niệm mà con người suy ngẫm, trải nghiệm và coi trọng.