Người ta xuống phố thì anh vào xưởng. Hai đứa chỉ gặp nhau qua điện thoại, hãn hữu lắm mới gặp mặt một lần, vừa gặp anh cô đã nhảy mũi hắt xì liên tục vì mùi dầu máy vẫn vướng vất đâu đó. Những lần sau, anh phải tắm táp kỳ cọ kỹ lưỡng từng kẽ móng tay. Cẩn thận hơn, anh còn đưa cô cái khẩu trang y tế, nói cô đeo vào. Cô đã cáu, có chút tự ái, nhưng tối về cứ ngắm nghía cái khẩu trang y tế, và cười một mình.
Nga không biết hai người yêu nhau khi nào, là lần cô ốm phải vào viện, anh trực cạnh cô liền mấy ngày, những khi tỉnh, cô thấy anh thì thào điện thoại với ai đó về bản vẽ, chi tiết máy và kế hoạch sửa xong cái xe đó, cho xe kia xuất xưởng...
Hay lần cô đi công chuyện gần chỗ anh, tiện ghé vào thăm phòng anh trong khu tập thể, nghe đồng nghiệp mách lần đó thằng Vinh nổi chứng gì, bắt mọi người ăn cháo liền mấy ngày, mà cháo có ngon lành gì, nay khét mai nhạt đến nỗi mọi người nghe đến cháo là sợ. Cô nhíu mày, lần đó có phải cô bị dạ dày nằm viện, anh đã mang cháo đến cùng những vết phỏng?
Cô thấy ghét anh, thế mà anh chẳng nói gì, lúc nào cũng cười hì hì. Sau trận ốm, cô gầy nhom, ngày nào anh cũng mang đến món gì đó giục cô ăn. Cô sợ béo, anh nheo mắt: “Em có thấy dạo này anh không dám đến gần em không?”. Cô chưa trả lời anh đã thở dài: “Anh sợ xương đâm”. Và thật thà như đếm: “Em thử xem có ai mua khúc tre về ôm không? Người ta thường mua gấu bông là thế!” làm cô đang tức cũng phải phì cười.
Nga làm việc dưới thành phố, thường đi đây đó, công việc buộc gặp gỡ nhiều người, những người đó đẹp đẽ hào nhoáng và tinh tế hơn anh, cô những sợ mình dao động vì có nhiều lần cả vô tình lẫn cố ý, cô so sánh họ với Vinh. Anh cười, gõ trán cô: “Đố em tìm thấy ai hơn anh!”.
Cô đã cười nói anh tự kỷ, quả thật những người con trai kia hơn anh mọi mặt, kể cả kinh tế, nhưng họ chỉ là họ, những người qua đường, họ không bằng anh, trong tim cô.
Đi công tác, lúc nào điện thoại cô cũng có tin nhắn đọc muốn khùng, đại loại: “Nếu em chuẩn bị say nắng ai đó, hãy nhớ, anh chàng đó ngoáy mũi rất xấu” hoặc mảnh giấy viết: “Em có thể vui cùng đồng nghiệp, cười cùng họ, nhưng ốm thì chỉ một mình” được dán lên ví cầm tay của cô.
Đồ đạc của cô cũng có ký hiệu của riêng anh, như chú hề... bị móm trên tuýp kem đánh răng, mặt xấu trên hộp phấn trang điểm, anh nói người con gái không tự tin mới cần viện trợ. Nhìn những tờ giấy nhắn, có khi cô tức điên, vo tròn ném thùng rác, rồi sau đó lại tìm, vuốt thẳng ra đọc, tưởng tượng gương mặt anh khi viết những chữ này, và cười một mình.
Sau chuyến công tác nửa tháng, cô rệu rã vào nhà, chợt ngửi thấy thoang thoảng mùi dầu máy, hẳn anh vẫn qua đây quét dọn. Mùi dầu máy không làm cô khó chịu mà thấy da diết nhớ, cả những lời mắng mỏ khiêu khích của anh. Cô nhấc điện thoại: “Mình cưới đi!”. Và cô nghe giọng cười giòn tan: “Em lười lắm mà, sao tỏ tình lại nhanh nhảu thế, cướp cả việc anh?”.
Cô cười, tin chắc những tháng ngày sau sẽ không có chỗ cho buồn tẻ, vắng lặng.
Theo Thái Phan/PNO