Hà Nội
23°C / 22-25°C

Mồ mả người thân bị san bê tông, gia đình liệt sĩ ở Hà Nội kêu cứu

Thứ sáu, 08:53 18/12/2020 | Xã hội

GiadinhNet - Ông Đỗ Văn Quy, đại diện cho gia đình liệt sĩ Đỗ Văn Quỳ có đơn kêu cứu gửi tới cơ quan chức năng và báo chí. Ông Quy cho biết, gia đình ông có 5 ngôi mộ người thân tại khu đất phía sau trụ sở Công an quận Thanh Xuân nhưng mới đây đã bị đổ bê tông san lấp, quây tôn bịt đường vào khiến gia đình không thể hương khói…

Muốn vào viếng mộ, phải làm đơn

Theo phản ánh của ông Đỗ Văn Quy (SN 1953, trú phố Chính Kinh, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội), tại khu đất thuộc tổ dân phố số 16 phường Nhân Chính (gọi là gò Tu Vũ - trước là nơi an táng của người dân địa phương), gia đình ông có 5 ngôi mộ gồm: Mộ cụ ông Đỗ Văn Tồn, cụ bà Nguyễn Thị Toẻn, bà Nguyễn Thị Lanh, ông Đỗ Trực Nhanh, bà Đỗ Thị Nội. Những người này lần lượt là cụ nội, bà nội, em ruột ông nội và bác ruột của ông Quy. 

Ngôi mộ sớm nhất được an táng năm 1945, muộn nhất năm 1958. Mấy chục năm nay, gia đình ông Quy vẫn hương khói, thăm viếng mộ, không phát sinh vấn đề gì. Khu mộ có xây giật 5 cấp và bia đá đề tên 5 người đã khuất. Đường đi vào khu mộ là con đường thuộc ngõ 58 Vũ Trọng Phụng, phường Nhân Chính.

Mồ mả người thân bị san bê tông, gia đình liệt sĩ ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 1.

Gia đình ông Quy viếng mộ vào dịp Tết âm lịch năm 2019

"Tuy nhiên, vào rạng sáng ngày 20/11 vừa qua, một nhóm người đã quây tôn bịt đường vào, đổ bê tông toàn bộ khu đất, rộng hàng trăm m2, nơi có mộ người thân của chúng tôi. Vì nhà tôi không ở gần khu mộ, nên sáng cùng ngày, tôi mới biết chuyện. Người dân sống gần đó cho biết, việc san lấp khu đất này do Công an quận Thanh Xuân thực hiện. 

Tôi ra công an quận thì trực ban hướng dẫn gặp cán bộ tên Toản. Tôi có hỏi ông Toản là mộ nhà tôi ở đó, sao khi san lấp, không một ai thông báo cho gia đình tôi và vì sao lại quây tôn, bịt đường vào khu mộ? Ông Toản nói việc san lấp do UBND quận giao làm, để đảm bảo vệ sinh môi trường, chống lấn chiếm. Tôi đề nghị ông Toản cho tôi vào quan sát hiện trạng khu mộ nhưng ông Toản không cho. Nhìn qua khe hở hàng rào tôn, tôi thấy khu mộ của gia đình gần như đã bị bê tông san phẳng, chỉ còn cái ngai gắn bia lộ trên mặt đất. Ông Toản nói nếu muốn vào thì về làm đơn xin xác nhận của UBND phường Nhân Chính", ông Quy cho hay.

Ngay trong ngày 20/11, theo hướng dẫn của cán bộ Toản, ông Quy vẫn làm đơn gửi UBND phường. Cẩn thận hơn, ông còn xin xác nhận của 3 người cao niên tại địa phương (trong đó 2 người từng là cán bộ Hợp tác xã Nhân Chính) về việc gia đình ông có mộ ở khu đất trên. Dù đơn từ đã gửi, nhưng người ta vẫn không cho gia đình ông vào khu mộ. 

"Đến 10 ngày sau, chiều 30/11, UBND phường mới mời gia đình tôi lên trụ sở. Họ nói, nếu muốn chuyển mộ đi nơi khác thì làm đơn trình bày nguyện vọng, họ sẽ xem xét. Chúng tôi đã làm đơn khiếu nại, trong đó nêu rõ, gia đình không có nhu cầu di dời mộ, nếu cơ quan chức năng muốn lấy đất, muốn di dời mộ, thì phải chủ động gặp gỡ, bàn thảo với gia đình tôi. Ngoài ra, đề nghị cho loại bỏ những khối bê tông đã đè lên mặt mộ và cho chúng tôi vào thăm viếng khu mộ, nhưng gần 1 tháng trôi qua, họ không hồi âm", ông Quy nói.

Mồ mả người thân bị san bê tông, gia đình liệt sĩ ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 2.

Hiện trạng khu mộ nhà ông Quy sau khi khu đất bị san lấp

Theo ông Quy, từ trước tới nay, gia đình ông chưa từng nhận được bất kỳ thông báo nào của các cấp chính quyền về việc san lấp khu gò Tu Vũ hay việc gia đình phải di dời mộ. Ông khẳng định, ngoài 05 ngôi mộ người thân được chôn cất từ nhiều thập kỷ trước ở đây, gia đình ông không hề có đất đai hay lấn chiếm gì tại khu vực này.

Chia sẻ thêm với PV, ông Quy cho biết, bản thân ông là thương binh, em trai ruột là Đỗ Văn Quỳ, liệt sĩ chống Mỹ, hy sinh năm 1974. 

"Cách hành xử của cơ quan công quyền quận, phường đối với gia đình liệt sĩ như vậy khiến chúng tôi vô cùng bức xúc. Mồ mả của người thân chúng tôi tồn tại nhiều thập kỷ qua, vậy mà giờ đây, chúng tôi muốn vào thắp hương cũng không được phép. Điều gia đình tôi lo lắng nhất bây giờ là trong quá trình san lấp, không biết máy móc của họ có làm tổn hại gì đến mồ mả người thân chúng tôi dưới đất không? Mấy hôm nữa là đến ngày giỗ cụ nội tôi… Quả thật vô cùng đau xót!", ông Quy nói và mong muốn cơ quan chức năng nhanh chóng xem xét, xử lý thấu đáo sự việc, đúng với luật pháp và truyền thống đạo lý người Việt.

Phường, quận nói gì?

Trao đổi với PV Báo Gia đình và Xã hội, ông Hoàng Tùng, Phó chủ tịch UBND phường Nhân Chính cho biết, ngày 30/11, phường đã có buổi làm việc với gia đình ông Quy. Tại buổi làm việc này, phường có yêu cầu là nếu gia đình muốn ra vào khu đất có phần mộ và xa hơn nữa là muốn di chuyển mộ phần thì cần phải có đơn đề nghị gửi tới UBND phường. Trên cơ sở đó, phường sẽ báo cáo và xin chủ trương từ các cơ quan cấp trên xem xét, giải quyết. Hiện tại, phường vẫn chưa nhận được đơn đề nghị nguyện vọng của gia đình nên chưa thể có hướng xử lý.

Còn Trung tá Bùi Quang Hưng (Đội trưởng Đội An ninh – Công an quận Thanh Xuân) cho biết, năm 2009, UBND quận Thanh Xuân đã có quyết định tạm bàn giao khu đất gò Tu Vũ rộng trên 1.000m2 (hiện chỉ còn hơn 800 m2) cho công an quận quản lý. Tháng 10/2020, thực hiện chỉ đạo từ phía UBND quận, Công an quận đã triển khai biện pháp bảo vệ khu đất nhằm chống việc lấn chiếm và đảm bảo vệ sinh môi trường. 

Trong quá trình thực hiện công việc, công an xác định trong khu đất có một gò đất nhô cao xây giống mộ chí, có một bát hương, một bia đá ghi tên 5 người. Khi đó công an quận đã trao đổi với UBND phường Nhân Chính, cử cán bộ phối hợp xác minh mộ chí trên là thật hay giả và nguồn gốc, nhưng không có ai tới nhận. Chính vì vậy, ngày 20/11, Công an quận Thanh Xuân đã tiến hành san lấp, đổ bê tông và quây tôn khu đất trên. Sau đó ông Quy và người thân tìm tới nói đó là phần mộ của gia đình và xin vào thắp hương. Hiện tại công an quận vẫn đang phối hợp và chờ phía UBND phường Nhân Chính thông tin về nguồn gốc của phần mộ trên. Trong trường hợp xác định đó chính là mộ phần của gia đình ông Quy, công an quận sẽ tạo điều kiện để họ ra vào hương khói vào các ngày giỗ, lễ theo đúng phong tụng tập quán.

Khi PV đề nghị vào khu đất để tiếp cận và ghi nhận thực trạng hiện tại của phần mộ thì ông Hưng từ chối và cho biết, về việc này phải chờ xin ý kiến từ phía lãnh đạo Công an quận Thanh Xuân và sẽ phản hồi lại cơ quan báo chí.

Mồ mả người thân bị san bê tông, gia đình liệt sĩ ở Hà Nội kêu cứu - Ảnh 3.

Vợ chồng ông Quy phải vái vọng cụ kỵ, ông bà qua hàng rào tôn

Ông Trần Hà Linh (Đội phó Đội Chính trị hậu cần thuộc Công an quận Thanh Xuân) thông tin thêm, từ tháng 9/2019 tới thời điểm hiện tại, công an quận đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi khu đất trên và không thấy ai ra vào hương khói đối với phần mộ mà gia đình ông Quy phản ánh. Tuy vậy, khi PV đề nghị được tiếp cận dữ liệu của hệ thống camera ghi hình trong quãng thời gian trên thì ông Linh cho biết, do lưu lượng ổ cứng có hạn nên hình ảnh hiện công an quận không còn lưu đầy đủ.

Trước những thông tin mà UBND phường Nhân Chính và Công an quận Thanh Xuân cung cấp, chúng tôi đã trao đổi lại với phía ông Quy và gia đình. Ông Quy nói: "Mồ mả của chúng tôi yên lành hơn 70 năm nay, trong khu đất từng là nghĩa địa làng, người dân ra hương khói không ai cản trở, giờ họ san lấp, đổ bê tông, bịt lối vào, lại bắt phải làm đơn và ra vào được sự cho phép của công an. 

Kỳ lạ, khu mộ có trước trụ sở công an quận đến vài chục năm, nếu họ muốn sử dụng riêng khu đất đó thì cần di dời các ngôi mộ đi chỗ khác và phải chủ động thông báo, trao đổi với gia đình người có mộ. Ngược lại, nếu khu đất không thuộc quyền sử dụng riêng của đơn vị thì phải để đường đi cho dân vào hương khói. Việc họ bảo đã cử cán bộ xác minh nhưng không ai đến nhận mộ cũng thật kỳ lạ. Họ đã gặp ai để xác minh? Chỉ cần họ thông tin để các tổ trưởng dân phố thông báo tới dân thì sau 10 phút, gia đình tôi sẽ có mặt, vì nhà tôi cách phường có vài trăm bước chân. Không có lý do gì mà chúng tôi phải chờ đến khi người ta đổ bê tông lên cụ kỵ, ông bà mình rồi mới ra nhận mộ. Nói thế ai mà tin được?”. 

Báo Gia đình & Xã hội sẽ tiếp tục thông tin sự việc này tới độc giả!

Chi Lê


Chi Lê
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
Ngành học nào vừa được nhiều người ngưỡng mộ lại giúp sinh viên có cơ hội việc làm rộng mở?

Ngành học nào vừa được nhiều người ngưỡng mộ lại giúp sinh viên có cơ hội việc làm rộng mở?

Giáo dục - 56 phút trước

GĐXH - Ngành học có vai trò quan trọng trong đời sống sẽ giúp sinh viên không phải lo lắng về việc làm, đặc biệt là những công việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho cộng đồng.

Từ 4/4, ô tô khách trên 30 chỗ, xe tải nặng không vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Từ 4/4, ô tô khách trên 30 chỗ, xe tải nặng không vào cao tốc Cam Lộ - La Sơn

Thời sự - 59 phút trước

Từ ngày 4/4, xe khách trên 30 chỗ, xe đầu kéo, xe tải nặng từ 6 trục (tải trọng trên 30 tấn) trở lên sẽ không lưu thông trên tuyến cao tốc Cam Lộ - La Sơn.

Ngày làm việc cuối tuần có thêm giải độc đắc gần 25 tỷ tìm về chủ

Ngày làm việc cuối tuần có thêm giải độc đắc gần 25 tỷ tìm về chủ

Xã hội - 1 giờ trước

GĐXH - Mới đây, Công ty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) thông báo đã tìm ra tấm vé trúng giải Jackpot của xổ số Mega 6/45.

Lái xe bằng chân, thiếu niên 16 tuổi bị phạt 2,7 triệu

Lái xe bằng chân, thiếu niên 16 tuổi bị phạt 2,7 triệu

Pháp luật - 2 giờ trước

Nam thiếu niên 16 tuổi dùng chân lái xe máy ở huyện Tuy An bị công an phạt hơn 2,7 triệu đồng.

Lắp camera xử phạt nguội trên đường Vành đai 3 trên cao

Lắp camera xử phạt nguội trên đường Vành đai 3 trên cao

Thời sự - 2 giờ trước

Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới Công an thành phố sẽ báo cáo cấp trên để lắp đặt thêm camera phạt nguội trên tuyến Vành đai 3.

Nguyên Chủ tịch xã ở Quảng Bình bị khởi tố

Nguyên Chủ tịch xã ở Quảng Bình bị khởi tố

Pháp luật - 3 giờ trước

GĐXH - Ông Vinh là người trực tiếp ký vào các hóa đơn thu tiền từ người đấu giá, giấy tờ thanh toán công trình do Nguyễn Thị Loan lập khống, dẫn đến ngân sách Nhà nước bị chiếm đoạt.

Sau hơn một năm thi công, cầu vượt sông lớn ở Nam Định lộ diện ra sao?

Sau hơn một năm thi công, cầu vượt sông lớn ở Nam Định lộ diện ra sao?

Đời sống - 3 giờ trước

GĐXH - Cầu Đống Cao nối liền giữa huyện Ý Yên - Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định sau hơn 1 năm thi công, các trụ cầu đã nhô khỏi mặt nước, nhiều nhịp cầu đã lắp dầm kết nối.

Miền Bắc xuất hiện nắng nóng gay gắt sau không khí lạnh gây mưa đá, dông lốc

Miền Bắc xuất hiện nắng nóng gay gắt sau không khí lạnh gây mưa đá, dông lốc

Thời sự - 3 giờ trước

GĐXH - Theo dự báo thời tiết ngày mai, khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và vùng núi phía Tây của Bắc và Trung Trung Bộ bắt đầu có nắng nóng cục bộ với nhiệt độ cao nhất ngày có nơi trên 35 độ. Dự báo mùa hè năm nay, nắng nóng gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm.

Không có loại giấy tờ đặc biệt quan trọng này, tài xế vẫn lái xe đầu kéo 'cõng' hàng siêu trường ra đường và cái kết

Không có loại giấy tờ đặc biệt quan trọng này, tài xế vẫn lái xe đầu kéo 'cõng' hàng siêu trường ra đường và cái kết

Xã hội - 3 giờ trước

GĐXH - Xe đầu kéo chờ hàng siêu trường xuất phát từ TP Đà Nẵng đến Huế để phục vụ thi công dự án. Tuy nhiên, khi lực lượng chức năng kiểm tra, tài xế không cung cấp được giấy tờ liên quan.

Hàng triệu phụ huynh Hà Nội đón nhận tin vui khi mức học phí giảm mạnh!

Hàng triệu phụ huynh Hà Nội đón nhận tin vui khi mức học phí giảm mạnh!

Giáo dục - 4 giờ trước

GĐXH - Chính sách học phí đã được HĐND TP Hà Nội thông qua. Theo đó, mức thu học phí năm học 2023-2024 ở Hà Nội là 24.000-217.000 đồng một tháng, giảm gần một nửa so với mức cũ.

Top