Người đặt nền móng cho nền Y tế Cách mạng Việt Nam
GiadinhNet - Trong suốt chặng đường gần 50 năm y nghiệp của mình, cố Bộ trưởng, Thiếu tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, bác sĩ Vũ Văn Cẩn đã để lại cho các thế hệ sau tấm gương y dược sáng danh hiền tài, đức độ sáng ngời của thời đại Hồ Chí Minh. Lịch sử Y khoa nước nhà ghi nhận, đây là một trong những cán bộ y dược hàng đầu có công đặt nền móng cho nền Y học Cách mạng Việt Nam. Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn, Báo Gia đình&Xã hội trân trọng giới thiệu bài viết của PGS.TS Phạm Lê Tuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế về những đóng góp y khoa quan trọng, nổi bật của bác sỹ Vũ Văn Cẩn đối với nền Y học Việt Nam.
Bác sỹ Vũ Văn Cẩn sinh ngày 15/10/1915 trong một gia đình nhà nho nghèo ở xã Bạch Sam, huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên- một vùng quê nổi tiếng văn hiến, giàu truyền thống yêu nước. Ngay từ nhỏ, cậu bé Cẩn đã được gia đình cho đi học chữ và được cả vùng quê này biết đến bởi khả năng thông minh, học giỏi lại chăm chỉ, chuyên cần…Năm 1936, chàng trai Vũ Văn Cẩn thi đậu vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội. Trong những năm tháng trên giảng đường, anh đã rất tích cực tham gia phong trào sinh viên yêu nước. Anh cùng các bạn bè vận động sinh viên truyền bá Quốc ngữ, tuyên truyền nếp sống vệ sinh trong nhân dân lao động…
Cách mạng Tháng Tám thành công mở ra một chân trời mới cho đất nước. Chàng sinh viên Vũ Văn Cẩn gia nhập bộ đội, được cử làm Giám đốc Ban Y tế Giải phóng quân, rồi làm Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn toàn quốc. Với chí tiến thủ, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, ngày 25/3/1946, bác sỹ Vũ Văn Cẩn (lúc này mang quân hàm Đại tá), được Chủ tịch Hồ Chí Minh bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Quân y.
Có thể nói, thời điểm khi bác sỹ Vũ Văn Cẩn bắt tay vào xây dựng thì ngành Quân y đang ở con số không. Thiếu thốn trăm bề, nhưng với sự nỗ lực vượt khó, ông đã cùng đồng đội khắc phục, vượt qua mọi khó khăn thử thách! Bác sỹ Vũ Văn Cẩn là người đóng góp công sức xây dựng nền Y học Quân sự Cách mạng với hai nhiệm vụ cơ bản: Bảo vệ sức khỏe cho bộ đội, cứu chữa, điều trị cho thương, bệnh binh.
Các phương châm sáng tạo của bác sỹ Vũ Văn Cẩn đã góp phần to lớn vào tính hiệu quả hoạt động của ngành Quân y trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ và giai đoạn xây dựng đất nước trong hòa bình. “Lấy chính trị, tư tưởng làm gốc”- Đây chính là phương châm cơ bản của bác sỹ Vũ Văn Cẩn. “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải như người mẹ hiền”, lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã thấm nhuần trong con người ông, để từ đó ông cùng các đồng chí, đồng nghiệp tạo dựng nên một đội ngũ cán bộ Quân y hùng hậu, có chất lượng, “vừa hồng vừa chuyên”.
Với cương vị Cục trưởng Quân y, ông đã có nhiều cống hiến quan trọng không những góp phần hoàn thành nhiệm vụ chính trị của ngành Quân y mà còn dày công vun đắp mô hình kết hợp Quân - Dân y gắn với các hoạt động của ngành Y tế nói chung và ngành Quân y nói riêng. Khi Cục Quân y chuyển lên Việt Bắc, ông tham gia thành lập Phòng Quân y dược, góp phần tạo dựng một đội ngũ cán bộ Quân y kịp thời phục vụ chiến trường ở các thời điểm ác liệt nhất. Trong kháng chiến chống Pháp từ năm 1947-1954, ông trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, phục vụ cứu chữa bộ đội từ các chiến dịch Biên giới, Trung du và đỉnh cao là ông đã chỉ đạo đảm bảo xuất sắc công tác Quân y trong chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Bác sỹ Vũ Văn Cẩn là người rất tâm huyết với việc phối kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền, góp phần đưa y học dân tộc lên tầm cao mới. Với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc tuyên truyền, vận động của ông, mô hình các vườn thuốc Nam đã được phổ biến sâu rộng và được thực hiện trong tất cả các đơn vị, các Viện quân y… Các khoa Y học dân tộc trong các quân y viện, bệnh viện y học dân tộc quân đội đã trở thành nơi chữa trị và chỉ đạo tuyến, đưa chất lượng của việc kết hợp hai nền y học phát triển thêm vững mạnh…
Những tinh hoa của nền y học nước ngoài cũng đã được bác sỹ Vũ Văn Cẩn học tập, ứng dụng linh hoạt và được áp dụng vào thực tế chiến trường tại Việt Nam một cách sáng tạo nhất. Ông và các đồng nghiệp đã góp phần kiến tạo được những bậc thang điều trị có qui tắc, đảm bảo quân y theo khu vực, kết hợp chặt chẽ quân y với dân y, xây dựng ngành khoa học kỹ thuật đầu tiên trong quân đội lên chính quy, hiện đại.
Năm 1971, Bác sĩ - Thiếu tướng Vũ Văn Cẩn được Đảng, Nhà nước trao nhiệm vụ Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế; từ năm 1975 đến 1982, ông giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế. Nhận nhiệm vụ được một thời gian ngắn, cũng là lúc một số địa phương ở miền Bắc phải đối mặt với trận lụt lịch sử. Nhiều tỉnh thành ngập trong biển nước mênh mang, nguy cơ thiếu đói, dịch bệnh cận kề. Thời điểm này, tình hình y tế nông thôn cực kỳ khó khăn, trạm xá, bệnh viện tan hoang, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng…
Bản lĩnh người “Tổng chỉ huy” cầm quân lại được phát huy hơn bao giờ hết! Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã xuống từng địa phương, vừa chỉ đạo trực tiếp vừa “cùng ăn cùng ở” với nhân dân để có được những quyết sách khắc phục kịp thời nhất những khó khăn, tồn tại. Mọi tầng lớp nhân dân lúc đó đã sát cánh cùng cán bộ y tế tham gia phục hồi công tác y tế nông thôn, đẩy lùi dần dịch bệnh. Cũng từ đây, nhiều điển hình, phong trào y tế tại các địa phương đã có chuyển biến tích cực mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Năm 1975, khi đất nước hoàn toàn thống nhất, Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đã khẩn trương cho khảo sát, đánh giá tình hình khám chữa bệnh tại các tỉnh, thành miền Nam để nắm được các vấn đề về dịch bệnh, môi trường sống, tổ chức lại hệ thống y tế cơ sở, đưa hoạt động này nhanh chóng đi vào ổn định… Chỉ một thời gian sau giải phóng, y tế miền Nam đã có những khởi sắc rõ rệt, hòa nhập với hoạt động y tế ở miền Bắc để thành một khối thống nhất, xuyên suốt.
Một dấu ấn của cố Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn mà cho đến nay nhiều người không thể quên, đó chính là phong trào thi đua “Năm dứt điểm” mà ông khởi xướng, nhằm thực hiện các mục tiêu quan trọng của ngành Y tế nước nhà. Phong trào này đã phát triển sâu rộng khắp đất nước, mang lại hiệu quả vô cùng to lớn. Nhận thức về vai trò chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng đã được nâng cao, nhiều mô hình tiên tiến về chăm sóc sức khỏe đã được nhân rộng... Đây là một thành công đáng tự hào của nền Y tế nước nhà, trong đó cố Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn đóng góp phần công sức không nhỏ.
Kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông cũng là dịp để mỗi người thầy thuốc chúng ta thêm tự hào, sống, làm việc có trách nhiệm hơn với sự nghiệp cao cả: Chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe nhân dân.
Cố Bộ trưởng Bộ Y tế, GS Đỗ Nguyên Phương từng kể lại: “Khi anh Vũ Văn Cẩn nhận nhiệm vụ quyền Bộ trưởng Bộ Y tế được ít ngày thì đã phải ứng phó với trận lũ lụt lớn cuối hè năm 1971, tàn phá nặng nề đồng bằng, một phần trung du miền núi phía Bắc. Tình hình y tế nông thôn hết sức khó khăn, phần lớn các công trình vệ sinh, các trạm y tế xã, nhiều bệnh viện và hiệu thuốc huyện bị hủy hoại, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, dịch bệnh đe dọa khắp nơi. Anh đã khẩn trương huy động lực lượng toàn ngành đi đến các vùng lũ lụt. Bản thân anh, vừa chỉ đạo, vừa trực tiếp đến nơi bị thiệt hại nặng nề nhất, ăn, ở tại xã, đến từng thôn, từng nhà, kiểm tra, giúp đỡ khắc phục hậu quả. Anh động viên tinh thần tự lực cánh sinh, vận động mọi tầng lớp nhân dân cùng ngành tham gia phục hồi công tác y tế nông thôn…”.
Quá trình công tác của Bộ trưởng Vũ Văn Cẩn
- 2/9/1945: Giám đốc Ban Y tế Vệ quốc đoàn.
- 3/1946: Đại tá, Cục trưởng Cục Quân y.
- 1960: Thứ trưởng Bộ Y tế.
- 1965: Phó Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần kiêm Cục trưởng Cục Quân y, quân hàm Thiếu tướng.
- 1971: Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, Bí thư Đảng đoàn Bộ Y tế.
- 1975-1982: Bộ trưởng Bộ Y tế.
Khen thưởng:
Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất, các Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba. Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
PGS.TS Phạm Lê Tuấn (Thứ trưởng Bộ Y tế)/Báo Gia đình & Xã hội
Mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ 19 tuổi vào rừng hái lá ngón để ăn
Y tế - 6 giờ trướcDo mâu thuẫn với chồng, người phụ nữ trẻ ở Quảng Nam đã vào rừng hái 6 lá ngón ăn để tự tử, rất may được cứu sống kịp thời.
Ăn thịt chó bị đánh bả, 8 người phải nhập viện
Y tế - 1 ngày trướcSau khi ăn thịt một con chó bị đánh bả, 8 người dân tại TP Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) có biểu hiện sốt, đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy phải nhập viên cấp cứu.
Thanh niên 32 tuổi ở Vĩnh Phúc bị nhồi máu cơ tim vì làm điều này khi tập thể thao
Y tế - 1 ngày trướcGĐXH - Huấn luyện viên thể hình 32 tuổi nhập viện trong tình trạng đau tức ngực dữ dội, khó thở, vã mồ hôi… Ngay khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ bệnh viện E nhận thấy ở người bệnh có những triệu chứng điển hình của nhồi máu cơ tim cấp.
Tai nạn bất ngờ trong vườn nhà khiến người đàn ông trẻ 'chạy không kịp'
Y tế - 2 ngày trướcNam thanh niên 23 tuổi nhập viện cấp cứu trong tình trạng đau đớn, mất vận động đùi trái, xương đùi vỡ nát thành nhiều mảnh sau khi bị cây đổ đè trúng.
Loại thịt khiến anh tử vong, em gái nguy kịch sau khi ăn
Y tế - 2 ngày trướcTrong lúc bố mẹ vắng nhà, 2 anh em ruột ở Đắk Lắk đã bắt cóc làm thịt. Sau khi ăn xong, cả hai đều bị ngộ độc, người anh tử vong còn em gái đang nguy kịch.
Sốt cao liên tục, người đàn ông 36 tuổi nguy kịch vì căn bệnh nguy hiểm này
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH - Bệnh nhân làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với đất và nước ô nhiễm đã tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh Whitmore.
Vi phẫu tạo hình cho bé trai 11 tuổi bị pháo nổ làm vỡ hàm, mất môi và những ca tổn thương nặng vùng hàm mặt
Y tế - 2 ngày trướcGĐXH - Đây là ca bệnh đặc biệt và nhỏ tuổi nhất được thăm khám tại chương trình Phẫu thuật vi phẫu quốc tế được tổ chức thực hiện tại Bệnh viện E.
Nam thanh niên 26 tuổi vào viện tâm thần 2 lần vì sở thích nguy hiểm
Y tế - 2 ngày trướcNam thanh niên 26 tuổi phải vào viện tâm thần 2 lần do thường xuyên hút thuốc lá điện tử pha với cần sa.
Người phụ nữ 41 tuổi ở Phú Thọ vỡ tử cung nguy kịch khi mang thai lần 2
Y tế - 3 ngày trướcGĐXH – Tại bệnh viện, bệnh nhân có biểu hiện choáng, sắc mặt tái nhợt, tim thai giảm thấp, huyết áp không đo được.
Cụ ông mất nửa lượng máu trong cơ thể do mắc sốt xuất huyết
Y tế - 4 ngày trướcGĐXH – Ở ngày thứ 6 của sốt xuất huyết, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nghiêm trọng như sốt cao 39°C, tiểu cầu giảm sâu, xuất huyết tiêu hóa lượng lớn.
Người phụ nữ 50 tuổi ở Hà Nội đeo hậu môn nhân tạo suốt 9 năm do thói quen nhiều người hay mắc phải
Y tếGĐXH - Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Hà Đông trong tình trạng đau bụng cơn vùng hố chậu phải, bí trung đại tiện, khối vùng hậu môn nhân tạo loét sùi, có mùi hôi, chảy dịch.