Nỗi khổ của người phụ nữ không nhớ hết tên con
GiadinhNet - “Cái cần cao thì chưa cao, cái cần thấp thì lại “treo” cao tít”, ông Lương Viết Thuần, Giám đốc Sở Y tế Hà Giang đã hóm hỉnh chia sẻ như vậy khi chúng tôi đến Hà Giang tìm hiểu về công tác dân số trong những ngày giữa tháng 8 vừa qua. “Cái cần cao” mà người đứng đầu ngành Y tế Hà Giang nói đến là chất lượng dân số, những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Còn “cái cần thấp” là mức sinh, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi, dưới 5 tuổi, rồi tảo hôn - kết hôn cận huyết thống - những chỉ số này, từ nhiều năm nay, Hà Giang luôn đứng “top đầu” cả nước…
Người phụ nữ này năm nay 46 tuổi, 13 lần mang thai, 12 lần sinh, 1 lần chết hụt vì phá thai to và đã mất 2 đứa con vì nghèo đói. Chuyện bà sinh quá nhiều, thậm chí còn ám ảnh, đeo bám tâm trí của những người con…

46 tuổi, 13 lần mang thai
Từ trung tâm TP Hà Giang, chúng tôi ngược 46km lên huyện vùng cao Quản Bạ. Đi cùng tôi là anh Lý Chí Phương – Phó Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh. Anh Phương cho biết: Năm 2014, tỷ lệ sinh của huyện là gần 24%o, tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên gần 17%. Báo cáo thống kê của huyện Quản Bạ cho con số 14 cặp tảo hôn, 1 cặp kết hôn cận huyết thống trong năm.
Sau hơn 1 tiếng rưỡi “phi xe” đến thị trấn Tam Sơn, huyện Quản Bạ, anh Phương “bàn giao” tôi cho anh Hà Xuân Hảo – cán bộ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện với “lời hẹn”: “Tìm cho nhà báo gia đình nào sinh đông con nhất huyện nhé”. Anh Hảo cười bảo: “Vào xã Thái An thôi. Có trường hợp một phụ nữ 46 tuổi mới sinh con thứ 12 đấy!”.
Thái An là xã xa nhất huyện, cách trung tâm 31 cây số đường đèo, đi xe máy nếu quen đường sẽ hết khoảng 1 tiếng rưỡi. Vừa đi đường, anh Hảo vừa tranh thủ “trích ngang hồ sơ” về trường hợp này. Đó là gia đình ông Sùng Mí Cho và bà Hạ Thị Chợn (46 tuổi, dân tộc Mông, ở thôn Cán Hồ). Hiện đây là gia đình sinh đông con nhất huyện.
Trước khi vào thôn, chúng tôi ghé qua UBND xã. Chị Đinh Thị Toán, Phó Chủ tịch UBND xã tiếp chuyện chúng tôi. Dù là người ngoại tỉnh, mới nhận công tác tại xã vài năm nhưng chị Toán có thể kể vanh vách từng hộ gia đình tại xã khó khăn nhất huyện này, đủ thấy chị tâm huyết với người dân, với ngành Dân số nơi đây ra sao. Chị cho biết, xã có hơn 400 hộ, với hơn 3.000 dân. Tính ra, mỗi hộ có tới hơn 7 người. Chuyện sinh đông con, sinh con thứ 3 trở lên ở xã vẫn còn. Có thôn cũng đề ra trong hương ước, quy ước hình thức xử lý rất nghiêm khắc khi sinh con thứ 3, thứ 4... nhưng công cuộc giảm sinh ở đây vẫn còn “nan giải lắm”.
Sinh nhiều nên không nhớ hết tên con!
Chúng tôi đã “rủ rê” anh Sùng Mí Páo (28 tuổi) – con trai cả của bà Chợn - ông Cho (hiện là cán bộ phụ trách công tác dân tộc tại UBND xã) về nhà bố mẹ đẻ, nhưng vì nhiều lý do, anh Páo không đi cùng được. “Dù hiện tại mẹ có 10 người con, 5 trai – 5 gái, nhưng sự thật thì mẹ mang thai tới 13 lần, sinh ra 12 đứa. Không lần nào mẹ đi khám thai”, anh Páo nói.
Anh Páo kể, cũng vì mẹ sinh quá nhiều con, nên anh em nhà anh hầu như... tự lớn lên. Tôi cười hỏi anh, liệu có khi nào bố mẹ anh quên tên các con không. “Có chứ! Có nhầm đấy! Đông thế cơ mà!”, anh Páo cười. Nói là xấu hổ thì hơi quá, nhưng dường như chuyện bố mẹ anh sinh quá nhiều con đã trở thành nỗi ám ảnh đối với người con trai cả này. Anh kể, sinh đông con, nhà anh nghèo đến mức đã có một người em (1 tuổi) mất vì suy dinh dưỡng nặng, còn một em khác (5 tuổi) bị mụn nhọt đầy người, không chữa được do không tới bệnh viện nên cũng ra đi.
Sau khi mẹ anh sinh đứa con thứ 11 (năm 2009), anh đã chính thức “nói chuyện” với mẹ anh về chuyện nên dừng việc sinh đẻ. Nhưng bà để ngoài tai, chỉ mấy năm sau, mẹ anh lại mang thai lần thứ 12 khi đã ngoài 40 tuổi. Khi thai được 7 tháng tuổi, không hiểu vì nghe ai xúi giục, mẹ anh đã uống thuốc cho thai tự hủy. “Mẹ không cho ai biết chuyện. Đến khi phải đi cấp cứu vì thai dù đã chết vẫn không ra được, mẹ lại bị chảy máu nhiều, suýt chết”, anh Páo xót xa kể lại.
Tưởng rằng mẹ anh sẽ từ bỏ ý định sinh con tiếp, nhưng đến năm 2013, bà lại mang thai lần thứ 13 và sinh em út. “Thậm chí các con tôi còn nhiều tuổi hơn cả em út của tôi”, anh Páo cười buồn. “Nhìn cảnh mẹ lam lũ vất vả nên sau khi vợ tôi sinh đứa con thứ 2 mấy tháng, tôi đã động viên cô ấy đi đặt vòng ngay trong đợt Chiến dịch vừa rồi, không thể để các con tôi chịu nỗi khổ vì đông con - nghèo đói như chúng tôi đã từng chịu được!”, anh Páo chia sẻ trước khi chúng tôi chia tay để vào thăm nhà bà Chợn…
Vòng luẩn quẩn
Bà Chợn không biết nói tiếng Kinh. Đến thăm hộ gia đình bà Chợn cùng tôi và anh Hảo, còn có anh Lùng và một chị Phó Chủ tịch hội Phụ nữ xã.
Tới cuối thôn, nếu không được anh Lùng chỉ tay lên ngôi nhà thấp thoáng phía trên một đồi đất thì tôi cũng không biết, bởi nhà không hàng rào, không cổng, và cả... không có cả lối lên vì xung quanh um tùm cỏ. Vì tới thăm nhà lúc gần trưa, nên chúng tôi không gặp được ông Sùng Mí Cho – chủ nhà và đầy đủ các cháu bởi ông Cho đi làm nương từ sớm. Nhà lúc đó chỉ có bà Chợn và hai đứa con ít tuổi nhất. Cũng như nhiều ngôi nhà trình tường khác của người Mông, ba gian nhỏ xíu nhà bà Chợn được dựng sát đất. Trong nhà, chỉ vẻn vẹn chiếc giường nhỏ xíu kê khuất, nền đất mấp mô ổ gà, ánh sáng lọt qua khe cửa chính khép hờ. Ba gian nhà trống hoác đến mức ước chừng lũ trẻ con có bò, trườn, chạy rượt đuổi nhau trong nhà cũng chẳng lo vấp phải thứ đồ đạc nào, ngoài cái bếp lửa buộc phải có và cột to nhất trong nhà để chôn rau đứa con trai khi sinh ra (theo phong tục người Mông). Như biết được suy nghĩ của tôi, anh Hảo xót xa: “Thế mà 12 đứa trẻ đã ra đời, lớn lên trong ngôi nhà này”. Thứ có giá trị “an ủi” nhất trong ngôi nhà bà Chợn là tờ giấy chứng nhận tham gia một cuộc thi của Trường Trung cấp Y tế Hà Giang cấp cho người con trai thứ 2 của bà.
Bà Chợn ngồi trước mặt tôi, lưng địu con út mới tròn 1 tuổi đang ngủ, vừa thoăn thoắt tách hạt bắp ngô vàng mới phơi khô, vừa nói chuyện với con gái áp út tháng 9 này vào lớp 1 nhưng còm nhom trông như em bé 4 tuổi. Chị phiên dịch bảo, ngô này cho gà ăn. “Vậy bà Chợn nuôi con bằng gì khi quanh năm chỉ mang thai rồi sinh đẻ?”, tôi hỏi. “Cũng bằng ngô này thôi! Cùng với rau, quanh năm lũ trẻ chỉ biết mèn mén. Có bao giờ biết mùi thịt, cá gì đâu! Có khi chỉ có Tết mới biết đến thịt mỡ”, chị phiên dịch nói.
Bà Chợn không nhớ nổi chính xác mình sinh năm bao nhiêu, chỉ ước chừng năm nay 46 - 47 tuổi. Nhưng vẻ ngoài của người phụ nữ 13 lần mang thai này lại cho người đối diện cảm giác bà đã ngoài 60, với lưng còng, gày gò, nhăn nheo, hàm răng đã rụng khá nhiều. Bà cũng không nhớ gia đình mình là hộ nghèo từ năm nào, bởi... “lâu quá rồi”! Loanh quanh vài câu hỏi về ngày mùa, con cái đi học, rồi nhắc tới chuyện sinh con đông, bà có vẻ ngại ngùng. Trước khi rời khỏi căn nhà lụp xụp cuối thôn đó, tôi hỏi người phụ nữ dân tộc Mông này có ý định sinh thêm con nữa hay không, sự hồn nhiên của bà khi đáp lời khiến chúng tôi ám ảnh mãi, rằng ngày trước thì nhất định phải “đẻ cho hết trứng thì thôi”, nhưng cả năm nay không thấy “cái ấy” (kỳ kinh nguyệt) trở lại, chắc không đẻ được nữa rồi! Tôi cùng anh Hảo trộm nghĩ: “Không chừng bà lại có thêm đứa con thứ 14…”(?!).
Anh Lý Mí Lùng cho hay: Tại xã Thái An, không ít gia đình sinh tới con thứ 7, thứ 8, hầu hết đều là những người trên 40 tuổi. “Vận động, tuyên truyền cho những đối tượng này rất khó, không như với những người trẻ tuổi như thế hệ chúng tôi. Họ cũng rất ngại đến Trạm Y tế xã để khám thai, đặc biệt là lần sinh thứ 3 trở lên, một phần vì xấu hổ, tự ti, thậm chí là... sợ bị phát hiện. Thêm nữa, người dân tộc Mông vì quan niệm cũ không muốn ai nhìn thấy “chỗ ấy” của phụ nữ ngoài chồng, kể cả cán bộ y tế. Đó là lý do họ vừa không đi khám thai, không muốn đến cơ sở y tế đẻ, thậm chí, không đặt vòng tránh thai”, anh Lùng chia sẻ.
(còn nữa)
Võ Thu/Báo Gia đình & Xã hội

Tầm quan trọng của việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc
Dân số và phát triển - 10 phút trướcGĐXH - Trong bối cảnh Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh chóng, việc chuyên nghiệp hóa nghề chăm sóc được xác định là một trong những giải pháp chiến lược để bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi, đồng thời thúc đẩy bình đẳng giới và phát triển kinh tế xã hội bền vững.

Ung thư vú có di truyền không?
Dân số và phát triển - 2 giờ trướcTheo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ung thư vú là loại ung thư thường gặp nhất và gây tử vong cao nhất trong các loại ung thư ở nữ giới. Tại Việt Nam, ung thư vú cũng là loại ung thư có tỷ lệ mắc cao nhất. Vậy ung thư vú có di truyền không và làm cách nào để tầm soát ở giai đoạn sớm?

Cực hiếm: Người phụ nữ mang 4 thai tự nhiên
Dân số và phát triển - 16 giờ trướcGĐXH - Theo các bác sĩ, đây là một tình huống đặc biệt hiếm trong sản khoa, với tỷ lệ gặp chỉ khoảng 1/700.000 – 1/800.000 ca mang thai tự nhiên.

Bất ngờ với lý do người vợ trẻ ôm tờ xét nghiệm ADN khóc nức nở
Dân số và phát triển - 1 ngày trướcSau 4 giờ dài dằng dặc chờ đợi kết quả ADN nhưng mọi chuyện không thuận theo mong mỏi, người phụ nữ trẻ ôm tờ kết quả xét nghiệm, gục đầu khóc nức nở.

Bé gái ở Phú Thọ chào đời với cân nặng 5kg
Dân số và phát triển - 2 ngày trướcGĐXH - Sau sinh, trẻ hồng hào, khóc to, phản xạ tốt. Được biết, trong suốt thai kỳ, sản phụ tăng 20kg và hoàn toàn khỏe mạnh.

5 bí quyết chăm sóc ngực mẹ sau sinh giúp tránh tắc tia sữa, nứt núm vú
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcTắc tia sữa, nứt núm vú là tình trạng phổ biến, gây đau đớn và ảnh hưởng đến quá trình nuôi con bằng sữa mẹ. Tuy nhiên, chỉ với vài thói quen chăm sóc ngực đơn giản mỗi ngày, mẹ hoàn toàn có thể phòng tránh hiệu quả.

Tiếng khóc của trẻ báo hiệu bệnh lý, cần cho trẻ kiểm tra sớm
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcGĐXH - Theo nghiên cứu, trẻ sơ sinh có thể phát ra từ 5 đến 7 loại tiếng khóc khác nhau, tương ứng với các nhu cầu và cảm xúc khác nhau...

Mẹ bị viêm tuyến vú có cho con bú được không?
Dân số và phát triển - 4 ngày trướcViêm tuyến vú không những gây khó khăn, đau đớn khi cho con bú mà còn dễ có nguy cơ nhiễm trùng áp-xe vú nếu không được điều trị kịp thời. Vậy mẹ có nên cho con bú khi bị viêm tuyến vú không?

10 dấu hiệu của ung thư tuyến tiền liệt có thể nhầm lẫn với bệnh lý khác
Dân số và phát triển - 5 ngày trướcUng thư tuyến tiền liệt thường xuất hiện với những triệu chứng khó nhận biết, dễ bị nhầm lẫn với các vấn đề sức khỏe ít nghiêm trọng hơn. Đừng bỏ qua những 10 dấu hiệu dưới đây, bởi việc phát hiện sớm có ý nghĩa quyết định trong điều trị.

Cholesterol cao có thể gây ra rối loạn cương dương?
Dân số và phát triển - 6 ngày trướcNồng độ cholesterol cao không chỉ đe dọa tim mạch mà còn là thủ phạm thầm lặng gây rối loạn cương dương. Tìm hiểu mối liên hệ mật thiết này để bảo vệ sức khỏe nam giới toàn diện hơn.

Giao lưu trực tuyến: Chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên và tầm quan trọng của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn
Dân số và phát triểnGĐXH - Theo các chuyên gia, sức khỏe sinh sản của vị thành niên, thanh niên được coi là một trong những yếu tố quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng dân số, chất lượng nguồn nhân lực và tương lai của giống nòi.