Nơi ta trở về
GiadinhNet - Tôi lại về quê tôi xứ Nghệ, mảnh đất nghèo khó mà son sắt thủy chung, mà gừng cay muối mặn. Dòng sông Lam đỏ rực ráng chiều. Con đò dọc xuôi dòng, nhẹ bâng như chiếc lá. Ai thả xuôi dòng nước câu ví dặm, nghe thiết tha và khắc khoải: “Là người ơi!... . Người khát nước, sông không khát nước. Sông khát bóng anh, sông hát câu hò. Bấy lâu ni anh vui thú nơi mô mà bỏ thân em vò võ, canh khuya một mình”.
Chao ơi là ví, giặm! Phải là những câu dân ca sinh ra từ tình yêu và hát về tình yêu mới tha thiết và mặn mòi đến thế. Sông hát hay em hát? Sông mong tôi hay em đợi tôi? Và tôi đã về đây, bàn chân rưng rưng bước trên đường làng, con đường mỗi sớm mai tôi đi học, vừa đi vừa nhẩm bài, không nhìn đường mà vẫn đến đúng cổng trường, đúng giờ trống giục học trò vào lớp.
“Làng tôi có cây đa cao ngất tầng xanh, có con sông lờ lững vờn quanh, êm xuôi về Nam. Làng tôi bao mái tranh san sát kề nhau, bóng tre ru bên mấy hàng cau. Đồng quê mơ màng”. Đó là bài hát tuổi thơ tôi, cũng là bài hát tôi mang theo một thời trận mạc. Làng tôi xưa như cái bàn cờ, bốn phía có lũy tre bao quanh. Qua nhiều đời người, nhiều thế hệ, tre chen nhau mọc chi chít, thành chiến lũy bất khả xâm phạm, đạn bắn không thủng, lửa đốt không cháy. Tre ngăn gió bão, ngăn giặc giã, che chở sự yên bình của làng tôi. Cổng chính của làng hình vòm, xây bằng đá xanh. Trên nóc cổng có cây si già, buông xuống những chùm rễ như chòm râu của ông tiên nghìn tuổi. Người già làng tôi nhìn rễ si biết sắp tới trời mưa hay nắng để quyết định việc đồng áng, trỉa lạc hay trồng ngô, trồng khoai hay gieo mạ. Trước cổng làng có tấm bia bằng đá xanh, khắc hai chữ “Hạ mã” (xuống ngựa). Quan to mấy vào làng cũng phải xuống ngựa. Bởi phía trong tấm bia này là cương vực của một miền quê, có thần phật, có nền văn hóa ẩn tàng qua mấy nghìn năm mà cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng đã viết: “Nước đã nhiều phen bị mất, nhưng làng có bao giờ mất đâu”. Phía sau cổng làng là điếm canh, đêm đêm vang lên tiếng mõ cầm canh. Cốc cốc – canh một, mẹ dậy thắp đèn rải lá dâu lên nong tằm. Mùi lá dâu non ngai ngái. Tiếng tằm ăn rỗi rào rào như tiếng mưa. Cốc cốc – canh ba, mẹ đánh thức tôi dậy học bài. Ngọn đèn dầu le lói. Tôi vừa lẩm nhẩm học bài thuộc lòng vừa dụi đôi mắt cay xè. Cốc cốc – canh tư, mẹ dậy nổi lửa thổi cơm để bố ăn đi cày sớm. Gạo quê nấu trong nồi đất, đun bằng lửa rơm, vùi trong tro than, mở vung ra là mùi cơm thơm lừng cả ngõ xóm.
Ngày tôi nhập ngũ, mẹ đưa tôi qua cổng làng rồi níu tay tôi đứng lại và dặn: “Cổng làng ta đây. Cây đa làng ta đó. Con nhé!”. Lòng yêu nước không bao giờ là một khái niệm mơ hồ, chung chung mà là cây đa, bến nước, sân đình, là dáng mẹ trên đồng chiêm trũng. Tôi đã có câu thơ: “Hạt gạo nặng là bao lăm/ Mà còng lưng mẹ những năm đói nghèo”.
Và dáng em nữa. Ngày tôi cầm súng ra đi, em đứng bên cổng làng, nhìn theo đoàn quân, khóc lặng lẽ. Đất nước từng có những năm lớp lớp những đoàn quân từ lũy tre làng ra đi và những cô gái đứng nhìn theo, khóc một cách nghiêm trang như thế. Buổi sớm tôi đi, thành phố Vinh đang ngùn ngụt cháy. Máy bay giặc vừa trút bom xuống kho xăng dầu Bến Thủy. Băng qua quầng khói lửa ấy, tôi đi thẳng vào mặt trận. Một đời lính đánh 4 loại giặc: Giặc Mỹ, giặc Ngụy, giặc Pôn Pốt, và giặc phương Bắc. Hết giặc, tôi cầm bút, lấy con chữ nuôi một đàn con khôn lớn trưởng thành. Tóc bạc nửa đầu tôi lại về làng. Nhưng làng tôi giờ không còn nữa. Làng mất rồi – mất thật rồi. Lũy tre đã bị chặt hết. Người ta nói rằng vì người đẻ ra nhiều quá, trong lũy tre không đủ đất thổ cư. Cổng làng đã bị đập rồi. Cây đa cũng đã bị đốn hạ rồi. Người ta nói rằng đường làng chật quá, muốn mở rộng đường thì phải chặt cây phá cổng thôi. Anh bạn tôi từng có một bài thơ về làng, đẹp như tranh thủy mặc: “Chiều/ Người chăn bò, lùa bò về làng/ Bỏ quên chiều trên cỏ/ Nắng như bầy nai/ Tung tăng chơi với gió/ Tiếng chuông chùa xa trong ráng đỏ/ Ngân nga rủ chiều về…”.
Tác giả bài thơ này về làng, nhìn ngơ ngác và than thở: “Thế này là đổi mới ư? Toàn nhà bê tông trắng phếch, một lối kiến trúc trọc phú, hợm của, chẳng ra thể thống gì”. Không còn lũy tre, làng trơ ra, gió bấc hun hút, rét từ trong gan ruột rét ra. Tôi không tin như thế là đổi mới. Người Nhật đổi mới trước chúng ta hàng thế kỷ và giàu gấp nghìn lần chúng ta. Vậy mà làng cổ của họ vẫn nguyên xi, kịch nô của họ vẫn nguyên xi, trà đạo của họ vẫn nguyên xi. Hội An không có ngôi nhà tầng nào kệch cỡm như thế này, nhưng mới hơn chúng ta hàng trăm lần, một sự đổi mới trong tầng sâu văn hóa, khiến nhân loại phải ngưỡng mộ.
Ngày xưa, vào dịp áp Tết như thế này, cứ tối đến là làng nổi tù và, nhắc mọi nhà đi cắt cỏ cho trâu. Người ăn Tết thì trâu bò cũng được ăn Tết. Bảy ngày Tết là bảy gánh cỏ. Đó là con người trả cái ơn trâu bò, sau một năm kéo cày nặng nhọc. Sáng Mùng 1 Tết, mẹ sai tôi đem bánh chưng cho trâu ăn. Tôi cầm miếng bánh chưng đút cho trâu. Con trâu nhai chậm rãi như để kịp ngấm cái vị tươi xanh của lá dong và cái hương thơm của nếp quê. Nó vừa nhai vừa thè cái lưỡi ấm rực liếm bàn tay tôi, trìu mến và thân thiết. Trâu bò là người bạn của nhà nông. Giờ về làng, thấy nhà nông ít bạn thế.
Ngày xưa, bố mẹ tôi yêu nhau từ đêm ví giặm. Mẹ tôi hát rằng: “Cô Xuân, đi chợ Hạ, mua cá Thu, cô về chợ hãy còn Đông. Hỏi chàng đối được hay không. Nếu chàng đối được thì làm chồng của em”. Bố tôi hát rằng: “Anh Nam, buôn thuốc Bắc, với thuốc Tây, anh đi từ buổi hừng Đông, anh về ráng đỏ mặt sông. Người ơi, tôi đã đối xong. Hỏi người thách đối mần răng bây chừ”. Một vế hát đối mà có 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Người đối lại trong câu hát có 4 hướng Nam, Bắc, Tây, Đông. Chỉ ví giặm mới vừa dân dã lại vừa bác học như vậy. Phải là một tâm hồn thật ung dung thư thái và thật phong phú mới có những câu hát như thế. Giờ về làng, thấy nhà cửa sáng choang mà không thấy sự ung dung thư thái của con người. Chân người bước không bén đất. Xe máy chạy như ăn cướp. Nhìn mặt người không thấy nụ cười. Chân ai cũng vội vã. Mặt ai cũng đăm chiêu, đầy những toan tính, so đo hơn thua từng đồng bạc. Ngày xưa, đêm Ba Mươi làng đầy ắp tiếng chuông, chuông chùa, chuông đền thờ Thành Hoàng, chuông trong đền thờ các dòng tộc. Chuông của các dòng họ to nhỏ, thanh trầm khác nhau. Nghe tiếng chuông, ông nội tôi biết dòng họ nào đang tế. Cũng nghe tiếng chuông, ông tôi biết dòng họ ấy năm vừa qua thăng hay trầm, buồn hay vui. Giờ đêm Ba Mươi ít còn tiếng chuông nữa. Trai đinh các dòng họ không vào từ đường tế lễ mà ngồi bên chai rượu, bên cỗ bài tá lả. Đổi mới là một thành tựu vĩ đại của đất nước, nhưng với văn hóa, bản sắc của làng không phải như thế này. Đổi mới cũng phải làm cho làng trở thành chính nó, càng là chính nó, chứ không phải đánh mất cả ký ức như thế này. Xây một khu phố có khó gì đâu. Cả một khu đô thị Mỹ Đình hoành tráng là thế mà chỉ làm trong 5 năm là xong. Thậm chí không cần xây dựng gì cả mà chỉ cần đổi huyện thành quận, đổi xã thành phường là có phố. Nhưng để xây dựng một ngôi làng thì công phu lắm. Ngoài công của, còn cần có một tình yêu thật lớn và phải mất nhiều năm mới làm được. Một dân tộc, nếu đánh mất ký ức thì lấy gì để hội nhập với thế giới, lấy gì để chứng minh ta là Việt Nam?.
Khi nước Anh tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Mác đã viết rằng: “Những nhà máy đua nhau mọc lên, những công trường mở ra, đường bộ, đường thủy chằng chịt, khắp nơi bến sông bãi biển, ngã ba ngã tư là những thị trấn, những phố xá, đất đai trồng trọt bị thu hẹp, đồng cỏ biến mất, đàn cừu chết đói, từ các làng mạc thôn dã, lũ lượt từng đoàn người kéo nhau ra thành thị kiếm ăn, nạn thất nghiệp hoành hành, trộm cắp nổi lên, chính quyền bị phân hóa, một bộ phận lớn lưu manh hóa”. Đó là những lời tiên tri của bậc thiên tài. Trai gái làng tôi cũng lũ lượt ra thành thị kiếm ăn. Đi hết. Làng chỉ còn người già, ngồi kể về đồng lúa, về đàn cò trắng như kể chuyện cổ tích. Ruộng đất đã biến thành sân Golt, thành khu công nghiệp. Không còn ruộng thì biết sống bằng gì? Và trai gái làng tôi buộc phải tha phương. Người nông dân gắn chặt với ruộng đất. Còn ruộng thì còn làng, mất ruộng thì mất làng. Các nhà xã hội học quốc tế đến Việt Nam thường đặt câu hỏi: “Cái làng Việt sẽ đi về đâu?”. Bức ảnh một cái cổng làng Việt đã được giải thưởng lớn tại cuộc thi ảnh Quốc tế được tổ chức ở Nhật Bản. Khi trao giải thưởng, ông Chủ tịch Hội đồng giám khảo hỏi tác giả: “Cái cổng làng ấy giờ còn không?”. Thưa rằng, không. Cái cổng làng ấy đã bị đập phá rồi. Khi trông thấy cảnh này, người chụp ảnh cổng làng đã khóc đau đớn như vừa mất một người thân yêu nhất.
Lỗi không thuộc về đường lối đổi mới mà thuộc về người thực thi đổi mới. Nhất định phải đổi mới. Sấp mặt làm ruộng mãi rồi mà có giàu đâu. Nhưng đổi mới cần có bước đi thông minh và thích hợp. Hơn 70% người Việt Nam là nông dân. Người nông dân Việt Nam có biết đánh golf đâu mà sao xây dựng nhiều sân Golt thế. Đổi mới là một khoa học, trong đó quy hoạch là điều căn bản nhất. Phố nào cũng được quy hoạch, thậm chí có phố được quy hoạch đi, quy hoạch lại nhiều lần. Còn làng Việt thì không được quy hoạch, mạnh ai nấy làm, làm tùy hứng, làm tùy thích nên các ngôi làng Việt cứ dần biến mất. Người ta quá chú ý đến GDP, đến vàng và ngoại tệ mà quên mất một thứ còn quý hơn cả vàng, đó là làng.
Rời khỏi rừng già và những thung lũng đầy thú dữ, tổ tiên ta tiến về đồng bằng, đi một bước lại dựng lên một ngôi làng, là những đơn vị hành chính đầu tiên của người Việt. Đời sau tiếp đời trước xây dựng, đắp đê và đào mương, trồng tre và làm nhà, tạo nên những thôn làng đầm ấm và trù phú, có bóng tre xanh ru những hàng cau, có làn khói xanh vờn quanh mái bếp, có tiếng gà cục tác mỗi ban trưa. Không đánh mất những cái đó, chúng ta có đổi mới được không? Thưa rằng, được. Chắc chắn được. Không những được mà còn rất được. Vậy, cớ gì chúng ta lại để mất làng?
Tôi thắp nén nhang trên ban thờ gia tiên để kính cáo với các cụ là một đứa con của dòng tộc đi xa đã trở về hương khói cho tổ tiên khi năm mới Ất Mùi đang đến. Không gian yên ắng quá. Sao tôi thèm nghe một tiếng chuông chùa đến thế.
Những ngày này, người ta đã viết rất nhiều về thành tựu của 30 năm đổi mới. Đó là bức tranh tươi sáng, rất đáng tự hào. Ba mươi năm đổi mới, bộ mặt Việt Nam đã thay đổi hẳn, tầm vóc Việt Nam cũng đã thay đổi hẳn, dân giàu hơn, nước mạnh hơn, vị trí của Tổ quốc đã lớn hơn trên trường quốc tế. Chúng ta biết chắc chắn sẽ đến đâu và cũng biết phải đi từ đâu. Đổi mới không chỉ nâng cao tầm vóc Tổ quốc mà đến hạt gạo tám xoan, con cá basa bây giờ cũng mang một vị thế mới. Câu ví giặm ngày xưa bố mẹ tôi hát dưới mái đình, bên lũy tre giờ cũng mang một vị thế mới. Ngày 27/11/2014, UNESCO đã công nhận ví, giặm Nghệ Tĩnh là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Trong nhịp sống sầm sập kiếm tiền và hối hả làm giàu, UNESCO lại nhắc chúng ta phải nhớ tới nguồn cội, phải gìn giữ văn hóa dân tộc. Không gian mà câu ví giặm sinh ra là làng. Không có lũy tre, bến nước, sân đình thì người ta hát ví giặm ở đâu? Tôi có lo lắng quá không khi đứng giữa cái làng Việt không còn lũy tre, không cây đa, không hàng cau, không sân đình. Có lẽ là tôi lo lắng hơi thái quá. Đảng đã đưa một dân tộc rũ bùn đứng dậy để thoát nghèo, để trở nên giàu mạnh thì hẳn Đảng quang vinh của chúng ta cũng sẽ biết cách làm cho Tổ quốc Việt Nam ta càng Việt Nam hơn. Nếu không thì ta biết về đâu? Vì ai ra đi rồi cũng phải trở về.
Các nhà xã hội học quốc tế đến Việt Nam thường đặt câu hỏi: “Cái làng Việt sẽ đi về đâu?”. Bức ảnh một cái cổng làng Việt đã được giải thưởng lớn tại cuộc thi ảnh Quốc tế được tổ chức ở Nhật Bản. Khi trao giải thưởng, ông Chủ tịch Hội đồng giám khảo hỏi tác giả: “Cái cổng làng ấy giờ còn không?”. Thưa rằng, không. Cái cổng làng ấy đã bị đập phá rồi. Khi trông thấy cảnh này, người chụp ảnh cổng làng đã khóc đau đớn như vừa mất một người thân yêu nhất.
Hoàng Hữu Các
5 kiểu trẻ em khiến cha mẹ 'phát điên' nhưng lớn lên lại dễ thành công hơn bạn bè cùng trang lứa
Nuôi dạy con - 1 giờ trướcGĐXH - Thực tế, có những khuyết điểm ở trẻ không thực sự là khuyết điểm mà lại là dấu hiệu cho thấy trẻ rất có triển vọng trong tương lai.
Chồng qua đời để lại sổ tiết kiệm 6 tỷ đồng, vợ đi rút tiền thì ngân hàng thông báo: Chị không có quyền nhận tiền!
Chuyện vợ chồng - 12 giờ trướcThông báo của ngân hàng khiến người phụ nữ vô cùng bất ngờ. Trước đó, chị đã cung cấp đủ giấy tờ liên quan theo quy định của pháp luật.
Phụ nữ thuộc 4 cung hoàng đạo này sở hữu khí chất, thần thái khó ai bì kịp
Gia đình - 17 giờ trướcGĐXH - Thần thái quyết định phần lớn vẻ đẹp và sức hút của một người. Những cung hoàng đạo có sở hữu thần thái đặc biệt dưới đây có thể khiến cánh mày râu đổ rạp dưới chân mình.
Cưới 15 ngày, vợ nhất quyết không thay quần áo khi ngủ, bắt tắt đèn lúc lại gần: Chồng bí mật tìm hiểu, run lên với điều nhìn thấy
Chuyện vợ chồng - 18 giờ trướcNgày thứ 15 về chung nhà, chồng chuộc say vợ để tìm hiểu sự thất.
Nhìn cách trả lời khi được khen là biết người đó EQ thấp hay cao
Gia đình - 21 giờ trướcGĐXH - Khi đáp lại một lời khen ngợi, người EQ thấp thường tự cao, kiêu ngạo, còn người EQ cao sẽ thể hiện sự khôn khéo.
Mẹ vợ đột tử khi bắt gặp con rể ngoại tình, chuyện chia tài sản gây phẫn nộ
Gia đình - 23 giờ trướcBắt gặp con rể ngoại tình, mẹ vợ bị đột quỵ và qua đời tại chỗ, điều khiến dân mạng Trung Quốc phẫn nộ sau đó anh ta vẫn được tòa cho thừa kế tài sản của bà.
8 điều hối tiếc nhất đời người, biết sớm để sau này không phải nói 'giá như'
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Chúng ta chỉ có khoảng 4.000 ngày thứ Hai để sống. Dù số ngày thứ Hai nhiều hay ít, bạn nên sống một cuộc sống "không phung phí".
Bức ảnh 'con rể giống bố vợ' khiến dân mạng xôn xao, người trong cuộc bối rối
Gia đình - 1 ngày trướcCâu chuyện con rể có ngoại hình giống bố vợ khiến người trong cuộc vừa vui, vừa có chút bối rối.
4 con giáp yêu là cưới
Gia đình - 1 ngày trướcGĐXH - Có những con giáp ngay từ đầu đã yêu một cách rất nghiêm túc, yêu là để kết hôn chứ không phải yêu chơi rồi để đấy.
Đường về nhà chỉ 20km, người đàn ông mất 70 năm tìm
Gia đình - 1 ngày trướcĐến ngày đoàn tụ, người đàn ông mới nhận ra nhà của bố mẹ đẻ chỉ cách nơi ông đang sống 20km.
Người EQ đặc biệt thấp rất dễ nhận diện vì họ thường dùng 8 cụm từ này khi giao tiếp
Gia đìnhGĐXH - Chuyên gia tâm lý nổi tiếng chỉ ra một số cách nói mà người EQ thấp thường sử dụng khi giao tiếp.